Thư tháng 12.2018 : Đón nhận Chân lý : biết mình biết Chúa

Lá Thư Đặc Trách Tháng 12 / 2018

Đón nhận Chân lý : biết mình biết Chúa

Anh chị em huynh đoàn thân mến,

Bước vào năm phụng vụ mới, xin tiếp tục các đề tài liên quan đến tinh thần hay linh đạo Đa Minh nói chung và huynh đoàn Đa Minh nói riêng. Như anh chị em đều biết, Chân lý (veritas) là những chữ được khắc trên huy hiệu và chính là khẩu hiệu của Dòng. Đây là một chủ đề lớn, chúng ta triển khai trong nhiều tháng. Trước khi bàn đến nội dung của chân lý, về việc suy niệm, học hỏi và việc truyền giảng chân lý, xin khởi từ thái độ căn bản mỗi cá nhân cần có, để đón nhận chân lý cứu độ, đó là việc biết mình và biết Chúa.

Biết Chúa biết mình

Biết mình và biết Chúa, theo thánh nữ Catarina Sienna là hai yếu tố nền tảng của đời sống thiêng liêng. Hai sự hiểu biết rất quan trọng và có liên hệ mật thiết với nhau. Nếu chỉ biết mình, biết sự yếu hèn và thiếu sót của minh, ta có nguy cơ lâm vào tuyệt vọng. Ngược lại, chỉ biết Chúa, Đấng quảng đại nhân từ và thương xót, dễ đưa đến thái độ an thân tự mãn.

Dĩ nhiên, từ “biết” ở đây không thuộc lãnh vực tâm lý hay triết học, mà là biết dưới ánh sáng đức tin. Nhờ ánh sáng đức tin, ta biết mình vốn là con người, là những thụ tạo đã từng sa ngã và được cứu độ, đồng thời nhận biết Chúa là Đấng tự hữu, khoan nhân, đại lượng và tha thứ.

Theo thánh nữ Catarina, ta nên khởi từ sự biết mình rồi mới tới biết Chúa, cần phải ý thức sự hư vô của mình, mới có thể hiểu rõ ràng hơn tình thương Chúa dành cho ta. Nhờ biết mình, ta tập đức khiêm nhường; nhờ biết Chúa ta thực hành đức ái : đó là hai trụ cột của toà nhà nhân đức.

Biết mình giúp ta sống khiêm tốn, không tự kiêu, tự tôn, tự mãn, tự ái, hoặc ích kỷ, thay vì tìm cách thoả mãn nhu cầu và tham vọng cá nhân, biết sám hối, canh tân, vị tha và phục vụ. Biết Chúa đưa ta tới việc nhận ra tình thương quan phòng của Chúa trong vũ trụ, sự hiện diện của Chúa Ba Ngôi trong tâm hồn, nhận ra tình thương lân tuất của Chúa được biểu lộ nơi mầu nhiệm nhập thể và cứu chuộc của Chúa Kitô.

Nhận biết Chúa là Cha

Đức Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện bằng kinh “Lạy Cha”. Xin cùng đọc Lời của Cha trên trời qua mạc khải trong Kinh Thánh, với cách xưng hô Cha và con. (1)

“Con yêu dấu, con có thể chưa biết Cha, nhưng Cha biết rõ về con. Trước khi cho con thành hình trong bụng mẹ, Cha đã biết con; trước khi con lọt lòng mẹ, Cha đã thánh hóa con (Giêrêmia 1,5). Tạng phủ con chính Cha đã cấu tạo, đã dệt hình hài con trong dạ mẫu thân. Ngày con mới là bào thai, mắt Cha đã thấy. Mọi ngày đời dành cho con đều ghi trong sổ sách của Cha, trước khi ngày đầu đời của con khởi sự (Tv 139,1,13,16).

Từ thuở sơ sinh, con được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối (Isaia 66,12). Chính ở trong Cha mà con sống, con hoạt động và hiện hữu. Con thuộc dòng giống của Cha (Công vụ 17,28). Cha tiền định cho con làm cơ nghiệp riêng theo kế hoạch (Ephêsô 1,11), lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo con. Như người mẹ âu yếm trẻ thơ, Cha nâng con lên, áp vào má; cúi xuống, đút cho con ăn; đã tập cho con đi, đỡ lấy cánh tay và chữa lành con (Hôsê 11,3.4).

Có phụ nữ nào quên được con thơ của mình. Mà cho dù người mẹ có quên con mình đi nữa, thì Cha sẽ chẳng quên con bao giờ (Isaia 49,15). Như mẹ hiền an ủi con thơ, Cha sẽ an ủi con như vậy (Isaia 66,13). Con đừng lo cho mạng sống mình, lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể, lấy gì mà mặc, con quý giá hơn muôn vàn chim sẻ và hoa huệ ngoài đồng (Lc 12,6). Cha trên trời thừa biết con cần những thứ gì (Mt 6,32) Cha đã yêu con bằng mối tình muôn thuở, và vẫn dành cho con lòng xót thương. (Giêrêmia 31,3b)

Con thuộc giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Cha (1 Phêrô 2,9)

Tương quan giữa biết mình và biết Chúa

Biết mình biết Chúa là ý tưởng của thánh Augustinô qua lời nguyện sau :  “Ôi lạy Cha, xin cho con tìm kiếm Ngài và giải thoát con khỏi lầm lạc. Ước gì trong cuộc tìm kiếm, ngoài Ngài ra con không tìm kiếm bất cứ điều gì khác. Nếu con không khao khát gì ngoài Ngài thì, ôi lạy Cha, nguyện xin Ngài cho con được tìm thấy Ngài. Và nếu trong con còn đọng lại niềm khao khát vô ích nào đó, thì xin chính Ngài hãy gột bỏ khỏi con và làm cho con có thể nhìn thấy Ngài”.

Lời nguyện đó đã được linh mục nhạc sĩ Ân Đức triển khai thành bài hát với nội dung khá phong phú :

Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con
biết Chúa là Thiên Chúa độc nhất là Cha, là Chúa trời đất
biết Chúa Vua muôn loài, biết Chúa thương con người
biết Chúa là tạo hóa là Đấng sinh thành nên con

Như vậy nhờ biết mình biết Chúa, chúng ta nhớ mình là thụ tạo tay trắng hư không, nhớ mình mù lòa tật nguyền cần được cứu chữa, nhớ mình tội lỗi cần ơn thứ tha, và nhớ Thiên Chúa trung tín, cho ta hồng ân trở thành bạn hữu của đức Kitô, và thánh con yêu của Thiên Chúa.

+ Biết con là tạo vật, một đời sống kiếp con người
biết con không là gì, chỉ là bụi cát mà thôi
biết con thân phàm hèn, mỏng giòn muôn vàn yếu đuối
biết con bao tội tình, để lòng xao xuyến khôn nguôi

+ Biết con bao nghèo nàn, vào đời tay trắng hư không
biết con bao nợ nần, đợi lòng thương xót từ nhân
biết con đang mù lòa, lạy Ngài xin Ngài chữa sáng
biết con đang tật nguyền, lạy Ngài xin chữa cho con

+ Biết con phúc dường nào, được làm con cái một nhà
biết con phúc dường nào, được gọi Thiên Chúa là Cha
biết con phúc dường nào, đươc Ngài cho là bạn hữu
biết con phúc dường nào, dự phần vinh phúc bao la

+ Biết con khi lạc đường, được Ngài dẫn lối đưa về
biết con bao lần rồi, để lòng chai đá ngủ mê
biết con hư đời đời, được Ngài thương tình cứu vớt
biết con quên tình Ngài. mà Ngài trung tín không ngơi

Lời kinh của thụ tạo

Trong tâm tình tin tưởng phó thác, ta cùng dâng lên Chúa lời nguyện theo sách ngôn sứ Isaia : “Lạy Chúa, Chúa là Cha chúng con. Chúa là thợ gốm còn chúng con là đất sét. Tất cả chúng con chỉ là công trình do bàn tay Chúa” (Is. 64,8).

Xin cùng cất lên lời thánh vịnh số 8, ngợi ca uy phong Thiên Chúa và ý thức phẩm giá của con người :

“Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu ! Uy phong Ngài vượt quá trời cao. Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm ?… Lạy Chúa, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu”.

Lm. Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP

 

(1) Lược trích “Lá Thư Tình Yêu của Cha” do Cát Minh biên soạn, dựa vào Kinh Thánh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *