Thư mục vụ Mùa Chay 2020 của TGP. Sài Gòn và Hà Nội

2.  Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thư mục vụ Mùa Chay và Phục Sinh 2020

Ngày 24 tháng 2 năm 2020

TOÀ TỔNG GIÁM MỤC

180 Nguyễn Đình Chiểu – Quận 3

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

(84.8) 3930 3828

Email: tgmsaigon@gmail.com

THƯ MỤC VỤ MÙA CHAY VÀ PHỤC SINH

Kính gởi quý cha, quý tu sĩ, chủng sinh,
và anh chị em tín hữu trong Tổng giáo phận

Anh chị em thân mến,

1. Mùa Chay và Mùa Phục sinh là thời gian canh tân đời sống Kitô hữu nhờ thông phần vào mầu nhiệm Thánh giá và Phục sinh của Chúa Giêsu. Trong thời gian thánh thiện này, tất cả các sinh hoạt đạo đức đều nhằm làm cho sự sống của Chúa lớn lên trong chúng ta. “Sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô vì Người là Đầu” (Ep 4, 15) : thánh Phaolô muốn nói về sự tăng trưởng toàn diện của các Kitô hữu, không những trên bình diện cá nhân, mà cả trong chiều kích Giáo hội và vũ trụ. Trên bình diện cá nhân, không phải chỉ có người trẻ mới cần “tiến tới sự trưởng thành toàn diện” như đã được đề ra cho Năm giới trẻ, mà tất cả các Kitô hữu đều cần lớn lên về mọi phương diện, không ngừng vươn lên tới Chúa để sự sống thần linh của Chúa sung mãn trong chúng ta. Ngay cả những người cao niên, dù đã già về tuổi tác nhưng vẫn còn phải lớn lên để “già dặn” hơn trong đời sống đức tin; dù thân xác có thể đã cằn cỗi nhưng con tim vẫn không ngừng lớn lên và mở rộng để ôm trọn mọi người bằng tình yêu của Chúa.

2. Định hướng để chúng ta lớn lên là chính Đức Kitô : “vươn tới Đức Kitô là Đầu”. Nếu không có điểm nhắm này, cuộc đời sẽ trôi dạt lệch hướng, và như vậy chúng ta có nguy cơ đánh mất cuộc đời. Thực tế nạn dịch do virus corona là một tai họa nhưng cũng là cơ hội cho chúng ta thức tỉnh. Cả thế giới đang lo âu trước sự lây lan của virus rất nhỏ bé không thể thấy bằng mắt thường. Bao nhiêu cường quốc trên thế giới, bao nhiêu bác sĩ và nhà khoa học tài ba, bao nhiêu người giàu có và quyền lực, bao nhiêu súng ống bom đạn, tất cả hiện nay vẫn đang bất lực trước chủng virus mới đe dọa mạng sống con người. Thế mà người ta cứ tưởng mình vĩ đại đến độ muốn loại trừ Thiên Chúa toàn năng. Chúng ta sợ hãi trước virus nhưng lại không biết kính sợ Thiên Chúa và qui hướng về Ngài. Con virus nhỏ bé nhắc nhở chúng ta về sự mong manh yếu đuối của thân phận con người để chúng ta khiêm tốn hơn và định hướng lại cuộc đời mình, quay về với Chúa Giêsu, bước theo Chúa Giêsu để sự sống của Chúa Giêsu Phục sinh ngày càng lớn lên trong chúng ta.

Chúa không lấy mất của chúng ta điều gì, Ngài chỉ muốn chúng ta qui hướng về Ngài và sắp xếp cuộc đời theo định hướng đó. Đây chính là sự sám hối đúng nghĩa. Metanoia thường được dịch là sám hối, nhưng sâu xa hơn, đó là sự đảo ngược lòng trí để hướng cuộc đời về Chúa.

3. Các việc đạo đức trong Mùa Chay sẽ giúp chúng ta “lớn lên về mọi phương diện”.

– Cầu nguyện : Sự sống của Thiên Chúa mà chúng ta lãnh nhận trong ngày Rửa tội mới chỉ là mầm sống nhỏ bé, cần được nuôi dưỡng để lớn mạnh nhờ việc chuyên chăm cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích. Mặc dù cuộc sống hôm nay rất bận rộn vội vã, anh chị em hãy sắp xếp để dành thời giờ cho Chúa; nếu không, chúng ta sẽ không có sự sống và tư tưởng của Chúa để sống như một người con Chúa. Đặc biệt, trong các tuần tĩnh tâm Mùa Chay, nhờ việc suy gẫm Lời Chúa, xưng tội và tham dự thánh lễ, chúng ta sẽ lớn lên trong sự sống của Chúa Ba Ngôi, “được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10).

– Chay tịnh : Làm chủ dục vọng là điều cần thiết để con người triển nở quân bình và toàn diện. Tuy nhiên, trào lưu của văn hóa hưởng thụ lại khơi dậy các dục vọng và thúc đẩy người ta thỏa mãn chúng. Muốn làm chủ các dục vọng lệch lạc của “con người xác thịt” để “con người thiêng liêng” lớn lên, chúng ta hãy tập hy sinh hãm mình. Càng biết từ bỏ những ham muốn tự nhiên, chúng ta sẽ càng có tinh thần mạnh mẽ và có sức đề kháng chống lại “virus tội lỗi” luôn rình rập xâm nhập mỗi người chúng ta.

– Bác ái : Đất nước càng phát triển thì hố sâu ngăn cách giàu nghèo lại càng tăng, nhiều người phải sống trong điều kiện thiếu thốn hoặc bị bỏ rơi. Đặc trưng của Kitô giáo là yêu thương như Chúa đã yêu, đặc biệt là yêu thương người nghèo khổ. Trong Mùa Chay, xin anh chị em hãy chứng tỏ lòng bác ái qua việc quảng đại chia sẻ và giúp đỡ những người nghèo khổ, bệnh tật, gặp nghịch cảnh hoặc bị bỏ rơi. Càng cho đi, chúng ta càng được lớn lên; ngược lại, càng ích kỷ, chúng ta lại càng nghèo nàn và nhỏ bé.

Anh chị em thân mến,

4. Chúng ta tiếp tục dành Mùa Chay năm nay để ủng hộ cho việc trùng tu Nhà thờ Đức Bà. Công việc còn kéo dài, chúng ta hãy giữ ngọn lửa nhiệt tình cháy mãi, đừng để nguội dần và sa sút theo năm tháng. Anh chị em đã rất quảng đại trong những năm qua, xin cám ơn anh chị em. Chúa sẽ bù đắp gấp trăm những gì anh chị em dâng hiến cho Giáo hội và người nghèo khổ.

Dịch Covid-19 vẫn đang lây lan. Chúng ta hãy cầu nguyện cho nạn dịch mau qua, cho các bệnh nhân được Chúa chữa lành. Xin Chúa nâng đỡ gia đình của họ và cho những người đã qua đời được an nghỉ trong tình thương của Chúa.

Xin cầu chúc cho mọi thành phần Dân Chúa trong Tổng giáo phận một Mùa Chay thật sốt sắng và một Lễ Phục Sinh thánh thiện vui tươi. Anh chị em đừng quên cầu nguyện cho chúng tôi.

 

(đã ký)

+ Giuse NGUYỄN NĂNG

Tổng Giám mục

+ Louis NGUYỄN ANH TUẤN

Giám mục Phụ tá

1. TGP Hà Nội: Thư mục vụ mùa Chay 2020

huy hieu duc tong vu van thien

TÒA TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI

40 Phố Nhà Chung – Hà Nội

THƯ MỤC VỤ MÙA CHAY 2020

TẢI VỀ FILE PDF

 

Kính gửi Quý Cha, Quý Tu sĩ, Quý Chủng sinh và Anh Chị Em tín hữu,

Với nghi thức sám hối và xức tro trên đầu, chúng ta cùng với Giáo Hội bước vào mùa Chay Thánh. Mùa Chay là hành trình đón nhận ơn cứu độ và hướng tới đời sống vĩnh cửu, nhờ hiệp thông với mầu nhiệm Thập giá và Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô. Qua cái chết và sự Phục Sinh, Chúa Kitô đã canh tân đổi mới mọi sự. Để bước theo Chúa Kitô trên con đường Hy Vọng, mỗi chúng ta phải đổi mới trái tim, đổi mới cuộc đời, nhờ những hoán cải cụ thể trong đời sống. Mùa Chay chính là thời điểm để chúng ta thực hiện những điều cụ thể ấy.

1- Sống có trách nhiệm

Hơn lúc nào hết, mùa Chay mời gọi chúng ta sống có trách nhiệm trong mối tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân, với môi trường sinh thái và đối với chính cuộc đời mình. Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn “Amazon Yêu Quý” công bố ngày 12 tháng 02 vừa qua đã nhấn mạnh: “Chăm sóc anh chị em chúng ta như Chúa chăm sóc chúng ta, đó “là hệ sinh thái đầu tiên chúng ta cần”. Chăm sóc môi trường và chăm sóc người nghèo là hai điều “không thể tách rời nhau” (x. các số 41-42). Sống có trách nhiệm là cẩn trọng trong ứng xử, trong lời nói và trong những quyết định của mình, để vừa thể hiện được sự tôn trọng đối với người khác, vừa xây dựng mối tương quan hài hoà với thế giới xung quanh.

Trước hết là sống có trách nhiệm trước mặt Chúa. Trong Sứ điệp mùa Chay truyền thống năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi mọi tín hữu trở về với Chúa. Với đề tài:“Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa” (2 Cr 5,20), Vị Mục tử tối cao của Giáo Hội Công giáo đã khuyên nhủ các tín hữu vượt lên mọi toan tính nhỏ nhen của đời thường, chấp nhận mọi hy sinh trên con đường trở về với Chúa để giao hòa với Ngài Làm hòa với Thiên Chúa là trở về với Đấng là Cha giàu lòng thương xót, để được thanh tẩy khỏi những vết nhơ tội lỗi. “Đây là thời Thiên Chúa thi ân, là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2 Cr 6,2). Nhờ Đức Giêsu Kitô, chúng ta được làm con Thiên Chúa. Chính Người đã đổ máu mình ra làm hy lễ giao hòa và bình an, để nối lại mối dây hiệp thông của tình yêu Thiên Chúa với trái tim con người. Hãy trở về để được sống trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa. Sống có trách nhiệm trước mặt Chúa là nhận ra sự hiện hữu của Ngài, và tin vào Đấng Ngài sai đến là Đấng Cứu độ trần gian.

Sống có trách nhiệm với tha nhân. Con người gặp gỡ và yêu mến Thiên Chúa nơi chính tha nhân. Chay tịnh và khổ chế chính là vượt qua sự tự mãn về cái tôi của mình, là thay đổi thái độ đối với người khác, yêu mến anh chị em và sống bao dung đối với người thù ghét mình. Nhờ lòng mến Chúa yêu người, Thiên Chúa và tha nhân hòa hợp làm một trong cõi lòng ta.

Sống có trách nhiệm với môi trường sinh thái. Lòng tham của con người đang tạo nên cuộc khủng hoảng sinh thái nghiêm trọng, và chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc tàn sát môi sinh. Các Kitô hữu được mời gọi sử dụng và chia sẻ tài nguyên Chúa ban trong niềm vui và sự điều độ. “Thống trị trái đất” không có nghĩa là khai thác một cách vô trách nhiệm, cũng không phải là hủy hoại thiên nhiên, nhưng là “vun trồng và giữ gìn trái đất”, là ngôi nhà chung của nhân loại. Sống có trách nhiệm với môi trường là bảo vệ thiên nhiên, tôn trọng nguồn nước, cẩn trọng khi sử dụng những hóa chất độc hại.

Sống trách nhiệm với bản thân. Được hiện hữu trên đời là một diễm phúc. Chúa dựng nên ta và trao ban cho ta một sứ mạng phải hoàn thành. Chúng ta chỉ thực sự sống khi mỗi ngày thấy mình lớn lên, vui tươi, hân hoan yêu đời, chan hòa với đất trời, dù có khó khăn cũng dám dấn thân để yêu thương, để sống vì hạnh phúc của người khác. Như cây cần sinh hoa thơm trái ngọt, con người cũng phải cống hiến một điều gì đó cho đời. Đó mới thực là sống! Sống trách nhiệm với bản thân là cố gắng hoàn thiện bản thân, xa tránh những tệ nạn xã hội, quảng đại chia sẻ với tha nhân.

2- Sống Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến

Trong những ngày này, cả thế giới đang hoảng loạn vì ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Đại dịch này vừa cho chúng ta thấy sự mỏng manh của thân phận con người, vừa nhắc nhớ chúng ta: chính con người là nguyên nhân gây ra những đại hoạ cho thế giới. Quả vậy, cuộc sống của chúng ta bị đe doạ bởi những hành động phá hoại môi trường sinh thái, bởi những công nghệ sản xuất vũ khí nguyên tử và vũ khí sinh học, bởi những bất cẩn buông lỏng trong việc xử lý chất thải công nghiệp. Những hậu quả khôn lường còn có nguyên nhân do việc khước từ Thượng Đế, phủ nhận những giá trị đạo đức và tâm linh, sống buông thả và coi nhẹ luân thường đạo lý. Đại dịch này cũng giúp chúng ta nhận thức về lối sống của mình trong xã hội và trong cộng đoàn. Đừng để mình bị nhiễm “virus thờ ơ” đối với Thiên Chúa, vô cảm đối với tha nhân. Đừng sống như những con virus bất chấp, tìm cách sinh tồn bằng mọi giá mà không để ý đến thiệt hại của người xung quanh. Trước hoàn cảnh này chúng ta được mời gọi sống Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến, tức là nhận ra quyền năng của Thiên Chúa, xác tín vào tình yêu thương của Ngài và dành cho Ngài một tình yêu trọn vẹn. Lòng cậy trông vào Chúa bảo đảm với chúng ta: Thiên Chúa sẽ chữa lành thế giới!

3- Sống thánh thiện

Chúng ta bước vào mùa Chay trong năm mục vụ “Nên Thánh” của Tổng Giáo phận. Tất cả các tín hữu đều được mời gọi sống thánh thiện. Thiên Chúa là “Đấng Thánh, là nguồn mọi sự thánh thiện”, Ngài đang chờ đợi và sẵn sàng ban cho chúng ta một trái tim mới, thay thế trái tim đã già cỗi và chai đá. Nên thánh trong hy sinh vì lợi ích tha nhân. Nên thánh trong việc đón nhận Thánh Ý Chúa với lời xin vâng trọn vẹn. Nên thánh giữa dòng đời tục lụy là một thách đố nhưng không phải là không thể. Khi thiện chí của con người cộng tác với ơn Chúa, chúng ta sẽ thấy những điều kỳ diệu. Nhờ đời sống thánh thiện, chúng ta sẽ trở nên hình ảnh sống động của Chúa Giêsu giữa trần gian.

4- Những thực hành cụ thể

Thực hành chay tịnh là những việc làm cụ thể đẹp lòng Thiên Chúa, chứng tỏ tinh thần sám hối của mỗi người chúng ta. Xin Anh Chị Em hãy thực hiện một số việc làm cụ thể sau đây trong mùa Chay Thánh này:

– Sống tinh thần Sám hối và Hòa giải qua việc xét mình và xưng tội. Xin các Cha thực hiện Đức ái mục tử qua việc siêng năng ngồi tòa giải tội, chu đáo và tận tâm dọn bàn tiệc Thánh Thể và Lời Hằng Sống nuôi dưỡng Dân Chúa qua mỗi thánh lễ.

– Mỗi người hãy tập sống tĩnh lặng, nhất là tĩnh lặng nội tâm để thoát khỏi những bon chen tranh giành, những toan tính vị kỷ và những xúc phạm đến người khác. Nhờ thinh lặng nội tâm, chúng ta sẽ được lắng nghe tiếng Chúa, dành thời gian cầu nguyện, gặp gỡ anh chị em và thăm viếng bệnh nhân.

– Chung tay làm mới lại môi sinh bằng lối sống xanh – sống đơn giản, giảm bớt những chi tiêu không cần thiết, tham gia làm sạch môi trường nơi mình đang sống.

Thưa Quý Cha và Anh Chị Em,

Mùa Chay là cơ hội thuận tiện để chúng ta gặp gỡ Chúa và gặp gỡ tha nhân. Đây cũng là thời điểm giúp chúng ta tiến bước trong lộ trình nên thánh. Qua những thực hành cụ thể nêu trên, chúng ta sẽ sống tinh thần Mùa Chay cách đích thực.

Nhờ lời cầu bầu của Đức Trinh nữ Maria và Thánh Cả Giuse, Quan thầy Tổng Giáo phận, xin Chúa ban cho mỗi chúng ta dồi dào ơn thánh, để nhờ những thực hành cụ thể của Mùa Chay, chúng ta đón nhận niềm vui thiêng liêng của Đấng Phục Sinh. Kính chúc Quý Cha, Quý Tu sĩ và Anh Chị Em luôn dồi dào sức mạnh, niềm vui và ơn Chúa.

 

Hà Nội, ngày 22 tháng 2 năm 2020

+Giuse Vũ Văn Thiên

Tổng Giám mục Hà Nội

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *