Chúng con cầu xin nhờ danh Chúa Giê-su Kitô (20.05.2023 – Thứ Bảy Tuần VI Phục Sinh)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Cv 18,23-28, Ga 16,23b-28

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 16,23b-28)

23b Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thật, Thầy bảo thật anh em : anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. 24 Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn.

25 “Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói những điều ấy với anh em. Sẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở. 26 Ngày ấy, anh em sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho anh em. 27 Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến. 28 Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Nay Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha.”

Chúng con cầu xin nhờ danh Chúa Giê-su Kitô (20.05.2023)

Ghi nhớ:

“Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy”  (Ga 16, 23).

Suy niệm:

Bố của Phúc và bạn Phúc rất thích chơi đá bóng cũng như xem thi đấu bóng đá. Tại kỳ Seagame 32 vừa qua, được tổ chức tại nước Cambodia, trong môn bóng đá nam. U22 Việt Nam và U22 Myanmar đọ sức với nhau để tranh tấm huy chương đồng, trận đấu diễn ra vào lúc 16g ngày 16 tháng 05.

Ngay đầu hiệp một. Hai bố con hô to khi thấy cầu thủ Hồ Văn Cường mang áo số 13 đã làm tung lưới đối phương hai lần, vào phút thứ: 08 và phút thứ 34. Mở tỷ số cho Việt Nam là 2-0. Điều đáng nhớ là sau mỗi lần đưa được bóng vào lưới đội bạn, tiền đạo Cường đều Làm Dấu Thánh Giá.  Phúc hỏi bố rằng:

Bố ơi, có phải mỗi lần làm dấu Thánh Giá là ta tuyên xưng Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi phải không bố?

Đúng thế con ạ. Nhưng trong trường hợp mà bố con mình vừa chứng kiến trên màn hình vừa rồi thì hành động trên ngoài việc tuyên xưng Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi của Cường ra, còn mang thêm ý nghĩa cảm tạ và tri ân Thiên Chúa nữa, bởi vì cầu thủ này biết rằng; Việc mình ghi bàn được là do Chúa ban cho mà thôi.

Đức Giê-su khi xưa trong khi đi rao giảng Tin Mừng, Ngài đã mặc khải cho các môn đệ cũng như dân chúng biết về Thiên Chúa Cha, Đấng rất yêu nhân loại. Chúa Cha sẽ ban ơn cho những kẻ thành tâm và lấy Danh Đức Giê-su mà kêu cầu. Như vậy trước khi cầu xin cùng Chúa Cha, chúng ta phải có lòng kính mến và tin tưởng nơi Chúa Con, đó là điều kiện để được Chúa Cha nhận lời.

Thật là hạnh phúc cho chúng ta, những người nhờ lời mặc khải của Đức Giê-su mà biết rằng chúng ta có một Người Cha trên trời, Đấng toàn năng siêu việt, rất yêu thương chúng ta và nhờ sự tin tưởng nơi Đức Giê-su, Con yêu dấu Của Người, nhờ Danh Ngài chúng ta cẩu khần điều gì đẹp lòng Chúa thì chúng ta được Người ban cho.

Chung quanh chúng ta còn biết bao người chưa biết Chúa mà tôn thờ, chưa biết Chúa Cha để mà kêu xin. Thế nên trong cuộc sống của mỗi chúng ta phải sống làm sao để trở nên nhân chứng cho Chúa Giê-su Phục Sinh, để qua Đức Giê-su mọi người nhận ra mình là con của một Thiên Chúa giầu lòng thương xót và luôn sẵn lòng ban ơn cho những ai tin tưởng nơi Người Con của Người.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con luôn biết sống tuân giữ các điều Chúa truyền, và luôn tin tưởng tuyệt đối nơi Ngài để cuộc sống chúng con trở thành bài ca cảm tạ Chúa và làm cho Danh Chúa được cả sáng. Xin cho chúng con biết trân quý và thi hành các điều Chúa dạy; vì đó là điều  làm đẹp lòng Chúa Cha. Xin ban Chúa Thánh Thần đến để Ngài canh tân và dìu dắt chúng con, để chúng con có thể vượt qua mọi trở ngại, mọi thách thức trên bước đường lữ khách trần gian hầu sau này được về thiên đàng mà hát mừng và cảm tạ Ba Ngôi Thiên Chúa vinh hiển đến muôn đời. Amen.

Sống Lời Chúa:

Mỗi lần làm Dấu Thánh Giá, ý thức đây là cử chỉ  tuyên xưng mầu nhiện Thiên Chúa Ba Ngôi và làm cách kính cẩn.

Tình Chúa cao vời (28.05.2022)

Ghi nhớ:

“Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến”. (Ga 16, 27).

Suy niệm:

Một vị Giám Mục trên đường đi kinh lý trong Giáo Phận, ngài ghé thăm một bà lão vì có người nói rằng bà là một tấm gương cho mọi người trong giáo xứ soi chung. Gặp bà, vị Giám Mục hỏi:

Bà thường đọc sách đạo đức nào nhất?.

Thưa Đức cha, con không biết đọc. Bà cụ trả lời.

Nghe nói thế, vị Giám Mục hỏi tiếp:

Nhưng bà hay cầu nguyện cơ mà? Nghe Đức cha hỏi vậy, bà thành thật:

Thưa Đức cha, con chỉ biết lần hạt thôi! Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng và Kinh Sáng Danh. Một ngày con khởi sự đọc khoảng mười lần, nhưng thường thì con không đọc xong!

Tại sao vậy?Vị Giám Mục muốn biết. Bà cụ thuật tiếp:

Thưa, vì khi con bắt đầu đọc: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Thì con bỗng không hiểu sao Chúa có thể tốt lành đến nỗi cho phép một bà cụ già hèn mọn như con được gọi Ngài bằng Cha. Điều đó làm cho con phải khóc và rồi con không thể nào đọc tiếp hết chuỗi được.

Nghe bà thuật lại như vậy. Đức cha khuyến khích:

Này bà cụ, đó là lời cầu nguyện trị giá bằng tất cả những lời cầu nguyện của chúng tôi. Bà cứ tiếp tục và luôn cầu nguyện theo lời kinh đó.

Ước gì Kinh Lạy Cha giúp chúng ta ý thức thật sâu đậm về một sự thật đó là; “Thiên Chúa là Cha chúng ta” như bà cụ đơn sơ trong câu chuyện trên đã cảm nhận được, đồng thời giúp chúng ta sống và thực hành những gì chúng ta luôn miệng cầu khẩn trong Kinh Lạy Cha.

Có thể nói: Tất cả những việc Chúa Giê-su đã làm trong thời gian ba mươi ba năm Người sống ở trần gian chỉ nhằm một mục đích duy nhất đó là: Thể hiện Tình Yêu của Thiên Chúa đối với con người. Và Tình yêu ấy sẽ trở nên cây cầu “nối kết con người và Thiên Chúa” cũng như “ nối kết mọi người nên một với nhau”. Thật vậy. Người ta bảo rằng: Khi Đức Giê su chịu nạn Ngài giang tay trên cây Thập giá thì biểu tượng Tình Yêu của Thiên Chúa được bày tỏ mãnh liệt và rõ ràng nhất. Thập tự được tạo thành bằng hình của mẫu tự T. Bản thân Đức Giê-su là biểu tượng của mẫu tự Y; hai mẫu tự này là hai  chữ đầu của chữ Tình-Yêu, đồng thời thanh dọc của cậy Thập tự giá là biểu tượng của sự nối kết giữa đất và Trời. Đó cũng là nối kết con người với Thiên Chúa, Bởi: “ Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6), và thanh ngang là biểu hiện cho sự nên một  của mọi người với nhau. Đức Giê-su đã từng cầu nguyện: “ Để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17, 21).

Đức Giê-su đến thế gian Ngài đã mặc khải cho loài người để họ được biết về Thiên Chúa Ba Ngôi và Ngôi Cha đã yêu thương nhân loại như thế nào?  Ngài đã sẵn sàng hy sinh Con Một của Ngài để cho thế gian được sống.

Hạnh phúc biết bao khi con người biết rằng có Đấng Toàn Năng luôn yêu thương và muốn những điều tốt đẹp cho họ.

Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan đã cho chúng ta biết rằng chúng ta đang được sống trong hạnh phúc vì được Chúa Cha yêu mến chúng ta. Tình yêu con người dành cho nhau đôi khi còn bị lạt phai, nhưng tình yêu Thiên Chúa dành cho con người thì trước sau như một bền  vững và vĩnh cửu ngàn năm. Ngài đã yêu chúng ta đến nỗi mặc dù chúng ta chỉ là một tạo vật bất xứng nhưng Ngài vẫn cho chúng được quyền làm con và gọi Ngài bằng ngôn từ rất đáng yêu: Abba: Cha ơi. Tình yêu Cha-con đó được nối kết do bởi chính Đức Giê-su. Đấng làm trung gian giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người. Bởi vậy, chúng ta chỉ có thể nhận biết Chúa Cha yêu thương chúng ta khi chúng ta yêu mến Chúa Giê-su. Nơi Chúa Giê-su, tình yêu của chúng ta trở nên trọn hảo và bất cứ điều gì chúng ta cầu xin cùng Thiên Chúa Cha nhân dạnh Đức Giê-su thì Chúa Cha sẽ ban cho chúng ta. Chính vì vậy mà trong các lời nguyện xin Phụng vụ Giáo Hội đếu kết thúc bằng câu: “ Chúng con cầu xin nhờ Đức Giê-su Ki-tô là Con Chúa và là Chúa chúng con. Amen.”

Tóm lại: Đức Giê-su được Chúa Cha sai đến trần gian để tỏ bày cho nhân loại biết tình yêu vô biên mà Thien Chúa đã dành cho con người, và tình yêu đó đã được thể hiện một cách cụ thể nơi thập giá Đức Ky-tô và giờ đây Ngài đã phục sinh để tất cả những ai tin vào Ngài, yêu mến Ngài thì sẽ nhận được ân nghĩa cao cả là mai sau cũng sẽ được phục sinh như Ngài. Nhận thức được tình Chúa yêu thương chúng ta như vậy thì chúng ta phải có bổn phận và trách nhiệm rao truyền tình yêu Thiên Chúa đến cho mọi người chưa nhận biết, để thế giới này sẽ được tràn đầy tình yêu và niềm vui của Chúa Ky-tô Phục sinh.

Cầu nguyện:

Lạy Cha, chúng con cảm tạ Cha vì tình yêu thẳm sâu mà Ngài đã dành cho chúng con. Xin cho chúng con cũng biết đem tình yêu mà chúng con đã được nhận lãnh cách nhưng không đó đến với mọi người, nhất là những người đang gặp đau khổ, vất vả và khó khăn trong cuộc sống. Để nhờ sức mạnh của tình Cha  yêu thưng, họ sẽ vượt qua mọi thử thách mà đạt tới hạnh phúc viên mãn mà Thiên Chúa đã dành cho mỗi người chúng con. Lạy Chúa Giê-su chúng con yêu mến Ngài vì Ngài đã đổ Máu mình mà cứu chuộc chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ky-tô Chúa chúng con. Amen.

Sống Lời Chúa:

Yêu thương và sẵn sàng giúp đỡ mọi người.

Đaminh Trần Văn Chính.

Cầu xin nhân danh Đức Ki-tô (15.05.2021)

Tin Mừng hôm nay cho ta biết, trước khi từ giã các môn đệ để trở về với Chúa Cha; Chúa Giê-su đã với các tông đồ: bất cứ điều gì anh em xin Chúa Cha mà nhân danh Thầy, thì Người sẽ ban cho anh em (Ga.16,23-24).

Thật vậy, lời cầu xin của các Ki-tô hữu đáng được Chúa Cha chấp nhận khi họ biết nhờ đến công nghiệp của Con Một yêu dấu là Đức Giê-su.

Đức Giê-su chính là nhịp cầu kết nối giữa Thiên Chúa và con người; mỗi chúng ta chỉ có thể đến được với Chúa Cha qua Đức Ki-tô, ở với Đức Ki-tô và ở trong Đức Ki-tô, vì “Không ai có thể đến với Cha mà không qua Thầy” chính“Thầy và Cha Thầy là một”(x. Ga 10,30;17,22)

Lạy Chúa, xin cho mỗi ngày đời con được trở nên dấu chỉ tình thương trọn toàn của Thiên Chúa cho anh chị em mình, nhờ Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng con. A-men.

CÁT BIỂN

Niềm vui Nước Trời… (23.05.2020)

Trước lúc đi vào cuộc thương khó, chịu tử nạn, rồi phục sinh vinh hiển và về Trời, kết thúc sứ vụ tại thế của mình, Đức Giê-su đã cho các tông đồ hiểu rằng đã đến giờ Người không còn dùng dụ ngôn mà nói với các ông nữa, nhưng Người sẽ nói rõ cho các tông đồ về Chúa Cha, không còn nói úp mở nữa. Đức Giê-su cũng nói rõ Ngài từ Chúa Cha mà đến thế gian. Nay Ngài lại bỏ thế gian mà trở về cùng Chúa Cha.

Để tránh cho các tông đồ buồn phiền, và cảm giác hụt hẫng khi mình về cùng Chúa Cha; Đức Giê-su đã ra diệu kế cùng các ông: Anh em cứ xin với Chúa Cha đi, anh em sẽ đạt được điều anh em xin, để như vậy niềm vui của anh em nên trọn vẹn. Và Chúa Giê-su đảm bảo cùng các tông đồ rằng: Hễ anh em nhân danh Thầy để xin Chúa Cha bất cứ điều gì, thì chắc chắn Người sẽ ban cho anh em, chính Thầy sẽ làm điều đó để Chúa Cha được tôn vinh. (x. Ga.14,13-14; 16,23b-28).

Chúa Giê-su còn hứa cho các tông đồ niềm vui mà sẽ không ai lấy mất được (x. Ga 16,22). Đó là niềm vui được làm môn đệ của Ngài; niềm vui được làm con Chúa Cha và được làm em của anh Cả Giê-su (x. Rm 8,28-29; Cl 1,15-18); niềm vui được Chúa Cha yêu thương như Người đã yêu thương Chúa Giê-su. Chúa Giê-su được Chúa Cha sai xuống trần gian để tỏ cho con người thấy tình yêu vô biên mà Thiên Chúa dành cho con người. Tình yêu đó đã thể hiện cách cụ thể nơi thập giá Chúa Ki-tô để tất cả những ai tin vào Ngài, yêu mến Ngài thì người đó cũng sẽ nhận được tình yêu cao cả của Chúa Cha cùng với Ngài trên Nước Trời mai sau.

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, xin hãy ban cho con chiếm hữu được niềm vui mà khi xưa Chúa đã nói với các tông đồ, đó niềm vui hưởng phúc đời đời trên trời. Amen.

CÁT BIỂN

Chúa Giêsu nhịp nối yêu thương (01.06.2019)

Ngày 01.06: Lễ Nhớ Thánh Justin Tử Ðạo (100 – 165)

“Chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến” Ga 16, 27.

Trong con mắt người Việt, hình ảnh ông lái đò ngày ngày đưa khách qua sông thật là đẹp và ý nghĩa. Hình ảnh đẹp không chỉ bởi việc sớm chiều ông vẫn nhịp nhàng buông mái chèo cho khách qua sông, mà còn đẹp vì ông trở thành người đã nối kết được hai bến bờ cách trở của con sông lại với nhau như là nhịp nối yêu thương. Dưới ánh sáng của biến cố phục sinh, đoạn Tin mừng của thánh sử Gioan hôm nay diễn tả cho ta thấy việc Chúa Giêsu xác định mối tương giao mới giữa Ngài với các môn đệ. Tương giao ấy chính là việc Ngài hứa lời cầu của các môn đệ lên Thiên Chúa sẽ được chập nhận nhân danh Ngài. “Thật Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy” (Ga 16, 23b). Chúa Giêsu mạc khải cho các môn đệ biết Ngài là đấng trung gian tuyệt hảo và là nhịp nối yêu thương giữa Thiên Chúa và con người. “Chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến”(Ga 16, 27).

Trong nhịp sống ngày nay, người ta đang chứng kiến sự sụp đổ về niềm tin và những đứt quãng của tình yêu thương. Con người sụp đổ niềm tin bởi họ chạy theo những điều giả tạo đánh bóng bên ngoài mà đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa trong tâm hồn. Họ làm đứt quãng những nhịp yêu thương bằng một đời sống thờ ơ nguội lạnh đối với các thực tại trần gian và thu mình vào trong ốc đảo của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ. Là những môn đệ của Đức Kitô đang sống dưới ánh sáng và sức mạnh của Đấng phục sinh, chúng ta được mời gọi trở thành những trung gian nối kết con người với Thiên Chúa bằng việc sống chứng tá đức tin giữa đời. Các thánh tử đạo đã đổ máu để minh chứng cho tình yêu và niềm tin vào Thiên Chúa, thì chúng ta cũng phải tử đạo trong chính đời sống hằng ngày bằng cách đánh đổi đi những ích kỷ, hèn yếu, sự dửng dưng của bản thân để sống quảng đại và dấn thân như là dấu chứng cho việc tuyên xưng niềm tin. Bên cạnh ấy, chúng ta cũng được mời gọi trở thành những nhịp nối yêu thương giữa trần thế hôm nay như là men, là muối để ướp mặn đời, ướp mặn mùi vị Giêsu. Và sau hết, người môn đệ của Chúa phải sống điều Thầy đã dạy “cứ dấu này người ta nhận biết anh em là môn đệ Thầy là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13, 35).

Lạy Chúa, xin cho chúng con thấu hiểu điều mà thánh Phanxicô đã nói: “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm…” để nhờ đó chúng con có thể trở thành những nhịp nối yêu thương của Chúa với con người. Amen.

Tin tưởng và mến yêu (12.05.2018)

Trong ba năm rao giảng Tin Mừng công khai của mình, Chúa Giêsu đã dùng rất nhiều dụ ngôn để giảng dạy dân chúng. Người có thể trực tiếp mặc khải những điều đó cho họ nhưng Người không làm vậy, vì “Ai đã có thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất” (Mt 13,12). Thật vậy, nếu đức tin đủ mạnh, họ sẽ tin tưởng vào những Lời Người loan truyền và ngược lại, nếu đức tin quá yếu, họ sẽ nghi ngờ Lời Người và chính sự nghi ngờ đó khiến họ vấp phạm, khiến họ từ bỏ Chúa.

Thế nhưng, trong bái Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tuyên bố rằng đã đến giờ Người không còn dùng dụ ngôn mà nói với các môn đệ nữa mà thay vào đó, Người sẽ loan truyền rõ ràng cho họ về Chúa Cha. Người dạy các ông cầu xin cùng Chúa Cha và chắc chắn Chúa Cha sẽ nhậm lời. Người nhậm lời không phải vì Chúa Giêsu đã cầu xin điều đó, nhưng vì họ đã tin tưởng và mến yêu Đấng Kitô, Con Một Chí Thánh của Người.

Nhờ những điều Đức Giêsu mặc khải, chúng ta sẽ nhận ra Chúa Cha không còn là Đấng xa cách con người nữa, Người đã trở nên gần gũi với chúng ta, tất cả là do chúng ta đã mến yêu Chúa Giêsu và tin tưởng Người bởi Chúa Cha mà đến. Đó chính là sức mạnh to lớn của niềm tin và tình yêu, tất nhiên điều đó phải xuất phát từ Thiên Chúa vì chính Người mới là tình yêu tuyệt đối.

Qua đó, chúng ta cần tự nhìn lại bản thân mình, chúng ta đã yêu mến và tin tưởng Chúa nhiều hay chưa? Giữa Người với các thú vui trần gian, chúng ta chọn điều gì? Đừng vội khẳng định vì cám dỗ của thể xác là vô cùng lớn, chỉ khi rơi vào hoàn cảnh bắt buộc phải chọn lựa, chúng ta mới nhận ra mình yêu Người chưa đủ. Hay những lúc khó khăn, gian nan, thử thách, chúng ta vội trách móc Thiên Chúa vì Người chẳng nhậm lời, chúng ta nghi ngờ sự tồn tại của Người… Đặt mình vào những hoàn cảnh đó, chúng ta mới thấy được sự yếu đuối, mỏng manh của con người.

Là người Kitô hữu, chúng ta có một lợi thế to lớn là được biết Chúa, được tin tưởng và yêu mến Người. Thế nhưng, chính vì lợi thế đó, chúng ta càng phải ra sức nhiều hơn nữa mới có thể giữ vững niềm tin và tình yêu ấy. Việc ấy không hề dễ dàng ngay cả khi chúng ta là Ki tô hữu. Giữ mình đã khó, loan truyền cho tha nhân còn khó hơn rất nhiều, việc đó đòi hỏi ta phải trở nên những tấm gương để khi nhìn vào đó, anh chị em lương dân nhận thấy những việc chúng ta làm xuất phát từ Thiên Chúa. Chỉ khi làm được những điều đó, chúng ta mới trở nên những Kitô hữu “chính hiệu”.

Lạy Chúa, được biết Ngài là phúc phần to lớn của chúng con, chúng con biết rằng mình thật có phúc khi được Ngài mặc khải chân lí. Xin cho chúng con biết sống xứng đáng với những gì chúng con đã lãnh nhận, biết mến yêu và tin tưởng Ngài mỗi ngày một hơn. Để từ đó, chúng con ngày càng gần gũi Ngài và có thể mang danh Ngài đến với những anh chị em còn đang đau khổ vì chưa nhận biết Ngài.

Petrus Sơn

Cầu nguyện là cách diễn tả lòng tin, cậy, mến (27.05.2017)

Suy niệm:
Nhờ phép rửa tội chúng ta được nên chi thể của Chúa Kitô, tức là nên một với Ngài, mà vì Đức Kitô được Chúa Cha yêu thương gọi là con yêu dấu đẹp lòng Cha, nên hễ ai sống xứng đáng là chi thể Đức Kitô sẽ được Thiên Chúa Cha yêu thương cùng với Đức Kitô và trong Đức Kitô.
Chính Chúa Giêsu đã xác quyết điều ấy và nói: thật Thầy bảo thật anh em, anh em xin Chúa Cha điều gì nhân danh Thày thì Ngài sẽ ban cho anh em, vậy cứ xin đi, Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến.

Trước những bế tắc, thất bại trong cuộc sống mà ngay cả những tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện đại cũng không giải quyết được, chúng ta dễ chạy đến Thiên Chúa bằng việc cầu nguyện. Con người là thụ tạo của Thiên Chúa, thân phận hữu hạn và tội lỗi, gặp phải những vận hạn mà hướng về Chúa để kêu cầu, điều đó không có gì sai. Chúng ta có thể cầu xin bất cứ điều gì, miễn là những điều ta xin không làm ô danh Chúa, không xúc phạm đến quyền lợi hay hạnh phúc của người khác.

Nhưng cầu xin một cách vụ lợi khi cần đến Ngài cứu giúp mà không sống mối tình con thảo với Ngài để rồi lãng quên Ngài khi cuộc đời được trời êm biển lặng thì không chỉ là vô ơn mà còn hạ thấp Thiên Chúa, coi Ngài như một cỗ máy ban ơn. Chúa Giê-su dạy chúng ta cầu xin không phải là dựa vào công trạng của riêng mình mà là cậy dựa vào lòng thương xót của Thiên Chúa nhân danh Con yêu dấu của Ngài là Đức Ki-tô.

Cầu nguyện là cách diễn tả lòng tin, cậy, mến, để chúng ta sống trong mối tương quan với Thiên Chúa ngày một mật thiết hơn. Có khi nào bạn cầu nguyện như thể bắt buộc Thiên Chúa phải đáp ứng những mưu cầu vụ lợi của bạn không? Dù bạn có những nhu cầu như thế đi nữa, bạn cũng hãy cầu xin với niềm tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa, với lòng yêu mến Ngài cách thiết tha và nhất là với sự kết hợp thân tình với Đức Ki-tô vì Thiên Chúa sẽ đáp lại lời cầu xin của bạn nhân danh Con yêu dấu của Ngài.
Khi cầu xin điều gì, bạn xin vâng theo thánh ý Chúa như Chúa Giê-su dạy trong kinh Lạy Cha.

Sống Lời Chúa: Trong lời cầu nguyện mỗi ngày, bạn hãy cầu xin Chúa điều mà bạn thấy là đẹp lòng Chúa nhất.

Cầu nguyện: Lạy Cha, xin cho ý Cha thể hiện, dưới đất cũng như trên trời.

Nhân danh Đức Giêsu (07.05.2016)

SUY NIỆM

Trình thuật Tin Mừng hôm nay mặc khải cho chúng ta về mối tương quan mật thiết giữa Chúa Cha và Đức Giêsu trong việc phân phát ân sủng cho nhân loại, khi Đức Giêsu nói: “Anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy”. Trước đây Đức Giêsu thường khuyên các môn đệ phải siêng năng cầu nguyện và cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha, Đấng thấu suốt mọi điều bí ẩn trong tâm hồn con người, cũng như những nhu cầu chính đáng của từng người; Đức Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện với Thiên Chúa, Ngài sẽ ban cho. Còn bây giờ; sau khi Đức Giêsu mặc khải cho các môn đệ về mầu nhiệm hiệp thông giữa Ba Ngôi, và sứ vụ trung gian Cứu độ của Người; Đức Giêsu nhắn nhủ các ông trước thời điểm Người sẽ rời bỏ các ông: “Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn”.

Thiên Chúa sẽ ban cho các ông những điều các ông khẩn nguyện, nhưng không phải vì công trạng hoặc tư cách cá nhân của mình mà vì công nghiệp cứu chuộc và vì danh Con chí ái của Ngài; Đức Giêsu bổ xung vào tâm tình cầu nguyện của các môn đệ một yếu tố mới đó là nhân danh “Thầy Giêsu” mà cầu xin.

Với thân phận yếu đuối và đầy rẫy tội lỗi, con người chẳng là gì trước nhan Thiên Chúa, nhưng nhờ Đức Giêsu, nhờ lời giáo huấn và tình yêu không hạn lượng của Người, nhờ ân sủng Người thiết lập, con người có thể trở nên xứng hợp và đáng được nhận phúc lộc Thiên Chúa ban cho vì danh thánh Giêsu; nhân danh Đức Giêsu là nhìn nhận vai trò làm trung gian hòa giải giữa con người đầy tội lỗi, bất toàn với Thiên Chúa là Đấng toàn năng, thánh thiện và nhân từ, của Đức Giêsu; nghĩa là tin tưởng, yêu mến và tuân giữ giáo huấn của Người để lệ thuộc hoàn toàn vào Người.
Đức Giêsu trình bày mối tương giao thân mật giữa Thiên Chúa và nhân loại qua vai trò trung gian là chính Người, Người nói: “Chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến”.

Thời gian chia sẻ vui buồn của Đức Giêsu với các môn đệ đã đến lúc tạm kết thúc, khi Đức Giêsu hoàn tất sứ mệnh Cứu Chuộc nhân loại của Người, và báo trước cho các môn đệ: “Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha”. Đức Giêsu muốn nói đến cuộc thương khó Người phải chịu và cuộc vinh hiển phục sinh, chiến thắng sự chết và về với Chúa Cha hằng hữu; đến ngày sau hết Người lại đến để xét xử trần gian.

Với lòng tin tưởng yêu mến Đức Giêsu và thể hiện lòng yêu mến ấy bằng việc sống và thực hành lời của Người; khi người tín hữu trao gửi những nhu cầu trong đời sống- cả đời sống thiêng liêng và đời sống tự nhiên, nhờ công cuộc cứu chuộc Đức Giêsu  đã thực hiện, Thiên Chúa Cha sẽ chấp nhận và ban cho để tôn vinh Con chí ái của Người, và cho niềm vui của những người đặt hết niềm tin vào Đấng Cứu Thế là Đức Giêsu, được trọn vẹn.

Trong thực tế, đời sống Kitô hữu của chúng ta đã thật sự gắn kết với Đức Giêsu chưa? Có lẽ còn rất nhiều thiếu sót bởi vì hầu như mỗi người đều sống vì mình và cho mình; nhân danh “cái tôi” để lôi kéo sự chú ý của người khác, kể cả những lúc chúng ta phải hạ mình để cầu xin điều gì thì cũng là xin cho ta được thỏa mãn lòng ước muốn chóng qua.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi

Tin tưởng, yêu mến và để Lời Chúa biến đổi đời sống theo thánh ý của Thiên Chúa; nhờ đó những nhu cầu khẩn thiết nài xin sẽ được  Thiên Chúa ban cho nhân danh Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại. 

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết hết lòng tin tưởng yêu mến và tín thác cuộc đời cho trái tim tràn ngập yêu thương của Chúa, để những lời chúng con nói, những việc chúng con đều làm sáng danh Người và mưu ích cho phần rỗi của tha nhân.

SỐNG TIN MỪNG

Yêu mến Đức Giêsu và tin tưởng Người từ Thiên Chúa mà đến: Người đã tử nạn, phục sinh và lên trời ngự bên hữu Chúa Cha để ban hạnh phúc cho nhân loại, cho chúng ta.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *