Tình người

 

Tình Người”: là những hành vi được thể hiện qua lời nói hay việc làm hầu mang lại cho người khác niềm vui, bình an và những điều có lợi ích cho họ. Tình người bắt nguồn từ tình yêu, mà tình yêu thì khởi nguyên từ Thiên Chúa, như lời thánh Gioan đã cho quả quyết: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4, 8).

Thánh Kinh cho chúng ta đã biết: Loài người được Thiên Chúa tạo dựng nên theo hình ảnh của Ngài. (x. St 126, 27). Mà một trong những vẻ đẹp nổi bật nơi hình ảnh Thiên Chúa, đó là tình yêu. Thật vậy. Thiên Chúa rất yêu thương mọi tạo vật mà Ngài đã tạo thành, đặc biệt là loài người.

Khi nguyên tổ phạm tội bất trung, ăn trái cấm, thì tâm hồn hoá ra tối tăm, lòng trí hướng về điều xấu, phải đau khổ và phải chết, lúc đó con người đã tự phá huỷ, làm mất đi hình ảnh Thiên Chúa hoàn hảo nơi chính mình.

Nhưng lại cũng chính vì tình yêu, mà Thiên Chúa đã không để mặc cho con người bị hư mất. Vì thế. Ngài đã cho Con Một của Ngài là Ngôi Hai xuống thế gian để Cứu Chuộc nhân loại, nối lại quyền làm con của loài người đối với Thiên Chúa, hay nói cách khác; là phục hồi hình ảnh tốt đẹp mà Thiên Chúa đã phú ban nơi con người thuở ban đầu.

Chính vì lẽ đó mà từ tận đáy lòng của mỗi con người, cho dù họ theo tôn giáo nào, hay theo thể chế chính trị nào, thì trong họ vẫn luôn tồn tại một mầm mống của tình yêu thương!

Từ ngàn xưa,(khi mà đạo Công Giáo chưa được truyền bá đến Việt Nam) thì ông bà tổ tiên của chúng ta đã luôn khuyên nhủ con cháu rằng:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương.

Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Cổ nhân còn đi xa hơn nữa, thoát ra khỏi cái giới hạn hay ranh mốc của một dân tộc hay một quốc gia khi răn dạy:

Bầu ơi thương lấy bí cùng.

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

Để rồi tất cả cùng nhau xây dựng tình người triển nở sâu sắc đến độ:

“Một con ngựa đau! Cả tàu bỏ cỏ”.

Nhìn vào xã hội Việt Nam hiện nay, mà cụ thể trong những ngày tháng bị đại dịch Covid-19 vừa qua, chúng ta thấy tình ngưỡi đã được thể hiện đậm đà qua những việc làm thiện nguyện của mọi người, mọi thành phần; như của các tu sỹ nam nữ, các y bác sỹ, các tình nguyện viên… họ đã vì tha nhân bất chấp những hiểm nguy, vượt qua nỗi lo sợ và sự an toàn của bản thân mà lên đường đến những nơi dịch bệnh để giúp đỡ các bệnh nhân. Chúng ta cũng thấy rất nhiều những bếp ăn miễn phí, những nhu yếu phẩm, những rau trái, củ, quả,  0 đồng để giúp đỡ những người vì dịch bịnh mà rơi vào hoành cảnh khó khăn…

Như vậy; trong cơn hoạn nạn chúng ta đã thấy có rất nhiều người Samria tốt lành xuất hiện (x. Lc 10. 29, 36). Song bên cạnh những điều tích cực ấy, người ta cũng thấy không ít “những thầy tư tế, những thầy Lêvi”. Thậm chí có thể nói họ còn tệ hơn cả các thầy ấy ngày xưa; vì chẳng những đã không ra tay cứu giúp anh em gặp hoạn nạn khó khăn, trái lại còn thừa “nước đục thả câu” lợi dụng bệnh dịch để kiếm chác làm giàu.

Trong xã hội ngày nay chúng ta cũng không hiếm thấy có nhiều người thích dùng bạo lực; chỉ vì một bất đồng nhỏ mà sẵn sàng lao vào ăn thua đủ với nhau, dẫn đến người thì chết kẻ đi ngồi tù.( như báo đài vẫn thường đưa tin) Ngoài ra qua phim ảnh, báo truyện, chúng ta nhận thấy dường như ngày nay vẫn còn tồn tại không ít kẻ muốn cổ suý cho thù hận, cho bạo lực mà quên đi cái giá trị cao cả và tốt đẹp của tình yêu thương, của tình người.

Cách nay hơn hai ngàn năm. Đức Giê-su đã trả lời cho một người có ý muốn được sự sống đời đời làm gia nghiệp khi người này đến hỏi Ngài: Sau khi chỉ bảo cho ông những việc phải thực thi, và kể cho ông ấy nghe một câu chuyện về hành động tốt đẹp của người Samaria. Cuối cùng Ngài bảo ông ấy: “Ông hãy đi và cũng hãy làm như vậy”. (Lc 10, 37). Hãy đi và hãy làm như vậy ở đây có nghĩa là ra đi xây đắp tình người mọi nơi, mọi lúc trong suốt cuộc đời. Vì cái giá trị và thành quả của việc làm ấy rất quan trọng và lớn lao bởi nó là điều kiện tiên quyết để cho chúng ta trở thành những người nhận được sự sống đời đời làm gia nghiệp; đó cũng là nhận được phần rỗi, được Thiên Chúa cho hưởng hạnh phúc thiên đàng:“ Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói , các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến hỏi han. Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu? Đức Vua sẽ đáp lại rằng: Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25. 34, 40).

Trần Văn Chính.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *