Sống thật với chính mình (15.10.2024 – Thứ Ba Tuần XXVIII Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Gl 5,1-6 (năm chẵn), Rm 1,16-25 (năm lẻ), Lc 11,37-41

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 11,37-41)

37 Khi ấy, Đức Giê-su đang nói, thì có một ông Pha-ri-sêu mời Người đến nhà dùng bữa. Tới nơi, Người liền vào bàn ăn. 38 Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu lấy làm lạ vì Người không rửa tay trước bữa ăn. 39 Nhưng Chúa nói với ông ấy rằng : “Này, nhóm Pha-ri-sêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà. 40 Thật là ngốc ! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao ? 41 Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.”

Sống thật với chính mình (15.10.2024)

Thánh Thánh Tê-rê-xa A-vi-la, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh

Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giê-su nhận lời mời của một người trong nhóm Biệt phái đến dùng bữa tại nhà mình.

Nhóm Biệt phái coi việc rửa tay trước bữa ăn rất quan trọng, không phải vì lý do vệ sinh mà vì lý do luân lý, rửa tay cho sạch trước khi ăn nhằm tẩy xóa những ô uế mà họ có thể vô tình bị lây nhiễm khi tiếp xúc với những kẻ tội lỗi.

Khi tới nơi, Chúa Giê-su liền ngồi vào bàn ăn. Thấy vậy, người Biệt phái lấy làm lạ vì sao Người không rửa tay trước bữa ăn và thầm khó chịu trong lòng.

Chúa Giê-su không chấp nhận thái độ giả hình, chỉ lo chú trọng hình thức bên ngoài, cái đạo đức giả mà bỏ quên cái chính-tâm, cốt lõi bên trong, cái đạo đức thật của con người. Nên người mới nói với người Biệt phái:

“Đồ ngốc ! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao ? Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người” (x. Lc. 11, 37-41)

Qua đó, Chúa Giê-su muốn dạy các Ki-tô hữu hôm nay bài học thật-tâm . Đó là, phải có cái nhìn toàn diện về cuộc sống, phải có sự kết hợp nhất quán giữa đức tin và việc làm. Thái độ chân thành, trân trọng phục vụ mọi người giúp ta sống thật với mình. Đồng thời làm việc, chu toàn bổn phận không phô trương, không khoe khoang. Khi có sự chân thành và khiêm nhu thì “mọi sự sẽ trở nên trong sạch” cho những ai luôn quan tâm những giá trị bên trong, quan tâm đến điều cốt yếu là sự trong sạch của lương tâm và tâm hồn.

Hôm nay, Giáo hội mừng kính thánh Tê-rê-xa A-vi-la, trinh nữ, tiến sĩ Hội thánh. Điểm nổi bật của cuộc đời thánh nữ là:

Không bao giờ nói về sự hiểu biết, các nhân đức, sự xuất thân… của mình để nhận được sự ngưỡng mộ từ người khác – nếu không phải vì mục đích phục vụ. Mà nếu điều đó hướng đến mục đích phục vụ, thì thánh nữ cũng thể hiện trong sự khiêm tốn, qua việc nhận ra tất cả những ân ban đó đều xuất phát từ tay Thiên Chúa;

Tê-rê-xa luôn xem mình chỉ là tôi tớ của mọi người, và trong mọi người để chiêm ngắm Đức Giê-su, kính trọng và yêu mến Người qua các chị em mình;

Tê-rê-xa là một phụ nữ hết lòng “vì Chúa”, một phụ nữ của cầu nguyện, của kỷ luật và giàu lòng thương các linh hồn. Tâm hồn ngài luôn thuộc về Chúa; làm mọi việc như thể có Chúa Giê-su hiện diện, luôn luôn khao khát được nhìn thấy Chúa và rất sợ mất Người mỗi khi chia trí, xao nhãng cầu nguyện;

Cuộc đời của Thánh nữ là một chuỗi những ngày tháng quyết tâm không phạm tội, dù chỉ một tội nhẹ. Ngài luôn cố tránh mọi dịp tội là căn nguyên cản trở việc hiến mình cho Thiên Chúa;

Cũng như Chúa Giê-su, thánh nữ có những mâu thuẫn lạ lùng:

Khôn ngoan, nhưng thực tế;

Thông minh, nhưng giàu kinh nghiệm;

Huyền bí, nhưng là người quyết liệt cải tổ dòng kín ca-mê-lô;

Một phụ nữ thánh thiện, nhưng cũng đầy nữ tính. Có lẽ vì thế, nên ngài được gọi là thánh Tê-rê-xa Giê-su !

Lạy Chúa, xin cho con biết con để con biết sống thật với chính mình. Amen.

CÁT BIỂN

Tẩy rửa tâm hồn (17.10.2023)

Ngày 17.10: Lễ Nhớ Thánh I-nha-xi-ô An-ti-ô-khi-a, giám mục, tử đạo

Theo truyền thống Do-thái, nhóm Pha-ri-sêu coi các nghi thức thanh tẩy rất quan trọng, không phải vì lý do vệ sinh mà vì lý do luân lý. Họ rửa tay là nhằm muốn tẩy xóa những ô uế mà họ có thể vô tình bị nhiễm phải khi tiếp xúc với những kẻ tội lỗi.

Theo trình thuật Tin Mừng hôm nay (x. Lc. 11,37-41), Chúa Giê-su không quên việc rửa tay trước khi ăn, nhưng Người không rửa tay bởi lẽ Người muốn cho những người Biệt phái thấy Thiên Chúa không phải câu nệ, lệ thuộc vào nghi thức bề ngoài này. Vì đối với Ngài, tâm hồn trong sạch, không có điều chi gian dối, yêu mến tuân giữ luật Chúa mới là điều quan trọng hơn. Trái lại người Biệt phái đã có thái độ quá câu nệ vào đó, đến độ xem việc rửa tay như là một mẫu mực để phán xét giá trị của một người.

Qua đó, Chúa Giê-su đưa ra nhận định về những thứ bên ngoài và những cái bên trong:

Bên ngoài là việc tuân thủ những quy định về nghi thức;

Bên trong là lòng đạo đức thật, không màu mè, hình thức;

Bên trong là tâm hồn trong sạch và lương tâm ngay thẳng.

Sau cùng Ngài đã răn đe:

“Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người” (Lc. 11,41)

Lạy Chúa, xin cho con biết tẩy rửa (từ bỏ) những cách thức giữ đạo hình thức, để con biết tẩy rửa tâm hồn (sống đạo) với một lương tâm trong sạch, một tâm hồn quảng đại và như vậy ý hướng ngay lành như Chúa muốn. Amen. 

CÁT BIỂN 

Tốt thật … (11.10.2022)

Thành ngữ “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” có hai nghĩa.

Nghĩa đen: Khi đánh giá vật dụng làm bằng gỗ, người ta quan tâm đến ruột gỗ, thớ gỗ bên trong hơn là màu sắc, nước sơn bên ngoài.

Nghĩa bóng: Nhận xét một con người, nên quan tâm đến phẩm chất đạo đức của họ hơn là ngoại hình, cái bên ngoài của họ.

Tin Mừng theo thánh Lu-ca hôm nay cho biết: Nhân tiện Chúa Giê-su được mời đến nhà của một người Pha-ri-sêu dùng bữa.

Tại đây, Ngài đã khiển trách thói quen, tập tục chú trọng hình thức, chỉ lo để tâm đánh giá các sự việc bên ngoài của nhóm người này mà không lo hướng lòng chăm chút, sửa chữa, đổi mới nội tâm, ăn ngay, ở lành, hành thiện tích đức.

Qua đó, Chúa Giê-su cũng dạy ta phải có cái nhìn, nhận xét, đánh giá phẩm chất con người, cuộc sống đời thường hay cung cách sống Đạo một cách toàn diện.

Chúa Giê-su cũng nhấn mạnh  cụ thể việc thật lòng bố thí, luôn sẵn sàng hết lòng cứu giúp tha nhân… chính là phương thế làm cho mọi sự cả ngoài lẫn trong con người của ta trở nên lành thánh trong sạch. Đó cũng là dấu chỉ sống Đạo vẹn toàn, và một chứng tá Tin Mừng hữu hiệu.

Lạy Chúa, xin cho con biết làm sống lại đức tin, biết khơi dậy niềm hy vọng và lòng bác ái vô vị lợi để mọi người hôm nay nhận ra Tin Mừng Cứu Độ của Chúa. Amen. 

CÁT BIỂN 

Lương tâm trong sạch (12.10.2021)

“Hãy bố thí thì mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.” (Lc 11,41)

Có một nhà kinh tế học được mời nói chuyện với một nhóm thương gia. Cô ta cầm một tờ giấy trắng lớn và lấy bút quệt vào đó một chấm đen lớn. Cô hỏi một người ngồi hàng ghế đầu: Anh thấy gì?

– Một chấm đen. Người ấy trả lời.

Cô tiếp tục hỏi người này đến người kia ở trong phòng, người nào cũng trả lời: một chấm đen.

Bình thản và chậm rãi, diễn giả nói:

– Vâng, thưa quí vị. Có một chấm đen trên tờ giấy. Song, không ai trong quí vị nói đến tờ giấy trắng. Và đó là chủ đề bài thuyết trình của tôi.

Tin Mừng thánh Luca thuật lại việc Chúa Giêsu đến nhà người Pharisêu dùng bữa mà không rửa tay trước khi ăn theo luật thanh sạch của người Do Thái. Tại sao Đức Giê-su không giữ luật này?

Bởi vì Chúa Giêsu muốn dạy cho họ một điều hết sức quan trọng, đó là: sự trong sạch không phải ở hình thức bên ngoài như tắm rửa hay do ăn mặc chỉnh tề, nhưng do chính tâm hồn, nơi một lương tâm trong sạch của con người.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con giữ đạo không chỉ nơi hình thức bên ngoài ở các lễ nghi, nhưng điều quan trọng hơn là lòng yêu mến Chúa và yêu thương tha nhân. Amen.

Têrêsa Mai An

Tâm hồn trong sạch (13.10.2020)

“Hãy bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông” (Lc 11,41).

Chúa Giê-su được mời  dùng bữa tại  nhà người biệt phái, nhưng Người không rửa tay trước khi ăn theo tập tục, nên bị những người biệt phái khó chịu. Nhân việc ấy, Người đã dạy cho họ về sự trong sạch cần thiết nhất, không phải là sự sạch sẽ, thơm tho, dễ nhìn, bóng bẫy bên ngoài, nhưng là phải có tâm hồn trong sạch, lòng trí tinh tuyền.

Tâm hồn trong sạch là tâm hồn hoàn toàn trống rỗng những thứ phù vân trên cõi đời này. Tâm hồn nào còn chất chứa những ước muốn danh lợi dục phàm tục, những lắng lo toan tính thế gian, những ý nghĩ ganh ghét tỵ hiềm… thì không thể gọi là trong sạch được! Dẫu có bao nhiêu lớp phấn son mỹ miều, hay bao nhiêu trang phục hàng hiệu đắt giá, dẫu có ra vẻ đạo mạo oai phong, hay đánh bóng mình bằng những thứ tôn vinh giả tạo, để che đậy một cõi lòng rác rưởi, một tâm hồn nhớp nhúa, thì cũng chỉ qua mắt được thiên hạ, không thể qua mắt được Thiên Chúa.

Vậy muốn được sạch đẹp có giá trị đích thực trước mặt Thiên Chúa, chúng ta phải tẩy xóa, phải dọn dẹp, phải buông bỏ, phải xua trừ mọi thứ phù phàm ra khỏi lòng trí chúng ta. Bởi chỉ khi xua trừ tất cả những nhơ uế ra khỏi căn nhà tâm hồn, thì mới có chỗ cho những điều thánh thiện, tốt lành cư ngụ. Và nhất là, căn nhà tâm hồn phải sạch sẽ, thoáng đãng mới xứng đáng là nơi Thiên Chúa chí thánh ngự trị. Ước gì mỗi chúng ta luôn luôn “Có ý ngay lành”, khi suy nghĩ, khi nói, khi làm bất cứ việc gì. Và hơn thế nữa, hãy có Chúa trong lòng, để có suy nghĩ như Chúa nghĩ suy, nói những lời Chúa muốn nói, làm những gì Chúa vui lòng.

Lạy Chúa, xin giúp con thanh tẩy tâm hồn khỏi những ô uế phàm tục, để luôn dành cho Chúa ngự trị mà thôi. Amen

BCT

Sống chân thành, bác ái và yêu thương (15.10.2019)

Ngày 15.10: Lễ Nhớ Thánh Thánh Tê-rê-xa A-vi-la, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh

Trong  bài Tin Mừng hôm nay, khi thấy những người biệt phái quá chú trọng đến những việc làm bên ngoài mà quên đi những bổn phận phải làm trong tâm hồn của chính mình. Đức Giêsu cho biết cách thức để làm cho “bên trong” và “bên ngoài” được thanh sạch, đó là “bố thí”. Người nói: “Hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người”. Những hành động bên ngoài có khả năng thanh tẩy và làm sạch cả “bên ngoài” lẫn “bên trong”, như Đức Giêsu nói: “Bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người”. Nghĩa là mọi sự “bên ngoài” và “bên trong” đều được thanh sạch.

Sống yêu thương: rộng đường ơn phúc

Chúa nhân từ: chúc phúc bình an

Hôm nay sống giữa thế gian

Thực hành bác ái, đầy tràn hân hoan

*

Biết cảm thông, vô vàn thân thiết

Sống trên đời phải biết “anh – em”

Dựng xây cuộc sống ấm êm

Rộng lòng bố thí, đượm thêm tình người

 

Chúa Giêsu không chủ trương chỉ lo đến những gì bên trong, nhưng Ngài muốn chúng ta có cái nhìn toàn diện về cuộc sống, về những biến cố xảy đến cho con người. Phải có sự thống nhất trong ý hướng và hành động. Phải có sự hòa hợp giữa đức tin và việc làm. Đi xa hơn nữa, chúng ta có thể nói Chúa Giêsu không muốn tách biệt giữa cái bên trong với cái bên ngoài, cái thánh thiêng với cái phàm tục.

 

Sống thật lòng cho đời hương vị

Để chính mình khỏi bị cô đơn

Xua tan gian ác, căm hờn

Dựng xây tình nghĩa keo sơn mặn mà

*

Sống chân thành chính là lẽ sống

Lấy hài hòa để chống ghét – ghanh

Để cho cuộc sống an lành

Tấm lòng thanh sạch tạo thành hương yêu

*

Lời dạy của Chúa Giêsu với những người biệt phái trong bài Tin Mừng hôm nay cũng là lời cảnh tỉnh cho chúng ta. Bên ngoài người ta có thể rất đạo mạo, lịch sự, cao trọng, chức quyền nhưng bên trong lại chứa đầy tham lam . Vì vậy Chúa mời gọi mỗi người chúng ta hãy trở về “bên trong” với con người thật của mình, để ở đó chúng ta gặp được Thiên Chúa, để Ngài biến đổi chúng ta, giúp chúng ta hành động với một tấm lòng trong sạch và ngay thẳng theo tinh thần yêu thương và hiệp nhất với mọi người.

 

Sống yêu thương: bao điều cao quý

Luôn sẵn lòng bố thí cho đi

Không nên “hình thức” chi li

Mà hãy thể hiện những gì thực tâm

Lạy Chúa!  Xin Chúa giúp chúng con loại trừ đi những việc làm hình thức bên ngoài, mà phải phải chú ý đến thể hiện những tình cảm bên trong với tấm lòng chân thành, quảng đại và biết thông cảm và sống liên đới với mọi người trong tình yêu thương thật sự, giúp đỡ nhau cùng thăng tiến trong cuộc sống. Amen.

 HOÀI THANH

Chú trọng bên trong… (16.10.2018)

Trong khi Chúa Giê-su thi hành sứ vụ tại thế. Người Pha-ri-sêu rất chú trọng đến những cái bên ngoài; những cái phụ thuộc không cần thiết. Điều họ muốn mọi người tuân giữ lại không phải là chính lề luật Mô-sê. Nhưng chính là những lời giải thích chi li bởi các luật sĩ, tạo nên lối sống vụ luật, giả hình, chuộng hình thức.

Chúa Giê-su đã dùng hình ảnh cái chén uống nước và cái đĩa ăn hàng ngày tượng trưng cho tâm hồn bên trong của con người. Rửa sạch cái bên ngoài của chén đĩa, không đủ. Rửa sạch cái gian tham, tà ý ở trong tâm lòng mới là điều quan trọng hơn, cấp thiết hơn, khó làm hơn.

Chúa Giê-su lưu ý sự tương phản giữa cái bên ngoài rất sạch và cái bên trong rất dơ, khiến nhiều người có thể nhận định sai bản chất của sự việc. Ngài đưa ra phương cách tẩy rửa cái bên trong nhơ uế để trở nên trong sạch; đó là hãy thực hành bố thí (Lc 11,41)

Ngày nay, các Ki-tô hữu vẫn bị cám dỗ mãn nguyện với những gì thuộc về bên ngoài như các Pha-ri-sêu cách nay hơn hai ngàn năm.

Làm sao để thực sự trong sạch dưới ánh mắt của Thiên Chúa ?

Làm sao khi nhìn dáng vẻ bên ngoài của một Ki-tô hữu thì người khác thấy được vẻ đẹp thánh thiêng bên trong tâm hồn mình ?

Lạy Chúa, xin giúp con biết chú trọng sửa đổi, canh tân những gì bên trong tâm hồn mình, ngõ hầu mọi người chung quanh con nhận ra Chúa qua chính cuộc sống mỗi ngày của con. Amen.

CÁT BIỂN

Tẩy rửa chân thật… (17.10.2017)

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su dạy về sự trong sạch nội tâm.

Nhóm Pha-ri-sêu bắt bẻ Chúa Giê-su và các môn đệ Người đã không rửa tay trước khi ăn, rồi họ cho đó là lỗi luật. Họ chỉ lo chú trọng giữ sạch cái bên ngoài, còn chuyện bên trong thì bỏ mặc cho dù dơ bẩn như thế nào đi nữa.

Nhưng Thiên Chúa thì ngược lại. Ngài thấy tỏ tường cái ẩn ở bên trong lẫn sự phơi bày rõ ràng bên ngoài. Vì chính Thiên Chúa đã làm ra cả cái bên trong lẫn cái bên ngoài.

Chúa Giê-su đã sửa lại não trạng sai lầm của lối sống vụ luật, chỉ lo xem trọng hình thức, mà không hề quan tâm đến điều cốt yếu chính là sự trong sạch của lương tâm và tâm hồn.

Để qua đó, Chúa Giê-su cũng khuyên dạy cho những ai đi theo Người cách thức tẩy rửa cho sạch cái nhơ uế ở bên trong, đó là hãy thực thi bố thí một cách thực tâm (x. Lc 11, 37-41).

Lời Chúa hôm nay đã đánh động tâm hồn tôi rất nhiều. Thiết nghĩ việc rửa tay trước khi ăn là điều tốt nhằm để bảo vệ sức khỏe. Nhưng điều thật sự quan trọng không phải chỉ ở việc tẩy rửa bên ngoài, mà còn phải là việc tẩy rửa bên trong tâm hồn cho thanh sạch bằng những suy nghĩ chân thật và bằng một đời sống công chính.

Khi duyệt xét lại cách thức giữ đạo và sống đạo của mình; chợt nhận giật mình vì bấy lâu nay bản thân tôi đã quá câu nệ hình thức bên ngoài; còn bên trong tâm lòng thì mục ruỗng hôi thối, xấu xa, nhơ nhớp…

Lạy Chúa Giê-su, xin thêm sức cho con biết can đảm từ bỏ cách giữ đạo hình thức; xin soi dẫn cho con biết đi vào chiều sâu của việc sống đạo với một lương tâm trong sạch, và một tâm hồn biết quảng đại với tha nhân. Amen.

CÁT BIỂN

Lòng thanh… (11.10.2016)

Sách Khổng Tử gia ngữ có câu:

 “Lương dược khổ ư khẩu nhi lợi ư bệnh

Trung ngôn nghịch ư nhĩ nhi lợi ư hành” 

Nghĩa là:

“Thuốc hay đắng miệng mà có lợi cho bệnh

Lời ngay trái tai mà có lợi cho việc làm”.

Chúa Giê-su cũng đã khiển trách nặng lời những người Pha-ri-sêu vì lối sống giả hình của họ. Qua đó, Người hướng họ chú trọng đến những giá trị bên trong hơn là những gì bên ngoài. Sự trong sạch của lương tâm và tâm hồn mới là điều cốt yếu và cần quan tâm hơn cả (x. Lc 11,37-41).

Người ta có thể đánh giá một con người dựa theo những cái bên ngoài. Nhưng với Thiên Chúa thì không phải như vậy; Người đánh giá con người từ trong tâm hồn. Để được Thiên Chúa đón nhận, thiết tưởng phải trở nên thanh sạch từ trong tâm hồn, phải loại trừ mọi thứ tham lam và gian tà, để tô điểm linh hồn mình bằng ân sủng của Thiên Chúa và sinh hoa kết quả là các nhân đức !

Trông người, ngẫm lại ta. Bao lâu nay tôi sống đạo, cũng sai lầm như những người Pha-ri-sêu trong thời Chúa Giê-su:

Từng xem trọng hình thức hơn nội dung;

Từng yêu thích số lượng hơn chất lượng;

Từng coi trọng thương hiệu bên ngoài hơn phẩm chất bên trong;

Lương tâm cong vẹo trong một thân xác kịên toàn…

Luôn an tâm với những việc giữ luật Chúa và Giáo hội với cái vỏ bề ngoài, mà không màng tới tinh thần bên trong…

Đây là những điều đã làm tôi từ người “có đạo” thành kẻ không biết “sống đạo”; mệnh danh là người “có đức tin” nhưng lại thành đứa “không có đức tin”; luôn “nghe lời Chúa” nhưng chẳng bao giờ “thi hành” Lời của Người…

Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết sống đơn sơ, chân thật… trước thánh nhan Chúa với tất cả mọi người; xin dạy con biết sống yêu thương, biết chia sẻ, và phục vụ tận tình anh chị em chung quanh mình với tâm tình như Lòng Thương Xót Chúa đã dành cho con. Amen.

CÁT BIỂN

Bên ngoài – bên trong (13.10.2015)

Thầy Giê-su đang rao giảng, thì có một ông Pha-ri-sêu mời đến nhà dùng bữa. Thầy rất “dị ứng” với những người Pha-ri-sêu, vậy mà được mời đến dùng bữa tại nhà họ, kể cũng là lạ. Người Pha-ri-sêu tôn trọng luật lệ cách tỉ mỉ, giữ luật thanh tẩy  kỹ càng như rửa tay, chén bát, bình lọ…  Còn Thầy Giê-su, một người vị vọng thì vừa đến nơi dùng bữa lại đi thẳng vào bàn ăn, bất cần luật rửa tay. Có phải Thầy vội vã vì đói bụng, hay cố tình “phạm luật” để gây chuyện?

Chủ nhà còn đang lấy làm lạ, thì Thầy đã nói luôn với ông: “Thật, nhóm Pha-ri-sêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà. Đồ ngốc! Đấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao?”

Rõ là mất vui, được mời dùng bữa mà Đức Giê-su không nể mặt chủ nhà, lại còn cho một bài bóc mẽ bộ mặt của nhóm Pha-ri-sêu. Sự thật mất lòng, nhưng đây là dịp để họ và cả chúng con trở về để nhìn vào sự thật đang chất chứa bên trong tâm lòng mình là gì? Nhưng khổ nỗi là cái bên ngoài thường dễ nhìn thấy ngay vì đập ngay vào mắt, còn cái bên trong lại không dễ dàng nhìn thấy được. Ví như con mắt mình càng gần càng khó thấy, hoặc cái tôi to đùng bên trong, sâu tận đáy lòng nhìn mãi chẳng thấy. Có khi cái xấu bên trong rất khéo ẩn trú, nó dễ chịu êm ái thú vị, làm ta chỉ thấy đúng  mà không bao giờ thấy sai hết.

Bên ngoài sạch sẽ là tốt, nhưng tốt hơn và cần thiết hơn là “trong sạch từ bên trong”. Đối với những bậc thầy Do-thái thì nghi thức tẩy rửa là rất quan trọng, Thầy Giê-su bãi bỏ vì chỉ là hình thức bên ngoài. Thầy muốn nói rằng chén bát sạch hay rửa tay sạch chỉ là cái hình thức bên ngoài, còn bên trong tâm hồn người ăn có sạch không mới quan trọng.

Sẽ là giả hình nếu bên ngoài sạch sẽ mà nội tâm bên trong đầy những “cướp bóc, gian tà”: “Vì tự lòng người phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống. Đó mới là những cái làm cho con người ra ô uế”  (Mt 5,19-20).

“Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.” Nhiều khi tôi lo chăm chút dáng vẻ đạo đức bên ngoài mà bên trong vẫn bị rỗng tuếch. Nhưng ngược lại cái bên trong tốt sẽ tác động, thổ lộ, diễn tả ra bên ngoài.

Nét mặt tươi vui, hiếu hòa là dấu chỉ tâm hồn trong sạch, sự thanh thoát, lòng yêu mến từ bên trong phát ra. Lòng bác ái vị tha bên ngoài còn nói lên sự trong sạch từ bên trong.

Chúa ơi! tự sức con không thể tự thanh tẩy tâm hồn mình nên thanh sạch từ bên trong. Chỉ khi mở lòng đón Chúa là Đấng vừa làm ra cái bên ngoài, vừa làm ra cái bên trong vào hiển trị ngự trong tâm hồn, Chúa sẽ thanh tẩy chúng con nên trong sạch từ trong ra ngoài, từ tư tưởng đến hành động, lan tỏa trên khuôn mặt của một tâm hồn luôn có Chúa ở cùng.

Én Nhỏ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *