“Phần con, cứ theo Thầy” (18.05.2024 – Thứ Bảy Tuần VII Phục Sinh)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Cv 28,16-20.30-31, Ga 21,20-25

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 21,20-25)

20 Khi ấy, ông Phê-rô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức Giê-su thương mến đi theo sau ; ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su trong bữa ăn tối và hỏi : “Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy ?” 21 Vậy khi thấy người đó, ông Phê-rô nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, còn anh này thì sao ?” 22 Đức Giê-su đáp : “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh ? Phần anh, hãy theo Thầy.” 23 Do đó, mới có tiếng đồn giữa anh em là môn đệ ấy sẽ không chết. Nhưng Đức Giê-su đã không nói với ông Phê-rô là : “Anh ấy sẽ không chết”, mà chỉ nói : “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh ?”

24 Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực.

25 Còn có nhiều điều khác Đức Giê-su đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ : cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.

“Phần con, cứ theo Thầy” (18.05.2024)

Trong bài Tin Mừng hôm qua, tông đồ cả Phêrô được Chúa Giêsu chọn và giao trọng trách làm người đứng đầu Hội Thánh của Người, đồng thời Chúa Giêsu cũng tiên báo Phêrô sẽ chịu bách hại vì Người như thế nào. Có lẽ sự việc ấy đã làm Phêrô lúng túng. Đoạn văn tiếp theo, tức bài Tin Mừng hôm nay, tường thuật rằng khi ông Phê rô quay lại thấy “người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến”, mà truyền thống vẫn xem đó là thánh Gioan, thì thắc mắc về “số phận” của người này. Có thể Phê-rô đã thấy đây là một “đồng minh”, một trợ thủ” đắc lực cho mình nên hỏi Chúa.

Có nhiều lý do để Phê-rô tin như vậy. Trước hết vì người này được Chúa Giêsu yêu mến, có nghĩa là “có uy tín” với Thầy mình, uy tín đến nỗi khi hấp hối trên Thập Giá Chúa Giêsu đã phó thác Mẹ Người cho môn đệ yêu đón về phụng dưỡng thay mình; trong sự kiện “ngôi mộ trống” khi được bà Maria Mác-đa-la báo là xác Chúa không còn ở trong mộ, cả hai ông Phê-rô và Gio-an cùng chạy ra mộ Chúa. Gio-an chạy nhanh hơn đến trước nhưng không vào mộ mà đứng ở ngoài nhường cho Phê-rô đến sau được vào trước (Ga 20,1-7); và mới đây thôi, khi các môn đệ đi đánh cá, dù cả đêm chẳng bắt được con nào, nhưng đã nghe lời Chúa mà thả lưới bên phải mạn thuyền và đã đánh được mẻ lưới đầy cá, chính Gioan đã nhận ra Chúa Giêsu trước và nói cho Phê-rô biết “Chúa đó” (Ga 21, 3-7). Có thể Phê-rô cũng nhớ trong quá khứ, hai anh em Gioan và Giacôbê đã từng xin riêng Chúa Giêsu xếp cho họ chỗ ngồi cao cấp trong triều đình tương lai của Chúa.

Quả thực sau này, trong sách Công vụ Tông đồ thuật lại những ngày đầu của Hội Thánh hai ông Phê-rô và Goan thường đi cặp với nhau khi rao giảng Tin Mừng.

Phản ứng của Chúa Giêsu thật nhẹ nhàng nhưng cũng rất nghiêm khắc, là bài học cho Phê rô và tất cả chúng ta về cách ứng xử với anh em mình.

“Nếu Thầy muốn nó cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến con?”.

Chúa muốn người Kitô hữu lo việc của mình trước đã. Mỗi người đều đã được Chúa giao phó, cắt đặt công việc. Hãy lo chu toàn bổn phận của mình chứ đừng nhìn sang người khác mà so sánh, nhưng hãy nhìn thấy anh em với sự liên đới trong tình yêu của Chúa Giêsu, như những nhành của một cây nho.

 “ Phần con, cứ theo Thầy”. Đây là lời cuối cùng của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Gioan. Khác với ba Tin Mừng Nhất lãm, Tin Mừng Gioan không có trình thuật Chúa Giêsu lên Trời sau khi ban lệnh cho các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng cho muôn loài thọ tạo khắp cùng trái đất, nhưng trước đó có trình thuật Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi cùng với việc ban Thánh Thần và năng quyền tha tội : Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” (Ga 20,21-23).

Mệnh lệnh sai đi thân tình và thiêng liêng như Cha sai Con.

Gioan được Chúa sai viết lại những lời của Thầy mình. Những Lời ấy đã ở lại trong thế giới này đến muôn đời để mời gọi, lôi kéo người ta đến ở trong Tình yêu của Thiên Chúa.

Phê-rô đã theo Thầy trong công việc và cả cuộc đời đúng như Chúa Giêsu đã tin tưởng và báo trước, xứng đáng là thủ lãnh, là người người đứng đầu Hội Thánh của Chúa.

Phêrô đã chịu đựng những gian nan thử thách, đã chèo lái đưa con thuyền Giáo Hội vượt qua biết bao trở ngại chông gai. Cuối cùng ông được lãnh nhận phúc tử đạo để làm chứng cho Tin Mừng của Thầy mình. Lòng can đảm, sự trung kiên và hy sinh với Chúa Giêsu, với Hội Thánh của Thánh Phê-rô là tấm gương sáng, gần gũi cho hậu thế, đặc biệt là cho những vị chủ chăn kế tục sứ mệnh dẫn dắt Hội Thánh của Chúa Giêsu, như vị Thánh Giáo Hoàng Gioan I mà Giáo Hội nhớ đến hôm nay.

Đức Gioan I là vị Giáo hoàng thứ 53 của Giáo Hội. Ngài ở ngôi chỉ trong 2 năm 9 tháng, từ 13-8-523 đến 18-5-526. Triều đại giáo hoàng của ngài đầy sóng gió vì sự thù hằn của hoàng đế Theodoric. Ngài là một vị chủ chăn đầy khôn ngoan và đạo đức. Khẩu hiệu sống của ngài là “tất cả vì danh Chúa.

Thời đó vua Théodoric đang cai trị nước Ý, ông ủng hộ nhóm bè rối Arius. Năm 524 Vua phái Đức Gioan I đến Constantinople. Ngài từ chối việc tham gia vào bè rối Arius. Tại Đông Phương, ngài được Đức Thượng phụ Constantinople và hoàng đế Justin tiếp đón rất trân trọng. Hoàng đế cũng xin Đức Giáo Hoàng phong vương ngày 19 tháng 4 năm 526, trước sự hiện diện của các giáo sĩ Hy Lạp và La Tinh, cả triều thần và quần chúng.

Theodoric nghi ngờ Ðức Gioan I thông đồng với Hoàng Ðế Justin để chống lại mình, nên ngay khi ngài trở về Ý, Theodoric đã bắt giam ngay lập tức và định đem xử tử, nhưng lại sợ dân chúng nổi loạn, nên đã giam Đức Gioan I tại Ravenne và bỏ đói cho đến khi chết ngày 18/5/526.

Trên bia mộ ngài có ghi dòng chữ: “Bị tù ngục và chết vì Đức Kitô”. Bốn năm sau, năm 530, thi hài của ngài được chuyển về Rôma và mai táng trong hầm mộ đại thánh đường Thánh Phêrô với các nghi thức dành cho các vị tử đạo.

Lịch sử ghi lại ngài phải chết vì bị bỏ đói. Một vị Giáo Hoàng phải chết vì bị bỏ đói. Ngài bị bỏ đói đến chết vì Chúa, vì sứ mạng và vì Đức Tin của mình. Chắc chắn ngài đã được no thoả Chúa Giêsu Kitô.

Lời của Chúa Giêsu là những giáo huấn, là sự nhắc nhở thiết thực cho mỗi Kitô hữu mọi thời đại. Kitô hữu chúng ta đã làm được những gì cho Chúa, cho tha nhân từ khi đi theo Thầy Giêsu ?

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, con ước ao được trở nên “người môn đệ Chúa yêu mến” và vững bước theo Chúa như thánh Phêrô. Phần con đã đã có hạnh phúc hơn nhiều người là đã được Chúa chọn và ban Đức Tin cho con ngay khi còn thơ bé. Nhưng chính từ điều này mà con đã làm buồn lòng Chúa nhiều, vì con đã sống chẳng khác gì những người chưa biết Chúa, thậm chí có khi khi còn tệ hại hơn.

Xin Chúa ban Thánh Thần hướng dẫn con nhận ra đường con phải đi, giúp con can đảm hoán cải để sống trung thành theo Chúa.

Jos. NM Tưởng

Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng (27.05.2023)

Ghi nhớ:

“Phần anh, hãy theo Thầy”  (Ga 21, 22).

Suy niệm:

Trong thời Nam Bắc chiến tranh xảy ra tại Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, một viên sỹ quan được giữ lại làm văn thư cho tổng thống. Người này rất khó chịu vì suốt ngày phải đối diện với mớ giấy tờ, công văn, anh ta chỉ muốn ra chiến trường để được chiến đấu và hy sinh cho tổ quốc. Biết vậy, tổng thổng Araham Lincoln nói vời anh rằng:

Tôi nhận thấy, anh có lòng muốn chết cho quê hương đất nước, nhưng tôi không thấy nơi anh tinh thần sẵn sàng để sống cho tổ quốc.

Trong hành trình rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su kêu gọi Mười Hai vị Tông Đồ đi theo Người. Trong số các vị ấy ông Gioan là người được Đức Giê-su yêu mến hơn hết thảy. Điều này cũng dễ hiểu vì rằng Đức Giê-su tuy là Thiên Chúa thật, nhưng Người cũng là một con người với tất cả những gì mà một con người bình thường có, Đức Giê-su chỉ khác chúng ta một điều duy nhất là Người không tỳ ố, không tội lỗi mà thôi.

Ông Gioan thường gần gũi, hay trò chuyện với Thầy nên Thầy Giê-su có cảm tình, yêu mến ông hơn các anh em khác thì cũng là việc dễ hiểu và bình thường. Nhưng có một điều không bình thường theo lẽ chúng ta suy nghĩ; Đó là Ông Gioan tuy được Chúa yêu hơn, không vấp phạm chối Chúa, luôn đi theo Thầy như hình với bóng trên con đường khổ nạn, vì thế theo suy nghĩ của chúng ta thì Thầy Giê-su phải cất nhắc, đặt ông làm thủ lành chăn dắt chiên Mẹ và chiên con cho Thầy. Nhưng ý Chúa nhiệm mầu, người mà đã mạnh miệng thề thốt rằng không bao giờ bỏ Thầy, chối Thầy, nhưng liền sau đó lại vấp phạm, chính kẻ ấy lại được Thầy tin tưởng trao phó cho sứ mệnh cao cả và nặng nề là chăn dắt Đoàn Chiên của Người.

Lịch sử ghi lại; thời Giáo Hội sơ khai, các vua chúa quan quyền trần gian bắt bớ những người đi theo Đạo Chúa rất gắt gao, vì thế cho nên trong số Mười Hai vị Tông Đồ thì chỉ một mình Thánh Gioan là chết cách bình thường còn các vị khác đều phải xử tử vì giữ vững niềm tin.

Thánh Gioan tuy không chết cách trực tiếp để tuyên xưng đức tin của mình vào Thiên Chúa, nhưng trong suốt cuộc đời của Ngài cũng đã trở nên một cuộc “Tử Đạo” âm thầm để mang Tin Mừng đến cho mọi người. Đó là Ngài phải vượt qua mọi thử thách, vượt qua mọi cám dỗ, chiến thắng chính bản thân, để vâng lời Thầy Giê-su mà  trở thành chứng nhân cho Thiên Chúa giữa thế gian này.

Chúng ta cũng được Đức Giê-su mời gọi sống làm chúng nhân cho Người. bởi thế qua đời sống hàng ngày chúng ta phải biết sống tinh thần Phúc Âm. Đó là sống yêu thương, hiệp hành và phục vụ để qua đời sống đó chúng ta giới thiệu một Thiên Chúa nhân từ, hay thương xót và chỉ muốn cứu chuộc nhân loại. chỉ muốn mọi người được hạnh phúc.

Cầu nguyện:

Chúng con tạ ơn Đức Chúa Cha đã ban Người Con Một cho chúng con, để Người hướng dẫn và cứu chuộc chúng con.

Chúng con tạ ơn Chúa Con vì trong Người chúng con được tạo dựng và được ơn tái sinh.

Chúng con tạ ơn Chúa Thánh Thần từng giây, từng phút trong đời sống của chúng con, bởi Ngài đã thánh hoá và giúp chúng con sống hạnh phúc.

Xin Ba Ngôi giúp chúng con luôn biết yêu thương và phục vụ như chính Chúa đã yêu thương và chăm sóc chúng con. Amen.

Sống Lời Chúa:

Sống sao cho tốt Đạo đẹp đời để làm nhân chứng cho Chúa.

Đaminh Trần Văn Chính.

Sống chứng nhân (04.06.2022)

Ghi nhớ:

“Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực”. (Ga 21, 24).

Suy niệm:

Có một câu chuyện mang tựa đề: “Chia sẻ Ánh Sáng Cứu Độ” trong tập Lẽ Sống nội dung như sau: Một ông bố nọ, có ba đứa con trai. Thuở trước ông rất nghèo, nhưng nhờ chăm chỉ làm việc và tiết kiệm nên ông đã có một gia sản không hề nhỏ. Đến tuổi già, ông muốn chia phần gia sản cho những đứa con, nhưng ông muốn cho đứa con nào thông minh số phần gia tài nhiều hơn những đứa còn lại. Vì thế, một hôm ông gọi cả ba lại và nói:

Các con hãy cầm lấy, mỗi đứa năm đồng, rồi ra chợ mua cái gì để có thể lấp đầy căn phòng trống trơn này cho bố.

Thế là cả ba đều cầm tiền ra đi. Người con cả nghĩ rằng chỉ có rơm là rẻ và với năm đồng này thì mình có thể lấp đầy căn phòng được! Người em kế thì cho rằng lông vịt với giá năm đồng cũng có thể rải khắp căn phòng. Còn người em út sau khi đắn đo suy nghĩ kỹ lưỡng bèn quyết định mua một thứ có thể lấp đầy căn phòng mà có thể còn dư tiền nữa!

Hôm sau khi cả ba anh em cùng họp mặt, dưới sự chứng kiến của bố. Người anh cả mang rơm ra rắc, nhưng cũng chỉ trải được một góc phòng. Người em kế cũng mang lông vịt ra trải nhưng cũng chỉ được hơn một nửa căn phòng. Ông bố tỏ ra thất vọng. Lúc này mọi ánh mắt đều chăm chú nhìn đến đứa út. Cậu đi ra giữa phòng tay chẳng mang gì cả, thấy vậy hai người anh đều ngạc nhiên và đồng thanh hỏi:

Mày không mua cái gì sao?

Bấy giờ cậu út mới rút từ trong túi ra một hộp diêm và cây đèn cầy. Chỉ thoáng một cái thôi thì căn phòng lạnh giá và tối tăm kia đã tràn đầy áng sáng.

Người cha mỉm cười vui sướng, ông quyết định giao phần lớn tài sản, ruộng đất cho người con út, vì ông cho rằng cậu sẽ có đủ khôn ngoan để quản trị tài sản của mình và cũng nhờ đó mà có thể giúp đỡ các anh của cậu nữa.

Người đã lãnh nhận Bí Tích Thánh Tầy đều được mời gọi ra đi đem Tin Mừng cứu chuộc của Chúa đến cho mọi người. Đó là thi hành lệnh truyền của Thầy Giê-su trước khi về trời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. (Mc 16, 15) Chính vì thể, chúng ta những người được gọi là: Ki-tô hữu đều mang trong mình sứ vụ cao cả; đó là mang Chúa đến cho mọi người cũng như đem mọi người về với Chúa. Trong vai trò là một Ki-tô hữu chúng ta có những cách truyền giáo: Thứ nhất; Cầu nguyện kết hợp với những hy sinh, hãm mình để xin Chúa cho nhiều người biết đến Danh Chúa mà trở về cùng Ngài. Hai là; Bằng đời sống chứng nhân; nghĩa là luôn sống theo tinh thần Phúc Âm đó là : Mến Chúa và yêu thương mọi người. bên cạnh đó là việc chu toàn các bổn phận cũng như những giới răn của Chúa và các điều Hội Thánh dạy. Tóm lại là; sống tốt đạo đẹp đời, ăn ngay ở lành để nhờ đời sống đó người ta sẽ nhìn thấy Chúa là Đấng chúng ta tôn thờ: “ Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ của Thầy là: Các con có lòng yêu thương nhau”. (Ga 13, 35)

Nhưng nói thì dễ, song đem Lời Chúa ra áp dụng và thi hành trong cuộc sống thường ngày thì không phải là dễ; Bởi vì, chúng ta phải chiến đấu rất nhiều; Chiến đấu với chính mình, phải biết từ bỏ, biết phân định phải trái, biết những gì phải làm và những gì phải tránh. Biết chiến đấu với thế gian, vì thế gian có biết bao điều hấp dẫn, biết bao điều xảo trá, điêu ngoa, biết bao điều gièm pha cản trở… và rồi sau cùng phải chiến đấu với ma quỷ vì chúng như con sư tử gầm thét rao quanh tìm con mồi là chúng ta để cắn xé chúng ta, (1Pr 5, 8) Chúng tìm mọi cách cám dỗ để làm cho chung ta xa cách Chúa, thậm chí chống đối lại Ngài! Vì thế, muốn chiến thắng được ba kẻ thù trên chúng ta phải sống gắn bó mật thiết với Chúa để nhở ân sủng của Ngài chúng ta mới có thể vợt qua, chiến thắng được những kẻ thù ấy mà thôi.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã ra lệnh truyền cho chúng con là phải đem Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Xin ban ơn để suốt cuộc đời này chúng con hằng biết thi hành lệnh truyền ấy. Xin ban ân sủng dồi dào để chúng con có đủ sức, có đủ nghị lực và đủ  khôn ngoan, để thi hành lệnh truyền đó cách tốt đẹp. Chúng con cầu xin nhờ Danh Chúa Ki-tô Chúa chúng con. Amen.

Sống Lời Chúa.

Kính mến Chúa hết lòng và yêu thương mọi người như anh em.

Đaminh Trần Văn Chính.

Làm như Chúa muốn… (22.05.2021)

Lịch sử Giáo hội được khởi động bằng những chứng từ của các Tông đồ trong bốn sách Tin Mừng, để giới thiệu tình yêu Thiên Chúa cho mọi người, để mọi người tin mà được hưởng nhờ ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Ki-tô gọi và chọn các môn đệ đi theo Người và giao cho mỗi người một sứ mạng để làm chứng về sự phục sinh của Người, và xây dựng một Giáo hội duy nhất là Nhiệm Thể của Người.

Mỗi Ki-tô hữu Đa-minh, khi sống chu toàn bổn phận của một đoàn viên, là đã và đang làm chứng cho Chúa với anh chị em xung quanh mình. Nhưng mỗi người có con đường riêng của mình, có thể con đường người này đang đi gập ghềnh sỏi đá và con đường của người kia thì lại bằng phẳng yên vui phủ đầy bóng mát; người này phải chịu tử vì Đạo, còn người kia thì chết lành thánh… Thế nhưng đích đến cuối cùng của cả hai vẫn là hạnh phúc ở Nước Trời đã dành sẵn cho họ (x. Ga. 21,20-22)

Lạy Chúa, xin cho con nhận ra thánh ý Chúa “muốn con” như đã muốn Phê-rô xưa kia “phần anh, hãy theo Thầy” để con sẽ chu toàn sứ mạng như một gia nhân trung tín của Chúa. Amen.

CÁT BIỂN

Lời Hằng Sống… (30.05.2020)

Kết thúc quyển Tin Mừng thứ Tư; tác giả xác thực: “Còn có nhiều điều khác Đức Giê-su đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra”. (Ga 21,25).

Thật vậy – Thánh Kinh – Pho sách thánh thiêng kinh điển nói về Thiên Chúa, và cách riêng bốn cuốn Tin Mừng – Trình bày tường tận cuộc đời Đức Giê-su – Là một pho sách được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất và có nhiều ấn bản nhất trên thế giới. Ngoài Thánh Kinh ra, ta còn biết nhiều tác phẩm suy tư thần học, minh triết, giáo huấn, tu đức… nói về Chúa Giê-su.

Lạy Chúa Giê-su, chính Ngài là Lời hằng sống; xin cho đời con nên chứng nhân của “LỜI”; và nguyện xin cho “LỜI CHÚA” được tiếp tục vang lên trong thế giới hôm nay và mãi mãi. Amen.

CÁT BIỂN

Môn đệ Chúa yêu (08.06.2019)

 

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật lại đoạn hội thoại giữa Chúa Giêsu và thánh Phêrô về “người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến” – thánh Gioan tông đồ. Ông cảm thấy rằng dường như Người ưu ái vị môn đệ này hơn cả. Nhìn vào lịch sử, ta có thể thấy được điều đó có vẻ đúng vì quả thật, thánh Gioan là người duy nhất trong các tông đồ được ra đi trong tuổi già. Có lẽ chính nhờ sự “thiên vị” đó, Giáo hội mới có được một trong hai vị thánh sử từng theo bước Chúa Giêsu, góp phần tăng thêm độ chân thật cho Tin Mừng.

Nếu tinh ý, chúng ta có thể thấy được sự khiêm tốn của thánh Gioan. Nếu chỉ có thánh Matthêu mới dám chỉ đích danh mình là người thu thuế được Chúa chọn, trong khi các thánh sử khác gọi ông là Lêvi, thì thánh Gioan lại không nhắc tên mình mà thường gọi là “người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến”. Có lẽ, ngài không muốn cố định danh hiệu đó cho mình mà ngược lại, ngài muốn những người đọc Tin Mừng của ngài đều thấy được, người môn đệ Chúa yêu đó chính là bản thân họ.

Để từ đó, chúng ta có thể cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta một cách rõ nét hơn. Nếu theo như thánh Gioan, bất cứ ai trong chúng ta đều là người môn đệ đó. Ai trong chúng ta cũng được hưởng những đặc ân cao quý mà Thiên Chúa đã ban tặng. Đó là một hồng phúc lớn lao. Thật vậy, tuy mỗi người đều được ban một cây thánh giá để vác, ta vẫn nhận được sự trợ giúp từ Thiên Chúa, Người không muốn chúng ta phải sống trong đau khổ, nhưng muốn ta nhớ rằng: ta thuộc về Thiên Chúa, Người vẫn luôn ở cùng ta.

Chúng ta là những người được Chúa yêu như thánh Gioan thì cũng phải biết giới thiệu tình yêu ấy cho mọi người như ngài đã làm. Được yêu thương nhưng không giữ tình yêu đó cho riêng mình mà biết chia sẻ cho mọi người. Có lẽ, đó cũng là thông điệp ngài muốn nhắn gửi khi gọi mình là “người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến”. Thế giới này đã gánh quá nhiều đau khổ, đừng để anh em mình phải đau khổ hơn khi vô tình để sự dữ lan rộng. Hãy biết truyền rao tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người, để họ nhận ra chúng ta đều là anh em cùng một Cha – một người Cha nhân lành.

Lạy Chúa, chúng con cảm nghiệm được rằng, chúng con là những môn đệ được Ngài yêu thương, ưu ái. Xin cho chúng con biết sống xứng đáng với điều đó bằng cách lan tỏa tình yêu ấy đến cho mọi người. Để mọi người biết yêu thương nhau, đẩy lui hận thù và sống theo lời Ngài dạy. Amen.

Petrus Sơn

Môn đệ Chúa yêu (19.05.2018)

Trong Tin Mừng, chắc hẳn cụm từ “người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến”, hay thường gọi là “môn đệ Chúa yêu” chắc hẳn không hề xa lạ với người Kitô hữu. Ai trong chúng ta cũng biết cụm từ đó dùng để chỉ thánh Gioan tông đồ. Tuy nhiên, cụm từ ấy được bắt gặp nhiều nhất trong Tin Mừng của chính ngài – Tin Mừng theo thánh Gioan. Tại sao ngài không nhắc đích danh của mình và phải dùng cụm từ ấy? Phải chăng ngài muốn nhấn mạnh mình là người được Chúa Giêsu yêu mến nhiều nhất, được đặc ân không tử vì đạo để làm nhân chứng sống đáng tin cậy cho Người? Xin thưa, không phải vậy đâu.

Thánh Gioan gọi mình là “môn đệ Chúa yêu” không phải vì kiêu ngạo hay tự mãn, ngài gọi như vậy có lẽ là vì muốn chúng ta thay tên mình vào cụm từ đó. Để rồi, ai trong chúng ta cũng là “người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến”. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã cho ta thấy nhiệm vụ của thánh Gioan phải lãnh nhận. Ngài không được hưởng phúc tử đạo như các anh em khác những vẫn phải làm nhiệm vụ  Người đã trao phó – làm nhân chứng và ghi lại những gì ngài đã từng chứng kiến trong quá trình đi theo Chúa.

Qua đó, ta có thể thấy, thánh Gioan đã cho ta thấy nhiệm vụ của ngài và cho ta nhận ra ai cũng có thể là “môn đệ Chúa yêu”. Qua đó, ta cũng có thể nhận ra nhiệm vụ của mình khi được hưởng đặc ân đó. Thật vậy, trong xã hội hiện đại, phúc tử đạo không còn xảy ra thường xuyên như trước. Tuy nhiên, người Kitô hữu ngày nay vẫn phải đối mặt với việc tử đạo về nhân bản, đạo đức. Thật vậy, dù ngày nay ít ai dám đe dọa tính mạng chúng ta vì niềm tin vào Thiên Chúa, nhưng họ vẫn có thể chèn ép, tước mất quyền lợi của ta vì niềm tin ấy. Nhưng dù sao, những quyền lợi ấy vẫn chỉ là vật chất nên không đáng đánh đổi bằng đức tin của mình.

Là người Kitô hữu giữa xã hội hiện đại, tuy tính mạng chúng ta khó bị tước đoạt vì tôn giáo, nhưng kẻ khác vẫn có thể buộc chúng ta đánh đổi niềm tin ấy để lấy cuộc sống giàu sang, quyền lực hay những thú vui của dục vọng. Những cám dỗ ấy dễ dàng khiến chúng ta bị đánh bại và sa chân vào tội lỗi. Do đó, chúng ta phải nhận ra việc làm “môn đệ Chúa yêu” thực sự vẫn cần phải cố gắng cầu nguyện rất nhiều. Ước mong sao chúng ta sẽ xứng đáng với danh hiệu ấy.

Lạy Chúa, chúng con biết rằng Ngài vẫn hằng yêu thương, nâng đỡ, chở che chúng con; chúng con biết rằng tình yêu Ngài dành cho chúng con vô cùng vĩ đại. Thế nhwung, chúng con vẫn chỉ là những phận người yếu đuối, dễ sa chân vào con đường tội lỗi. Xin Chúa thương cho chúng con biết nhận ra tình yêu bao la đó, để có thể sống xứng đáng với những gì Ngài đã dành cho chúng con. Amen.

Petrus Sơn

Theo và thuộc về Chúa Ki-tô (03.06.2017)

Suy niệm: Phêrô và Gioan là hai môn đệ thân tín của Đức Giêsu, yêu mến Thầy sâu đậm, gắn bó với Thầy sâu sắc. Thế nhưng, Đức Giêsu lại giao cho hai người hai sứ vụ khác nhau: Phêrô lãnh sứ mạng coi sóc đoàn chiên và đổ máu đào để làm chứng; người môn đệ Chúa yêu, tức là Gioan, là chứng nhân sống cho Chúa, kể lại câu chuyện về Chúa và sống đời chứng tá cho đến tuổi già. Cả hai đều nói với người khác rằng “Chúng tôi biết Đức Giêsu, chúng tôi đã sống với Ngài, chúng tôi đã gặp Ngài sống lại.” Tuy nhiên, mỗi người phụng sự Chúa tuỳ theo công tác và số phận Ngài giao phó. Vinh quang, danh giá của người môn đệ không nằm nơi việc hơn thua với người khác, nhưng là tận tình phụng sự Chúa trong sứ vụ mình, là đi theo và thuộc về Chúa Ki-tô mỗi ngày một mật thiết hơn thông qua các bổn phận, các việc thiện hảo họ làm thường ngày.

Mời Bạn: Trong Giáo Hội có nhiều ơn gọi khác nhau nhưng tựu trung vẫn có một mối dây liên kết mọi người: lòng mến. Người môn đệ ẩn danh trong Tin Mừng là hình ảnh của bạn, của tôi và của những người môn đệ bước theo Thầy Giêsu với tình yêu mến chân thành. Dù bạn là ai, đang đóng vai trò nào đi nữa, bạn vẫn luôn được mời gọi thi hành sứ mạng ấy: “Trong lòng Giáo Hội, Mẹ con, con sẽ là Tình yêu” (Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu).

Sống Lời Chúa: Tôi xác quyết đời mình chỉ có giá trị khi hết lòng phụng sự Chúa trong sứ vụ Chúa giao phó, chứ không phải nơi danh giá, danh tiếng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã mời gọi chúng con bước vào sự sống và mối tương quan với Chúa trong lòng Mẹ Giáo Hội. Xin cho con luôn tái xác định vai trò khiêm tốn của con với tình yêu chân thành và kiên vững. Amen.

Phần anh, hãy theo Thầy!

Khi thấy Gio-an, Phê-rô nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy còn anh này thì sao?” Đức Giê-su đáp: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh hãy theo Thầy.” (Ga 21,20-25)

Suy niệm: Cũng vẫn là Phê-rô, con người bộc trực và hay thắc mắc, khi được Chúa cho biết về số phận của mình phải chết cách nào để làm chứng cho Chúa, và trong lúc bối rối, Phê-rô lại quay hỏi Chúa ngay về số phận của Gio-an. Câu trả lời nước đôi của Chúa Giê-su làm cho Phê-rô và các môn đệ hiểu lầm rằng Gio-an không phải chết. Một bài học cho các môn đệ và cũng cho mỗi người chúng ta hôm nay trong khi phục vụ. Không thắc mắc về số phận người khác trong khi sao nhãng chính bổn phận của mình. Mỗi người có một số phận riêng, một vai trò riêng, một cách làm việc riêng trong sứ mệnh làm chứng cho Chúa, trong công tác xây dựng Hội Thánh. Hãy cứ chu toàn bổn phận của mình, và biết sống hiệp nhất trong những dị biệt này.

Mời Bạn: Sống trong cộng đồng giáo xứ, trong các hội đoàn, bạn hãy tích cực tham gia, góp phần xây dựng với hết khả năng Chúa ban cho. Đặt vấn đề về việc làm của người này hay người khác dễ đưa đến chia rẽ và mất lòng Chúa. “Phần con hãy theo Ta”.

Chia sẻ: Bạn sẽ theo Chúa bằng cách nào trong vai trò của bạn, trong cuộc sống đời thường của bạn?

Sống Lời Chúa: Bạn chỉ tìm Chúa trong khi phục vụ và phục vụ vì Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa muốn mỗi người chúng con trở nên sứ giả của Tin Mừng cứu độ giữa thế gian. Xin ban ơn trợ giúp để chúng con có thể hoàn thành sứ mệnh cao quí này trong tinh thần khiêm tốn phục vụ.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *