Tảng đá hình nút chai
Các trình thuật về ngôi mộ trống trong Tin Mừng Nhất Lãm[1] nói rằng tảng đá được lăn ra (roulée). Trái lại, Tin Mừng Thánh Gioan (Ga 20, 1[2]) nói rằng tảng đá được cất khỏi (enlevée) mộ. Các nhà chuyên môn đã đưa ra những giả thuyết khác nhau về hình dáng của tảng đá lấp cửa mộ. Nó có dạng hình tròn hay là tảng đá được đẻo gọt giống như cái nút chai rượu ?
Câu trả lời có lẽ được tìm thấy trong từ Hy Lạp đã được các tác giả Tin Mừng sử dụng. Tin Mừng Nhất Lãm dùng động từ Hy Lạp là kulio (κυλιώ), có nghĩa là tảng đá được lăn ra. Trong Mc 15, 46[3], khi ông Giuse Arimathia đặt xác Chúa Giêsu trong ngôi mộ được đục sẵn, tác giả Tin Mừng viết rằng người ta đã lăn tảng đá lấp cửa mộ. Từ được dùng là kulio, có nghĩa là “lăn dọc theo”.
Trong Tin Mừng Thánh Gioan không thấy nói gì đến tảng đá được lăn ra. Từ Hy Lạp được dùng là hairo (αιρώ), có nghĩa là “lấy ra, cất khỏi”. Như thế, theo Tin Mừng này, tảng đá có hình dạng nút chai. Thánh Gioan có tiết lộ chi tiết gì khác với những tác giả Tin Mừng khác không?
Các bằng chứng khảo cổ nghiêng chiều về tảng đá có hình dạng nút chai. Nhà khảo cổ học Amos Kloner cho biết rằng trên 900 hang mộ có từ thời Đệ Nhị Đền Thờ, chỉ có 4 cái là được đậy bằng tảng đá hình dĩa tròn. Những ngôi mộ loại này được dành cho các gia đình rất giàu có hay hàng quý tộc. Dường như ngôi mộ của Chúa Giêsu khó lòng được xếp vào hạng nhân vật cao cấp.
Jérôme Martineau
– Ngày thứ nhất trong tuần, Maria người Magđala đi đến mồ lúc sáng sớm, trời vẫn còn tối, và thấy viên đá đã cất khỏi mồ. (Bản dịch của Lm. Nguyễn Thế Thuấn)
– Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. (Bản dịch của Nhóm PVCGK)
– Ngày Chúa Nhật, bà Maria Mađaliên tới mồ, lúc sáng sớm, khi trời còn tối. Bà nhận ra tảng đá đã lăn khỏi mồ. (Bản dịch của Lm. An Sơn Vị)
Tảng đá hình dĩa tròn