Thư của cha Bề trên Tổng quyền nhân dịp kỷ niệm 800 năm các Tổng hội đầu tiên của Dòng

Tổng hội Dòng Anh em Giảng thuyết:

Cấu trúc Hiệp thông và Sứ vụ

Kỷ niệm 800 năm các Tổng hội đầu tiên của Dòng (1220, 1221) 

Đại lễ Chúa Thăng Thiên

Rôma, ngày 13 tháng 5 năm 2021

Prot 50/21/183 Letters to the Order 

 

Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định[1](Cv 15,28). Đó là khoảnh khắc đáng nhớ trong lịch sử Giáo hội. Đối diện với tình trạng chia rẽ, Giáo hội đã đưa ra một quyết định chưa từng có. Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, cùng với các tông đồ Phêrô và Phaolô, thánh Giacôbê, vị lãnh đạo cộng đoàn tín hữu tại Giêrusalem, đã đưa ra phán quyết táo bạo này, là thành quả đầu tiên từ cuộc phân định đầy cam go của cộng đoàn Hội thánh sơ khai.

Trước thời điểm trọng đại này, dưới quyền lãnh đạo của thánh Phêrô, các tông đồ đã rút thăm để xác định xem ai sẽ thay thế Giuđa Ítcariốt. Họ có những tiêu chí rõ ràng để chọn: Vậy phải làm thế này: có những anh em đã cùng chúng tôi đi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được ông Gioan làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời. Một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh” (Cv 1,21-22). Họ cầu nguyện xin ơn hướng dẫn, nhưng khi đến lúc phải lựa chọn giữa Giôxếp và Mátthia, họ đã sử dụng hình thức rút thăm. Do đó, quyết định này không phải là thành quả của một quá trình phân định mang tính nội bộ cộng đoàn mà là một hành động tìm kiếm ý Thiên Chúa cách khách quan và từ bên ngoài, tương tự trường hợp trong Cựu ước: “Aharon sẽ bắt thăm chọn giữa hai con dê: một thăm dành cho Đức Chúa, một thăm dành cho quỷ Adadên” (Lv 16,8).[2]  Thiên Chúa vẫn siêu việt và thiêng liêng mà ý muốn của Người được nhận biết qua một vật vô tri vô giác, có thể nói, tránh khỏi sự lèo lái và sai lầm của con người khi quyết định.

Ước gì tôi không phải đưa ra những quyết định khó khăn; phải chi Hiến pháp của chúng ta cho phép “rút thăm” như một cách thế hợp pháp để đưa ra quyết định! Nhưng việc chọn thánh Mátthia là lần rút thăm cuối cùng chúng ta thấy trong Tân ước. Sau lễ Hiện Xuống, việc đưa ra quyết định đã thay đổi hoàn toàn nhờ sự hiện diện tràn đầy của Chúa Thánh Thần, Đấng giữ “vai chủ động” trong đời sống của Hội thánh. Vì vậy, sách Công vụ Tông đồ đã được nhiều học giả Kinh thánh gọi là “Công vụ của Chúa Thánh Thần”. Trong Công đồng Giêrusalem, thánh Giacôbê, vị lãnh đạo cộng đoàn Giêrusalem, đã công bố quyết định: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác” (Cv 15,28). Một quyết định quan trọng được đưa ra không còn dựa vào việc tìm kiếm ý Chúa từ bên ngoài nhưng phải trải qua quá trình đối thoại nghiêm túc và sự phân định kiên trì của cộng đoàn dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để xác định điều gì thực sự là thiện hảo cho cộng đoàn. Vì “Thần Khí sự thật, Đấng sẽ dẫn tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13) giờ đây “đang ngự trong họ” (1Cr 3,16). Sau lễ Hiện Xuống, “thể thức tông đồ” để đưa ra quyết định, “trước tôn nhan Chúa”, là sự phân định mang tính cộng đoàn. Việc truyền đạt quyết định đến các cộng đoàn qua hình thức thư tín, rồi chọn và cử những vị đại diện đến đồng hành với các cộng đoàn đón nhận thư là thiết yếu cho tiến trình ban bố và thực thi một quyết định mang tính cộng đoàn (Cv 15,22-32).

Thánh Đa Minh đã tổ chức các Tổng hội đầu tiên năm 1220 và 1221 vào dịp đại lễ Hiện Xuống. Nếu các anh em nhận lấy nếp sống tông đồ, thì họ cũng phải thích nghi với lối sống đó trong việc đề ra những quyết định cho toàn Dòng. Hình thức quản trị mang tính cộng đoàn đã được Thánh Đa Minh đề ra cho toàn Dòng (SHC VI) cũng hữu ích cho Giáo hội, vì sứ vụ của Dòng là góp phần xây dựng Giáo hội, nhiệm thể của Chúa Kitô.

Các Tổng hội, Tỉnh hội, Tu viện hội là những phương thế để xây dựng sự hiệp thông. Các công hội này tạo không gian cho chúng ta dám nhìn thẳng vào những thách thức anh em đang gặp phải, để tìm sự đồng thuận cho những vấn đề gây chia rẽ, để phân định những cách thế khả dĩ tốt đẹp nhất phục vụ sứ vụ của Dòng trong những thời khắc và nơi chốn đặc thù, và quan trọng hơn là chúng ta lắng nghe và học hỏi lẫn nhau như những người anh em.

Trong thư gửi cộng đoàn Êphêsô, thánh Inhaxiô Antiôkia nói rằng những thành viên của Giáo hội là συνοδοί, “những người đồng hành”, nhờ ân sủng của phép rửa và tình bằng hữu của họ với Đức Kitô.[3] Chúng ta, những tu sĩ Đa Minh, cũng là synodoi, “những người đồng hành lưu động”, là anh em và chị em, cùng nhau thi hành sứ vụ rao giảng Lời nhập thể. Khi chúng ta kỷ niệm 800 năm hai Tổng hội đầu tiên của Dòng (1220, 2021), tôi đã mời Anh Timothy, Anh Carlos và Anh Bruno chia sẻ những suy tư và kinh nghiệm cụ thể của các anh về các Tổng hội trong Dòng; và việc các Tổng hội đã trở thành khí cụ hiệp nhất và hiệp thông vì sứ vụ giảng thuyết của Dòng như thế nào. Với tư cách là các Tổng quyền của Dòng, các anh đã và đang tiếp tục là “synodoi”, những người đồng hành trong cuộc lữ hành của Dòng, trong “sự lưu động mang tính cộng đoàn”. Khi đọc những suy tư của các anh, chúng ta sẽ tìm thấy những ý nghĩa nền tảng chung, cho dù bối cảnh và nội dung trải nghiệm của các anh có thể khác nhau, vì thế, giống nhau, nhưng khác biệt.

Tu sĩ Gerard Timoner, OP

Tu sĩ TIMOTHY RADCLIFFE, OP

Hình thức quản trị của Dòng biểu hiện Tin mừng chúng ta được sai đi rao giảng. Việc quản trị này diễn tả tình huynh đệ của chúng ta trước cả khi có các anh em, chị em trong Dòng. “Anh em” và “chị em” là những danh xưng căn bản và cổ xưa nhất của Kitô giáo. Những danh xưng này nói đến tính thành viên của chúng ta trong gia đình của Đức Kitô. Một trong những sử liệu sớm nhất về thánh Đa Minh là cuốn “Đời sống anh em – Vitae Fratrum”. Vì thế, thật là thích hợp khi Dòng Anh em Giảng thuyết được thành lập bởi một người nhận rằng mình không hơn gì anh em. Sự biểu đạt tình huynh đệ này rất hấp dẫn đối với những thành phố, nơi các anh em tiên khởi được gửi đến, đó là nơi đầy biến động trong thời thánh Đa Minh. Những tương quan cổ xưa theo chiều dọc của chế độ quân chủ đang đà suy yếu, văn hóa trọng kính đang giảm dần. Các thương gia rảo khắp châu Âu và còn xa hơn nữa. Một tiến trình tiểu toàn cầu hóa đang khởi đầu. Người ta nói về các anh em chúng ta rằng “thế giới là tu phòng; đại dương là nội vi của họ”[4]; cái căn tính là anh em của họ, tự nó đã là lời rao giảng Tin mừng trong cái thế giới mới thời bấy giờ.

Anh Marie-Dominique Chenu OP lập luận rằng: cứ mỗi khi đức tin được canh tân thì tiếng “anh em” lại trổi lên. Từ ngữ tiêu biểu của các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi lại được tìm thấy trong ý nghĩa trọn vẹn của nó là: người ta được gọi là anh em, chị em bất chấp những bất bình đẳng xã hội và tính không tưởng của danh xưng này. Người đứng đầu nhóm anh em Đa Minh đầu tiên đến Paris vẫn được gọi là “Cha – Abbé”, và ba tháng sau, danh xưng này rớt xuống thành “anh trưởng – frère prieur”.[5] Cách gọi như thế là phải lẽ vì Tổng hội vừa qua của Dòng đã ấn định danh xưng đúng nhất cho hết mọi tu sĩ của Dòng là “anh em – brother”, như Anh Gerard đã nhắc khéo chúng ta.

Điều này đặc biệt quan trọng trong lúc này. Như thời thánh Đa Minh, xã hội chúng ta cũng đang ở trong tình trạng hỗn loạn. Giai tầng xã hội cũ đang sụp đổ. Làn sóng ồ ạt chưa từng có những người di cư mưu tìm sự yên ổn và an toàn. Mỗi lần ra khỏi nhà, chúng ta gặp những người xa lạ. Zygmunt Bauman đã diễn tả xã hội chúng ta như một “thời hiện đại lỏng”.[6] Nền dân chủ đang thoái trào. Trong một thế giới bấp bênh như vậy, một linh đạo về tình huynh đệ sẽ đem lại một cách thức thuộc về nhau giữa những người khác nhau về gốc gác và nhận thức. Đức Giáo hoàng Phanxicô luôn mời gọi các linh mục hãy tránh xa chủ nghĩa giáo sĩ trị. Vậy, một Giáo hội phi giáo sĩ trị sẽ giống như mẫu thức nào? Các linh mục Đa Minh nên kiến tạo mẫu thức này bằng một tác vụ huynh đệ.

Tại sao đề tài về tình huynh đệ lại được quan tâm trong các Tổng hội? Tôi là một thành viên trong gia đình có sáu anh chị em nhưng chưa bao giờ chúng tôi hội họp một cách nghiêm túc để đề ra những giải pháp rồi biểu quyết. Thật vậy, nhiều anh em coi Tổng hội là lãng phí thời gian, ban hành công vụ mà chẳng ai đọc! Khi một anh em Đa Minh người Anh thể hiện sự phản đối này với Anh Damian Byrne, anh đã trả lời rằng việc tổ chức các Tổng hội chính là duy trì hơi thở của Dòng. Chúng ta sẽ nhanh chóng lãnh lấy hậu quả nếu bãi bỏ Tổng hội!

Các Tổng hội nuôi dưỡng sự hiệp nhất của Dòng, diễn tả sự hiệp nhất của chúng ta trong Đức Kitô. Chúng ta lắng nghe nhau trong nhiều ngày và nhiều tuần, vì Thánh Thần đổ đầy trên mỗi anh em. Chúng ta tìm kiếm sự đồng thuận hơn là sự thỏa thuận, là một sự thật rộng mở, đủ rộng để đạt được sự đồng thuận của nhiều anh em nhất có thể. Chúng ta dành thời gian để ai cũng được lắng nghe. Thiên Chúa không ngừng kiên nhẫn với chúng ta, vì vậy chúng ta cũng hãy nhẫn nại với nhau.

Ngoài một lần không dự thì tôi đã tham dự mọi Tổng hội kể từ Tổng hội Oakland 1989. Trong Tổng hội, từng có những lúc căng thẳng và bất đồng gay gắt, nhưng chúng ta đã quyết chiến chống lại sự phân rẽ gây nguy hại cho Giáo hội và xã hội. Tại Tổng hội Biên Hòa 2019, chúng ta đã đạt được sự an hòa sâu xa hơn, trong đó chúng ta thậm chí có thể nhìn những khác biệt như những lời mời gọi để hiểu biết Tin mừng hơn nữa.

Không thể xem nhẹ tầm quan trọng của chứng từ này trong một Giáo hội thường xuyên bị giằng xé bởi những chia rẽ giữa những người gọi là “duy truyền thống” và những người “cấp tiến”, một sự đối nghịch phải bị xem là xa lạ với sự thật rộng mở của đạo Công giáo. Chính việc quy tụ anh em trong Tổng hội là lời rao giảng Tin mừng cho một thế giới bị rạn nứt bởi tình trạng không hiểu nhau ngày càng gia tăng, bị kích động bởi những thứ truyền thông quá dễ dãi, và bởi sự thu hẹp mối quan tâm về chân lý. Các Tổng hội phải dành nhiều năm để chuẩn bị, nhiều tuần để thảo luận và bỏ phiếu chung cuộc. Dù vậy, đó là sự đồng lao cộng khổ đầy kiên nhẫn để duy trì tình huynh đệ, cũng là sự đồng tâm nhất trí.

Đặc biệt hơn nữa, theo truyền thống của Tỉnh dòng Đa Minh Anh quốc, tôi tin rằng ta có thể tiến xa hơn và quả quyết rằng tình huynh đệ dẫn đưa ta đến tình bằng hữu. Thánh Tôma Aquinô dạy rằng chúng ta chịu phép rửa để nên bằng hữu với Thiên Chúa. Tôi nhắc lại câu nói của Anh Fergus Kerr OP: “Trong đức ái, chúng ta làm bạn với Thiên Chúa. Không thể có tình bạn trọn vẹn nếu không có bình đẳng – nhưng Thiên Chúa đã làm cho ta nên đồng hàng với Người”.[7] Vì vậy, những người anh em tiên khởi của chúng ta đã trao tặng món quà cao quý là tình bạn bình đẳng cho một thế giới đô thị đầy biến động, phức tạp. Mẫu thức quản trị thể hiện tình bằng hữu của Dòng, là cách diễn tả tình bạn, là sự sống của Thiên Chúa.

Các anh em và chị em thời khai nguyên đã có được tình bạn đơn thành với nhau. Thánh Đa Minh vui thích trò chuyện với các chị em. Và trong lúc lâm chung, người chân nhận rằng mình thích trò chuyện với các chị em trẻ hơn với bậc cao niên! Vị kế nhiệm người, chân phước Giođanô Saxônia đã trao đổi những bức thư rất thân tình với một nữ đan sĩ Đa Minh, là chân phước Điana Anđalô. Tôn sư Eckhart thì có tình bạn thân thiết với các nữ tu vùng Rhineland. Chị thánh Catarina Siêna, một giáo dân Đa Minh thế kỷ XIV, đã gầy dựng cả một cộng đoàn thân hữu Caterinati gồm các anh em tu sĩ và giáo dân, họ đặt cho nhau những biệt danh hài hước rồi cùng nhau bông đùa, và dĩ nhiên, còn có tình bạn với chân phước Râymunđô Capua nữa.

Ngày nay các mối tương quan nam nữ đã thành ra đầy lo ngại, với áp lực của sự thống trị và chi phối, cáo buộc và chối bỏ. Ở một số quốc gia, những thanh niên lo sợ phải tương quan với phụ nữ trong đời thực, họ lẩn trốn vào thế giới ảo để không phải đụng chạm đến ai. Một linh đạo bằng hữu thì luôn đem lại sự khích lệ phóng khoáng cho các tương quan.

 

Tu sĩ CARLOS AZPIROZ COSTA, OP

Các Tổng hội trong việc quản trị của Dòng

Tôi rất vui khi biết rằng trong nhiều hoạt động kỷ niệm, chúng ta sẽ mừng kỷ niệm 800 năm hai Tổng hội đầu tiên do thánh Đa Minh chủ trì. Trong cả hai Tổng hội này, sự hiệp nhất của Dòng được bảo đảm do quyền bính của vị Tổng quyền, và sự lan rộng của Dòng qua các tỉnh dòng – tính đa dạng – nhằm bảo đảm cho sự lan rộng và hội nhập văn hóa của sứ điệp Tin mừng, được tín thác nơi Chúa Thánh Thần, nơi sự trưởng thành của anh em, cùng với hệ thống quản trị nâng đỡ họ. Tất cả những yếu tố này bảo đảm cho một đời sống tông đồ đích thực.

Thánh Đa Minh đã không tự mình “sáng tác” ra Hiến pháp. Người cũng không là một vị thánh khiến dân chúng phải ngỡ ngàng, nhưng là một vị thánh “được khai sáng”. Ơn gọi của người không đến bất chợt, chúng ta không thấy nơi người một “cuộc biến đổi thần tốc và vũ bão”. Ngay từ thời niên thiếu, cảm thức sâu rộng về Giáo hội đã đem lại cho người sự thấu hiểu về những lối diễn tả đa dạng và quan trọng nhất của truyền thống “tu trì” (đan tu và kinh sĩ) và của nếp sống “quan triều” vào thời của người, nơi quê nhà (Palencia và Osma), rồi đến miền Nam nước Pháp (Fanjeaux, Toulouse, v.v.) và những vùng thuộc nước Ý ngày nay. Kinh nghiệm này đã giúp người đề ra thể thức pháp lý cho việc thiết lập Dòng, kết hợp cả những quy tắc giáo luật cổ xưa nhất với những luật lệ tân thời của Giáo hội, là hoa trái của Công đồng Lateranô IV, về việc giảng thuyết, giảng dạy thần học và việc tổ chức các tỉnh hội và tổng hội cho các Dòng đan tu hiện có và các Kinh sĩ hội. Thêm vào đó, người cũng có những kinh nghiệm “trực tiếp” về sức sống mạnh mẽ nơi các hiệp hội giáo sư và sinh viên trong môi trường đại học, nơi các hiệp hội nghệ nhân và nơi những nền tảng ban đầu của cấu trúc cộng đồng đô thị dựa trên lối quản trị tham dự và quân bình. Cuối cùng, người đối diện với thách thức từ những nhà giảng thuyết phái Cathar lữ hành và nghèo khó. Những kinh nghiệm trên đã thúc đẩy thánh Đa Minh, giống như thánh Phanxicô, khám phá ra nhu cầu phải làm điều tương tự và mới mẻ, nhưng ở trong chính Giáo hội.

Điều xem ra là trở ngại, như khoản luật XIII của Công đồng Latêranô IV cấm thiết lập các Dòng tu mới, cuối cùng lại trở thành động lực cho tính tân thời của Anh em Giảng thuyết. Cùng nhau họp tổng hội, thánh Đa Minh và các anh em tiên khởi đã chọn tu luật thánh Âu Tinh, một trong những bản luật cổ xưa nhất trong Giáo hội. Các vị đã thích ứng những tập tục của Dòng kinh sĩ Prêmontrê với thể thức mới của nếp sống hành khất khó nghèo và lưu động, học hành và giảng thuyết. Bằng cách này, các anh em vừa được tháp nhập vào truyền thống tu trì cổ xưa nhất của Giáo hội, lại vừa bảo đảm được tính mới mẻ hoàn toàn trong dự phóng của Dòng. Ba nguồn trợ lực kín múc từ đời sống Giáo hội ở thế kỷ XIII, hay từ toàn thể lịch sử của Giáo hội, được kết hợp lại trong Dòng, đó là: Một sứ vụ chính thức là giảng thuyết. Một mô thức tu trì là truyền thống kinh sĩ. Một ý tưởng nền tảng (ý lực) là nếp sống tông đồ, hoặc noi gương các Tông đồ.

Tổng hội năm 1220 đã soạn thảo mẫu thức Hiến pháp, cho đến nay vẫn còn hiệu lực, để đảm bảo sự hiệp nhất trong Dòng. Tổng hội năm 1221 đã phác thảo mẫu thức đầu tiên cho việc phân chia Dòng thành các tỉnh dòng. Việc này thúc đẩy một thể chế dân chủ, tập trung và được tổ chức cao, đó là Dòng, không phải đơn thuần là một tập hợp các nhà, các tỉnh dòng! Bản luật này được soạn thảo theo từng giai đoạn và dựa theo những bài học kinh nghiệm, để làm thành bản quy tắc về đời sống cộng đoàn và sự vâng phục, cho dù một ngày nào đó, đấng sáng lập không còn nữa, thì cũng không ảnh hưởng gì đến Dòng. Thực tế, thánh Đa Minh tạ thế vào ngày 6 tháng 8 năm 1221, và Dòng đã có được một cơ cấu tối giản, chắc chắn để thực thi sứ vụ của Dòng trong Giáo hội. Thánh Đa Minh không để lại một bút tích nào, chỉ có Dòng với hình thức quản trị được phác thảo rõ ràng. Nhiều chuyên viên khẳng định rằng phần lớn bản Hiến pháp nguyên thủy đã được tập hợp từ những bản viết tay của người.

Tôi sẽ phác thảo một số “nét chính” về cách thức quản trị dựa trên tự do và trách nhiệm. Trước hết, cần phải nhấn mạnh nguyên tắc giáo luật thời trung cổ – dường như đã bị lãng quên – diễn tả cách thức quản trị của chúng ta: “Quod omnes tangit ab omnibus tractari et approbari debet – Điều liên hệ đến mọi người thì phải được mọi người bàn thảo và tán đồng”. Chân phước Humbêtô Rôman, người kế vị thứ tư của thánh Đa Minh, đã diễn tả ý nghĩa sâu sắc của bản luật này: Quả thực, điều thiện được mọi người chấp nhận thì sẽ được cổ súy nhanh chóng và dễ dàng”.

Các Tổng hội nối tiếp nhau và thay đổi thường xuyên. Tiến trình luật hóa một điều mới, vẫn được Dòng áp dụng cho đến ngày nay, đã được thiết lập từ năm 1228 rồi: một dự luật để được trở thành điều khoản Hiến pháp thì phải được ba Tổng hội liên tiếp thông qua, với các bước cụ thể: Đề xuất, chấp thuận và phê chuẩn. Xin xác định rằng đây là ba Tổng hội khác nhau: a) Tổng hội Bầu cử (bầu chọn Tổng quyền Dòng; nghị huynh đoàn gồm các giám tỉnh và giám định viên hoặc đại biểu được các Tỉnh dòng bầu chọn trong Tỉnh hội); b) Tổng hội các Giám định viên; c) Tổng hội các Giám tỉnh, và cứ như thế. Tiến trình này nổi tiếng đến độ được gọi là “Hệ thống lưỡng viện Đa Minh”. Đặc tính lưỡng viện thể hiện trong một số ý nghĩa: 1) Trước hết, một dự luật để được trở thành khoản Hiến pháp thì phải được bàn thảo, xác định và bỏ phiếu chấp thuận bởi ba hội đồng lập pháp kế tiếp nhau (các Tổng hội); 2) kế đến, các hội đồng này bao gồm các anh em khác nhau: những người không giữ quyền bính trong tỉnh dòng (giám định viên), các Giám tỉnh và những anh em cùng cấp; một hội đồng nữa gồm cả hai thành phần nghị huynh nói trên.

Các Tổng hội luân phiên và có quyền như nhau. Tóm lại, các nghị huynh đoàn khác nhau, gồm các anh em khác nhau có vai trò khác nhau, vào những thời điểm khác nhau, phê chuẩn những khoản luật khác nhau để điều hành chính đời sống của Dòng. Sự hiệp thông huynh đệ trong hệ thống các công hội cũng được thể hiện qua sự tham dự hữu cơ và tương xứng của mọi thành phần (tu viện, tỉnh dòng) để đạt đến mục đích riêng của Dòng. Đây là lý do chúng ta khẳng định rằng việc quản trị của chúng ta mang tính cộng đoàn theo đường hướng riêng của nó, vì chức vụ bề trên thường là do anh em bầu chọn, và được bề trên cao cấp hơn chuẩn nhận. Hơn nữa, các cộng đoàn giải quyết những việc quan trọng theo nhiều cách thức quản trị riêng thông qua công hội hoặc hội đồng cố vấn (địa phương, tỉnh hội và tổng hội). Dòng là “đồng nghị synodal” vì ngay từ đầu, các anh em chúng ta đã chung sống, cầu nguyện, quản trị, giảng thuyết như những anh em.

Giả thiết rằng chúng ta phải đối diện với truyền thống thần học về lời khấn vâng phục, có lẽ “khác biệt” với điều chúng ta quen nghĩ, chẳng hạn như quan niệm của dòng Biển Đức hoặc Dòng Tên. Thực ra, theo truyền thống của chúng ta, obœdire (vâng phục) liên kết mật thiết với ob-audire (lắng nghe). Bởi thế, tu sĩ Đa Minh chỉ tuyên đọc lời khấn vâng phục trong công thức khấn Dòng! Đây là chức năng của mọi quyền bính trong Dòng: việc lắng nghe làm cho sinh động mọi nguồn năng lực trong Dòng: lắng nghe Thiên Chúa bằng cách lắng nghe Người và làm cho Người được lắng nghe qua tiếng nói của các anh em. Chúng ta xác tín rằng khi lắng nghe anh em, chúng ta lắng nghe tiếng của Thiên Chúa. Bởi thế, có sự gắn kết mật thiết giữa việc tuyên giữ lời khấn vâng phục với việc giơ tay biểu quyết, hay bỏ phiếu kín khi phải lấy quyết định, xác định một vụ việc hay bầu chọn anh em vào các chức vụ hoặc nhiệm vụ. Từ thời khai nguyên Dòng, chúng ta đã nghe vị chủ tịch hay thư ký Tổng hội xướng lên lời hiệu triệu: Fratres, votemus – Thưa anh em, nào ta bỏ phiếu. Điều đó diễn tả sống động ý nghĩa lời khấn vâng phục, làm nên tương quan cá vị giữa chúng ta với vị Tổng quyền của Dòng. Chính chúng ta đã cam kết tuân giữ những quy tắc đã được chúng ta chấp thuận và cũng tuân phục những anh em được chúng ta bầu chọn.

Qua thời gian, chúng ta luôn nỗ lực để bảo đảm có những phương tiện sinh sống và dành cho cộng đoàn… nhưng chúng ta không thể biết hay nói trước về những gì sẽ xảy đến cho cách thế sinh nhai của chúng ta; thật vậy, có những điều hoặc những phương diện của đời sống (chẳng hạn như văn hóa) là “không thể hoạch định”. Phải làm tất cả để tạo ra những không gian để biết quý trọng và tạo thuận lợi cho những nguồn lực sống mà chúng ta chưa nắm giữ và không tiên liệu được! Tính duy nhất và đa dạng của Dòng được thể hiện trong một tổ chức phức hợp đòi hỏi sự quan tâm, lượng giá và thích ứng liên tục. Đó không phải là một hệ thống “đơn giản”, nhưng là dấu chỉ của “tính dân chủ” và sự tự do đích thực.[8] Thánh Đa Minh đã để lại cho Gia đình của người “hệ sinh thái” này, một hệ sinh thái vốn mong manh trong cấu trúc. Nó đòi hỏi phải rất nhẫn nại và kiên trì để vun trồng và phát triển; nó cần tất cả anh em cùng dấn thân và chia sẻ một sứ vụ chung. Dòng chúng ta không xem “chủ nghĩa đa nguyên” như một thứ bệnh nhất thời phải “chịu đựng”, nhưng như ân phúc làm cho phong phú gia sản chung của chúng ta. Chúng ta là những người lữ hành, lưu động, không đóng chốt. Và đối với chúng ta, việc khai sinh một cộng đoàn luôn là một “khám phá”, một cộng đoàn của những người – cùng nhau – tìm kiếm chân lý ở bất cứ nơi đâu! Có lẽ vì vậy mà trong một bản văn tranh biện, thánh Albertô Cả đã chỉ rõ lý tưởng của đời sống Đa Minh là “in dulcedine societatis, quaerere veritatem – trong sự hòa dịu của đời sống huynh đệ, hãy truy tầm chân lý”.

 

Tu sĩ BRUNO CADORÉ, OP

Tại Tổng hội Biên Hòa, thực không biết tại sao và có lẽ do vô tình, tôi đã yêu cầu vị Tổng Thư ký Tổng hội xướng danh các nghị huynh sau lời nguyện khai mạc tiến trình bầu cử, thay vì xướng danh trước lời nguyện như thông lệ. Sau đó, tôi rất vui mừng vì điều này khiến tôi ý thức hơn bao giờ hết về mầu nhiệm hiệp thông chủ trì các Tổng hội của chúng ta. Chính Chúa Thánh Thần đã mang chúng ta đến với nhau và làm cho những khác biệt nơi chúng ta trở thành dấu chỉ của sự hiệp thông. Và theo ý nghĩa này, chúng ta có thể nói rằng chúng ta “cử hành” các Tổng hội. Bầu khí ở Biên Hoà trong thời gian Tổng hội, tuy không có tiếng động lớn cũng không có gió mạnh, nhưng quả thực đó là thời khắc của lễ Hiện Xuống, quy tụ nhiều anh em đến từ khắp cùng trái đất, hợp thành một thân thể, thúc đẩy anh em cùng nhau tìm kiếm cách thức chung để khởi xướng với các anh em khác trong Dòng rằng: chúng ta tiếp tục đồng hành với nhau trên con đường công bố Vương Quốc đã đến gần. Khi đáp lời “Ad sum- Có mặt”, mỗi anh em nói lên vị trí của mình trong truyền thống lâu đời của Dòng, và khi nghe câu đáp này, mọi người đều nhận thức được hiện trạng của Dòng với những dung mạo và nơi chốn mới mẻ của Dòng: các anh em ấy là ai và đang ở đâu, thì hôm nay cha Đa Minh bảo họ hãy đi, học hỏi, rao giảng và lập tu viện! Đây là dịp để tạ ơn vì công trình của Thánh Thần, Đấng thúc đẩy và đồng hành với Dòng chúng ta trong suốt hành trình gặp gỡ những người đương thời trên khắp thế giới!

Quả là thánh Đa Minh đã đúng khi triệu tập các Tổng hội đầu tiên vào dịp lễ Hiện Xuống. Tự nền tảng, tôi nghĩ rằng nhiệm vụ chính của các Tổng hội, Tỉnh hội, Phụ tỉnh hội, Tu viện hội, là tiếp nối lời kêu gọi đi theo con đường mà sách Công vụ Tông đồ đã mở ra. Theo con đường này, Giáo hội thể hiện đúng căn tính của mình là một cộng đoàn anh em và chị em. Sự hiệp nhất nơi cộng đoàn này được xây dựng qua việc mời gọi thêm nhiều người khác đón nhận và sống theo Tin mừng của Đức Giêsu Kitô. Đây chẳng phải là điều mà Đức Thánh cha Phanxicô thường xuyên nhắc nhở, khi mời gọi chúng ta “cùng nhau tiến bước”, và hướng đến “tình huynh đệ” hay sao? Mầu nhiệm của sự hiệp thông đã được Thần Khí khơi dậy nơi tâm điểm của lịch sử nhân loại!

Nhưng, như một bí tích, các Tổng hội là dấu chỉ của mầu nhiệm này vì đã biểu tỏ trước Lời ân sủng và chân lý một thực tại nhân loại thật cụ thể. Thật vậy, các Tổng hội cho thấy rằng sự hiệp thông – tình huynh đệ – là một tiến trình chậm chạp, nhẫn nại, đôi khi khó nhọc. Giống như “cuộc” sinh ra cái mới, được thánh Phaolô diễn tả rất chí lý rằng các thụ tạo đang rên siết trong cơn đau chuyển dạ. Các Tổng hội quy tụ những anh em chưa quen biết nhau và chưa hiểu về nhau nhưng lại gặp gỡ và trao đổi về những ý tưởng có thể trái ngược nhau; làm như thế họ muốn loại trừ những tuyên bố độc quyền về chân lý để “cùng với các anh em khác tìm kiếm những nẻo đường mới đưa đến sự thật”. Họ cùng nhau mang đến những văn hóa khác biệt nhau, nhưng tin chắc rằng mỗi nền văn hóa là bất khả thay thế và không một nền văn hóa nào tự cho mình là đủ để có thể tỏ bày sự phong phú của công cuộc Phúc Âm hóa. Khi chúng ta nhận biết tất cả điều này, làm sao chúng ta có thể không thấy được một công cuộc chậm rãi đem lại sự quy tụ lớn lao mà ngôn sứ Isaia đã tiên báo (Is 60)? Đôi khi, hoặc rất thường khi, chúng ta có thể bị cám dỗ mà nghĩ rằng Tổng hội là một “bài tập” duy lý thuyết, kém hiệu quả, rậm lời, xa rời thực tế cụ thể. Và rồi chúng ta giản lược các Tổng hội vào bản văn Công vụ mà chẳng mấy khi ta đọc đến, hay lúc khác, ta lại có ý đọc và phê bình như chấm một luận văn vậy! Tôi nghĩ, làm thế là quên mất chiều kích mầu nhiệm của các Tổng hội, như việc ghi dấu cho cuộc phiêu lưu cùng nhau đến nơi (ad-venire). Hiệp thông trong Giáo hội không có nghĩa là lập ra một “nhóm làm việc” mà tuyên bố rằng việc Phúc Âm hóa của nó sẽ hiệu quả vì đã đề ra được những mục tiêu và kế hoạch có tính chiến lược! Đúng hơn, hiệp thông là việc cùng nhau lên đường của một nhóm người nam và nữ, đồng hành với nhau, nhờ đó, họ được khơi dậy niềm khát khao khám phá ra rằng: trong Đức Kitô, họ là anh chị em cùng chung một mục đích là khơi lên niềm hy vọng mang đến một mùa gặt cho tâm điểm của lịch sử. Hiệp thông trong Giáo hội không làm nên một đạo binh những người gieo hạt giống nhằm đạt được hiệu quả, nhưng làm nên một tình huynh đệ rất mong manh của những người thợ gặt lưu động, những người đi vào giữa lòng nhân loại để tìm kiếm dấu ấn của Thần Khí, xác tín rằng họ có thể làm như vậy miễn là không ngừng mở rộng tình huynh đệ tới những người đồng hành với họ trong những cơ hội khám phá ra huyền nhiệm của tình bằng hữu đại đồng. Và, ngay tại tâm điểm của sự hiệp thông trong Giáo hội, Dòng Đa Minh được mời gọi trở nên dấu chỉ của cuộc phiêu lưu này.

Cũng thế, các công hội của chúng ta là khí cụ kiến tạo sự hiệp thông vì đã mở ra những thời khắc để cho các anh em từ khắp nơi trên thế giới, hoặc từ bốn phương trong một tỉnh dòng, và thuộc nhiều lãnh vực sứ vụ tông đồ địa phương khác nhau, để cử hành ân sủng do Thiên Chúa ban mà nhờ đó họ thành những thợ gặt. Việc chúng ta quy tụ trong Tổng hội là cơ hội để cử hành ân sủng ấy như có thể thấy trong các cuộc gặp gỡ giữa các anh em, trong những tình bạn mới mẻ được hình thành, trong các cuộc họp bất thường hợp lại trong cùng một thôi thúc để tạ ơn về một nền tảng như thế. Đây là những thời khắc đặc biệt để nhận biết rằng mỗi khi những thành quả sứ vụ mà chúng ta gặt hái ở nơi này hay nơi khác được kể lại với một niềm tự hào chính đáng, thì chúng ta cũng có một niềm vui thẳm sâu, nhưng niềm vui ấy sẽ thú vị hơn nhiều nếu chúng ta khám phá ra sức mạnh nơi lời rao giảng của các anh em khác, vì họ đã dám mạo hiểm trong đời sống tông đồ, can đảm trong sứ vụ truyền giáo, và trung thành theo Tin mừng mà có lẽ chúng ta chưa bao giờ dám nghĩ đến. Vậy chúng ta phải liên tục tìm kiếm những cách thế tốt nhất để vượt ra khỏi những danh hiệu hào nhoáng có nguy cơ hủy hoại “máu thịt” của việc giảng thuyết thánh. Hơn nữa, chúng ta phải khích lệ các tỉnh dòng và các thực thể của Dòng cần hiểu biết nhau, khi chia sẻ với nhau lịch sử và cách nhận biết các dấu chỉ thời đại của mình; nhờ đó mà đón nhận nhau và cùng nhau khám phá ra rằng mình là thành viên của cùng một “sứ vụ giảng thuyết thánh”, được nối kết bởi cùng một ơn gọi để loan báo cho thế giới Tin mừng về tình bằng hữu của Thiên Chúa dành cho mọi người.

Trong nhiệm kỳ của tôi, khi lắng nghe anh em này chị em khác, hoặc khi thăm viếng cộng đoàn này cộng đoàn kia, tôi cảm thấy mình đang ở trong sự hiện diện của anh em, chị em, những người được lôi cuốn bởi sức mạnh huyền nhiệm của Lời bất khả lý giải, bởi lẽ trái tim con người quá nhỏ bé để có thể đón lấy nguồn ân sủng dồi dào được đổ tràn trên họ. Tôi thấy mình đang ước mơ rằng các Tổng hội của chúng ta cũng là những nơi mà ân sủng dồi dào của Lời sẽ được chia sẻ và thông truyền, vì đây là nền tảng của sự hiệp thông giữa anh em chúng ta. Để có thể hâm nóng lý trí từ tâm điểm của một công hội, lý trí ấy hướng dẫn sự phân định của công hội, thì việc trao đổi ý kiến hay phân tích các thực tại là chưa đủ. Chúng ta còn phải trang bị cho mình những phương cách để có thể chạm đến và thức tỉnh những trái tim. Trong ngôn ngữ Creole, người ta tung hô Tin mừng rằng: “Lời Chúa sẽ xuyên thấu trái tim chúng ta”.[9] Làm sao chúng ta có thể tự trang bị cho mình những phương thế để mạo hiểm giảng cho người khác trong Tổng hội, khả dĩ “làm tổn thương” trái tim mọi người? Chẳng phải từ những thương tích như thế mà sự hiệp thông được sinh ra sao?

Các Tổng hội của chúng ta có ba đặc tính giúp giải đáp câu hỏi này. Thứ nhất là thành phần nghị huynh của Tổng hội: Thành phần đại biểu không đơn thuần tương ứng với số anh em, mà còn phản ánh sự đa dạng trong sứ vụ giảng thuyết. Các tỉnh dòng đại diện như những thực thể, mà số đại biểu tùy thuộc vào số anh em trong tỉnh dòng, nhưng cũng dành chỗ cho tính đặc thù của mỗi nơi Dòng sai anh em đến để “học tập, rao giảng và lập tu viện”.

Đặc trưng thứ hai là việc mời gọi toàn thể anh em góp phần chuẩn bị Tổng hội. Hẳn là chúng ta có thể tự hào cách chính đáng về những yếu tố kiến tạo nên đường hướng làm việc của chúng ta: các phương thức đại diện (các giám định viên và phụ tá được bầu chọn, không chỉ đại diện cho một số anh em mà còn cho thực tế của sứ vụ giảng thuyết được thiết lập ở những nơi đặc thù), sự luân phiên tổ chức các Tổng hội theo những cách khác nhau (Tổng hội các Giám định viên, Tổng hội các Giám tỉnh, Tổng hội Bầu cử), các ủy ban trù bị và các nhóm làm việc, sự phân bổ rộng rãi các báo cáo tại Tổng hội, kiến nghị của anh em gửi Tổng hội (những công việc này chắc chắn phải được cổ võ mạnh mẽ hơn).

Đặc điểm thứ ba làm âm vang điều mà Anh Vincent de Couesnongle thích gọi là “tìm kiếm sự đồng tâm nhất trí một cách dân chủ”. Trên thực tế, chúng ta áp dụng “tinh thần dân chủ” trước tiên không nhằm mục đích thực hiện những quyết định theo đa số, mà nhằm thực hiện “cuộc đối thoại” giữa chúng ta với nhau, để khơi lên những định hướng khả dĩ được tất cả ủng hộ. Đang khi ở khắp nơi, cuộc khủng hoảng niềm tin vào chế độ chính trị đang nổi lên, thì đời sống của Dòng lại minh chứng niềm tin vững chắc vào khả năng của con người để đi đến đối thoại, bàn luận, đóng góp ý tưởng và tranh cãi cách hòa bình, để cố gắng cùng nhau tạo nên một “trí tuệ tập thể” mà mọi anh em dựa vào đó để đưa ra giải pháp tốt nhất có thể cho một vấn đề cụ thể. Thường thì chúng ta đến dự Tổng hội mang theo một số ý tưởng trong đầu để có thể trực diện và giải quyết vấn đề, và rồi rời khỏi cuộc bàn luận ở Tổng hội mà ngạc nhiên nhận ra rằng đại hội đã dần dần xây dựng một định hướng như thế nào, định hướng ấy không ai ngờ tới, khi bạo dạn đặt vấn  đề, tin tưởng vào một cá nhân hoặc một nhóm nào đó, chờ đợi xuất hiện một lộ trình có lẽ không mong đợi, nhưng xem ra nó lại thích hợp hơn nhiều!

Vì vậy, đối với tôi, dường như các Tổng hội của Dòng là một chứng từ trong Giáo hội về một cuộc phiêu lưu gọi là cùng nhau đến (ad-venire) trong sự hiệp thông vì công cuộc Phúc âm hóa của Lời sự sống và chân lý, trong sự trung thành với hứng khởi (propositum) của thánh Đa Minh, người mơ ước được phục vụ sứ mạng của Giáo hội trên khắp thế giới. Và đó là đường nên thánh của người…

 

Tu sĩ GERARD TIMONER, OP

Tôi rất cám ơn anh Timothy, anh Carlos và anh Bruno vì những gợi nhớ và suy tư sâu sắc của các anh về các Tổng hội của chúng ta. Như thánh Đa Minh, chắc chắn các anh đã phục vụ Dòng như những anh em lưu động, để thăm viếng anh em và chị em trên toàn thế giới. Thật vậy, điều đáng chú ý là cuộc lưu động của các anh không chỉ là “cuộc du hành” của Dòng khi thăm các tỉnh dòng và tu viện, mà còn là đi-với-Dòng từ Tổng hội này đến Tổng hội khác. Các anh trao cho chúng ta không chỉ “nhiều điều tốt đẹp mắt thấy tai nghe” (Cv 4,20) dọc dài cuộc hành trình, mà còn giới thiệu với chúng ta những lý do và bài học quan trọng để đi cùng nhau trên đường đến với Thiên Chúa. Động lực của cuộc hành trình cùng nhau được nêu rõ trong Tu luật mà thánh Đa Minh đã nhận cho Dòng là một lòng một ý trên đường đến với Chúa”.[10] Đối với thánh Âu Tinh, sự hợp nhất trong tâm và trí – sự hiệp thông, ra như thụ động nếu không có cùng đích rõ ràng (telos). Vì vậy, thánh nhân thêm cụm từ: trên đường đến với Thiên Chúa.

Đức Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên theo Người, hành trình với Người trên đường đi (hodos), học hỏi từ Người, Đấng là Đường đi là Sự Thật và là Sự sống (Ga 14,6). Lúc các môn đệ từ bỏ mọi sự để đi theo Người, các ông hoàn toàn không hiểu cuộc hành trình như thế sẽ đưa đến đâu, hoặc sẽ thay đổi cuộc sống của các ông cũng như của những người khác như thế nào. Nhưng thời gian sống với và lắng nghe Đức Giêsu đã huấn luyện các ông thành một cộng đoàn môn đệ, thành những chứng nhân và nhà giảng thuyết về mầu nhiệm Phục sinh. Ở với Đức Giêsu trên đường đi là một phẩm tính quan trọng: “Điều cần thiết là: một trong những người đã đồng hành với chúng ta trong suốt thời gian Chúa Giêsu đến và đi giữa chúng ta, …sẽ cùng với chúng ta trở nên nhân chứng cho sự Phục sinh của Người”. Tương tự như vậy, việc đào tạo trong đời sống và sứ vụ của Dòng là điều kiện tiên quyết (conditio sine qua non) để tham gia trọn vẹn vào việc quản trị của Dòng. Vì lý do này mà một anh em cần trải qua nhiều năm đào tạo mới có thể trở nên thành viên của tu viện hội.

Câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmaus đã đem lại những yếu tố giúp chúng ta lớn lên trong việc “quản trị mang tính cộng đoàn” (SHC VII) hay “quản trị qua công hội” (QCĐTC, 16). Hai người đi cùng nhau, như Đức Giêsu đã nói với các môn đệ khi sai họ đi rao giảng Nước Trời. Tuy nhiên, họ đang rời khỏi Giêrusalem, xa cộng đoàn các tông đồ, vì họ đã mất niềm hy vọng: “Chúng tôi vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ítraen”. Vậy, Đức Giêsu đã đi với họ, giải thích Sách thánh và bẻ bánh. Lắng nghe Lời đã mở trí họ, bẻ bánh đã phục hồi hy vọng nơi họ!

Trong Giáo hội, Bàn tiệc Thánh Thể (synaxis – đồng bàn) mang ý nghĩa căn bản nhất, do đó, là cách diễn đạt phổ quát và hiện thực hoá nhất đặc tính “công nghị” của Giáo hội.[11] Có lẽ chính vì vậy mà Tổng hội Trogir năm 2013 đã khuyến khích anh em: “Hiến pháp nhắc nhở chúng ta rằng Thánh lễ Tu viện là dấu chỉ rõ ràng nhất về sự hiệp nhất của chúng ta trong Giáo hội và trong Dòng; vì vậy ‘các anh em linh mục nên đồng tế Thánh lễ Tu viện’ ”.[12] Để kết thúc bức thư này, tôi mời anh em suy ngẫm về các phần của bí tích Thánh Thể, là bí tích gắn kết chúng ta lại với nhau mỗi ngày, và xem những điều này sẽ giúp chúng ta trưởng thành hơn trong thể chế quản trị mang tính cộng đoàn của chúng ta như thế nào.[13]

Được quy tụ nhân danh Chúa Ba Ngôi. Hy lễ Thánh Thể bắt đầu bằng dấu thánh giá và lời khẩn cầu Thiên Chúa Ba Ngôi. Anh Bruno có cái nhìn sâu sắc về việc hoán đổi trình tự việc xướng danh các nghị huynh vào sau lời nguyện mở đầu tại Tổng hội Biên Hòa: “Chính Chúa Thánh Thần đã mang chúng ta đến với nhau và làm cho những khác biệt nơi chúng ta trở thành dấu chỉ của sự hiệp thông. Và theo ý nghĩa này, chúng ta có thể nói rằng chúng ta ‘cử hành’ các Tổng hội”. Sự quy tụ nhân danh Thiên Chúa, minh định rằng các hoạt động của sự quy tụ ấy được thực hiện nhân Danh Người. Theo một nghĩa sâu xa, Hội thánh trở thành bí tích của Chúa Kitô vì Hội thánh mang trong mình sự Hiện diện của Người: “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20). Và vì thế, khi sự chia rẽ nảy sinh hoặc những rạn nứt trở nên rõ rệt trong một cộng đoàn do sự khác biệt về lập trường hoặc xác tín, thì đã đến lúc phải dừng lại và cân nhắc kỹ càng xem liệu những lập trường gây chia rẽ như vậy có đúng là được thực hiện nhân Danh Thiên Chúa và có biểu tỏ sự hiện diện của Chúa Kitô giữa anh em không.

Giao hòa. Sự quy tụ nhân danh Chúa Ba Ngôi sẽ kiện cường sự hiệp thông nhờ hành động giao hòa với Thiên Chúa và với nhau. Kinh thú nhận (confessio peccati) tán dương tình yêu lân tuất của Thiên Chúa và bày tỏ quyết tâm không để cho khuynh hướng chia rẽ do tội lỗi làm ngăn trở sự hiệp nhất: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24). Nếu những quyết định được chúng ta thông qua trong Tổng hội chỉ nhằm mục đích giúp chúng ta rao giảng Tin mừng, thì nên xác tín rằng “hòa giải là con đường quan trọng dẫn đến việc Phúc Âm hoá[14] là điều đáng được chúng ta quan tâm một cách nghiêm túc.

Đối thoại cầu nguyện. Trong buổi cử hành Thánh Thể, chúng ta lắng nghe công bố Lời Chúa và phần diễn giải trong bài giảng lễ. Về bản chất, giảng lời Chúa là đối thoại: để việc giảng thuyết thực sự thông truyền sứ điệp của Thiên Chúa, người giảng và người nghe giảng phải suy niệm Lời Chúa; để việc giảng thuyết chạm đến trái tim dân chúng, người giảng thuyết phải chú tâm lắng nghe thực trạng đời sống dân chúng. Cấu trúc đối thoại này trong phụng vụ là một kiểu mẫu cho việc đối thoại trong sự phân định cộng đoàn: trước khi lắng nghe nhau, tiên vàn chúng ta phải lắng nghe lời Chúa, trong chiêm niệm cầu nguyện, để có thể thực sự nhận ra ý Người muốn cho cộng đoàn chúng ta. Thánh Đa Minh đã thể hiện cuộc lắng nghe hai chiều này: “Nói với Chúa hoặc về Chúa”.[15] Anh Timothy đã chỉ ra rằng “cơ cấu dân chủ” của chúng ta sẽ thực sự mang tính Đa Minh “nếu những cuộc tranh luận và biểu quyết của chúng ta là một nỗ lực để nghe Lời Chúa kêu gọi chúng ta đi trên con đường của người môn đệ”.[16] Anh Carlos nhấn mạnh chiều kích “ngang nhau” của cuộc đối thoại này bắt nguồn từ lòng trắc ẩn: “Lòng trắc ẩn mang lại sự khiêm tốn cho lời rao giảng của chúng ta – sự khiêm tốn giúp chúng ta sẵn sàng nghe và nói, nhận và cho, có thể tác động và được tác động, được Phúc Âm hóa và Phúc Âm hóa”.[17]

Hiệp thông. Ân sủng (res tantum) của bí tích Thánh Thể là sự thông hiệp với Thiên Chúa và với tha nhân.[18] “Bí tích Thánh Thể kiến tạo hiệp thông và thúc đẩy hiệp thông”.[19] Hội thánh được khai sinh vào lễ Ngũ tuần là một biến cố quy tụ mọi người đến từ những nẻo đường khác nhau. Năng lực ân sủng của “Giáo hội ekklesia”, để có thể đón nhận sự đa dạng và để thực sự trở thành “Công giáo katholikos”, phải dẫn đưa nhiều dân tộc từ “những nẻo đường đời và lối sống khác nhau” đến với một lý tưởng chung, như những người nam và người nữ lần đầu tiên được biết đến, thuộc về “Đạo – hodos” (Cv 9,2; 19, 9.23; 22,4; 24,14.22).20

Sứ vụ. Ite, missa est Hãy đi, lễ đã xong. Sự hiệp thông hướng tới được sai đi, hướng tới sứ vụ. Người lãnh nhận Thánh Thể được thúc đẩy để chia sẻ, để mang Chúa Giêsu đến cho người khác. Tương tự như thế, sự hiệp thông huynh đệ hướng chúng ta vượt ra khỏi chính mình, để hướng tới sứ vụ, rao giảng Phúc âm đến tận cùng trái đất (Cv 1,8).

Trong Tổng hội, anh em đến từ khắp nơi trên thế giới để cử hành sự hiệp thông của chúng ta với tư cách là những người Đa Minh. Sau khi kết thúc Tổng hội, anh em trở về tỉnh dòng của mình. Thật nghịch lý là ngay cả khi anh em lên đường và đi tứ phương, anh em vẫn tiếp tục đi cùng nhau, vì tất cả chúng ta thuộc về gia đình thánh Đa Minh, Ánh sáng Giáo hội – lumen ecclesiae, và chúng ta có chung một sứ vụ: chiếu tỏa ánh sáng của Chúa Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, cho toàn thế giới.

[1] Tuy có một bản dịch sát chữ là “Đối với Thánh Thần và chúng tôi, điều xem ra là tốt đó là không đặt trên anh em bất cứ gánh nặng nào lớn hơn những điều thiết yếu này”, bản văn Hy Lạp diễn đạt một sự phân định được Thánh Thần hướng dẫn và một quyết định bởi các tông đồ cho thấy một chút uyển chuyển chưa rõ ràng, đó là “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định…”

[2] Cách thức bắt thăm của người Do Thái được thực hiện “trước nhan Thiên Chúa”; chẳng hạn ông Giôsuê đã bắt thăm khi chia đất cho dân Ítraen (Gs 18,6.8.10). Thật vậy, Thiên Chúa không bao giờ mù quáng trong quyết định: “…gieo quẻ trong vạt áo, nhưng mọi quyết định của phàm nhân đều bắt nguồn từ Đức Chúa” (Cn 16,33).

[3] Inhaxiô Antiôkia, Ad Ephesios IX, 2; Franz Xaver Funk (ed.), Patres apostolici I, Tubingen: H. Laupp, 1901, p. 220.

[4] Matthieu de Paris, trích bởi Marie-Dominique Chenu OP, ‘L’Ordre de saint Dominique: A-t-il encore sa chance?’. Hội thảo tại Toulouse, 11/10/1970.

[5] Sđd. Tôi tự dịch (T. Radcliffe).

[6] Zygmund Bauman, Liquid Modernity, Cambridge: Polity Press, 2000.

[7] Fergus Kerr OP, ‘Charity as friendship’ in Brian Davies OP (ed.), Language, Meaning and God: Essays in honour of Herbert McCabe OP, London: G. Chapman, 1987, p. 21.

[8] Sự cân bằng giữa tính mới mẻ bền vững trong Dòng và truyền thống cổ kính qua nhiều thế kỷ được cha Henri Lacordaire nhấn mạnh trong bài viết Hồi ức về sự tái lập Dòng tại Pháp: “Có lẽ bạn cũng sẽ hỏi tôi tại sao tôi thích việc tái lập một Dòng cũ hơn là thiết lập Dòng mới. Tôi xin trả lời bạn hai điều: thứ nhất, đặc sủng lập Dòng là ân sủng cao cả và hiếm có bậc nhất mà Thiên Chúa ban cho các thánh của Người, và tôi thì không nhận được đặc sủng đó. Thứ hai, nếu Thiên Chúa ban cho tôi sức mạnh để Dòng thì tôi chắc chắn rằng, sau khi suy nghĩ, tôi sẽ nhận ra rằng chẳng có gì mới mẻ khả dĩ thích hợp và đáp ứng được với thời đại hơn Hiến pháp của thánh Đa Minh; cái cổ kính nhất của Hiến pháp ấy là lịch sử của nó, và tôi chẳng có do lý gì phải lo nghĩ vì sự mãn nguyện về gia sản của quá khứ.

[9] PawolBondyeapralblesekènou (tiếng Creole, Haiti).

[10] Tu luật thánh Âu Tinh (textus receptus ab Ordine) được đưa vào Hiến pháp và Chỉ thị của Dòng, đã viết: et sit vobis anima una et cor unum (Act 4,32) in Deo. Theo phiên bản này, “in Deo” (ablativo) biểu thị trạng thái tĩnh. Tuy nhiên, Quy luật dành cho các tôi tớ Thiên Chúa Regula ad servos Dei (PL 32) sử dụng từ “in Deum” (accusativo) để truyền đạt trạng thái chuyển động, nghĩa là “hướng đến Thiên Chúa hoặc hướng về Thiên Chúa”. Trong bức thư này, tôi đề nghị suy tư theo phiên bản với nghĩa “chuyển động” “in Deum” được thánh Âu Tinh dùng để giải thích ý nghĩa của việc “sống trong sự hiệp nhất”: Et quid est, in unum? Et erat illis, inquit, anima una et cor unum in Deum. (Enarrationes in Psalmos, 132,2, PL 36), và trong lá thư viết cho các nữ đan sĩ vào khoảng năm 434, thánh nhân cũng diễn đạt tương tự: Primum propter quod estis in unum congregatae, ut unanimes habitetis in domo, et sit vobis cor unum et anima una in Deum (Epistola 211, 5, PL 33; những đoạn văn Latin này đều trích từ ấn bản Nuova Biblioteca Agostiniana). Vì lý do này, Van Bavel khẳng định rằng: “È caratteristico di Agostino aggiungere quasi semper all’idea di” un cuor solo e un’anima sola, tratta degli Atti degli Apooli, la frase: “in cammino verso Dio” (nét đặc trưng của thánh Âu Tinh là hầu như luôn thêm cụm từ “trên đường đến với Thiên Chúa” vào ý tưởng “một lòng và một ý” trích từ sách Công vụ Tông đồ. X. Tarcisius Van Bavel OSA, La Regola di Agostino d’Ippona, Palermo: Edizioni Augustinus, 1986, p. 48.

[11] “Ἐκκλεσία συνόδου ἐστὶν ὄνοµα” “Giáo hội là cách gọi khác của công nghị” x. John Chrysostom, Exp. In Psalm, 149, 1: PG 55, 493.

[12] SHC 59, §§ I & II; CVTH Trogir 63 (2013), số 3.

[13] X. Ủy ban Thần học Quốc tế, Tính đồng nghị trong Đời sống và Sứ vụ của Giáo hội (2018), 109.

[14] Đức Bênêdictô XVI, Lời nhắn nhủ khai mạc phụng vụ, Thượng Hội đồng Giám mục (2012).

[15] Hiến pháp Nền tảng của Anh em Dòng Giảng thuyết, II.

[16] Timothy Radcliffe OP, ‘Tự do và Trách nhiệm’ trong Hát lên bài ca mới: Ơn gọi Kitô hữu, Dublin: Dominican Publications, 1999, tr. 86. Tôi muốn lưu ý rằng, như chúng ta thường nghe, vâng phục là nguyên tắc của sự hiệp nhất. Đó là nhân đức đưa chúng ta đến gần với Chúa và với anh chị em hơn: “Tất cả những điều này giúp chúng ta nhận ra rằng: ta có thể làm cho mối tương quan của chúng ta với Lời Chúa sâu đậm hơn, chỉ khi ta hòa mình vào cái “CHÚNG TÔI” của Giáo hội, qua việc lắng nghe và chấp nhận lẫn nhau” (x. Benedict XVI, Tông huấn Verbum Domini, 4). Đúng vậy, đức vâng phục thúc đẩy đối thoại, còn tranh cãi thì không thể đến vô cùng (ad infinitum) được. Do đó, sau khi mọi người đã được lắng nghe cách công bằng, thực thể có thẩm quyền (Tổng hội, Ban Cố vấn) hoặc một vị hữu trách trong cộng đoàn (Bề trên, Giám tỉnh, Tổng quyền) có nhiệm vụ đưa ra những quyết định dựa trên những gì đã được nghe và dựa trên luật lệ thích hợp. Chúng ta nhớ lại rằng sau khi lắng nghe mọi người, thánh Giacôbê, người lãnh đạo cộng đoàn tín hữu Giêrusalem, đã tuyên bố phán quyết của mình (Cv 15,19), phán quyết này là thành quả của việc phân định chung dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần (Cv 15,28). Xin xem các chuyên đề gần đây về thể chế quản trị của chúng ta: Viliam Stefan Doci OP, “Dân chủ – nét đặc trưng của Dòng Đa Minh?” trong Wort und Antwort 62/1 (2021), tr. 6-11, và Benjamin Earl OP, “Tinh thần của Luật pháp Đa Minh trong việc thực hành quản trị” trong Analecta Ordinis Praedicatorum 126 (2018), tr. 99-111.

[17] Carlos Azpiroz-Costa OP, ‘El anuncio del evangelio en la Orden de Predicadores (Dominicos)’, trong Analecta Ordinis Praedicatorum 110 (2002), tr. 488.

[18] Thomas Aquinas OP, Summa Theologiae III, q. 73, a. 4, resp.

[19] Gioan Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, 40.

Tải File PDF

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *