Một trong những nguy hiểm trong hành trình nội tâm coi mình là tâm điểm, “trong đó cái tôi là khởi đầu và kết thúc của mọi thứ.” Cha José Tolentino Mendonça, giảng thuyết viên của tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha Phanxicô và giáo triều Roma, đã tập trung bài suy niệm thứ 8 trên dụ ngôn đứa con hoang đàng – một câu chuyện phản ánh thực tại của các gia đình, trong đó mối liên hệ giữa anh em bị suy mòn bởi những thứ tình cảm như ghen tị; trong khi đó, người cha là hình ảnh của lòng thương xót. Hình ảnh của gia đình trong dụ ngôn cũng giống như các gia đình của chúng ta. Chúng ta nhận thấy ý nghĩa tinh tế của mối liên hệ con cái, của câu chuyện tinh tế và mong manh của tình cảm mà chúng ta tạo nên với nhau.
Khát vọng trôi dạt (không theo đường tốt)
Trong chúng ta, thực sự không chỉ có những điều tốt đẹp, hài hòa và được giải đáp. Trong chúng ta có cảm giác ngột ngạt, nhiều điều cần được làm rõ, các bệnh lý, vô số sợi dây cần kết nối. Có những vùng đau khổ, những khu vực cần được hòa giải, các ký ức và những ngắt quãng để cho Thiên Chúa chữa lành chúng.”
Thời đại chúng ta bị thống trị bởi “khao khát trôi dạt”, nó thúc đẩy “trong chúng ta, những đứa con hoang đàng”, ý muốn dễ dàng, không đàng hoàng , chủ nghĩa khoái lạc. Và tất cả điều này phát triển thành “vòng xoáy lừa đảo” bị điều khiển bởi một “xã hội tiêu thụ” hứa hẹn thỏa mãn mọi người và mọi thứ bằng cách đồng hóa “hạnh phúc với sự thõa mãn.” Như thế chúng ta rất “thõa mãn, đầy đủ, hài lòng, thuần hóa.” Nhưng sự thõa mãn do việc tiêu thụ mang lại thì chỉ là “nhà tù của các khao khát.”
Kỳ vọng bệnh hoạn (không tốt lành)
Thêm vào nhu cầu tự do của đứa con thứ, bị thúc đẩy bởi “những bước sai lầm” và “những tưởng tượng về sự toàn năng”, là những “kỳ vọng bệnh hoạn” của người con cả:
“Điều tương tự rất dễ xâm nhập vào chúng ta: khó khăn trong việc sống tình huynh đệ, đòi hỏi ảnh hưởng quyết định của người cha, sự từ chối vui mừng với điều tốt của người khác… Tất cả điều này tạo ra trong anh ta một sự oán giận ngấm ngầm và không có khả năng nắm bắt luận lý của lòng thương xót”.
Nguy hiểm của sự ganh tị
Thêm vào những bước sai lầm của đứa con thứ, xuất phát từ khao khát tự do của tuổi trẻ sinh động, là một nguy hiểm khác làm cho người con cả mệt mỏi kiệt quệ. Đó là sự ghen tị. Điều này cũng là một bệnh lý của sự khao khát. Đó là tình trạng thiếu tình yêu, một đòi hỏi vô lý và không hạnh phúc. Con trai cả, người không thể giải quyết được mối quan hệ với em trai, vẫn bị giằng xé bởi “sự háo chiến, những rào cản và bạo hành.” Tuy nhiên, ngược lại với sự ghen tị, là lòng biết ơn, nó “xây dựng và tái khám phá thế giới.”
Lòng thương xót là một Tin mừng cần khám phá
Bên cạnh hình ảnh các đứa con, mà cách thế của họ phản ánh hình ảnh của chúng ta, nổi lên hình ảnh người cha:
“Hình ảnh của lòng thương xót là người cha này. Ông có hai đứa con và ông hiểu rằng cần phải cư xử với mỗi đứa theo cách khác nhau, dành cho mỗi đứa một sự quan tâm duy nhất.”
Lòng thương xót, “không phải là dành cho người khác điều họ đáng được hưởng.” Lòng thương xót là cảm thông, là lòng tốt và tha thứ. Nó là “cho nhiều hơn, cho quá mức, đi xa hơn.” Đó là một “tình yêu vượt mức”, nó chữa lành vết thương. Lòng thương xót là một trong những thuộc tính của Thiên Chúa. Vì vậy, tin tưởng vào Thiên Chúa là tin vào lòng thương xót. Lòng thương xót là Tin mừng cần được khám phá. (Vatican News 22/02/2018)
Hồng Thủy