***
Thứ Bảy Tuần XXX Mùa Thường Niên
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
1 Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa : họ cố dò xét Người.
7 Người nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi, nên nói với họ dụ ngôn này : 8 “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, 9 và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng : ‘Xin ông nhường chỗ cho vị này.’ Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. 10 Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói : ‘Xin mời ông bạn lên trên cho.’ Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. 11 Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
“XUỐNG” VÀ “LÊN”
Xét theo khía cạnh tâm lí, tâm trạng “xuống” rồi “lên” luôn được người ta thích hơn tâm trạng “lên” rồi “xuống”. Hay nói cách khác, người ta thích được nâng tâm trạng từ “buồn” lên “vui” hơn là bị hạ từ “vui” xuống “buồn”. Có thể là vì niềm vui đến sau nỗi buồn giúp con người được an ủi, xóa tan tâm trạng u uất, sớm lấy lại được tinh thần. Ngược lại, niềm vui đang diễn ra bỗng bị dập tắt khiến con người rơi vào hụt hẫng, thất vọng. Chính vì thế, người ta thích được nâng lên hơn là hạ xuống.
Nắm bắt được tâm lí đó, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã cho những người đến dùng bữa ở nhà thủ lĩnh nhóm biệt phái một bài học về “lên” và “xuống”. Người ta thích được nâng lên nhưng họ chẳng để người khác làm điều đó cho mình mà lại tự mình làm, chính điều đó đã khiến họ phải bẽ mặt hổ ngươi khi bị chủ bữa tiệc hạ xuống để dành chỗ cho người xứng đáng. Ngược lại, nếu người ta biết khiêm tốn, ý thức được vị trí của bản thân mình mà đặt mình ở vị trí thấp, họ sẽ được nâng lên hàng cao quý.
Qua đó, ta có thể thấy được tầm quan trọng của việc khiêm tốn. Mỗi khi ta biết ý thức được vị thế của bản thân, ý thức được giá trị của chính mình thì chỉ cần ta ở đúng vị trí đó, ta sẽ được nâng lên. Chớ nên kiêu căng, tự phụ, ảo tưởng về vị thế của mình mà đặt mình vào vị trí cao vì khi đó, ta sẽ phải hối hận. Lúc đó, ta vừa tự hạ nhục mình, lại vừa ép buộc người khác phải hạ nhục mình. Đó có lẽ là điều không một ai trong chúng ta mong muốn. Chính vì thế, luôn khiêm tốn trong mọi trường hợp là chìa khóa quan trọng để chúng ta được nâng lên.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, khiêm tốn thực sự khác hoàn toàn với khiêm tốn giả hình. Người thực sự khiêm tốn là người ý thức được vị thế, giá trị của mình và đặt mình vào vị trí mình xứng đáng. Sự khiêm tốn ấy bắt nguồn tự tận đáy lòng của họ. Ngược lại, kẻ khiêm tốn giả hình là những kẻ cố tình đặt mình vào vị trí thấp, họ biết rằng mình không phải ở vị trí này nhưng vẫn ở đó để chờ người khác nâng mình lên, sự khiêm tốn ấy lại bắt nguồn từ lòng kiêu căng, ngạo mạn. Đó có thể được xem là hành động kiêu ngạo hơn mọi kẻ kiêu ngạo và đáng bị loại trừ.
Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta cần phải ý thức lại bản thân mình, hãy luôn khiêm tốn từ tận đáy lòng, chớ kiêu căng, ngạo mạn. Đồng thời, càng phải tránh thói khiêm tốn giả hình vì đó là một hành động đáng lên án hơn cả kiêu ngạo. Ai cũng muốn mình được nâng lên, nhưng nên nhớ, chớ nên vì nâng mình lên mà phải hạ người khác xuống, đó là sự bất công, là hành vi lỗi đức công bình nghiêm trọng cần phải đẩy lùi.
Lạy Chúa, Lời Ngài hôm nay dạy chúng con phải biết khiêm tốn, biết hạ mình xuống, chớ nên tự cao tự đại để rồi phải bẽ mặt hổ ngươi. Xin cho chúng con biết thực thi Lời Ngài, không những đem ra thực hành mà còn phải loan truyền đức tính ấy cho mọi người. Amen
Petrus Sơn