Thực trạng bỏ cầu nguyện chung  tại các Gia Đình Công Giáo

Gia đình vừa “là tế bào đầu tiên và sống động” vừa là “nền tảng của xã hội” (Familiaris Consortio (FC) 42). Gia đình Công Giáo là “Giáo hội thu nhỏ” (FC 49), là “Giáo hội tại gia” (FC 61). Quả thật dựa vào những định nghĩa trên, ta dễ dàng nhận thấy gia đình có một vị trí quan trọng trong giáo hội, đặc biệt là vấn đề xây dựng đức tin cho con cái. Tuy nhiên, trái ngược với những ước mong lớn lao đó, gia đình đang phải đối diện với một thách đố, nếu không muốn nói là quá lớn, đó là việc cầu nguyện chung. Quả thật, nhìn lại gần 20 năm trở lại đây, truyền thống tốt đẹp đó dường như đang trở nên xa lạ đối với các bạn trẻ. Câu hỏi đặt ra là nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng như thế và nó sẽ ảnh hưởng đến đời sống đức tin của người trẻ ra sao?

https://youtu.be/PxiWAHwQwl8

Cầu nguyện là gì?

Để trả lời được những câu hỏi đó, trước hết ta cần phải hiểu thế nào là cầu nguyện? Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2559 đề cập: “cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa”. Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su nói: “cầu nguyện là sự hứng khởi của tâm hồn, là cái nhìn đơn sơ hướng về trời cao, là lời kinh tri ân và yêu mến giữa cơn thử thách cũng như lúc hân hoàn”. Quả thật, trong Tin Mừng, ta bắt gặp rất nhiều câu chuyện diễn tả cách nào đó cho ta thấy rõ hơn thế nào là cầu nguyện, như cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su với người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Gia-cóp (Ga 4,1-26). Cuộc gặp gỡ đó chính là cuộc đối thoại giữa con người và Thiên Chúa. Cuộc gặp gỡ đó đã biến đổi một con người. Do vậy, cầu nguyện là cuộc gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa, giúp con người gần gũi hơn với Thiên Chúa và thay đổi chính đời sống của mình.

Thực trạng của vấn đề

Dẫu biết rằng cầu nguyện đem lại nhiều lợi ích nhưng quả thật đang trở nên xa xỉ đối với đời sống gia đình. Nhìn vào đời sống Giáo hội tại Việt Nam, ta có thể phần nào cảm nhận được sự xa xỉ đó. Tại các vùng quê, nếu ai đã có một thời được sống trong bầu khí linh thánh vào các buổi sáng, khi những tiếng đọc kinh được phát ra từ khắp các gia đình, thì bây giờ ta cảm thấy hụt hẫng và tưởng chừng như mình bị mất một thứ gì đó rất quý giá. Giờ đây, các giờ đọc kinh chung chỉ còn lác đác ở một vài gia đình mà đa phần là các cụ già. Quả thật, trẻ em bây giờ cảm thấy đọc kinh trong gia đình như một thứ gì rất lạ lẫm. Chúng không có khái niệm đọc kinh chung gia đình trong đầu. Chúng ngơ ngác như bước vào một thế giới khác lạ bởi vì chẳng ai dạy cho các em nữa. Thảm cảnh đó càng u sầu hơn khi nghĩ đến các gia đình tại các thành phố. Phần đông, họ đều là những người lao động. Họ phải từ bỏ ngôi làng thân yêu để tìm kiếm cuộc sống mới. Ai cũng bon chen với cuộc sống và cảm thấy quá mệt mỏi với cuộc đời này. Đi làm về, thân xác rã rời, chỉ muốn nằm vật xuống giường và kiếm một giấc ngủ. Nếu sáng ngày mai còn thức dậy, một ngày đầy khốn khổ lại kéo đến, chẳng ai nghĩ đến việc đọc kinh nữa. Nếu có ai nhắc họ đọc kinh, có khi còn bị ăn mắng vì họ cho rằng cuộc đời họ đã đọc quá nhiều nhưng bây giờ vẫn khốn khổ thế này. Đọc kinh chẳng ích lợi gì cả. Ai nghe cũng thật đớn đau. Các gia đình khá giả cũng cảm thấy quá xa lạ với việc cầu nguyện chung. Mỗi người một giờ làm khác nhau, mỗi người một công việc. Có khi, cả ngày chẳng ai nhìn thấy mặt nhau. Gia đình mà như cái nhà trọ. Như thế, cầu nguyện chung còn có cơ hội tồn tại không?

Hậu quả của việc không cầu nguyện chung

Cầu nguyện chính là cơ hội để con người gặp gỡ Thiên Chúa. Do đó, bỏ cầu nguyện chung chính là đánh mất cuộc gặp gỡ quý giá đó. Chính  Chúa Giê-su đã nói: “Thầy bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai hay ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ ” (Mt 18,19-20). Trong một ngày sống, ta đã dành rất nhiều thời gian cho biết bao cuộc gặp gỡ với người này người kia. Có khi, ta còn dành thời gian vào những thú vui vô bổ. Vậy mà, ta lại chẳng có một chút thời gian cho Thiên Chúa là Đấng đã yêu thương ta. Ta tự hỏi: có nhà kinh doanh nào lại muốn đánh mất một đối tác đem lại nhiều lợi ích như Thiên Chúa không? Có người nào lại muốn đánh mất một người yêu thương ta như Thiên Chúa không? Có người nào lại muốn đánh mất một người bạn tri kỷ như Thiên Chúa không? Có nhà nghiên cứu nào lại muốn đánh mất một kho báu tri thức như Thiên Chúa không? Có học trò nào lại muốn đánh mất một vị thầy vĩ đại như Thiên Chúa không? Thế mà, trong cuộc sống, ta đã đánh mất những điều đó vì ta không cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Ngoài ra khi không cầu nguyện chung, ta đã đánh mất cơ hội để cả gia đình gặp nhau. Không có cuộc gặp gỡ gia đình nào ý nghĩa và thành công như cuộc gặp gỡ có sự hiện diện của Chúa. Vậy mà bấy lâu nay ta đã bỏ quên cầu nguyện. Không có cầu nguyện, những cuộc gặp gỡ đó chỉ có ích kỷ và sẽ dẫn đến chia rẽ. Trong cuộc sống, ta đã chứng kiến nhiều cuộc gặp gỡ gia đình mà cuối cùng không chỉ cha mẹ lìa con cái, anh em từ biệt nhau mà có khi đổ máu và dẫn đến tang tóc. Ai nghe cũng phải đau lòng. Đó là những cuộc gặp gỡ mà lòng tham lấn át tình yêu. Đó là những cuộc gặp gỡ mà quyền lợi đè bẹp bác ái. Đó là những cuộc gặp gỡ không hướng đến Thiên Chúa, không để Chúa dẫn dắt.

Nguyên nhân dẫn đến việc không cầu nguyện chung

Câu hỏi đặt ra ở đây là nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng như thế? Có người cho rằng do đời sống xã hội thay đổi. Con người phải chạy đua với cuộc sống để kiếm miếng cơm manh áo, không còn thời gian cho Chúa nữa. Người khác lại cho rằng vì họ không biết cầu nguyện thế nào và nghĩ rằng cầu nguyện chỉ là van xin, van cũng nhiều mà xin cũng lắm nhưng chẳng được gì và thế là thôi. Có người lại cho rằng vì không có thời gian, bận bịu suốt ngày. Người khác lại cho rằng không quen cầu nguyện vì từ trước đến nay chẳng ai dạy. Quả thật, có rất nhiều lý do và lý do nào cũng có khả năng bào chữa cho tình trạng này. Tuy nhiên, tất cả chỉ vì ta chưa thực lòng hướng đến Chúa. Ta chưa nghĩ rằng cuộc đời của ta cần có Chúa. Ta cho rằng Chúa cũng như các vị thần khác như thần tài, thần tình, thần may mắn nên ta không tha thiết. Quả thực, ta chưa cầu nguyện vì đời sống đạo của ta chưa sâu sắc và chưa bám rễ sâu. Ta chưa hiểu biết về đức tin của chính mình và sống đức tin ấy ra sao.

Biện pháp khắc phục

Nhận thức được vấn đề rất nghiêm trọng như thế, ai cũng mong muốn gia đình mình luôn được hạnh phúc và sống đức tin thật tốt. Tuy nhiên, để tìm kiếm cơ hội và tạo được thói quen cầu nguyện chung không hề đơn giản. Sau đây là một vài gợi ý có thể  giúp ta lấy lại hoặc tạo nên thói quen cầu nguyện chung.

Thứ nhất, ta phải có lòng ước ao cầu nguyện và nghĩ rằng đây là thần dược để đem lại hạnh phúc cho chính mình và gia đình.

Thứ hai, ta phải sắp xếp được một thời gian cố định mà lúc đó tất cả mọi người đều có mặt và phải quyết tâm.

Thứ ba, ta nên bắt đầu đọc những kinh mà mọi người đều thuộc như Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Sáng Danh…..

Thứ tư, sau khi đã có thói quen đọc kinh, ta nên đọc Tin Mừng theo ngày. Chính Lời Chúa nuôi dưỡng và giúp ta cầu nguyện ngày một tốt hơn.

Kết lại, đời sống gia đình cần lấy Thiên Chúa làm nguồn sống. Nếu không có Thiên Chúa, đời sống gia đình sẽ khô héo và không có được hoa trái là hạnh phúc. Gia đình không cầu nguyện chung sẽ không còn là gia đình đúng nghĩa. Quả thật, cầu nguyện chung không lấy mất thời gian của bạn nhưng giúp bạn sống thời gian có ý nghĩa hơn. Cầu nguyện chung không lấy mất sức khỏe của bạn nhưng làm cho bạn mạnh sức hơn. Cầu nguyện chung không lấy mất cơ hội gặp gỡ của bạn nhưng làm cho cuộc gặp gỡ nở hoa. Cầu nguyện chung không làm phí cuộc đời của bạn nhưng đem lại cho bạn có cuộc sống hạnh phúc ngay ở đời này và đời sau. Chính Chúa Giê-su đã nói: “Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Lc 22, 40). Xin Chúa là tình yêu luôn nâng đỡ các gia đình để mọi người có một cuộc sống hạnh phúc và bình an.

 

H.H

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *