Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: 1 Tx 4,13-18 (năm lẻ), 1 Cr 2,1-5 (năm chẵn), Lc 4,16-30
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 4,16-30)
16 Khi ấy, Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người đã được dưỡng dục. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. 17 Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng : 18 Thần Khí Đức Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, 19 công bố một năm hồng ân của Đức Chúa.
20 Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường rồi ngồi xuống. Trong hội đường, trăm con mắt đều đổ dồn về phía Người. 21 Người bắt đầu nói với họ : “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe.” 22 Mọi người đều tán thành và thán phục những lời ân sủng từ miệng Người nói ra.
Họ bảo nhau : “Ông này không phải là con ông Giu-se đó sao ?” 23 Người nói với họ : “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ : Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình ! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào !” 24 Người nói tiếp : “Tôi bảo thật các ông : không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.
25 “Thật vậy, tôi nói cho các ông hay : vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en ; 26 thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. 27 Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi.”
28 Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. 29 Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi-. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. 30 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.
Chương trình sống theo ý Chúa (02.09.2024)
Nếu khởi đầu cho sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã thi ân giáng phúc cho những người sống trong vùng đất u tối của dân ngoại, thì Tin mừng hôm nay cho biết Chúa Giêsu được Thánh Thần thúc đẩy trở về quê nhà là Nazareth, để công bố chương trình hành động của mình. Đó là: “Loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó…, công bố năm hồng ân và ngày khen thường”. Như vậy, chương trình hành động của Chúa Giêsu là ưu tiên hướng về người nghèo. Nên rất hợp lòng dân. Vì thế, mà Ngài đã được dân chúng đón nhận cách nhiệt tình “mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người”. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là chương trình ấy rất đẹp lòng Đức Chúa Cha, bởi đã ứng nghiệm đúng như những gì mà tiên tri Isaia đã loan báo từ ngàn xưa về vai trò của Đấng Messia.
Nếu chương trình hành động của Chúa Giêsu là nhằm đem lại niềm vui, hạnh phúc và hồng ân cứu độ cho mọi người, nhất là những người nghèo khổ. Vậy thử hỏi chương trình hành động ưu tiên của tôi là gì?
Mỗi người chúng ta rất cần sắp xếp lại chương trình sống hàng ngày của mình. Mong sao những ưu tiên chọn lựa hành động trong chương trình sống của chúng ta luôn phù hợp với thánh ý của Chúa.
Xin Chúa cho chúng ta biết quan tâm yêu thương hết mọi người, nhất là những người nghèo khổ đang sống chung quanh chúng ta. Bằng những lời nói yêu thương và những việc làm bác ái cụ thể. Làm được như thế là ta đã góp phần đưa chương trình hành động yêu thương của Chúa đến được với mọi người nhất là những người nghèo khổ.
Phận hắt hủi của Ngôn sứ (04.09.2023)
“Chúa sai tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.”
Đoạn sách I-sai-a được công bố trong hội đường Na-da-rét quê hương Chúa Giêsu là một áng văn đẹp: “Thần Khí Đức Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa.”
Đoạn sách này nói lên bản chất và sứ mạng của người được sai đi công bố một thời kỳ hồng ân cứu độ. Ngôn sứ I-sai-a nói điều này để báo trước về ngày toàn dân thoát cảnh lưu đày và được hồi hương. Đó là thời gian của ân phúc. Lời tiên tri này, đồng thời cũng ứng nghiệm với Đấng Mê-si-a, ứng nghiệm một cách phổ quát hơn, khi mà Chúa công bố sự giải thoát con người khỏi sự giam cầm của tội lỗi và bao nhiêu ơn lành là các phép lạ đổ xuống trên những người nghèo hèn, bệnh tật, những kẻ bị bỏ rơi.
Trở lại bối cảnh của Tin Mừng, sau một thời gian rao giảng và làm nhiều phép lạ, danh tiếng Chúa Giêsu đã được nhiều người biết đến. Thế nhưng, khi trở về quê hương, Ngài chỉ nhận được sự hững hờ và khinh rẻ của người đồng hương mà thôi. Quả thật, như Ngài đã trích dẫn câu tục ngữ quen thuộc: “không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”, đó là định luật tâm lý mà chính Ngài cũng không thoát khỏi. Nhưng quê hương đối với Chúa Giêsu không chỉ là ngôi làng Na-da-rét nhỏ bé, mà sẽ là toàn cõi Pa-lét-tin.
Chúa Giêsu không chỉ đến để làm cho lời các ngôn sứ được ứng nghiệm, Ngài cũng là vị ngôn sứ đúng nghĩa nhất. Nơi Ngài cũng có những đặc điểm của các ngôn sứ: đối đầu với những giá trị sẵn có, nghiêm khắc với những kẻ khóa Nước Trời không cho người khác vào, nổi giận trước sự giả hình của những kinh sư và người Pha-ri-sêu. Ngài đặt lại vấn đề tư cách là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham mà người Do-thái vẫn tự hào. Nhất là Ngài rao giảng không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng cả cuộc sống của Ngài; do đó, bị chống đối, bị bách hại là số phận tất yếu của Ngài.
Không thể làm ngôn sứ mà không trải qua bách hại, thử thách. Ðó là số phận chung của các ngôn sứ từ Cựu Ước qua Tân Ước. Những kẻ không được sai đi, tự lấy danh mình mà nói, đó là những ngôn sứ giả; còn các ngôn sứ thật ý thức mình được Chúa sai đi và chỉ nói những gì Ngài muốn, một sứ mệnh như thế thường tạo ra nơi vị ngôn sứ một cuộc chiến nội tâm mãnh liệt. Ðau khổ nhất cho các ngôn sứ là thấy lời loan báo của mình không được lắng nghe.
Nhờ Bí tích Rửa tội, người Kitô hữu được tham dự vào sứ mệnh ngôn sứ của Chúa Kitô: bằng lời nói, và nhất là chứng tá cuộc sống, chúng ta thực thi vai trò ngôn sứ của mình trong xã hội. Cũng như Chúa Giêsu, chúng ta được Thánh Thần xức dầu và sai vào thế giới. Ngày nay, bao nhiêu người nghèo cần được an ủi, bao nhiêu người bị các quyền lực độc tài áp chế, bao nhiêu người bị giam cầm cách oan sai vì sự bất công của xã hội, bao nhiêu người bị chà đạp cần được nâng đỡ và phẩm giá cần được tôn trọng. Chúa Giêsu đến để cho nhân loại được sống. Hội Thánh của Chúa có sứ mạng duy trì tình trạng ân sủng Chúa cho muôn người, mà mỗi người chúng ta đều được mời gọi.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn kiên trì rao giảng Tin Mừng của Chúa dù gặp thuận lợi hay không thuận lợi, vì biết rằng mình đang sống ơn gọi ngôn sứ mà Chúa đã trao cho. Amen.
Joston
Sức dầu và sai đi (30.08.2021)
Sức dầu là một hình thức ghi dấu ấn thiêng liêng trên con người. Người được sức dầu mang trên mình một sứ mạng cao cả.
Người Kitô hữu được sức dầu trên trán để lãnh nhận ấn tín Chúa Thánh Thần, mang trên mình một sứ mệnh cao cả là được quyền làm con Thiên Chúa, được tham dự vào công việc của Thiên Chúa.
Khi đã lãnh nhận ấn tín Chúa Thánh Thần thì trở nên người con thừa tự trong Nước Trời. Lãnh nhận trách nhiệm của một người con thì phải thực hiện mệnh lệnh của Người Cha tức là Thiên Chúa. Sứ mệnh cao cả đó là được sai đi dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để loan báo Tin Mừng về Chúa Giêsu Kitô chịu chết và phục sinh vinh quang, chiến thắng thần chết, và người đã lãnh nhận ấn tín cũng sẽ được phục sinh như thế.
Được sức dầu là được Chúa Thánh Thần thánh hiến trở nên khí cụ của Thiên Chúa, khí cụ bình an để được sai đi đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Để con đem tin kính vào nơi nguy nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng. Để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.
Khí cụ bình an không như đao to búa lớn để chém giết, để gây nguy hại, mà khí cụ bình an là một người có tâm hồn tốt lành, thánh thiện, không gian dâm, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Khí cụ bình an là yêu thương, tha thứ, công bình, bác ái, hy sinh, phục vụ, thật thà, khiêm nhường.
Khi được sai đi đến một nơi nào đó thì ở đó Chúa Thánh Thần đã tác động rồi, chỉ cần người được sai đi mang hình ảnh của Thiên Chúa đến với họ, là họ sẽ nhận ra Thiên Chúa và lãnh nhận ơn cứu rỗi. Nếu người sai đi mà không có Chúa ở trong lòng thì họ sẽ không nhận ra Thiên Chúa, có nhiều người cất công đến với người này người khác, rao giảng cao siêu thâm thúy, nhưng cũng không lay động lòng người. Nhưng có nhiều người đến chỉ nói dăm câu chuyện thì đã lay động lòng người, bởi họ có Chúa trong chính đời sống của mình, và Thánh Thần đã tác động làm cho họ nhận biết Thiên Chúa.
Trong thời cựu ước, Chúa sai tiên tri Giona đến với dân thành Ninive đầy tội lỗi, ông nói lời Chúa truyền. Ông Giô-na bắt đầu vào thành, đi một ngày đường và công bố : “Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ” (Giona 3, 4). Nghe lời đó, cả vua đến thần dân đều ăn chay và mặc áo gai để đền tội, “Tin báo đến cho vua Ni-ni-vê ; vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro” (Giona 3, 6). Sau bốn mươi đêm ngày thì Chúa không phạt nữa.
Khi Chúa Thánh Thần đã tác động lên họ mà lòng họ chai đá, thì dù có muốn được sai đi cũng chẳng ích gì. Thời ông Abraham năn nỉ Chúa đừng phạt dân thành Sô-đô-ma, nhưng lòng họ chai đá không biết hối lỗi ăn năn. Và Chúa đã ra tay trừng phạt. Abraham thưa: “Lạy Chúa, xin đừng nổi giận, tôi chỉ xin thưa lần này nữa thôi: Nếu tìm được mười người công chính ở đó thì sao?” Chúa phán: “Vì mười người đó, Ta sẽ không tàn phá” (St 18, 32), nhưng không có người nào.
Sai đi loan báo Tin Mừng cho mọi loại thụ tạo, đó là mệnh lệnh của Chúa Giêsu cho mỗi người tín hữu đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, lãnh nhận ấn tín Chúa Thánh Thần, đều được sai đi. Sai đi để chu toàn ơn gọi của riêng mình, sai đi để thánh hiến mình, sai đi để làm muối men cho đời ngay trong môi trường mình đang sống. Sai đi để mình được nên thánh và làm cho mọi người nên thánh.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu Kitô, con tạ ơn Chúa vì Chúa đã chọn con và sai con đi làm chứng nhân cho Ngài. Xin cho con biết trở nên khí cụ bình an khi Chúa sai con đi vào chính môi trường của con. Lậy Thầy Chí Thánh, chính Thầy đã chọn con. Amen./.
Hư Vô
Không nên có những thành kiến hẹp hòi (31.08.2020)
Bài Tin Mừng hôm nay kể về việc Chúa Giêsu trở về quê hương của mình là Nazarét, để chia sẻ với những người thân về niềm vui và những thành quả mà Người đã gặt hái được khi đi rao giảng. Đúng ra niềm vui ấy sẽ được tăng lên, được ủng hộ nhiệt tình. Nhưng vì thành kiến họ đã khinh dể Người, từ chối Người và không nhận ra Người. Họ đã làm mất đi những điều tốt đẹp mà Chúa muốn tặng ban cho họ.
Chúa về thăm lại quê hương
Ngài vào giảng tại hội đường năm xưa
Lúc đầu dân chúng thích ưa
Vì tài hùng biện chẳng thua người nào
*
Về sau “thành kiến” xen vào
Họ cho rằng Chúa như bao người làng
Chẳng là « quyền quý cao sang »
Gia đình, dòng tộc, họ hàng bình dân
Dân làng Nazarét đã có thành kiến với Chúa Giêsu, nên họ không thể nhận ra Ngài. Những người đồng hương đương thời với Đức Giêsu đã nhìn Người với đôi mắt xem thường như thế. Với cái nhìn như vậy họ không thể nào nhận ra Đức Giêsu mà họ vẫn tưởng là con bác thợ mộc Giuse lại là Con Thiên Chúa được.
Hoàn cảnh, cuộc sống thanh bần
Cha làm thợ mộc, mẫu thân bình thường
Làm sao xứng bậc Đế Vương
Nên họ kiêu ngạo xem thường chê bai
*
Với Chúa : sứ vụ Thiên Sai
Xuống trần cứu chuộc cho loài người ta
Tình Ngài cao cả bao la
Muôn đời trọn kiếp vẫn là yêu thương
Trong cuộc sống đời thường, có những mối tương quan với nhau giữa người với người. Nếu chúng ta khinh thường anh em bởi vì chúng ta có thành kiến với họ và nếu chúng ta không đón nhận những góp ý chân thành của anh em, thì kết quả là những mối tương quan bị phá vỡ và chúng ta sẽ không học được những điều tốt đẹp nơi những người xung quanh của mình.
Hôm nay ngay tại hội đường
Người làng ích kỷ coi thường lời khuyên
Phẫn nộ, bực tức, nổi điên
Kéo đẩy Chúa tới góc triền đồi xa
*
Ý đồ « đen tối » gian tà
Xô Chúa xuống vực để mà phi tang
Chúa đi giữa họ hai hàng
Tiến lên phía trước đàng hoàng oai nghiêm
*
Thế ra mới hiểu nỗi niềm
« Tiên tri chẳng được ưu tiên quê mình »
Lạy Chúa là chân lý và tình thương. Xin thông ban cho chúng con tình thương và chân lý của Chúa, để chúng con biết nhìn người anh chị em với lòng thiện cảm và trân trọng. Amen.
Hoài Thanh
Loan báo Tin Mừng (02.09.2019)
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật chuyện Chúa đi về thăm quê hương với tình cảm thân thiện, chân thành. Ngài vào hội đường chia sẻ Kinh Thánh với những người cùng quê quán của mình, qua đoạn sách tiên tri I-sai-a, Chúa Giêsu thật thà nói: Lời sấm đã ứng nghiệm nơi Ngài . Dân chúng rất thán phục sự khôn ngoan đạo đức của Ngài, nhưng một số người trong đám họ lại ác ý săm soi khi biết thân thế Ngài quá bình thường ( chỉ là con bác thợ mộc Giuse. Bụt nhà không thiêng ), hơn nữa, họ không điều khiển được Ngài làm những điều họ mong muốn, nên họ bực tức và định tiêu diệt Ngài, nhưng họ không thể vì giờ của Ngài chưa đến…
Là một thành viên Đa Minh, mỗi chúng ta cũng được Chúa trao ban sứ vụ: đi loan báo Tin Mừng …, theo khả năng riêng mà Chúa ban cho mỗi người khác nhau. Có thể nhiều lúc chúng ta cũng gặp trường hợp bị người đồng hương khi dể coi thường và ghét bỏ như Chúa ngày xưa, vì “ Trò thì không hơn Thầy”, nhưng nhờ ơn Chúa giúp, chúng ta quyết tâm không lùi bước, luôn cố gắng nhiệt thành theo gương Chúa, ra đi loan báo Tin Mừng cho nước Chúa ngày càng rộng lan.
Lạy Chúa Giêsu Thầy chí thánh. Xin giúp chúng con là những đệ tử luôn dõi bước theo gương sống của Thầy, cho chúng con được ơn khôn ngoan can đảm và mạnh dạn tuyên xưng Đức Tin công giáo của mình ở mọi chốn mọi nơi. Sống chứng nhân loan báo Tin Mừng bằng chính đời sống thực hành Lời Chúa dạy cụ thể hôm nay. Amen.
BCT
Thành kiến (03.09.2018)
Ghi nhớ:
“Tôi bảo thật các ông, không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” (Lc 4, 24).
Suy niệm:
Đoạn Tin Mừng Chúa Giêsu thuật lại, khi Ngài trở về thăm quê hương là Na-da-rét. Ngày ấy dân Na-da-rét họ đón tiếp Người chẳng ra gì. Đó cũng là điềm báo Người bị dân Người chối bỏ. Và Chúa Giêsu là người thật sự đến để giúp họ, thoát khỏi luật tâm lý muôn đời “bụt nhà không thiêng”. Thế nên chúng ta cũng nhận ra câu nói bất hủ của Chúa Giêsu: “không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”. Người cũng cảm nhận được cái đớn đau, khó khăn, đã từng bị bạn bè, xóm giềng ruồng rẫy, khi hy sinh lãnh nhận sứ mệnh làm ngôn sứ tại xứ sở mình.
Quả thật, trong cuộc sống chúng ta cũng vậy, thành kiến luôn là căn bệnh chung của nhiều người, thành kiến đôi khi là một tâm trạng thiên lệch rất tai hại, từ sự yên trí, phán đoán, nhất là những tư tưởng suy đoán không hay cho người khác. Thích mới lạ, nhiều lý luận ngược chiều cho là hay, dựa theo dư luận số đông của mọi người.
Tại quê hương, khi chúng ta gặp người ấy quá quen, thân cận quá, thì chúng ta khó có thể chấp nhận tài năng của họ, hoặc họ có một địa vị cao trọng, danh giá, về thăm quê hương, chúng ta luôn có cái nhìn tò mò, soi mói tìm hiểu, hơn là kính nể khi họ về quê nhà hay xứ sở của mình, nếu người đó có tài nhưng gia đình nghèo khó, thì họ coi rẻ rúng, cũng như Chúa Giêsu khi trở về quê nhà cũng bị dân làng nhìn theo kiểu “Ông không không phải là con bác thợ mộc sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria , anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Gio-xép, Si-mon và Giu-đa sao? Bởi đâu ông được như thế?” (Mt 13, 55-56). Cũng vậy, Chúa hiểu rõ tâm lý của họ.
Chúng ta là người Kitô hữu là chấp nhận ra đi làm ngôn sứ, biết rao giảng và thực hành sống lời Chúa, loan báo Tin Mừng đến cho tha nhân, dẫu cho mọi người không chấp nhận chân lý và sự thật, đổi sang thái độ nghi ngờ hay chống đối. Ngay cả Chúa Giêsu cũng đóng vai trò ngôn sứ bởi từ Chúa Cha mà đến, nhưng cũng cùng chung một số phận như bao ngôn sứ khác. Vậy chúng ta tham dự vào vai trò ngôn sứ của Chúa Giêsu ngay trong mọi hoàn cảnh, hãy cảm thông hay chấp nhận với mọi người bằng sự thương yêu chân thành, đây không phải là thái độ lẩn tránh, mà bình tĩnh và cầu nguyện để tiếp tục chương trình, không để cho những người hay chống đối, có thể cản trở công việc thi hành sứ vụ, Thiên Chúa trao phó.
Lời Chúa luôn là kim chỉ nam, hướng dẫn, và chữa lành cho tâm hồn mỗi người, để tìm được sự thanh thảnh, bình an trong tâm hồn, giúp chúng ta vững tin ra đi loan truyền Lời Chúa đến tận cùng trái đất.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa! Xin cho chúng con có một trái tim rộng mở, đón nhận những cái tốt của nhau, để sống chân thành trong ơn Thánh Chúa tuôn đổ nơi bao tâm hồn hiền hậu và khiêm nhường, giúp đời sống chúng con luôn trở thành chứng nhân cho Tin Mừng Nước Trời. Amen.
Những bước chân ra đi làm ngôn sứ (04.09.2017)
1. Ghi nhớ: “Tôi bảo thật các ông, không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” (Lc 4, 24)
2. Suy niệm:
Quê hương của Chúa Giêsu là Na-da-rét. Ngày ấy dân Na-da-rét họ đón tiếp Người chẳng ra gì. Đó cũng là điềm báo Người bị dân Người chối bỏ. Và Chúa Giêsu là người thật sự đến để thoát khỏi luật tâm lý muôn đời “ bụt nhà không thiêng”. Thế nên chúng ta cũng nhận ra câu nói bất hủ của Chúa Giêsu như sau: “ không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”. Người cũng cảm nhận được cái đớn đau, khó khăn, đã từng bị bạn bè, xóm giềng ruồng rẫy, khi hy sinh lãnh nhận sứ mệnh làm ngôn sứ tại xứ sở mình.
Bài Tin Mừng hôm nay được trích dẫn, nói về việc xức dầu một ngôn sứ, còn Chúa Giêsu thì nói đến Thánh Thần Người mới lãnh nhận ngày chịu phép rửa và coi đó là nguồn mạch phát sinh thông điệp và hoạt động cứu độ nơi Người. Đoạn văn này Người đã không chọn và cũng không sửa soạn trước cho dân Na-da-rét. Nhưng như đã có bàn tay quan phòng của Thiên Chúa đã mở sẵn cho Người: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong cho tôi, để loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn…”. Lập tức họ cảm thấy khó chịu, họ xì xầm bàn tán với nhau, họ bảo nhau “ Ông này không phải là con ông Giuse đó sao?”.
Quả thật, trong cuộc sống chúng ta hay có cái nhìn hay còn gọi là “bệnh thành kiến” về con người. Thành kiến là căn bệnh chung của nhiều người, có khi trở thành kinh niên bất trị. Thành kiến cũng có khi là một tâm trạng thiên lệch rất tai hại, là một sự yên trí, phán đoán, nhất là những tư tưởng suy đoán không hay cho người khác. thích mới lạ, nhiều lý luận ngược chiều cho là hay, dựa theo dư luận số đông của mọi người. Nên trong Kinh Thánh Cựu Ước cho biết lý do: “Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người, ai dò thấu được”(Giê-rê-mi-a 17,9).
Khi người ấy quen quá, gần quá, thân cận quá, thì chúng ta không nhận cái tài năng của họ, hoặc khi có một vĩ nhân về quê hương, chúng ta lại có cái nhìn tò mò, soi mói tìm hiểu, hơn là kính nể khi họ về quê hương hay xứ sở của mình, nếu người đó có tài nhưng gia đình nghèo thì coi rẻ rúng, cũng như Chúa Giêsu khi trở về quê nhà cũng bị dân làng nhìn theo kiểu “Ông không không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria , anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Gio-xép, Si-mon và Giu-đa sao? Bởi đâu ông được như thế?” (Mt 13, 55-56). Cũng vậy, Chúa hiểu rõ tâm lý của họ, nên bảo họ “ Ngôn sứ có rẻ rúng thì cũng chính là ở quê hương mình và trong gia đình mình thôi” ( Mt 13, 58).
Lời Chúa hôm nay nhắn nhủ mỗi người Kitô hữu hay người Giáo Dân Đa Minh một khi chúng ta chấp nhận là những bước chân ra đi làm ngôn sứ để sống lời Chúa, loan báo Tin Mừng đến cho mọi người, dù mọi người không chấp nhận chân lý và sự thật, ngay cả Chúa Giêsu cũng đóng vai trò ngôn sứ bởi từ Chúa Cha mà đến, nhưng cũng cùng chung một số phận như bao ngôn sứ. Đồng thời chúng ta tham dự vào vai trò ngôn sứ của Chúa Giêsu ngay trong Giáo xứ hay Huynh đoàn cũng vậy, hãy cảm thông với mọi người bằng sự thương yêu chân thành. Hãy thành thật nhìn lại chính mình vì đa số mỗi người chúng ta thường mắc phải “bệnh thành kiến”.
Để có thể chữa trị tâm bệnh này, ít nhiều mỗi người hãy cố gắng vượt qua và loại bỏ, nhờ đó con người không còn chê bai nhau, ghen ghét nhau nữa, bởi vì hiện thân của mỗi người luôn là đền thờ của Thiên Chúa ngự trị, và đồng thời đều được ân sủng theo cách đặc biệt mà Chúa đã ưu ái trao tặng riêng cho từng người, do đó đừng lên án bất kỳ một ai, vì thực chất đâu đâu cũng có những tâm hồn đen tối và tự phụ, đó chính là satan đang dẫn đường cho họ chưa tỉnh thức chưa tìm nẻo chính đường ngay.
3. Sống lời Chúa:
Lời Chúa luôn chữa lành cho tâm hồn mỗi người để tìm được sự thanh thảnh, bình an trong tâm hồn, giúp chúng ta sống theo chân lý và sự thật.
4. Cầu nguyện:
Lạy Chúa! xin cho chúng con có một trái tim rộng mở, đón nhận những cái tốt của nhau, để sống chân thành trong ơn Thánh Chúa tuôn đổ nơi bao tâm hồn hiền hậu và khiêm nhường, giúp đời sống chúng con luôn trở thành chứng nhân cho Tin Mừng Nước Trời. Amen.
M.Liên
Số phận của Ngôn sứ (31.08.2015)
Đức Giê-su về làng nơi người sinh trưởng, Ngài vào hội đường đứng lên đọc Sách Thánh, gặp ngay đoạn nói về sứ mạng của Ngài: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” Trong lúc trăm con mắt đều đổ dồn về phía Ngài, Ngài xác nhận: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe.” Mọi người đều gật đầu tán thành và thán phục lời từ miệng Ngài. Cứ như vậy thì chẳng có chi rắc rối.
Bỗng đâu cái kiểu thành kiến quan niệm “bụt nhà không thiêng” nổi lên trong họ, họ bắt đầu hạ giá Ngài vì cái cảnh người cùng làng, xoàng xĩnh như họ vẫn thấy mấy chục năm nay. Họ xầm xì: “ Ông này không phải là con ông Giu-se đó sao?”Thừa biết ý nghĩ trong đầu của họ, Ngài khẳng định cái bậc thang giá trị bất hủ từ bao đời xưa nay: “không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.” Đó là chuyện thường tình vẫn xảy ra ngay từ trong gia đình, người cùng làng, cộng đoàn địa phương, thường khó chấp nhận một người nổi danh tiếng xuất thân từ “vườn nhà” của mình. Khách lạ xa xôi thì sẵn sàng ca ngợi tán dương, vì họ đến rồi đi, chẳng ảnh hưởng đến thế giá, uy tín, “chỗ đứng” của tôi. Còn những vị “bụt nhà” mà bỗng nổi nang xuất chúng thì tự nhiên sự tín nhiệm đổ dồn về họ, tôi bị giảm giá mờ nhạt, vị thế lung lay, nguy cơ bị lấn sân mất chỗ… chẳng dại gì mà đánh giá cao về họ. Các ngôn sứ bao đời xưa nay đều bị hành xử, chống đối và triệt hạ.
Đức Giê-su, Người Tôi Trung, là vị Ngôn Sứ đúng nghĩa nhất và cũng không tránh khỏi lối hành xử miệt thị này. “Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành-thành này xây trên núi. Họ kéo người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực”. Thật là khủng khiếp! Hôm nay “giờ chưa đến” nên “Người băng qua giữa họ mà đi.” Khi giờ đã đến, Ngài để họ đánh đập hành hạ, cuối cùng bị căng thây treo trên thập giá, kết thúc cuộc đời của vị Ngôn Sứ Cao Cả nhất trong lịch sử. Nhưng cái chết của Ngài lại khai sinh một Giáo Hội mới lan tràn khắp mặt đất hôm nay.
Chúa ơi ! ngày nay cuộc đời thực thi sứ vụ làm ngôn sứ của chúng con cũng vẽ lại dòng đời của Chúa. Có lúc mọi người ca khen vui vẻ, có lúc bị chống đối từ khước coi thường, hạ thấp, loại trừ… Xin cho chúng con dám can đảm làm chứng nhân của Chúa, giữa lúc thuận tiện cũng như khi gặp thử thách đố kỵ và khinh khi. Để dù giữa sóng gió cuộc đời có Chúa cùng đi, chúng con không sợ bị trật đường ray. Đi trong tay Chúa chúng con an tâm vượt khó. Cuộc đời “loan báo” của chúng con sẽ có ngày nở hoa. Chúng con cũng mạnh dạn tuyên xưng: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi…” và… “Hôm nay đã ứng nghiệm lời kinh thánh quý vị vừa nghe”.
thành kiến làm mờ Đức tin (31.09.2015)
1. Ghi nhớ: “ Ông này không phải là con ông Giuse đó sao ” (Lc 4, 22)
2. Suy niệm: Tuy tỏ ra thán phục trước những lời giảng dạy của Chúa Giêsu nhưng do thành kiến, óc hẹp hòi nên người Nazaret đã từ chối Đức Giêsu. Họ không chấp nhận Ngài là Đấng Messia dù họ đã chứng kiến những dấu lạ từ Ngài. Ngày nay, cũng vì thành kiến, vì khinh miệt và phân biệt sang hèn, nên chúng ta không thấy được Chúa Giêsu hiện diện trong mỗi người anh em mà chúng ta gặp gỡ.
3. Sống Lời Chúa: Điều gì ta làm cho anh em là ta đang làm cho Chúa.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa, cũng vì thân thế gia đình tầm thường nên Chúa đã bị người ta từ chối. Xin cho chúng con khiêm tốn hòa nhã với anh em, sẵn sàng mở rộng vòng tay để đón tiếp và giúp đỡ những người tầm thường, bất hạnh. Amen.
Để Lời Chúa là sức sống… (01/09/14)
Đức Giê-su bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” (Lc 4,20-21)
Suy niệm: Triết gia Đức nổi tiếng Kant tuyên xưng: “Tôi tin rằng Kinh Thánh là quyển sách đem lại ích lợi nhiều nhất cho nhân loại. Tôi cũng tin rằng bất cứ nỗ lực nào làm giảm giá trị Kinh Thánh đều là tội ác chống lại nhân loại.” Một trong những cách làm giảm giá trị Kinh Thánh là để cuốn sách ấy nằm yên trong tủ sách, hay để bụi bám trên bàn thờ. Kinh Thánh hay Lời Chúa không còn là những dòng chữ chết trong sách, nhưng là sức sống nếu được đọc lên trên môi miệng, được công bố, được loan truyền, được áp dụng trong cuộc sống hằng ngày, trong những tình huống khác nhau của cuộc sống. Hôm nay, Chúa Giê-su nhắc lại lời tiên báo của ngôn sứ I-sa-i-a cách đó tám thế kỷ, được ứng nghiệm, trở thành lời sống động nơi Ngài, vị Cứu Thế hôm nay.
Mời Bạn: Hoàng đế nước Pháp Napoléon nhận định: “Tin Mừng không phải là một quyển sách; nó là sự sống, với một tác động, một sức mạnh, có thể xâm nhập tất cả những gì đối kháng lại sự mở rộng của nó. Tôi không bao giờ bỏ đọc sách ấy và đọc mỗi ngày một cách thích thú.” Bạn có làm cho Lời Chúa trở thành hiện thực, được ứng nghiệm trong cuộc đời bạn hôm nay và mỗi ngày không?
Sống Lời Chúa: Tôi nỗ lực để Lời Chúa được ứng nghiệm trong đời sống mình qua việc siêng năng đọc, suy gẫm và để Lời ấy hướng dẫn suy nghĩ, lời nói, việc làm, cách ứng xử của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, lời ngôn sứ I-sa-i-a tiên báo về Chúa đã được Chúa thực hiện trọn vẹn. Xin cho chúng con biết quan tâm áp dụng Lời Chúa vào đời sống cụ thể của mình.