Thông điệp Hòa giải của Ukraine và Ba Lan: ‘Chúng tôi tha thứ và cầu xin sự thứ tha ‘

1. Biểu tượng Ngày Quốc tế Giới trẻ được rước tới khu ngoại ô Lisbon

Sau nhiều tháng thánh du tại 29 giáo phận ở Bồ Đào Nha, biểu tượng Ngày Quốc tế Giới trẻ, gồm Thánh giá và ảnh Đức Mẹ là phần rỗi của dân Roma, đang được rước đi trong Tổng giáo phận thủ đô Lisbon, bắt đầu là Amadora ở mạn tây thành phố này.

Đây là khu vực có đông đảo những người du mục Gypsy, những người di dân từ những nước cựu thuộc địa Bồ Đào Nha, như Angola và quần đảo Cabo Verde bên Phi châu. Cuộc thánh du của hai biểu tượng Ngày Quốc tế Giới trẻ được các tín hữu địa phương nồng nhiệt đón tiếp và tham gia.

Cha Thomaz Fernández, phục vụ ở vùng Amadora, nói rằng: Phần lớn các giáo xứ ở thành thị này là nơi cư ngụ của nhiều sắc dân khác nhau. Họ thường rời bỏ Giáo hội vì họ bị đẩy ra ngoài lề. Điều quan trọng là các biểu tượng Thánh giá và Ảnh Đức Mẹ đến với họ, như tôn nhan của Chúa Kitô và niềm hy vọng, nhất là vì trong thời đại dịch, nhiều người ở đây đã trở nên xa cách Giáo hội.

Cha Fernandez cho biết trong cuộc thánh du của hai biểu tượng, nhiều người cầu nguyện tại các thánh đường địa phương, và tiến ra các đường phố khi Thánh giá và ảnh Đức Mẹ được rước qua.

Sau hạt Amadora, hai biểu tượng này của Ngày Quốc tế Giới trẻ tiếp tục được rước tới các giáo xứ ở thủ đô Lisbon trong vòng mười ngày, trước khi Đại hội Giới trẻ này chính thức bắt đầu ngày 01 tháng Tám tới đây, với sự tham dự của khoảng 600.000 người. Ngày 02 tháng Tám, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến Lisbon và chủ sự các sinh hoạt chính của biến cố này cho đến ngày 06 tháng Tám.

Thánh giá được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II giao cho giới trẻ hồi năm 1984 và ảnh Đức Mẹ là Phần rỗi của dân Roma được ngài trao hồi Năm Thánh 2000.

2. Cơ quan quản trị Bức tường than khóc xin lỗi

Ban lãnh đạo cơ quan quản trị “Bức tường than khóc” ở Giêrusalem, xin lỗi Viện phụ Đan viện Dòng Bênêđíctô tại đây, vì một nữ nhân viên của cơ quan này đòi ngài phải che giấu thánh giá đeo ở cổ, khi viếng thăm Bức tường này.

Vụ này xảy ra sáng ngày 19 tháng Bảy vừa qua, khi cha Nikodemus Schnabel, người Đức, Viện phụ Đan viện Đức Mẹ An Nghỉ của Công Giáo Đức tại Giêrusalem, hướng dẫn bà Bettina Stark-Watzinger, Bộ trưởng giáo dục và nghiên cứu của Liên bang Đức đến viếng thăm Bức tường than khóc, cũng gọi là Bức tường Phía Tây của Đền thờ Giêrusalem, bị người Roma tàn phá năm 70 sau Chúa Kitô. Bức tường được coi là Nơi rất thánh đối với người Do thái.

Khi đến cổng vào khu vực Bức tường, một nhân viên cơ quan quản trị khu vực này đã nói với Viện phụ Schnabel rằng thánh giá mà cha đeo ở ngực quả là lớn và không thích hợp với nơi này và yêu cầu cha che thánh Giá đi. Nhưng cha trả lời: “Khó quá! Bà không tôn trọng tôn giáo của tôi. Bà tước bỏ một quyền căn bản. Thánh giá này không phải là một hành vi khiêu khích. Tôi là một viện phụ. Đây là y phục của tôi và thánh giá thuộc về y phục này. Tôi là một viện phụ Công Giáo!”.

Cảnh tượng này được ký giả tạp chí Der Spiegel của Đức thu hình và phổ biến.

Sau đó cơ quan Quản trị Bức tường Phía tây đã xin lỗi và nói rằng lời yêu cầu của bà nhân viên lịch sử nhắm tránh mọi sự gây khó chịu. Cơ quan này cũng khẳng định rằng: “Bức tường phía Tây được mở cho tất cả mọi người, và không có quy luật nào về vấn đề này tại quảng trường trước Bức tường”.

Đây không phải là lần đầu tiên những vụ như thế xảy ra tại đây. Hồi năm 2007, các giám mục Công Giáo Áo đã từ chối vào khu vực này, vì các vị phải tháo gỡ thánh giá giám mục của mình. Năm 2009, vị Rabbi đặc trách khu vực này đã yêu cầu Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đừng đeo thánh giá ở cổ khi đến viếng Bức tường than khóc.

Trong một Twitter, Viện phụ Schnabel viết rằng; “Thật là đau lòng khi thấy bầu không khi ở nơi thành phố tuyệt vời này dần dần trở nên tệ hơn dưới thời chính phủ mới ở Israel hiện nay. Dòng Phanxicô tại Thánh địa thu thập tài liệu và bằng cớ về những vụ thiếu lịch sự và văn minh mà các tu sĩ Kitô càng ngày càng phải chịu từ phía những người Do thái ngày càng bất bao dung.

Những vụ khạc nhổ trước mặt họ ngày càng xảy ra trong những tháng gần đây. Một ký giả người Israel, ông Yossi Levi, đã giả mặc áo Dòng Phanxicô để điều tra về hiện tượng này đang gia tăng chống các Kitô hữu. Sau khi mặc áo dòng này, chỉ trong vòng năm phút, sau khi bắt đầu đi dạo trong cổ thành Giêrusalem, ông đã bị những người Do thái khạc khổ.

3. Thông điệp Hòa giải của Ukraine và Ba Lan: ‘Chúng tôi tha thứ và cầu xin sự thứ tha ‘

Thông điệp Hòa giải của Ukraine và Ba Lan: ‘Chúng tôi tha thứ và cầu xin sự thứ tha ‘

Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada, có bài nhận định nhan đề “Ukraine and Poland’s Message of Reconciliation: ‘We Forgive and Ask Forgiveness’”, nghĩa là “Thông điệp Hòa giải của Ukraine và Ba Lan: ‘Chúng tôi tha thứ và cầu xin sự thứ tha”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Trong khi sự chú ý của quốc tế về cuộc xâm lược Ukraine của Nga được tập trung vào hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius vào tuần trước, một sự hòa giải quan trọng, cả về tôn giáo và chính trị, đã diễn ra ở Warsaw, Ba Lan và Lutsk, Ukraine; nhân dịp kỷ niệm 80 năm vụ thảm sát Volhynia năm 1943. Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã gặp nhau tại thành phố Lutsk phía tây Ukraine. Tập trung tại một nhà thờ Công Giáo, các vị Giám Mục Công Giáo và Chính thống giáo đã dẫn đầu những lời cầu nguyện cho sự hòa giải và sau đó cả hai tổng thống thắp nến để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ thảm sát. Việc buổi lễ được tổ chức trong nhà thờ đã là một cử chỉ ân cần từ Zelenskiy, một người Do Thái.

Các tổng thống đã cùng nói : “Chúng ta cùng nhau bày tỏ lòng kính trọng đối với tất cả những nạn nhân vô tội của Volhynia! Ký ức hợp nhất chúng ta! Cùng nhau chúng ta mạnh hơn.” Trên trang web riêng của mình, Zelenskiyy nói thêm: “Chúng tôi coi trọng mọi mạng sống, ghi nhớ lịch sử và cùng nhau bảo vệ tự do.”

Vụ thảm sát Volhynia là công việc của những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine, những người đã nhìn thấy trong quyết định của Hitler quay sang chống lại Stalin vào năm 1941, một tiềm năng giành độc lập của Ukraine khỏi Mạc Tư Khoa. Họ hoạt động ở Ba Lan bị Đức Quốc xã tạm chiếm sau năm 1941, hợp tác với lực lượng Đức Quốc xã. Năm 1943, họ tiến hành một cuộc tấn công chết người vào các ngôi làng Ba Lan. Ba Lan cho biết số người chết lên tới 100.000 người và sự tàn bạo vẫn là một điểm gây xích mích giữa Ba Lan và Ukraine. Đã có những cuộc trả đũa của người Ba Lan đối với người Ukraine, với khoảng 2.000 người bị giết.

Ba Lan là đồng minh vững chắc nhất của Ukraine kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào năm ngoái, cung cấp viện trợ quân sự và nhân đạo, cũng như tiếp nhận hàng triệu người tị nạn vào nhà riêng của họ, tất cả đều không cần đến các trại tị nạn. Điều đáng chú ý hơn là điều này diễn ra bất chấp một thế kỷ trước, sau Thế chiến thứ nhất và việc Ba Lan giành lại độc lập, người Ukraine và người Ba Lan đã có chiến tranh, một chương đau thương khác trong lịch sử Slav.

Sự hòa giải ở Lutsk một phần là hệ quả của cuộc xâm lược của Nga. Với sự hiện diện nguy hiểm của Nga ở Ukraine, và Ba Lan chỉ mới giải phóng khỏi sự thống trị của Mạc Tư Khoa vào năm 1989, cả người Ba Lan và người Ukraine một lần nữa nhận thấy sự cần thiết phải tăng cường hòa giải khi đối mặt với mối đe dọa chung.

Hòa giải không chỉ là một hành động chính trị. Nó dựa trên mệnh lệnh của Kitô giáo là phải có lòng thương xót và tìm kiếm lòng thương xót.

Trước cuộc gặp ở Lutsk, Thượng phụ Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk của Kyiv, đã đến Warsaw để gặp Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki, chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan. Hai tổng giám mục, đại diện cho các giám mục tương ứng của họ, đã ký một văn bản hòa giải chung.

Trong những ngày tiếp theo, các Đức Tổng Giám Mục Shevchuk và Gądecki cùng nhau đến Ukraine để dự Thánh lễ tưởng niệm. Chủ tế chính của Thánh lễ hòa giải ở Lutsk là Đức Tổng Giám Mục Visvaldas Kulbokas, Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine.

Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Epiphanius của Kyiv, nhà lãnh đạo Giáo Hội Chính thống Ukraine, cũng tham gia vào những lời cầu nguyện tưởng niệm ở Lutsk. Ukraine là một quốc gia đa số theo Chính thống giáo.

“Hôm nay, tại đây, xung quanh ngai vàng của Chúa ở Lutsk, với tư cách là những tín hữu, chúng ta nghe thấy trời và đất, người sống và người chết đồng thanh nói với nhau như thế nào: chúng tôi tha thứ và cầu xin sự thứ tha!” Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói.

Các từ đã được lựa chọn cẩn thận cho âm hưởng lịch sử của họ. Năm 1965, các giám mục Ba Lan, trong phiên họp cuối cùng của Công đồng Vatican II, đã gửi thư cho các giám mục những quốc gia khác nhau, mời họ đến Ba Lan vào năm 1966 để kỷ niệm một thiên niên kỷ ngày Ba Lan được rửa tội vào năm 966. Thiên niên kỷ này là tâm điểm của phong trào tôn giáo và văn hóa chống lại chủ nghĩa cộng sản do vị giáo chủ bất khuất của Ba Lan, Chân phước Stefan Wyszynski, lãnh đạo.

Đức Hồng Y Wyszynski và các giám mục Ba Lan khác, kể cả Đức Tổng Giám Mục Karol Wojtyła của Kraków, đã ký một lá thư mạnh mẽ, được soạn thảo bằng tiếng Đức, bởi Đức Tổng Giám Mục Bolesław Kominek của Wrocław. Bức thư đề cập đến sự khủng khiếp của Chiến tranh thế giới thứ hai và sự tàn phá trong cuộc xâm lược của Đức Quốc xã đối với Ba Lan. Bức thư bao gồm những từ nổi tiếng này: “Chúng tôi tha thứ và cầu xin sự thứ tha.”

Nổi tiếng, bởi vì bức thư đó giờ đây là một biểu tượng mạnh mẽ cho thấy có thể hòa giải, ngay cả sau những hành động tàn bạo nhất. Thông điệp về lòng thương xót của Chúa, được trồng ở Ba Lan giữa Thế chiến I và Thế chiến II, đã trở thành một món quà từ Ba Lan để chữa lành Âu Châu.

Tai tiếng, bởi vì vào thời điểm đó, các giám mục Ba Lan không được người dân của họ ủng hộ về mặt này. Phần lớn người Ba Lan không sẵn sàng tha thứ cho người Đức, càng không muốn xin sự thứ tha. Ba Lan mất 20% dân số trong chiến tranh. Sau chiến tranh, ở Ba Lan, người ta thường viết chữ “Đức” bằng tất cả các chữ cái viết thường, để phản ánh rằng đối phương truyền kiếp của họ không còn đáng được tôn trọng nữa.

Các giám mục Ba Lan đã bị chính người dân của họ chỉ trích gay gắt, và chế độ cộng sản đã sử dụng lá thư chống lại Giáo hội để tuyên truyền trong nhiều năm sau đó. Hòa giải đòi hỏi lòng can đảm, và các giám mục Ba Lan, do Đức Hồng Y Wyszynski lãnh đạo, đã có lòng can đảm đó vào năm 1966.

Xung đột và giết chóc đã quay trở lại vùng đất của người Slav. Sự hòa giải này ở một vùng đất bị chiến tranh tàn phá là giữa người Ba Lan và người Ukraine, không phải giữa người Ukraine và người Nga. Nhưng hạt giống của sự hòa giải có thể đơm hoa kết trái theo những cách không ngờ tới. Trong tương lai thông điệp “chúng tôi tha thứ và xin thứ tha” có thể vang lên một lần nữa.


Source:National Catholic Register

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *