Video: Giáo hội là hy vọng duy nhất đối với người dân Nam Sudan

1. Đức Hồng Y Parolin nói về những ưu tiên của Đức Giáo Hoàng.

Phát biểu với Đài phát thanh Vatican vào ngày kỷ niệm lần thứ 4 cuộc bầu cử Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, nói rằng Đức Thánh Cha tiếp tục tập trung vào sự cần thiết là Giáo Hội phải giúp mọi người tìm thấy lòng thương xót của Chúa và sự hướng dẫn của Thánh Linh.

Đức Hồng Y Parolin nói:

Đức Giáo Hoàng hướng dẫn chúng ta đến với tình yêu của Thiên Chúa và bảo đảm Giáo Hội có thể hoạt động như một kênh thông truyền tình yêu đó và là nơi gặp gỡ lòng thương xót và nhân từ của Chúa giữa những niềm vui và nỗi buồn cụ thể của cuộc sống dương thế.

Đức Hồng Y nhận xét rằng Năm Thánh Lòng Thương Xót đã mang lại những kết quả quan trọng, đặc biệt là trong việc “tái khám phá” Bí Tích Hòa Giải và nhu cầu giúp đỡ người nghèo. Nhưng ngay cả sau năm Thánh, lòng thương xót vẫn là chủ đề then chốt của triều đại Giáo Hoàng này.

Bình luận về những lời chỉ trích Đức Giáo Hoàng, Đức Hồng Y Parolin nói rằng “trong Giáo Hội luôn luôn có những lời chỉ trích”, điều quan trọng là những lời chỉ trích phải “chân thành và xây dựng”.

Về kế hoạch cải cách giáo triều Rôma, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nói rằng mục tiêu không phải là thay đổi Giáo triều Rôma thông qua “các tiêu chuẩn hành chính”, nhưng là đạt được “sự trở lại chân thực với Thiên Chúa”. Ngài nói rằng “Giáo Hội phải phấn đấu để nên chân thực hơn, thoát khỏi những vỏ bọc được tích lũy qua các thế kỷ của lịch sử để có thể chiếu sáng với sự minh bạch của Tin Mừng.”

2. Kinh Chiều của Anh Giáo được tổ chức tại Đền Thờ Thánh Phêrô

Hai tuần sau khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô thăm viếng một giáo xứ Anh giáo ở Rôma, một buổi kinh chiều của Anh giáo, tiếng Anh gọi là Evensong bao gồm những lời nguyện, thánh vịnh và các bài thánh ca, đã được cử hành lần đầu tiên vào ngày 13 tháng 3 tại nhà thờ Thánh Phêrô.

Âm nhạc được trình tấu bởi dàn hợp xướng của Đại Học Merton, Oxford.

Linh mục David Hamid thuộc Giáo phận Anglican ở Châu Âu nhận xét rằng:

“Lời cầu nguyện hằng ngày của Giáo Hội là một điều có thể hiệp nhất chúng ta, nó đưa chúng ta trở lại cội nguồn Bênêđíctô chung của chúng ta, và chúng tôi trong Giáo Hội Anh biết ơn các nhà truyền giáo dòng Bênêđíctô đã được Đức Giáo Hoàng Gregôriô gởi sang Anh”

3. Giáo Hội là hy vọng duy nhất đối với nhiều người ở Nam Sudan

Giáo Hội Công Giáo là “cơ quan chức năng duy nhất còn hoạt động trong xã hội dân sự” ở Nam Sudan, ông Neil Corkery, chủ tịch Quỹ cứu trợ Sudan, nói với Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc.

Ông Corkery báo cáo rằng 4.5 triệu người, tức là gần một nửa dân số của châu Phi, đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, và con số đó có thể sẽ gia tăng trong mùa hè. Xung đột liên tục đã ảnh hưởng đến việc sản xuất và phân phối lương thực, và khoảng 2.5 triệu người đã phải lánh nạn.

Ông Corkery cho biết thêm, trong nhiều miền, đặc biệt ở những vùng xa xôi của đất nước, Giáo Hội Công Giáo là cơ quan duy nhất đem lại chút hy vọng cho những người đang tuyệt vọng.

4. Quốc Hội Anh Quốc trên đà tự do hóa luật phá thai

Một dự luật cho phép tự do phá thai đang được Quốc Hội Anh bàn cãi. Các nhà lãnh đạo Công Giáo và Anh Giáo âu lo rằng Quốc Hội Anh sẽ thông qua một dự luật về “Sức khoẻ Sinh sản” trong đó loại bỏ mọi hạn chế về phá thai trong 28 tuần đầu của thai kỳ.

Trong một cuộc bỏ phiếu với tỷ số khít khao 174 trên 142, các nhà lập pháp tại Hạ Viện Anh đã thông qua dự luật này hôm thứ Hai 13 tháng Ba.

Dự luật này sẽ được Thượng Viện Anh bàn thảo trong những ngày tới.

5. Giáo xứ Công Giáo ở Mosul bị biến thành văn phòng của bọn khủng bố Hồi Giáo IS

Các lực lượng Iraq giải phóng một khu phố của Mosul và phát hiện rằng bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã biến một giáo xứ Công Giáo nghi lễ Chalđê thành một văn phòng; từ văn phòng này chúng ban hành các chỉ thị bắt dân dân chúng phải thực hiện.

Một báo cáo của tờ báo Ả Rập Iraq News cho biết: “Không một biểu tượng Kitô nào còn tồn tại trong nhà thờ này ngoài một bàn thờ bằng đá cẩm thạch màu xám.”

Hiện nay, quân Iraq đã giải phóng được toàn bộ phần phía Đông Mosul nhưng chưa nhà thờ nào dám mở cửa trở lại. Lý do thứ nhất là quân khủng bố nằm vùng vẫn còn sót lại và một vài hoạt động khủng bố và ám sát vẫn còn diễn ra. Thứ hai là nhiều nhà thờ đã bị phá tan hoang. Một vài nhà thờ thậm chí còn bị gài bom khi quân khủng bố Hồi Giáo IS rút chạy.

6. Giáo xứ Công Giáo ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức các nghi thức phụng vụ chính thống

Một giáo xứ Công Giáo ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, đã mời cộng đồng Chính thống giáo địa phương tổ chức các nghi thức Phụng Vụ Thánh trong nhà thờ của mình. Tòa Thượng Phụ Đại Kết thành Constantinople đã ra tuyên bố hoan nghênh cử chỉ đại kết này.

Các Giám Mục Chính Thống Giáo sẽ tổ chức các buổi lễ phụng vụ chính thống mỗi tháng một lần tại nhà thờ Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu.

Tòa Thượng Phụ Đại Kết thành Constantinople có trụ sở chính tại Istanbul và có Vương Cung Thánh Đường Thánh George rất lớn ở đó. Tuy nhiên, do chính sách đàn áp Kitô Giáo của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ, các tín hữu Chính thống ở Ankara, thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ, không xin được phép xây dựng nhà thờ tại đây. Họ phải thờ phượng bên trong các tòa đại sứ.

7. Vị tử đạo đầu tiên sinh tại Hoa Kỳ được phong Chân Phước vào tháng Chín tới

Cha Stanley Rother, người bản xứ Oklahoma đã bị giết trong khi phục vụ như một nhà truyền giáo ở Guatemala năm 1981, sẽ được phong chân phước vào tháng Chín.

Việc tử đạo của Cha Rother đã được Bộ Phong Thánh chính thức nhìn nhận hồi tháng Mười Hai năm ngoái. Trong tuyên bố đưa ra hôm 13 tháng Ba, tổng giáo phận Oklahoma cho biết lễ tuyên phong chân phước cho ngài được dự trù diễn ra vào ngày 23 tháng 9, tại Oklahoma City vì Cha Rother là linh mục của tổng giáo phận Oklahoma City.

Trong thời gian phục vụ tại một giáo xứ ở Guatemala, Cha Rother thừa nhận cuộc nội chiến của Guatemala khiến cho công việc truyền giáo của ngài tại đó trở nên rất nguy hiểm. Tuy nhiên, ngài thường nói: “Nhưng nếu định mệnh của tôi là phải hy sinh mạng sống mình ở đây, thì tôi đành chấp nhận. Tôi không muốn từ bỏ những người này.” Ngài bị bắn chết vào ngày 28 tháng 7 năm 1981.

8. Khủng hoảng kinh tế tại Hy Lạp ảnh hưởng mạnh đến trẻ em và các gia đình

Mối dây liên hệ gắn bó truyền thống trong gia đình người Hy Lạp đang bị phá vỡ khi các tàn phá của cuộc khủng hoảng tài chính càng ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Một phần tư trẻ em Hy Lạp giờ đây sống trong nghèo khổ cùng cực.

Viện dục anh này được thành lập hàng trăm năm qua để nuôi dưỡng các trẻ mố côi trong chiến tranh, nhưng giờ đây cơ sở này còn phải cánh đáng thêm những trẻ em mà gia đình chúng phải vật lộn trong việc nuôi sống con em mình.

Iro Zervaki của viện dục anh này cho biết:

“Đó có thể là những gia đình không có cha, và người mẹ phải đi làm ca và không có những thân nhân giúp mình. Đó cũng có thể là các gia đình mà cả cha lẫn mẹ đều mất công ăn việc làm và bất ngờ thấy mình không đứng vững nổi nữa.”

Nhiều cha mẹ trao phó các em cho viện dục anh suốt cả tuần trong khi hàng chục em khác được đưa đến mỗi ngày.

Các em này tuổi từ 2 đến 5. Trung tâm này hoạt động được nhờ vào sự giúp đỡ lương thực và quần áo của các mạnh thường quân. Trước cuộc khủng hoảng tài chính, trung tâm chủ yếu chỉ là nơi tạm trú cho các trẻ em bị ngược đãi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *