1. Tổng lãnh Thiên Thần của Thiên Chúa
Trong bức tranh vẽ trên trần nhà, tường vách thánh đường kính các Thiên Thần ở Palermo có hình cùng tên và chức vị của bảy vị Tổng lãnh Thiên Thần:
1.Michael – Victoriosus – Người chiến thắng
2.Gabriel – Nuntius – Sứ gỉa
3.Raphael – Medicus – Thầy thuốc
4.Uriel – Fortis Socius – Người đồng hành mạnh mẽ
5.Jehudiel – Remunerator – Người làm ơn
6.Barachiel – Adjutor – Người trợ giúp
7. Sealthiel – Oarator – Người bầu cử
Tổng lãnh Thiên Thần Michael
Tổng lãnh Thiên Thần Michael đứng đầu bảy vị Tổng lãnh Thiên Thần của Thiên Chúa. Tiên Tri Daniel đã diễn tả Tổng lãnh Thiên Thần Michael đứng về phía Thiên Chúa: “Thời đó, Michael là đấng vẫn thường che chở dân người.” ( Daniel 12,1).
Tổng lãnh Thiên Thần Michael được xưng tụng với danh xưng bằng tiếng Latinh: Quis ut Deus? – Ai bằng Thiên Chúa?.
Theo tương truyền:
– Thiên Thần Michael được liệt vào hàng Thiên Thần quân đội chiến đấu đã đánh thắng Thiên Thần quỉ dữ Lucifer.
-Thiên Thần Michael đã vâng lệnh Thiên Chúa cầm gươm đuổi Ông Bà nguyên tổ Adong-Evà ra khỏi vườn địa đàng, sau khi Ông bà phạm tội bất phục tùng Thiên Chúa.
– Thiên Thần Michael cũng là vị Thiên Thần thổi kèn Posaune đánh thức gọi những người đã qua đời sống lại ra khỏi mồ.
Tổng lãnh Thiên Thần Michael là vị Thiên Thần có sức mạnh khả năng đi đến quyết định dứt khoát lại mang chiến thắng cho Thiên Chúa, khi giết chết con rồng mãng xà ma qủi, như sách Kinh Thánh thuật lại: “Bấy giờ, có giao chiến trên trời: thiên thần Mi-ca-en và các thiên thần của người giao chiến với Con Mãng Xà. Con Mãng Xà cùng các thiên thần của nó cũng giao chiến.8 Nhưng nó không đủ sức thắng được, và cả bọn không còn chỗ trên trời nữa.9 Con Mãng Xà bị tống ra, đó là Con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ hay Xa-tan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ; nó bị tống xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống với nó.” (Khải Huyền 12, 7-9).
Tổng lãnh Thiên Thần Michael, theo vâng mệnh Thiên Chúa, đã quyết định lằn ranh giữa Trời và hỏa ngục. Vì thế, Vị Tổng lãnh Thiên Thần Michael được chọn là quan thầy bầu cử cho những người trong giờ phút cơn hấp hối.
Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel
Tên Gabri-El có ý nghĩa “sức mạnh của Thiên Chúa”. Là Vị sứ giả của Thiên Chúa được sai đến báo tin cho thiếu nữ Maria ở làng Nazarethê, Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa sẽ đầu thai làm người trong cung lòng Maria:“ Sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng Toàn Năng sẽ phủ rợp bóng trên chị… ( Lc 1, 26-38).
Khi hiện ra với Ngôn sứ Dacharia trong đền thờ, vị Tổng lãnh Thiên Thần đã nói: ” Tôi là Gabriel, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo tin mừng ấy cho ông.“ ( Lc 1,19). Hằng ngày trong đời sống đức tin của Hội Thánh, vào lúc 12.00 giờ trưa chuông thánh đường đổ hồi, kinh tuyền tin được xướng đọc lên. Như vào mỗi ngày Chúa Nhật lúc 12.00 giờ trưa, Đức Thánh Cha từ trên cửa sổ văn phòng làm việc cùng đọc kinh truyền tin với mọi người Gíao dân đứng tụ tập ở quảng trường Thánh Phero bên Vatican.
Tiếng chuông lúc 12.00 trưa và Kinh Truyền tin nhắc nhớ đến Tổng lãnh Thiên Thần Gabri-El, là Sứ Gỉa của Thiên Chúa mang loan báo tin vui Chúa Giêsu Con Thiên Chúa xuống trần gian làm người.
Tổng lãnh Thiên Thần Rafael
Tên Rafa-El mang ý nghĩa ” Thiên Chúa chữa lành“. Trong Kinh Thánh sách Tobia thuật lại Thiên Thần Rafael vâng mệnh Thiên Chúa chữa lành bệnh mắt cho Tobia:
“Ngay lúc ấy, lời cầu xin của hai người là Tô-bít và Xa-ra đã được đoái nghe trước nhan vinh hiển của Thiên Chúa.17 Và thiên sứ Ra-pha-en được sai đến chữa lành cho cả hai. Ông Tô-bít thì được khỏi các vết sẹo trắng ở mắt, để ông được ngắm nhìn tận mắt ánh sáng của Thiên Chúa.“ ( Tobia 3, 16“)
Thiên Thần Rafael luôn hằng đồng hành che chở Tobia trên đường đi. ( Tobia 6, 10)
Tổng lãnh Thiên Thần Rafael trở thành bổn mạng phù hộ cho con người đi xa du lịch
Ông Bà Cha Mẹ nào ngay từ lúc con cháu còn nhỏ thơ bé cũng đều to nhỏ âm thầm cầu xin với các Thiên Thần phù hộ cho đời sống thể xác lẫn tinh thần của chúng. Bằng an hồn xác là nhu cầu căn bản rất cần thiết cho đời sống.
Sống lòng bác ái giúp đỡ nhau, kính trọng sự sống, điều chân thật lẽ phải luôn là nhu cầu làm nên khung nền kiến tạo đường đời sống tình liên đới con người với nhau trong xã hội.
Sống thể hiện một đời sống trong tương quan tình liên đới với Đấng là nguồn đời sống, nguồn tình yêu và ơn tha thứ, luôn là nhu cầu khát vọng của tinh thần con người ở đời.
Nhu cầu tinh thần này không chỉ là nhu cầu thiêng liêng đạo giáo, nhưng đó là nhu cầu đời sống văn hóa của con người ở vào mọi thời đại. Nhu cầu tinh thần văn hóa này cùng với những nhu cầu khác cho sự sống thể xác giúp đời sống có đầy đủ ý nghĩa, triển nở cùng mang đến niềm vui hạnh phúc.
Các Thiên Thần của Thiên Chúa là Sứ gỉa được Thiên Chúa gửi sai đến cùng đồng hành trợ giúp con người trong mọi hoàn cảnh đời sống thể hiện tình lòng thương xót bác ái vị tha.
Với người tín hữu Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa là Đấng của sự chân thật, sự tốt lành thiện hảo, là Thiên Chúa của lòng khoan dung tha thứ qua Thánh Gía Chúa Giêsu Kitô.
Lòng tin vào Thiên Thần vượt qúa khỏi sự suy hiểu cùng thắc mắc của trí khôn con người. Thắc mắc thuộc về đời sống con người. Và thắc mắc giúp con người tỉnh thức thêm ra.
Lễ kính các Tổng Lãnh Thiên Thần của Thiên Chúa, 29.09.
Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
2. Các Thiên thần là ai?
Phan Tấn Thành
Lễ Giáng Sinh đã gần kề và chắc hẳn nhiều người đang rộn rã chuẩn bị làm hang đá để diễn lại cảnh Chúa ra đời ở Belem. Bền cạnh những bức tượng Chúa Hài Đồng, Đức Maria, Thánh Giuse, các mục đồng, chiên bò lừa và đàn súc vật, không thể thiếu nhân vật quan trọng là các thiên thần. Chính các thiên thần đã hiện ra kêu gọi các mục đồng đến thờ lạy Chúa, và đã hát lên lời ca tụng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, và bình an dưới thế cho người Chúa yêu thương”. Các thiên thần là ai vậy? Tại sao lại khoác cho các ngài áo trắng, có đôi cánh, có mái tóc vàng hoe? Tại sao người ta thường chọn các thiếu nữ làm thiên thần mà ít khi chọn các nam nhi? Thiên thần thuộc phái nữ hay phái nam?
Trong tiếng Việt, ngoài từ thiên thần, còn có thiên sứ, sứ thần. Nói một cách ngắn gọn, thiên thần là thần trên trời. Tôi nghĩ từ này đã có trong Việt ngữ trước khi Phúc Âm được truyền bá đến nước ta. Quan niệm dân gian tin có rất nhiều thiên thần, thổ thần, thần hoàng. Các thần ấy có thể là những loài thiêng liêng ở trên trời, trong cung điện của Ngọc Hoàng, nhưng cũng có thể là các danh nhân trở thành “thần”. Đó là chưa nói đến các “quỷ thần”, tác oai, tác quái. Có thể nói quả quyết rằng tại hầu hết các dân tộc trên thế giới đã có sự tin tưởng vào thần thánh, trước khi có mặc khải của Thiên Chúa cho dân riêng của Ngài trong Cựu ước và Tân ước. Và vì vậy, chúng ta thấy Kinh Thánh cả Cựu ước và Tân ước phải cố gắng để sửa chữa những quan niệm bình dân cho thích hợp với đức tin.
Cha có thể cho vài thí dụ được không?
Chúng ta có thể lấy một ví dụ từ Cựu ước và một ví dụ từ Tân ước. Các ngôn sứ Cựu ước phải cố gắng bài trừ những quan niệm đa thần, để nhấn mạnh đến niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất, tạo thành muôn vật. Trong Tân ước, đặc biệt là các thư của thánh Phaolô, người ta nhận thấy Giáo Hội ban đầu phải đương đầu với những chủ trương cho rằng Đức Kitô còn ở dưới các thiên thần.
Còn chính quan niệm của Kinh Thánh về các thiên thần thì sao?
Như đã nói, trong tiếng Việt, chúng ta còn có từ thiên sứ hay sứ thần. Hai từ này sát với quan niệm Kinh Thánh hơn. Kinh Thánh không chú trọng lắm đến hình thù hay bản thể của các thiên thần cho bằng đến sứ mạng của các Ngài. Các ngài được gọi là “sứ giả của Thiên Chúa”, được Chúa sai đến để thi hành một sứ mạng nào đó. Tuy nhiên đây chỉ là tư tưởng khái quát, chứ khi đi sâu vào các bản văn, thì quan niệm về các sứ thần có phần phức tạp hơn, xét vì mặc khải không chỉ xảy ra trong đôi ba tháng, mà kéo dài trong một lịch sử hàng bao thế kỷ, với những khung cảnh môi trường tôn giáo và văn hoá khác nhau. Do đó người ta nhận thấy có sự tiến triển không những giữa Cựu ước và Tân ước, mà cả giữa những giai đoạn đầu của lịch sử dân Do thái với những giai đoạn cuối gần ngày Chúa sinh ra đời. Điểm khác biệt của Cựu ước gây không ít thắc mắc cho các nhà chú giải ở chỗ cụm từ sứ thần của Thiên Chúa không những chỉ áp dụng cho những sứ giả được sai đi thi hành sứ mạng, nhưng còn ám chỉ chính Thiên Chúa nữa. Theo một số học giả, lối nói ấy chịu ảnh hưởng của một quan niệm quá siêu việt về Thiên Chúa: Ngài quá uy nghi cao cả, xa cách con người; bởi vậy khó có thể nghĩ đến việc Ngài trực tiếp can thiệp đến thế giới con người, nếu không phải là qua các sứ giả, tức là một sự cá thể hoá những ưu phẩm của Thiên Chúa. Về sau, do ảnh hưởng của tôn giáo ở Babilon, mới có sự phân biệt rõ ràng hơn về các vị thiên sứ, nghĩa là những vị, hoặc được chầu chực trước nhan Chúa, hoặc được phái uỷ thi hành một công tác nào đó. Chính vào giai đoạn này mà người ta đặt tên cho một số vị, như Micael (ai bằng Thiên Chúa), Gabriel (sức mạnh của Chúa), Raphael (linh dược của Chúa).
Còn trong Tân ước thì sao?
Có thể nói rằng trong Tân ước cũng có sự tiến triển. Khi thuật lại cuộc đối thoại của Chúa Cứu Thế, các Phúc Âm lấy lại một số quan niệm của Cựu ước, như thiên sứ Gabriel truyền tin cho Đức Maria, hoặc như các thiên sứ báo tin cho các mục đồng trong đêm Giáng Sinh, hoặc đến an ủi Chúa trong vườn Cây Dầu. Trong các bài giảng Chúa Giêsu cũng nói đến các thiên sứ như là những người chầu chực Thiên Chúa, hoặc gìn giữ các trẻ thơ, hoặc triệu tập nhân loại vào ngày chung thẩm. Còn thư của thánh Phaolô, như đã nói ở trên, nhấn mạnh đến vị trí của các thiên sứ với các đẳng cấp khác nhau, đều ở dưới Đức Kitô. Trong các sách Tân ước, có lẽ sách Khải Huyền nói đến các thiên sứ nhiều hơn cả trong vai trò ca tụng chầu chực Thiên Chúa trên thiên cung. Tuy nhiên trong hai chương đầu, thánh Gioan có nói đến bảy thiên sứ của bảy giáo đoàn: các học giả ngày nay cho rằng các thiên sứ nói ở đây ám chỉ đến các giám mục.
Kinh Thánh có nói đến các hình dáng thiên sứ ra sao không?
Trong các bức tranh thiên thần, chúng ta thường thấy các hoạ sĩ vẽ các ngài với đôi cánh, tóc quăn, xem ra thuộc nữ giới. Thực ra Kinh Thánh không nói đến hình thù của các thiên thần. Khi các ngài hiện ra, như thiên sứ Raphael hay Gabriel, xem ra các vị có hình thù người nam. Tuy nhiên đó chỉ là những kiểu nói và hình ảnh nhằm thích ứng với thực tại của nhân loại. Trên thực tế, các thiên thần chẳng thuộc giới nam hay giới nữ. Thiên sứ Raphael xuất hiện như người nam vì giữ vai trò hướng đạo cho cậu Tôbia, nên cần có hình dáng một người khoẻ mạnh. Các hình ảnh tượng trưng thiên sứ Micael chiến đấu với ma quỷ cũng dùng đến hình ảnh của một binh sĩ, một nam nhân. Còn khi muốn trình bày vẻ đẹp của các thiên thần, thì dĩ nhiên các hoạ sĩ mượn khuôn mặt của các thiếu nữ; đôi cánh muốn nói lên sự linh động mau mắn trong việc chu toàn sứ mạng; còn tấm áo trắng nói lên sự trong trắng tinh tuyền, không những khỏi tội lỗi nết xấu mà còn khỏi vật chất nữa. Dù sao, những suy tư về bản chất của các thiên thần bắt đầu với thời các Giáo Phụ, và chín mùi với các nhà thần học thời Trung Cổ, đặc biệt là thánh Tôma Aquinô, quen gọi là “tiến sĩ thiên thần”.
Những hình ảnh mà các hoạ sĩ vẽ ra cũng như những trang suy tư của các nhà thần học đều nhằm giúp trình bày đức tin Công giáo với tầm hiểu biết của con người. Thế thì đức tin Công giáo nói gì về các thiên thần?
Như trên đã nói, mặc khải về các thiên thần trong Kinh Thánh tiến triển qua nhiều giai đoạn, và phần nào tuỳ theo khung cảnh tôn giáo và văn hoá của từng thời đại. Ta cũng có thể nhận xét tương tự như vậy về giáo huấn của Giáo Hội về các thiên thần. Giáo hội không trình bày một thiên khảo cứu có hệ thống về các thiên thần nhưng chỉ xác định những điều phải tin khi có một nguy cơ nào đó đưa đến lạc giáo. Những tuyên bố quan trọng nhất của Giáo Hội xảy ra ở Lateranô IV (1215) và Firenze (1442). Điều xác quyết căn bản là bên cạnh những loài có xác thể, Thiên Chúa còn dựng nên những loài thiêng liêng nữa, tựa như các thiên thần và linh hồn. Thoạt đầu, xem ra chân lý ấy chỉ nhằm chống lại những thuyết duy vật, không biết thực tại nào khác ngoài thế giới hữu hình. Tuy nhiên khi lồng trong bối cảnh lịch sử, thì những chân lý vừa nói nhằm chống lại những thuyết nhị nguyên, cho rằng có hai thế giới tuỳ thuộc vào hai nguyên uỷ biệt lập: một bên là thế giới của linh thiêng do Thiên Chúa tạo thành, gồm cả các thiên thần. Bên kia là thế giới của vật chất, do ác thần chỉ huy: hai nguyên uỷ ấy luôn giao tranh chống đối nhau. Đối lại với thuyết ấy, Giáo Hội dạy rằng, tất cả các loài thụ tạo, dù là thiên thần hay ác thần, dù là thiêng liêng hay vật chất, đều ở dưới quyền của một Thiên Chúa tạo thành duy nhất. Các thiên thần là loài thiêng liêng không có xác thể. Giáo Hội không đi sâu hơn vào các chi tiết khác.
Để kết luận, tin hay không tin các thiên thần có ảnh hưởng gì đến đời sống đạo?
Dĩ nhiên, đối với người Kitô hữu, tin vào Đức Kitô là Thiên Chúa làm người ở giữa chúng ta thì quan trọng gấp trăm ngàn lần tin nơi các thiên thần. Tuy nhiên, khi bàn về các thiên thần, các Giáo Phụ không ngừng lặp lại rằng: Thiên Chúa yêu thương chúng ta dường nào, Ngài sai các thiên thần là một loài cao cả hơn chúng ta, đến giúp đỡ chúng ta trên đường lữ hành. Các thiên thần biểu lộ lòng yêu thương săn sóc của người Cha đối với từng người chúng ta.
3. Một vài tìm hiểu và suy tư về Thiên thần
Hiền Lâm
GLCG dạy chúng ta có hai loài thượng đẳng được Thiên Chúa tạo nên, đó là thiên thần và loài người. Một bên thì liêng liêng vô hình vô tướng và vĩnh cửu và một bên thì hữu hình và giới hạn.
Về các thiên thần, là vô hình – thiêng liêng nên chúng ta không thể truy tầm được như một con người có chủng loại, giống, số, giới tính và danh gọi.
Ngay cả con người hữu hạn mà còn là một mầu nhiệm không thấu triệt được, thì chúng ta làm sao có thể nói được về các thiên thần mà chúng ta không thấy. Xin đưa ra một vài gợi ý:
* Ghi nhận.
Ngay từ những trang đầu của Cựu Ước, các thiên thần có mặt trong cuộc sáng tạo, cầm gươm canh giữ địa đàng, vật lộn với Giacóp, chiến đấu giúp Giosuê …
Trước khi có dân tộc Dothái, vùng Trung Cận Đông đã có các vương quốc và có tổ chức triều đình phong kiến như Aicập, Mêsôpôtania, Babilon… Hơn nữa, phần lớn các sách Cựu Ước được viết vào thời quân chủ của Israel, nên các tác giả chịu nhiều ảnh hưởng của phong kiến và mô tả trên trời cũng có Triều Đình Thiên Quốc, gồm các thiên thần bao quanh ngai Thiên Chúa. Một cách cụ thể được diễn tả trong sách Đaniel, Giacaria, Thánh Vịnh… Trong sách Gióp cũng nói đến ngày kia Thiên Chúa ngự triều và có các thiên thần tề tựu, trong đó có cả Satan đến nói chuyện với Thiên Chúa về Gióp…
Trong các tôn giáo, phần lớn đều tin có sự hiện hữu của các thiên thần, đặc biệt các tôn giáo độc thần như: Dothái Giáo, Kitô Giáo và Hồi Giáo.
Trước hết, Dothái Giáo tin nhận có 3 vị thiên thần có vị trí cao nhất là Michael, Gabriel và Raphael, lại thêm một vị khác nữa là Uriel như là tứ trụ cai trị 4 hướng, ngoài ra, sau thời lưu đày Babilon họ còn kể thêm 8 vị thiên thần nữa, tạo nên một con số 12, tượng trưng của 12 chi tộc.
Riêng Kitô Giáo chúng ta: dựa theo nguồn Kinh Thánh Cựu và Tân Ước, chúng ta vẫn tin nhận có 3 vị Tổng Lãnh Thiên Thần là Michael, Gabriel và Raphael: (Michael được nói đến trong sách Khải Huyền, Raphael được nhắc tới trong sách Tôbia và Gabriel được nói tới trong Tin Mừng Luca). Ngoài ra, dù không được mặc khải minh nhiên, nhưng truyền thống vẫn dựa vào sách Đệ Nhị Kinh Enoch chương 20 ghi nhận có một vị tổng lãnh thiên thần sa ngã là Lucifer hay còn gọi là Satanel (tức là ma quỷ – satan). Điều này cũng được nói một cách ẩn ý nơi thư của thánh Giuđa.
Bên Giáo Hội Chính Thống Đông Phương thì ngoài ba vị thiên thần Michael, Gabriel và Raphael, họ còn kính thêm 4 vị nữa là Uriel, Salafiel, Jeguel và Barachiel (tạo nên một con số 7 hoàn hảo).
Còn người Hồi Giáo cũng tin nhận có 7 vị thiên thần thủ lĩnh là: Mikail, Jibril, Israfil, Maalik, Mulkar, Nakir và Radwan. Trong đó thiên thần Jibril (tức là Gabriel) được biết đến nhiều nhất, vì người Hồi Giáo tin Gabriel là vị đã đem kinh Koral từ Thiên Chúa đến cho Mahômét.
Có một điểm chung là các nghệ nhân hay hoạ sĩ khi vẽ hoặc tạc các hình tượng thiên thần đều có cánh (có thể được cảm hứng từ sách Đaniel 9,21) mô tả việc thiên thần bay mau đến kịp giờ dâng lễ của dân Chúa.
Phụng vụ Công Giáo còn tin và kính nhớ mỗi người có một thiên thần bản mệnh, hằng đồng hành giúp đỡ từng người và trình lên Thiên Chúa mọi công việc của con người. Đó cũng là điều mà Tin Mừng hôm nay đề cập đến.
Đó là một vài ghi nhận, bây giờ chúng ta cùng đi tìm cho mình những áp dụng qua sứ vụ của các thiên thần.
* Áp dụng.
Có thể nói, sau mầu nhiệm Ba Ngôi, suy tư về môn Thiên Thần Học được xem là phức tạp nhất. Dựa trên những mảng ghép trong Kinh Thánh, thánh Thomas d’Aquine đã chia ra thành cửu phẩm thiên thần: Tổng thần, binh thần, quản thần, dũng thần, lãnh thần, quyền thần, phụng thần, uy thần và sứ thần. Điều này cũng ảnh hưởng trong phụng vụ Kitô Giáo qua các vinh tụng ca của Kinh Tiền Tụng và Kinh Te Deum.
Chúng ta cùng tập chú suy niệm về các thiên thần qua các ý nghĩa sau đây:
– Về các Tổng Lãnh Thiên Thần:
Như trong bài đọc Kinh Đêm chúng ta nghe tối hôm qua, cho thấy rằng các tên gọi dành cho các vị Tổng Lãnh Thiên Thần chỉ là phẩm tính và sứ vụ được danh hoá mà thôi: Michael theo tiếng Hípri nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa”, Raphael có nghĩa là “Linh dược của Thiên Chúa” và Gabriel dịch là “Quyền năng của Thiên Chúa”; tương đương với ba sứ vụ của ba vị đại thần trong triều đình nhà vua là: Tổng thần, Y thần và Sứ thần.
Nơi vị tổng thần Michael, chúng ta ghi nhận được sự khiêm tốn suy phục Thiên Chúa qua lời tuyên xưng “Ai bằng Thiên Chúa”, cùng với sự can đảm chống lại thế lực của Satan và sự dữ; nơi Y thần Raphael, chúng ta tìm thấy sự săn sóc, phục vụ và an ủi tha nhân; nơi Sứ thần Gabriel, chúng ta cùng mang trên mình sứ điệp đem Chúa đến cho mọi người.
– Về đời sống thiên thần:
Trong bài giảng ngày phong bậc Tiến Sĩ Hội Thánh cho thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II nói rằng: “Đời sống của thánh nữ Têrêxa với các nhân đức trong sạch như các thiên thần”. Chính Chúa Giêsu cũng từng khẳng định: “Ngày sống lại người ta sẽ như các thiên thần, không còn chuyện dựng vợ gả chồng”. Như thế, điều trước hết khi sánh ví về các thiên thần, mọi tác giả (kể cả những người ngoài ngoài công giáo) đều nói đến sự trong trắng thanh cao.
Trong Hiến Chương Đức Ái của dòng Xitô, thánh phụ Stephano Hardingo gọi đời sống tu trì là đời sống thiên thần (vita angelica), bao gồm các chức năng là: trung gian, sứ giả, Seraphim (ca hát) và Cherubim (hộ giá – phục vụ).
Là trung gian khi các thiên thần như một cầu nối dâng lời cầu của chúng ta lên Thiên Chúa và các ngài lên lên xuống xuống trên con người. Chúng ta đang hoạ lại sứ vụ trung gian chuyển cầu đó.
Là sứ giả khi các thiên thần truyền tải các sứ điệp của Thiên Chúa đến cho chúng ta. Chúng ta cũng là những sứ giả của Tin Mừng.
Là Xêraphim (thần sốt mến) các ngài ngày đêm ca hát chúc tụng Thiên Chúa. Sứ vụ này hoạ lại nơi đời sống cầu nguyện của chúng ta rõ nét nhất.
Là Cherubim (thần hộ giá) các ngài túc trực hầu cận Thiên Chúa và ở với Người. Chúng ta cũng thế, chúng ta là những tôi tớ ngày đêm hầu cận Chúa.
Đặc biệt đời sống của các thiên thần nói lên sự thanh sạch, mà khi chúng ta sống trong sạch, chúng ta nên như các thiên thần.
Tóm lại: Các thiên thần vô hình nên chúng ta không thể học đòi noi gương, nhưng chúng ta có thể hoạ lại phẩm tính và sứ vụ của các ngài:
Là Michael, chúng ta khiêm tốn suy phục Thiên Chúa và chống lại sự dữ.
Là Gabriel chúng ta được sai đi đem Chúa đến cho mọi người.
Raphael, chúng ta biết cảm thương an ủi và chữa lành những ai đau khổ.
Là Seraphim, chúng ta ngày đêm ca hát chúc tụng Chúa và cầu xin ơn cho mọi người.
Và cuối cùng là Cherubim, chúng ta ở lại bên Chúa để phục vụ hầu cận Người.
Là các thiên thần bản mệnh, chúng ta ngày đêm sống dưới con mắt hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta tránh xa tội lỗi và luôn làm vui lòng Chúa.
Tổng hợp