CHƯƠNG I: TỔNG QUAN THÁNH KINH
Bài 1: Dẫn Nhập
I. Khái niệm về Thánh Kinh
1. Thánh Kinh là gì?
Thánh Kinh là Lời của Thiên Chúa nói với loài người bằng ngôn ngữ của loài người. Công đồng Va-ti-ca-nô II trong Hiến chế Mặc khải (MK) có khẳng định rằng: “Do lòng nhân lành và khôn ngoan, Thiên Chúa đã muốn mặc khải chính mình và tỏ cho biết thiên ý nhiệm mầu, nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Ki-tô, Ngôi Lời nhập thể, trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần vào bản tính Thiên Chúa. Qua việc mặc khải này, Thiên Chúa vô hình, trong tình yêu thương chan hòa, đã ngỏ lời với loài người như với bạn hữu và đến sống với họ để mời gọi và chấp nhận cho họ đi vào cuộc sống của chính Ngài” (MK, số 2).
Do đó, cuốn Thánh Kinh không phải là một cuốn giáo khoa thần học, lịch sử hay khoa học. Nó là bức tâm thư Thiên Chúa gửi cho dân được tuyển chọn, nên cần được người tin tiếp nhận với lòng mến. Thật vậy, “trong các Sách Thánh, Cha trên trời âu yếm đến gặp gỡ và trò chuyện với con cái của Ngài, vì trong Lời Thiên Chúa có uy lực và quyền năng lớn lao để mang lại sự nâng đỡ và sức sống cho Giáo hội, đồng thời đem đến cho đoàn con của Giáo hội sức mạnh của đức tin, lương thực của linh hồn, nguồn mạch tinh tuyền và trường tồn của đời sống thiêng liêng. Bởi thế, lời nói sau đây hoàn toàn đúng về Thánh Kinh: “Quả thật, Lời Thiên Chúa luôn sống động và linh nghiệm” (Dt 4,12), có năng lực xây dựng và ban phần gia nghiệp cho tất cả những người đã được thánh hóa” (Cv 20, 32; 1 Ts 2,13) (MK, số 21).
2. Ai là tác giả của Thánh Kinh?
Thiên Chúa là tác giả của Thánh Kinh. Quả vậy, “trong việc biên soạn các Sách Thánh, Thiên Chúa đã chọn những con người và nhờ họ dùng tài năng và công sức, để khi chính Ngài hành động trong con người và qua con người, họ viết ra như những tác giả đích thực tất cả những gì Chúa muốn, và chỉ những điều đó mà thôi” (MK, số 11). Như vậy có thể nói Thiên Chúa là tác giả chính, còn các tác giả sách Tin Mừng là tác giả phụ. Hay nói như thánh Tô-ma A-qui-nô, Thiên Chúa là tác giả nguyên nhân, còn các thánh sử là tác giả dụng cụ. Mặt khác, “vì tất cả những gì các tác giả được linh hứng đã viết ra, phải được xem là những điều được xác quyết bởi Chúa Thánh Thần, nên phải tuyên nhận rằng Thánh Kinh dạy ta cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm về chân lý mà Thiên Chúa đã muốn Thánh Kinh ghi lại để cứu độ chúng ta” (MK, số 11).
3. Bố cục của bộ Thánh Kinh
Thánh Kinh không phải là duy một cuốn sách, mà là một bộ sách. Bộ Thánh Kinh gồm hai phần chính: Cược Ước và Tân Ước. Cựu Ước gồm 46 cuốn, và Tân Ước gồm 27 cuốn.
46 CUỐN CỰU ƯỚC
Ngũ Thư | Sách Lịch Sử | Sách Văn Chương | Sách Ngôn Sứ |
Sáng thế (St) Xuất hành (Xh) Lê-vi (Lv) Dân số (Ds) Đệ nhị luật (Đnl) | Giô-suê (Gs) Thủ lãnh (Tl) Rút (R) Sa-mu-en 1 (1 Sm) Sa-mu-en 2 (2 Sm) Các Vua 1 (1 V) Các Vua 2 (2 V) Sử biên niên 1 (1 Sb) Sử biên niên 2 (2 Sb) Ét-ra (Er) Nơ-khe-mi-a (Nkm) Tô-bi-a (Tb) Giu-đi-tha (Gđt) Ét-te (Et) Ma-ca-bê 1 (1 Mcb) Ma-ca-bê 2 (2 Mcb) | Gióp (G) Thánh vịnh (Tv) Châm ngôn (Cn) Giảng viên (Gv) Diễm ca (Dc) Khôn ngoan (Kn) Huấn ca (Hc) | I-sai-a (Is) Giê-rê-mi-a (Gr) Ai-ca (Ac) Ba-rúc (Br) Ê-dê-ki-en (Ed) Đa-ni-en (Đn) Hô-sê (Hs) Giô-en (Ge) A-mốt (Am) Ô-va-đi-a (Ôv) Giô-na (Gn) Mi-kha (Mk) Na-khum (Nk) Kha-ba-cúc (Kb) Xô-phô-ni-a (Xp) Khác-gai (Kg) Da-ca-ri-a (Dcr) Ma-la-khi (Ml) |
27 CUỐN TÂN ƯỚC
Tin Mừng | Công Vụ Tông Đồ | Thư của Thánh Phao-lô | Thư Chung | Khải Huyền |
Mát-thêu (Mt) Mác-cô (Mc) Lu-ca (Lc) | Sách Công vụ Tông đồ (Cv) | Rô-ma (Rm) 1 Cô-rin-tô (1 Cr) 2 Cô-rin-tô (2 Cr) Ga-lát (Gl) Ê-phê-xô (Ep) Phi-líp-phê (Pl) Cô-lô-xê (Cl) 1 Thê-xa-lô-ni-ca (1 Tx) 2 Thê-xa-lô-ni-ca (2 Tx) 1 Ti-mô-thê (1 Tm) 2 Ti-mô-thê (1 Tm) Ti-tô (Tt) Phi-lê-môn (Plm) | Gia-cô-bê (Gc) 1 Phê-rô (1 Pr) 2 Phê-rô (2 Pr) 1 Gio-an (1 Ga) 2 Gio-an (2 Ga) 3 Gio-an (3 Ga) Giu-đa (Gđ) | Sách Khải huyền (Kh) |
Gio-an (Ga) | Thư Híp-ri (Do Thái) |
Toàn bộ cuốn Thánh Kinh:
– được viết trong khoảng thời gian hơn 1000 năm.
– được viết bởi nhiều tác giả nhân loại khác nhau và ngôn ngữ khác nhau như tiếng Híp-ri, A-ram và Hy-lạp.
– được trình bày dưới nhiều thể văn khác nhau:
+ Thần thoại
+ Lịch sử
+ Lề luật
+ Sấm ngôn
+ Truyện ngắn
+ Tầm nguyên luận
+ Thi phú
+ Tin mừng
+ Thư
+ Khải huyền và nhiều thể loại khác
Cuốn Thánh Kinh không phải là một cuốn sách giáo khoa thần học, lịch sử hay khoa học. Nó là bức tâm thư Thiên Chúa gửi cho dân được tuyển chọn, nên cần được người tin tiếp nhận với lòng mến. “Giáo hội vẫn luôn tôn kính Thánh Kinh như tôn kính chính Thánh Thể Chúa, đặc biệt trong Phụng vụ thánh, Giáo hội không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Mình Chúa Ki-tô để trao ban cho các tín hữu. Giáo hội đã và vẫn luôn coi Thánh Kinh cùng với Thánh Truyền như là quy luật tối thượng của đức tin, bởi vì là sách được Thiên Chúa linh hứng và được ghi chép một lần cho mãi mãi. Thật vậy, trong các Sách Thánh, Cha trên trời âu yếm đến gặp gỡ và trò chuyện với con cái của Ngài, vì trong Lời Thiên Chúa có uy lực và quyền năng lớn lao để mang lại sự nâng đỡ và sức sống cho Giáo hội, đồng thời đem đến cho đoàn con của Giáo hội sức mạnh của đức tin, lương thực của linh hồn, nguồn mạch tinh tuyền và trường tồn của đời sống thiêng liêng. Bởi thế, lời nói sau đây hoàn toàn đúng về Thánh Kinh: “Quả thật, Lời Thiên Chúa luôn sống động và linh nghiệm” (Dt 4,12), có năng lực xây dựng và ban phần gia nghiệp cho tất cả những người đã được thánh hóa” (Cv 20, 32; 1 Ts 2,13) (MK, số 21).
II. GIỚI THIỆU BÀI TIẾP
Bài số 2, chúng ta cùng tìm hiểu địa lý Thánh Kinh.