Khát khao gặp Chúa để đón nhận Lòng Thương Xót của Chúa (03.02.2024 – Thứ Bảy tuần IV Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

 Lời Chúa:  1 V 3,4-13 (năm chẵn), Hr 13,15-17.20-21 (năm lẻ), Mc 6,30-34



Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 6,30-34)

30 Khi ấy, các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. 31 Người bảo các ông : “Anh em hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. 32 Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. 33 Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. 34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.

Khát khao gặp Chúa để đón nhận Lòng Thương Xót của Chúa (03.02.2024)

Sau một thời gian đi thực tập rao giảng Tin Mừng, các tông đồ trở về với Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm. Công việc đi rao giảng chắc chắn đã làm các tông đồ mệt mỏi nên Chúa Giêsu muốn các ông nghỉ ngơi để lấy lại sức và muốn Thầy trò có thời gian sống thân tình bên nhau.

Nghỉ ngơi lấy lại sức khỏe và sự cạn bằng trong tâm hồn là đều hết sức cần thiết sau một thời gian làm việc tận tâm và vất vả, nhất là đối với công việc mới mẻ và phức tạp, nhờ đó có thời gian nhìn lại những việc đã làm và rút kinh nghiệm, đồng thời có kế hoạch cho những ngày làm việc tiếp theo.

Người Kitô hữu cần phải có những thơi gian thinh lặng với Chúa, lắng nghe tâm hồn nói chuyện với Chúa.

Vì dân chúng tuôn đến rất đông nên Chúa Giêsu cùng các môn đệ phải xuống thuyền đi đến một nơi vắng vẻ khả dĩ có thể ăn uống nghỉ ngơi.

Dân chúng đang khao khát muốn nghe những giáo huấn của Chúa Giêsu và cũng muốn Người chữa khỏi bệnh tật, họ đã đoán và biết ý các ngài nên họ đã đi đường tắt mà đón trước các ngài.

Lòng khao khát đến với Chúa Giêsu của dân chúng thời đó có làm xao động người Kitô hữu ngày nay không ? Có gợi lên ý muốn đi tìm hiểu, học hỏi Lời Chúa, đi gặp gỡ Chúa trong các Bí tích, nhất là Bí tích hòa giải và Bí tích Thánh Thể không ?

Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giê-su thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều.

Chúa Giêsu thương dân chúng như đàn chiên không người chăn. Thời Cựu ước các chiên bị mục tử tham lam bóc lột, bị bỏ bê : các mục tử Ít-ra-en, những kẻ chỉ biết lo cho mình !Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt các ngươi làm thịt ; nhưng các ngươi lại không lo chăn dắt đàn chiên. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh ; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành ; chiên bị thương, các ngươi không băng bó ; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về ; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc. (Ed 34,2-4).

Thời Tân ước cũng không khá hơn. Các mục tử đối xử rất tệ hại với chiên : Họ nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. (Mc 12,40), là những kẻ khóa Nước Trời không cho người ta vào (Mt 23,13), là những kẻ cất dấu chìa khóa sự hiểu biết và ngăn cản người ta vào (Lc 11,52) và nhiều luật lệ khắt khe bất công khác nữa.

Động từ “chạnh lòng thương”, “động lòng thương” ở nguyên ngữ Hy Lạp có nghĩa rất mạnh, như ruột bị đứt ra vậy (Is 54,8), ruột gan bồi hồi thổn thức (Gr 31,20; Hs 11,8).

Ngôn sứ Êdêkien đã loan báo : Trước tình trạng chiên bị bỏ rơi như vậy, Thiên Chúa sẽ đòi lại chiên của Người và tự chính Người sẽ chăm sóc chiên của Người. Người sẽ cho một mục tử là Đa vít đến chăn dắt chiên của Người.

Chúa Giêsu chính là Đa vít thời Tân ước. Người được Chúa Cha sai đến để đưa tất cả chiên đang tản mác về một ràn. Chúa Giêsu, vị mục tử nhân lành của Thiên Chúa sẽ chăm sóc đàn chiên.. “chỉ có một đàn chiên và một người mục tử” (Ga 10,16). “Tôi là mục tử tốt lành. Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi”.Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,14-15).

Lo cho đàn chiên, Chúa Giêsu dạy dỗ họ để mở rộng chiều kích tâm linh của họ, hầu họ có thể đón nhận giáo huấn của Người và đón nhận Tin Mừng Nước Trời, đón nhận Lời đem lại sự sống đời đời, rồi sau đó Người sẽ chăm sóc phần xác như chữa lành bệnh tật, cho họ ăn vì họ đã theo Người mấy ngày và đang đói lắm.

Chúa Giêsu đã làm gương cho các tông đồ và cho mọi người về việc đồng cảm với con người. Người vui vì sự thành công của các môn đệ, Người thương họ mệt nhọc và lo cho họ được nghỉ ngơi. Và khi thấy dân chúng bơ vơ, Người quên cả mệt nhọc đã ngay lập tức dạy dỗ họ.

Chiêm ngắm lòng yêu thương và tận tụy phục vụ, chăm lo các môn đệ và dân chúng của Chúa Giêsu mà cảm động. Và chợt buồn khi nhớ đến một số mục tử thời nay, các cha xứ với kiểu cách quản lý gia trưởng, giáo sĩ trị, một căn bệnh mà Đức Thánh Cha Phaxicô hằng quan tâm nhắc nhở các mục tử phải loại trừ. Có vị đã từng tuyên bố “tôi là cha xứ, là chủ chiên, là chủ giáo xứ này …”. Có vị háo danh đến nỗi các ghế đá, các tấm tranh lớn để quanh nhà thờ đều ghi những ngày tháng cột mốc kỷ niệm trọng đại của cha xứ, cùng với những “công trình” do cha xứ đã thực hiện để mọi người biết mà nhớ. Ngay cả những việc làm chẳng đáng kể gì như “hoàn thành mái hiên di động LCTX” cũng phải ghi lại. Trong lúc đó ngôi nhà thờ to lớn đẹp đẽ, hội trường, các lớp học khang trang tiện nghi do các cha xứ tiền nhiệm làm thì chẳng một tấm bảng nhỏ ghi nhớ.

Có cha lại sính câu đối. Cứ mỗi mùa là có câu đối mới treo trên cung thánh. Về giá trị văn chương thì xin miễn bàn vì ngay cả niêm luật câu đối cũng chưa chỉnh thì nói chi đến thứ khác. Nhưng có những câu đối nội dung hướng về những giá trị vật chất trần gian, vô tình đầu độc tâm linh giáo dân. Ví dụ như câu đối tết, thay vì lấy những phẩm hạnh của Mẹ Maria trong kinh cầu Đức Bà như Mẹ ban bình an, nhân đức v.v…để làm câu đối, giúp giáo dân nghĩ về những ơn lành cao trọng có ích cho đời sống thiêng liêng, thì lại sáng tác là Mẹ giúp giáo xứ thịnh cường như khẩu hiệu dân giàu nước mạnh của thế tục.

Một điều chung nữa là nhiều cha trẻ bây giờ thích khoe giọng hát với các bài tình ca đời thường trong các buổi tiệc đám, lễ hội. Hết đơn ca rồi song ca với các bà các cô, nào là Lâu đài tình ái, nào là Niệm khúc cuối… tòan những tình khúc sướt mướt. Các ông bà già sẽ nghĩ sao khi thấy thấy cha xứ mình nhìn “đắm đuối” một người khác phái mà hát Cho tôi ôm em vào lòng, xin cho một lần, cho đêm mặn nồng, yêu thương vợ chồng ?

Còn nhiều lắm, nhất là những kiểu dạy dỗ quát mắng với các cháu thiếu nhi… nhưng chỉ nêu một ít và xin mọi người nỗ lực cầu nguyện cho các cha, xin Chúa biến đổi các ngài thành những mục tử tốt lành như lòng Chúa mong ước, để đoàn chiên Chúa trao cho các ngài coi sóc sẽ trở nên những con chiên biết tiếng mục tử, luôn nghe và đi theo mục tử của Chúa.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết khao khát gặp Chúa trong từng giây phút của cuộc đời. để chúng con luôn ở trong Lòng Thương Xót của Chúa, vì chúng con yếu đuối và tội lỗi.

Xin cho chúng con biết rung động trước nỗi khổ của con người, nhất là sự khốn khổ vì thiếu thốn về tinh thần, về tâm linh, về lý tưởng của cuộc sống, vì không gặp được Tin Mừng Nước Trời.

Xin Chúa cho chúng con biết thông cảm và chia sẻ những đau khổ của những anh chị em chung quanh chúng con. Đồng thời chia sẻ những hạnh phúc chúng con đang có, nhất là hạnh phúc có Chúa.

Jos. NM Tưởng 

Sống để giới thiệu Tình Yêu Thiên Chúa cho tha nhân (04.02.2023)

Thánh Ca-ta-ri-na Ri-xi, OP., Trinh nữ (1522-1590) – Lễ nhớ 

Ghi nhớ:

“Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt”. (Mc 6, 34).

Suy niệm:

Mẹ Tê-rê-sa Calcutta kể lại câu chuyện: Một ngày nọ, Mẹ đến thăm một cơ sở chăm sóc các cụ già ở Thuỵ Điển. Mẹ thấy mọi việc đều tốt đẹp. Thức ăn ngon, nhân viên  đựơc đào tạo chuyên môn và đối xử rất tốt với các cụ già. Mẹ rất hài lòng, và nghĩ rằng đây là nơi ở rất tốt để các cụ già sống những ngày còn lại của cuộc đời. Tuy nhiên khi để ý quan sát kỹ. Mẹ Tê-rê-sa thấy chẳng ai có nét mặt tươi tắn và dĩ nhiên thiếu hẳn đi những nụ cười. Mẹ dò la hỏi han thì mới vỡ lẽ ra rằng: Đa số các cụ ở đây đều buồn rầu vì trông ngóng đợi chờ con cháu, bởi lẽ các con cháu của họ rất ít khi đến thăm hỏi mình!

Một câu chuyện khác. Mẹ và người con gái lớn nhà kia thường bất bình với nhau bởi vì họ khác biệt về quan niệm sống: Bà mẹ thì nói rằng: “Người ăn thì còn, con ăn thì hết”. Chính câu nói này đã làm cho người con gái bức xúc, bực tức và họ hay xảy ra tranh cãi. Ngược lại với bà mẹ, Người con gái thì lại cho rằng: “Hóm như chó mới có mà ăn”.

Vì thế người ta thấy bà mẹ này thường hay giúp đỡ những người túng thiếu, hoạn nạn, mặc dù gia cảnh của bà cũng không mấy dư giả gì. Chồng bà mất sớm để lại cho bà tám người con, đứa lớn nhất mới mười tám tuổi. Song lần hồi bà nuôi nấng và cho các con ăn học đến nơi đến chốn rồi dựng vợ gả chồng, cho từng đấy người con, hết thảy cách tốt đẹp. Có người khen là bà tài giỏi, song bà cười và nói rằng: “Tôi phó thác mọi sự trong tay Chúa và Ngài đã yêu thương ban cho tôi và các con cái tôi mọi sự đấy thôi”.

Thánh Gioan định nghĩa: “ Thiên Chúa là tình yêu”. Thật vậy, bản chất hay căn tính của Thiên Chúa là yêu thương. Thiên Chúa yêu thương nhân loại không phải là một tình yêu mơ hồ, chung chung. Nhưng Thiên Chúa yêu thương từng người, từng cá thể một cách cụ thể, bạn cứ lắng đọng tâm hồn mình đi, bạn hãy tự suy xét; từ ngày mình có trí khôn để nhận biết và phân định thì rồi bạn sẽ thấy Thiên Chúa yêu thương bạn dường bao?! Chỉ có vô tâm vô tình thì con người ta mới không cảm nhận được tình thương yêu mà Thiên Chúa dành cho họ mà thôi.

Sự việc rõ ràng và sâu thẳm nhất để ta nhận thấy tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta đó là Người đã hy sinh tính mạng để chịu chết đền tội cho chúng ta! Khi ta đã cảm nhận được tình yêu Chúa đã dành cho mình thì chúng ta phải có bổn phận mang yêu thương ấy đến cho những người sống chung quanh chúng ta: Một lời quan tâm hỏi han. Một cái bắt tay chân thành. Một ánh mắt đượm tình thân ái… Đó cũng là cách chúng ta chia sẻ tình yêu của Thiên Chúa đã dành cho chúng ta đến anh em mình. Cuộc sống sẽ bình an và hạnh phúc biết mấy khi ai ai cũng cảm nhận được tình thương của Chúa và biết san sẻ tình yêu ấy cho nhau.

Trong xã hội ngày nay, người ta sống thực dụng, người ta chỉ yêu thương những người mang lại lợi ích cho họ, người ta sẵn sàng ăn thua đủ với nhau chỉ vì một lời nói khó nghe. Vì vậy người ta gây khổ đau cho nhau nhiều hơn thay vì mang đến cho nhau tình yêu, có nghĩa là đem đến niềm vui và hạnh phúc cho nhau. Chính vì thế cho nên thời đại hôm nay hơn bao giờ hết tình thương của Thiên Chúa phải được đề cao, noi gương và bắt chước để cho thế giới này bớt đi những khổ đau không đáng có. Chiến tranh và hận thù  sẽ được đẩy lùi và nhân loại  sẽ được sống trong an vui và hạnh phúc nếu mọi người biết thương yêu nhau như Thiên Chúa đã yêu thương mọi người.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, chúng con xin cảm tạ vì Chúa đã yêu thương và ban cho chúng con biết bao ơn lành hồn xác cho dù chúng con bất xứng. Xin cho chúng con biết sống làm sao để đền đáp lại ân tình cao vời của Ngài, xin cho chúng con biết dùng lời nói việc làm để nên như những chứng từ sống động mà  giới thiệu tình thương của Chúa đến cho mọi người. Amen.

Sống Lời Chúa.

Yêu thương và phục vụ anh em.

Đaminh Trần Văn Chính.

Mục tử tốt lành (05.02.2022)

Ngày 05.02: Lễ Nhớ Thánh A-ga-ta, trinh nữ, tử đạo

Sau những ngày truyền giáo vất vả mệt nhọc các tông đồ Chúa trở về, Người muốn các ông được nghỉ ngơi để lấy lại sức khỏe và  lắng đọng tâm hồn để đón nhận Ý Chúa trong những giây  phút cầu nguyện cùng nhau. Mặc dầu Chúa  và các môn đệ lên thuyền đi đến chỗ vắng nhưng dân chúng kéo đến quá đông Người vẫn muốn các môn đệ mình được dưỡng sức còn mình ra khỏi thuyền dạy dỗ dân chúng nhiều điều. Hình ảnh Thiên Chúa đầy Lòng Thương Xót  đối với môn đệ và với dân chúng đang khát khao muốn nghe Lời Chúa dạy là chân dung một vị Mục Tử tốt lành luôn quan tâm chăm sóc và bảo vệ  đàn chiên của mình mà quên đi bản thân .

Lạy Thiên Chúa, Người là đấng Mục Tử tốt lành của chúng con, xin hãy thương và bảo vệ con cái Người  dưới trần gian, xin ban cho chúng con có được những  Mục Tử  khôn ngoan, đầy lòng nhân hậu như Chúa. Amen

Sống với Chúa (06.02.2021)

Tục ngữ xưa có nói: “Không làm gì hết là một việc làm khó nhọc nhất; bởi vì người ta không bao giờ có thể ngừng nghỉ ngơi”.

Nếu không có việc làm, thì sự nghỉ ngơi và thư giãn không có ý nghĩa gì hết.

Đối với một số người thì làm việc là điều vất vả, lao nhọc. Ngược lại, đối với những người khác, thì đó là một phần phấn khởi của đời sống.

Một cách để vui hưởng những lợi ích trọn vẹn nhất trong cuộc sống là học cách yêu thích làm việc. Thật vậy, nếu không yêu thích công việc mình làm thì hiệu suất công việc sẽ không cao; bản thân cảm thấy chán nản, uể oải mệt mỏi…

Tin Mừng theo thánh Mác-cô hôm nay cho thấy tầm quan trọng khi “làm công việc của Chúa” – Giảng dạy đức Tin; phục vụ nhân sinh – Không để cho “công việc của Chúa” cuốn hút đến nổi không còn thời gian sống với chúa trong các giờ kinh phụng vụ, trong cầu nguyện, trong việc xét mình cuối ngày…

Một trong hai điều cốt lõi của sứ vụ Đa Minh đó là nói với Chúa. Nếu như suốt ngày cứ nói về Chúa mà lại không có thời giờ để sống với Chúa, để chuyện trò nhỏ to cùng Chúa, để bộc bạch tâm tư và dâng cho Người những lao nhọc, vất vả… thì đó chỉ là những lời nói sáo rỗng về Chúa mà thôi. Nếu không có thời giờ để sống với Chúa, không có thời gian để trò chuyện cùng Chúa thì cuối cùng sứ vụ chỉ còn lại công việc và công việc mà không có Chúa đồng hành nữa… mà nếu không có Chúa đồng hành trong sứ vụ, trong công việc thì cũng vô ích, cũng chẳng có kết quả gì lại còn thiệt thân, mất mạng không chừng (x. Ga. 15,5c; Lc. 12,16-21).

Lạy Chúa, xin cho con biết làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của con trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu (x. 1Cr. 15,58). Amen.

CÁT BIỂN

Người lãnh đạo (03.02.2018)

Trong lịch sử nhân loại, mỗi đất nước, mỗi bộ tộc đều phải có sự lãnh đạo của người đứng đầu. Đó có thể là vua, là tộc trưởng, là tổng thống, thủ tướng… nhưng dù mang tước hiệu gì, họ đều phải gánh vác trên vai một trách nhiệm nặng nề – lãnh  và xây dựng  đất nước hay bộ tộc của họ. Người lãnh đạo mang một trọng trách vô cùng lớn lao mà không phải ai cũng có thể làm được.

Từ xa xưa, vai trò của người lãnh đạo luôn được coi trọng, nếu thiếu vắng sự lãnh đạo, một đất nước sẽ như rắn mất đầu, không thể phát triển được. Dù được tin tưởng, tín nhiệm hay không, trách nhiệm của họ vẫn không hề nhẹ, những quyết định được đưa ra từ họ có thể gây ảnh hưởng to lớn đến sự tồn vong của những người chịu sự lãnh đạo của họ.

Trong lịch sử nhân loại, rất nhiều dân tộc vươn lên, phát triển vượt bậc nhờ tài lãnh đạo của nhà cầm quyền. Tuy nhiên, vẫn có không ít những nhà lãnh đạo đã đưa đất nước lên đà suy vong. Chẳng hạn, ở Việt Nam, quyết định nhượng bộ của triều đình nhà Nguyễn vào những năm Pháp bắt đầu lăm le bờ cõi đã khiến đất nước từng bước một rơi vào tay giặc. Đó không phải là sự đốn mạt của triều đình phong kiến mà là sự lạc hậu, kém phát triển của đất nước so với các quốc gia phát triển ở châu Âu mà đại diện ở đây là Pháp. Tuy nhà vua không bán nước cho Pháp nhưng chính sự lãnh đạo non kém đã khiến ta mất nước.

Hay như nhà lãnh đạo độc tài của Đức là Adolf Hitler – tên trùm phát xít, kẻ đã gây ra Đệ nhị thế chiến đẫm máu. Không thể phủ nhận tài năng của hắn, chính sự lãnh đạo tài tình của Hitler đã vực dậy nền kinh tế trì trệ của Đức sau Đệ nhất thế chiến, khiến hắn có uy tín cao trong lĩnh vực chính trị. Thế nhưng, cũng chính sự lãnh đạo của hắn đã khiến nước Đức rơi vào cảnh khốn cung sau thất bại ở Thế chiến thứ hai. Qua đó, ta có thể thấy được sự ảnh hưởng sâu sắc của quyết định bởi nhà lãnh đạo đối với sự tồn vong của cả dân tộc.

Vào thời của Chúa Giêsu, dân Do Thái phải sống trong cảnh làm thuộc địa của đế quốc La Mã. Họ khát khao một Đấng lãnh đạo đưa dân thoát khỏi ách nô lệ ấy. Do đó, sự xuất hiện cùng quyền phép cao siêu của Đức Kitô đã khiến họ say mê, sùng kính. Họ tìm đến Người cũng chỉ mong rằng Người sẽ chữa lành và ban của ăn nuôi dưỡng họ. Nhìn đoàn người đông đảo, Người không thể bỏ mặc họ mà chạnh lòng thương, Người thương họ vì họ như đoàn chiên không người chăn dắt, là dân tộc thiéu vắng người lãnh đạo tận tình.

Trong xã hội ngày nay, tuy chúng ta có những người lãnh đạo, nhưng có vẻ họ chưa hoàn thành tốt trách nhiệm của mình, bất công vẫn tràn ngập trên đất nước chúng ta. Là những người Kitô hữu, chúng ta phải vừa biết tỉnh táo để nhận ra sự yếu kém của họ, nhưng cũng vừa phải biết cầu nguyện cho họ. Để từ đó, họ có thể hiàn thành tốt trách nhiệm của mình đối với đất nước.

Lạy Chúa, tuy chúng con đang sống dưới sự lãnh đạo của các nhà cầm quyền, thế nhưng có vẻ khả năng họ chưa đủ để có thể đưa đất đước tiến đến đà phát triển. Xin Ngài soi sáng cho họ, để họ biết tỉnh thức, không còn lầm đường lạc bước, biết thực hiện tốt trách nhiệm của một nhà lãnh đạo. Để đất nước chúng con không cần trở thành “con hổ” trong tưởng tượng của họ mà chỉ cần thoát khỏi sự khinh thường, chế nhạo của bè bạn năm châu là quá đủ. Xin Ngài cũng cho chúng con biết tỉnh táo, để chúng con có thể nhận ra điều gì là thật, điều gì là giả dối, để chúng con trở nên những công dân sáng suốt, không bị dắt mũi bởi bọn gian trá bất nhân. Amen.

Petrus Sơn

Nỗ lực tìm kiếm Chúa (04.02.2017)

Thánh Ca-ta-ri-na Ri-xi, OP., Trinh nữ (1522-1590) – Lễ nhớ 

1. SUY NIỆM

Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại sự kiện đám đông dân chúng Do Thái khao khát được nghe giáo lý của Đức Giêsu; họ đã cất công tìm kiếm Người và không ngại vất vả, mệt nhọc vượt đường xa để đến với Người.

Vâng lệnh Đức Giêsu, các môn đệ ra đi đến các thành, các làng mạc trong miền Ga-li-lê rao giảng về Nước Trời và giáo lý của Người; các ông trở về, quây quần bên Đức Giêsu và tỉ mỉ tường trình với Người các hoạt động của mình. Chắc hẳn lòng các ông vui sướng và nhiệt huyết tông đồ nơi các ông đang bùng cháy, các ông muốn tiếp tục dấn thân trong công cuộc loan báo tin vui cho đồng bào mình. Nhưng  Đức Giêsu bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.”

Đức Giêsu đồng cảm với nỗi vất vả lo toan của các môn đệ khi các ông chia sẻ trách nhiệm loan báo Tin Mừng cứu độ; Người bảo các ông hãy “lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”.

Rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối là điều cấp bách, cần thiết phải làm và làm ngay nhưng việc nghỉ ngơi cũng là một nhu cầu thiết yếu trong hoạt động của các môn đệ; vì thế, Đức Giêsu muốn các ông “nghỉ ngơi đôi chút”. Việc nghỉ ngơi Đức Giêsu đề nghị với các môn đệ bao gồm ba yếu tố: Ngưng những việc đang làm; chọn một địa điểm thanh vắng yên tĩnh; dành đôi chút thời gian cho riêng mình. Đó chính là khoảng thời gian các môn đệ xếp lại những bận rộn, lo toan để nghỉ ngơi và bồi dưỡng sức khỏe cũng như nghị lực để tiếp tục làm tốt sứ vụ được trao; bằng việc hồi tâm, cảm tạ và cầu nguyện.

Đức Giêsu cùng các môn đệ xuống thuyền để tìm nơi thanh vắng như đã hoạch định. Tuy nhiên, khi thuyền vừa cập bến, Đức Giêsu đã thấy đám đông túc trực sẵn ở đó chờ Người.

Trình thuật Tin Mừng cho thấy niềm khao khát của dân chúng, họ muốn được nghe Đức Giêsu rao giảng và họ đã biểu lộ mạnh mẽ qua nỗ lực tìm kiếm và gặp gỡ Người: “Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài”. Khi cho thuyền vào bờ, thấy dông đảo dân chúng đã chờ sẵn thì Đức Giêsu chạnh lòng thương, Người lại bắt đầu giảng dạy cho họ.

Dân chúng sống dưới ách lề luật cùng với những tập tục truyền thống nặng về hình thức, phô trương, giả tạo; còn giới lãnh đạo tinh thần thì bảo thủ, ích kỷ; dân chúng đa phần chán ghét và sợ hãi; họ trông mong Đấng Mê-si-a đến; và họ như bầy chiên không người chăn dắt; nên khi gặp được Đức Giêsu họ tuôn đến với Người và bị thuyết phục bởi giáo lý của Người cũng như những việc Người đã làm.

Dân Do Thái dưới thời Đức Giêsu đã cảm nghiệm sự quan tâm và lòng thương xót, thứ tha của Người đối với tha nhân, nhất là với những người tội lỗi, những người đau khổ vì bệnh hoạn, tật nguyền. Lời giảng dạy của Đức Giêsu đầy quyền uy và đem lại bình an cho tâm hồn; cách cư xử đầy yêu thương, tha thứ đã hấp dẫn, lôi cuốn họ, khiến họ đã không ngại vất vả, khó nhọc đường xa mà tìm kiếm, gặp gỡ Người.

Tâm tình và thái độ của các môn đệ, cũng như dân chúng Do Thái trong trình thuật Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:

Ý thức: sự thiếu vắng Đức Giêsu Kitô, thiếu vắng lời của Người trong cuộc sống là một tai họa; vì: Lời Chúa là lời tình yêu, lời cứu rỗi và là thánh ý của Chúa Cha; Lời sẽ giúp tôi tránh xa tội lỗi và cho tôi hạnh phúc trường tồn.

2. CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, xin cho con ý thức được giá trị đích thực của Lời Chúa trong cuộc sống: đó là kim chỉ nam, là sức mạnh và là nguồn yêu thương trong mọi hoạt động; nhờ đó con nỗ lực tìm kiếm và sống trong mọi khoảnh khắc của đời mình.

3. SỐNG TIN MỪNG

Dành thời gian để đọc, suy gẫm Lời Chúa và nỗ lực thực hành mỗi ngày.

Làm việc và nghỉ ngơi (06.02.2016)

SUY NIỆM

Trình thuật Tin Mừng hôm nay thuật lại chỉ thị của Đức Giêsu cho các môn đệ khi các ông được chia sẻ sứ vụ rao giảng Tin Mừng với Người.

Sau khi các môn đệ vâng lời Đức Giêsu ra đi rao giảng về Nước Trời và giáo lý của Người cho các thành, các làng mạc trong miền Ga-li-lê trở về; các ông quây quần bên Đức Giêsu và tỉ mỉ tường trình với Người các hoạt động của mình. Các ông hân hoan vì đã hoàn tất sứ vụ được trao.

Trong khi đó, dân chúng tiếp tục tìm đến với Đức Giêsu để nghe người giảng dạy; và dĩ nhiên các môn đệ sẽ lại tất bật đón tiếp họ và giúp Đức Giêsu thi hành sứ vụ của Người. Nhưng  Đức Giêsu bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.”

Rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối là điều cấp bách, cần thiết phải làm và làm ngay nhưng việc nghỉ ngơi cũng là một nhu cầu thiết yếu trong hoạt động của các môn đệ; vì thế, Đức Giêsu muốn các ông “nghỉ ngơi đôi chút”. Việc nghỉ ngơi Đức Giêsu đề nghị với các môn đệ bao gồm ba yếu tố: – Ngưng những việc đang làm; chọn một địa điểm thanh vắng yên tĩnh; dành đôi chút thời gian cho riêng mình.

  • Ngưng những việc đang làm

Sau chuyến công tác do Đức Giêsu sai đi, các môn đệ đang phấn khởi bởi những kết quả thâu lượm được; bầu nhiệt huyết đang bùng cháy khiến các ông quên hết mệt nhọc chỉ muốn lăn xả vào việc loan báo Tin Mừng cùng với Đức Giêsu; nhưng Người nói với các ông tạm ngưng, để khỏi phải bận tâm đến công việc mà nhớ lại, ngắm nhìn lại những kết quả đã gặt hái được, để thấy những điều tốt lành mà tạ ơn Thiên Chúa; thấy những điều còn thiếu sót mà bổ sung chấn chỉnh và thấy những điều sai lệch mà tránh, mà loại trừ. Những trang đầu sách Sáng Thế Ký đã đề cao phương thức này khi nói về hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa: “Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi. Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hoá ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người” (St 2, 1-3).

  • Tìm nơi thanh vắng

Thói quen của Đức Giêsu sau một ngày vất vả rao giảng, Người hay tìm đến nơi thanh vắng. Ở đó Người gặp gỡ, tâm sự với Thiên Chúa Cha và xin chỉ thị của Ngài. Bầu khí thinh lặng, thanh vắng sẽ là cơ hội thuận tiện để các môn đệ gặp lại chính con người yếu đuối và nhận ra các ân sủng Thiên Chúa đã ban cho mà tạ ơn đồng thời chuẩn bị cho các hoạt động sắp tới của mình.

  • Nghỉ ngơi đôi chút

Là khoảng thời gian để cho thân xác và tâm trí được thư thái, thanh thản. Thời gian nghỉ ngơi mặc dù “đôi chút, ít ỏi” nhưng đủ bù đắp những hao tổn sức lực và tinh thần các môn đệ đã dành cho sứ vụ mà các ông được chia sẻ với Đức Giêsu

Trình thuật Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy niềm khao khát được nghe Đức Giêsu giảng dạy của dân Do Thái, họ biểu lộ mạnh mẽ qua nỗ lực tìm kiếm và gặp gỡ Người: “Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài”. Thế nên, hành trình trên con thuyền vượt biển hồ, trong khung cảnh tĩnh lặng của mặt hồ, trong bầu khí ấm cúng, thân mật bên Đức Giêsu, các môn đệ đã thực hiện một cuộc nghỉ ngơi trọn vẹn ý nghĩa bên Người; và khi cho thuyền vào bờ, thấy dông đảo dân chúng đã chờ sẵn thì Người lại bắt đầu giảng dạy cho họ.

Hoạt động của người tín hữu hôm nay bao gồm cả hai lãnh vực tự nhiên và siêu nhiên: vừa phải vất vả lao động tay chân, trí óc, để đáp ứng nhu cầu của đời sống trần thế; vừa phải nỗ lực tìm kiếm hạnh phúc đích thật cho đời sống siêu nhiên; lẽ thường tình phải đầu tư, phải tiêu hao sức lực, tâm huyết. Do đó, cần phải được bù đắp, phục hồi những hao tổn mất mát đó bằng cách nghỉ ngơi phù hợp: Tận hưởng những ngày nghỉ cuối tuần với niềm vui và hạnh phúc trong bầu khí thánh thiện với gia đình hoặc bạn bè. Đặc biệt, hãy nắm bắt những cơ hội thuận tiện để thực hiện cuộc “nghỉ ngơi đôi chút” trong hành trình Kitô hữu: “Thánh hóa bản thân và loan báo Tin Mừng cho tha nhân” bằng cách tích cực:

– Tham dự các buổi tĩnh tâm do đoàn thể, giáo xứ hoặc tu hội tổ chức;

– Sống tinh thần Năm Thánh được giáo hội khai mở.

Đó là những cơ hội thuận tiện và hữu hiệu để phục hồi những hao tổn, bù đắp thêm ân sủng để tiếp tục hành trình của mình.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay: Mời gọi các môn đệ của Đức Giêsu nói chung và riêng mỗi người chúng ta hãy chú tâm đến việc dành thời giờ để: nghỉ ngơi, kiểm điểm và tài bồi thêm sức mạnh thiêng liêng nhờ đó kiên vững hơn trong sứ vụ đã lãnh nhận

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, xin cho con ý thức được giá trị đích thực của việc nghỉ ngơi trong hoạt động tông đồ và biết tận dụng những cơ hợi thuận tiện trong đời sống Kitô hữu (những thời gian quý báu là các buổi tĩnh tâm, các năm thánh được Giáo hội khai mở) để chúng con kín múc ân sủng của Chúa.

SỐNG TIN MỪNG

Dành thời gian để duyệt xét những việc tông đồ, bác ái đã làm; cầu nguyện và nỗ lực cộng tác với ân sủng của Chúa sống ơn gọi nơi bí tích Thanh tẩy.

Đốm Lửa

Cầu nguyện chung với nhau

Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. (Mc 6,32)

Suy niệm: Các học trò của Chúa Giêsu đang làm việc lành phước đức thành công như thế, tại sao Chúa Giêsu bắt các ông phải lánh riêng vào nơi hoang vắng? Chúa Giêsu sau một ngày hoạt động đã chẳng lui vào nơi thanh vắng mà cầu nguyện cùng Chúa Cha sao? Hẳn là Thầy Giêsu cũng muốn các học trò theo sát mẫu gương của Thầy, cùng cầu nguyện với Thầy. Bởi vì có cầu nguyện, kết hiệp với Chúa mới lắng nghe và biết được ý Ngài. Có biết ý muốn của Chúa mới có thể hành động theo ý Ngài.

Cầu nguyện giúp ta sống khiêm nhường và nhận ra mình là kẻ tội lỗi. Nhờ cầu nguyện ta được ban sức mạnh để chiến đấu với tội lỗi và nhờ đó chúng ta có thể chiến thắng tội lỗi. Nhờ cầu nguyện ta có được nguồn trợ lực thiêng liêng giúp ta yêu Chúa và phục vụ anh em một cách chân thành.

Mời Bạn: Thư chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mời gọi mọi “gia đình hãy cùng nhau cầu nguyện. Vì Chúa Giêsu hiện diện trong gia đình khi vợ chồng con cái cùng cầu nguyện, và khi đó, chính cuộc sống gia đình trở thành lời kinh sống động” (số 6). Bạn hãy sắp xếp chương trình sống hằng ngày có giờ cầu nguyện cho chính bạn, gia đình hay cộng đoàn của bạn, để bạn và những người thân của bạn được Phúc Âm hóa và thông truyền đức tin cho mọi người.

Sống Lời Chúa: Quyết tâm đọc kinh chung với nhau trong gia đình hay cộng đoàn của bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết kết hiệp với Chúa thật lòng qua giờ kinh nguyện của con ngõ hầu con biết làm thế nào để sống đúng và hợp ý Ngài trong cuộc sống. Amen.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *