Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: Cv 3,1-10, Lc 24,13-35
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 24,13-35)
13 Vào ngày thứ nhất trong tuần, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. 14 Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. 15 Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. 16 Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. 17 Người hỏi họ : “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy ?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.
18 Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời : “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” 19 Đức Giê-su hỏi : “Chuyện gì vậy ?” Họ thưa : “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. 20 Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. 21 Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. 22 Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, 23 không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. 24 Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói ; còn chính Người thì họ không thấy.”
25 Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng : “Các anh chẳng hiểu gì cả ! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ ! 26 Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ? 27 Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.
28 Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. 29 Họ nài ép Người rằng : “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. 30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. 31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. 32 Họ mới bảo nhau : “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?”
33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. 34 Những người này bảo hai ông : “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn.” 35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
Trong mỗi bữa cơm gia đình (03.04.2024)
“Hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh”
Theo Thầy Giê-su để tìm chút công danh, nhưng Thầy đã bị giết chết. Hai môn đệ buồn lòng rũ áo từ “ quan nhất thời”, dắt nhau về vườn nương rẫy nông dân. Đang trên đường về Em-maus, Chúa Giê-su làm khách bộ hành cùng đi với các ông. Các ông tâm sự về nỗi thất vọng của mình, nhưng Chúa Giê-su dùng Lời Kinh Thánh mà giải thích cho các ông về Đấng Phục Sinh và kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Chiều tối, hai ông mời Chúa ở lại, và họ đã nhận ra Chúa Phục Sinh lúc Người bẻ bánh.
Chúa cũng đang mời gọi các gia đình chúng ta hãy tin vững vào Lời Chúa là Lời chân thật, Lời yêu thương, Lời bền vững, Lời dẫn chúng ta đến cõi sống muôn đời. Bởi Lời Người là chính Chúa. Lời đã hóa thành nhục thể, thành Con Người, thành Hiến Lễ Cứu Độ trên Thánh Giá, và còn ở lại với trần gian cách huyền diệu trong Thánh Thể. Lời Chúa sẽ thắp lên trong ta niềm tin, sẽ làm bừng lên trong ta niềm yêu mến, và sẽ làm cho ta vững vàng niềm trông cậy. Thánh Thể Chúa sẽ bồi dưỡng linh hồn ta đủ sức mạnh chiến đấu trong cuộc đời, và nhất là đủ sức mạnh để ta có thể sống bí tích Thánh Thể giữa đời, là bẻ tấm bánh đời mình ra mà chia cho người khác sự sống, bình an và hạnh phúc.
Ước gì mọi gia đình Công Giáo chúng ta ngộ ra: khi nghe và thực hành Lời Chúa, kết hiệp với Thánh Thể và bẻ tấm bánh đời mình ra, thì các gia đình chúng ta đã gặp Đấng Phục Sinh, sống sức sống Phục Sinh và loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho người cho đời.
Chị Hai Đa Minh hay nói với người thân: “Mỗi bữa cơm gia đình, là một lần gặp được Đấng Phục Sinh. Hãy nhớ đến những hy sinh của nhau, để cả nhà có cơm bánh cá thịt mà hưởng dùng, cho đặng sống ở đời này, và sống lại ở đời sau nữa. Cả nhà mình đừng quên”.
Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh rất yêu mến, xin giúp cho đại gia đình Đa Minh chúng con, và từng gia đình Công Giáo khắp nơi, luôn biết nhận ra tình Chúa, khi sống với Lời Chúa, với Thánh Thể và trong bữa cơm gia đình. Amen.
BCT
Bẻ Bánh đời mình (12.04.2023)
“Hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh”.
Hai môn đệ của Chúa Giêsu thất chí, bỏ mộng công danh, tìm về quê nhà cho an phận. Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra với họ trong dáng vẻ của một khách bộ hành trên đường về làng Em-maus. Người gặp gỡ, trò chuyện, thăm hỏi, lắng nghe họ, và thấu hiểu tâm tư tình cảm của họ. Họ đang rất đau buồn về cái chết và sự thất bại của người mang tên Giêsu, mà lâu nay họ theo đuổi với mộng công hầu vị vọng. Người dùng Lời Thánh Kinh mà giải thích cho họ. Họ lắng nghe Lời Người.
Đến chiều tối, mà đường hãy còn xa. Họ mời Người nghỉ đêm với họ. Và bấy giờ, khi Người cử hành lễ tạ ơn, lúc Người bẻ bánh, họ mới nhận ra Người là thầy Giêsu của mình!
Vâng, “Bẻ bánh”, là dấu chỉ của Chúa Giêsu, và cũng là dấu chỉ nhận ra sự hiện diện của Chúa Giêsu trong cuộc đời này. Nơi nào có bẻ bánh, nghĩa là “có sẻ chia sự sống của mình cho người khác, vì yêu người”, thì nơi ấy có Chúa Giêsu hiện diện.
Gia đình là nơi cụ thể nhất, để có thể “cử hành lễ tạ ơn”, để có thể “bẻ tấm bánh đời mình ra mà nuôi nhau cho được sống, được sống vui, được sống hạnh phúc”. Và hẳn nhiên, không hề có việc “bẻ ra”nào mà không chấp nhận thương tích, đau đớn, mất mát. Nhưng chính sự đau khổ, hy sinh, chịu chết đi cho nhau, vì nhau ấy, là bảo chứng cho việc cả nhà sống lại vinh quang. Đúng như Lời Thánh Kinh mà Chúa Giêsu hôm nay trích dẫn, và Người đã thực hiện: “Chớ thì Đấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi mới được vinh quang sao?”.
Cầu mong tất cả mọi gia đình chúng ta biết yêu thương nhau, và cụ thể tình yêu thương ấy bằng việc chết đi cái tôi hẹp hòi ích kỷ, bằng việc hy sinh phục vụ nhau hết mình, hiến thân cho nhau được sống.
Lạy Chúa, xin cho các gia đình công giáo chúng con, cùng đại gia đình Đa Minh Việt Nam, luôn biết lắng nghe và sống Lời Chúa dạy, năng rước lấy Thánh Thể Chúa, và bẻ bánh đời mình ra cho nhau. Amen.
BCT
Lời Phục Sinh, Thánh Thể Phục Sinh (20.04.2022)
“Hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh”. (Lc 24, 30)
Chúa Giê-su tử nạn, hai môn đệ Người thất chí, quyết định bỏ mộng công danh, tìm về chốn cũ vườn xưa vui thú điền viên cho qua ngày đoạn tháng. Lòng hai ông nặng buồn. Đường về Emmaus như dài ra mấy nữa… Chúa Giê-su Phục Sinh hiện ra trong dáng vẻ của một khách bộ hành. Người gặp gỡ, cùng bước đi, thăm hỏi, lắng nghe…Người đã thấu cảm nỗi lòng của hai ông về chuyện “theo Thầy tìm chút công danh, mà Thầy tử nạn thôi đành về không”. Người dùng Lời Kinh Thánh giải thích cho hai ông về việc Đấng Ki-tô phải chịu đau khổ rồi mới được vinh quang. Các ông chăm chú nghe Lời Người, phấn khích trong lòng, và mời Người ở lại với các ông. Và họ đã nhận ra vị khách cùng đi là Thầy mình đã Phục Sinh, khi Người bẻ bánh.
Lời Chúa là Lời Phục Sinh tâm hồn chúng ta. Thánh Thể Chúa là Thánh Thể Phục Sinh cuộc sống ta. Lời Chúa và Thánh Thể Người luôn đồng hành với chúng ta trong suốt hành trình dương thế và dẫn lối chúng ta vào quê hương vĩnh cửu. Chúa Giê-su đã bước xuống và cùng hiệp hành với các môn đệ mình đang u sầu thất vọng. Người dùng Lời Thánh Kinh mà thắp lên trong lòng họ niềm tin yêu. Người cử hành hy tế bẻ bánh, và chia sẻ với họ, để họ có sức mạnh thần linh mà trở lại nhịp sống bình an hy vọng của Tin Mừng. Chúa muốn các gia đình yêu mến, lắng nghe, và thực hành Lời Chúa, yêu mến rước lấy Thánh Thể Người, đồng thời, bước xuống với những ai đang đau khổ thất vọng, để chia sẻ cho họ niềm vui Lời Chúa, giúp họ được thông hiệp với ân sủng Thánh Thể, tỏ bày tình Chúa yêu qua lòng thương xót của chúng ta. Nơi nào sống Lời Chúa và Thánh Thể, nơi đó có ơn Phục Sinh.
Lạy Chúa, xin giúp cho các gia đình chúng con biết thực hành Lời Chúa và sống mầu nhiệm Thánh Thể cùng với mọi người khổ đau. Amen.
BCT
Phục sinh nhờ Lời Chúa và Thánh Thể (07.04.2021)
“Hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh” (Lc 24,35)
Tưởng Chúa Giê-su sẽ làm một cuộc cách mạng vĩ đại, sẽ lật đổ chính phủ và dựng nên một cơ đồ mới cho đất nước, nên có người đã theo người, mong tìm một chỗ vị vọng…ai dè, người bị giết chết cách đau đớn nhục nhã trên thập giá… Hai môn đệ kia thất chí, bỏ mộng công danh, từ quan về vườn. Hai ông đang lê từng bước trên đường về làng Emmaus dân dã… Chúa Giê-su Phục Sinh đã hiện ra với hai ông và dùng Lời Thánh Kinh mà giải thích về kế hoạch cứu rỗi, về Nước Thiên Chúa. Hai ông đã đón nhận cách trân trọng và mời Chúa Giê-su nghỉ lại dọc đường, vì trời đã tối. Và cuối cùng, hai ông nhận ra Thầy mình đã phục sinh khi người bẻ bánh… Quả thực, Lời Chúa và Thánh Thể Chúa đã làm phục sinh tâm hồn hai môn đệ trên đường Emmaus. Họ cùng sống lại với Chúa Giê-su: sống lại niềm tin vào Chúa Giê-su; sống lại lý tưởng phục vụ Nước Chúa; sống lại nhiệt huyết tông đồ; sống lại niềm vui hiệp nhất với cộng đoàn; sống lại niềm vui bình an.
Họ được ơn phục sinh, vì biết đón nhận người bạn đồng hành là Chúa Giê-su, biết để tâm lắng nghe Lời Người, biết quý mến người và mời người ở lại, và biết nhận ra dấu chỉ của người qua việc bẻ bánh, tham dự bữa ăn tối với Người. Nhìn vào đời sống đức tin của chúng ta hôm nay, không thiếu gì người trong chúng ta, lúc buồn phiền chán nản cuộc sống này vì thất chí, thất vọng, lại bỏ nhà thờ mà đi, không tham dự thánh lễ, không lắng nghe lời Chúa. Không những thế, lại còn nghe lời xúi quẩy của ma quỷ mà tìm đến chén rượu, tìm ảo giác, tìm đến những chỗ tiêu khiển vui chơi bất chính. Thử hỏi, họ đã được bình an không, hay tâm hồn càng thêm trống vắng, tinh thần càng sa sút thậm tệ, và nhất là đức tin càng lún sâu vào chỗ nghi ngờ, chối bỏ, mất trắng. Đời không như là mơ theo ý của chúng ta. Bởi ý mơ của chúng ta vẫn thường nhắm đến điều những gì thuộc về hạ giới tầm thường, chóng vánh, và có khi còn là điều bất chính, bất hảo.
Chúa muốn chúng ta đặt ước mơ, khao khát và đúng ý mơ, ý khát của Thiên Chúa, không để thêm gì cho Chúa, nhưng để được phần lợi cho chúng ta. Hãy tìm ý mơ, ý khát của Thiên Chúa nơi Lời và Thánh Thể Đức Giê-su. Lời Người hướng dẫn chúng ta đến điều thiện hảo và niềm vui vĩnh cửu. và chúng ta sẽ không bao giờ thất chí thất vọng. Thánh Thể Người cho chúng ta hạnh phúc viên mãn và vĩnh cửu. Vâng, Lời Chúa đã làm phục sinh hai tâm hồn chết yểu vì nản chí; Thánh Thể Chúa Giê-su đã làm phục sinh hai cõi lòng tan nát vì đớn đau. Hai môn đệ đã phục sinh từ suy nghĩ, ý hướng đến lòng mến yêu, và trở lại với anh em mình để cùng anh em loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Bấy giờ, hẳn là các ông không còn tìm một chỗ đứng vị vọng trong chính phủ trần thế nữa, nhưng các ông đang làm nhiệm vụ của một công dân Nước Thiên Chúa, nhiệm vụ cao quý thần thiêng, nhiệm vụ làm chứng cho Chúa Phục Sinh bằng chính cuộc sống hân hoan tràn đầy hy vọng và tươi trẻ thánh thiện của mình.
Các gia đình chúng ta luôn phải đối diện với bao thách đố trong cuộc đời thường. Biết bao vợ chồng thất chí, chán nản nhau vì mỗi người tìm theo một lý tưởng hôn nhân chưa thực chuẩn. Bao lâu những khát vọng của chúng ta, của các gia đình còn nghiêng về phía danh lợi dục trần gian, bấy lâu còn luôn trong tình trạng nản lòng nản chí, đau khổ! Ước gì các gia đình không tìm vui thỏa ước mơ phàm trần thế tục, nhưng luôn tìm vui thỏa thánh ý và lòng xót thương của Chúa.
Nguyện xin Lời Chúa và Thánh Thể Chúa làm phục sinh đời sống hôn nhân và gia đình của chúng con, để tất cả mọi thành viên gia đình sống lại với ý nghĩa thiêng thánh, với lý tưởng cao quý là yêu thương nhau ở đời này, cho vinh danh Chúa, và được sum họp đời sau trong Nước Chúa. Amen.
BCT
Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người (15.04.2020)
Tin Mừng hôm nay cho ta một câu chuyện dài, vui và là một trong những câu chuyện hấp dẫn trong Tin Mừng. Hai môn đệ Chúa Giêsu đang đi về Emmau trong nỗi niềm thất vọng thì được gặp Chúa Giêsu phục sinh. Nhưng hai ông đã không nhận ra Chúa, mà Chúa cũng chưa muốn cho các ông biết Người. Rồi cho tới khi được Chúa khơi gợi trao đổi, dạy dỗ thì… “Chúa đã cho mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người”.
Hôm nay hai môn đệ tiến về Emmau như những người lính vừa thất trận. Thất trận vì người Thầy mà mình hy vọng theo đuổi đã mấy năm nay lại vừa bị người ta giết chết. Nhưng dù sao họ cũng chưa hoàn toàn tuyệt vọng mà vẫn còn le lói trong mình một chút gì cho tương lai. Họ đi tìm phương kế cho cuộc sống mới. Vui sướng thay Chúa Phục Sinh đã không để cho họ phải đau khổ thất vọng, Người đã đến và nâng đỡ đúng lúc họ cần thiết ấy. Họ đang bàn tán với nhau về chuyện Chúa Kitô tử nạn và phục sinh. Nhưng Người giả vờ như chưa biết gì về câu chuyện ấy. Chúa hỏi han, cảm thông với những bế tắc lo âu của họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?”.
Rồi Chúa dùng Thánh Kinh mà dạy dỗ dẫn dắt họ. Từ chỗ hai người chưa có chút nào về niềm tin Chúa phục sinh như Chúa đã trách họ: “Các anh chẳng hiểu gì cả! lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ ! Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?”. Rồi họ đã biết chăm chú lắng nghe Lời Chúa. Họ có phúc vì đã được chính Chúa Kitô người Thầy có một không hai giảng dạy Thánh Kinh giáo lý cho họ “bắt đầu từ Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh”. Rồi tiếp tục hai ông lại được dự tiệc “bẻ bánh” với Người, bữa tiệc tưởng nhớ cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa. Vậy là được gặp Chúa Phục Sinh, lòng các ông đã “bừng cháy lên” và mắt các ông “liền mở ra và họ nhận ra Người”.
Có Chúa Phục Sinh và Thánh Thể Chúa ở cùng, tâm hồn các ông vui tươi hăng say mạnh mẽ. Chẳng có một khó khăn trở ngại nào mà đè bẹp hay cản được bước tiến của các ông. Có Chúa Phục Sinh con mắt tâm hồn các ông đã sáng suốt tinh lanh mà nhận ra Chúa, nhận ra mọi người, nhận ra điều hay lẽ phải cho đời mình. Rồi hai ông cũng có đủ sức mạnh “đứng dậy”, không tháo lui không thất vọng mà “quay trở lại Giêrusalem” để tiếp tục loan truyền Chúa Phục Sinh cho nhân loại.
Giờ đây đọc chuyện hai môn đệ trên đường Emmau, mỗi chúng ta có bao giờ mình gặp phải cảnh chán chường, thất vọng hay có nguy cơ mất đức tin chăng?
Mỗi khi gặp phải nguy cơ đó ta có biết cậy nhờ đến lời Chúa, đến Thánh Thể Chúa mà suy gẫm mà cầu nguyện, hầu nên linh dược hiệu nghiệm nhất chữa trị những căn bệnh đó cho chúng ta không?
Lạy Chúa Kitô Phục Sinh, xin Chúa luôn ở trong con. Vì chỉ có Chúa, tâm hồn con mới được an vui, trí tuệ con mới được sáng suốt và xác hồn con mới có được sức mạnh mà vững bước trên đường về quê Trời. Amen.
Gs. Ngọc Năng
Họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem
Mở đầu Tin Mừng hôm nay một bầu không khí thất vọng, “buồn rầu” của hai môn đệ Chúa Giêsu. Họ đã theo Chúa, được nghe những lời giảng dạy, được thấy những phép lạ Chúa làm. Các ông đã hy vọng Chúa sẽ đem lại quyền thế lợi lộc cho mình ngay từ cõi đời này. Các ông đã nói: “Ông Giêsu Nadaret, người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân”. Nhưng nay người mà hai ông hy vọng ấy đã thua một nhóm người, vừa bị họ giết chết nhục nhã. Mọi hy vọng dù chỉ là le lói như đã bị dập tắt. Các ông như đang trở về miền quê với đời thường lam lũ của mình hôm xưa.
Vui thay trong hoàn cảnh đáng thương ấy, Chúa Giêsu phục sinh đã đến với hai ông. Dù là Đấng đã thấu suốt mọi sự, nhưng Chúa đã gặp gỡ hỏi han khơi gợi: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?”. Người muốn các ông tự thổ lộ trình bày những lo âu buồn phiền về việc họ quan tâm. Thế là càng đi sâu câu chuyện thì lại bắt đầu le lói lên chút ít hy vọng: “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel… Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc…”. Thế là các ông vừa thất vọng, vừa có niềm tin ngờ ngợ ấy. Đến lúc để Chúa tỏ tình dạy dỗ và trách mắng, đem lại hiệu quả tuyệt vời cho các ông: “Các anh chẳng hiểu gì cả. Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?… Rồi Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh”. Hai ông quả là có phúc, được Thầy Giêsu trực tiếp dậy dỗ cho hiểu biết “những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh”, một điều xưa nay chưa thấy nói ai được như vậy. Chúa Giêsu còn tiếp tục “… ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người”.
Giờ đây nhìn lại mỗi chúng ta, đã có bao giờ bị thất vọng, bỏ cuộc nhất là trong hành trình Đức tin theo Chúa?
– Nhờ lắng nghe lời Chúa, hai môn đệ trên đường Emmau tâm hồn họ đã “bừng cháy lên” hết mọi thất vọng buồn rầu.
– Nhờ bữa tiệc Thánh Thể hôm ấy, hai môn đệ “mắt họ mở ra”hết mù tối. “Họ nhận ra Chúa”, nhận ra mọi người, nhận ra điều hay lẽ phải trên đời. Hai ông đã trở thành con người mới, sức mạnh mới của Chúa phục sinh “Họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu…”. Họ không tháo lui nữa, làm lại từ đầu. Hợp sức cùng bạn hữu chiến đấu cho công cuộc rao truyền Tin Mừng của Chúa.
Lạy Chúa! Xin cho con luôn say mê yến tiệc Lời Chúa và Thánh Thể Chúa hàng ngày. Vì đó là đồ ăn cao quý duy nhất giúp con có sức mạnh và sống hạnh phúc trên dương thế này và cũng là điều kiện để con được sống muôn đời trên Thiên Quốc. Amen.
Gs. Ngọc Năng
Trở về với chính mình
Kể truyện:
Hoàn cảnh xã hội nhiễu nhương những năm 1945-1946, chiến tranh loạn lạc, bà con nhân dân di tản, Cha Bề Trên địa phận Bạc Liêu khuyên ngài lên Bạc Liêu lánh mặt, khi nào tình hình yên ổn thì sẽ trở lại họ đạo Tắc Sậy, nhưng ngài trả lời: “Tôi sống giữa đàn chiên và nếu có chết cũng chết giữa đàn chiên, không đi đâu cả”.
Khi ấy, ngày 12/03/1946, ngài bị bắt cùng với trên 70 chức sắc và giáo dân tại họ đạo Tắc Sậy, bị lùa đi và nhốt tại lẫm lúa nhà ông giáo Sự ở Cây Dừa. Người ta định giết tất cả nhưng ngài nói chính ngài là chủ chăn các con chiên đó, vậy xin chết thay cho các con chiên của ngài. Họ chấp nhận. Mọi người được thả còn ngài thì bị đem đi thủ tiêu. Đó là Cah Phanxico Trương Bửu Diệp.
Suy niệm:
Khi Tổ phụ Abraham nghe Thiên Chúa nói: “Ngươi hãy đem Isaac, đứa con một yêu dấu của ngươi, và đi đến đất Moria, và ở đó hãy dâng nó làm của lễ thượng hiến trên một quả núi ta sẽ tỏ cho ngươi” (St 22,2). Ông đã mau mắn lên đường đến núi Moria để sát tế con làm của lễ hiến dâng.
Khi Sứ Thần truyền tin cho Mẹ Maria, ngay sau đó, Đức Mẹ đã vội vã lên đường đến với chị họ của mình, để đem Chúa đến cho Gioan.
Trong giấc mộng, Thánh Giuse được mộng báo: hãy mang con trẻ trốn đi. Tỉnh giấc, Ngài đã đem Chúa Giê-su trốn sang Ai cập.
Trong dụ ngôn đứa con hoang đàng. Khi bừng tỉnh cơn mê trần thế, anh ta đã vội vã trở về Nhà Cha: “Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha” (Lc 15, 20).
Tin Mừng cho ta thấy mổ sự kiện vội vã lên đường trở về Giê-ru-sa-lem cùng với các Tông Đồ của hai môn đệ: Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó” (Lc 24, 33).
Hôm nay, trong một xã hội toàn cầu, thật thật giả giả, chúng ta không thể nhận ra Chúa đang hiện diện với chúng ta như thế nào, không thể nhận ra Chúa đang bẻ bánh để mở mắt tâm hồn chúng ta.
Như trong Tự Thuật của Thánh Augustino: “Này, Ngài vốn ở trong con, mà con lại ở ngoài con và vì thế con tìm Ngài ở bên ngoài; là kẻ xấu xa, con đã lăn xả vào những vật xinh đẹp Ngài đã tạo dựng nên. Ngài đã ở với con mà con lại không ở với Ngài” (Tự thuật I, 1, 1).
Chúng ta cũng đang đi tìm Chúa bên ngoài chúng ta, với những đam mê quyến rũ của trần gian; với biết bao cái đẹp vô cùng vĩ đại của thiên nhiên; với biết bao danh vọng quyền lực trần gian; với biết bao lo toan khó nhọc của nghèo khó; với biết bao vinh hoa phú quý của tiền bạc; với biết bao đam mê quyến rũ của xác thịt; với biết bao ham muốn thú vui của tệ nạn xã hội như: xì ke, ma túy, rượu chè, trai gái, cờ bạc, ăn sung mặc sướng… Tất cả những thứ đó đã và đang che lấp tầm nhìn của con mắt tâm hồn, làm cho chúng ta không nhận ra Chúa nơi chính chúng ta đang sống.
Ngày ngày, chúng ta vội vã lên đường đi tìm mưu sinh, tìm tiền tài danh vọng, để rồi tâm hồn chúng nhận được sự bất an. Cả cuộc đời cũng không nhận ra Chúa.
Chúng ta vội vã đi tìm Chúa với những lời đồn đoán: nơi này linh thiêng lắm, nơi kia Chúa hiện diện. Chúng ta đến, và đến nhiều lần, đến nhiều nơi, nhưng chúng ta cũng không tìm gặp Chúa. Vì Chúng ta đang ở ngoài chúng ta, mà Chúa luôn luôn hiện trong chúng ta.
Hãy trở về với chính mình, trong con người của mình để gặp Chúa. Chúa ở ngay trong ta, Chúa ở trong tha nhân bên cạnh ta, Chúa hiện diện trong Thánh Lễ Misa mỗi ngày.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su, xin cho nhận ra Chúa đang và luôn ở trong con, hiện diện bên con từng giây phút trong cuộc đời, để con luôn thuộc về Chúa. Amen./.
Gã Đầu Bạc
Nhận ra Chúa đang hiện diện trong cuộc sống
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại hoàn cảnh của hai môn đệ làng Emmau. Hai ông thực sự đã trải qua những ngày hết sức đen tối. Tuy không phải là thành phần nòng cốt thuộc Nhóm Mười Hai, nhưng các ông là những môn đệ đã gắn bó với Ðức Giêsu. Bằng chứng là các ông đã không bỏ cuộc khi thấy Thầy Giêsu bị bắt và bị giết chết. Lý do vì các ông vẫn tin Thầy của các ông chính là Ðấng cứu chuộc Ítraen. Mãi tới ngày thứ ba, sau khi các bà đi viếng mộ và thấy mồ trống trơn, còn chính Ðức Giêsu thì chẳng ai gặp, các ông mới thất vọng và bỏ về quê ở Emmau. Tuy nhiên, chính trong giờ phút đen tối đó, Chúa Giêsu phục sinh đã hiện đến với các ông, nhưng các ông không nhận ra Người. Bằng việc cắt nghĩa Lời Kinh Thánh dọc đường, Người đã làm lòng họ bừng cháy lên; kế đó, bằng việc bẻ bánh trong quán trọ, Người đã mở mắt cho họ nhận ra Người.
Trên đường đi tới Em-mau
Tâm tư buồn chán, thương đau ngập tràn
Hôm qua hy vọng chứa chan
Giờ đây thất vọng, hoang mang chán chường
Hai người cùng bước trên đường
Tâm tư tình cảm vấn vương nỗi niềm
Câu chuyện hai môn đệ làng Emmau trình bày một minh họa sống động về việc Chúa phục sinh vẫn tiếp tục hiện diện với con người một cách huyền nhiệm qua bí tích; đồng thời cho thấy sức biến đổi mà bí tích mang lại. Thật vậy, qua một dấu chỉ vật chất là tấm bánh, cộng với cử chỉ bẻ bánh và dâng lời chúc tụng, Ðấng phục sinh đã mở mắt cho hai môn đệ Emmau nhận ra Người. Ngay lập tức, con người hai ông được biến đổi: họ chỗi dậy, quay về Giêrusalem ngay trong đêm tối để mang ánh sáng của Tin Mừng Phục Sinh cho các anh em.
Chúa thương hiện đến kề bên
Đồng hành tâm sự kết liên chuyện trò
Xua tan hết mọi lắng lo
Giải thích Kinh Thánh giúp cho hiểu Người
Hai người phấn khởi vui tươi
Trở lại Thành Thánh loan Lời Phục sinh
Ðấng Phục Sinh vẫn đến với chúng ta hôm nay qua một người bạn hay một người lạ mà chúng ta tình cờ được gặp. Qua họ, Ngài thổi vào lòng chúng ta niềm hy vọng tin yêu. Ngài vẫn đến với chúng ta qua từng thánh lễ. Ngài đích thân giảng Tin Mừng và bẻ bánh trao cho chúng ta. Sống như Chúa phục sinh là tập đến với tha nhân để cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với nhau trong cuộc sống.
Lên đường làm chứng truyền loan
Kêu gọi sám hối ăn năn tội mình
Muôn dân thống hối tội tình
Tin tưởng váo Chúa, Thánh Kinh của người
MỪNG VUI CHÚA SỐNG LẠI RỒI
ĐỜI CON CÓ CHÚA SÁNG NGỜI NIỀM TIN
Lạy Chúa, sự đồng hành của Chúa trên đường Emmau đã đánh tan thất vọng, lo âu trong tâm hồn các môn đệ. Xin Chúa cũng ban cho chúng con sự bình an và ơn thánh qua bí tích Thánh Thể mà chúng con lãnh nhận mỗi khi chúng con tham dự Thánh lễ. Xin giúp chúng con đừng bao giờ dửng dưng như khách lạ với tha nhân, nhưng luôn liên kết, cảm thông và nâng đỡ những rủi ro, bất hạnh của tha nhân, để chúng con đừng bao giờ chỉ tìm niềm vui nơi mình nhưng luôn nghĩ đến thiện ích cho tha nhân. Amen.
HOÀI THANH
Có Chúa cùng đi
Buổi chiều ngày Chúa phục sinh, hai môn đệ thất thểu trên đường bỏ về quê Em-mau, lòng đầy thất vọng, buồn sầu, miệng thì nguyên chuyện thời sự nóng hổi về cái chết oan nghiệt của Thầy Giêsu. Đang trò chuyện về Thầy, thì chính Đức Giêsu “nhập đoàn” trên đường đi. Làm sao hai ông có thể nhận ra, vì Thầy đã chết rồi và đối với các ông lúc này Thầy vẫn là “đang chết”.
Chúa phục sinh nhẹ nhàng, không rung động trời đất, nên nghe mấy người nói mà các ông bỏ ngoài tai, chả còn gì để mà hy vọng hiển trị với Thầy. Đang chán chường thì Thầy “đóng kịch” mào đầu câu chuyện: “Các ông vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Họ buồn mà kêu ông là người duy nhất không biết chuyện tày trời xảy ra trong thành mấy hôm nay. Thầy cứ nhẹ nhàng xen vào chuyện của các ông mà hỏi tiếp, thế là các ông thành thật kể một lô cho Thầy rõ chuyện. Lúc này vị khách lạ mới giũa giã: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ. Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” (Chính con đây cũng được mở mắt, à ra mà thay đổi cái nhìn về đau khổ bệnh tật của mình với chính lời này của Chúa).
Rồi các ông được nghe chính Chúa giải thích những gì liên quan đến Người trong Sách Thánh. Quả thật khi tiếp cận với Lời hằng sống, chính Lời sẽ cho con gặp được Chúa. Khi con biết “lắng nghe”, chính Lời sẽ cho con “thấy” và được thêm sức sống dồi dào.
Ba người cùng đi hết đoạn đường, Người khách lạ giả vờ còn phải đi tiếp xa hơn. Nhưng sao gần gũi thân thương quá chẳng muốn rời! “say mê” rồi! Họ nài ép Người “ở lại” với họ. Khi đồng bàn với họ, Người làm những cử chỉ y như mấy hôm trước trong bữa tiệc ly. Mắt họ bừng mở nhận ra, thì Người lại biến mất. Thảo nào, họ nhớ lại những giờ được lắng nghe lời Người và nhìn nhận: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?”
Quả thực Lời Ngài làm chứa chan hy vọng, Lời Ngài đượm chất ngất niềm vui khi con biết sống trong Lời. Khi tham dự lễ bẻ bánh, nơi Bí tích Thánh Thể làm cho con “thấy” được Chúa. Thánh Thể Chúa làm tim con tan chảy, mắt con chan chứa giọt lệ mừng vì tình Chúa ôi tuyệt vời!
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin cho con luôn nhận ra luôn có Chúa cùng đi với con trên mọi nẻo đường đời, thật nhẹ nhàng, ẩn mình nhưng thật khéo léo. Xin cho con biết say mê Lời Chúa và Thánh Thể Chúa, để từ đây con hân hoan trở về với Giêrusalem của lòng con, của người thân bạn bè, cộng đoàn, giữa lòng xã hội mà loan truyền, kể lại tất cả những gì con đã thấy, những điều tuyệt vời Chúa đã làm cho cuộc đời nhiều khi mệt mỏi gian lao của con. Amen.
Én Nhỏ