Thư tháng 8.2021: Trật tự trong gia đình

 

Những biến động trong đời sống gia đình thời hiện đại có một phần khá lớn xuất phát từ sự thay đổi nề nếp gia đình, và sâu xa hơn, đó là sự thay đổi các giá trị sống. Ưu điểm ổn định của nếp gia đình xưa, cũng gồm chứa một số giá trị không hẳn tương thích với quan niệm về con người thời hiện đại, chẳng hạn: “chồng chúa vợ tôi”, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, “gọi dạ bảo thưa”,…

Xã hội thay đổi, nhiều giá trị thay đổi, và không ít giá trị mới thật sự đúng đắn… Nhưng ngay chính các giá trị tốt đẹp, lúc ban đầu, thường mò mẫm tìm phương cách thể hiện, thường bộc lộ một cách quá đáng và nhất là thường mang khuynh hướng chống truyền thống, chống luôn cả nhiều giá trị cổ xưa. Diễn tiến như thế đang diễn ra ở giới trẻ Việt Nam nói chung và trong các gia đình Việt Nam.

Phẩm giá của mỗi người là một giá trị căn bản và mọi người đều bình đẳng về phẩm giá người. Từ đó, vấn đề bình đẳng giới, quyền tự do và tự quyết của một người trưởng thành, quyền được trình bày quan điểm và muốn được lắng nghe, quyền được sống theo suy nghĩ và cảm nhận của mình… cũng là quyền căn bản của một con người. Nhưng những điều đó lại thường được diễn tả, hoặc ý thức hoặc vô tình, bằng cách đối kháng, đối kháng bốc đồng, đối kháng ngang ngược, hoặc đối kháng phá bĩnh…

Lý do chính yếu có lẽ là người ta thường lầm lẫn giữa phẩm giá và chức năng. Trong gia đình, cha, mẹ, con cái, đều bình đẳng về phẩm giá, nhưng điều đó không có nghĩa là con cái được quyền làm chủ gia đình, vì đó là chức năng của người cha. Trong lớp học, thầy và trò đều bình đẳng về phẩm giá, nhưng chức năng của thầy và của trò không thể đánh đồng với nhau. Trong xí nghiệp, phẩm giá của người chủ và công nhân là bình đẳng, nhưng chức năng hoạt động của mỗi người là khác nhau…

Người trẻ đòi hỏi quyền chính đáng của mình và cũng thường nhân danh những quyền bình đẳng ấy để từ chối sự khác biệt về chức năng. Trong khi đó, các bậc cha mẹ, hoặc tiền bối nói chung, cũng rất thường nhân danh một thứ tôn ti trật tự, vốn thuộc chức năng, để bắt ép và vi phạm đến những quyền bất khả xâm phạm của phẩm giá.

Trong thực tế, những “gia đình truyền thống” thường có nếp sinh hoạt trật tự, đời sống ổn định hơn. Những ông bố nghiêm khắc, hoặc những ông chồng gia trưởng, thường coi nếp sống trật tự như thế là lý tưởng. Tuy nhiên, nếp sống trật tự và ổn định như thế thường dễ đi đến chỗ bóp nghẹt ước mơ, hoặc đánh mất hạnh phúc của cá nhân. Ngược lại, khuynh hướng bình đẳng và tự do, trong các gia đình trẻ Việt Nam thời hiện đại, thường là nguyên nhân của những đổ vỡ hôn nhân và con cái hư hỏng…

Dung hoà được hai khuynh hướng đó một cách đúng đắn là điều không dễ. Đúng hơn, không dễ để tìm được giải pháp đúng chân lý trong thách đố này. Chúng ta cũng có thể thấy, trong nhiều tập thể, nhiều tổ chức, chẳng hạn trong đời sống Giáo hội, các dòng tu cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm được chân lý để giải quyết mối xung khắc giả tạo giữa trật tự và tự do.

Lễ nghĩa, nề nếp, trật tự chung không phải chỉ là chuyện quy ước xã hội, không chỉ là phép lịch sự xã giao, nếu như chúng hàm chứa ý nghĩa đậm đà, nếu như chúng là sự trào dâng, sự biểu lộ của tình nghĩa đặt nên sự tôn trọng. Trước những biến chuyển của thời cuộc, trước những lúng túng và phản ứng thái quá từ hai phía, điều cần thiết chính là khám phá và làm sáng lên ý nghĩa chân chính của lễ giáo, tôn ti trật tự.

Thật ra, ý nghĩa căn bản trong tương quan con người với nhau chính là sự tôn trọng, vì tôn trọng là nhìn nhận tha nhân như một ngôi vị, chân nhận một phẩm giá vô giá nơi con người, cho dù đó là ai. Tôn trọng tức là “thiết lập” tha nhân như một chủ thể và xây dựng mối tương quan với nhau trên nền tảng “liên chủ thể”.

Mọi tình nghĩa trong gia đình, dù là giữa cha mẹ với con cái hay con cái với cha mẹ, hoặc là giữa vợ chồng, giữa anh chị em với nhau đều phải hàm chứa thái độ tôn trọng. Điều đó có nghĩa là tình nghĩa phải đặt nền trên sự tôn trọng; và tôn trọng chỉ trọn vẹn khi được triển nở trong tình nghĩa.

Quả thật, nếu tin tưởng vững chắc rằng chính Thiên Chúa trao ban phẩm giá cho con người và chính Thiên Chúa khơi nguồn cho dòng suối tình nghĩa giữa con người với nhau, thì người tín hữu cũng hiểu rằng chìa khoá để tìm lại nề nếp tôn ti trật tự trong đời sống gia đình hiện nay cũng chỉ có thể là chính Chúa. Trong Chúa, chúng ta biết tôn trọng phẩm giá của người khác; nối kết vào lòng thương xót của Chúa, chúng ta xây dựng tình nghĩa với nhau, vượt quá những giới hạn của tư cách đạo đức hay tài năng. Khi đó, nếp sống tôn ti trật tự không còn chỉ là gượng ép hay chịu vậy, mà là cách diễn tả trào dâng từ niềm tin vào một “Thiên Chúa là Tình yêu”.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *