Thư tháng 01 / 2016 : Tình Thương Giáng Trần

Lá Thư Đặc Trách Tháng 01 / 2016

Tình Thương Giáng Trần

Anh chị em Huynh đoàn thân mến,

Khởi đầu năm mới 2016 chúng ta được sống trong mùa hồng phúc khi đón nhận tin mừng vĩ đại : Ngôi Hai Thiên Chúa đã giáng sinh làm người cứu độ trần gian. Giáo hội khắp nơi vẫn vang lên lời ca của các thiên sứ tại cánh đồng Bêlem xưa :

Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho người Chúa thương.

Đây là cơ hội tuyệt vời để chúng ta chiêm ngắm lòng thương xót của Thiên Chúa trong mầu nhiệm nhập thể. Chiêm ngắm Tình Thương giáng trần.

hddm_tinh82015a.jpg

Loài người được Chúa dủ thương …

Trước tiên, con người được Chúa thương vì Thiên Chúa là Đấng luôn trung thành với lời hứa ban cứu độ. Dù dân Ít-ra-en có thờ ơ, ngỗ nghịch hoặc phản bội, Thiên Chúa vẫn luôn là Đấng tín trung. Ngài là Đấng “Đời nọ tới đời kia, hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1,50). Ngài luôn “trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên, và nhớ lại lời xưa giao ước” (Lc 1,72).

“Ngài đã nhớ lại ân tình và tín nghĩa
dành cho nhà Ít-ra-en.
Toàn cõi đất này đã xem thấy
ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta”. (Tv 97, 3)

Biến cố giáng sinh là một điểm nhấn quan trọng trong lịch sử lòng Chúa thương xót. Với tình thương vô biên, Thiên Chúa trao tặng cho nhân loại món quà rất đặc biệt, món quà quý giá nhất, khi trao tặng chính Người Con Một. “Ngài là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1,4). Ngài là ánh sáng rạng soi cho thế gian đang chìm ngập trong bóng đêm tội lỗi. Ngài là Hoàng tử bình an, là Mặt trời công chính, là Thủ lãnh đoàn dân mới. Sứ mạng của Ngài là dẫn đưa nhân loại về trời cao. Đó cũng là nội dung lời kinh chúc tụng (Benedictus) của ông Giacaria mà chúng ta vẫn đọc mỗi ngày :

“Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn,
cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta,
soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối
và trong bóng tử thần,
dẫn ta bước vào đường nẻo bình an”
(Lc 1,78-79).

An bình dưới thế

Trong biến cố giáng sinh : “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hòa bình công lý đã giao duyên” (Tv 84,11). Truyền thống giáo hội thường mô tả biến cố giáng sinh như một “cuộc giao duyên đất trời”. Bởi vì, trời với đất vốn cách xa biền biệt, giờ đây trở nên gần gũi, vì Thiên Chúa đã bỏ ngai trời đến cư ngụ giữa trần gian, đã nối liền đất với trời. Biến cố giáng sinh chính là sứ điệp bình an cho nhân loại, vì Thiên Chúa không thực thi công lý theo kiểu người phàm, theo luật vay trả trả vay, mà theo quy luật của lòng bao dung và thương xót của Ngài.

Bản thánh ca Đêm Thánh vô cùng, đã sử dụng một thuật ngữ tuyệt diệu để diễn tả mầu nhiệm tình yêu cao thẳm này, khi mô tả giáng sinh là ngày “đất với trời, se chữ đồng”. Chữ đồng ở đây bao hàm một nội dung rất chính xác và phong phú. Ngôi Lời đã “hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế (Pl 2,4). Ngài đã chấp nhập trọn vẹn kiếp con người, để có thể cảm thông và gánh lấy những khổ đau của kiếp người. Con Thiên Chúa làm người, là trở nên đồng hình, đồng dạng, đồng lao và đồng phận với con người. Ngài tự đồng hóa với phận người và đồng hành với nhân loại. Danh xưng của Ngài là “Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1, 22-23).

Phận người được đổi thay

Thiên Chúa đã biểu lộ tình yêu và mạc khải chính Ngài cho chúng ta cách quyết liệt nhất khi sai Con Một xuống thế gian. Không ai từng thấy Thiên Chúa bao giờ, người phàm chỉ có thể nhận ra Ngài cách gián tiếp qua công trình sáng tạo. Thì từ nay hoàn cảnh đã thay đổi, như lời thánh Gioan khẳng định : “Con Một vốn là Thiên Chúa, và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết”. Vinh quang Thiên Chúa được tỏ lộ nơi chân dung Đức Giêsu, như chính Ngài đã nói với thánh Philipphê : “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha (x. Ga 14,9).

Khi Đức Giêsu đảm nhận lấy thân phận loài người, kể từ nay mỗi con người đều mang dáng dấp của Ngài. Trong Tông huấn “Đấng Cứu chuộc Loài người”, thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định : “Mỗi người (cụ thể, lịch sử) đã bao hàm trong mầu nhiệm cứu chuộc. Đức Kitô đã kết hợp với từng người mãi mãi… Cũng như hàng tỉ con người đang sống trên hành tinh này, từng người một đã được tham dự vào Đức Kitô ngay giây phút thành thai bên trái tim mẹ mình”. (1)

Chính vì thế mà sau này Đức Giêsu sẽ tuyên bố “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40). Và còn hơn thế nữa “mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25, 45).

Từ nay phận người đã được đổi thay. Được làm người là một vinh dự chứ không bao giờ là bất hạnh. Do đó theo đức thánh cha Phanxicô, hội thánh cần phát huy “một nền nhân bản mới” khởi đi từ “trung tâm Chúa Giêsu”, nơi chúng ta khám phá ra khuôn mặt đích thực của con người.

Hiến chế Vui mừng và Hy vọng nhấn mạnh : “Là Adam mới, Đức Kitô… tỏ lộ đầy đủ con người cho chính con người và khiến con người thấy được sứ mệnh cao cả của mình” : Người làm điều ấy “trong chính việc mạc khải mầu nhiệm Chúa Cha và tình thương của Ngài”. (2)

Tâm sự bên máng cỏ

Như các mục đồng xưa, theo hướng dẫn của các thiên sứ, chúng ta hãy đến chiêm ngưỡng và tôn thờ Đấng Cứu Thế, nơi Hài Nhi nằm trong máng cỏ. Hãy dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn chân thành về tình thương tuyệt đối Ngài dành cho nhân loại trong biến cố giáng sinh.

Như các đạo sĩ phương đông, chúng ta hãy dõi theo ánh sao đến triều bái Chúa. Hãy dâng lên Ngài những lễ vật lòng thành. Đó là vàng của niềm tin son sắt, nhũ hương lời cầu nguyện chân tình, và một dược những hy sinh vất vả trong đời.

Xin cho chúng ta nhận ra Chúa trong tha nhân. Đấng đặc biệt gần gũi với những người nhỏ bé, đau khổ, những người bị đe dọa, bị quên lãng và bị loại trừ.

Trong niềm tin tưởng và phó thác, xin cho chúng ta đừng bao giờ thất vọng về hoàn cảnh, thời thế, cũng như về chính mình. Hãy tâm sự và phó dâng tất cả cho “Đấng ở cùng chúng ta”, để đón nhận nơi Ngài niềm an ủi, niềm vui và sức mạnh giúp chúng ta sống yêu thương.

Để qua mỗi chúng ta, tình yêu giáng trần của Đức Kitô ngày càng được chiếu tỏa giữa thế giới hôm nay.

Lm Phanxicô X. Đào Trung Hiệu op

 

1.Tông huấn năm 1979, số 13, khi đó nhân loại mới có 4 tỉ người.

2. Đức Phanxicô, tông sắc “Dung nhan lòng thương xót”, số 1.