Ưu tiên hàng đầu là tìm kiếm Nước Chúa và sự công chính của Người (15.04.2024 – Thứ Hai Tuần III Phục Sinh)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Cv 6,8-15, Ga 6,22-29

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 6,22-29)

22 Sau khi Đức Giê-su cho năm ngàn người ăn no nê, các môn đệ thấy Người đi trên mặt Biển Hồ. Hôm sau, đám đông dân chúng còn đứng ở bờ bên kia Biển Hồ, thấy rằng ở đó chỉ có một chiếc thuyền và Đức Giê-su lại không cùng xuống thuyền đó với các môn đệ, nhưng chỉ có các ông đi mà thôi. 23 Tuy nhiên, có những thuyền khác từ Ti-bê-ri-a đến gần nơi dân chúng đã được ăn bánh sau khi Chúa dâng lời tạ ơn. 24 Vậy khi dân chúng thấy Đức Giê-su cũng như các môn đệ đều không có ở đó, thì họ xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm Người. 25 Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói : “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy ?” 26 Đức Giê-su đáp : “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. 27 Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.” 28 Họ liền hỏi Người : “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn ?” 29 Đức Giê-su trả lời : “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.”

Ưu tiên hàng đầu là tìm kiến Nước Chúa và sự công chính của Người (15.04.2024)

Ghi nhớ:

“Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông , bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.” (Ga 6, 27).

Suy niệm:

Một điền chủ nọ, muốn thưởng công xứng đáng cho anh nông dân đã chăm chỉ cầy sâu cuốc bẫm, chăm sóc ruộng đồng cho ông chủ trong suốt một thời gian dài. Vào một buổi sáng nọ , ông chủ gọi anh nông dân đến và nói:

Nhờ anh mà tôi nay được giầu có thêm, nên hôm nay, tôi quyết định tặng anh một phần thưởng. Anh biết đấy, ruộng đất của tôi thẳng cánh cò bay. Vậy vào lúc mặt trời mọc sáng mai, tôi cho anh chạy trên đất của tôi, nhanh chậm tuỳ ý. Song anh phải tính thế nào để đúng lúc mặt trời lặn, anh phải trở về điểm khởi hành. Vòng tròn thủa đất có vết chân của anh đã chạy sẽ là ranh giới tài sản mà tôi cho anh.

Anh nông dân mừng rỡ hết sức. Sáng hôm sau đúng hẹn, anh đến và vì còn khoẻ mạnh nên anh chạy nhanh như gió. Càng về chiều anh lại càng chạy nhanh hơn, anh cố gắng chạy thật nhanh để cho mình được thật nhiều đất! Lúc mặt trời vừa lặn thì cũng là lúc anh trở về đến điểm xuất phát. Thế nhưng, cũng đúng lúc này anh cảm thấy choáng váng trong người, sắc mặt tái mét, mắt hoa lên, anh ngã quỵ xuống đất và tim anh ngừng đập. Anh tắt thở trước mắt mọi người. Thế là hết! Lúc đó anh chỉ cần 3 tấc đất để người ta chôn cất anh thôi!

Người ta thường vì cơm áo gạo tiền làm cho mờ mắt, không còn biết đâu là phải đâu là trái nữa. Điển hình là hiện nay nhiều người đang quan tâm về vụ án “ Vạn Thịnh Phát” với nhân vật chính là bà Trương Mỹ Lan, bà này đã biển thủ một số tiền khổng lồ khi bà làm chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn thịnh phát, để rồi cuối cùng toà án kết tội tử hình, lúc này bà tỏ ra hối hận, ăn năn thì đã quá muộn màng rồi. Sự sống là vốn quý của mỗi người, nhưng sự sống đời đời thì còn đáng quý hơn gấp trăm, gấp vạn lần nữa!

Người ta thường vim vào câu nói: “Có thực mới vực được đạo” để bào chữa cho mình mà thôi. Một khi đã kiên tâm quyết chí theo Chúa rồi thì yếu tố cơm gạo chỉ là thứ yếu mà thôi. Bằng chứng là các thánh tử đạo đã sẵn sàng hy sinh  mạng sống mình vì đạo thì “cơm gạo” nào có ý nghĩa chi đối với các ngài.

Đức Giê-su nói: “Lương thực của tôi là làm theo ý Đấng đã sai tôi”( Ga 4, 34). Vậy thì đối với chúng ta cũng sẽ phải nói: “Lương thực của tôi là làm theo lời dạy bảo của Đức Giê-su”. Vì cứ tin tưởng tuân giữ các điều Chúa dạy rồi thì lương thục, cơm bánh hàng ngày chính Chúa sẽ lo cho: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6, 33).

Hôm nay, Tin Mùng thuật lại việc dân chúng đi tìm Đức Giê-su chỉ cốt để Ngài cho ăn no nê mà thôi. Biết được tâm ý của họ Đức Giê-su liền hướng họ lên một tầm cao hơn đó là hãy tìm kiến của ăn, lương thực mang lại sự sống đời đời, đồng thời vì của ăn vật chất thì cũng phải ra công làm việc chứ đừng ỷ lại, trông chờ vào người khác.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu lời Chúa dạy hôm nay cảnh tỉnh chúng con đừng để cho “cơm áo gạo tiền” che  lấp đi mục đích tối thượng của cuộc đời mình. Tất cả rồi cũng sẽ qua đi, mọi người rồi cũng sẽ có lúc phải xuôi tay nằm xuống để trả lại mọi sự cho thế gian.Vậy điều quan trọng là sự sống vĩnh cửu đời sau. Xin cho chúng con luôn ý thức rằng vật chất của cải, tiền bạc chỉ là phương tiện Chúa ban cho để chúng con dùng mà đạt tới cứu cánh: là Nước Thiên Đàng mà thôi. Amen.

Sống Lời Chúa:

Ra sức làm việc nuôi thân, nhưng phải kính mến và tuân giữ lời Chúa dạy đó là ưu tiên hàng đầu.

Đaminh. Trần Văn Chính.

tôi tìm đến với Chúa vì điều gì? (24.04.2023)

“Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh.”

Tin Mừng hôm nay là phần mở đầu của bài diễn từ về Bánh Hằng Sống. Sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho mọi người ăn no, Chúa Giêsu đi Ca-phác-na-um, dân chúng lại ùa đến với Người, và Người đã chỉ dạy họ làm việc để có của ăn cho sự sống đời đời. Việc làm này rất quan trọng, đó là tin vào Người – Đấng mà Chúa Cha sai đến. Với niềm tin này, chính Chúa Giêsu sẽ ban Mình Người như nguồn mạch và lương thực cho sự sống đời đời: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực hay hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh.”

Nhìn vào xã hội hôm nay, chúng ta thấy người ta đang chú trọng đến việc ăn ngon, mặc đẹp chứ không còn là ăn no, mặc ấm nữa. Vấn đề ăn gì uống gì đang được bàn tới rất nhiều. Thánh Gioan trong đoạn Tin Mừng cũng nói đến chuyện ăn uống. Đâu là động cơ làm cho đám đông phải đi bộ một quãng đường xa để tìm gặp Chúa? Họ tìm đến Chúa vì họ đã được Chúa cho ăn. Họ chất vấn Chúa tại sao lại bỏ đi mà không cho họ biết. Để trả lời câu hỏi của họ, Chúa Giêsu nói với họ rằng họ đang tìm Chúa để có được một bữa ăn miễn phí khác. Thật vậy, phép lạ Chúa hóa bánh ra nhiều không làm cho họ no thỏa sự đói khát về mặt thể lý. Nhưng, Chúa muốn hướng dẫn họ làm việc để có được thức ăn mang lại cho họ sự sống đời đời.

Khi nói “hãy ra công làm việc”, Chúa Giêsu muốn lôi kéo sự chú ý về con người của Người và về sự cần thiết phải có niềm tin nơi Người. Hơn nữa căn cứ vào đề tài “bánh và của ăn”, Chúa Giêsu muốn loan báo chính Người là bánh và của ăn cho đời sống vĩnh cửu.

Tin là một việc làm. Tin Chúa Giêsu là Đấng Chúa Cha sai đến thì phải thực hiện điều mình tin. Vậy chúng ta đã tin chưa? Và chúng ta đã thực hành điều mình tin như thế nào? Tin nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa vì Người từ Chúa Cha mà đến, thì chúng ta phải thể hiện niềm tin đó bằng cách: tin cậy mến Chúa khi lãnh nhận các bí tích, khi làm những việc đạo đức và cả khi chúng ta làm những công việc trong cuộc sống đời thường.

Đã là con người, chúng ta phải ăn uống để duy trì sự sống, nhưng chúng ta cũng không nên để việc ăn gì, uống gì làm chúng ta phân tâm, làm chúng ta quên mất Thiên Chúa. Vâng, chỉ có Thiên Chúa mới làm chúng ta thỏa lòng, chỉ có Chúa mới mang lại cho chúng ta bánh trường sinh đem lại sự sống vĩnh cửu. Thật vậy, thức ăn thường ngày giúp chúng ta sống sót trong thế giới này, còn thức ăn thiêng liêng duy trì và phát triển cuộc sống siêu nhiên của chúng ta và giúp nó tồn tại mãi mãi. Thức ăn này, chỉ Thiên Chúa mới có thể ban cho chúng ta, đó là món quà Thiên Chúa tặng ban trong đức tin nơi Chúa Giêsu và trong Ân Sủng để chúng ta có thể sống theo những giáo huấn của Con Một Thiên Chúa là mến Chúa và yêu người.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết làm việc để mưu cầu cho sự sống thể xác, đồng thời xin Chúa giúp chúng con siêng năng chạy đến với Chúa qua Bí tích Thánh Thể để chúng con được nuôi dưỡng và có đủ sức vượt qua được những cám dỗ, để mai sau chúng con được vào Thiên Quốc cùng dự tiệc với Chúa đến muôn đời. Amen.

Joston

Lương thực thường tồn: đến và tin vào Chúa (02.05.2022)

“Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh.”

Lao động, làm việc để tìm kiếm cơm bánh, nuôi dưỡng thân xác là mục tiêu cơ bản nhất của con người. Nhưng con người không chỉ có nhu cầu ăn uống mà còn có nhu cầu tinh thần và tâm linh nữa.

Qua bài Tin Mừng, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải vượt lên những cái tầm thường của cuộc sống mau qua mà vươn lên tới những giá trị vĩnh cửu. Muốn vươn tới giá trị sự sống vĩnh cửu, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy “đến” và “tin” vào Ngài.

Đám đông dân chúng đã được Chúa cho ăn no nê hôm trước có vẻ đã đi lạc hướng, họ đi tìm Chúa không phải vì nhận ra ý nghĩa của việc hóa bánh ra nhiều, không phải vì lời giảng dạy và giáo huấn của Ngài mang lại giá trị cho cuộc đời họ. Họ đi tìm Chúa, đến với Chúa vì bị lôi kéo bởi những cái hời hợt, chóng qua, thỏa mãn nhu cầu trước mắt là có cá, bánh để “ăn cho no”. Chính cái nhất thời này mà khi không được thỏa mãn nhu cầu, đám đông ấy đã thay đổi thái độ, khước từ Chúa để Ngài phải chịu khổ nạn. Đây cũng chính là nguy cơ mà người Kitô hữu dễ rơi vào khi chúng ta cầu xin Chúa điều gì mà chưa được đáp ứng ngay.

Chúa Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi đám đông hơn năm ngàn người ăn, điều này cho thấy Ngài quan tâm đến nhu cầu của thân xác con người. Nhưng Ngài không dừng lại ở việc thỏa mãn nhu cầu cơ bản là “đói cho ăn, khát cho uống”. Cơm bánh chỉ là thứ lương thực mau qua dành cho thân xác, chứ không phải là thứ lương thực đem lại sự sống đời đời. Do đó, Ngài muốn ban cho con người thứ lương thực thường tồn, đem lại sự sống vĩnh cửu.

Để kiếm được của ăn nuôi dưỡng thân xác, con người phải ra công làm việc vất vả, lao nhọc mới có cái ăn. Nhưng để có “lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh”, nuôi dưỡng tinh thần và tâm linh, con người cần làm hai việc: đến với Chúa Giêsu và tin vào Ngài.

Chúa Giêsu đã chỉ cho đám đông những gì phải làm: “Hãy ra công làm việc… để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh”. Lương thực thường tồn đó chính là “thứ lương thực Con Người sẽ ban, vì Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha ghi dấu xác nhận”. Chúa Giêsu bắt đầu khai mở cho họ về một sự thật: chính Ngài là lương thực đem lại sự sống vĩnh cửu.

Và rồi họ lại hỏi Chúa Giêsu: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?”  Chúa Giêsu chỉ đợi đến lúc này và điểm nút đã được tháo cởi: “hãy tin vào Đấng Người đã sai đến.” Đây chính là điểm then chốt của Tin Mừng và cũng là nguyên nhân của thập giá. Dân chúng không tin, không chấp nhận Chúa Giêsu, không đón nhận giáo lý của Ngài, và đã gán ghép cho Ngài tội danh là phạm thượng. Chúa Giêsu càng chứng minh qua phép lạ, qua lời nói, qua cử chỉ hành động tình thương, thì họ lại càng ghen ghét, căm phẫn và oán hận, đến độ giết chết Ngài, để khử trừ “một kẻ gây rối” đời sống đạo đức của họ.

Một khi còn sống trong thân xác này, con người bất kể thời đại nào cũng không tránh khỏi những lo lắng về cơm áo gạo tiền, hay danh lợi thú. Con người cứ mải tìm kiếm những điều đó dù ở bất cứ đâu, và bằng bất cứ giá nào. Ngay cả việc tìm đến với Chúa cũng có thể vì những lý do thực dụng này kìm hãm lại. Hãy tự vấn bản thân xem chúng ta tìm kiếm Chúa với mục đích gì? Vì lương thực chóng qua hay thường tồn, cho thể xác hay linh hồn, cho sự sống chóng qua đời này hay sự sống bất diệt mai sau?

Xin cho chúng ta biết siêng năng đến với Chúa Giêsu với niềm tin yêu, để chúng ta được chính Chúa nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Thánh Thể, là thứ lương thực không hư nát và đem lại sự sống đời đời. Amen.

Joston

Ăn no nê (19.04.2021)

Ăn no nê là được ăn một cách thoải mái, thoả thích, không còn thèm khát chi nữa.

Ăn no nê, làm cho người ta hình dung ra một sự giàu có, no đủ, thoả thuê sung sướng, không vương bận ưu phiền. Là một nơi hạnh phúc, một nơi sum vầy quây quần bên nhau cùng ăn cùng uống cùng trò chuyện thân mật. Ăn no nê là nói đến thân xác được tận hưởng sự sung sướng về thực phẩm nuôi dưỡng con người, ăn đủ no, ăn đủ chất, ăn ngon miệng làm cho thân xác phủ phê, béo mập, khoẻ mạnh…

Ăn no nê còn hình dung ra một cuộc sống sung túc, đầy đủ mọi tiện nghi, đáp ứng mọi nhu cầu về thân thể thường ngày. Thích ăn gì thì ăn, thích mặc gì thì mặc, thích đi đâu thì đi, thích ngủ thì ngủ, thích làm thì làm, thích chơi thì chơi, giàu có như một ông phú hộ yến tiệc linh đình.

Ăn no nê thể hiện hình ảnh dành cho những người không vất vả, không lam lũ và ít làm việc có khi cũng không phải làm việc. Đối với những người giàu có họ ăn no nê cũng không hết tiền của, họ sẽ không cần làm việc cực nhọc, còn những người nghèo mà ăn no nê chỉ là những người ăn bám hoặc là ăn xin khoẻ mạnh mà lười biếng.

Tin Mừng hôm nay theo Thánh Mat-thêu, Chúa Giêsu quở trách những người lười biếng tìm kiếm Chúa khi được ăn no nê sướng cái thân xác. Những loại người này luôn đi tìm sự thoả mãn trần tục, xác thịt nên tìm kiếm Chúa suốt cả đêm chỉ để được ăn no nê, sự no nê nhất thời, sau no nê lại đói khát.

Trong Tin Mừng Chúa Giêsu đã nói về sự chọn lựa tốt nhất là kiếm tìm một sự no thoả hạnh phúc triefn miên không bao giờ hết, đó là sự no thoả khi biết lắng nghe Lời Chúa, tìm kiếm Lời Chúa, vì Lời Chúa là lời hằng sống, Lời ơn cứu độ. Như khi ông Gia kêu trèo lên cây sung để được nhìn thấy Chúa, rồi Chúa về nhà ông ăn uống và nói: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ” (Lc 19, 10), vì ông Gia kêu tìm kiếm Chúa vì Lời Hằng Sống, cũng như khi Chúa đến nhà chị em Mát-ta thì Maria ngồi bên chân Chúa mà lắng nghe, còn Mát ta bận rộn với việc nấu ăn, lại còn trách Chúa, nên Chúa nói với Mát-ta: “Maria đã chọn phần tốt nhất” (Lc 10, 42). Còn dân chúng trong Tin Mừng hôm nay có khác gì anh thanh niên giàu có khi Chúa nói về nhà bán hết gia tài cho người nghèo rồi đến đây theo Chúa, anh liền buồn bã bỏ đi. “Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mt 19, 22).

Thời đại hôm nay xuất hiện rất nhiều đám đông đi theo tiếng gọi tiền bạc, vật chất, thực dụng no nê thể xác mà sẵn sàng bỏ quên Thiên Chúa, đi theo những nhóm tà thần, lạc giáo để được ăn no nê mà quay lưng với giáo hội, tuyên truyền lừa dối lợi dụng Lòng Thương Xót Chúa mà lừa gạt tiền bạc của nhiều người để ăn no nê. Có những nhóm người thực dụng chỉ chăm lo đến công ăn việc làm mê tín mà kiếm tiền nuôi cái thân xác cho được ăn no nê thoả mãn xác thịt, nhưng khi một tuần đến nhà thờ dự lễ một lúc cũng chiếu lệ cho xong, thậm chí còn ngồi ngoài nói chuyện ồn ào gây chia trí người khác.

Đó là những loại người đi tìm Chúa để được ăn no nê phàm tục. Chúa đã cảnh báo những loại người sinh bởi phàm tục thì trở về với bụi đất, nhưng anh em hãy kiếm tìm những gì thuộc thượng giới (Ga 3, 31), nơi Thiên Chúa đang ngự trị là nơi không hề hư mất.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin cho con biết phân định rõ được tốt xấu, thiện ác, trần tục hay thượng giới để con luôn biết chọn lựa cuộc sống và lắng nghe thực Lời Chúa dạy con. Xin cho con biết sử dụng tất cả thời gian và vật chất trong khi còn sống trên đời này để khôn ngoan lựa chọn cuộc sống vĩnh hằng trên thiên đàng. Amen.

Hư Vô

Tìm kiếm Nước Trời hơn là tìm kiếm của cải trần gian (27.04.2020)

Trong bài Tin Mừng ngày hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy tìm kiếm cho mình một thứ lương thực ban lại sự sống và hạnh phúc đời đời. Ngài chỉ cho chúng ta một loại lương thực không bao giờ hư mất và rất quan trọng trong đời sống của chúng ta, đó chính là Lời Chúa. Đây mới là điều đích thực đem lại cho chúng ta niềm hạnh phúc trường tồn luôn mãi.

Chúa thương dân chúng vô vàn

Ngài làm phép lạ, đầy tràn yêu thương

Mọi người từ khắp tứ phương

Tìm đến gặp Chúa, xin lương thực dùng

*

Người người no thỏa ước mong

Đói khát tan biến, cho lòng ấm no

Khó khăn, gian khổ, lắng lo

Có Chúa trợ giúp ban cho thỏa lòng

Người Do Thái ngày xưa, sau khi được nuôi bằng manna trong hoang địa, họ đã chết, và ngay cả những người Do Thái  thời Chúa Giêsu,  sau khi ăn no nê bánh mà Chúa Giêsu đã hoá ra nhiều, họ cũng đã chết. Chúa Giêsu đã hướng họ đến của ăn cao siêu hơn, là của ăn “tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời”. Đó là Thánh Thể bằng chính Mình và Máu Ngài mà ngày nay chúng ta vẫn rước lấy trong mỗi thánh lễ. Chính của ăn đó mới đem lại cho con người sự sống đời đời.

Lương thực vật chất đã xong

Ngài muốn dân chúng hướng lòng vươn lên

Tìm kiếm lương thực vững bền

Lắng nghe Lời Chúa, đừng quên bao giờ

*

Chúa luôn mong đợi đón chờ

Ngài là đích điểm, bến bờ yêu thương

Bởi Ngài là chính Thần Lương

Trao ban sự sống, dẫn đường bình an

 

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta: hãy sống những điều Chúa Giêsu đã dạy bằng một cuộc đời công chính và tích cực xây dựng một cuộc sống công bằng bác ái, hiệp nhất và yêu thương, tận tình phục vụ và sẵn sàng chia sẻ với mọi người. Đồng thời chấp nhận từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày để theo Chúa.

Tình thương của Chúa tỏa lan

Khắp cùng dương thế thắm tràn phúc ân

Chúng con ở dưới thế trần

Vững tin vào Chúa, phúc phần mai sau.

 

Lạy Chúa! Xin ban cho chúng con biết hướng về Chúa như là nguồn cội của hạnh phúc, và xin ban cho chúng con biết nhiệt tâm làm mọi việc tốt đẹp nhất vì hạnh phúc mai sau trong Nước Trời. Amen.

HOÀI THANH

Lao động (06.05.2019) 

“Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh.” ( Ga 6,27)

Bác ấy là một hội viên Huynh Đoàn Đa Minh rất nhiệt tình và siêng năng, tuy đã ở tuổi hưu nhưng đầu óc còn minh mẫn và sức khỏe của bác vẫn dẻo dai, để ngày ngày bác làm hậu cần, giúp con cháu được nhiều việc trong gia đình. Chiều nào bác cũng đến nhà thờ đọc kinh Phụng vụ và dự Thánh Lễ thật sốt sắng. Mỗi tuần ba buổi , bác còn giúp Cha xứ làm trợ giảng, dạy lớp giáo lý dự tòng thật tuyệt vời. Bác vui vẻ và khiêm tốn chia sẻ: “Tôi chỉ làm tất cả những gì mình có thể trong khả năng Chúa ban, để vinh danh Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho anh chị em”.

Mỗi phần tử trong đại gia đình Đa Minh chúng ta như một thân thể trong Đức Kitô. Anh là giáo viên, chị là thư ký, em nghề may áo, chị thì buôn bán, cô là thôn nữ, chú chạy xe ôm, em còn sinh viên, bác chuyên thợ mộc … Mỗi người công việc khác nhau, dù là lao động trí óc hay tay chân , cũng vẫn là lao động bằng chính khả năng của từng người. Rất  hy vọng tất cả chúng ta đều có chung một mục đích, như Lời Chúa dạy hôm nay:

“Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh.” (Ga 6,27).

 Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con, hôm nay lương thực hằng ngày dùng đủ….

BCT

Bánh Trường Sinh 

Ghi nhớ:

“Các ông hãy ra công làm việc, không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực, Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng, Thiên Chúa Cha sẽ ghi dấu xác nhận” (Ga 6, 27)

Suy niệm:

Khi xã hội hiện đại ngày càng phát triển, cuộc sống con người càng ngày càng lệ thuộc vào các phương tiện vật chất để đảm bảo cuộc sống của mình. Để có thể trang trải cho các nhu cầu về cuộc sống vật chất đó, chúng ta phải lao vào công việc để kiếm tiền. Cũng vậy, xã hội ngày nay càng cổ súy cho những tư tưởng coi trọng vật chất như: “tiền là tiên là phật”, “có thực mới vực được đạo”. Tư tưởng đó ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phận giới trẻ và cắm rẽ sâu vào tư tưởng của vô số người coi đồng tiền là trên hết. Chính vì coi đồng tiền có quyền lực tối thượng, con người ngày nay đã dần bỏ quên nhu cầu của cuộc sống thiêng liêng vĩnh cửu, chúng ta sống hôm nay thậm chí chẳng còn quan tâm đến ngày mai sẽ ra sao, huống hồ chi là đi tìm sự sống mai sau?

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thiên Chúa đã mời gọi mọi người hãy sống vượt lên trên nhu cầu sống bình thường, bằng một giá trị vĩnh cửu: “không phải lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn, đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực”. Chúng ta hiểu theo khía cạnh đức tin: Đức Giêsu là bánh trường sinh và hiểu theo khía cạnh bí tích là phép Thánh Thể. Và bánh lương thực trần gian hoàn toàn cần thiết cho sự sinh tồn và phát triển con người, Đức Giêsu với tư cách là bánh trường sinh, là Đấng cần thiết cho những người tin, mang đến cho họ bánh của Đấng Khôn Ngoan, lời Chúa. Bánh đó chính là lương thực nuôi sự sống đời đời, tâm điểm sống của mọi Ki-tô hữu chúng ta  phải là biết sống và thực hành theo tinh thần lời khuyên Tin Mừng, trong bậc sống của mình, dựa trên nền tảng bí tích Thánh Tẩy.

Vì vậy, lời Chúa giúp mỗi người chúng ta ngẫm suy về sự thờ ơ, vô tình đã bao năm đi tìm danh lợi, mà quên rằng trần gian chỉ là nơi sống tạm bợ của con người. Thế mà một ngày chỉ dành cho Chúa có một tiếng đồng hồ chúng ta vẫn cho là phung phí hay dư thừa.

Thế nên, hãy biết trân trọng những giây phút, thời gian hiện tại, đến với Chúa qua bí tích Thánh Thể, qua lời Chúa, hoặc cách đặc biệt hơn nữa biết dùng thời giờ để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Song song vào đó là mỗi người biết hoàn thiện bản thân mình, từ bỏ mọi phù vân xa hoa, phung phí, cải thiện đời sống trong đức tin, đức cậy, đức mến, đem khả năng Chúa trao để góp phần xây dựng Giáo Hội, cộng đoàn tùy theo khả năng mình đang có, để có thể nhìn lại và biết cân bằng cuộc sống của mình giữa vật chất và tinh thần để đi tìm sự an bình trong tâm hồn. Đừng quên rằng mối tương quan sự sống đời này và sự sống đời sau có một mối dây liên hệ trùng trùng điệp điệp do chúng ta sống ngay đời này với từng giây phút, dù sang giàu hay nghèo hèn, ngay cả vua chúa quyền uy giang sơn trong tay, hay kẻ quyền lực rồi cũng qua đi, tàn lụi và quên đi trong cuộc sống này, rồi cũng thoát khỏi sự chết, thế nên chúng ta tự hỏi đời sống là đi tìm vinh hoa trần thế hay đi tìm cuộc sống đời đời mai sau?

Cầu nguyện:

Lạy Chúa! Xin cho chúng con đức tin mạnh mẽ,  biết hàng ngày đến với Chúa  qua bí tích thánh thể, học hỏi lời Chúa, sống và thực thi lời Chúa, nhờ đó chúng con nhìn thấy lòng thương xót của Chúa qua mọi biến cố thường ngày đang xảy ra nơi mỗi người  chúng con. Amen. 

Cõi vinh phúc đời đời

1. Ghi nhớ:

“Các ông hãy ra công làm việc, không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực, Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng, Thiên Chúa Cha sẽ ghi dấu xác nhận” (Ga 6, 27)

 

2. Suy niệm:

Khi xã hội hiện đại ngày càng phát triển, cuộc sống con người càng ngày càng lệ thuộc vào các phương tiện vật chất để đảm bảo cuộc sống của mình. Thí dụ như có những người hơn 60 tuổi vẫn cố gắng đạt cho bằng cấp cao trong xã hội để được thỏa mãn nhu cầu về tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, danh vọng …

Để có thể trang trải cho các nhu cầu về cuộc sống vật chất đó, chúng ta phải lao vào công việc để kiếm tiền. Cũng vậy, xã hội ngày nay càng cổ súy cho những tư tưởng coi trọng vật chất như: “tiền là tiên là phật”, “có thực mới vực được đạo”. Tư tưởng đó ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phận giới trẻ và cắm rẽ sâu vào tư tưởng của vô số người coi đồng tiền là trên hết. Chính vì coi đồng tiền có quyền lực tối thượng, con người ngày nay đã dần bỏ quên nhu cầu của cuộc sống thiêng liêng vĩnh cửu, chúng ta sống hôm nay thậm chí chẳng còn quan tâm đến ngày mai sẽ ra sao, huống hồ chi là đi tìm sự sống vĩnh cửu?

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thiên Chúa đã mời gọi mọi người hãy sống vượt lên trên nhu cầu sống bình thường, bằng một giá trị vĩnh cửu: “ không phải lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn, đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực”. Chúa Giêsu nhắc nhở mọi người, đó là bánh trường sinh. Chúng ta hiểu theo khía cạnh đức tin: Đức Giêsu là bánh trường sinh và hiểu theo khía cạnh bí tích là phép Thánh Thể. Và bánh lương thực trần gian hoàn toàn cần thiết cho sự sinh tồn và phát triển con người, Đức Giêsu với tư cách là bánh trường sinh, là Đấng cần thiết cho những người tin, mang đến cho họ bánh của Đấng Khôn Ngoan, lời Chúa. Bánh đó chính là lương thực chứa nơi mình sự sống, và đem lại sự sống cho trần gian.  Trong đời sống linh thiêng, tâm điểm sống của mọi Ki-tô hữu chúng ta  phải là biết sống và thực hành theo tinh thần lời khuyên Tin Mừng, trong bậc sống của mình, dựa trên nền tảng bí tích Thánh Tẩy.

Vì vậy, lời Chúa giúp mỗi người chúng ta ngẫm suy về sự thờ ơ, vô tình đã bao năm đi tìm danh lợi, mà quên rằng trần gian chỉ là nơi sống tạm bợ của con người. Thế mà một ngày chỉ dành cho Chúa có một tiếng đồng hồ chúng ta vẫn cho là phung phí hay dư thừa. Trong thư gởi Tín hữu Ê-phê-sô như sau: “Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để sống thật sự công chính và thánh thiện” (Ep 4,22-24)

Thế nên, hãy biết trân trọng những giây phút, thời gian hiện tại chúng ta đang có, và cần trân trọng hơn nữa khi từng ngày nối tiếp chúng ta dùng thời giờ hàng ngày, đến với Chúa qua bí tích Thánh Thể, qua lời Chúa, hoặc cách đặc biệt hơn nữa biết dùng thời giờ để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Song song vào đó là mỗi người biết hoàn thiện bản thân mình, từ bỏ mọi phù vân xa hoa, phung phí, cải thiện đời sống trong đức tin, đức cậy, đức mến, đem khả năng Chúa trao để góp phần xây dựng Giáo Hội, cộng đoàn tùy theo khả năng mình đang có, để có thể nhìn lại và biết cân bằng cuộc sống của mình giữa vật chất và tinh thần để đi tìm sự an bình trong tâm hồn.

Đừng quên rằng mối tương quan sự sống đời này và sự sống đời sau có một mối dây liên hệ trùng trùng điệp điệp do chúng ta sống ngay đời này với từng giây phút, dù sang giàu hay nghèo hèn, ngay cả vua chúa quyền uy giang sơn trong tay, hay kẻ quyền lực rồi cũng qua đi, tàn lụi và quên đi trong cuộc sống này, rồi cũng thoát khỏi sự chết, thế nên đời sống là đi tìm vinh hoa trần thế hay đi tìm cõi “vinh phúc đời đời” của ta?

3. Cầu nguyện:

Lạy Chúa! Hôm nay mừng lễ Thánh Giuse thợ, xin cho chúng con luôn là những con người lao động, để tiếp tục công trình của Chúa, Nguyện xin Thiên Chúa xin nhậm lời Thánh Giuse chuyển cầu, ban cho chúng con biết chu toàn nhiệm vụ Người  trao phó mà vượt thắng mọi đam mê tội lỗi, biết dùng thời giờ đến với Chúa hàng ngày qua bí tích thánh thể, học hỏi lời Chúa, sống và thực thi lời Chúa, nhờ đó chúng con tìm được phúc trường sinh vĩnh cửu đời sau. Amen.

M.Liên

Sự sống đời đời 

1. Ghi nhớ:

“Các ông hãy ra công làm việc, không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực, Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng, Thiên Chúa Cha sẽ ghi dấu xác nhận” (Ga 6, 27)

2. Suy niệm:

Nhu cầu mưu sinh là một nhu cầu thiết yếu của con người để tồn tại và duy trì cuộc sống. Khi xã hội hiện đại ngày càng phát triển, cuộc sống con người càng ngày càng lệ thuộc vào các phương tiện vật chất để đảm bảo cuộc sống của mình như tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, nhu cầu giải trí du lịch… Để có thể trang trải cho các nhu cầu về cuộc sống vật chất đó, chúng ta phải lao vào công việc để kiếm tiền. Cũng chính vì thế, xã hội ngày nay càng cổ súy cho những tư tưởng coi trọng vật chất như: “tiền là tiên là phật”, “có thực mới vực được đạo” hay như cô người mẫu chân dài Ngọc Trinh còn khẳng định “không tiền cạp đất mà ăn”.

Tư tưởng đó ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phận giới trẻ và cắm rẽ sâu vào tư tưởng của vô số người coi đồng tiền là trên hết. Chính vì coi đồng tiền có quyền lực tối thượng, con người ngày nay đã dần bỏ quên nhu cầu của cuộc sống thiêng liêng vĩnh cửu, chúng ta sống hôm nay thậm chí chẳng còn quan tâm đến ngày mai sẽ ra sao, huống hồ chi là đi tìm “sự sống đời đời”???

Nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay, Thiên Chúa đã nhắc nhở mọi người: “Đừng lo cho mạng sống, lấy gì mà ăn, lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?” (Mt 6,25). Trong đời sống linh thiêng, tâm điểm sống của mọi Ki-tô hữu chúng ta  phải là biết sống và thực hành theo tinh thần lời khuyên Tin Mừng, trong bậc sống của mình, dựa trên nền tảng bí tích Thánh Tẩy. Ngoài ra Tin Mừng còn đưa ra rất nhiều lời khuyên khác hư sống hiền lành, đơn sơ, khiêm nhường, khôn ngoan, có lòng xót thương…

Tất cả những lời khuyên trong cuộc sống nơi trần gian đều được thể hiện cuộc đời theo Chúa Giêsu và nên thánh ý Thiên Chúa trong câu: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu, còn điều răn thứ hai: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,37-39).

Vì vậy, mỗi người chúng ta nên nhìn lại và biết cân bằng cuộc sống của mình giữa vật chất và tinh thần để đi tìm sự an bình trong tâm hồn. Đừng quên rằng mối tương quan sự sống đời này và sự sống đời sau có một mối dây liên hệ trùng trùng điệp điệp do chúng ta sống ngay đời này với từng giây phút, dù sang giàu hay nghèo hèn, ngay cả vua chúa quyền uy giang sơn trong tay, hay kẻ quyền lực rồi cũng qua đi tàn lụi trong cuộc sống cũng không qua khỏi sự chết, ta đi tìm vinh hoa trần thế hay đi tìm cõi vinh phúc “sự sống đời đời” của ta?

Cuộc sống đời sau chỉ được đón nhận khi ta biết nhận ra Lời Chúa đã dạy ta rằng: “Khá lắm! hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành. Trong việc ít mà anh đã trung thành, thì tôi đặt anh lên coi việc nhiều. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh” (Mt 26,21)

3. Sống lời Chúa: 

“ Tôi là bánh từ trời xuống,ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời, và bánh Tôi sẽ ban tặng, chính là thịt Tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51).

4. Cầu nguyện:

Lạy Chúa! Xin cho chúng con vượt thắng mọi đam mê tội lỗi nơi trần gian, biết tích góp mọi ân phước mọi việc lành phúc đức, sống vị tha bác ái yêu thương tha nhân, biết đi tìm “ sự sống đời đời” vĩnh cửu đời sau . Amen.

M.Liên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *