Thư của Bề trên Tổng quyền nhân dịp lễ thánh Đa Minh

DÒNG ANH EM GIẢNG THUYẾT

TRỤ SỞ TRUNG ƯƠNG

Đại lễ thánh Đa Minh

Rôma, ngày 8 tháng Tám năm 2020

Prot 50/20/382 Letters to the Order

 Đức Kitô trong anh em, Người là niềm hy vọng vinh quang

(Cl 1:27)

Anh Chị em thân mến,

O Spem Miram! Ôi niềm hy vọng lạ lùng! Đây là bài thánh thi dâng thánh Đa Minh, người cha và người anh đầu tiên của Dòng chúng ta.

Có những hình ảnh thường gợi lên niềm hy vọng: một em bé chào đời, buổi bình minh rạng rỡ, hoa trái của mùa xuân, tất cả diễn tả sự sống mới và khởi đầu mới. Trong hoàn cảnh đại dịch toàn cầu này, có lẽ điều mang lại niềm hy vọng nhất chính là một loại vắc- xin ngừa bệnh COVID 19! Chính vì thế, người ta có thể thấy thật lạ lùng khi bài ca về niềm hy vọng của chúng ta lại tưởng nhớ giây phút cha Đa Minh lìa thế, khi mà các anh em đang lệ ứa tràn mi thay vì nụ cười trên môi – O spem miram quam dedisti mortis hora te flentibus. Cha Đa Minh đã khơi dậy niềm hy vọng trong tâm hồn anh em bằng lời hứa rằng người sẽ tiếp tục nâng đỡ anh chị em, người đoan chắc chuyển cầu cho chúng ta, và vì thế, ở lại với chúng ta bằng lời cầu nguyện của người. Nhưng đó mới chỉ là một phần của câu chuyện. Sự hiện diện của các anh em đang cầu nguyện trong giờ lâm tử của cha Đa Minh hẳn cũng mang lại cho người niềm hy vọng. Vào thời khắc cuối cùng của sự hữu hạn con người, cha Đa Minh đã không đơn độc. Sự hiện diện của anh em và sự hiện diện cha Đa Minh đã hứa, ngay cả bên kia cái chết, đã mang lại cho từng người lúc bấy giờ niềm hy vọng và an ủi. “Từ La-tinh con-solatio, ‘an ủi’, gợi lên sự hiện diện với người khác trong sự cô đơn của họ, hầu không còn là sự cô đơn nữa” (Thông điệp Spe Salvi, 38).

Sự cách ly và phong tỏa mà chúng ta đã hoặc đang phải trải qua trong những thời điểm và cách thức khác nhau có nguy cơ đẩy chúng rơi vào tuyệt vọng và cô lập. Điều này xem ra đối nghịch với xu hướng mục vụ của chúng ta là được ở với dân chúng. Nhưng chúng ta phải tuân thủ các quy tắc này vì những lý do khoa học và đạo đức thích đáng. Tuy nhiên, ngay cả khi có những hạn chế này, tôi vẫn rất vui khi nghe biết về những sáng kiến nhờ đó chúng ta cố gắng để “ở bên nhau” và “ở với anh chị em mình”. Hẳn là không gì có thể thay cho sự hiện diện đích thân, nhưng chúng ta đã tìm ra những cách thế khác để hiện diện với tha nhân. Chúng tôi, ở ngay Trung ương Dòng, vẫn có thể gặp gỡ các giám tỉnh từ mọi vùng miền, các giám đốc học vụ và một số ban ngành mà không phải phiền hà vì các thủ tục an ninh hàng không! Các giáo sư và các sinh viên của chúng ta đã hoàn thành năm học qua các phương tiện trực tuyến. Đối với nhiều học viện đào tạo của chúng ta, học kỳ tới sẽ triển khai hệ thống học hỗn hợp, tức là kết hợp sự hiện diện trực tiếp và trực tuyến trong các buổi học. Tôi đã thấy tấm hình chụp các anh em trong một tu viện có đại học đang làm quen với hệ điều hành học tập trực tuyến. Những nỗ lực phi thường của các giáo sư này (một số vị không còn trẻ nữa) để trở thành “dân nhập cư kỹ thuật số” thành thạo vì lợi ích của sinh viên là một dấu chỉ của niềm hy vọng!

Có những anh em đã can đảm chấp nhận nguy cơ bị lây nhiễm khi đi mục vụ bệnh nhân, đang khi vẫn phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch cần thiết để ngăn ngừa sự lây lan vi- rút trong cộng đoàn. Các anh em chúng ta tại Vương cung thánh đường Đức Bà Cả, ở Rôma đây, là cộng đoàn các cha giải tội, vẫn duy trì việc cử hành bí tích hòa giải ngay cả trong đợt phong tỏa đầu tiên. Anh Chris Gault, từng là một bác sĩ y khoa trước khi gia nhập Dòng, đã xin phép bề trên được tạm thời trở lại với nghề y để giúp các bác sĩ đang kiệt sức trong việc điều trị cho bệnh nhân covid-19. Có những anh chị em thì trao lời động viên và hy vọng qua tư vấn trên điện thoại. Ngày 14 tháng Tư vừa qua, khi tôi đang nói chuyện điện thoại với anh Bruno Cadoré nhân dịp sinh nhật của anh, thì anh tế nhị nhắc rằng, chúng tôi nên tạm gác câu chuyện lại, bởi vì anh là thiện nguyện viên tư vấn, chẳng mấy chốc anh sẽ nhận được các cuộc gọi chuyển tiếp từ tổng đài tư vấn của Pháp. Đa số anh chị em đã rao giảng và cầu nguyện với mọi người qua nhiều sáng kiến kỹ thuật số khác nhau. Thật vậy, thời khắc của khủng hoảng có thể trở thành cơ hội của ân sủng và thời khắc của sáng tạo. Điều đó từng xảy ra trong trận dịch hạch ở Ý (1629-1631), khi anh Timotheus Ricci (†1643) lập ra Bussola del ora perpetua del Rosario – Chuỗi Mân côi liên tục – tại tu viện Đa Minh ở Bologna vào năm 1629.[1] Lòng sùng kính kinh Mân côi liên lỉ đã nảy sinh ngay giữa cơn đại dịch. Nhân đây, tôi xin cảm ơn tất cả anh chị em đã hiệp ý với chúng tôi trong Chuỗi Mân côi của Gia đình Đa Minh Thế giới ngày 29 tháng Tư năm 2020 vừa qua, do anh Lawrence Lew, Tổng Đặc trách Kinh Mân côi của Dòng tổ chức.

Anh em chúng ta ở khắp nơi trên thế giới đã phổ biến những suy tư thần học và Kinh thánh về những khía cạnh khác nhau của đại dịch, các hướng dẫn phụng vụ để cử hành Tam nhật Vượt qua tại nhà, những hướng dẫn cử hành các bí tích cách xứng hợp và an toàn, v.v. Chúng ta cùng nhớ lại những gì anh Timothy Radcliffe đã viết trong tập The Wellspring of Hope – Suối nguồn Hy vọng – rằng: “Học hỏi tự nó là một hành vi hy vọng, bởi vì nó diễn tả lòng tin tưởng của chúng ta, tin rằng đời sống chúng ta và những đau khổ của dân chúng có một ý nghĩa. Ý nghĩa đến với chúng ta như một hồng ân, một Lời Hy vọng hứa hẹn sự sống.” Sứ vụ trí thức của Dòng và sứ mệnh rao truyền Veritas – Chân lý là phương thuốc giải quan trọng đối với một thứ đại dịch nguy hại khác – đó là vấn nạn tin giả và sự thật nửa vời, mà thực ra đó là một nửa dối trá.

Anh chị em thân mến, chính anh chị em là dấu chỉ hy vọng cho Giáo hội và gia đình nhân loại khi anh chị em nỗ lực nuôi dưỡng “những người đói” ngày một nhiều vì đại dịch: đói Thánh Thể (và các bí tích), đói tình liên đới và lòng thương cảm, đói đồ ăn thức uống. Có nhiều thành viên của Gia đình Đa Minh đã gây quỹ trợ giúp bệnh nhân và người chăm bệnh. Các anh chị em của chúng ta ở nhiều quốc gia đang đấu tranh để giảm thiểu những đớn đau do đại dịch gây nên và, như ở Brazil chẳng hạn, để phân định những tật bệnh xã hội đang làm trầm trọng thêm sự lây lan dịch bệnh.

Chúng ta đã mất các anh em, chị em trong đại dịch này. Lúc “bình thường”, chúng ta quây quần bên cạnh người anh em hấp hối. Một anh em trẻ đã chia sẻ rằng anh rất sốc và đau buồn khi không thể nói lời từ biệt một anh em sắp qua đời trong bệnh viện. Nghĩ mà tan nát cõi lòng khi trước đây chúng ta có thể hiện diện bên người đang hấp hối cùng người thân của họ, mà giờ đây chúng ta không thể làm điều đó cho anh chị em mình vì những hạn chế y tế. Nhưng chúng ta giữ vững niềm hy vọng. Niềm hy vọng đặt nền trên sự xác quyết rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ mặc chúng ta. Niềm hy vọng là bảo chứng rằng Thiên Chúa ở trong “các mầu nhiệm Vui, Thương, Mừng, và Ánh Sáng” của đời sống chúng ta. Một linh mục nói với tang quyến của một thiếu niên bị sát hại rằng: “Nếu anh chị em hỏi rằng Chúa ở đâu khi những điều bi thảm như vậy xảy ra với mình, thì tôi chỉ có thể nói rằng, Người ở đó, đang khóc than, đớn đau và đang chết cùng anh chị em”. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhớ chúng ta rằng: “Niềm hy vọng không bao giờ qua đi, bởi vì nó dựa trên lòng thành tín của Thiên Chúa”. Niềm hy vọng chính là Đức Kitô ở giữa chúng ta (x. Cl 1:27).

O Spem Miram! Cha Đa Minh đã đoan hứa là người sẽ mưu ích cho chúng ta vì người có niềm hy vọng lớn lao rằng người sẽ ở gần Chúa Kitô hơn, trong sự thông hiệp của bậc phúc nhân. Sang năm, chúng ta sẽ mừng kỷ niệm 800 năm lời hứa đó. Những khó khăn phải đối diện hiện nay khiến chúng tôi phải xem lại bản kế hoạch đã gửi đến anh chị em hồi tháng Giêng năm nay. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm thông tri đến anh chị em bản cập nhật.

Người anh em của anh chị em,

Tu sĩ Gerard Francisco Timoner III, O.P.

Bề trên Tổng quyền

 

[1] Viliam Štefan Dóci OP, Die seelsorgliche Tätigkeit der Kaschauer Predigerbrüder. Ein Dominikanerkonvent im Ambiente von Pfarrei, Stadt und Staat im 18. Jahrhundert, Berlin-Boston 2018, p. 113 (Anh Viliam đã đưa cho tôi bản dịch tiếng Anh).

Tải file PDF

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *