Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: Cl 3,12-17 (năm lẻ), 1 Cr 8,1-7.11-13 (năm chẵn), Lc 6,27-38
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 6,27-38)
27 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây : hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, 28 hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em, và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. 29 Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. 30 Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại. 31 Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. 32 Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa ? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. 33 Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa ? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. 34 Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa ? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. 35 Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.
36 “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. 37 Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. 38 Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”
Có lòng nhân từ (12.09.2024)
“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.”
Trong cuộc sống, chắc chắn ai trong chúng ta cũng thích được sống với những người mình quý mến; và cũng theo lẽ tự nhiên thì con người rất khó đón nhận, khó yêu những người mà mình cho là kẻ thù. Thế nhưng với Chúa Giêsu thì hoàn toàn khác, Ngài là hiện thân của Thiên Chúa tình yêu nên Ngài đã không bao giờ biết mệt mỏi khi tha thứ tội lỗi cho con người, cho những người làm hại đến Ngài, Ngài luôn chờ đợi để dang rộng cánh tay tha thứ cho những người tội lỗi biết thực lòng ăn năn sám hối trở về với Thiên Chúa. Thế nên, qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa đã mời gọi chúng ta hãy “yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em”.
Cái nhìn của Chúa luôn khác với con người, trên thế giới này chắc không ai giống Chúa cả. Chúa Giêsu là một gương mẫu của sự yêu thương và tha thứ. Chính Ngài yêu thương và tha thứ cho những kẻ vu khống, tố cáo và giết mình trên thập giá. Ngài đã yêu thương, tha thứ cho họ khi Ngài tự nguyện lấy mạng sống mình ra để chết thay cho người mình yêu. Ngài đã sống chứng tá Tin Mừng tình yêu triệt để, vì vậy Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy noi gương, hãy nên giống như Ngài trong tình yêu và biết tha thứ cho anh chị em mình nếu họ có lỗi và làm mất lòng ta với lời mời gọi: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.”
Để cho tâm hồn mình được nhẹ nhàng và thanh thản, có sự bình an, niềm vui của Chúa thì chỉ có một phương thế duy nhất là chúng ta có Chúa ở trong lòng. Và khi có Chúa, chúng ta trao ban tình yêu qua những việc làm cụ thể như Chúa đã yêu và hiến mạng sống vì chúng ta. Quả thật, nếu chúng ta chỉ nói yêu thương trên môi trên miệng, còn cách sống thì lại giận hờn, bực tức, thù hằn thì chưa thể nào là yêu thương thực sự. Bởi đó, Chúa Giêsu xác quyết với chúng ta rằng: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” Chính giới răn này đã thể hiện tình yêu trọn vẹn của Thiên Chúa. Đó cũng là nét cao quí nhất trong dung mạo Đấng Cứu Thế, Chúa Giêsu đến để yêu thương, cứu chuộc con người qua hành động rất hiện sinh và cụ thể: chết cho người mình yêu. Ngài đến để tha thứ và đem lại cho con người cơ hội để sám hối và canh tân đời sống hầu được ơn cứu độ.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta có một cái nhìn mới về tình yêu và lòng tha thứ, đó không phải là lời nói suông nhưng là hành động cụ thể: là yêu thương, là làm ơn, là chúc lành chứ không nguyền rủa, là làm ơn mà không cần trả ơn… không chỉ với người yêu thương mình mà còn với người thù ghét mình. Có như thế, đời sống chúng ta mới được bình an, sẽ nở hoa yêu thương, và cuộc sống ta đang sống sẽ đầy ắp tiếng cười, sự cảm thông và không còn thấy sự mệt mỏi khi chúng ta biết tha thứ cho nhau và luôn sẵn sàng nâng đỡ nhau.
Lạy Chúa Giêsu là Vua yêu thương, xin cho con hiểu và sống tinh thần yêu thương, tha thứ của Chúa, nhất là đối với những người đang thù ghét con bằng một tình yêu không giới hạn. Xin Chúa chúc lành cho mọi ngày sống của chúng con được sống trọn vẹn niềm vui, ân sủng, tình thương của Chúa ngang qua những cử chỉ tha thứ, lời nói yêu thương. Amen.
Joston
Cầu nguyện cho kẻ thù ghét ta (09.09.2021)
Cơn đại dịch Sar COVID 2 làm căn bệnh sợ hãi trỗi dậy trong chúng ta, căn bệnh bắt nguồn từ tâm lý lo sợ, lo lắng dẫn đến đức tin bị hoang mang. Tâm sự của các anh chị trong lớp học tập Docat được Cha giáo Vinh Sơn Đặc trách HĐGĐĐM TGP Sài Gòn hóa giải bằng sự vững tin vào Thiên Chúa. Đời sống đức tin của người giáo dân Đa Mình trưởng thành khi mình đặt niềm tin vào Thiên Chúa, Người luôn đồng hành và đang làm điều tốt cho thế giới chúng ta. Là thời điểm thể hiện đức tin, cậy, mến khi chúng ta đang dành nhiều thời gian quan tâm, cầu nguyện, chăm sóc cho những người trong gia đình, những người khu xóm xung quanh ta. Tận dụng thời gian này để làm nhiều điều bác ái, bác ái chính là dấu hiệu để nhận ra người môn đệ của Chúa Giê-su:”Nếu các con yêu thương nhau thì người ta sẽ nhận ra các con là môn đệ của Thầy”, việc chia sẻ vật chất hay tinh thần và ngay chính đời sống đạo đức hiện tại của mỗi gia đình cũng là chứng nhân cho Chúa.
Trong bài Tin Mừng hôm nay:“Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em”. Yêu kẻ thù sao? Chúng ta làm được điều ấy không? Trong thực tế, điều đó rất khó thực hiện, con người vốn tính ích kỷ, lại hay để lòng thù hận những gì người khác chơi xấu mình, sự trả đũa đối phương là điều sẽ xảy ra khi có cơ hội hoặc không tính chuyện ăn miếng trả miếng thì mặc nhiên xem như không còn sự tồn tại của người ấy. Khi chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giê-su, ta học được gì, đó là một tình yêu không giới hạn, Người thể hiện nơi tất cả mọi người, không phân biệt sang, hèn, với kẻ cô đơn, nghèo khó, bệnh tật… Người luôn chạnh lòng thương xót và cứu chữa. Thánh Anphongsô cũng chia sẻ: “Hãy làm ơn lành cho kẻ làm sự dữ cho ta, ít là hãy cầu nguyện cho kẻ ấy”. Làm sao chúng ta có được sự quảng đại, rộng lượng ấy nếu không mở lòng đón Chúa ngự trị và dẫn dắt chúng ta biết nhận ra điều gì tốt nên làm cho anh em và ngay kẻ thù ghét chúng ta.
Chúa đến thế gian với tình yêu của người cha hết lòng thương yêu con cái, Người cảm nhận được nỗi lo toan vất vả trong cuộc sống con người, hiểu được sự phiền muộn về đời sống tinh thần con người khi phải đối phó với nhau để dành phần thắng dù chỉ để hả cơn bực tức. Chúa đã thể hiện lối sống tràn đầy tình yêu thương với mọi người và dạy chúng ta biết chỉ có tình yêu thương mới làm cho chúng ta có đời sống tốt đẹp hơn.
Chúa nhiều lần khuyên răn chúng ta: “Anh em đừng xét đoán, anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán”, “Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha”. Chúng ta học kinh nghiệm của Thánh Tôma Aquinô: “Mặc dầu chúng ta không thể tránh được nghi ngờ điều xấu vì chúng ta là loài người, nhưng chúng ta phải kiềm hãm việc xét đoán”. Như vậy, xét đoán hay chỉ trích là điều chúng ta có thể kềm chế được, khi giữ mối tương quan mật thiết với Chúa trong cầu nguyện hàng ngày để xin Chúa soi sáng cho tâm trí của chúng ta luôn bình yên trước mọi hoàn cảnh, để chúng ta sẽ không đưa ra bất cứ lời chỉ trích, xét đoán nào với người anh em mình. Theo chân phước Don Michel Rua: “Nếu thấy một người có 99 khuyết điểm và chỉ có một khía cạnh tốt, hãy nâng cao khía cạnh tốt đó mà bỏ quên những khuyết điểm kia”.
Lạy Chúa, chúng con vốn dĩ là con người yếu đuối lại hay phạm lỗi lầm, xin cho chúng con nhận biết tâm tình và cái nhìn của Chúa, để chúng con luôn nhận ra Chúa nơi người anh em. Xin giúp chúng con luôn biết sống cảm thông, tha thứ và yêu thương.
Anna Anh
Tha thứ là hoa tình yêu (10.09.2020)
Cảm giác khi bạn bị vu oan, cơn giận dữ bùng lên làm bạn lập tức kể lể minh oan với mọi người rằng không chỉ bạn có lỗi, bạn muốn được sự đồng cảm của những người xung quanh, bạn thấy nhẹ lòng hơn vì bạn đã đỗ lỗi ngược lại cho người vu oan bạn. Vậy chúng ta có suy nghĩ gì khi Chúa Giê-su nói với các môn đệ : “Các con hãy yêu thương kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình”. ( Lc 6, 27-38)
Câu chuyện của Thánh Vinh Sơn PhaoLô, khi người đồng hương chung phòng vu khống ngài đã ăn cắp túi tiền của anh ta, vì sao ngài không tìm lời giải thích để biện minh cho mình mà lại chọn thái độ im lặng. Có phải vì ngài tự nhủ khi nâng tâm hồn lên với Chúa, ta sẽ chịu đựng điều đó một cách kiên nhẫn. Điều đó làm chúng ta nhớ lại “Thiên Chúa là Tình yêu”, người Ki-tô hữu yêu thương hết mọi người, không loại trừ ai, yêu cả kẻ thù. Thánh Augustino chia sẻ: “Chúng ta hãy yêu nhau bằng con tim của Thiên Chúa”. Theo Martin Luther King “Yêu thương là sức mạnh duy nhất có thể biến kẻ thù thành bạn”.
Chúa Giê-su dạy các môn đệ: “Các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ”. Tha thứ có phải là hành động dễ dàng thực hiện được không? Dân gian Việt Nam có câu: “Bằng mặt chứ không bằng lòng” nói lên điều rất khó bỏ qua cho ai đó phạm lỗi với ta. TheoThánh Mattheu 6, 14 “Nếu các ngưòi tha thứ cho những điều họ sai lỗi thì Cha các người, Đấng ngự trên trời, cũng sẽ tha thứ cho các người”. Vậy làm thế nào để có lòng yêu thương, khoan dung, nhân hậu, vị tha, như Chúa Giê-su đã từng tha thứ cho những kẻ hành hạ Người.
Chân phước Maurice Tornay nói: “Chúng ta phải tha thứ cho nhau vô điều kiện, bởi vì Thiên Chúa nhân lành, luôn thương xót và tha thứ mọi lỗi lầm của chúng ta trước”. Thánh Vinh Sơn PhaoLo chia sẻ : “Tha thứ một oán thù là tự chữa lành vết thương lòng mình”. Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta phải tha thứ và tha thứ luôn. Chúng ta cần cầu xin Chúa biến đổi tâm hồn mỗi người dầm thấm mình bằng tình yêu của Chúa để chúng ta có thể yêu thương và tha thứ kẻ thù. Xin Chúa giúp chúng ta cảm nhận được ơn tha thứ của Chúa để chúng ta sẵn sàng tha thứ cho người khác, “Xin Cha tha cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta về ơn gọi và sứ mạng của người Ki-tô giáo dân: hành trang đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời của mỗi người chúng ta là đời sống tha thứ, chúng ta cầu xin Chúa làm cho chúng ta có nếp sống này, bởi vì chỉ có lòng tha thứ, chúng ta mới thực sự trở thành nhân chứng tình yêu Thiên Chúa đối với mọi người.
LHTH
Vượt thắng … (12.09.2019)
Ngày 12.09: Lễ Nhớ Danh Thánh Đức Ma-ri-a
Năm 2005, Thế Giới Phẳng cùa Thomas Friedman viết được trao giải thưởng ‘Cuốn Sách Hay Nhất’ trong năm do Thời báo Kinh Tế Financial Times và ngân hàng kinh tế đa quốc gia Goldman Sachs Business bình chọn.
Hiện nay “thế giới phẳng” đã trở thành thuật ngữ quen thuộc chỉ sự phát triển toàn cầu từ những năm đầu của thế kỷ XXI khi mười nhân tố lớn liên quan đến kinh tế và khoa học kỹ thuật trên thế giới cùng nhau tác động, khiến cho các mô hình xã hội, chính trị và xã hội đã bị thay đổi và thế giới trở nên phẳng hơn bao giờ hết khi sự tiếp xúc giữa các cá nhân trở nên dễ dàng, thân thiết, hiểu nhau hơn và chặt chẽ hơn trước kia.
Thế nhưng, sự thật không phải vậy khi những tranh chấp, mặc cả, đấu đá… vẫn diễn ra hàng ngày trên các lĩnh vực xã hội, kinh tế, chính trị… theo dòng thời sự thế giới. Điều này cũng dễ hiểu, vì theo bản tính tự nhiên, con người ta dễ dàng niềm nở, đối xử tốt với người có thiện cảm với mình mà không cần một cố gắng nào.
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su bảo những kẻ tội lỗi cũng làm được như thế. Nhưng sẽ không dễ chút nào khi phải vui vẻ, thân thiện với người mình ác cảm, hay phải tha thứ cho người đã lừa dối, vu khống, gây hại cho mình.
Qua đó, Chúa Giê-su kêu gọi người phải Ki-tô hữu phải vượt thắng những tình cảm tự nhiên, những suy nghĩ tự nhiên, những phản ứng tự nhiên của một con người… để sống yêu thương như Chúa yêu, hy sinh, phục vụ như Chúa đã làm; để trở nên hoàn thiện như Cha Trên Trời là Đấng trọn toàn.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho con dù có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa và nhờ Ngài để biết cảm tạ Thiên Chúa Cha. Amen.
CÁT BIỂN
Hãy trở nên giống Cha, Đấng có lòng nhân từ và hay tha thứ (13.09.2018)
Ghi nhớ:
“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.” (Lc 6,36-37).
Suy niệm:
Một ông giám đốc nọ. Nói cho vợ biết là ông bị kẻ gian trộm mất một số tiền khá lớn. Ông đã phải báo cho những người hữu trách biết, để may ra nhờ chuyên môn họ có thể tìm lại cho ông số tiền đã mất.
Hai ngày sau bà vợ bảo với chồng rằng:
- Tôi đã dò hỏi và xác định thủ phạm lấy tiền của ông được rồi? Kẻ đó chính là tài xế của ông đấy!
- Sao bà biết?
- Gần đây người ta thấy hắn cũng như cô vợ sài tiền rộng rãi lắm, họ mua sắm đủ thứ và còn có tiền cho thằng em trai nữa chứ! Cứ như là hắn trúng số vậy!
- Tôi cũng nghi nghi, nhưng không có bằng chứng thì làm sao đây?! Chồng nói với vợ.
Thế nhưng, chỉ vài ngày sau đội điều tra đã có đầy đủ bằng để bắt thủ phạm vụ trộm tiền trên… Kể ấy không ai xa lạ; đó chính là cậu con trai của vị giám đốc!!!
Cái lỗi mà con người ta thường hay vấp phạm trong đời sống thường ngày; Đó là xét đoán người khác một cách chủ quan, sau đó quy kết cho người ta những điều, những lầm lỗi mà họ không hề phạm phải. Đây là một việc làm rất phi lý và bất công.
Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su đưa ra cho chúng ta một khuôn mẫu sống. Đó là: “ Anh em muốn người ta làm điều gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy”. Cũng như chúng ta không muốn người khác làm cho mình điều gì thì chúng cũng đừng làm cho họ điều đó.
Vì thế chúng ta hãy lấy mẫu mực, khuôn phép này để mang ra thực hiện trong cuộc sống của mình.
Trước mặt Chúa, chúng ta chỉ là những người tội lỗi, khiếm khuyết, chẳng là gì cả! Thế nhưng chúng ta lại muốn được mọi người vị nể tôn trọng, chúng ta muốn được đối xử công bằng, khi lầm lỗi chúng ta muốn được Thiên Chúa tha thứ và mọi người xí xóa bỏ qua! Vậy thì, vâng lời Chúa chúng ta hãy áp dụng vào trong cuộc sống của mình. Hãy tôn trọng, hãy tha thứ cho anh em. Hãy cầu nguyện cho mọi người kể cả những kẻ ghen ghét mình và chính mình cũng không ưa họ, xin cho tất cả được Chúa gìn giữ và luôn được sống trong bình an và hạnh phúc,
Chúng ta mặc lấy tâm tình từ bi nhân hậu của Chúa mà đối xử với mọi người, bởi vì chúng ta được tạo dựng nên theo hình ảnh của Ngài.
Khi chúng ta thực hành được những điều mà Tin Mừng hôm nay khuyên dạy thì chắc chắn chúng ta sẽ trở nên một con người cao thượng, và cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên nhẹ nhàng, thư thái, thanh thản và bình an ngay trên trần gian này. Chính cuộc sống này đã là phần thưởng cho những ai thực hành giới luật của Chúa dạy. Và tiếp theo cuộc sống đó sẽ là bước chuyển tiếp để chúng ta xứng đáng được Chúa đón vào hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên Thiên Đàng!
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa. Chúng con tôn thờ và cảm tạ Chúa vì đã để lại cho chúng con tấm gương sáng ngời về việc yêu thương, tha thứ và cầu nguyện cho kẻ bách hại mình, xin ban ơn trợ giúp, và luôn đồng hành cùng chúng con, để mỗi ngày chúng con trở nên giống Chúa biết yêu thương, tha thứ, làm ơn và cầu nguyện cho mọi người ngay cả những người không ưa thích chúng con, như vậy mỗi ngày chúng con sẽ hoàn thiện chính mình hơn. Amen.
Sống Lời Chúa:
Cầu nguyện thành tâm cho mọi người, trong đó có cả những người mà mình không ưa!
Đaminh Trần Văn Chính..
Yêu thương, một đòi buộc
“Hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, vì anh em sẽ là con Đấng Tối Cao.” (Lc 6,35)
Suy niệm: Chúa Giê-su cho biết không hề có sự chia cắt giữa mến Chúa và yêu người, vì là hai khía cạnh của một điều răn duy nhất: điều răn yêu thương. Vì thế, chúng ta không thể hẹp lòng với tha nhân, kể cả với kẻ thù, mà vẫn nghĩ rằng mình mở lòng với Thiên Chúa. Hẹp lòng với tha nhân cũng là hẹp lòng với Thiên Chúa. Điều này được giải thích ở lời khấn xin trong kinh Lạy Cha: “Xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.” Không phải Thiên Chúa từ chối ban ơn tha thứ cho chúng ta, nhưng vì lòng chúng ta quá hẹp không thể đón nhận ơn tha thứ của Ngài. Theo thánh Phao-lô, mở lòng đối với tha nhân chính là yêu thương. Yêu thương thìø tha thứ tất cả, chịu đựng tất cả. Vào lúc từ giã cuộc đời, khi đối diện với Thiên Chúa, mọi ân huệ khác đều biến mất, chỉ còn duy đức yêu thương tồn tại vĩnh viễn, vì Thiên Chúa là Tình Yêu.
Mời Bạn: Chiến tranh xảy ra nhiều nơi, xung đột, hiềm khích, bất công và đàn áp như chuyện thường ngày, khiến nhiều người xem đó là chuyện bình thường và không còn tôi luyện bản thân hằng ngày bằng đức yêu thương. Lời dặn dò yêu thương của Chúa có tác dụng gì trong tâm trí và cuộc đời bạn?
Sống Lời Chúa: Tôi thực hiện một cử chỉ tha thứ, bao dung, giải hòa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết mở rộng trái tim, để con dễ dàng mến Chúa và yêu người. Mỗi ngày xin cho con biết quan tâm thực hiện một nghĩa cử cao đẹp cho Chúa và cho người anh em con. Amen.
Yêu thương (10.09.2015)
1. Ghi nhớ: “ Hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em ” (Lc 6,27)
2. Suy niệm: Khi Chúa bảo phải yêu thương kẻ thù, thì ta phải hiểu kẻ thù đây không phải là do ta xem họ là người thù nhưng kẻ thù là những người gây thiệt hại cho mình, hoặc tất cả những ai đang đối kháng với mình. Vì tinh thần Tin Mừng không cho phép chúng ta xem ai là kẻ thù. Theo tình cảm tự nhiên, chúng ta chỉ yêu thương và tôn trọng những ai tôn trọng và yêu thương mình. Tình yêu này không xấu nhưng nó còn ở cấp thấp vì đòi hỏi có sự đáp trả. Chúa dạy chúng ta thực thi một tình yêu cao cả như Cha trên trời là tình yêu vô vị lợi, không cần báo đáp. Và chính Ngài đã làm gương trước, khi tha thứ cho những kẻ sát hại Ngài trên thập giá.
3. Sống Lời Chúa: Hãy biết gieo yêu thương vào nơi oán ghét hận thù.
4. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết nhìn ngắm Chúa đã nhân từ với con là tội nhân để từ đó con biết thể hiện lòng nhân từ với anh em nhất là những anh em vì chưa hiểu mà oán ghét con .Amen.