Từ nhỏ nó đã được bố mẹ dẫn đi nhà thờ, ngày ngày chăm chú lắng nghe các bài đọc Phúc Âm. Nó nghe nhiều, nghe riết. Rồi nó biết đọc, đọc đi đọc lại đến cả thuộc lòng từng câu chữ trong Kinh Thánh. Vậy mà rất nhiều câu nó chẳng hiểu nổi Chúa thật sự muốn dạy con người về điều gì. Điển hình như câu: “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc8,35). Cái khó hiểu ở đây là mất thì lại được, còn được thì lại mất. Nó cứ thấy Chúa kỳ kỳ làm sao, làm thế nào mất lại được, còn được thì lại mất. Giả như trước mắt nó là một trận đánh nhau của ai đó. Một là nó chọn “mất mạng mình”_nhảy vào can ngăn, rồi được xơi đòn túi bụi, cùng chung cảnh ngộ với kẻ yếu thế hơn. Hai là chọn “cứu mạng mình”_phớt lờ đi, chuyện người ta xía vô làm chi cho mang vạ, ai làm sai thì tự chịu, có ý thức cả rồi. Cách nào khôn ngoan hơn, cách nào là ý Chúa dạy?
Nghĩ mãi, nghĩ mãi cũng chưa thấy cách nào là hợp lý và thể hiện rõ tường tận ý nghĩa của Lời Chúa. Đồng thời tình huống giả định ấy cũng không phải là chuyện thường nhật trong cuộc sống của nó. Vậy thì áp dụng Lời Chúa như thế nào nhỉ? Bỗng một ngày nọ, nó nhận ra…
Chuyện là vầy, cứ mỗi lần đi làm về mệt quá hay cảm xúc cứ buồn chán thế nào, nó lại tìm cái smart phone để giải trí. Nó yêu thích phim tình cảm Hàn Quốc lắm. Cứ thế nó lướt hết tập này đến tập khác, mặc cho cái tâm trí tỉnh táo của nó giằng co mãi: “Này, không được xem quá khuya đâu, sẽ mất sức, sẽ không thể làm việc tốt vào ngày mai.”. Vậy mà nó đâu chịu bỏ cái điện thoại. Vì bên cạnh tiếng nói tha thiết kia, còn cái khao khát mãnh liệt muốn thỏa mãn mọi đam mê, dục vọng: “Tôi mệt mà, tôi muốn giải trí. Tôi làm việc cật lực, tại sao lại không thể giải trí thả ga chứ. Tôi có tự do mà, tôi có quyền mà.” Rồi nó chọn cầm điện thoại đến 2h, 3h sáng. Sau mỗi lần như vậy thì khỏi phải nói, cả người nó nhoài ra không còn tí sinh lực, đôi mắt cay xè vì cố căng ra để dõi theo cái màn hình hấp dẫn. Và làm sao chối bỏ được thực tế là nó phải gượng dậy để đi làm. Nó cố hết sức bình sinh để có thể nhổm dậy và đến công ty. Nó không tập trung nổi để làm được việc gì cho ra hồn. Đầu nó cứ quay quay, quên cái này, sót cái kia. Đến đồng nghiệp cũng nhìn nó lắc đầu, ra vẻ “làm việc chán quá, thiếu năng lực”, chưa kể đến nếu sếp thấy bộ dạng của nó lúc này thì có mà “trừ lương đuổi việc” không tiếc nuối. May sao cũng có một ngày, nó quyết tâm vượt qua cái cám dỗ của sự ham muốn thỏa mãn giải trí đó. Nó tắt điện thoại, viết ra những việc ngày mai sẽ làm rồi đi ngủ sớm. Bình an thả mình vào màn đêm tĩnh lặng, nó ngủ một giấc thật sâu, thật ngon. Sớm mai, đôi mắt tinh anh mở rộng cùng với nụ cười vui tươi, nó tràn đầy sức sống chào mừng ngày mới. Bon bon trên những cung đường đến nơi làm việc, nó nhìn trời xanh, hoa lá, mọi người và thật sự hạnh phúc khi nghĩ đến một ngày làm việc hiệu quả với những kế hoạch đã chuẩn bị. Nó tự tin bước vào chỗ làm với một tâm hồn khoan khoái và chủ động. Ngày hôm đó, mọi việc trở nên thật tốt đẹp và suôn sẻ. Nó tự hào về thành tựu của chính mình, không phải đã đạt được gì, mà là đã chiến thắng bản thân qua cơn cám dỗ.
Vậy đó, “mất mạng sống mình” trong kinh nghiệm của nó không còn là một sự hy sinh thể lý nữa. Mà là từ bỏ chính mình trong cái ham muốn bản năng, cái bản năng khiến nó đi quá đà và dẫn đến những hệ lụy tai hại cho chính nó và những bên liên quan. Lúc này đây, nó đã cảm được thế nào là bỏ mà được, được lại là đánh mất. Bạn thấy không, khi nó cố thỏa mãn chính mình, tức là làm những gì nó muốn, nó thích cho bằng được, không cần nghĩ đến hệ lụy, nó đã được cái nó muốn là sự thỏa mãn vô cùng. Nhưng thật ra nó đã mất rất nhiều những thứ đáng quý khác liền sau đó: nào là sức khỏe, sự tỉnh táo, một ngày làm việc vui và hiệu quả, tình đồng nghiệp, sự tín nhiệm,…Tất cả những cái này mới làm nên giá trị cuộc sống thực của nó, cũng chính là sự tốt đẹp đến từ Thánh Ý Thiên Chúa, không phải là sự giải trí quá đà kia. Nhưng chỉ vì một phút thỏa mãn bản năng nó chấp nhận mất hết. Còn khi nó vượt qua cái ham muốn ấy, chấp nhận chỉ vui vừa đủ, giải trí vừa đủ, nó phải từ bỏ bản thân trong sự thỏa mãn có giới hạn, thì nó đã được lại rất nhiều. Cụ thể là một ngày sống mới tuyệt vời mà nó đã trải nghiệm ở trên. Đây chẳng phải là “Tin Mừng” sao.
Chắc hẳn trong cuộc sống, ngoài việc giải trí còn nhiều vấn đề, nhiều khía cạnh khác mà mỗi người phải lựa chọn từ bỏ hay không. Cân nhắc sự được, mất như Chúa dạy chính là chìa khóa cho sự từ bỏ này. Riêng với nó, sự từ bỏ chính mình là một cuộc chiến thực thụ với những ham muốn của bản thân. Chúa dựng nên mỗi người chúng ta và đặt để một sự khao khát mãnh liệt như thế trong mảnh đất tâm hồn. Chắc chắn, Ngài không làm điều gì mà không tốt đẹp. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có trách nhiệm phát huy bổn phận “làm chủ” mà Ngài đã trao tặng cho mỗi người. Đó là làm chủ chính mình. Cuộc sống có nhiều điều để lựa chọn, nếu bạn khát khao hạnh phúc thật, hãy từ bỏ những thứ ảo ảnh…
Sáng trí tâm