Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: Đnl 34,1-12 (năm lẻ), Ed 9,1-7 ; 10,18-22 (năm chẵn), Mt 18,15-20
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 18,15-20)
15 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. 16 Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. 17 Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.
18 “Thầy bảo thật anh em : dưới đất, anh em ràng buộc những điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy ; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.
19 “Thầy còn bảo thật anh em : nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. 20 Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”
Nên hoàn thiện và giúp nhau hoàn thiện (14.08.2024)
“Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em”.
Con người vốn bất hảo. Không ai hoàn hảo cả. Ai cũng có những thiếu sót, lầm lỗi với chính mình, với tha nhân, với Thần Linh, và với Thiên Chúa. Ai nên khôn mà không khốn một lần. Nhưng, thiết nghĩ, nhờ những thiếu sót, những thất bại, những lần chưa nên khôn, mà chúng ta rút tỉa được kinh nghiệm sống để tiến thân, để trưởng thành, để hoàn hảo. Điều cần thiết nhất đối với chính mình là phải có ý thức, có khát vọng vươn lên tới chỗ hoàn hảo. Và điều cần thiết nhất trong cuộc sống chung là thấu hiểu cảm thông với những thiếu sót lỗi lầm của anh chị em. Một trong những điều bất hảo tệ hại của con người là không nhận ra mình bất hảo, mà lại nhìn thấy, hoặc suy đoán sự bất hảo nơi anh chị em mình.
Có người làm thơ rằng: “Người ta không xấu như mình tưởng, mà tưởng người ta xấu nhất đời. Tỉnh ngộ đi nào, mình xấu nhất, người ta ai cũng tốt xinh thôi”. Chỉ có con người bất hảo mới nghĩ xấu, hiểu xấu cho người khác. Còn Thiên Chúa, thì Người thấu hiểu, cảm thông, khoan dung và luôn tìm cách làm cho con người ta nên hoàn thiện. Chúa muốn các gia đình hãy mặc lấy lòng thương xót của Người, để chấp nhận sự yếu hèn của nhau, để tỏ lòng khoan dung và để giúp nhau nên hoàn thiện. Bởi vì, mỗi chúng ta đều là tội nhân, và đều được hưởng ơn tha thứ của Thiên Chúa. Lời Chúa hôm nay chỉ rõ cho tất cả chúng ta việc bác ái phải làm là: giúp nhau nên hoàn thiện.
Trước tiên là hãy tìm hiểu, cảm thông, thấu hiểu, rồi khuyên nhủ bảo ban riêng tư. Đến nước cùng, mới công khai nhờ cộng đoàn, không phải để làm cho tội nhân xấu hổ, nhưng để cho tội nhân biết được lòng Chúa yêu qua sự lắng lo có trách nhiệm của cộng đoàn.
Lạy Chúa, xin cho đại gia đình Đa minh chúng con và tất cả các gia đình Công giáo nói chung, mọi người biết Sống Lời Chúa để nên hoàn thiện, và chân thành giúp nhau nên hoàn thiện. Amen.
BCT
Kiến tạo sự hiệp nhất, yêu thương (16.08.2023)
“Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em”.
Ai cũng là con người, và con người thì luôn có những lầm lỗi. Câu nói: “Thánh nhân cũng phạm bảy tội trong một ngày” hàm ý nói Bảy Mối Tội Đầu luôn quấy nhiễu, và con người khó lòng mà tránh khỏi! Có phải lầm lỗi làm đau lòng nhau, và cuộc sống chung bỗng trở thành một bầu trời u ám, thất vọng chăng?
Trong cuộc sống chung giữa vợ chồng, gia đình và cộng đoàn, có người ví mỗi con người như một viên đá mỗi ngày mỗi bớt sắc nhọn đi, và dần dần trở nên những viên đá cuội tròn nhẵn nhụi xinh đẹp nét khiêm nhu, dịu hiền, và đồng điệu.
Hóa ra chuyện lầm lỗi làm đau lòng nhau lại là cơ hội giúp nhau nên hoàn thiện, nên xinh đẹp. Mỗi người sẽ bớt đi cái tôi kiêu căng ích kỷ, bớt đi cái ganh tị hơn thua sắc bén đáng sợ, và hòa hợp với nhau xinh đẹp như những viên đá cuội đã từng va vào nhau đau điếng! đôi vợ chồng bình yên hạnh phúc, một gia đình êm ấm hòa thuận hòa, có thể hiểu được là họ đã có đầy những kỷ niệm va vào nhau đau điếng, và chấp nhận tròn đi để vui sống.
Chúa Giê-su biết mỗi chúng ta lầm lỗi, và Ngài dạy chúng ta cách sửa lỗi sao cho thật tế nhị, và sửa lỗi cho nhau vì lòng yêu mến nhau. Ý ngay lành luôn phải là ý hướng chủ đạo cho việc góp ý sửa lỗi. Nói nhỏ với nhau, rồi cùng nói nhỏ với nhau để giúp nhau sửa lỗi, và cuối cùng là kiến tạo một gia đình, một cộng đoàn yêu thương hiệp nhất như ý Chúa muốn.
Bấy giờ chính sự nên một của vợ chồng, chính sự hiệp nhất của tập thể, của cộng đoàn, sẽ là nguyên lý cho sự hiện diện và phúc lành của Chúa Giê-su, của cả Ba Ngôi Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin thương giúp các cặp vợ chồng, các gia đình, các Hội đoàn, biết can đảm nhận lỗi và sửa lỗi, vì lòng yêu mến Chúa và thương nhau chân thành. Amen.
BCT
Sửa lỗi vì yêu nhau, để cùng nhau yêu Chúa (11.08.2021)
Ngày 11.08: Lễ Nhớ Thánh Cơ-la-ra, trinh nữ
“Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em”. (Mt 18, 15).
Người trần gian thì phàm ai không lỗi lầm, thiếu sót. Có là thánh nhân đi nữa, có là kẻ tu hành lâu năm đi nữa, thì mỗi ngày cũng ít là bảy lần phạm tội, huống chi là xác đất vật hèn, phàm phu tục tử như hầu hết chúng ta, những người phải đối diện với cuộc sống đời thường cơm áo gạo tiền, với biết bao điều bất ý!
Thế thì việc phải nói, không phải là chuyện có lỗi hay không có lỗi, nhưng là chuyện biết lỗi hay không biết lỗi, nhận lỗi và sửa lỗi hay không nhận lỗi, không sửa lỗi. Có người đang ảo tưởng mình là thánh, là công chính, chỉnh chu, là hoàn hảo tuyệt vời, và khi có người góp ý một chút thì như bị một mũi kim đâm, và phản ứng tức khắc. Sửa lỗi là giúp nhau nên tốt, nên hoàn thiện, là một việc bác ái cần thiết, nhưng cũng rất cần tế nhị, lịch sự, và với ý ngay lành, là: sửa lỗi vì yêu nhau, để cùng nhau yêu Chúa. Chúa Giê-su dạy chúng ta cách sửa lỗi anh em, nhưng cùng phải giữ thể diện cho anh em: từ riêng tư to nhỏ, chân thành kiên trì, nếu không được, mới nhờ đến sự góp ý của người thứ ba, và sau đó mới ra cộng đoàn.
Thời đại này, lỗi của chồng, lỗi của vợ, chưa nói gì với nhau đã lồ lộ phơi trên mạng xã hội, “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã hay”. Đó là cách tố cáo, không phải là cách sửa lỗi vì yêu người. Trách gì người không phai nhạt tình nhau. Hoặc chưa gặp gỡ, tìm hiểu, nhỏ to, khuyên bảo lại công khai sửa lỗi anh em giữa cộng đoàn. Ý ngay lành hay ý làm xấu cho nhau? Đó là cách lên án, trừng phạt, xua trừ chứ không phải cách yêu thương mời gọi trở về chân thiện mỹ. Trách gì người bỏ nhau!
Lạy Chúa, xin cho các gia đình của tất cả chúng con có ý ngay lành khi giúp nhau nên hoàn thiện, để yêu nhau, để cùng nhau yêu Chúa, thương người, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid rất khốn khổ hiện nay…, đang cần thiết mối tương thân tương ái giúp đỡ nhau vượt qua cơn bĩ cực này, xin cho các gia đình biết tin tưởng vào Chúa hiện diện trong tình yêu thương hiệp nhất. Amen.
BCT
Sửa lỗi cho nhau (12.08.2020)
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho ta hay, mỗi người nơi trần gian này, không ai là sống đơn độc, nhưng sống với anh em, sống với “hai ba người”, với cả Hội thánh, đồng thời đều có trách nhiệm, quyền lợi nơi tổ chức ấy.
Trước hết là trách nhiệm, “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó”. Trước những lỗi phạm của anh em mình ta không được dửng dưng vô sự bỏ qua vì nể nang hay vì yêu mến nữa. Vì nếu cứ để nhiều anh em lỗi phạm thì cái nhóm người, cái xã hội ấy làm sao có thể làm được những điều tốt lành được. Sửa lỗi cho anh em quả là một điều không dễ, một vấn đề tế nhị. Nếu phải sửa lỗi anh em, vô tình ta đã đóng vai một người bề trên, một người thầy của anh em mình. Trong khi Chúa đã dạy ta: “Đừng để ai gọi mình là thầy…, đừng gọi ai dưới đất này là cha…là người chỉ đạo… Vì tất cả anh em đều là anh em với nhau.” (Mt 23, 8-12). Vậy ta sửa lỗi làm sao? Phải bình tĩnh, không vội vàng rêu rao cái lỗi của anh em, mà hãy kín đáo “đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi”. Làm như vậy biết đâu nếu người anh em vĩnh viễn bỏ được lỗi lầm ấy là ta đã cứu được một con người. Còn nếu “nó” không nghe hãy dần dần “đem theo một hay hai người nữa”.Đây là nại công khai đến đại diện tổ chức dân sự. Cuối cùng “nó” không nghe nữa thì “hãy đi thưa Hội Thánh”. Đây là một mẹo luật vàng Chúa dạy để sửa lỗi anh em mình. Xưa nay trong đạo ngoài đời đã sử dụng và đã đem lại hoa trái tốt lành cho nhân loại. Mẹo luật sửa dạy đầy yêu thương, chí tình, chí lý và thiết nghĩ chẳng còn cách nào tốt lành hơn nữa. Kinh nghiệm thực tế cho thấy nếu những bất đồng đã đưa đến cha xứ, đã dùng đến quyền bính của Chúa và Hội Thánh mà giải quyết không thành thì sẽ chẳng còn hy vọng cơ quan tố chức nào làm được nữa, vậy là “hãy kể nó như một người ngoại”.
Đến đây tôi nhớ lại lời dạy về việc sửa lỗi và sự yêu thương của công đồng Vaticano 2: “Chính vì yêu thương thúc bách mà các môn đệ Chúa Kitô loan báo Tin Mừng cho mọi người chân lý cứu rỗi. Nhưng phải phân biệt lầm lỗi, điều luôn luôn phải loại bỏ…” (Hiến chế mục vụ 28).
Tiếp tục Chúa đã trao cho các tông đồ quyền cai trị Hội thánh mà Người đã thành lập: “Dưới đất anh em cầm buộc điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy”. Đó là quyền quản trị, giảng dạy, thánh hóa các tâm hồn mà xưa nay các giám mục, linh mục vẫn thực thi.
Cuối cùng đặc biệt Chúa Giêsu hứa sẽ ban ơn cho không phải một người mà phải cả một nhóm người đồng tâm nhất trí yêu thương mà “xin bất cứ điều gì thì Cha Thầy Đấng ngự trên trời sẽ ban cho”. Đến đây ta càng thấy Chúa muốn con người sống hợp tác, đồng tâm nhất trí yêu thương nhau thì có phúc cho ta biết bao.
Lạy Chúa Giêsu! Chúa đã dạy chúng con, cách cư xử, dẫn dắt, bảo ban nhau để cùng sống trong tình hiệp nhất yêu thương. Xin cho chúng con luôn thấm nhuần lời dạy ấy, để được luôn an vui trong đời sống phần xác và được dồi dào phúc lộc trong tâm hồn. Amen.
Giuse Ngọc Năng
Nếu người anh em của anh trót phạm tội thì anh hãy đi sửa lỗi nó (14.08.2019)
Ngày 14.08: Lễ nhớ Thánh Mác-xi-mi-li-a-nô Ma-ri-a Kôn-bê, linh mục, tử đạo
Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy các tông đồ hai việc: một là việc sửa lỗi cho cho anh em, hai là việc cầu nguyện.
Trước hết Chúa dạy ta việc sửa lỗi cho anh em mình là bổn phận cần thiết của mỗi người. Ta không thể làm ngơ khi chứng kiến anh em mình phạm lỗi, vì làm như thế là đồng lõa. Nhưng Chúa dạy phải làm thận trọng và làm từng bước. Trước hết “Anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh thì anh đã chinh phục được người anh em”. Khi một mình ta biết lỗi của người bạn mà ta đến với họ, thì lỗi ấy chưa bị công khai ngoài dư luận nếu ta chưa công bố. Nếu nhờ một lần ta gặp ấy, họ vĩnh viễn hối cải thì danh thơm tiếng tốt của họ vẫn còn nguyên vẹn trừ có ta. Theo giáo lý điều răn 8 dạy thì có những sự thật về tha nhân ta chưa nên hoặc chưa được phép công bố khi chưa cần thiết. Ví dụ như sự xấu của họ còn đang kín đáo hay bệnh tật mới phát hiện nơi họ… Lời Chúa dạy ở đây đầy tình yêu, tha thứ và chờ mong hối cải. Con nếu lời của một mình ta không có tác dụng gì với tội nhân, thì Chúa dạy tiếp: “Hãy mang theo một hay hai người nữa để mọi công việc được giải quyết theo căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân”.
Hai ba người đây là một nhóm đại diện cho một tập thể dân sự, làm cho sự việc đã hoàn toàn công khai ra dư luận. Còn có thể nói đây là cơ quan công quyền. Tiếp nữa: “nếu nó không nghe họ thì hãy đi thưa Hội Thánh”. Một tiến trình sửa lỗi Chúa dạy thật là tuyệt vời. Đây chính là khuôn vàng thước ngọc khi phải sửa lỗi cho anh em đối với chúng ta ngày nay. Thiết nghĩ không còn cách nào hoàn hảo hơn nữa. Ở đây ta thấy cuối cùng là nại đến lời khuyên của Hội Thánh. Một quyền bính tối cao, dùng lời Thiên Chúa mà dạy dỗ: “Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe thì hãy kể nó như một người ngoại”. Làm theo lời dạy khuôn mẫu ấy, đến đây Chúa trao quyền cho các tông đồ cũng là Hội Thánh ngày nay được quyết định phân xử: “Dưới đất anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy”.
Ý thứ hai của Tin Mừng là Chúa kêu mời mọi người hiệp thông cầu nguyện và Người hứa ban phần thưởng bội hậu. Không phải một người cầu nguyện mà: “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì thì Cha Thầy… sẽ ban cho. Vì đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy…”.
Chúa muốn, Chúa ưu tiên cho cả nhóm người, cả một tập thể không phải ba bè bảy phái nhưng là một tập thể yêu thương nhau, đồng tâm nhất trí mà dâng lên Chúa những lời nguyện xin thì “Thầy sẽ ở đó”, thì “Cha Thầy sẽ ban cho”.
Lạy Chúa, xin cho con luôn khắc ghi lời Chúa dạy để con biết cư xử với anh em con cho phải phép, nhất là khi phải sửa lỗi cho anh em. Cũng xin cho con vững tin Chúa hằng hịên diện thân thương bên chúng con, khi chúng con yêu thương nhau, đồng lòng khẩn nguyện lên Chúa. Amen.
Gs. Ngọc Năng
Cách thức sửa lỗi cho người anh em (16.08.2017)
Bài Tin Mừng hôm nay phản ánh cách sửa lỗi cho nhau trong cộng đoàn. Tiến trình sửa lỗi cho người anh em được diễn ra một cách từ từ, từng bước một. Bước này thất bại mới chuyển qua bước kế tiếp.
– Bước một là cuộc gặp gỡ kín đáo giữa người sửa lỗi và người phạm lỗi. Mục đích là để giúp người phạm lỗi biết lắng nghe lời góp ý chân tình, nhận ra lỗi của mình và thay đổi cuộc sống cho phù hợp.
– Bước hai diễn ra khi bước một thất bại, khi người phạm lỗi không chịu nghe. Người sửa lỗi sẽ đem theo hai, ba người nữa để tăng sức thuyết phục.
– Nếu người phạm lỗi vẫn khăng khăng không nghe, thì bước kế tiếp là phải đưa chuyện này ra trước Giáo hội địa phương.
– Bước cuối cùng chỉ xảy ra khi người anh em ấy vẫn ngoan cố, không muốn nghe tiếng nói của cộng đoàn Giáo hội, nghĩa là tự đặt mình ra ngoài sự hiệp thông với cộng đoàn tín hữu, thì Giáo hội đành lòng không nhận anh ấy như phần tử của Giáo hội nữa.
Đã là người, tất thời có lỗi
Với chính mình và với tha nhân
Thành tâm sửa lỗi rất cần
Chớ nên bảo thủ tình thân chẳng còn
*
Bạn có lỗi ôn tồn khuyên bảo
Chỉ hai người, thiện hảo từ tâm
Giúp cho bạn thấy lỗi lầm
Để rồi sửa chữa, thâm tâm nhiệt thành.
Nhận ra lỗi của mình và sửa lỗi cho anh chị em thật là khó. Khó là vì không ai muốn nhận lỗi về mình, và nếu có nhận ra lỗi của mình thì cũng khó chấp nhận sửa sai vì cái tôi quá lớn. Bởi vì tâm lý chung của mọi người là bảo thủ nên dễ nhận thấy lỗi của người khác hơn là lỗi của mình, còn người khác thì dễ nhận ra lỗi của những người chung quanh hơn là lỗi của họ. Như vậy, nói về vấn đề sửa lỗi là chuyện rất khó. Tuy nhiên, bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu lại bảo các môn đệ hãy đi sửa lỗi cho anh em. Tâm tình mà Đức Giêsu muốn các môn đệ phải có trong khi sửa lỗi cho người khác là: yêu thương chân tình, tôn trọng, tế nhị, kiên trì và cầu nguyện. Làm được như thế thì mới thành công.
Nếu chẳng nghe mới đành cách khác
Rủ thêm người, chú bác anh em
Tận tình góp ý nhiều thêm
Nhận ra thấy được ấm êm vẹn toàn
*
Làm như thế, không màng chi tới
Hãy kiên trì đưa tới chốn chung
Cộng đoàn kết hợp để cùng
Giúp nhau hoán cải cho lòng hồi tâm.
Cuộc sống chung chắc hẳn không thể tránh khỏi những va chạm vì mỗi người mỗi ý, mỗi tánh nết… Nhưng điều cần là biết nhường nhịn, chịu đựng, thông cảm và tha thứ cho nhau để tạo hòa khí. Nếu chúng ta là người mắc lỗi thì cần biết lắng nghe người khác sửa dạy; nếu là người nhắc nhở người khác, chúng ta cần biết dùng lời khuyên đúng lúc, những câu nói dễ đánh động lòng người hơn là những lời bực dọc hay dùng thái độ của người chỉ huy.
Nếu cố chấp, lỗi lầm không thấy
Đã nhiệt tình, việc ấy làm xong
Thực tâm, thực dạ, hết lòng
Mới tròn nhiệm vụ, ước mong thuận hòa
*
Biết sửa lỗi chính là cần thiết
Để cho người hiểu biết nhận ra
Nghĩa tình chân thật thiết tha
Yêu thương hiệp nhất mới là anh em.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết ý thức mình cũng là con người bất toàn nên cần đến ơn Chúa trợ giúp. Đồng thời, xin cũng cho chúng con ý thức rằng: Chúa luôn muốn chúng con cộng tác với Chúa trong việc thánh hóa anh chị em bằng việc sửa lỗi cho nhau trong tình yêu thương nhau một cách chân thành. Amen.
HOÀI THANH
Những điều khó nói
“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi là người anh em mình.” (Mt 18,15).
Suy niệm: Không gì khó nói hơn việc đi sửa lỗi người khác. Vì nhiều lý do. Trước hết, lý do bản thân: tôi cũng chẳng hay ho gì mà dám lên mặt dạy đời. Và bao nhiêu lý do khác. Nếu cùng là người trong nhà với tôi: bụt nhà không thiêng. Nếu không phải là người nhà với mình: thôi thì đèn nhà ai nhà nấy rạng. Bao giờ người ta cũng có lý do để né tránh vấn đề gai góc này. Chắc phải “uống mật gấu” mới đủ dũng khí để “sửa lỗi cho người khác” bởi chưng cục tự ái của mỗi người chẳng khác nào trái bom hẹn giờ không biết lúc nào sẽ nổ tung lên. Trên đây, Chúa Giêsu đưa ra qui tắc vàng: muốn sửa lỗi cho nhau, phải được thúc đẩy bởi tình bác ái, phải tôn trọng danh dự của nhau và nhắm đến lợi ích đích thực của người anh em. Việc đi gặp riêng “một mình anh với nó thôi” tạo điều kiện cho một cuộc đối thoại ôn hoà, tôn trọng lẫn nhau và giúp nhau nhận ra ý Chúa.
Mời Bạn: Bạn có nghĩ rằng 99% thất bại trong việc sửa lỗi phát sinh do việc nóng nảy, thiếu tế nhị, thiếu tôn trọng nhau? Về phần mình, khi được người khác sửa lỗi, bạn đã phản ứng thế nào?
Chia sẻ cách Chúa Giêsu sửa lỗi cho:
người đàn bà ngoại tình (Ga 8,1-11)
cho Phêrô (Ga 13,6-11.36-38; Lc 22,31-34.54-61; Ga 21,15-23).
Sống Lời Chúa: Suy niệm nhiều lần những đoạn Tin Mừng trên.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết noi gương Chúa, ghét tội nhưng thương người có tội, biết sẵn sàng hy sinh đền thay tội lỗi cho anh em mỗi khi con muốn sửa lỗi cho nhau.
Sửa lỗi anh em
“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, …” (Mt 18,15).
Suy niệm: Theo định nghĩa của từ điển Việt Nam, sửa là chữa cho ngay, cho đúng, cho hết hư; sửa lỗi là chữa lại những chữ sai hoặc việc làm sai. Cộng đoàn đức tin là cộng đoàn quan tâm nâng đỡ những thành viên “bé mọn”, đức tin chưa vững vàng, qua việc sửa lỗi. Đức Giêsu đề nghị ba bước sửa lỗi: (1) đối thoại riêng tư: “một mình anh với nó mà thôi;” (2) đối thoại cùng với nhân chứng: “đem theo một hay hai người nữa;” và (3) đưa ra cộng đoàn: “hãy đi thưa Hội Thánh.” Động lực thúc đẩy ta tiệm tiến, tinh tế, kiên trì thực hiện ba bước ấy là tinh thần yêu mến, thương xót, tha thứ lẫn nhau của Tin Mừng. Mục tiêu của việc sửa lỗi huynh đệ là đưa người anh em trở về, tái hòa nhập vào đời sống cộng đoàn.
Mời Bạn: Để thực hiện ba bước sửa lỗi của Thầy Giê-su, cộng đoàn bạn không thể thiếu một phương thế khác: CẦU NGUYỆN. Cầu nguyện là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tiến trình sửa lỗi, giúp bạn nhẫn nại, bác ái, và đem lại ơn hoán cải cho người anh em. Cầu nguyện là dấu chỉ của sự hiệp thông, là dấu bảo đảm sự hiện diện của Đấng Phục Sinh. Thiên Chúa “không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18,14). Bạn có muốn chung tâm tình với Ngài không?
Sống Lời Chúa: Tôi năng suy gẫm lời thánh Phao-lô sau đây, để dễ dàng đón nhận và cảm thông với người anh em: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13,8).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con biết con người mình đầy những giới hạn và tội lỗi. Xin cho con có lòng khoan dung và cảm thông với những giới hạn của anh chị em con. Amen.
Danh Chúa được vang lên
1. Ghi nhớ: “ Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đó, giữa họ ” (Mt 18,20).
2. Suy niệm: Hội thánh là nơi qui tụ con cái Chúa. Ngài luôn mong muốn cho con cái của Ngài trong đại gia đình là Hội thánh được hiệp nhất và yêu thương nhau. Ma quỷ luôn tìm cách gây chia rẽ, bất hoà nơi những người con cái Chúa. Vì vậy, chúng ta hãy luôn tỉnh thức trước những cám dỗ sống ích kỷ, vụ lợi và hưởng thụ cho riêng mình. Đừng ai nên thánh một mình, nhưng hãy giúp nhau nên thánh. Lời Chúa hôm nay là một nhắc nhớ cho chúng ta về sự hiệp nhất và xây dựng hoà bình nơi môi trường sống và làm việc của ta. Hãy làm cho danh Chúa được vang lên và cả sáng nơi mọi người bằng mối dây liên kết giữa ta và anh em.
3. Sống Lời Chúa: Cùng nhau đọc kinh chung trong gia đình.
4. Cầu nguyện:Lạy Chúa, Chúa luôn kêu gọi mọi người chúng con sống hoà thuận yêu thương nhau. Xin cho chúng con biết đáp lại bằng cách xây dựng hoà bình và tình hiệp nhất trong anh em. Amen.