Cao trọng thật sự (27.03.2024 – Thứ Ba Tuần II Mùa Chay)

Lời Chúa: Is 1,10.16-20, Mt 23,1-12

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 23,1-12)

1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng : 2 “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. 3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. 4 Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. 5 Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. 6 Họ ưa ngồi chỗ danh dự trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, 7 thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là thầy.

8 “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy ; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. 9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. 10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người chỉ đạo, vì anh em chỉ có một vị chỉ đạo, là Đấng Ki-tô. 11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. 12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”

Cao trọng thật sự (27.03.2024)

Là người, ai cũng ham muốn có được danh thơm tiếng tốt; ai cũng muốn mình được trọng vọng, muốn mình trở nên cao siêu, tài cán, không phải là kẻ tầm thường chả ai biết đến. Có lẽ ngay cả những người sắp lìa xa cõi đời này cũng sẽ bám chặt vào ham muốn bẩm sinh này. Thế nhưng, đối với họ nó sẽ là nguyên nhân của nỗi đau khôn nguôi, vì ham muốn đó sẽ không bao giờ được thỏa mãn.

Tin Mừng hôm nay thật hữu ích (x. Mt.23,1-12) khi suy ngẫm về thực tế đời sống các Ki-tô hữu. Trong thâm tâm, ham muốn đạt tới sự cao trọng này đã được Chúa đặt vào trong nhận thức mỗi người và nó sẽ không bao giờ mất đi. Qua đó, Chúa Giê-su ban cho mỗi Ki-tô hữu một trong những chìa khóa dẫn đến sự cao trọng thật sự; đó là:

“Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em” (Mt.23,11) 

Phải làm người phục vụ anh em có nghĩa là Chúa muốn ta phải biết đặt người khác lên trên chính mình. Chúa đòi hỏi ta phải biết nâng cao nhu cầu của người khác, hơn là cố gắng khiến người khác chú ý đến nhu cầu của ta. Điều này quả thật rất khó thực hiện ! Bởi lẽ, trong cuộc sống ai ai cũng dễ nghĩ đến bản thân mình trước tiên. Thế nhưng, khi ta lựa chọn đặt người khác lên hàng đầu thì không chỉ ta làm điều tốt cho họ, mà đó còn là làm điều tốt cho chính bản thân ta nữa.

Vì khi làm được như vậy, ta không đánh mất chính mình. Ngược lại, chính trong hành động quên đi bản thân và nhìn thấy người khác trước tiên, ta mới thực sự khám phá ra mình là ai và trở thành con người mà ta được Thiên Chúa tạo ra để trở thành. Lúc đó, ta trở thành hiện thân của tình yêu thương. Mà hễ người biết yêu thương người khác, thì họ sẽ là người được Chúa thương yêu và được Ngài nâng lên.

Vậy ta hãy khiêm tốn hạ mình xuống trước mọi người: Chú trọng mối quan tâm của họ; chú ý đến nhu cầu của họ; lắng nghe lời họ nói với ta; chia sẻ với họ lòng trắc ẩn của ta và sẵn sàng làm điều đó ở mức tối đa. Nếu tôi và các anh, chị làm được điều đó, khát vọng cao trọng sâu thẳm trong lòng mỗi người ắt sẽ được thỏa mãn.

Lạy Chúa, xin ban cho con một tấm lòng khiêm nhường thật sự để Chúa có thể dùng con chia sẻ tình yêu hoàn hảo của Ngài với tha nhân. Amen.

CÁT BIỂN

Sống thật … (07.03.2023)

Trong cuộc sống hàng ngày, người Ki-tô hữu thường xuyên bị cám dỗ tôn thờ Thiên Chúa một cách hình thức, giả tạo còn trong lòng trí thì ở xa Ngài; các tín hữu còn bị cám dỗ bằng lòng với việc giữ đạo cách tối thiểu chỉ để lương tâm cảm thấy yên ổn…

Trong bài Tin Mừng hôm nay (Mt 23,1-12), Chúa Giê-su nói về những người biệt phái và luật sĩ. Họ nói nhiều nhưng làm ít hoặc chẳng làm gì hết; họ nói những lời tốt lành nhưng lại làm những điều xấu xa; họ lo chăm chút dáng vẻ bề ngoài cho người ta thấy mình đạo đức mẫu mực nhưng lòng họ thì hám danh, thích phô trương và tham lam.

Chúa Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Ngài: Những gì họ nói, đều là nói lời Thánh kinh, nên hãy nghe theo. Nhưng những việc họ làm thì mâu thuẫn với những lời họ dạy, cho nên đừng bắt chước những việc họ làm.

Qua đó, Chúa Giê-su nhắn nhủ những ai có trách nhiệm dạy bảo người khác phải sống và thực hành giống như những điều mình nói, với thái độ khiêm tốn và tận tình phục vụ (x. Mt. 23,11-12).

Lạy Chúa, xin cho con biết sống thật với những gì mình nói; và xin cho con biết làm việc với tấm lòng khiêm tốn như những gì con sống. Amen.

CÁT BIỂN

Tôn thờ Chúa và phục vụ anh em trong khiêm tốn (14.03.2022)

Ghi nhớ:

“Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải là người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.” (Mt 23, 11-12)

Suy niệm: 

Tục ngữ Việt Nam có câu:”Mười voi không được bát nước sáo”. Ý nói đến những người nói nhiều, nói hay mà chẳng làm được việc gì cho ra hồn. Trong xóm nọ, có một anh chàng sống không ra gì, người đời thường nói; mồm miệng đỡ chân tay. Có lẽ, vì thế cho nên anh ta luyện cách ăn nói hay để sao cho người nghe phải tin, phải làm theo anh. Thế nhưng khi nhìn vào bản thân anh, người ta thấy mặt trái lộ ra. Trong những tiệc nhậu, anh ta thường hay nói với một thái độ rất là hãnh diện và đầy tự hào rằng:

Cuộc đời tôi thật là sung xướng; bởi vì từ khi sinh ra tôi ba má tôi nuôi tôi khôn lớn, đến khi tôi trưởng thành thì ba má tôi cưới vợ cho tôi, và từ ngày tôi có vợ, vợ tôi lại tiếp tục nuôi tôi, bây giờ khi con tôi khôn lớn chúng lại tiếp nối cùng nhau nuôi tôi, Vì thế tôi cảm thấy rất”hạnh phúc”vì mình chẳng phải nuôi một ai cả!

Không hiểu anh ta”tư duy”thế nào mà lại có thể thốt ra được những lời nói như vậy?!

Không riêng chỉ có ngày xưa vào thời Chúa Giê-su, mà ngay trong xã hội hiện tại, có không ít kẻ sống háo danh, sống vô trách nhiệm. Họ sống ích kỷ, cốt sao chỉ để cho người khác khen, cho người khác thấy mình là người nổi bật, là người quan trọng, bởi vậy, họ sống vô trách nhiệm với chính bản thân mình, vô trách nhiệm với gia đình với xã hội và với những lời nói mà chính họ thốt ra!

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su muốn chúng ta sống khiêm tốn, thật thà và sống có trách nhiệm. Đức Giê-su đã lên án cách mạnh mẽ lối sống giả tạo, háo danh  của nhóm người kinh sư và Pha-ri-sêu, họ nói thì hay lắm nhưng không thực hành, họ thích được gọi là thầy, thích ngồi mâm cao, thích được chào hỏi tông bốc và thích được làm biếng! Cũng chính vì thế, Đức Giê-su cảnh giác cho các môn đề và dân chúng, cũng như cho chính chúng ta ngày nay là; đường để mình rơi vào những não trạng trên, mà phải sống chân thực và phục vụ. Đặc biệt là luôn ý tứ đừng để ai mê hoặc mình bằng sự hư danh hão huyền và cũng đừng tự ru ngủ mình bằng  những danh vọng chóng qua. Hãy để Thiên Chúa là trung tâm điểm của đời sống mình, hãy để Ngài hướng dẫn. Bởi lẽ, tất cả chúng ta và mọi người chỉ là những tạo vật bất toàn mà thôi!

Chỉ có Chúa là Đấng mà chúng ta phải phụng thờ, chỉ có Chúa mới là Đấng chỉ đường dẫn lối chúng ta và để sống cho được đẹp lòng Ngài, thì chúng ta phải trở nên khiêm tốn và phục vụ mọi người.

Tóm lại: sứ điệp Tin Mừng hôm nay mà Đức Giê-su muốn gửi đến mỗi người chúng ta là: Hãy suy tôn và phụng thờ một Thiên Chúa là Đấng duy nhất đã tạo dựng vũ trụ càn khôn. Hãy khiên tốn phục vụ anh em như chính Thầy Giê-su đã đến trong thế gian để phục vụ và hiến mạng sống mình mà cứu chuộc nhân loại.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, Lời Ngài hôm nay cảnh giác chúng con đừng để thói háo danh và lối sống buông thả tiêm nhiễm vào đời mình, xin cho chúng con luôn ý thức được rằng tất cả những gì mình có đều do Chúa ban và ra sức sống đẹp lòng Chúa qua việc chu toàn bổn phận và trách nhiệm của mình, hăng sạy phụng sự Chúa và phục vụ anh em. Để sau này chúng con xứng đáng nhận phần thưởng Nước Trời. Amen.

Sống Lời Chúa:

Thờ phượng Chúa cùng yêu thương và phục vụ anh em.

Đaminh Trần Văn Chính.

Tôn lên – hạ xuống (02.03.2021)

Ghi nhớ:

“Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Mt 23, 12).

Suy niệm:

Trong một hội Tu Viện nọ, có một thanh niên xin được vào tu trì. Trong những ngày sống trong đó anh đã tỏ ra là một người có rất nhiều những cái hay! Những ưu điểm. Anh ấy nói chuyện hoặc diễn thuyết thì thật là lôi cuốn, trí nhớ của anh rất tốt nên anh hiều biết rất nhiều, trong bất cứ lãnh vực nào anh cũng tỏ ra rành rẽ,  thành tích học hành của anh thì khỏi phải chê. Nói chung anh là con người có tài. Thế nhưng anh lại tỏ ra là một người không có đức vâng lời! Anh thường làm theo ý muốn của mình. Cho dù anh đã được các thầy khuyên bảo, góp ý nhưng xem ra không có tác dụng, thế nên sau một thời gian thử thách.  Cuối cùng tu viện đã không thu nhận anh được!

Bài Tin Mừng hôm nay thánh sử Matthêu đã diễn tả lại việc Đức Giê-su lột“bộ mặt nạ” của nhóm người Pha-ri-sêu và các kinh sư. Họ sống lối sống giả dối, đóng kịch, họ cổ vỗ những điều hay việc tốt nhưng họ lại không thi hành, họ nói một đàng song bản thân họ lại làm ngựơc lại. Họ thích được đề cao, trọng vọng ở nơi đông người, thích người ta chào hỏi bằng những danh từ như; thầy.hoặc là người lãnh đạo.

Nhìn  sơ qua bề ngoài và các nội dung họ nói thì họ là người rất tốt đẹp, nhưng thực ra tâm địa của họ thì hiểm độc. Thế nên Đức Giê-su mới nói:“ Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy”. Chúa Giê-su biết lòng dạ của bọn họ nên Người cảnh báo cho dân chúng cũng như các môn đệ biết để mọi người tránh xa hay ít ra là hãy giữ và làm những điều họ nói còn những việc làm của họ thì đừng làm theo. Những con người “hai mặt “ đó đáng bị chê trách và lên án.

Nhìn vào xã hội ngày nay, chúng ta thấy cũng có không ít những người được giao cho nhiệm vụ  chống buôn lậu thì chính họ lại là người tổ chức buôn lậu. Người chống hàng giả thì lại bao che cho hàng kém chất lượng được lưu hành! Người chống tệ nạn cờ bạc thì lại tiếp tay cho các đại gia đánh bạc. Tất cả chỉ để thỏa mãn cái tính tham lam tiền bạc của họ mà không cần biết xã hội, người dân sẽ ra sao? Mà việc làm của họ gây ra!..

Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần phải xét lại chính bản thân mình. Chúng ta có để cho thói thích tự cao tự đại, thích khoa trương việc làm đạo đức để cho mọi người khen ngợi tồn tại trong con người của chúng ta không? Chúng ta hãy cảnh giác, coi đây như là lời nhắc nhở của Đức Giê-su để luôn giữ tâm hồn mình trong sự khiêm tốn, sống chân thật với anh em và  làm việc lành phúc đức với tâm ý ngay lành.

Chúa nói không được gọi ai dưới đất này bằng cha; hay là người lãnh đạo. Ở đây chúng ta không hiểu theo nghĩa đen. Nhưng qua cách nói mà Chúa dùng nổi lên ý Ngài muốn chúng ta phải tôn thờ,  phụng sự và làm theo thánh ý của Chúa cách trước hết và triệt để. Không được để cho những nhóm người hoặc cá nhân giả danh giả nghĩa mà mê hoặc đưa chúng ta vào những sai trái lầm lạc.

Cầu nguyện:

 Lạy Chúa, Lời Ngài hôm nay nhắc nhở chúng con hãy luôn cảnh giác trong lối sống của mình. Chúng con thường chọn phần nhẹ nhàng, dễ dàng cho mình, còn những việc khó khăn và nặng nề chúng con đùm đảy cho người khác. Chúng con nuôi dưỡng tính tự cao, muốn được người khác coi trọng mình trong khi chung con lại coi thường anh em. Chúng con xin lỗi Chúa vì những sai lỗi đó, chúng con sẽ cố gắng canh tân cuộc sống. Để ngày càng phù hợp với thánh  ý Chúa hơn, luôn khiêm tốn trong việc phụng sự Chúa và phục vụ anh em mình. Amen.

 Sống Lời Chúa:

Sống thật thà, không khoa trương giả dối.

Đaminh Trần Văn Chính.

Sống chân thành và trung thực (10.03.2020)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã vạch trần khuôn mặt thật của kẻ giả hình, qua thái độ khoe khoang và phô trương công đức của các biệt phái và luật sĩ.  Họ là những kẻ chỉ muốn đánh lừa người khác bằng các hành vi đạo đức giả tạo của họ. Họ làm những việc thờ phượng Thiên Chúa, nhưng thật ra là để tìm kiếm danh vọng và tư lợi. Việc họ làm với ý đồ chỉ để làm nổi tiếng cho chính bản thân mình chứ không phải làm vinh danh cho Thiên Chúa.

Chúa nhắc những kẻ giả hình

Bề ngoài đạo đức, cho mình là hay

Bên trong thì lại chất đầy

Tham lam ích kỷ, tạo gây phiền hà

*

Cái cần thì lại cho qua

Chi tiết nhỏ bé xem là lớn lao

“Con muỗi gạn lọc cho ra

Vội vàng nuốt trửng lạc đà vào trong”

Trong cuộc sống, thường thì chúng ta thích sống theo hình thức, bề ngoài thì tỏ ra rất là đạo đức, nhưng trong lòng thì lại chất chứa những thói xấu như: tham lam, ích kỷ, gian dối… chỉ muốn người khác phục vụ mình, còn mình thì lại thờ ơ không để ý quan tâm gì đến người khác. Giữa lời nói và việc làm không đi đôi với nhau. Như thế là giả hình, không sống chân thật với Chúa, với mọi người và với chính bản thân mình. Chúng ta cần phải sửa đổi để sống thật với lòng mình hơn.

 

Bề ngoài sạch sẽ láng boong

Bên trong dơ bẩn, cõi lòng nhớp nhơ

Công bằng, bác ái làm ngơ

Bất công, ác độc thì quơ tay liền

*

Luật sĩ thì được ưu tiên

Biệt phái cũng vậy cậy quyền gian tham

“Giả hình” mà vẫn cứ làm

Tâm hồn mù quáng, lương tâm chai lì

 Mùa Chay là mùa sám hối để trở về với Chúa. Khi biết sám hối là chúng ta ý thức được về thực trạng tội lỗi, thiếu xót của chính mình. Từ đó phải có lòng khiêm nhường giúp chúng ta nhận ra những lầm lỗi và thiếu xót để nỗ lực thực thi việc canh tân và hoán cải đời sống, loại trừ ra khỏi lòng mình những việc làm giả hình, cụ thể là phải thống nhất đồng bộ giữa lời nói và việc làm, giữa suy nghĩ và hành động, giữa đời sống nội tâm và cuộc sống đời thương bên ngoài.

Hãy mau sửa đổi kịp thì

Phải biết chia sẻ, sống vì yêu thương

Trở về chính nẻo đúng đường

Sống cho ngay thẳng hiền lương tốt lành

Lạy Chúa! Xin giúp chúng con biết tránh xa những thói hư tật xấu; sống chân thực, không giả dối và luôn tuân thủ lề luật của Chúa và Hội Thánh với tinh thần mến Chúa, yêu người hơn là vì hình thức giả tạo bề ngoài; để chúng con xứng đáng được hưởng hạnh phúc Nước Trời. Amen.

HOÀI THANH

Chân thật (27.02.2018)

Để khỏa lấp những gian dối, hay các mưu toan bất chính; người ta thường đưa ra nhiều lý lẽ, luật lệ… để biện minh cho những hành động sai trái để gây áp bức bất công cho người khác.

Những tội ác tày trời: giết người, cướp của, khủng bố, phá thai tiêu diệt sự sống và các vô luân khác đều bắt đầu từ lối sống giả dối, không thật mà ra

Trong trình thuật Tin Mừng của mình, thánh Mác-cô cho thấy việc rửa tay trước bữa ăn theo tập tục của người Do Thái là một nghi thức nhằm nói lên ước muốn thanh tẩy tâm hồn cho thanh sạch.

Các Pha-ri-sêu và các kinh sư rất coi trọng các nghi thức đó, nhưng họ chỉ làm  một cách máy móc, rập khuôn theo hình thức, còn trong lòng thì không có chút tâm tình hoán cải nào. Vì thế, Chúa Giê-su mới khiển trách họ thờ kính Chúa chỉ bằng môi giải miệng mép bên ngoài mà thôi, còn tâm hồn của họ thì thật là xa Chúa.

Lạy Chúa! Là con cái Chúa và là anh chị em với nhau; xin dạy cho con biết thờ phượng Chúa với tất cả tấm lòng chân thật, và xin cho con biết can đảm loại bỏ hẳn lối sống giả dối ra khỏi cuộc sống của mình, ngõ hầu xứng đáng là con cái Chúa. Amen.

CÁT BIỂN

Khiêm nhường để phục vụ (23.02.2016)

Khiêm nhường – Humilité. Danh từ gốc La ngữ có nghĩa là “đất”.

Hình ảnh “đất” giúp cho con người ý thức về nguồn gốc và thân phận của mình không là gì cả. Để từ đây mỗi người tự mình nhận ra mình  chỉ là đất bụi như nhau, cần phải ứng xử đối đãi với nhau một cách an hòa, khoan dung, công bằng…mọi thành phần dân Chúa đều là những chi thể bổ túc cho nhau trong một nhiệm thể, mà đầu thân thể là Đức Giêsu Kitô (x. Mt 23,8-10; 1Cr 12,27).

Khiêm nhường để hiểu rằng phẩm trật và quyền bính chỉ là khí cụ để phục vụ anh chị em mình tốt hơn, là cách thế để trở nên giống Đức Kitô hơn.

Khiêm nhường chính là nhân tố kiến tạo sự hiệp nhất trong Giáo hội – nhiệm thể Chúa Kitô – giúp mọi người thoát khỏi cám dỗ về chia rẽ, cám dỗ về tranh chấp quyền lợi, cám dỗ về danh vọng quyền lực, và luôn coi trọng người khác hơn mình…(x. Pl 2,1-5)

Khiêm nhường là biết chấp nhận sự thật. Cho dù chấp nhận sự thật là điều rất khó thực hiện. Vì sự thật đòi hỏi mỗi người phải suy xét lại cách sống của mình, và đòi hỏi lựa chọn một cách sống mới, tích cực hơn cho bản thân người biết khiêm nhường.

Thánh Phanxicô Borgia đã từng nói:

“Tôi thực tâm muốn đặt mình ở dưới vị trí của Giuđa, vì tôi đã thấy Ðức Giêsu ngồi dưới chân anh ấy.”

Theo lời thánh nhân, thiết tưởng con người tôi cần phải chọn ngồi ở chỗ cuối giữa anh chị em mình; để phục vụ anh chị em mình giống như Đức Kitô đã phục vụ, và vì đó cũng là chỗ ngồi quen thuộc của Ðức Kitô vậy !

Thật vậy, khiêm nhường giúp mỗi người thành thật hạ mình xuống trước mặt Thiên Chúa, và trước mặt anh chị em mình là hình ảnh Thiên Chúa; hoặc đang là người đại diện Thiên Chúa…để từ đó biết tôn trọng người khác hơn chính bản thân mình.

Hiện nay, có nhiều người mắc hội chứng sao, hội chứng nổi tiếng. Họ không ngại dùng bất cứ chiêu trò nào, kể cả những việc gây sốc, tạo xì-căng-đan để gây chú ý, để được nổi trội, để được nổi tiếng…

Còn lối sống của người Kitô hữu thì sao ? Có dám đi ngược lại lối sống như hiện nay không ? Có dám sống như Chúa Giêsu dạy: Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai sống khiêm hạ thì sẽ được tôn vinh hay không ?

Chúa Giêsu đã đưa ra lối sống đẹp mà chính Người là mẫu gương cho chúng ta qua chính cuộc sống của Ngài: sống khiêm nhường và hiền hậu (Mt 11,29); nêu gương tự hạ mình trong mầu nhiệm nhập thể, chấp nhận sống như phàm nhân, và chết tủi nhục (Pl 2,6-8)…

Đối lập với xã hội hôm nay, người ta mải lo thâu tóm của cải và quyền lực để khẳng định mình quan trọng và tìm cách cai trị người khác; thì Đức Giêsu đang mời gọi tôi và bạn làm chứng nhân cho Ngài bằng đời sống thánh thiện, vui tươi và tinh thần khiêm tốn phục vụ âm thầm như muối, như men giữa lòng đời.

Lạy Chúa, chúng con vẫn tự kiêu và ích kỷ vô tình hoặc cố ý sống trên những đau khổ của người khác. Xin Chúa giúp chúng con nhận ra chúng con chỉ là bụi đất, không là gì cả, và tất những gì chúng con có đều do Chúa ban; để chúng con biết khiêm nhường phụng sự Chúa và phục vụ anh chị em mình theo thánh ý Chúa. Amen.

CÁT BIỂN

Tự tôn – tự hạ

“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.” (Lc 6,36).

Suy niệm: Thời đại ngày nay nhiều người, trong đó có nhiều bạn trẻ, mắc hội chứng muốn nổi tiếng. Họ không ngại dùng bất cứ chiêu trò nào, kể cả những việc gây sốc, tạo xì-căng-đan để gây chú ý, được nổi trội, để có được cái tiếng hotgirl, hotboy, topten, vô địch… Chúa Giêsu dạy chúng ta chân lý về sự nghịch đảo giữa thái độ của chúng ta và hệ quả của nó: hễ ai tôn mình lên thì sẽ bị hạ xuống, và đảo lại, ai sống khiêm hạ thì sẽ được tôn vinh. Đó chính là lối sống đẹp theo Tin Mừng mà Chúa Giêsu là mẫu gương cho chúng ta qua chính cuộc sống của Ngài: Ngài đã không nề từ bỏ vinh quang của Con Một Thiên Chúa, tự hạ làm người, sống khó nghèo, vâng phục cho đến chết trên thập giá; chính vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người là Chúa, là Trưởng Tử đứng đầu mọi loài trên trời dưới đất (Pl 2,6-11; Cl 1,15-20).

Mời Bạn: Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan XXIII đã luôn nhủ bản thân: “Tôi càng ẩn dật bao nhiêu, càng được đẹp lòng Chúa bấy nhiêu”, bạn có suy nghĩ gì về câu này? Bạn cũng đặt cho mình một châm ngôn để sống đẹp theo Tin Mừng nhé.

Sống Lời Chúa: Tôi luôn ý thức sống khiêm tốn trong tư tưởng, lời nói việc làm giữa mọi người, trong gia đình, nhà trường, nơi công sở, v.v….

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trong con luôn có khuynh hướng muốn hạ người khác xuống để đưa mình lên. Xin giúp con biết noi gương Chúa sống khiêm nhường tự hạ để mở lòng đón nhận anh chị em con với tất cả tình yêu thương và tôn trọng. Xin giúp con trở nên người tôi tớ luôn sẵn sàng phục vụ họ trong tình bác ái vui tươi.

Khiêm nhường là chân thật

“Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.” (Mt 23,12).

Suy niệm: Người thợ lặn ngọc trai, dù gặp sức nước đẩy ngược lên, vẫn cố lặn sâu đến tận đáy biển để có thể chạm được những vỏ trai chứa ngọc quý giá dưới đáy biển. Cũng vậy, nỗ lực hạ mình sống khiêm nhường của ta thường bị sức đối kháng của sự kiêu căng đẩy ta lên, không để ta sống đúng sự thật về bản thân, là nền tảng cho sự cao trọng của ta. Chiến đấu để sống khiêm nhường là một chiến dai dẳng suốt đời, bởi vì thói cao ngạo, tính kiêu căng, muốn đặt mình làm trung tâm của vũ trụ, là cám dỗ thâm căn cố đế của con người. Người khiêm nhường đẹp lòng Thiên Chúa vì biết mình là gì trước mặt Ngài, và sống theo sư thật đó. Thánh Phanxicô Assisi nhận xét: “Con người trước mặt Thiên Chúa như thế nào, thì thực sự là thế ấy.”

Mời Bạn: A-đam và E-và từng cao ngạo muốn bằng Thiên Chúa, tự phụ không muốn lệ thuộc Ngài. Thời đại hôm nay cũng có nhiều con người kiêu căng như vậy, muốn coi con người như là Tạo Hóa, có quyền đặt ra luật lệ, bản chất cho chính con người, không muốn liên hệ với ý muốn của Đấng sáng tạo ra mình. Bạn nghĩ sao về lập trường này?

Sống Lời Chúa: Đề phòng sự kiêu ngạo theo kinh “Cải tội bảy mối”: thứ nhất khiêm nhượng chớ kiêu ngạo.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin Chúa cho con sống khiêm nhường,  nhìn nhận đúng sự thật về mình, theo cái nhìn của Chúa, chứ không phải theo cách người đời đánh giá. Xin cho con luôn thờ phượng Chúa trong tâm tình của người môn đệ khiêm nhu, phục vụ anh chị em trong tinh thần huynh đệ khiêm tốn. Amen.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *