Thư tháng 04.2022 : Như cây liền cành

 

Khi Đức Giêsu nói : “Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy” (Ga 15,4), thì không phải Chúa chỉ nói về các tông đồ hoặc những người môn đệ có ơn gọi đặc biệt, nhưng là nói về mọi người Kitô hữu. Lý do là bởi vì chính bản chất của sự sống Kitô hữu luôn mang một tính chất đặc biệt của tình yêu. Đó là tình yêu của Thiên Chúa đổ tràn xuống cho người tín hữu, và cũng chính giòng sự sống tình yêu ấy thấm nhập vào toàn bộ đời sống, cũng như lại lan tràn đến những người khác.

Trong giòng sự sống của tình yêu Thiên Chúa như vậy, tình yêu của người Kitô hữu, một mặt, được khơi mở để đi vào chân trời của tình yêu, thứ tình yêu không giới hạn. Trong Kitô giáo, lý tưởng của mối tương quan giữa Thiên Chúa với người tín hữu là tình yêu đến mức trọn vẹn, đó là mối tương quan mời gọi dám chết cho nhau:

Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,12-13).

Mặt khác, thứ tương quan tình yêu ấy còn mang một phẩm tính riêng biệt, tạm gọi là quy luật “âm tính”; hiểu như một thứ “nghèo để lãnh nhận”, “rỗng để được đổ đầy”… Chính vì thế, sự sống người Kitô hữu được thể hiện theo một thứ quy luật “ngược đời : nhỏ để lớn, yếu để mạnh, nghèo để giầu… và chết để sống.

Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.” (2 Cr 12,10)

Thứ phẩm tính của tình yêu Kitô giáo như thế khác với việc một người nào đó học được bài học luân lý, bài học dạy “ăn ngay ở lành”, rồi tự mình phải nỗ lực thực hiện bằng đức độ của riêng mình. Thứ phẩm tính ấy cũng khác với kiểu tìm thăng tiến trên nẻo đường luân lý đạo đức bằng cách xây dựng, củng cố, thăng tiến nhân cách như một sự tự khẳng định chính mình, nhằm đạt tới một bản lãnh độc lập, cao cả, vững chắc cho bản thân mình…

Ngược lại, thứ “bản lãnh” của nhân cách Kitô giáo là một niềm xác tín vững chắc vào tình yêu tặng-không của Thiên Chúa và nhờ đó mà luôn dám chân nhận sự yếu đuối và mỏng manh của chính mình một cách chân thật. Đây không phải là một thái độ yếm thế, bi quan, hoặc là một thứ “khổ dâm”, tức thái độ bệnh hoạn muốn tìm cái đau vì chính cái đau, tìm cái khổ vì thích khổ và tự hành hạ bản thân mình trong nỗi khoái trá lệch lạc. Bản lãnh của nhân cách Kitô giáo nhằm đạt được một “nhân cách mạnh” đúng với chân lý của bản thân va cuộc đời. Nói một cách tổng quát, người có nhân cách mạnh là người dám đòi hỏi chính mình và biết khoan dung cho người khác; ngược lại người có nhân cách yếu là người luôn tìm lý lẽ để khoan dung cho mình nhưng lại đòi hỏi khắt khe với người khác. Người thể hiện được thứ nhân cách mạnh như thế vẫn luôn đứng trong giòng chảy của tình yêu, thứ tình yêu vị-tha và quảng đại; người có nhân cách mạnh như thế là người không cố tình quên đi những khiếm khuyết, sai sót của mình rồi lại cứ xăm soi vào những sai lỗi của người khác; thái độ của nhân cách mạnh là thái độ thấy rõ sai sót để sám hối; và trên hết, nhân cách mạnh giúp người tín hữu luôn đứng trong nẻo đường nghèo-phúc để không tách lìa mối giây nối kết với tình thương tặng-không của Chúa.

Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”. (Ga 15,5)

Nhờ qui luật âm tính như thế, đời sống Kitô hữu trở nên một sự sống “cộng thông”, sự sống khiến cho thánh Phaolô nói lên được rằng :

Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20)

Quả thật, đời sống Kitô hữu gắn liền với Đức Giêsu như cành gắn liền với cây, một sự gắn liền để luôn được nuôi dưỡng bằng nhựa sống của cây và sinh hoa trái nhờ nhựa sống ấy chứ không phải chỉ là một nuôi dưỡng tạm, để chờ lúc trưởng thành và có khả năng tự lập…. Đức Giêsu nói các môn đệ hãy “ở lại trong” :

Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.” (Ga 15,9)

Tất cả hồng phúc là Kitô hữu, tất cả ý nghĩa của sự sống yêu thương trong linh đạo Kitô giáo như thế không bao giờ là kết quả của một nỗ lực luân lý, nhưng chỉ có thể có được trong nhiệm cục cứu độ, trong tác động của Chúa Thánh Thần.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *