Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: 3 Ga 5-8 (năm chẵn), Kn 18,14-16 ; 19,6-9 (năm lẻ), Lc 18, 1-8
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 18, 1-8)
1 Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. 2 Người nói : “Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. 3 Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông : ‘Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho.’ 4 Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng : ‘Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, 5 nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc’.”
6 Rồi Chúa nói : “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó ! 7 Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao ? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi ? 8 Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng ?”
Phải cầu nguyện luôn không được nản chí (16.11.2024)
Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu kể cho ta một dụ ngôn để dạy cho ta một điều là: phải kiên trì cầu nguyện luôn.
Dụ ngôn cho ta hai nhân vật liên đới với nhau: Nhân vật thứ nhất là một bà góa đại diện cho lớp người bị trị mạt hạ nhất. Họ là hạng người cô thân cô thế, bị bắt nạt, nghèo nàn. Xã hội thời đó coi lớp người này ngoài vòng pháp luật, coi họ ngang tầm với con trẻ. Tin Mừng Chúa đã nhiều lần tỏ lòng thương hại lớp người này khi mắng những ông Phariseu: “Các ông thì chất đầy gánh nặng lên vai các bà góa, còn chính các ông lại chẳng động đến một ngón tay”.
Nhân vật thứ hai là ông quan tòa đại diện cho giai cấp cai trị nhưng lại là vị quan tòa bất chính . Vậy thì bà góa kia có thể trông chờ gì ở ông ta? Dụ ngôn kể lai bà góa kia đã nhiều lần kêu cứu: “Đối phương tôi hại tôi xin ngài minh xét cho, một thời gian khá lâu ông không chịu”. Nhưng rồi dụ ngôn tiếp tục cho ta những chi tiết ông quan tòa suy nghĩ: “Dẫu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ góa này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ta cứ đến hoài làm ta nhức đầu nhức óc”.
Ông quan tòa thì tồi tệ vậy nhưng dụ ngôn Chúa cứ muốn bà bám sát đeo đẳng để nài xin. Vì nài xin là bổn phận của bà đối với những người cấp trên cai trị, cũng là quyền của bà được hưởng quyền người công dân nữa.
Cuối dụ ngôn Chúa đã dạy cho ta một điều rõ ràng: “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyẻn chọn, ngày đêm hằng kêu cứu đến Người sao?”
Qua đây Chúa cũng muốn dạy ta phải kiên trì cầu nguyện luôn, vì cầu nguyện là bổn phận của con người đối với Thiên Chúa là đấng tạo dựng ta và Tin Mừng Chúa cũng đã dạy: “Anh em phải cầu nguyện luôn”. Nhất là qua kinh lậy Cha Chúa đã dạy ta cầu nguyện. Cầu nguyện để nhận ra quyền năng tình yêu thương Chúa đã dành cho ta, cầu nguyện cho Lời Chúa được soi dẫn tâm hồn ta luôn để ta luôn bước đi trong ánh sáng của Chúa. Cầu nguyện để bày tỏ nỗi khao khát ước mong của mình nếu đẹp lòng Chúa sẽ được Người trợ giúp.
Trong dụ ngôn hôm nay Chúa chỉ nói về những điều bà góa kia xin. Ngày nay nhiều người cầu nguyện là cũng hay lo lắng xin cho thân xác nhiều hơn là cho đời sống linh hồn. Nhưng ta hãy nhớ lời Chúa dạy: “ Anh em hãy tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính để được vào nước ấy, con mọi sự khác cha sẽ thêm cho”. Ngày nay người ta định nghĩa cầu nguyện là “Thân thưa, tâm giao cùng Chúa như thân thưa với người cha, người mẹ tốt lành của mình”. Hỏi có đứa con nào mà hằng ngày không nói không bày tỏ tâm tình với cha mẹ mình thì liệu có còn là con nữa không? Mà nếu không còn là con thì cũng mất quyền thừa hưởng gia tài, những lời răn dạy yêu thương của cha mẹ mình.
Trở lại dụ ngôn Chúa còn cho ta thấy một điều nữa là bên trên các vị quan tòa, các vị cầm quyền còn có quyền năng của Thiên Chúa tối cao. Mà người đời thường có câu đối với những người gian ác: “Không nhân oán thì Thiên oán”. ”Lưới trời lồng lộng tuy thưa mà khó thoát”.
Lạy Chúa Giêsu! Xin cho con luôn vững vàng, bền bỉ thực thi lời Chúa dạy, để cuộc đời con trở nên cuộc đời cầu nguyện không ngừng để hưởng bình an Chúa ban, để thắng mọi cám dỗ, nhất là được đẹp lòng Chúa ở đời này và hạnh phúc muôn đời Chúa dành cho nơi Thiên Quốc.
Tin cậy vào quyền năng và tình thương Chúa (18.11.2023)
Chủ đề của bài Tin Mừng hôm nay đã được Thánh sử Luca xác định ngay từ đầu là Chúa Giêsu dạy các môn đệ “phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng”. Dụ ngôn này thuộc loạt giáo huấn của Chúa Giêsu về ngày cánh chung, vì vậy cũng nên hiểu vị thẩm phán trong dụ ngôn là vị thẩm phán trong ngày phán xét.
Vị thẩm phán là một người ngoại giáo nên ông không đại diện cho Thiên Chúa, mà vai trò của ông trong dụ ngôn chỉ là để so sánh và dẫn dắt câu chuyện mang tính giáo huấn của Chúa Giêsu. Có thể nói ông thẩm phán này đại diện cho cách ứng xử của những người lãnh đạo xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu là coi thường những người bé mọn cô thế như bà goá. Động cơ thúc đẩy ông xử cho bà goá là sự ích kỷ, ông chỉ muốn mình thoải mái không bị quấy rầy thôi. Ông sợ và đã thua sự kiên trì của bà goá.
Với bà goá tội nghiệp thì sự kiên trì kêu nài của bà đã có kết qủa, nguyện vọng của bà đã được đáp ứng. Vậy là đủ rồi.
Kết thúc dụ ngôn Chúa Giêsu đã đưa ra bài học cho các môn đệ. Vị thẩm phán tai quái vì không chịu nổi sự quấy rầy mãi của của bà goá nên mới xử cho bà, vậy Thiên Chúa cứ để con cái kêu nài Ngài mãi sao ? Thiên Chúa yêu thương con cái của Ngài nên chắc chắn sẽ minh xử còn nhanh chóng hơn nữa.
Rất nhiều lần Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải cầu nguyện. Có loại quỷ chỉ có cầu nguyện mới có thể có sức mạnh của Chúa để trừ nó (x. Mc 9,28-29), vì thế ma quỷ rất sợ người tín hữu siêng năng cầu nguyện với Chúa.
Cầu nguyện là những giây phút người tín hữu kết hợp với Chúa và nhận thêm sức mạnh hằng sống của Chúa. Cầu nguyện không chỉ là bày tỏ những nguyện vọng với Chúa, hay là chỉ có cần xin gì đó mới cầu nguyện với Chúa, vì Chúa thừa biết chúng ta cần gì, và có rất nhiều điều chúng không hề ý thức được mình cần, nhưng Chúa vẫn cung cấp đầy đủ cho chúng ta như không khí thở, tình yêu thương của gia đình…
Vì thế cầu nguyện trước hết phải có tâm tình là những tôi tớ bé mọn luôn tin cậy và hy vọng nơi Chúa, để dâng lên Chúa những lời chúc tụng tạ ơn, cùng với những tâm sự, những cảm nghiệm được sống trong tình Cha – Con với Chúa. Lời cầu nguyện hay nhất là tôn vinh Chúa và xin Ngài chu tất cho các con cái của Ngài những ơn ích cần thiết cho sự sống đời đời, như Chúa Giêsu đã dạy trong kinh Lạy Cha.
Kitô hữu có cầu nguyện và cầu nguyện liên tục thì mới có sức mạnh của Chúa, mới tránh được cám dỗ của ma quỷ. Chúa Giêsu đã cảnh báo ma quỷ đã được phép cám dỗ người môn đệ : “kìa sa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo”. (Lc 22,31). Vì vậy chỉ có kiên trì cầu nguyện Đức Tin của người Kitô hữu mới vững mạnh, mới giữ được sự trung kiên với Chúa. Đừng để Chúa phải thất vọng mà hỏi : “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng ?”
Nhưng phải nhớ một điều, là nhiều khi chúng ta xin điều gì đó mà mãi Chúa không cho, hẳn là Chúa biết rõ điều đó không có lợi cho phần rỗi của ta. Vì thế phải biết tin tưởng vững vàng và phó thác mọi chuyện trong tay Chúa.
Cầu nguyện không phải là cầu xin theo nhu cầu và ý thích của chúng ta, nhưng xin theo ý Chúa. Cũng không phải xin rồi thụ động ngồi chờ, mà phải biết tích cực cộng tác với Chúa để Chúa ban ơn, như xin thi đậu thì phải lo học hành chăm chỉ; xin gia đình được bằng an thì phải từ bỏ những thói xấu khiến gia đình lộn xộn xào xáo.
Chúa Giêsu, Mẹ Maria, các thánh là các gương mẫu cho sự siêng năng cầu nguyện. Thánh nữ Monica là tấm gương sáng về việc kiên trì cầu nguyện.
Thánh Monica sinh vào năm 332 tại Bắc Phi. Chồng của Monica, Patrik, là người ngoại, một người đàn ông cục súc dễ nổi giận và hay đánh đập vợ mình.
Vợ chồng Monica có ba người con, hai trai và một gái. Monica vô cùng đau khổ vì ông chồng và đứa con trai đầu, Augustino, một thằng bé hư hỏng ngỗ nghịch điển hình. Bà chỉ còn biết khóc với Chúa và liên lỉ cầu xin Chúa cứu giúp. Một điều an ủi cho Monica là trước khi chết ông chồng và bà mẹ chồng đã xin rửa tội theo đạo.
Sau khi chồng chết, Monica dồn hết sức chăm lo cho ba đứa con. Cô con gái út và cậu con trai thứ là những đứa con ngoan, nhưng cậu con cả Augustinô, vẫn chưng nào gtật nấy, một kẻ vô cùng ngang bướng, là nỗi nhọc nhằn và ô nhục của gia đình. Augustino học giỏi nhưng biếng nhác, thường xuyên trốn học, kích động bạn bè, nói dối và ăn cắp đồ đạc của mẹ.
Khi đến tuổi trưởng thành, Augustino nhập vào nhóm những thanh niên xấu và hãnh diện khoe khoang những thành tích bất hảo của mình để chứng tỏ với mọi người rằng, anh là kẻ đồi bại nhất trong nhóm những người bạn vốn đã vô cùng xấu xa của anh. Augustino luôn đem đến nỗi nhục nhã ê chề cho bà Monica.
Augustino bỏ ngoài tai những lời nhắc nhở khuyên răn của mẹ, thậm chí anh còn bỏ nhà đi và theo giáo phái Manichaeism (giáo phái Nhị Nguyên), một giáo phái phản đạo.
Từ khi Augustinô bỏ nhà ra đi, cuộc đời của Thánh Monica chỉ còn là những thời gian cầu nguyện cho đứa con ngỗ nghịch. Dòng nước mắt đắng cay của bà không ngừng tuôn rơi trước mặt Chúa để xin Ngài đưa Augustinô quay về. Bà than khóc cầu nguyện ngày càng thiết tha hơn, đến độ vị Giám mục Giáo phận, Thánh Ambrosiô, đã phải an ủi và nói với bà rằng:
“Này bà mẹ Monica! Giờ của Chúa chưa điểm đối với con bà. Bà hãy tiếp tục cầu nguyện cho nó và hãy tin tưởng hy vọng, vì một đứa con của quá nhiều nước mắt và lời cầu nguyện sẽ không thể hư đi mất.”
Tuy nhiên, Thiên Chúa đã để cho Monica phải chờ đợi với những lời cầu nguyện đầy tin tưởng, tín thác và nước mắt trong suốt 18 năm trời thì Ngài mới nhận lời.
Năm 385, khi biết được Augustinô đang ở Milan, bà đã đến đó để cùng đồng hành với con. Với ảnh hưởng tích cực của Thánh Ambrosiô Giám Mục Milan hồi đó, Augustinô đã trở lại và xin Rửa Tội. Từ đó Augustino đã thực sự hoán cải hoàn toàn, chuyên chăm suy niệm về Chúa và sau này đã trở thành Giám mục và là một vị Thánh Tiến sĩ của Hội Thánh.
Cuộc đời của thánh nữ Monica đầy gian truân, đau khổ và thử thách. Tuy nhiên, thánh nữ đã kiên cường, can đảm sống tín thác nơi Chúa và luôn cậy trông, hy vọng vào tình thương vô biên của Ngài. Quả thực sự kiên trì cầu nguyện và những dòng nước mắt tha thiết yêu thương của Thánh nữ Monica đã trổ sinh hoa trái quá sức tốt đẹp, là được Chúa ban cho Giáo Hội một vị Thánh Tiến sĩ kiệt xuất, Thánh Augustino. Và chính Thánh Augustino đã có những đóng góp to lớn vào việc xây dựng Hội Thánh của Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con biết hàng ngày dâng lên Chúa lời chúc tụng, ngợi khen, tôn vinh và cảm tạ Chúa vì Ngài đã luôn chăm sóc con, ban cho con tràn trề những ơn lành hồn xác. Xin giúp con biết kiên trì cầu nguyện và đừng bao giờ nản chí. Xin cho con ý thức rằng: Những ai tin cậy vào quyền năng và tình thương của Chúa, sẽ không bao giờ phải thất vọng hổ ngươi.
Jos. NM Tưởng
Kiên trì cầu nguyện (12.11.2022)
Ngày 12.11: Lễ Nhớ Thánh Giô-sa-phát, giám mục, tử đạo
Ghi nhớ:
“Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, Liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”. (Lc 16, 9).
Suy niệm:
Có một câu hỏi được đặt ra; đó là trước đây khi các nhà truyền giáo bên Âu Châu sang Việt-Nam rao giảng Tin Mừng, (vào khoảng giữa thế kỷ XV), với biết bao khó khăn từ chủ quan cho đến khách quan. Ấy vậy mà đã có biết bao người đã gia nhập đạo Công Giáo. Nhưng trong thời đại hôm nay với nhiều thuận lợi; Chẳng hạn phương tiện truyền thông được phổ biến hơn, con người ta dễ dàng được tiếp xúc với quyển Kinh Thánh hơn… Thế nhưng vào thời gian này, phải nói là rất ít người gia nhập Đạo! Ngoài sự việc theo đạo để kết hôn. Có một câu trả lời xem ra đơn giản nhưng có lý. Đó là:
Ngày nay cuộc sống con người đã sung túc đầy đủ rồi, họ không còn cần đến với Chúa nữa.
Thật vậy có một gia đình nọ, trước đây nghèo đói, gặp nhiều khó khăn, thì họ hay đi đến nhà thờ để cầu nguyện, xin ơn này ơn khác cho gia đình, nhưng đến nay khi gia đình họ đã dưa thừa tiền bạc, có của ăn của để rồi thì đáng lẽ ra họ phải biết ơn, cảm tạ và tôn thờ Chúa. Đàng này, họ lại không còn nhớ đến Chúa nữa, họ dành thời gian để đi vui chơi, ăn nhậu… Họ đã gạt Chúa ra khỏi cuộc sống của mình !!!
Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đề cập đến thái độ mà người cầu nguyên phải có đó là lòng kiên trì. Có nhiều người cầu nguyện mà không được Chúa đáp lại như lòng mong mỏi thì họ tỏ ra nản chí, buồn rầu, đôi khi còn oán trách rằng Chúa đã không nhận lời họ nữa. Nhưng hôm nay Đức Giê-su khẳng định: Qua câu chuyện của một bà goá đến xin ông quan toà bất lương để xin phân xử cho bà, cuối cùng vì sự phiền toái mà bà goá ấy gây ra cho ông ta nên ông đã nhạn lời để xét xử cho bà và Ngài kết luận: “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm kêu cứu Người hay sao?”. Như vậy, muốn được Chúa thương nhận lời cầu nguyện thì chúng ta phải thành tâm và kiên trì.
Trong cuộc sống, chúng ta có được những gì là do lòng thương xót của Chúa ban cho, cách này hay cách khác. Thiên Chúa luôn gìn giữ bảo vệ nếu ta để cho Ngài cùng đồng hành với chúng ta trong cuộc hành trình trần gian. Trong những lúc cuộc sống gặp khó khăn trắc trở, chúng ta chạy đến với Chúa để Ngài giúp cho chúng ta vượt qua hoạn nạn khó khăn ấy. Chắc chắn Ngài không để cho chúng ta cô đơn một mình chống trả lại những vướng mắc khó khăn đó đâu. Nhưng điều quan trọng là chúng ta có biết tìm đến với Chúa để được bảo vệ chở che qua việc cầu nguyện hay không. Thông thường thì chỉ khi hữu sự ta mới chạy đến với Chúa, còn khi đã sung sướng no đủ rồi thì chúng ta dễ quên Ngài.
Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa, qua việc nâng tâm hồn lên ấy, chúng ta gặp gỡ được chính Chúa, Chúng ta lắng nghe Ngài nói với chúng ta và chúng ta lại thưa chuyện với Ngài trong tâm tình của người con: tạ ơn, tôn vinh và nếu thấy có ơn gì cần thiết trong cuộc sống thì ta cầu xin cùng Chúa.
Thiên Chúa cũng giống như các bậc cha mẹ ông bà của chúng ta. Ngài sẽ lưu tâm, để ý đến những đứa con nào hay thăm viếng, hay trò chuyện, hay gần gũi với Ngài, như vậy Chúa sẽ thương yêu, gắn bó và luôn rộng tay ban ơn cho những người con ngoan hiền ấy hơn
Ngày xưa, Đức Giê-su đã dạy cho các môn đệ Kinh Lạy Cha để các ngài cầu nguyện. Ngày nay, mỗi lần nhớ đến Chúa, ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, chúng ta cũng có thể cầu nguyện được bằng việc thầm thĩ đọc lời Kinh đó, nhất là luôn áp dụng lời kinh đó vào cuộc sống của mình.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa là Đấng hay thương xót, chúng con biết Chúa luôn ban cho chúng con những ơn mang lại lợi ích cho linh hồn chúng con. Xin cho chúng con hằng biết cảm tạ, tôn vinh và làm cho Danh Chúa được cả sáng bằng chính đời sống gương mẫu thường ngày của chúng con. Xin cho chúng con luôn biết tìm đến suối bình an và hạnh phúc ở trong Chúa qua việc đến với Ngài và cầu nguyện. Amen.
Sống Lời Chúa:
Nhớ đến Chúa nhiều lần trong ngày, đọc kinh Lạy Cha và thường xuyên làm những việc lành với tâm tình kính mến và tạ ơn Chúa.
Đaminh Trần Văn Chính.
Tín nghĩa… (13.11.2021)
Tín nghĩa là đức tính trung thành trước sau như một đối với lẽ phải, đối với sự thật. Đó là lòng chung thuỷ và trung thành hay lòng thành thật và óc hiếu nghĩa.
Tin Mừng theo thánh Lu-ca hôm nay cho biết:
Chúa Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn “Quan tòa bất chính và bà góa quấy rầy”, nhằm để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.
Thật vậy, Thiên Chúa chí là nguyên lý của SỰ THẬT và cũng chính là SỰ THẬT. Vì thế, những ai tôn thờ Thiên Chúa đòi hỏi phải tín nghĩa với Người; nghĩa là phải có lòng trung thành với Người, trước sau như một.
Tin Mừng đặt những Ki-tô hữu vào tình huống phải quyết đoán chọn lựa. Khi đứng trước những khó khăn thử thách, cụ thể như: Chiến tranh, dịch bệnh, đói kém, và muôn vàn tai ương xảy ra; liệu người Ki-tô hữu có còn trung tín thờ phượng Thiên Chúa mà mình tôn thờ bấy lâu nay hay không ? Hay lại ngã lòng trông cậy, kêu than, oán trách Chúa…
Giáo hội đang mời gọi mỗi Ki-tô hữu hãy ý thức cầu nguyện xin cho đại ôn dịch Covid-19 mau chấm dứt; và xin mọi người cầu nguyện cho có nhiều tấm lòng biết hy sinh dấn thân chia sẻ, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh trước sự hung hãn của bệnh dịch. Thế nhưng có lẽ như Chúa chưa nhậm lời, vì thế tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp: số ca nhiễm vi-rút hôm nay giảm sút, ngày mai thì lại tăng cao; trồi sút bất thường; hôm nay được công nhận là vùng xanh, nhưng vài hôm thì cảnh báo là vùng cận đỏ hoặc vùng đỏ.
Chúa đâu rồi, sao lại không đáp lời nguyện xin cho con cái của Người. Thật ra, mấu chốt của vấn đề có lẽ như bấy lâu nay ta chỉ lắm lời xin cho được ơn này, ơn nọ nhưng lại không muốn nghe hoặc chẳng thèm nghe Lời Chúa dạy dỗ, khiến cho lời cầu nguyện của ta trở thành một chiều, không đẹp lòng Chúa và ta dễ thấy nhàm chán, khô khan trong việc cầu nguyện. Thời gian để Chúa nhậm lời mọi người cầu xin có thể không giống như nhiều người tưởng nghĩ, và cách thức Thiên Chúa ban ơn cũng có thể khác với ước nguyện của mỗi người mong muốn, thế nhưng chắc chắn bao giờ cũng hữu hiệu và có ích cho hạnh phúc của mỗi người.
Và như đã nói, những khó khăn thử thách, những cám dỗ trong cuộc sống và nhiều trở ngại vẫn luôn xảy ra khiến ta giảm bớt lòng tin vào Chúa, và đời sống đạo đức của ta đối với Chúa cũng không còn tín nghĩa nữa ? Vậy thì ta có dám tín nghĩa và đặt cược niềm tin của mình với Chúa hay không ?
Lạy Chúa từ nhân, xin cho con một lòng tín nghĩa cùng Chúa luôn; vì Chúa thấu suốt tâm can con, Ngài luôn biết con cần gì và xin gì. Amen.
CÁT BIỂN
Cầu nguyện không nản (14.11.2020)
Thánh Âu-gút-ti-nô nói: “Kẻ chân thành cầu xin Thiên Chúa cho những nhu cầu đời này thôi, thì vừa được Chúa thương xót lắng nghe, vừa được Chúa thương xót không nhậm lời. Bởi người thầy thuốc thì biết rõ hơn người bệnh về những gì là tốt cho căn bệnh của họ”.
Theo thánh Tô-ma A-qui-nô thì, Lời cầu nguyện không được Chúa chấp nhận, đơn giản là vì ta ngừng không tiếp tục cầu xin nữa. Thánh nhân cho biết: Có thể Thiên Chúa đã quyết định sẽ thực hiện điều đó vào thời điểm trễ hơn, nhưng kẻ cầu nguyện lại thiếu kiên nhẫn không cầu xin nữa.
Qua dụ ngôn Quan tòa bất chính và Bà góa quấy rầy trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su dạy các môn đệ phải cầu nguyện luôn, không được nản chí và đặt vấn đề với các môn đệ: Liệu trong ngày Con Người ngự đến, thì Người còn thấy niềm tin trên mặt đất này nữa không ?
Để giải quyết vấn đề trong dụ ngôn, thiết nghĩ mỗi Ki-tô hữu phải thiết lập mối quan hệ liên lỉ với Chúa qua việc kiên trì cầu nguyện; thật sự lắng nghe những gì Chúa phán với mình; và hoàn toàn để Chúa hướng dẫn cuộc đời mình theo như ý của Người.
Các Ki-tô hữu luôn ý thức cầu nguyện là một phần không thể thiếu trong tương quan với Chúa. Luôn cảm thấy thật dễ chịu khi đến với Chúa để trình bày những nhu cầu, những nỗi bận tâm và bất cứ vấn đề gì đang xảy ra trong đời sống của mình cho Ngài định liệu. Chính Chúa Giê-su cũng đã nói rõ: Cha trên trời biết rõ những gì là tốt nhất cho nhu cầu tâm linh của ta. Thế nên, nếu cần thiết phải cầu xin cho những nhu cầu phần xác, quan trọng là ta hãy phó thác cho Thiên Chúa quan phòng chứ đừng trông đợi xảy ra y như ý của ta.
Lạy Chúa, con luôn tin Chúa là Cha giàu lòng thương xót, luôn muốn ban điều tốt đẹp nhất cho con cái của Ngài. Amen.
CÁT BIỂN
Cầu nguyện luôn… (16.11.2019)
Tự muôn đời và chính hiện nay, sự bất công, giả dối và muôn vàn sự tội trong lòng mọi người và trong lòng thế giới vẫn là một sự dữ sâu xa nhất. Con người bị áp bức, khổ đau, nên kêu gào xin Chúa cứ giúp, nhưng dường như có khi Chúa chẳng nghe những lời nài van, kêu khấn ấy.
Phúc Âm hôm nay khuyên nhủ rằng: “Phải cầu nguyện luôn luôn và không được nản chí” (Lc 18,1). Nghĩa là: Hà cớ không thấy Thiên Chúa lặng thinh mà vội vàng nản chí hay bỏ cuộc.
Hãy luôn nhớ rằng: Vì Thiên Chúa cho phép có sự dữ, để rút ra từ đó một sự thiện (GLHTCG. 311-312)
Thật vậy trong thế giới hôm nay, vẫn còn đó những “bà góa neo đơn” phải chịu cảnh bất công dưới dạng thức: Sự dữ vẫn làm mưa làm gió; sự ác có vẻ thắng thế sự thiện; giả dối được ưa chuộng hơn trung thực; bất công đầy dẫy nhưng hiếm khi thấy công minh chính trực…. Qua đó, đức Tin người Ki-tô hữu có thể bị xao động khi đối diện những sự trái khoái như thế vẫn xảy ra.
Lạy Chúa, xin cho con biết cầu nguyện luôn và không được nản chí để quyền năng Chúa được tỏ hiện trên cuộc đời của con. Amen.
CÁT BIỂN
Làm phiền (17.11.2018)
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cách “làm phiền” Thiên Chúa, đó là: liên lỉ cầu nguyện. Người muốn chúng ta “làm phiền” người như bà góa làm phiền viên thẩm phát bất lương trong dụ ngôn. Tuy không phải kẻ tốt lành gì nhưng sự phiền phức của bà góa đã khiến ông phải xử để và khỏi quấy rầy mình nữa. Ông ta làm điều đó không phải vì kính sợ Thiên Chúa, không phải vì yêu thương tha nhân, ông ta chỉ vì bản thân mình. Nhưng Thiên Chúa thì khác, nếu ta biết liên lỉ cầu nguyện, biết siêng năng “làm phiền” Người, Người sẽ ban cho ta điều ta cần. Người sẽ giúp, không phải vì ta phiền phức, nhưng là vì lòng trung tín, phó thác khi ta tin tưởng vào Người.
Không ai trong chúng ta muốn bị làm phiền, nhưng Thiên Chúa lại muốn ta gây phiền phức cho Người. Vì chúng ta yêu chưa đủ? Cũng đúng, nhưng không hẳn, vì dù yêu thương nhau cách mấy, con người cũng không thể bình tĩnh khi liên tục bị quấy rối. Lí do hợp lí nhất chính là: Tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người là vô cùng vô tận. Cách Người yêu ta khác hoàn toàn với cách ta yêu nhau. Chính vì thế, người ta không thể luôn kiên nhẫn với người mình yêu không có nghĩa là Thiên Chúa cũng vậy. Người không những kiên nhẫn mà còn muốn chúng ta hãy “thách thức” sự kiên nhẫn của Người bằng cách kiên trì cầu nguyện, siêng làm “làm phiền” Người.
Thế nhưng, nghịch lí ở chỗ: Đấng ban ơn luôn luôn kiên nhẫn chờ đợi và ban những điều cần thiết con người xin, trong khi người muốn nhận ơn lại mất kiên nhẫn khi cầu xin để có được ơn lành ấy. Tại sao chúng ta lại mất kiên nhẫn trong khi mình là người cầu nguyện, người thụ lãnh? Ý thức được điều đó, chúng ta sẽ biết kiên trì khi cầu nguyện. Tuy nhiên, cần lưu ý một điều, Chúa Giêsu cũng đã từng dạy: đừng lải nhải như dân ngoại, họ nghĩ rằng cứ xin nhiều thì sẽ được. Ghi nhớ điều đó, chúng ta sẽ biết rằng, Chúa sẽ không ban cho chúng ta tất cả những điều chúng ta muốn, Người chỉ cho những gì chúng ta cần. Nếu điều ta xin thực sự cần thiết, Người sẽ ban cho, điều đó có thể trái với ý muốn của mình nhưng ta hãy tin rằng, đó là điều ta cần.
Thế nên, ngoài việc siêng năng “làm phiền” Chúa, chúng ta cũng nên ý thức lại thân phận của mình. Ta là con cái, là kẻ xin ơn nên đừng khó chịu, buồn phiền khi Người chưa ban cho. Những lúc như vậy, ta nên xem xét lại liệu điều mình xin có thực sự cần thiết cho mình hay không. Để từ đó, ta biết ý thức hơn về những điều mình cầu xin. Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự, Người biết ta cần gì, biết ta khát khao điều gì nhưng điều Người mong muốn là chúng ta phải nói với Người, phải xin Người, phải “làm phiền” Người.
Lạy Chúa, hôm nay Ngài đã dạy chúng con phải biết siêng năng cầu nguyện, biết hăng say “gây phiền phức” cho Ngài. Xin cho chúng con biết mamg điều Ngài dạy ra thực thi. Để từ đó, chúng con gần gũi với Ngài hơn, biết lắng nghe Lời Ngài và luôn biết trò chuyện cùng Ngài. Amen.
Petrus Sơn
Lòng tin và sự kiên trì cầu nguyện (12.11.2016)
SUY NIỆM
Tin Mừng hôm nay trình bày giáo huấn của Đức Giê-su qua dụ ngôn viên quan tòa bất chính và sự kiên trì van xin được minh xét của một bà góa.
Hai nhân vật trong dụ ngôn là viên quan tòa chẳng sợ trời, chẳng sợ đất; ngạo mạn, chẳng coi ai ra gì, thế nên bất công, bất chính và tham lam. Còn người đàn bà góa đến van xin ông ta minh xét lại là hạng người bị xã hội coi thường, không được quan tâm và có lẽ bà rất nghèo.
Đức Giê-su đưa ra dụ ngôn để làm nổi bật mối tương giao giữa một người bất chính, có quyền thế, nắm quyền thẩm phán trong tay, ông bảo trắng là nó trắng và khi đã nói đen thì không ai được nói ngược lại; một con người ngông cuồng ngạo mạn ; nhưng ông đã bị khuất phục mà làm theo yêu cầu của bà góa trước sự kiên trì, van xin của bà. Bà góa bị đối phương làm hại, oan ức; bà tin tưởng vào quyền bính của vị quan tòan nên đã đến gặp ông ta và nài xin được minh xét; dù bị từ chối nhưng bà vẫn tin vào ông và kiên nhẫn kêu xin; Đức Giê-su nhấn mạnh: sự kiện diễn tiến một thời gian khá lâu. Kết cuộc, viên quan tòa bất chính đã phải chấp nhận minh xét cho bà; không phải vì trách nhiệm, vì lương tâm, hay vì yêu thương; mà vì ích kỷ, không muốn bị quấy rầy thêm nữa. Đây là kết quả của sự kiên trì chờ đợi.
Tiếp theo trình thuật Tin Mừng, Đức Giê-su giới thiệu với các môn đệ một Thiên Chúa toàn năng, Đấng tràn đầy yêu thương và sẵn sàng thi ân, giáng phúc cho cho những kẻ Ngài đã tuyển chọn và thuộc trọn về Ngài với sự tín thác và lòng yêu mến chân thành. Đức Giê-su không ngần ngại so sánh lòng đại lượng, bao dung của Thiên Chúa với viên quan tòa bất chính, và mặc khải cho các môn đệ mối tương giao thân mật của Thiên Chúa với con người, và ngược lại giữa con người với Thiên Chúa thông qua việc cầu nguyện.
Cầu nguyện là gặp gỡ đích thân, đích thực với Thiên Chúa; diện đối diện trong “đức tin” mà thân thưa trò chuyện với Ngài như con cái thưa chuyện với cha mẹ; trình bày những tâm tư ước nguyện của mình và lắng nghe Ngài chỉ dạy; việc cầu nguyện chỉ có thể diễn ra trong đức tin và lòng yêu mến chân thành; đồng thời không giới hạn những nhu cầu chính đáng, hữu ích cho sự sống tự nhiên; nhất là cho ơn cứu độ và sự sống siêu nhiên. Tuy nhiên, Thiên Chúa biết rõ nhu cầu của mỗi người và Ngài luôn luôn đem lại điều có lợi cho họ, nhất là về đàng thiêng liêng. Khi chúng ta kêu cầu, chắc chắn Ngài đã nhậm lời và ban cho cách này hay cách khác; điều quan trọng chúng ta có nhận ra ân ban của Ngài hay không?
Đức Giê-su khẳng định Thiên Chúa sẽ mau chóng minh xét cho những ai kêu cứu với Ngài. Chạy đến gặp gỡ và trình bày những nhu cầu chính đáng, nhất là ơn Cứu độ. Thiên Chúa luôn sẵn sàng gặp gỡ, lắng nghe và trao ban; tuy nhiên Ngài đòi hỏi con người phải có lòng tin vào Đấng Mê-si-a và yêu mến sống Lời của Người.
Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi
– Hãy tin tưởng và yêu mến thể hiện mối tương giao thân mật với Thiên Chúa qua các giờ kinh nguyện, thánh lễ, nghi thức phụng vụ của Hội Thánh, các Bí tích; đặc biệt, áp dụng phương pháp Lectio divina (đọc và suy niệm Thánh Kinh hằng ngày) để gặp gỡ, tâm sự với Thiên Chúa nhờ Lời Chúa.
– Trao gửi cho lòng thương xót của Chúa mọi nhu cầu trong đời sống, tự nhiên cũng như siêu nhiên và vui vẻ đón nhận thánh ý của Người.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, xin cho con được mạnh mẽ trong đức tin, và kiên vững trong đức cậy để tín thác cuộc đời con cho lòng thương xót của Chúa; đồng thời biết tận dụng các nghi thức phụng vụ trong Hội Thánh mà duy trì mối tương giao thân mật với Chúa trong mọi biến cố xảy ra hằng ngày.
SỐNG TIN MỪNG
Cầu nguyện, kết hợp với Chúa mỗi ngày: Tham dự thánh lễ, kinh phụng vụ, đọc và suy niệm Thánh Kinh…
Cầu nguyện với lòng cậy trông
“Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi?” (Lc 18,7)
Suy niệm: Con người thời nay, trong đó có không ít các ki-tô hữu, ngày càng ưa chạy theo lối sống thực dụng. Họ thích những bàn tay làm ra nhiều của cải vật chất hơn là đôi tay chắp lại cầu nguyện; mà nếu có cầu nguyện thì mang tâm trạng “ăn xổi ở thì” muốn “cầu được ước thấy” ngay trước mắt. Với não trạng thực dụng này, người ta dễ chán nản, buông xuôi vì nghĩ rằng Thiên Chúa chậm trễ hoặc không đáp lại lời họ kêu xin. Chúa Giêsu dạy chúng ta biết kiên trì trong lời cầu nguyện. Với niềm tin vững vàng và lòng cậy trông tha thiết vào Thiên Chúa là Cha nhân ái, chắc chắn, lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được Ngài đoái nhận lời. Ngài sẽ ban cho chúng ta điều tốt đẹp nhất không phải theo tầm nhìn hạn hẹp của chúng ta, mà là theo sự khôn ngoan vô lượng và lòng nhân hậu vô biên của Ngài.
Mời Bạn: Tin tưởng vào tình thương yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa, chúng ta phải biết kiên trì và trung thành trong lời cầu nguyện và việc thờ phượng của mình. Không phải cầu nguyện chỉ để xin được điều này điều khác như ý muốn, nhưng đó là biểu hiện của sự tin tưởng vào tình yêu thương và sự quan phòng của Cha trên trời.
Sống Lời Chúa: Chúa Giê-su dạy ta cầu nguyện bằng cách đọc kinh Lạy Cha. Mỗi khi cầu nguyện, bạn đọc kinh Lạy Cha. Mỗi khi muốn xin Chúa điều gì, bạn hãy xem xét điều mình xin có phù hợp với những gì Chúa dạy cầu nguyện theo kinh Lạy Cha hay không.
Cầu nguyện: đọc kinh Trông Cậy.
Kiên trì, tha thiết nài xin (14. 11. 2015)
Ghi nhớ: Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người, dù Người có trì hõan? (Lc 18,7)
Suy niệm : Dụ ngôn về vị quan toà bất lương và bà goá quấy rầy dạy ta bài học về sự kiên trì trong cầu nguyện. Bà goá này tượng trưng cho những người nghèo nàn, cô thế cô thân. Bà không có tiền mà đi xin quan xét xử là điều rất mong manh để quan nhận lời. Ấy vậy mà bà vẫn kiên trì. Sự kiên trì của bà làm cho quan toà “ nhụt chí ” vì sự van nài mãi của bà. Dụ ngôn không có ý nói Thiên Chúa như là một quan toà bất công nhưng là ngược lại. Chúa Giêsu muốn nói: “ quan tòa tham lam bất công mà còn chấp nhận vì sự van nài của bà goá huống chi Thiên Chúa là Cha giàu lòng nhân từ vô cùng không lẽ làm ngơ trước lời cầu xin của con cái mình hay sao? ” Do đó, để Thiên Chúa nhập lời chúng ta hãy biết cầu nguyện với Ngài trong mọi lúc, mọi nơi và trong mọi hòan cảnh vì chỉ có Ngài mới có thể giúp ta vượt qua mọi khó khăn.
Sống Lời Chúa: Kiên trì, tha thiết nài xin cùng Thiên Chúa.
Lời nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết cầu nguyện không ngừng và đừng bao giờ thất vọng về tình yêu của Chúa. Amen.