Là người Công giáo có lẽ chúng ta đã một lần được các bạn không cùng chung niềm tin hỏi về việc người Công giáo đón Tết như thế nào? Hay nếu là một người ngoại đạo, hẳn bạn cũng sẽ có không ít thắc mắc về vấn đề nêu trên.
Tết là một dịp lễ lớn đối với người Việt. Ngày Tết là sự hội tụ của phong tục và những nét đẹp văn hóa. Đối với người Công giáo Việt Nam, ngày Tết cũng không nằm ngoài nếp sinh hoạt của mình. Tuy nhiên, với niềm tin, người Công giáo có cách những nét đón Tết rất riêng.
Trước tiên, người Công giáo duy trì tất cả các phong tục truyền thống không trái ngược với đức tin. Giống như mọi gia đình Việt Nam, ngay từ giữa tháng chạp, các gia đình Công giáo cũng tất bật mổ lợn, gói bánh chưng, trang hoàng nhà cửa, sửa sang phần mộ của tổ tiên… để chuẩn bị đón Tết. Vào ngày Tết, người Công giáo cũng chúc tuổi ông bà, cha mẹ hay thăm viếng những người thân yêu. Tuy nhiên, người Công giáo cũng phải “kiêng” khá nhiều phong tục trong dịp Tết. Cụ thể, người Công giáo không đón Tết ông Công, ông Táo; không cúng Tất niên; không tin vào việc xông nhà, không tin việc kiêng quét nhà để giữ tài lộc… cùng không thực hiện các phong tục có màu sắc tín ngưỡng trái ngược với đức tin.
Bên cạnh đó, đối với người Công giáo Việt Nam ngày Tết không chỉ để vui chơi, sum vầy, mà còn là cơ hội bày tỏ lòng hiếu kính đối với Thiên Chúa và cầu xin sự che chở của Ngài. Vào tối 30 Tết, sau khi đã chuẩn bị xong các công việc, mọi người nô nức tới nhà thờ để hiệp dâng Thánh Lễ Giao Thừa với tâm tình tạ ơn Thiên Chúa trong suốt một năm. Vào mùng Một Tết, Thánh Lễ cầu bình an; mùng Hai Tết theo truyền thống thảo hiếu của dân Việt, người Công giáo cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ còn sống hay đã qua đời. Đồng thời, với ước mong thánh hoá công việc làm ăn, vào ngày mùng Ba Tết, người Công giáo cầu cho công việc làm ăn được thuận lợi. Đặc biệt, vào sáng ngày mùng Một Tết sau khi tham dự Thánh Lễ tại nhà thờ, các gia đình Công giáo sẽ tập trung tại nhà ông trưởng họ để cùng nhau đọc kinh, dâng lên Chúa một năm mới. Trong những ngày đầu xuân thay vì hái cành lộc mang về nhà, người Công giáo hái lộc là Lời Chúa được treo trên cây đào, cành mai trong nhà thờ. Vào dịp đầu năm, người Công giáo cũng có thói quen kính viếng các Đền thánh Đức Mẹ, hay Đền kính các thánh Tử đạo để cầu xin sự cầu bầu của các ngài.
Như vậy, người Công giáo không những đón Tết Nguyên Đán mà còn làm phong phú thêm kho tàng văn hóa Tết Việt. Quả vậy, ngay từ khi Tin Mừng được gieo trên mảnh đất quê hương Việt Nam thân yêu, dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, các thừa sai cùng với lớp lớp thế hệ tiền nhân đã không ngừng đem Tin Mừng đến gần hơn với dân tộc nhờ việc hội nhập văn hóa.
Ước mong sao, mỗi người chúng ta sẽ không ngừng kế thừa gia sản đức tin, cùng những nét đẹp văn hoá tốt đẹp; góp phần xây dựng Giáo Hội ngày càng phát triển trên quê hương Việt Nam thân yêu.
Tết Giáp Thìn 2024
Giuse. B Duy