Tình thương và lòng bác ái (16.09.2024 – Thứ Hai Tuần XXIV Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: 1 Cr 11,17-26.33 (năm chẵn), 1 Tm 2,1-8 (năm lẻ), Lc 7,1-10

Bài đọc 1: 1 Cr 11,17-26.33

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô

Thưa anh em, nhân lúc đưa ra một số chỉ thị, tôi chẳng khen anh em đâu, vì những buổi họp của anh em không đem lại lợi ích gì, mà chỉ gây hại.  Thật thế, trước tiên tôi nghe rằng khi họp cộng đoàn, anh em chia rẽ nhau, và tôi tin là điều ấy có phần nào đúng.  Những sự chia rẽ giữa anh em, thế nào cũng có, nhưng nhờ vậy mới rõ ai là người đạo đức chắc chắn.  Khi anh em họp nhau, thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa.  Thật vậy, mỗi người lo ăn bữa riêng của mình trước, và như thế, kẻ thì đói, người lại say.  Anh em không có nhà để ăn uống sao ? Hay anh em khinh dể Hội Thánh của Thiên Chúa và làm nhục những người không có của ? Tôi phải nói gì với anh em ? Chẳng lẽ tôi khen anh em sao ? Về điểm này, tôi chẳng khen đâu !

Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em : trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh,  dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và nói : “Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em ; anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.”  Cũng thế, sau bữa ăn, Người cầm lấy chén rượu và nói : “Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng Máu Thầy ; mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.”  Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.

Cho nên, thưa anh em, khi họp nhau để dùng bữa, anh em hãy đợi nhau.

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 7,1-10)

1 Khi ấy, sau khi giảng dạy dân chúng, Đức Giê-su vào thành Ca-phác-na-um. 2 Một viên đại đội trưởng kia có người nô lệ bệnh nặng gần chết. Ông ta yêu quý người ấy lắm. 3 Khi nghe đồn về Đức Giê-su, ông cho mấy kỳ mục của người Do-thái đi xin Người đến cứu sống người nô lệ của ông.

4 Họ đến gặp Đức Giê-su và khẩn khoản nài xin Người rằng : “Thưa Ngài, ông ấy đáng được Ngài làm ơn cho. 5 Vì ông quý mến dân ta. Vả lại chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta.” 6 Đức Giê-su liền đi với họ. Khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này cho bạn hữu ra nói với Người : “Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi. 7 Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh. 8 Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này : ‘Đi !’ là nó đi ; bảo người kia : ‘Đến !’ là nó đến ; và bảo người nô lệ của tôi : ‘Làm cái này !’ là nó làm.” 9 Nghe vậy, Đức Giê-su thán phục ông ta, Người quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng : “Tôi nói cho các ông hay : ngay cả trong dân Ít-ra-en, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế.” 10 Về đến nhà, những người đã được sai đi thấy người nô lệ đã khỏi hẳn.

Tình thương và lòng bác ái (16.09.2024)

“Xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh”. Đó là lời của một người ngoại giáo thưa với Chúa Giêsu. Lời này chúng ta vẫn lặp lại hằng ngày trước khi lên rước lễ: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con được lành mạnh”.

Không ai bị ép buộc phải yêu quý nô lệ của mình. Nhưng viên đại đội trưởng đã yêu quý người nô lệ đang đau bệnh gần chết. Đặt vào hoàn cảnh xã hội bấy giờ: nô lệ là hạng người bị khinh bỉ, là một thành phần bị tách lìa khỏi xã hội, nhất là đối với giới làm chủ. Thế nhưng ở đây, viên đại đội trưởng này đã có lòng yêu mến khác thường. Điều này chứng tỏ tuy là lương dân, nhưng ông đã sống tinh thần Kitô giáo, đó là tinh thần của Hiến chương nước Trời: “Phúc thay ai có lòng yêu thương người”.

Hành vi của viên đại đội trưởng khi cho người đến thỉnh cầu Chúa Giêsu đã nói lên rằng:

* Tình thương và lòng bác ái của viên đại đội trưởng này không bị tập tục con người chi phối và cản trở. Bởi luật không cho phép người Do Thái tiếp xúc với lương dân.

* Tình thương và lòng bác ái của viên đại đội trưởng đối với nô lệ của mình được thể hiện cách cụ thể và thiết thực bằng cách ông đã sai mấy kỳ mục của người Do Thái đến xin Đức Giêsu cứu sống người nô lệ của ông.

* Tình thương và lòng bác ái của ông ở đây biểu lộ tính cách vị tha, vì chỉ muốn cho người nô lệ của mình được cứu sống; tính cách vô vị lợi: không tìm mối lợi cho mình, nhưng sẵn sàng quên mình.

Như vậy tình thương và lòng bác ái của viên đại đội trưởng này rất gần với tinh thần Kitô giáo, phù hợp với giáo huấn của Chúa Giêsu là yêu tha nhân như chính mình.

Và với lời cầu xin: “Xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh”, diễn tả tính cách của lời cầu xin đẹp lòng Thiên Chúa và lời cầu xin này có hiệu nghiệm.

Lòng tin mạnh mẽ của viên đại đội trưởng được thể hiện ở chỗ chấp nhận vô điều kiện uy quyền của Chúa Kitô, là tin vào Chúa hơn là tin vào ơn ban, hoặc những việc Chúa làm.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết yêu thương mọi người, và xin cho chúng con cũng biết thể hiện một niềm tin mạnh mẽ, một tình mến thiết tha khi đến với Chúa và đến với anh chị em của chúng con. Amen.

Sống khiêm tốn và có đức tin – cứu mình và cứu người (18.09.2023)

“Ngay cả trong dân Ít-ra-en, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế.”

Trong cuộc sống, nếu như muốn thỉnh cầu điều gì với ai đó, chúng ta thường sẽ gặp trực diện để trình bày nguyện ước của chúng ta. Và khi cầu nguyện cũng thế, chúng ta đối diện với Chúa, để cầu xin Chúa ban cho chúng ta điều này điều kia (tất nhiên phải là những điều đẹp ý Chúa). Nhưng cũng không ít lần chúng ta cảm thấy mình chưa xứng hợp, nên đã nhờ Đức Mẹ hay các thánh cầu thay nguyện giúp cho chúng ta trước toà Chúa. Chúa đã đón nhận không chỉ vì Đức Mẹ hay các thánh cầu giúp, nhưng là vì tấm lòng tin tưởng chân thành của chúng ta.

“Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi… nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh.” Đây không phải lời cầu xin trực tiếp của viên đại đội trưởng ngoại giáo, nhưng là một lời thỉnh cầu gián tiếp của ông gửi đến Chúa Giêsu mà Tin mừng hôm nay thuật lại. Không những không có thành kiến với người ngoại, Chúa đã đón nhận lời thỉnh cầu của ông và còn biểu dương lòng tin của ông: “Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Ít-ra-en, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế.” Chính nhờ lòng tin này mà người nô lệ được Chúa chữa lành.

Viên đại đội trưởng tin vào sức mạnh của lời Chúa Giêsu, đối với ông, lời ấy có uy lực như một mệnh lệnh. Là một sĩ quan trong quân đội Rô-ma, ông hiểu thế nào là sự phục tùng của lính tráng dưới quyền, lệnh được ban ra là phải thi hành. Ông tin rằng lời của Chúa cũng thế, chỉ cần một lời cũng đủ làm cơn bệnh nguy tử phải thoái lui biến mất. Chúa Giêsu ngỡ ngàng trước một lòng tin mạnh mẽ như vậy, một lòng tin khó mà tìm thấy ở nơi dân Ít-ra-en. Ngài chưa đến nhà viên sĩ quan, chẳng gặp mặt ông, mới chỉ nghe những người bạn của ông thuật lại lời mà ông nhờ chuyển đi, và Ngài cũng không nói lời nào liên quan việc chữa bệnh, mới chỉ khen đức tin mạnh mẽ của ông, vậy mà sau đó anh nô lệ đã được khỏi.

Viên đại đội trưởng là một người khiêm nhường. Ông biết rất rõ rằng, một người Do-thái bị luật pháp của họ cấm bước chân vào nhà một người dân ngoại. Ông cũng biết rõ rằng, một người Do-thái sẽ không cho phép người dân ngoại bước chân vào nhà mình hay là tiếp xúc với người đó. Chính vì thế mà ông không dám đích thân đến với Chúa Giêsu, nên đã nhờ các bạn người Do-thái của mình đi gặp Ngài.

Suy gẫm về lòng khiêm nhường và đức tin chân thành của viên đại đội trưởng ngoại giáo, chúng ta được mời gọi học theo gương sống đức tin ấy, để chúng ta chân thành và tin tưởng khi cầu xin trực tiếp cùng Chúa hoặc khi chúng ta phó phác lời cầu xin của chúng ta cho Đức Mẹ hay các thánh, để đáng được Chúa ban ơn cứu giúp và chữa lành khi chúng ta gặp khó khăn, khổ đau hay bệnh tật.

Chúng ta hãy lấy lời của viên đại trưởng, cũng là lời thưa với Chúa Giêsu trước khi rước lễ, để xin Chúa luôn ngự trị trong tâm hồn ta và biến đổi ta nên con người luôn biết sống khiêm nhường và biết phó thác cậy trông vào Chúa: Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh.

Joston

Sống tử tế, khiêm tốn và có đức tin (12.09.2022)

Ngày 12.09: Lễ Nhớ Danh Thánh Đức Ma-ri-a

“Ngay cả trong dân Ít-ra-en, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế.”

Bài Tin Mừng hôm nay gợi mở cho người Kitô hữu về lối sống đẹp lòng Thiên Chúa và được mọi người quý mến, đó là lối sống cao đẹp của viên đại đội trưởng người Rô-ma, và là dân ngoại theo quan điểm người Do-thái thời bấy giờ. Vậy ở ông này có điểm gì mà được Chúa Giêsu khen ngợi? Chắc chắn là cách sống mà Chúa mong muốn mỗi người chúng ta phải hướng tới.

Trước hết ta thấy sự tử tế của viên đại đội trưởng này. Ông tử tế với người ăn kẻ ở, thể hiện ở tình thương chân thành, quan tâm lo lắng và vất vả ngược xuôi nhiều nơi tìm thầy tìm thuốc để cứu chữa người nô lệ của ông – một người ông yêu quý đang bệnh nặng gần chết. Hiếm có người chủ nào có lòng thương xót đầy tớ mình như vậy.

Ông tử tế với người Do-thái và là người có uy tín trong dân. Ông sống đẹp lòng họ, quan tâm đến họ, đến cả tôn giáo của họ. Chính vì vậy mà ông được người Do-thái quý mến qua lời xác nhận: “ông quý mến dân ta, vả lại chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta.” Ông là người khôn ngoan khi biết dùng của cải để mua lấy tình bằng hữu. Để bây giờ khi gặp khó khăn, thì chính những kỳ mục Do-thái đến gặp Chúa Giêsu để xin Người giúp đỡ ông ấy. Có lẽ đây là hình thức biết ơn của người Do-thái và cũng là sự tương giao tốt đẹp giữa người đô hộ và kẻ bị đô hộ, giữa người ngoại và người Do-thái mà chúng ta hiếm thấy trong Tin Mừng.

Và hơn hết thảy, viên đại đội trưởng này có lòng tử tế với Chúa Giêsu. Kính trọng Chúa Giêsu, ông nghĩ mình không xứng đáng đến gặp trực tiếp Người, nên ông đã nhờ những người có uy tín trong đạo làm trung gian giúp ông tiếp cận Chúa Giêsu để xin Ngài cứu chữa cho người nô lệ của ông. Hành động ứng xử tinh tế này cho thấy ông quả là con người hết sức nhân bản và tử tế.

Bên cạnh đó, ông này là một người rất mực khiêm nhường. Với địa vị của mình, ông ta có thể ra lệnh cho Chúa Giêsu, yêu cầu Người đến chữa bệnh cho đầy tớ ông ta. Nhưng không, ông nhận mình là người bé nhỏ, “không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài”. Và khi Chúa Giêsu cùng những người khác đến gần nhà ông thì gặp nhóm bạn hữu của ông, do ông phái tới thân thưa rằng: “tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi”, ông cho rằng ngôi nhà này không xứng đáng để tiếp đón Chúa. Có lẽ ông cũng hiểu luật Môsê, người Do-thái không vào nhà dân ngoại vì sợ ô uế. Sự khiêm nhường này còn nói lên sự nhỏ bé, yếu đuối của con người trước quyền năng thần linh và ngày nay chúng ta vẫn nhắc lại lời này trước khi lên rước Mình Thánh Chúa.

Viên đại đội trưởng tuy là dân ngoại, nhưng lại có lòng tin mạnh mẽ đáng ngưỡng mộ. Khi ông ý thức về sự khiêm nhường của mình cũng là lúc ông nhận ra quyền năng của Chúa Giêsu: “xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh.” Ông tin rằng Chúa Giêsu có quyền trên bệnh tật, trên sự chết. Tên đầy tớ của ông đang bị bênh, gần chết, nhưng nếu Chúa Giêsu ra lệnh đẩy lui bệnh tật, xua đuổi tử thần, thì chắc chắn đầy tớ của ông sẽ lành bệnh và không phải chết. Chúa Giêsu thấy được lòng tin vững chắc cùng sự khiêm tốn chân thành của ông, Người tỏ ra thán phục và khẳng định: “Ngay cả trong dân Ít-ra-en, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế.” Nhờ lòng tin này mà phép lạ đã xảy ra với người đầy tớ của ông ngay khi Chúa Giêsu nói những lời trên. Đó cũng là phần thưởng dành cho người công chính vì tin vào Chúa Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, xin gia tăng thêm đức tin, củng cố niềm trông cậy và lòng khiêm nhường nơi chúng con, xin cho chúng con biết quan tâm đến tha nhân và những nhu cầu của tha nhân để con trở nên nhân chứng cho Tin Mừng của Chúa qua việc phục vụ và đem lại niềm vui cho người khác. Xin cho con biết tin tưởng vào quyền năng của Chúa và phó thác nơi Chúa trong mọi sự. Amen.

Joston

Đáng được thương (13.09.2021)

Ngày 13.09: Lễ Nhớ Thánh Gio-an Kim Khẩu, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

Trong cơn đại dịch hôm nay có rất nhiều người đáng thương, có rất nhiều hoàn cảnh đáng thương. Trước tiên là những người bị con virus Covid 19 nhiễm vào mình làm cho họ phải cắt đứt mọi mối tương giao với thế giới xung quanh, cắt đứt mọi tình thân ruột thịt gia đình để bị cách ly một mình trong một thế giới một mình. Họ bị đối xử phân biệt xa cách như một người phong cùi ngày xưa. Họ thật đáng thương.

Họ còn đáng thương hơn nữa, khi họ biết mình đã bị nhiễm phải ra đi. Có những người run sợ từng bước khi lên xe đi cách ly, từng thớ thịt run rẩy khi khoác vào mình bộ áo bảo hộ, từng suy nghĩ hoang mang loé lên trong tâm trí, làm cho cả con người của họ trở nên vô vọng và sợ hãi. Họ chiến đấu một mình thật đáng thương.

Họ thật sự rất đáng thương khi họ cô đơn trong cơn hấp hối. Họ cạn kiệt sức lực, họ bất lực với bản thân, họ buông xuôi ý chí, họ không còn nghe được tiếng người thân yêu của mình, họ ngột ngạt một mình chiến đấu với sinh tử, và họ lặng lẽ ra đi khỏi cuộc đời. Không ai tiễn biệt, không ai khóc than, không ai nhìn thấy họ nữa. Họ chỉ còn nắm tro tàn, họ thật đáng thương.

Đó là sự đáng thương của người bị nhiễm Covid và vĩnh biệt ra đi. Còn người ở lại cũng rất nhiều đáng thương, những đứa trẻ mồ côi cha mẹ không nơi nương tựa, những tình nguyện viên hăng say quên mình dấn thân vào nơi nguy hiểm để cứu người… Tất cả đều đáng thương.

Tất cả dù sống hay chết họ đều đáng thương. Đáng thương vì họ là thân phận con người, thân phận bụi tro sinh ra rồi chết để trở về với bụi tro. Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 7, 1-10) đã tường thuật lại câu chuyện người nô lệ bệnh nặng gần chết được thân chủ yêu thương, vì anh ta sống đẹp lòng ông chủ nên anh đáng được yêu thương. Vì đáng được thương nên anh ta được ông chủ đi tìm Chúa Giêsu để được chữa lành.

Ông chủ chính là viên sĩ quan đại đội trưởng, ông ta đáng được thương trên hết vì ông ta có lòng thương người, có công đức cho đời, có lòng tin vững chắc, tin vào quyền năng của Chúa Giêsu chỉ cần phán một lời thì đầy tớ của ông ta được khỏi bệnh, “⁷ Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh” (Lc 7, 7), và Chúa Giêsu đã khen ông ta: “Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Ítsraen, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế” (Lc 7, 9).

Đức tin có việc làm là đức tin được cứu độ, được chữa lành, được bình an, như thánh Giacobe tông đồ đã nói: “Đức tin không việc làm là đức tin chết” (Gc 2, 17), thánh nhân còn nói: “Tôi sẽ lấy việc làm mà chỉ cho anh thấy đức tin của tôi” (Gc 2, 18). Việc làm của đức tin là từ bỏ chính mình và vác thập giá của mình mà theo Chúa (Mc 8, 34), Chúa dạy rằng: “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8, 35).

Trong cơn đại dịch hôm nay, nó rất là nguy khốn, nhưng cũng chính là cơ hội lớn lao cho những ai yêu mến Thiên Chúa để thể hiện đức tin bằng việc làm của mình. Những thiện nguyện viên sẵn sàng xả thân quên mình để phục vụ tha nhân, biết rằng nguy hiểm nhưng vẫn dấn thân, có người đã chết vì phục vụ.

Đặc biệt, những ai có đức tin vững mạnh như viên đại đội trưởng, như lời Chúa Giêsu dạy: liều mất mạng sống vì Tôi và Tin Mừng, chắc chắn họ sẽ không thấy cô đơn nao núng vì Chúa ở bên họ; chắc chắn ho không run rẩy sợ hãi vì Chúa Giêsu đang đồng hành với họ; họ sẽ thất vọng trong giờ phút lâm chung vì có Chúa Giêsu đang chờ đón họ trên thiên đường.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin cho con một đức tin vững vàng, một đức tin kiêu hùng, một đức tin duy nhất để con không thấy cô đơn, để không thấy sợ hãi và để con hy vọng được Chúa trao ban cho con sự sống đời đời trên Nước Trời.

Hư Vô

Tin tuyệt đối (16.09.2019)

“Xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ tôi được khỏi bệnh.” ( Lc 7,7)

Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy một lòng tin tuyệt đối của viên đại đội trưởng vào quyền năng Chúa. Ông đặt trọn niềm tin tưởng tuyệt đối nơi Chúa nên mới cầu xin rằng: “Xin Ngài cứ nói một lời thì đầy tớ tôi được khỏi bệnh”. Câu nói của đại đội trưởng ngày xưa đã được Hội Thánh đưa vào phần Phụng Vụ Thánh Thể, sau khi Cha chủ tế đọc lời truyền phép…, giáo dân thưa: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh.”

Huynh Đoàn Đa Minh của anh có một thành viên là tân tòng cũng hơn ba năm nay, gia đình của tân tòng vừa rồi có đứa con lâm bệnh hiểm nghèo, họ nghe người lương quen cũ rỉ tai xúi quẩy: “Ông thầy pháp sư này cao tay lắm, bệnh gì chữa cũng khỏi…”, thế là họ lén lút xuống miền Tiền Giang tìm gặp ông thầy bùa ngải và mua thuốc bùa đắt giá 20 triệu về cho con mình uống trong vòng một tháng. Đứa con hai sáu tuổi uống hết thuốc mà bệnh chẳng thuyên giảm, xem chừng còn nặng hơn trước, lúc này họ mới rụt rè đến nhà anh trưởng Đa Minh kể chuyện đó… Anh trưởng khuyên họ đi xưng tội và xin Lễ cầu nguyện với Chúa, phải hết lòng tin tưởng vào quyền phép Chúa nhờ lời Đức Mẹ và Cha Thánh Giuse cầu bầu, rồi đưa con đi bệnh viện chữa theo khoa học đàng hoàng chứ không nên mê tín dị đoan…. Gia đình người tân tòng giờ đã biết tỉnh ngộ và đặt hết lòng tin tưởng vào Chúa. Sau ba tháng đứa con đến bệnh viện điều trị trong lời cầu nguyện của gia đình và Huynh Đoàn Đa Minh, hiện giờ em đã bình phục và siêng năng đi dự lễ cùng gia đình, cả nhà sốt sắng kinh hạt sớm tối bằng tất cả tâm hồn đầy tình yêu mến Chúa, và sống bác ái với mọi người thật tốt đẹp lắm thay.

“Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh.” Xin ban thêm lòng tin còn non yếu của chúng con lạy Chúa, xin giúp chúng con có được đức tin tuyệt đối vào Chúa như viên đại đội trưởng trong bài Tin Mừng hôm nay. Amen.

BCT

Sức mạnh của lòng tin (17.09.2018)

Ghi nhớ:

“Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh” (Lc 7,7).

Suy niệm: 

Người DoThái được sống gần kề Chúa Giêsu, họ đã chứng kiến biết bao phép lạ Chúa làm, nhưng họ vẫn cứng lòng tin, không tin vào Người, nên Chúa nói: “không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”. Quả đúng là như vậy, như trong tục ngữ Việt Nam ta có câu “gần chùa gọi bụt bằng anh”.  Thế nhưng, viên đội trưởng tuy không gặp gỡ Chúa bao giờ, nhưng ông đã thể hiện lòng tin, lòng kính trọng Chúa Giêsu, ngay qua lời nói của ông đã minh chứng lòng tin tuyệt đối rồi: “Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh”. Ở đây viên đội trưởng là dân ngoại, có một sự khôn ngoan đặc biệt, được thể hiện qua lòng tin tuyệt đối, mãnh liệt, sâu sắc, lòng tin của viên đội trưởng là tin tưởng chấp nhận vô điều kiện uy quyền của Đức Kitô. Với đức tin mạnh mẽ, ông tin rằng Chúa Giêsu có quyền năng chữa bệnh, chỉ cần một câu nói của Ngài, thì tôi tớ tôi được khỏi bệnh. Lòng tin đó đã giúp ông vượt thắng tất cả.

Trải qua bao đời nay, Thiên Chúa luôn sẵn sàng ban ơn, chữa bệnh từ tâm hồn hay thể xác cho mọi người, nếu chúng ta có lòng tin vào Ngài. Với sức mạnh của lòng tin, con người trong mọi nguy nan cuộc sống luôn biết chạy đến cùng Chúa, tin tưởng vào lòng thương xót của Ngài, và đến với Mẹ Maria qua lời cầu bầu của Mẹ là máng chuyển đến cùng Thiên Chúa. Tuy nhiên, thế giới ngày nay cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, các phương tiện truyền thông đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự giả dối sinh sôi nảy nở, con người dễ sa đà vào con đường bất chính, tội lỗi. Trong mọi hoàn cảnh như trên, nhờ sức mạnh của lòng tin vẫn còn hiện diện trong tâm hồn của người Kitô hữu, được đắp xây bằng nền tảng chân lý của Thiên Chúa, từ đó cũng bằng môi miệng hay chính phương tiện truyền thông cũng là nơi truyền tải lời Chúa hay Tin Mừng đến với nhau, bằng sự cảm thông, yêu thương, chia sẻ với nhau bằng lời nói hay việc làm.

Là một Kitô hữu, suốt hành trình tôi tìm về nhà Cha, tôi tự nhủ với lòng mình hãy học như viên đội trưởng ở sự khôn ngoan, được củng cố và xây dựng  lòng tin  thật kiên cố, vững vàng, qua lời khẩn cầu cùng Thiên Chúa đầy lòng bao dung thương xót mọi người tội lỗi, Ngài đầy sự yêu thương, tha thứ cho hết thảy mọi người biết thật lòng thống hối ăn năn.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa! Xin thêm sức mạnh của lòng tin nơi chúng con, vì đức tin con còn nhiều sự hèn kém, non yếu, dễ lung lạc, để con nhận ra Chúa luôn dõi theo và hiện diện từng bước trong cuộc đời, trong tâm tình cảm tạ hồng ân Thiên Chúa đã gởi cho con bao nỗi thương đau, bao bất hạnh, cũng là lúc con được thanh luyện, đổi mới tâm hồn hay đời con, để mọi biến cố cuộc đời là một hành trình con đang tìm kiếm đức khôn ngoan đích thực của đời sau. Amen.

Sức mạnh của lòng tin (12.09.2016)

1. Ghi nhớ:

“Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh” (Lc 7,7)

2 Suy niệm: 

“Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh”. Đây là lời thiết tha thỉnh nguyện của viên đội trưởng, đồng thời thể hiện lòng tin của ông sẽ thắng vượt tất cả vì “lòng có đầy, miệng mới nói ra” (Lc 6, 45). Hay trong ca dao vẫn thường nói: “người giàu tăng của, người khôn tăng lời”. Ở đây viên đội trưởng là dân ngoại nhưng có một sự khôn ngoan đặc biệt, được thể hiện qua lòng tin tuyệt đối, mãnh liệt, sâu sắc, lòng tin của viên đội trưởng là ở chỗ chấp nhận vô điều kiện uy quyền của Đức Kitô. Với đức tin mạnh mẽ, ông tin rằng Chúa Giêsu có quyền năng chữa bệnh, chỉ cần một câu nói của Ngài, thì tôi tớ tôi được khỏi bệnh.

Trải qua bao đời nay, Thiên Chúa luôn sẵn sàng ban ơn, chữa bệnh từ tâm hồn hay thể xác cho mọi người, nếu chúng ta có lòng tin vào Ngài. Với sức mạnh của lòng tin, con người trong mọi nguy nan cuộc sống luôn biết chạy đến cùng Chúa, tin tưởng vào lòng thương xót của Ngài, và đến với Mẹ Maria qua lời cầu bầu của Mẹ là máng chuyển đến cùng Thiên Chúa. Tuy nhiên, thế giới ngày nay cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, các phương tiện truyền thông đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự giả dối sinh sôi nảy nở, con người dễ sa đà vào con đường bất chính, tội lỗi. Trong mọi hoàn cảnh như trên, nhờ sức mạnh của lòng tin vẫn còn hiện diện trong tâm hồn của người Kitô hữu, được đắp xây bằng nền tảng chân lý của Thiên Chúa, từ đó cũng bằng môi miệng hay chính phương tiện truyền thông cũng là nơi truyền tải lời Chúa hay Tin Mừng đến với nhau, bằng sự cảm thông, yêu thương, chia sẻ với nhau bằng lời nói hay việc làm.

Là một Kitô hữu, suốt cuộc đời tôi tự nhủ với lòng mình hãy học như viên đội trưởng ở sự khôn ngoan, được củng cố và xây dựng  lòng tin  thật kiên cố, vững vàng, qua lời khẩn cầu cùng Thiên Chúa: “Nơi Thánh Điện, tôi hằng cầu xin, và cho đến mãn đời, tôi vẫn tìm kiếm đức khôn ngoan” (Hc 51, 14).

3. Cầu nguyện:

Lạy Chúa! Xin thêm sức mạnh của lòng tin nơi chúng con, vì khi đức tin con còn nhiều sự hèn kém, non yếu, dễ lung lạc, để con nhận ra Chúa luôn dõi theo và hiện diện từng bước trong cuộc đời, trong tâm tình cảm tạ hồng ân Thiên Chúa đã gởi cho con bao nỗi thương đau, bao bất hạnh, cũng là lúc con được thanh luyện, đổi mới tâm hồn hay đời con, để mọi biến cố cuộc đời là một hành trình con đang tìm kiếm đức khôn ngoan đích thực của đời sau. Amen.

M.Liên 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *