Tổng hợp thông tin Hội Thánh Hoàn Vũ 29.09.2017

1. Nữ tử tội luật báng bổ Asia Bibi được đề cử giải Sakharov năm 2017

Lahore (Agenzia Fides, 26/9/2017) – Asia Bibi, người phụ nữ Kitô giáo bị kết án tử hình vì tội báng bổ và vẫn còn bị giam kể từ năm 2009, đã được đề cử “giải Sakharov tự do tư tưởng năm 2017” là giải thưởng uy tín cuả liên minh châu Âu . Giải thưởng là sáng kiến của nghị viện châu Âu và được trao tặng cho cá nhân hoặc nhóm tranh đấu để bảo vệ quyền cơ bản cuả con người. Trong số các người được đề cử năm nay là: Aura Lolita Chavez Ixcaquic, một người Guatemala, Selahattin Demirtas e Figen Yuksekdag, đồng chủ tịch của đảng dân tộc Kurd (HDP) tại Thổ Nhĩ Kỳ; Các nhóm và cá nhân đại diện cho phe đối lập tại Venezuela; Khanh Isaak, nhà soạn kịch có hai giòng máu Thụy Điển-Eritrea, bị chính quyền Eritrea bắt năm 2001; Pierre Claver Mbonospa, một nhà hoạt động nhân quyền ở Burundi.

Ông Peter Van Dalen, một thành viên của nhóm “bảo thủ và cải cách Âu Châu” (ECR) trong nghị viện châu Âu, đã đề cử Asia Bibi, với lời giải thích rằng “trường hợp cuả Asia Bibi là biểu tượng quan trọng cho những người bị đàn áp, đơn giản chỉ vì thể hiện sự tự do tôn giáo”.

“Qua cô ta, chúng ta nhìn thấy tình trạng của toàn thể cộng đồng Kitô giáo. Trường hợp của cô là chứng tích thê thảm của sự mất an ninh mà tất cả các dân thiểu số phải đối mặt trên quyền cơ bản cuả con người”, là ghi chú cuả ông Kaleem Dean, một nhà phân tích và trí thức cuả Pakistan, trong một bình luận gửi cho Fides. “Nếu cô được trao giải Sakharov, Asia Bibi sẽ nhận được 50.000 Euro. Tuy nhiên, (mặc dù, sẽ không thể có bồi hoàn xứng đáng cho những thiệt hại mà cô đã phải chịu) vấn đề là còn nhiều hơn tiền bạc : đó là sự công nhận rằng các quyền tự do tôn giáo tại Pakistan đang bị lâm nguy”, ông tiếp tục.

“Chính phủ – ông nói – đang vùi đầu trong đống cát, để không nghe những tiếng kêu đau khổ của cộng đồng thiểu số”. Cụ thể, trường hợp của cô sẽ phơi bày ra sự thật cuả “luật báng bổ”: “là một công cụ đàn áp dân thiểu số. Các người cầm quyền phải có can đảm và tầm nhìn để cải cách luật báng bổ này”, ông Dean kết luận.

Ông Nasir Saeed, giám đốc CLAAS “Trung tâm trợ giúp pháp lý, hỗ trợ và giải quyết”, chuyên lo việc bảo vệ tôn giáo thiểu số ở Pakistan, thì nói: “Thủ tướng Pakistan Shahid Khaqan Abbasi, đang tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 72, đã hèn nhát từ chối nói về luật bang bổ ở Pakistan, chỉ nói rằng Quốc hội Pakistan mới là cơ quan chịu trách nhiệm về việc sửa đổi luật pháp.”

Nhiều năm qua – ông Saeed nói – “vấn đề đã là một cấm kỵ, và ngay cả thủ tướng Pakistan cũng sợ không giám đề cập tới. Vai trò của thủ tướng là đảm bảo rằng pháp luật không bị lạm dụng, nhưng đáng tiếc là luật báng bổ này thường xuyên bị khai thác như là một công cụ để trả thù những người vô tội. Những năm gần đây sự lạm dụng luật báng bổ đã tăng lên. Bây giờ nó được coi là một phương cách đơn giản, nhanh chóng và rẻ tiền để giải quyết tranh chấp riêng tư và trừng phạt đối thủ”.

“Luật báng bổ – Saeed kết luận – không phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền. Và việc lạm dụng làm tăng thêm vi phạm luật pháp quốc tế. Chính phủ Pakistan đã không đề cập tới một vấn đề quan trọng, mặc dù đó là một câu hỏi của sự sống và cái chết”.

Vị giám đốc CLAAS nhắc lại rằng có một số lượng lớn báo cáo nói về các trường hợp báng bổ, dựa trên những cáo buộc sai và không có điều tra về mặt tư pháp: “đây là lý do tại sao chúng tôi kêu gọi thủ tướng Abbasi đưa vấn đề vào chương trình nghị sự và đệ trình nó lên quốc hội”, ông kết luận.

2. Đức TGM Hàn Đại Huy, Tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Hy Lạp

VATICAN. Hôm 28-9-2017, ĐTC đã bổ nhiệm Đức TGM Savio Hàn Đại Huy (Hon Tai-Fai), Tổng thư ký Bộ truyền giáo, làm Tân Sứ Thần Tòa Thánh tại Hy Lạp.


Đức TGM Hàn Đại Huy dòng Don Bosco, năm nay 67 tuổi, sinh ngày 21-10 năm 1950 tại Hong Kong, thụ phong linh mục năm 1982 và năm 2010, ngài được ĐGH Biển Đức 16 bổ nhiệm làm TGM Tổng thư ký Bộ Truyền Giáo.

Sự kiện một vị không xuất thân từ trường ngoại giao Tòa Thánh được bổ nhiệm làm Sứ Thần Tòa Thánh, là điều khá họa hiếm.

Cùng ngày 28-9, ĐTC bổ nhiệm Cha Ryszart Szmydki, OMI, làm tân Phó Tổng thư ký Bộ truyền giáo.

Cha Szmydki người Ba Lan, năm nay 66 tuổi (1951), gia nhập dòng Hiến Sinh Thừa Sai Đức Mẹ Vô Nhiễm (OMI) năm 1970. Cha từng làm giáo sư tại Đại Học Công Giáo Lublino ở Ba Lan, và làm thừa sai tại Camerun 2 năm. Năm 2010, Cha được bầu làm Giám tỉnh dòng OMI ở Ba Lan và tái cử năm 2013. Nhưng năm sau đó thì được bổ nhiệm làm Tổng thư ký Hội truyền bá đức tin, một trong 4 Hội Giáo hoàng truyền giáo. Ngoài tiếng Ba Lan, Cha Szmydki biết tiếng Ý, Pháp và Anh.

Hai bổ nhiệm trên đây cũng có liên hệ tới Giáo Hội tại Việt Nam vì nhiều hồ sơ, hoặc vấn đề, qua tay vị Phó Tổng thư ký và Tổng thư ký trước khi lên tới cấp cao hơn (Rei 28/9/2017).

 

3. Cập nhật tin tức 3 cuộc trưng cầu ý dân Úc về hôn nhân đồng tính

 Càng gần tới ngày kết thúc cuộc trưng cầu ý dân về hôn nhân đồng tính ở Úc, xem ra người ta càng thấy nhiều chuyện gay go diễn ra giữa hai phe ủng hộ và chống loại “hôn nhân” này.

Cảm thấy buồn vì không có cha, tuy có hai bà mẹ đồng tính

Đó là câu truyện của Millie Fontana, được tờ Daily Mail Australia thuật lại ngày 31 tháng Tám, 2017. Năm nay 24 tuổi, Millie cho hay lớn lên với hai bà mẹ đồng tính và không có cha đã ảnh hưởng tiêu cực tới tuổi thơ của cô và đây là lý do khiến cô tin rằng hôn nhân đồng tính không tốt chút nào cho trẻ em.

Cô vốn là đứa trẻ được thụ thai nhờ tinh trùng của một người hiến tặng, sống với hai bà mẹ đồng tính, không cha. Cô cho hay ngay từ lúc còn thơ bé, cô đã cảm thấy mình cần một người cha, dù chưa biết diễn tả thế nào là một người cha. Cô thương hai bà mẹ đồng tính, nhưng từ bên trong, cô thấy mình thiếu một cái gì.

Cô bảo: “khi tôi đến trường, nhờ quan sát các đứa trẻ khác và mối dây liên kết đầy yêu thương của chúng với người cha của chúng, tôi mới bắt đầu hiểu ra rằng tôi thực sự thiếu một điều đặc biệt.

“Suốt thời gian ở trường, tôi liên tiếp bị nói dối, người ta bảo tôi rằng tôi không có cha hoặc họ không biết ông ấy là ai”.

Cô nói rằng không có người cha trong đời, cô thấy “khó mà khẳng định một căn tính ổn định”.

Cô nhận định: “khi người ta chọn những phần nào trong căn tính của tôi là thích đáng để tỏ lộ cho tôi, là người ta đã lấy đi của tôi một điều gì đó và khi các trẻ em khác có khả năng nhìn vào gương và hòa hợp được các phần thiếu kia để nói tao yêu mẹ tao hay cha tao, thì tôi lại không nói được như thế vì dưới mắt tôi, ai là cha mẹ tôi để quyết định những phần nào trong tôi thích đáng để được tỏ lộ cho tôi”.

Mãi năm 11 tuổi, cô mới tìm được cha cô. Hóa ra, cha cô vốn là bạn của một trong hai bà mẹ của cô lúc còn ở trung học và rất cởi mở đối với viễn tượng mối liên hệ được biết đến. Cô cho biết đó là lần đầu tiên, cô cảm thấy “ổn định” trong tuổi thiếu niên của mình.

Cô nói: “Việc biết được ai là cha tôi rất có lợi để tôi đi vào những sự việc như đến trường… một cách tự tin hơn”.

Cô cho biết cô “bám lấy” các người đàn ông trong các gia đình khác lúc đi tìm gương mặt người cha của riêng cô. “Tôi dành một số lượng thời gian hơi quá đáng tại nhà họ vì tôi rất thích cơ cấu gia đình dị tính”. Cô khao khát một bậc cha mẹ biết làm “những chuyện của ông bố cho con cái mình” như chuyện thể thao hay nướng “barbeque” chẳng hạn.

Cô nghĩ tới “một số lớn các cha mẹ trong cộng đồng đồng tính, một trong hai người ráng tự làm cho mình thành nam giới một chút để bù đắp cho việc thiếu vai trò của người cha”.

Nhưng với Millie, chỉ lúc gặp được cha cô, cô mới thấy một “khí sắc nam tính duyên dáng nơi ông”. Và nhờ thế, “tôi biết tôi là ai. Tôi biết mọi người là ai. Tôi biết di sản của tôi”.

Hát ở ngoài dàn hợp xướng

Người không cha thì mong có cha và do đó phê phán “hôn nhân” đồng tính. Nhưng rất nhiều người có đủ cả cha lẫn mẹ lại đi ủng hộ “hôn nhân” đồng tính. Nói theo kiểu Việt Nam, phần lớn những người như thế thuộc loại “rửng mỡ”.

Đa số người Công Giáo Úc và các vị giám mục Úc không ủng hộ chuyện đó. Nhưng không thiếu những người hát lạc điệu. Một trong những người này là vị giám mục người Việt được tấn phong ở Úc, khi lên tiếng khuyên người Công Giáo phải lắng nghe “các dấu chỉ thời đại”. Nữ ký giả Inés San Martin của tờ Crux, khi thuật lại lời ngài, viết rằng ngài “hát ở bên ngoài dàn hợp xướng”.

Dàn hợp xướng này không hẳn là kỳ thị, ghét bỏ người đồng tính, điều mà người Công Giáo đã học nằm lòng từ Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, mà là trả lời KHÔNG cho câu hỏi duy nhất của cuộc trưng cầu ý dân lần này: “Luật pháp có nên thay đổi để cho phép các cặp đồng tính cưới nhau không?”. Có thì nói có, không thì nói không. Chúa Giêsu đã dạy như thế, không có nhưng, nếu gì cả.

Thiển nghĩ vai trò dạy dỗ của các vị giám mục nên hướng về việc đoàn kết nói KHÔNG trong dịp này, không ngả nghiêng, khiến lòng người ra phân tán. Các bài học khác nên dành cho các dịp khác, không thiếu. Nói như ngài trong lúc này, khiến người ta hiểu lầm. Chính Inés San Martin cũng phải cho rằng “thái độ xem ra cởi mở của (Đức Cha) L. đối với hôn nhân đồng tính dân sự trái ngược với điều Giáo Hội dậy”.

Tôi không sợ phải đứng lên vì niềm tin của tôi

Theo tờ Sydney Morning Herald, câu nói đó là của Madeline, một thiếu nữ Kitô hữu, 18 tuổi, ở Canberra, làm nghề tiêu khiển cho trẻ em. Cô là người bị cho nghỉ việc vì đã tuyên bố sẽ bỏ phiếu KHÔNG trong cuộc trưng cầu ý dân về hôn nhân đồng tính.

Cô cập nhật chân dung Facebook của mình với bộ lọc do Coalition of Marriage thiết kế nói rằng “”It’s OK to VOTE NO” (Bỏ phiếu KHÔNG không sao).

Nhưng người chủ của cô ở Capital Kids Parties, Canberra, tên là Madlin Sims, cho là có sao. Song song với việc sa thải Madelin, người này viết trên Facebook rằng “các quan điểm kỳ thị người đồng tính, khi được phổ biến công khai có hại cho thương nghiệp và không cùng hàng với các giá trị hay luân lý của tôi trong tư cách chủ nhân của thương nghiệp”.

Madeline đã phản ứng, cho rằng cô không kỳ thị người đồng tính và không nên bị sa thải vì đã phát biểu một ý kiến. Cô bảo: “Đây là dân chủ và chúng ta được quyền chọn lựa và được yêu cầu bỏ phiếu CÓ hay KHÔNG và ý kiến của tôi là bỏ phiếu KHÔNG. Và tôi không nghĩ việc làm của tôi bị lấy mất khỏi tôi chỉ vì tôi có một ý kiến mà người khác không đồng ý với”.

Trên chương trình Hack của Đài Triple J, Madelin nói cô “yêu mọi người” nhưng tin rằng hôn nhân đồng tính sẽ thay đổi cung cách sự việc được thực hiện tại các trường học và thay đổi việc nhận con nuôi. “Tôi không sợ phải đứng lên vì các niềm tin của mình và vì mình là Kitô hữu. Tôi không thể đơn giản bỏ phiếu CÓ mà không chống lại Thiên Chúa của tôi. Nếu tôi tham dự một tiệc vui chơi và ăn vận như Chuột Minnie và đứa trẻ ở đó có xu hướng đồng tính, tôi vẫn yêu thương đứa trẻ này như bất cứ đứa trẻ nào khác”.

Cựu Thủ Tướng Úc, Tony Abbott, bị phe bỏ phiếu CÓ cụng đầu

Dù sao, Madelin vẫn bị đánh nhẹ hơn cựu thủ tướng Tony Abbott. Cũng theo tờ Sydney Morning Herald, hôm 21 tháng Chín, tại Hobart, Ông Abbott, người tích cực vận động cho lá phiếu KHÔNG cùng với cựu thủ tướng John Howard, đã bị một người đàn ông, mặc áo thung mang chữ “CÓ”, giả vờ muốn chào thăm, cụng đầu.

Ông cho rằng “đây là một nhắc nhở cho thấy cuộc tranh luận này (về hôn nhân đồng tính) đang trở nên xấu xa như thế nào và sự xấu xa không phát xuất từ những người bảo vệ hôn nhân như người ta vốn nghĩ. Sự xấu xa, sự bất khoan dung và trong trường hợp này, thậm chí có cả bóng dáng bạo lực nữa, đã phát xuất từ những người bảo chúng ta rằng nhân danh sự tao nhã lịch thiệp và đầu óc hợp lẽ cũng như sự tự do, ta phải cho phép hôn nhân đồng tính. Tôi phải nói rằng lữ đoàn ‘tình yêu là tình yêu’ quả không chứng tỏ bao nhiêu tình yêu”.

Một triệu gia đình được vận động bỏ phiếu KHÔNG

Theo tin của Đài Số Chín, Thượng Nghị Sĩ Cory Bernardi đang phát động chiến dịch gọi điện thoại theo kiểu robo-calls đến 1 triệu gia đình để vận động cho lá phiếu KHÔNG trong cuộc trưng cầu ý dân về hôn nhân đồng tính. Robo-call là kiểu gọi điện thoại bằng các dùng một máy quay tự động được vi tính hóa để phát đi một thông điệp đã ghi sẵn như thể phát xuất từ một người máy. Các đảng chính trị ở Hoa Kỳ, cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ, đều quen sử dụng lối này để vận động.

Lối này tuy rẻ, chỉ 5 xu Úc một cú, nhưng nếu gọi tới 1 triệu gia đình, thì chiến dịch này cần đến 50,000 dollars.

Thượng nghị sĩ Bernardi nhằm các gia đình ở hai tiểu bang Victoria và Nam Úc. Đài Số Chín có một bản thông điệp ghi sẵn trong đó Thượng Nghị Sĩ Bernardi thúc giục người ta bỏ phiếu KHÔNG. Ông nói: “Là cha mẹ, tôi hết sức lo lắng về việc thay đổi luật hôn nhân sẽ ảnh hưởng xiết bao đối với các gia đình và trẻ em”.

Ông nói tiếp “Cuối cùng thì đây là vấn đề về quyền của cha mẹ. Thay đổi luật hôn nhân sẽ hạn chế quyền của cha mẹ trong việc phản đối các chương trình giáo dục tính dục đồng tính cực đoan và ý thức hệ phái tính được đem ra giảng dậy tại các trường học. Những cuốn sách như The Gender Fairy, nhắm vào các trẻ em 4 tuổi, sẽ trở nên thông thường trong các trường học của ta”.

4. Giáo hội Ba lan đọc kinh Mân Côi cầu nguyện cho thế giới

Ít nhất một triệu tín hữu Công Giáo tham dự chương trình “đại” cầu nguyện trải dài 2000 dặm biên giới đất liền và hải phận nối liền với 8 nước của Ba lan.

Hội đồng Giám mục Ba lan đã kêu gọi các thành phần trong Giáo hội tham gia vào chương trình đọc kinh Mân Côi kéo dài một tiếng trên các biên giới của họ để cứu thế giới khỏi tội lỗi và kỷ niệm biến cố châu Âu được cứu khỏi cuộc xâm lược của Hồi giáo hồi thế kỷ 16.

Thông cáo của Hội đồng Giám mục Ba lan cho biết: “Mục đích là giờ đọc kinh Mân côi cầu nguyện cho Ba lan và toàn thế giới bởi những người được chọn dọc theo biên giới của chúng ta. Chúng tôi kêu gọi mọi tín hữu ủng hộ sáng kiến này đông đảo và cho tất cả chúng ta – giáo sĩ, các tu sĩ và giáo dân – cùng nhau cầu nguyện.”

Chương trình “Kinh Mân Côi trên các biên giới” vào ngày 07/10 đánh dấu việc cử hành 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima và là cách thế đặc biệt thực hành lời mời gọi sám hối Đức Trinh nữ Maria đã truyền cho sơ Lucia và các em họ của mình.

Ban tổ chức cho biết có 319 nhà thờ và 22 giáo phận được sử dụng làm các điểm tập họp. Trang web của ban tổ chức cho biết: “Chúng tôi muốn xin ơn tha thứ và đền tội cho tất cả các xúc phạm và chống đối xúc phạm đến Trái tim Vô nhiễm Đức Mẹ Maria và xin Mẹ Thiên Chúa can thiệp để cứu Ba lan và thế giới. Nếu kinh Mân côi được một triệu người Ba lan cầu nguyện thì không chỉ có thể thay đổi các sự kiện nhưng còn mở các trái tim cho các hoạt động ân sủng của Chúa.” (The Tablet 25/09/2017)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *