Tuân giữ luật Chúa và Hội thánh trong tâm tình mên yêu (09.09.2023 – Thứ Bảy tuần XXII Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: 1 Cr 4,6b-15 (năm chẵn), Cl 1,21-23 (năm lẻ), Lc 6, 1 – 5

Bài đọc 1 (năm chẵn): 1 Cr 4,6b-15

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

Thưa anh em, anh em phải theo gương tôi và anh A-pô-lô, mà học cho biết “đừng có đi ra ngoài những gì đã viết”, kẻo sinh ra kiêu ngạo, theo người này mà chống người khác.  Thật vậy, nào có ai coi bạn hơn kẻ khác đâu ? Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh ? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh ?  Anh em đã no nê rồi, đã giàu có rồi ! Không có chúng tôi, anh em đã làm vua rồi ! Phải chi anh em làm vua, để chúng tôi cũng được làm vua với anh em !  Thật vậy, tôi thiết nghĩ : Thiên Chúa đã đặt chúng tôi làm Tông Đồ hạng chót như những kẻ bị án tử hình, bởi vì chúng tôi đã nên trò cười cho thế gian, cho thiên thần và loài người !  Chúng tôi điên dại vì Đức Ki-tô, còn anh em thì khôn ngoan trong Đức Ki-tô ; chúng tôi yếu đuối, còn anh em thì mạnh mẽ ; anh em được kính trọng, còn chúng tôi thì bị khinh khi.  Cho đến giờ này, chúng tôi vẫn chịu đói khát, trần truồng, bị hành hạ và lang thang phiêu bạt ;  chúng tôi phải vất vả tự tay làm lụng. Bị nguyền rủa, chúng tôi chúc lành ; bị bắt bớ, chúng tôi cam chịu ;  bị vu khống, chúng tôi đem lời an ủi. Cho đến bây giờ, chúng tôi đã nên như rác rưởi của thế gian, như phế vật đối với mọi người.

Tôi viết những lời đó không phải để làm anh em xấu hổ, nhưng là để sửa dạy anh em như những người con yêu quý của tôi.  Thật thế, cho dầu anh em có ngàn vạn giám thị trong Đức Ki-tô, anh em cũng không có nhiều cha đâu, bởi vì trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em.

Bài đọc 1 (năm lẻ): Cl 1,21-23
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-lô-xê.
Thưa anh em, xưa kia anh em là những người xa lạ, là thù địch của Thiên Chúa vì những tư tưởng và hành động xấu xa của anh em. Nhưng nay nhờ Đức Giê-su là con người bằng xương bằng thịt đã chịu chết, Thiên Chúa cho anh em được hoà giải với Người, để anh em trở nên thánh thiện tinh tuyền và không có gì đáng trách trước mặt Người. Anh em chỉ cần giữ vững đức tin, cần được xây dựng vững chắc, kiên quyết và đừng vì nao núng mà lìa bỏ niềm hy vọng anh em đã nhận được khi nghe loan báo Tin Mừng. Tin Mừng này đã được rao giảng cho khắp thiên hạ, và tôi, Phao-lô, tôi đã được trở nên người phục vụ Tin Mừng.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 6, 1 – 5)

1 Vào một ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ bứt lúa, vò trong tay mà ăn.2 Nhưng có mấy người Pha-ri-sêu nói: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát? “

3 Đức Giê-su trả lời: “Các ông chưa đọc chuyện này trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì khi ông và thuộc hạ đói bụng?4 Ông vào nhà Thiên Chúa lấy bánh tiến mà ăn và cho thuộc hạ ăn. Thứ bánh này, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi.”5 Rồi Người nói: “Con Người làm chủ ngày sa-bát.”

Tuân giữ luật Chúa và Hội thánh trong tâm tình mên yêu (09.09.2023)

Ghi nhớ:

“Con Người làm chủ ngày sa-bát.” (Lc 6, 5).

Suy niệm:

Trong thánh lễ một ngày lễ Chúa Nhật kia. Bắt đầu bài giảng cha xứ nhìn xuống các em thiếu nhi và đột nhiên ngài đặt cho các em một câu hỏi; như sau:  Cha hỏi các con một câu: “Hôm nay các con đi lễ là vì bị bố mẹ bắt ép hay là vì điều gì?”. Có một em khoảng 8 hay 9 tuổi giơ ta lên xin trả lời: Em nói: “Thưa cha, con đến nhà thờ là vì lòng kính mến Chúa”. Cha khen và đề nghị cả cộng đoàn cho em ấy một tràng pháo tay.

Không biết em bé này nói ra bằng chính tâm tư của mình hay là người lớn đã chỉ bảo, nhưng dù sao thì câu trả lời đó phải được tán dương và đối với tất cả mọi người Ki-tô hữu nhất là những người lớn tuổi nhưng sống đạo nguội lạnh, khô khan thì câu nói đó là một điều đáng để họ suy ngẫm, đây là một lời nhắc nhở.

Khi người ta đã có lòng yêu mến Chúa rồi thì mọi việc để làm cho Ngài được vui thì dù việc đó có khó khăn, nặng nhọc hay gian khổ mấy cũng sẽ trở nên nhẹ nhàng và cả thích thú nữa.  

Luật đời hay luật đạo được soạn thảo ra nhằm mục đích phục vụ cho con người, để họ noi theo đó mà sống hầu làm cho đời sống của chính họ cũng như của mọi người được luôn tốt đẹp, chứ luật không nhằm làm ra để đoạ đày, để khống chế hay triệt hạ người ta.

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật lại việc những người Pha-ri-sêu, khi nhìn thấy các môn đệ của Đức Giê-su bứt lúa, có lẽ là đòng đòng rồi vò trong tay để ăn, vì lúc đó các ông đang đói. Nên họ gặp Đức Giê-su và trách móc rằng: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày sa-bát?”. Nhân dịp này Đức Giê-su giải thích cho họ biết việc giữ luật không câu nệ ở hình thức, không câu nệ trên mặt chữ, mà nó phải phát xuất từ tinh thần cầu tiến, từ việc thực tiễn nhằm thăng hoa cho con người. Luật để mang lại sự sống chứ luật không nên câu nệ để rồi dẫn đến sự chết. Khi đói thì con người phải tìm kiếm cái gì đó để có thể ăn nhờ đó giữ lấy mạng sống mình, đó là luật tự nhiên, chứ không thể vì giữ luật ngày sa-bát để rồi không được làm gì, dẫn đến đói khát sao? Đức Giê-su đã dẫn chứng: Vua Đa-vít và các thuộc hạ vì đói bụng nên đã phải ăn bánh tiến, thứ bánh mà các ông không được phép ăn chiếu theo luật, để đả thông tư tưởng cho họ hiểu.

Trong cuộc sống xã hội  hàng ngày, chúng ta không thể không va chạm, tiếp xúc với nhiều thành phần, trong đó nhiều người  có lối suy nghĩ phóng khoáng, nhưng lại có người ưa thích soi mói nhỏ nhen, bới lông tìm vết, hình như họ cứ chực chờ sẵn để nếu ai đó phạm lỗi là lên tiếng chê bai, thậm chí mạt sát, họ chất lên vai anh em mình gánh nặng thay vì vác đỡ thập giá cho anh em. Đối với họ, dường như việc làm cho người khác đau khổ là thú vui. Đối với hạng người có tâm địa như vậy thì cách ứng xử tốt nhất là chúng ta nên tránh xa để khỏi bị họ làm tổn thương và đề phòng nhưng rắc rối có thể xảy ra khi chúng ta không kiềm chế được mình và sau hết là hãy nhớ đến họ trong lời cầu nguyện.

Đối với luật Chúa và luật Giáo Hội chúng ta phải có tâm tình yêu mến, thì việc tuân giữ lề luật sẽ trở nên nhẹ nhàng, bởi lẽ, Luật Chúa cũng như của Giáo Hội chỉ để làm cho chúng ta nên tốt nên đẹp. Tóm lại: Luật Chúa và luật Hội Thánh được lập ra nhằm để  cho chúng ta nhờ việc tuân giữ mà sau này được hưởng phần thưởng Nước Trời mà thôi.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giê-su chí thánh, con xin dâng lên Ngài những con người có tâm địa xấu xa, hay chi ly bắt bẻ anh em, xin hoán cải tâm tính để họ được trở nên những con người dễ thương, dễ mến. Xin cho chính bản thân con luôn biết khiêm tốn chịu đựng, đón nhận những gì không vừa lòng mình và con sẽ dâng lên Chúa những điều đó như một của lễ đền tội. Xin giúp con luôn tuân giữ luật Chúa và Hội Thánh với tâm tình yêu mến để được lớn lên và trưởng thành trong niềm tin yêu Chúa luôn. Amen.

Sống Lời Chúa:

Tránh không làm cho người khác tổn thương.

Đaminh Trần Văn Chính.

Con Người làm chủ ngày Sa-bát (03.09.2022)

Ngày 03.09: Lễ Nhớ Thánh Ghê-gô-ri-ô Cả, Giáo hoàng, TSHT

Ghi nhớ:

“Con người làm chủ ngày sa-bát”. (Lc 6, 5).

 Suy niệm:

Một người Do thái nọ qua đời. Sau khi đã khám nghiệm rất kỹ càng, các bác sỹ xác nhận người này đã thực sự chết theo đúng nghĩa y học và họ đã cấp giấy chứng thực để người nhà mang thi thể về nhà lo hậu sự!

Trong tang lễ, lúc đang chuẩn bị hạ huyệt thì mọi người bỗng nghe có tiếng kêu cứu trong quan tài. Vì thế nên họ cho mở nắp quan tài ra, và mọi người đều rất đỗi ngạc nhiên khi nhìn thấy thi thể mà họ đang định chôn cất kia lại là một con người vẫn còn sống!

Thế nhưng vị giáo trưởng trụ trì tang lễ ra hiệu cho mọi người im lặng, rồi ông nói với người đang ở trong quan tài như sau:

Chúng tôi không biết rõ ông đang sống hay đã chết. Tuy nhiên, căn cứ theo giấy chứng thực của các bác sỹ, ông quả thực là người đã chết. Vì vậy, chúng tôi cứ thi hành theo đúng nhận định của các bác sỹ.

Nói xong, ông bảo mọi người đóng nắp quan tài lại và tiếp tục nghi lễ an táng.

Bài Tin Mừng hôm nay thánh sử Luca tường thuật lai việc các người Pha-ri-sêu bắt bẻ Đức Giê-su là tại sao lại để môn đệ của mình làm việc trong ngày nghỉ, ngày phải kiêng việc xác, cụ thể là các ông đã bứt bông lúa rồi vò trong bàn tay mà ăn trong ngày sa-bát! Đức Giê-su liền trả lời bằng cách trưng dẫn cho họ biết một sự việc xảy ra trong thời Cựu Ước, có ghi chép trong Kinh Thánh: Đó là khi Đa- vít, trong lúc chạy trốn sự truy lùng của vua Saulê, khi ông và các thuộc hạ vì quá đói khát đã vào Đền Thờ Thiên Chúa lấy bánh tiến để ăn ((bánh tiến có 12 ổ lớn được đặt trước nhà tạm, sau bảy ngày thì các thầy tư tế sẽ thay bánh mới và bánh cũ, theo luật thì chỉ các tư tế mới được dùng số bánh tiến này mà thôi), bánh này theo luật thì chỉ có các thầy tư tế mới được ăn mà thôi. Thế rồi Đức Giê-su kết luận: “Con người làm chủ ngày sa-bát”.

Sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su muốn hướng chúng ta đến việc tuân giữ lề luật của Thiên Chúa bằng lòng kính mến chứ không phải bằng cách giữ luật một cách câu lệ máy móc, vô hồn. Vì giữ luật như vậy thì có khác chi những chiếc máy rô-bốt đã được lập trình, cài đặt sẵn. Và việc giữ lề luật như thế sẽ khiến cho đời sống con người gò bó, ngột ngạt, chẳng khác gì như luôn mang bên mình một gánh nặng!

Một giáo dân nọ. Trước đây, khi ông chưa cảm nhận được tình Chúa yêu thương ông như thế nào, lúc đó ông chưa có lòng kính mến Chúa, thì ông sống đạo rất khô khan. Một tuần ông đi đến Nhà Thờ một lần vào ngày Chúa Nhật, ông là người đến dự lễ sau hết, ông không vào trong nhà thờ mà ngồi ở ngoài, đến khi vừa hết lễ thì ông chính lại là người rời Thánh Đường trở về nhà trước hết, ông đi lễ chỉ vì luật buộc, chỉ vì sợ tội mà thôi,

Nhưng sau nhiều biến cố xảy ra, ông đã cảm nhận được tình thương yêu của Thiên Chúa dành cho ông và gia đình, nên từ đó ông đã thay đổi cách sống đạo. Ông đi tham dự thánh lễ mọi ngày trong tuần, ông cảm thấy vui sướng vì được đến với Chúa, qua Thánh lễ để được tham dự vào Bàn Tiệc Lời Chúa và Bàn Tiệc Thánh Thể. Và ông đã cảm nhận một cách sâu sa lời Chúa Giê-su nhắn nhủ rằng: “Ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng.” (Mt 11, 30).

Tóm lại. Lề luật của Chúa và của Hội Thánh ban ra là nhằm để phát triển, thăng tiến con người, nó tựa như đôi cánh để con người nhờ đó mà bay lên để vượt lên chính mình mà đến được gần Chúa và gần với tha nhân. Nhưng động lực cốt lõi trong việc tuân giữ lề luật của Thiên Chúa phải phát xuất từ lòng mến Chúa, và từ lòng mến đó việc tuân giữ các giới luật sẽ trở nên nhẹ nhàng và êm ái.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giê-su, xin cho con luôn tìm được niềm vui trong việc tuân giữ các lề luật của Chúa cũng như những hướng dẫn của Giáo Hội để nhờ chu toàn lề luật, mỗi ngày con sẽ trở nên hoàn thiện mình hơn, nhờ đó con sống xứng danh là một ky tô hữu, để có thể giới thiệu Chúa đến với mọi người chung quanh qua việc chu toàn lề luật của mình. Amen.

Sống Lời Chúa

Thi hành Luật Chúa và Hội Thánh bằng việc thờ phượng Chúa hết lòng và yêu thương mọi người như anh em.

Đaminh Trần Văn Chính.

Hồn luật… (04.09.2021)

Báo điện tử Người Lao Động (NLĐO) ngày 17-8-2021, đưa tin:

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương và Bộ Y tế chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương xác minh, làm rõ vụ việc 5 cơ sở y tế tại tỉnh Bình Dương không tiếp nhận cấp cứu dẫn đến một người dân tử vong. Trường hợp có hành vi vi phạm trong việc tiếp nhận, cấp cứu bệnh nhân thì phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, khoảng 20 giờ ngày 13-8-2021, ông D. bị nôn ói nên gia đình gọi xe cấp cứu nhưng không được nên người này sau đó được hàng xóm hỗ trợ chở đi cấp cứu. Điểm đầu tiên ông D. đến là Trung tâm y tế TP Dĩ An nhưng nơi này không nhận vì đang điều trị bệnh nhân Covid-19. Sau đó, con gái ông D. lần lượt đưa ông đến ba cơ sở y tế khác nhưng không nơi nào tiếp nhận với lý do các bác sĩ đi chống dịch Covid-19 và không đủ trang thiết bị để cấp cứu. Đến khoảng 4 giờ sáng cùng ngày, ông D. trút hơi thở cuối cùng.

Hậu quả đau lòng trên phải chăng do não trạng quá câu nệ luật một cách máy móc trong công tác phòng chống dịch SARSCoV-2 của ngành y tế ? Chỉ cấp cứu bệnh nhân nhiễm Corona virus, chứ không cấp cứu bệnh nhân stroke (tai biến mạch máu não) ?

Tin Mừng hôm nay trình bày “cái hồn của luật” của Chúa Giê-su:

Khi ban bố Lề luật, Thiên Chúa muốn sự yêu mến và tự nguyện, nhưng các kinh sư và Biệt phái thì lại vụ luật và dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện giữ Luật của Chúa, thì họ chỉ giữ vì Luật buộc phải giữ và Luật lại trở thành gánh nặng đè trên vai của họ.

Bản chất của luật là bác ái yêu thương, nhưng trong câu chuyện nói trên người ta lại sẵn sàng để người khác nguy hiểm tính mạng, thậm chí là bị cướp đi mạng sống của mình chứ không thà lỗi luật, trong khi đáng lý ra luật (phòng chống dịch) là cứu sống chứ không phải giết chết.

Cứu người vì bác ái hay là dửng dưng, hoặc nhân danh lẽ này luật nọ… để rồi không đếm xỉa đến những người gặp hoạn nạn đang cần đến sự giúp đỡ của xã hội ?

Lạy Chúa, xin cho con biết ý thức giữ luật vì lòng mến và bác ái đòi hỏi hơn là để chu toàn mặt chữ của Lề luật. Amen.

CÁT BIỂN

Yêu thương là hiệp thông (05.09.2020)

Trong một lần phỏng vấn Mẹ Teresa Calcutta, anh Jose Luis Bonzales-Balado – một lái xe người Tây Ban Nha – được biết đến là một trong những người viết tiểu sử chính của Mẹ Teresa; đã có câu hỏi:

“Mẹ dành cho dung mạo bên ngoài một tầm quan trọng như thế nào ?”

Mẹ nói:

“Rất ít hoặc không chút nào cả. Về vấn đề trang phục, mặc dù bộ sari là một phần trong tu phục hàng ngày, chúng tôi vẫn sẵn sàng thay đổi hoặc không mặc chúng nữa nếu chúng tôi nhận ra rằng mọi người không chấp nhận cách ăn mặc như thế. Chúng tôi sẽ chọn một loại trang phục khác được những người nghèo chấp nhận hơn, ở bất kỳ nơi nào chúng tôi được mời gọi để thực hiện công việc của mình.

… Chính đức tin đã làm cho công việc của chúng tôi trở nên dễ dàng, hay ít ra cũng dễ chịu đựng. Không có đức tin, những công việc này sẽ trở thành một trở ngại cho đời sống tôn giáo của chúng tôi, bởi chúng tôi phải gánh chịu những lời báng bổ, thái độ giận dữ, sự độc ác, và chủ nghĩa vô thần ở khắp nơi”.

Chúng tôi nghĩ rằng giá trị của công việc được xuất phát từ tình yêu đối với Thiên Chúa. Không thể yêu Thiên Chúa mà không yêu đồng loại. Chúa Giê-su đã nói: Khi Ta đói, các ngươi đã cho ta ăn. lúc Ta khát, các ngươi đã cho ta uống… Vì chính mỗi lần các ngươi làm như thế cho bất cứ người nào hay cho một trong những anh em hèn mọn, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy. (x.Mt 25,31-40)

Quả thật, “tình yêu có khả năng bảo bọc để không vướng bụi nhuốc nhơ. Tình yêu quét đi dơ bẩn khắp đường phố và hang cùng ngõ hẻm, vì một điều đơn giản: tình yêu có thể làm và phải làm điều đó” (Mẹ Têrêsa)

Hôm nay toàn Dòng cùng tưởng nhớ, dâng lễ, cầu nguyện cho những người thân của Dòng và những người từng làm ơn cho Dòng bằng cách này hay cách khác; họ đã kết thúc đời sống ở trần gian; họ đang thanh luyện giũ sạch bụi trần nhờ nghĩa cử yêu thương, nhờ các việc lành phúc đức hiệp thông trong tình liên đới, trong một niềm tin của hội thánh Công giáo.

Tình yêu không có thông điệp nào khác ngoài chính ý nghĩa của nó: Đó là yêu thương , quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ anh chị em mình dưới mọi hình thức. Trong đó, không ngoài những lời cầu thay nguyện giúp; ăn năn đánh tội; hy sinh hãm mình… vì lợi ích cho các linh hồn.

Mỗi ngày, mỗi người trong chúng ta cố gắng sống cùng tình yêu của Chúa Giê-su một cách cụ thể: Nếu có rao giảng thì hãy cố gắng rao giảng bằng việc làm chứ không bằng lời nói. Đó là minh chứng cho đức tin của gia đình Đa Minh vậy.

Lạy Chúa, xin cho con biết dùng sức khỏe, thời gian và những ơn lành Chúa ban để yêu thương và phục vụ anh chị em mình ngày càng đẹp lòng Chúa hơn. Amen.

CÁT BIỂN

Đừng vụ luật (07.09.2019)

Sự xuất hiện của Chúa Giêsu rao giảng Tin mừng Cứu độ đã đem lại luồng sinh khí mới cho xã hội Do Thái lúc bấy giờ. Người ta đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, vì Người dạy dỗ với uy quyền của Thiên Chúa đã khuất phục quyền lực ma quỉ cũng như biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa luôn đứng về phía con người. Ngài không dùng luật pháp để o ép con người. Đó cũng là điểm nhấn mà bài Tin mừng hôm nay đề cập đến.

Trong thế giới hôm nay. Có khi luật pháp được làm ra không phải là để phục vụ mọi người, mà chỉ nhắm đến quyền lợi của thiểu số mà thôi. Vào thời Chúa Giêsu, không thiếu những người nhân danh luật pháp để đè bẹp con người. Chúa Giêsu luôn lên tiếng cảnh báo thái độ như thế. Thật ra Chúa Giêsu đã tuyên bố rõ Ngài không đến để hủy bỏ lề luật, nhưng đến để kiện toàn.

Theo Kinh Thánh, khi Thiên Chúa làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi. Người chúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hoá ngày đó, vì ngày đó, Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người” (St, 2,2-3). Như vậy, ngày thứ bảy là một ngày thánh, và dân Do Thái phải noi theo Chúa để nghỉ ngơi và để thờ phượng Chúa, tưởng nhớ công trình tạo dựng của Người. Trong Sách Xuất Hành, luật Sabbát sẽ là một luật buộc rất nhặt: … “Trong sáu ngày, người ta sẽ làm việc, nhưng ngày thứ bảy là một ngày sabát, một ngày nghỉ hoàn toàn, dâng Đức Chúa: kẻ nào làm việc trong ngày sabbát sẽ bị xử tử” (Xuất Hành 31, 15).

Tin mừng hôm nay nói đến cuộc tranh luận giữa những người Biệt phái và Chúa Giêsu về luật lệ ngày Hưu lễ khi các môn đệ đi qua đồng lúa đã bứt vài bông lúa vò ra mà ăn cho đỡ đói. Trước thái độ gây hấn của những người Biệt phái, lần nào cũng vậy Chúa Giêsu luôn đối đáp điềm tĩnh và hợp lý. Trường hợp người ta đến gài bẫy hỏi Chúa Giêsu có nên nộp thuế cho César không. Ngài cũng đã điềm tĩnh khôn ngoan trả lời: của Chúa thì hãy trả cho Chúa, của César hãy trả cho César. Lần khác, trường hợp người phụ nữ bị kết án tử hình phải ném đá chiếu theo luật, người ta cũng hỏi Chúa đồng thời cũng là cái bẫy. Chúa Giêsu cũng điềm tĩnh trả lời: Ai trong các ông vô tội thì hãy ném đá người này trước đi.

Và lần này về luật hưu lễ. Chúa Giêsu cũng dẫn chứng hành động của vua Đavít, và Ngài khẳng định hành động của các môn đệ không hề vi phạm ngày Hưu lễ. Lề luật vì con người, chứ không phải con người vì lề luật. Đó là ý nghĩa lề luật mà Chúa Giêsu nêu bật trong cuộc tranh luận với những người Biệt phái. Họ đã quên rằng chính Chúa Giêsu hiện diện giữa họ là mục đích, là chủ ngày Hưu lễ. Tuy nhiên trong tâm thức hẹp hòi và không tin vào sứ mạng của Chúa Giêsu, những người biệt phái lấy việc tuân giữ các chi tiết phức tạp của ngày hưu lễ làm tiêu chuẩn để xét giá trị của Chúa Giêsu và giáo huấn của Ngài.

Đối với việc cử hành của ngày Sabbat, dân Do Thái buổi sáng họ cầu nguyện trong gia đình, rồi đến Hội Đường nghe sách thánh và hát Thánh Vịnh với cộng đoàn, chiều đến họ đi thăm viếng bệnh nhân hoặc người già neo đơn, khi mặt trời lặn cả gia đình quy tụ cùng nhau hát Thánh Vịnh kết thúc ngày Sabbat. Một việc làm rất cao đẹp do chính Thiên Chúa truyền dạy cho dân riêng của Ngài, biểu lộ niềm tin vào Thiên Chúa và lợi ích thực tế của con người. Khi cử hành ngày Sabbat, người Do Thái tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ của họ.

Chính vì luật buộc nghỉ ngơi ấy, nhóm biệt phái khi thấy các môn đệ bứt bông lúa để ăn, họ đã phản đối vì môn đệ của Chúa không giữ luật ngày Sabbat. Chúa Giêsu không quở trách các môn đệ của Ngài, vì Ngài biết các ông đang đói. Chúa dẫn chứng câu chuyện Vua Đavít đã lấy bánh thánh để cho đoàn tùy tùng đi theo cũng đang đói để cùng ăn, để cho họ hiểu; và Ngài cũng tỏ mình cho họ biết Ngài là Thiên Chúa qua câu nói:  “Con Người làm chủ cả ngày Sabbat”.

Ngặt một điều nhóm Biệt phái họ lại đi lệch không đúng với ý nghĩa của ngày Sabbat, họ sống nặng về hình thức, hẹp hòi khiến cho việc giữ luật trở thành gánh nặng và làm cho người ta quên đi cái cốt yếu của luật, như chàng thanh niên đến xin đi theo Chúa, anh thanh niên sống tuân giữ nghiêm nhặt theo luật, nhưng khi nghe Ngài nói hãy về bán hết của cải rồi đến theo Ngài, chàng thanh niên lẳng lặng bỏ đi. Nhóm biệt phái họ nghiêm ngặt về việc giữ luật khi thấy Chúa chữa bệnh nhân trong ngày Sabbat cũng bị họ đả kích bắt bẻ (Mt 12, 5), nên Ngài đã mạnh mẽ tuyên bố:“Ta đến không phải để phá bỏ lề luật, nhưng để kiện toàn lề luật”(Mt 5, 17a). Từ đó họ tìm mọi cách để gài bẫy để bắt Ngài, như việc có phải nộp thuế cho Xê-da không? (Mt 22, 15-21). Hay chuyện đến hỏi ý Ngài có nên xử án người phụ nữ phạm tội ngoại tình (Ga 8, 1-11)…v … v…

Ngày nay đạo Công Giáo chúng ta không giữ luật ngày Sabbat nữa, thay vào đó là ngày Chúa nhật, vì là ngày của Chúa, ngày thuộc về Chúa, cũng là ngày tôn vinh qua sự Phục Sinh Chúa Giêsu, Ngài đã hoàn tất chương trình cứu độ nhân loại, khai sinh một kỷ nguyên mới bằng việc thiết lập Hội Thánh của Ngài để tiếp tục đem Tin Mừng cứu độ đến cho muôn dân. Người Công Giáo thánh hóa ngày Chúa nhật nhờ việc tham dự thánh lễ, thực hành bác ái, làm từ thiện và nghỉ ngơi theo tinh thần Kitô Giáo.

Huệ Minh

“Phóng đại” – nên hay không? (09.09.2017)  

Xét theo nghĩa đơn giản, “phóng đại” là nói một điều gì đó quá mức so với bản chất thật sự của nó. “Phóng đại” (hay “nói quá”) là một biện pháp tu từ giúp tác phẩm văn học thêm phần hấp dẫn. Tuy nhiên, biện pháp ấy chỉ hấp dẫn khi nó không hiện hữu trong cuộc sống hiện thực của chúng ta. Thế nhưng, dù đó là một thói xấu, con người vẫn rất ưa chuộng nó. Người ta thường “phóng đại” một điều gì đó vì muốn hạ thấp người khác, muốn tôn vinh bản thân mình hay đơn giản chỉ là nói cho sướng mồm…

Trong cuộc sống, không khó để bắt gặp những người thích “phóng đại” để tự nâng giá trị của mình lên, mà dân gian thường gọi bằng một danh xưng thân thương, trìu mến: “nổ”. Chẳng hạn, đám bạn thân lâu ngày gặp lại, ai cũng nhà cao, cửa rộng, vợ đẹp, con ngoan, làm sao mình có bằng bạn, bằng bè trong khi tự bản thân mình chưa đủ khả năng so sánh với họ? Có một cách: “nổ”.  Làm sao để chứng tỏ mình là một người hiện đại, hợp thời trang với những bà hàng xóm lắm chuyện, trong khi mình suốt ngày chỉ lủi thủi trong xó bếp? Có một cách: “nổ”. Làm sao để thể hiện với lũ bạn cùng lớp rằng gia đình mình khá giả, có điều kiện hơn chúng nó trong khi cha mẹ mình phải vất vả trăm chiều mới đủ lo cho mình ăn học? Vẫn cách đó: “nổ”.

Ta có thế thấy được, “nổ” hay “phóng đại” tuy không tốt, vì xét theo khía cạnh nào đó, nó vẫn là nói dối. Tuy nhiên, ít nhất nó có thể giúp người ta tạm hòa hoãn và bằng lòng với thực tại, không tham lam hay đua đòi quá mức, dễ làm nảy sinh những tệ nạn xã hội khác. Chẳng hạn, người chồng sẽ không dám ăn chơi, người vợ sẽ không dám chưng diện và con cái cũng chẳng dám đua đòi, họ cùng nhau phấn đấu để cuộc sống của họ trở nên cái họ đang “nổ”. Thế nên, dù “phóng đại” là không tốt, nhưng vô tình nó đã trở thành mục tiêu cho những thành viên trong gia đình, hay rộng hơn là cho mọi người trong xã hội thực hiện theo nó. Tuy nhiên, chúng ta vẫn không nên cổ súy cho việc này vì về bản chất, nó vẫn là không đúng.

Như đã nêu trên, bên cạnh việc “phóng đại” để tôn mình lên, người ta còn thích “nói quá” để hạ thấp hay lên án người khác. Đây là hành động đáng phải lên án và loại trừ, vì không có bất cứ lí do tốt đẹp nào có thể khiến con người đạp lên người khác để tiến thân cả. Nếu người “nổ” chỉ phạm tội nói dối, thì hành vi “phóng đại” để hạ thấp người khác còn lỗi đến đức công bình. Chẳng những nó không trở thành mục tiêu cho con người hướng tới mà ngược lại, nó khiến người ta ù lì, chậm tiến và dễ thỏa mãn với vị trí mà mình chưa xứng đáng nhận được.

Những người biệt phái trong bài Tin Mừng hôm nay là ví dụ cụ thể cho hành động “phóng đại” nêu trên. Họ chống đối Chúa Giêsu và các tông đồ bằng cách “nói quá” về hành động của các Ngài: họ xem việc “bứt bông lúa miến, vò xát trong tay, rồi ăn” của các Ngài tương đương với hành động “gặt lúa” – việc làm bị cấm trong ngày Sabat. Thế nhưng, thay vì phân bua với họ, Chúa Giêsu đã khéo léo dạy họ một bài học: “Con người làm chủ ngày Sabat”. Chính thói “phóng đại” để lên án người khác của những người biệt phái đã khiến họ bẽ mặt. Có thể nói, hành động “nói quá” này chẳng hề có tác dụng tâm lí nào cả, nó chỉ khiến người ta bị thoái hóa về nhân cách mà thôi.

Trong cuộc sống, đôi khi vì danh dự của gia đình, dòng tộc mà chúng ta buộc phải “phóng đại”. Vấn đề nằm ở chỗ, việc “nói quá” ấy có ảnh hưởng đến người khác hay không? Điều đó có đi ngược lại với các giá trị đạo đức và luân lí hay không? Hãy biết khôn khéo để biến cái “nổ” đó thành mục tiêu của cuộc đời mình. Đồng thời, chúng ta phải biết kịch liệt lên án và tránh xa thói xấu “phóng đại” để hạ bệ người khác, nó chẳng những không hề tăng tí danh dự dự nào mà ngược lại, nó còn hạ thấp giá trị của chúng ta trong mắt người khác. Nếu được chọn giữa một điều tốt và một điều xấu, hãy chọn điều tốt; nhưng nếu chúng ta bị đặt vào trường hợp bất khả kháng phải chọn giữa hai điều xấu, hãy chọn cái ít xấu hơn. Thế nên, hay biết cân nhắc: “Phóng đại” – nên hay không?

Lạy Chúa Giêsu, Ngài đã cho chúng con quyền tự do để chọn lựa, xin hãy soi sáng cho chúng con, để chúng con biết khôn ngoan khi cân nhắc một điều gì đó; xin cho chúng con biết yêu mến Ngài nhiều hơn, để mọi sự lựa chọn của chúng con đều đẹp lòng Ngài, hầu có thể làm sáng danh Ngài đến tận cùng Trái Đất. Amen.

Sơn Còi

Tuân giữ lề luật vì yêu mến (03.09.2016)

 

 SUY NIỆM

Tin Mừng hôm nay trình bày:

Vào một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su cùng với các môn đệ  đi qua một cánh đồng, có những người Pha-ri-sêu cùng đi; khi những người Pha-ri-sêu thấy các môn đệ của Đức Giê-su bứt lúa và vò trong tay để ăn, họ liền bắt bẻ Đức Giê-su : “Tại sao các ông làm điều không được phép làm vào ngày sa-bát? “
Những người Pha-ri-sêu tuân giữ luật về ngày sa-bát một cách nghiêm nhặt và dần dần việc tuân giữ này trở nên máy móc, hình thức; họ làm mất đi ý nghĩa thuở ban đầu, khi luật ngày sa-bát được thiết lập: Thiên Chúa muốn ngày sa-bát được diễn ra trong yêu thương, nghĩa tình và niềm vui; Ngài muốn con người được nghỉ ngơi thân xác, nhất là với những người đầy tớ hoặc nô lệ và họ được hưởng niềm vui vì là ngày hưu lễ.

Mọi người có thời gian để tham dự vào việc tế tự của dân Thiên Chúa và có thời gian để thư giãn, an ủi thăm viếng nhau; nhờ đó mối tương quan tốt đẹp giữa chủ nhân và người làm công được củng cố. Nhưng thực tế, những luật sĩ Pha-ri-sêu đã thêm thắt nhiều điều khiến luật trở thành gánh nặng cho dân.

Sự kiện trong trình thuật Tin Mừng hôm nay cho thấy những người Pha-ri-sêu chú trọng đến hình thức giữ luật ngày sa bát bề ngoài mà chẳng hề chú ý đến ý nghĩa của nó. Việc các môn đệ bứt vài bông lúa rồi vò trong tay để ăn cho đỡ cơn đói, được những người Pha-ri-sêu phóng đại như một việc gặt hái, thu hoạch bình thường và luận tội. Còn Đức Giê-su, Người khoan dung trước hành vi của các môn đệ trong hoàn cảnh này, và chỉ cho những người đang xét nét việc làm của người khác, một cái nhìn đúng đắn hơn về việc tuân giữ lề luật và thái độ của những ai có tinh thần yêu mến lề luật; Người trưng dẫn việc vua Đa-vít vào nhà tạm của Thiên Chúa lấy bánh dâng tiến để ăn và cho thuộc hạ cùng ăn khi đói bụng. Dù bánh dâng tiến trong Nhà Tạm chỉ có tư tế mới được ăn; nhưng trong hoàn cảnh này lề luật được chuẩn chước để nhà vua và các thuộc hạ hoàn thành nhiệm vụ.

Lề luật được đặt ra vì con người và đem lại hạnh phúc cho con người. Đức Giêsu, Đấng Mê-si-a của Thiên Chúa, Người đến để kiện toàn lề luật, chấn chỉnh những gì còn sai sót và mặc cho lề luật một tinh thần mới. Khi tranh luận về ngày sa-bát, các kinh sư và những người Pha-ri-sêu cứng nhắc tuân thủ theo các tập tục, truyền thống và dạy cho dân chúng phải tuân giữ khiến lề luật trở thành gánh nặng cho nhiều người. Do đó, Đức Giêsu đã vạch ra những sai trái và khiển trách thái độ ương ngạnh, bảo thủ của họ, nhưng họ cũng không nghe; nên Người đã nói:  “Con Người làm chủ cả ngày sa-bát”, bởi lẽ “ngày sa-bát được làm ra vì con người chứ không phải con người vì ngày sa-bát. (Mc 2, 27)”.

Ngày nay, nhiều người cũng đã quên đi ý nghĩa của ngày “sa-bát”; khi vì miếng cơm, manh áo họ không phân biệt ngày thường và ngày Chúa nhật; tất bật với cuộc sống, họ quên đi quyền lợi được nghỉ ngơi, giải trí sau những ngày lao động trong tuần – của chính bản thân và của những người thân yêu trong gia đình; vẫn lao động vất vả trong ngày Chúa Nhật, thiếu bổn phận thờ phượng Thiên Chúa và thiếu trách nhiệm duy trì mối tương quan với người thân, với cha mẹ, ông bà bằng sự thăm viếng, ủi an. Ngược lại, nhiều người khác lại xử dụng ngày nghỉ vào những việc làm vô bổ và quên đi việc thánh hóa ngày Chúa Nhật của người tín hữu.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi

  • Tuân giữ lề luật cốt ở lòng yêu mến và ý thức những điều luật dạy để cố gắng hết sức mình mà thực hiện.
  • Luật buộc giữ ngày Chúa Nhật nhằm mục đích thánh hóa: Tạ ơn và tôn thờ Thiên Chúa qua việc hiệp dâng Thánh lễ; nghỉ ngơi, thư giãn kiến tạo tình thân trong gia đình; thăm viếng cha mẹ, ông bà và làm một vài việc tông đồ, bác ái khi có thể.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, xin ban thêm cho con tinh thần yêu mến lề luật để con con tuân giữ không phải vì hình thức, tiếng khen; nhưng để tôn vinh Chúa và đem lại lợi ích cho linh hồn con và cho mọi người.

SỐNG TIN MỪNG

“Con Người làm chủ ngày sa-bát”. Xử dụng thời gian của ngày Chúa Nhật và ngày lễ nghỉ (theo luật) vào mục đích tốt lành, thánh thiện.

“Bới lá tìm sâu” (07.09.2015)

1. Ghi nhớ: Rồi Người nói “ Con Người làm chủ ngày sa-bát” (Lc, 6,5)

2. Suy niệm: Thông thường, mỗi hành động đều phát xuất từ một lý do nào đó. Có người “đói ăn vụng, túng làm liều”, hoặc có người vì hoàn cảnh đưa đẩy nên không nhìn thấy sự sai trái, vấp phạm của mình. Do đó khi một sự việc xảy ra, thay vì kết án, khắt khe với anh chị em mình, chúng ta nên xem xét nó bằng một sự cảm thông, bằng cái nhìn yêu thương, tôn trọng nhau vì hoàn cảnh có thể đưa đẩy người anh em của chúng ta tới tận cùng hố sâu vực thẳm. Chỉ có tình yêu mới cho chúng ta nhận biết giá trị nơi mỗi người anh em mình.

Chúa Giêsu đã nhắc nhở chúng ta “Con Người làm chủ ngày sa-bát”. Ngày sa-bát đặt ra vì yêu thương con người, do đó, lề luật giúp con người đi tìm hạnh phúc, chân lý, bình an. Lề luật không phải là gánh nặng, nhưng lề luật luôn là ách êm ái, nhẹ nhàng để con người tìm được sự nương náu trong ân sủng của Thiên Chúa

3. Sống Lời Chúa: Chúng ta hãy học cùng Chúa, lấy tình thương để cư xử với anh chị em, loại trừ cái nhìn xăm xoi “bới lá tìm sâu” để cùng giúp nhau xây dựng hạnh phúc

4. Cầu nguyện: Lạy Chúa! Xin giúp chúng con biết bước đi trong luật pháp của Ngài, bằng tình yêu chân thật với mọi anh chị em con. Amen.

M.Liên