Video: Một phó tế Việt Nam được chính ĐTC truyền chức linh mục

1. Đức Thánh Cha truyền chức linh mục cho một phó tế người Việt Nam

Sáng Chúa Nhật 22 tháng 4, Chúa Nhật Chúa Chiên Lành và cũng là Ngày Giáo Hội cầu nguyện cho ơn gọi linh mục tu sĩ, Đức Thánh Cha đã truyền chức Linh Mục cho 16 Phó tế. Trong số 16 tiến chức có Thầy Phaolô Đỗ Văn Tân thuộc đại chủng viện Redemptoris Mater.

Cùng đồng tế Thánh Lễ với Đức Thánh Cha có 9 Hồng Y và hơn 200 Linh Mục, trong đó có hàng chục Linh Mục Việt Nam, với sự tham dự của khoảng 8.000 tín hữu trong đó có các anh chị em Liên Tu Sĩ Việt Nam tại Roma.

Giảng trong Thánh Lễ Đức Thánh Cha đã nêu bật sự kiện Chúa Giêsu Kitô là Thượng Tế duy nhất của Tân Ước, nhưng trong Ngài toàn dân Chúa được tham dự vào chức Linh Mục ấy, và các Linh Mục là những người được Chúa Giêsu đặc biệt lựa chọn để tiếp tục sứ mệnh của Ngài là Thầy, Linh Mục và Mục Tử, để xây dựng Thân Mình Chúa Kitô là Giáo Hội, Dân Thiên Chúa và Đền thờ của Chúa Thánh Thần.

Sau bài giảng của Đức Thánh Cha là nghi thức truyền chức Linh Mục. Sau đó các Tân Linh Mục đã đứng chung quanh bàn thờ đồng tế Thánh Lễ với Đức Thánh Cha.

2. Đức Thánh Cha gởi thông điệp video cho giới trẻ Cuba

Trong thông điệp video cho giới trẻ Cuba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khích lệ người trẻ tại quốc gia này có can đảm và làm việc cùng nhau để xây dựng Giáo hội Cuba.

Hôm thứ Bẩy, 21 tháng Tư, Tòa Thánh đã công bố một thông điệp video của Đức Thánh Cha gởi cho giới trẻ Cuba.

Mở đầu thông điệp, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khích lệ những người trẻ Cuba đừng sợ lắng nghe lời Chúa. Ngài khuyến khích họ “yêu mến Chúa Giêsu” và hoạt động cho sự thăng tiến của Giáo Hội Công Giáo ở Cuba. Ngài nói lời mời gọi của Chúa tự tỏ lộ với chúng ta trong các tình huống hàng ngày. Đáp lại tiếng Chúa gọi, chúng ta “hãy rộng lượng và mở lòng mình ra cho Chúa!”.

Ngày giới trẻ thế giới là cơ hội

Liên hệ đến Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới sắp diễn ra, Đức Thánh Cha đã đề cập đến Ngày Giới trẻ Thế giới tại Panama và Đại Hội Giới Trẻ cấp quốc gia của Cuba sắp diễn ra tại Santiago vào tháng 11 năm 2018. Đó là những cơ hội để “tiếp tục xây dựng Giáo hội Cuba hôm nay và ngày mai.”

Ngài khích lệ họ: “Hãy biết rằng các bạn không đơn độc, và chúng ta xây dựng từ cộng đồng cụ thể mà chúng ta thuộc về.”

Bàn về tầm quan trọng của cộng đồng Giáo hội địa phương, Đức Thánh Cha nói chính là trong môi trường đó “chúng ta dấn thân cho cuộc sống và thực hiện ơn gọi của mình.”

Những người yêu nước

Đức Thánh Cha kêu gọi giới trẻ Cuba hãy là “những người yêu nước” và yêu mến Chúa Giêsu. “Tôi mời gọi các bạn luôn luôn tiến về phía trước. Nhìn thẳng. Yêu mến quốc gia xứ sở của mình và yêu mến Chúa Giêsu”

Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô khích lệ những người trẻ Cuba hãy có can đảm tìm đến và bắt chước Đức Trinh Nữ Maria.

Ngài kết luận thông điệp với lời cầu nguyện sau:

“Cầu xin Đức Mẹ gìn giữ các bạn”.

3. Đức Giáo Hoàng Phanxicô ca ngợi Đức Cha Tonino Bello là một ‘vị tiên tri cho thời đại của chúng ta’

Hôm thứ Sáu 20 tháng Tư, nhân dịp kỷ niệm 25 năm Đức Cha Tonino Bello qua đời, Đức Thánh Cha đã về tận ngôi làng Alessano nơi vị Giám Mục chào đời và sau đó đến thăm giáo phận Molfetta nơi ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục.

Đức Thánh Cha đã rời Vatican lúc 7 giờ sáng để đến phi trường Ciampino ở Roma đáp máy bay đến căn cứ không quân Galatia thuộc tỉnh Lecce, cách Rôma 520 cây số về hướng đông nam và từ đây Đức Thánh Cha đáp trực thăng đến làng Alessano, cầu nguyện trước mộ phần của vị Giám Mục, trước khi có cuộc gặp gỡ với 20 ngàn tín hữu tại quảng trường trước nghĩa trang.

Tại quảng trường này Đức Thánh Cha đã được các tín hữu trong làng Alessano và vùng lân cận chào đón với bài hát “Oh, Tự do”, một sáng tác của Đức Cố Giám Mục rất được người dân yêu thích.

Nói với đông đảo dân chúng tụ tập tại quảng trường, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Đức Cha Bello đã bắt chước Chúa Giêsu khi gần gũi với người nghèo đến mức “từ bỏ chính mình”.

Đức Thánh Cha đã đề cao Đức Cha Bello như một người “dị ứng trước danh vọng và chức tước”. Ngài cũng là người chuyên chăm củng cố hòa bình, một nền hòa bình “được xây dựng bắt đầu từ gia đình, trên đường phố, nơi mọi người làm việc”, và được củng cố trong việc bảo vệ phẩm giá của công nhân chứ không phải chỉ tập trung bảo vệ lợi nhuận.

Alessano, gần gót chân của Ý, là nơi sinh của Đức Giám Mục Bello. Ngài sinh ngày 18 tháng Ba năm 1935, được thụ phong linh mục ngày 8 tháng 12 năm 1957, và được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 bổ nhiệm làm Giám Mục giáo phận Molfetta vào ngày 10 tháng 8 năm 1982. Giáo phận Molfetta hiện có 132 ngàn tín hữu Công Giáo.

Đức Cha Bello nổi tiếng sống thanh bần và từ bỏ, gần gũi và quan tâm săn sóc người nghèo. Ngài từng làm chủ tịch Phong trào Pax Christi, Hòa bình của Chúa Kitô, phân bộ Italia trong thời gian từ năm 1985 đến khi qua đời vào ngày 20 tháng Tư năm 1993 vì ung thư bao tử, thọ 58 tuổi.

Đức Cha Bello là hình ảnh tiêu biểu của một vị chủ chăn vẫn thường được Đức Thánh Cha Phanxicô cổ vũ: Một chủ chăn của một “Giáo Hội đi ra ngoài”, quan tâm giúp đỡ đặc biệt người nghèo.

Lần cuối cùng ngài xuất hiện trước công chúng là vào Lễ Truyền Dầu hôm 8 tháng Tư, 1993. Ngài phải ngồi xe lăn trong thánh lễ này và kiệt sức sau đó. 12 ngày sau, ngài qua đời.

Án tuyên phong chân phước cho ngài đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 cho phép bắt đầu vào ngày 27 tháng 11 năm 2007. Một sắc lệnh của Bộ Tuyên Thánh được đưa ra sau đó công nhận Đức Giám Mục Bello với tước hiệu Tôi tớ Chúa.

Ngày 18 tháng Ba, 2015 dòng Capuchin miền Giovinazzo đã khánh thành một nhà nguyện để tôn kính ngài trước sự hiện diện của người em ngài là Marcello Bello.

4. Đức Thánh Cha kêu gọi các Kitô hữu trở thành ‘những bưu tá mang đến niềm hy vọng’

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Giã từ làng Alessano, Đức Thánh Cha đã dùng trực thăng để đến thăm thành phố Molfetta ở miền Nam nước Ý nhân kỷ niệm 25 năm Đức Giám Mục Tonino Bello, nguyên Giám Mục của giáo phận này qua đời. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã mô tả Đức Giám Mục Bello như là một chứng nhân đích thực của Chúa Giêsu, là Đấng đã đến trong thế gian mang theo Tin Mừng của hy vọng và lòng thương xót cho ‘những lều tạm khốn khổ, đau đớn và cô đơn’ nhất.

Đức Thánh Cha đã kêu gọi các Kitô hữu hãy trở thành những “bưu tá mang hy vọng”; và “những chứng nhân đích thực của Chúa Giêsu” trong thế giới hôm nay.

Trong bài giảng Thánh Lễ, Đức Thánh Cha đã khích lệ mọi người khi rời bàn Tiệc Thánh sau Phụng Vụ Thánh Thể, hãy tích cực mang sứ điệp hòa bình và lòng thương xót của Chúa đến trong thế giới hôm nay. Đức Thánh Cha đã đến thăm thành phố Molfetta, ở miền nam nước Ý để vinh danh Đức Cha Tonino Bello, người đã nổi danh là một “mục tử của lòng thương xót” và là Giám Mục của những người bé mọn.

Ngỏ lời với đoàn người đông đảo đến tham dự Thánh Lễ tại khu vực cảng của thành phố duyên hải này, Đức Thánh Cha đã đưa ra những lời bình luận về các bài đọc trong ngày trong đó tập trung vào hai yếu tố trung tâm của đời sống Kitô: là Bánh Hằng Sống và Lời Chúa.

Khi chỉ ra rằng bánh là lương thực cần thiết cho đời sống và Chúa Giêsu trong Phúc Âm đã trao ban chính mình cho chúng ta để nên Bánh Cho Đời. Đức Thánh Cha nói rằng Phụng Vụ Thánh Thể không chỉ là môt nghi lễ đẹp, nhưng còn là sự hiệp thông tình yêu qua đó Thiên Chúa mời gọi mỗi Kitô hữu khi đã được nuôi dưỡng bằng Mình Máu Chúa thì cũng phải biết trao ban chính mình cho tha nhân.

Đức Thánh Cha nói: “Như Đức Cha Tonino Bello đã từng nhắc nhở, các công việc bác ái thôi thì chưa đủ đâu, nếu thiếu tình yêu là căn cội hình thành nên các công việc bác ái ấy, nếu thiếu vắng điểm khởi đầu là Bí Tích Thánh Thể thì mọi dấn thân mục vụ chỉ là một trò loanh quanh không có mục đích mà thôi.”

Đức Thánh Cha nhận xét rằng sống cho người khác phải là “dấu ấn” của Kitô hữu. Vì thế, “chúng ta có thể treo một biển báo bên ngoài mỗi nhà thờ rằng: ‘Sau Thánh Lễ sẽ không còn ai sống cho riêng mình nữa, nhưng là cho tha nhân.”

Đức Cha Tonino đã sống như thế giữa đoàn chiên. Ngài là một Giám Mục-Tôi Tớ, một Mục tử trước Nhà Tạm “học cách để trở thành của ăn cho dân mình”

“Ngài đã mơ ước về một Giáo Hội đói khát Chúa Giêsu và quyết liệt chống lại những sự thế gian, một Giáo Hội nhìn thấy Chúa Giêsu trong những lều tạm của bất hạnh, đau đớn và cô đơn”.

Khi nhắc lại rằng “Phụng Vụ Thánh Thể không chấp nhận tình trạng ngồi yên bất động”, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu tự hỏi mình xem họ “thích được phục vụ tại bàn tiệc của Chúa, hay đứng lên và phục vụ giống như Chúa? Họ có trao lại cho đời những gì họ đã nhận được trong Thánh Lễ không?”

“Và trong tư cách là Giáo Hội chúng ta có thể tự hỏi mình: Sau bao nhiêu lần Rước lễ, chúng ta đã trở thành một dân tộc hiệp thông chưa?

Bánh cho đời cũng là Bánh cho hòa bình như Đức Cha Tonino đã chủ trương, hòa bình đến với tình huynh đệ, khi “cùng ăn với những người khác”, bởi vì xung khắc và chiến tranh bắt nguồn từ việc người ta không biết đến nhau.

“Chúng ta, những người cùng chia sẻ Bánh hiệp nhất và hòa bình này, được mời gọi để yêu thương từng khuôn mặt, lau từng giọt nước mắt, và trở thành những người kiến tạo hòa bình trong mọi nơi và mọi lúc”

Trở về với chủ đề “Lời Chúa”, Đức Thánh Cha nói rằng chẳng ơn ích gì nếu chỉ “bàn tán xuông về Lời Chúa Giêsu” mà thôi.

Lời của Chúa Giêsu, theo Đức Thánh Cha, “phải đi vào đời, chứ không chỉ ngồi xuống bàn cãi về những gì được và những gì không được làm.”

Đức Thánh Cha nói rằng Đức Cha Tonino đã thúc giục đoàn chiên của ngài biến lời nói thành hành động, an ủi và giúp đỡ những ai không có can đảm để thay đổi.

Suy tư trên bài đọc Thứ Nhất trong đó Chúa Phục Sinh phán cùng ông Saolô và mời gọi ông liều mình vì Ngài: “Đứng lên, đi vào thành và người ta sẽ nói cho ngươi biết ngươi phải làm gì”, Đức Thánh Cha nói điều trước tiên cần phải tránh là thái độ “không dám đứng dậy”, để chiều theo cuộc đời, để mình bị nỗi sợ tóm lấy. Đức Cha Tonino thường nói “Đứng dậy” bởi vì ta phải đứng thẳng trước mặt Đấng Phục Sinh: “Ta phải đứng và hướng nhìn lên bởi vì người tông đồ của Chúa không thể chỉ hài lòng trong cuộc sống với những thỏa mãn vụn vặt.”

Thiên Chúa mời gọi chúng ta tiến về phía trước và có can đảm để rời khỏi những vùng tiện nghi thoải mái và chấp nhận những rủi ro.

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Đời người Kitô hữu phải dành cho Chúa và tha nhân.”

Như Đức Cha Tonino thường nói “Trong bất kỳ mọi hoàn cảnh nào gặp phải trong đời, chúng ta luôn được kêu gọi là người mang trong ta niềm hy vọng Phục Sinh, được kêu gọi là những người tôi tớ, chứ không phải những chủ nhân ông của thế giới.”

Đẹp thay những “bưu tá mang hy vọng, những người phân phát đơn sơ và vui vẻ lời tung hô alleluia của Lễ Phục Sinh.”

Cuối cùng Đức Thánh Cha mời gọi mọi người hiện diện hãy khiêm nhường, bởi vì sự khiêm nhường không có nghĩa là ngại ngùng hay thoái thác, nhưng là ngoan ngoãn với Thiên Chúa và từ bỏ chính mình. Một khi chúng ta lột bỏ được thái độ hung hăng, và tự hào thì Lời Chúa sẽ giải phóng chúng ta, cho chúng ta tiến về phía trước. “khiêm nhường và can đảm phải đi đôi với nhau”, nó không làm cho chúng ta thành nhân vật chính hay nhà vô địch vì những năng khiếu của mình, nhưng là những nhân chứng đích thực của Chúa Giêsu trong thế giới.

5. Ukraine tìm cách tách Chính Thống Giáo khỏi qũy đạo của Mạc Tư Khoa

Giáo hội Chính thống Ukraine có thể trở nên độc lập hoàn toàn với Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa theo các điều khoản của một sáng kiến do tổng thống đề nghị và đã được Quốc Hội phê duyệt hôm thứ Năm 19 tháng Tư. Đây là một động thái mà Tổng thống Petro Poroshenko nói sẽ khiến Nga khó khăn hơn trong việc can thiệp vào các vấn đề của người Ukraine.

Các nhà lãnh đạo thân phương Tây của Ukraine đã từng bước tìm cách di chuyển nước cộng hòa Xô Viết cũ này ra khỏi quỹ đạo của Nga, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình năm 2014 và xúi dục một cuộc nổi loạn ở miền đông Ukraine.

Tại Ukraine hiện nay có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa. Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ.

Kiev coi nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa là một công cụ để điện Kremlin tác động lên nội tình của Ukraine. Cho đến nay, nhóm này là nhóm Chính Thống Giáo duy nhất tại Ukraine được thế giới Chính Thống Giáo nhìn nhận.

Tuần trước, tại Istanbul, tổng thống Poroshenko đã gặp Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, lãnh đạo tinh thần của các Kitô hữu Chính thống toàn thế giới, để tìm kiếm sự hỗ trợ trong việc nhìn nhận tính cách hợp pháp của Chính Thống Giáo Ukraine.

Ông Poroshenko đã so sánh việc có một Giáo Hội tự trị với nguyện vọng của Kiev được gia nhập Liên minh châu Âu và NATO, “bởi vì điện Kremlin coi Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga là một trong những công cụ quan trọng ảnh hưởng đến Ukraine.”

Tổng thống Poroshenko nói ông có sự hỗ trợ của Đức Thượng Phụ Đại Kết cho một Giáo Hội Chính Thống Giáo Ukraine độc lập nhưng không tiết lộ thêm các chi tiết của cuộc họp giữa hai vị. Một phát ngôn viên tại văn phòng của Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô cũng từ chối đưa ra các lời bình luận.

6. Một linh mục Mễ Tây Cơ bị giết chỉ vài phút trước khi cử hành thánh lễ

Chỉ vài phút trước khi cử hành thánh lễ lúc 6 giờ 30 phút chiều thứ Tư 18 tháng Tư. Cha Rubén Alcántara Díaz, 50 tuổi, đã bị sát hại khi ngài đi vào nhà thờ Nuestra Señora del Carmen, ở quận Cuautitlán Izcalli, một vùng ngoại ô ở phía Bắc thủ đô Mexico City.

Một vài phút sau, các nhân viên cảnh sát thành phố và tiểu bang đến hiện trường và phong tỏa khu vực, nằm giữa hai con đường Miraluna và Miramar trong khu phố Cumbria.

Theo những nhân chứng có mặt tại chỗ, cha Alcántara đã đến nhà thờ và đang trò chuyện với hai giáo dân trước khi cử hành thánh lễ. Bất ngờ ngài bị hai tên tội phạm tấn công bằng dao. Chúng đâm ngài nhiều nhát dẫn đến cái chết.

Trung tâm Đa Phương Tiện Công Giáo Mễ Tây Cơ, gọi tắt là CCM, một tổ chức được dành riêng để tố cáo các vụ giết hại các linh mục và các hành vi bạo lực chống lại hàng giáo sĩ xảy ra không ngừng ở Mễ Tây Cơ, than thở rằng trong nhiệm kỳ sáu năm của Tổng thống Enrique Peña Nieto, tới nay đã có 22 linh mục bị giết hại. Đây là linh mục thứ ba bị giết trong vòng 4 tháng đầu năm 2018.

CCM viết trên các mạng xã hội của mình: “Với nỗi buồn sâu thẳm, chúng tôi báo cáo việc giết hại cha Rubén Alcántara Díaz, là phó xứ của giáo xứ Izcalli. Thật không may với cái chết này của Cha Alcántara, đến nay đã có đến 22 linh mục bị giết trong nhiệm kỳ của chính quyền hiện nay”.

Theo CMM, không có lời giải thích hữu lý tức khắc nào cho vụ giết người này. Những kẻ giết người đã nhanh chóng chạy trốn khỏi hiện trường.

CMM than thở rằng Mễ Tây Cơ là nơi nguy hiểm nhất cho hàng giáo sĩ.

Ngày 5 tháng Hai vừa qua, tại bang Guerrero, cha Germaín Muñiz García, 39 tuổi, linh mục chính xứ Mártir de Cuilapan, bị bắn chết cùng với cha Iván Añorve Jaimes, 37 tuổi, thuộc giáo phận Acapulco.

Năm 2017, bốn linh mục đã bị giết là cha Felipe Altamirano Carrillo, cha Joaquín Hernández, cha Luis López Villa, và cha José Miguel Machorro. Cha Machorro bị tấn công tấn công dã man bằng dao, ngay sau khi cử hành Thánh Lễ tại nhà thờ chính tòa Mexico City. Ngài được đưa vào bệnh viện, sau một thời gian điều trị được cho về nhà nhưng sau đó đã chết vì các biến chứng do vết thương quá nặng gây ra.

7. Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales âu lo trước sự hung hăng của ý thức hệ giới tính

Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales đã nói rằng các ngài “rất quan ngại” trước làn sóng cuả một ý thức hệ hô hào chuyển đổi giới tính theo ý muốn.

Trong một tuyên bố được công bố sau hội nghị toàn thể bốn ngày ở Leeds, Hội đồng Giám mục Anh và xứ Wales cho biết: “Ý tưởng theo đó cá nhân được tự do định đoạt giới tính của bản thân đang thống trị dư luận về giới tính. Tuy nhiên bản năng con người của chúng ta không phải như thế.”

Tuyên bố đã trích dẫn Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài cảnh báo chống lại “ý thức hệ giới tính” trong Tông huấn Amoris Laetitia. Đức Thánh Cha viết rằng ý thức hệ giới tính “phủ nhận sự khác biệt và quan hệ hỗ tương trong tự nhiên giữa hai phái nam nữ và khơi mào một xã hội không có sự phân biệt nam nữ, do đó phá hủy cơ sở nhân học của gia đình”.

Các Giám Mục nói: “Chúng tôi rất quan ngại rằng ý thức hệ giới tính đang tạo ra sự nhầm lẫn. Khi tiếp tục suy tư về những vấn đề này, chúng tôi hy vọng nơi việc đánh giá cao tầm quan trọng cơ bản của sự khác biệt giới tính trong văn hóa của chúng ta; và sự tháp tùng với những ai đang trải nghiệm xung đột giữa bản thân và bản sắc do Chúa ban cho. Tất cả chúng ta đều có nhiệm vụ bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất.”

Các Giám Mục cũng cho biết Giáo Hội Công Giáo “chào đón tất cả mọi người” và các ngài cam kết chăm sóc cho những người không chấp nhận giới tính sinh học của họ.

“Thông qua lắng nghe họ, chúng tôi tìm hiểu kinh nghiệm của họ một cách sâu sắc hơn và muốn tháp tùng họ với lòng từ bi, đồng thời nhấn mạnh rằng họ được Thiên Chúa yêu thương và được đánh giá cao trong phẩm giá Thiên Chúa được Chúa ban cho họ”.

8. Tổng thống Phi Luật Tân Duterte nói đích thân ông ta lệnh bắt nữ tu Patricia Fox

Tổng thống Phi Luật Tân, Rodrigo Duterte, nói rằng ông đích thân ra lệnh bắt giam một nữ tu Công Giáo Úc, và cảnh cáo rằng bất cứ người nước ngoài dám phê bình chính phủ ông đều bị trục xuất.

Nữ tu Patricia Fox, 71 tuổi, cư trú lâu năm ở Phi Luật Tân, đã bị cơ quan di trú bắt giữ hôm thứ Hai 16 tháng Tư và bị cáo buộc tham gia các hoạt động chính trị. Sơ Fox đã được thả tự do vào ngày hôm sau.

Duterte nói trong một bài phát biểu với các quân nhân hôm thứ Tư. “Không phải quân đội bắt giữ bà sơ này. Đó là theo lệnh của tôi. Tôi đã ra lệnh điều tra bà ta … vì các hành vi sai trái.”

Tòa án hình sự quốc tế, gọi tắt là ICC, đã khởi động một cuộc điều tra sơ bộ về các vi phạm nhân quyền của tổng thống Duterte trong cuộc chiến chống ma túy đã dẫn đến cái chết bí ẩn của ít nhất là 7,000 người. Human Rights Watch cho biết:

“Kể từ khi nhậm chức vào ngày 30 tháng 6 năm 2016, Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte đã tiến hành ‘cuộc chiến chống ma túy’ dẫn đến cái chết của hơn 7,000 người buôn bán ma túy và người sử dụng ma túy tính đến tháng Giêng năm 2017. Chính phủ thừa nhận gần một nửa số vụ giết người phi pháp này là do cảnh sát Quốc gia Phi Luật Tân gây ra và số lại còn lại là do ‘những tay súng không rõ danh tính’. Trong khi đó, các cuộc điều tra do các phương tiện truyền thông và các nhóm nhân quyền thực hiện đều cho thấy chính cảnh sát hoặc các nhân viên làm việc cho cảnh sát trong các “đội tử thần” đã gây ra các vụ giết người phi pháp này.”

Phản ứng lại các cáo buộc của ICC, Duterte đe doạ bắt giữ công tố viên trưởng của ICC nếu cô này dám đến Phi Luật Tân để mở cuộc điều tra.

Sơ Fox, một nhà truyền giáo thuộc dòng Nữ tử Sion, đã tham gia một phái đoàn tìm hiểu thực trạng vi phạm nhân quyền ở miền nam Phi Luật Tân.

Trong một cuộc phỏng vấn với mạng lưới ABS-CBN của Manila sau khi được thả ra, sơ Fox nhấn mạnh rằng: “Tôi không tham gia chính trị đảng phái.”

Trước đó, hôm Chúa Nhật, Duterte đã ra lệnh trục xuất một người Ý, là ông Giacomo Filibeck, phó tổng thư ký của Đảng Xã hội Xã hội Châu Âu, người trước đó đã lên án “những vụ giết người phi pháp” trong cuộc chiến chống ma túy của Duterte.

9. Ái Nhĩ Lan có thể trở thành quốc gia phá thai cực đoan nhất trên thế giới

Các nhà hoạt động phò sinh đã đưa ra một chiến dịch kêu gọi các cử tri của quốc gia này bỏ phiếu chống trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới. Đây là cuộc trưng cầu dân ý nhằm xóa bỏ Tu Chính Án thứ tám trong Hiến pháp Ái Nhĩ Lan. Tu Chính Án này nhằm mang lại sự bảo vệ pháp lý cho những thai nhi một cách bình đẳng với “với việc bảo vệ mạng sống của người mẹ.”

Caroline Simons của nhóm Love Both khi phát động chiến dịch này tại Dublin hôm 18 tháng 4, đã cảnh báo rằng nếu Hiến pháp Ái Nhĩ Lan bị sửa đổi, “Ái Nhĩ Lan sẽ chuyển từ một quốc gia bảo vệ thai nhi sang một trong những chế độ phá thai cực đoan nhất trên thế giới”.

Bộ trưởng Y tế Simon Harris, một người phò phá thai, nói rằng một khi Tu Chính Án thứ tám được bãi bỏ, ông sẽ đề xuất một luật mới cho phép phá thai tự do đến 12 tuần tuổi thai. Thêm vào đó, đề nghị của ông sẽ cho phép phá thai bất cứ lúc nào trong suốt thai kỳ nếu có nguy cơ đối với tính mạng hoặc sức khỏe của người mẹ hoặc nếu thai nhi được chẩn đoán mắc những bệnh nan y hay dị tật.

Caroline Simons nói với Catholic News Service rằng đề xuất của chính phủ “cũng cho phép phá thai ngay cả khi có những lo ngại mơ hồ và không xác định được về sức khoẻ. Tùy thuộc vào tính khả thi của phẫu thuật, việc phá thai được cho phép thậm chí ngay trước khi sinh, nếu đứa bé có dị tật và cả trong các hoàn cảnh khác.”

“Các cử tri ủng hộ phá thai cần phải cảnh giác trước những lời hứa chỉ áp dụng trong cái gọi là những hoàn cảnh hạn chế và những gì họ sẽ thấy được trong thực tế là hai điều hoàn toàn khác nhau,” Simons nói. “Một cuộc bỏ phiếu để bãi bỏ Tu Chính Án thứ tám về thực chất một cuộc bỏ phiếu cho phá thai tự do.”

Khoảng 3.2 triệu công dân Ái Nhĩ Lan và công dân Anh sống tại Ái Nhĩ Lan có quyền bỏ phiếu vào ngày 25 tháng 5.

10. Cộng sản Trung Quốc gia tăng bách hại tại Hà Nam

Sau khi ngăn chặn trẻ em không được đến nhà thờ và chiếm đoạt các nhà trẻ do các Giáo Hội Công Giáo và Tin Lành điều hành, cộng sản Trung Quốc đang tăng cường nhiều biện pháp bách hại khác tại 7 giáo phận trong số 10 giáo phận ở tỉnh Hà Nam, miền trung của Trung Quốc. Nhiều nhà thờ bị phá hủy và hàng trăm cuốn Kinh Thánh và sách thánh khác bị tịch thu.

UcaNews cho biết một nhà thờ Công Giáo và một nhà xứ của các linh mục đã bị phá hủy tại làng Hutuo của thị trấn Xicun thuộc thành phố Gongyi của Giáo phận Lạc Dương vào ngày 17 tháng 4. Các linh mục coi sóc nhà thờ này đã bị đuổi đi.

Làng Hutuo là quê hương của cố giám mục “thầm lặng” Li Hongye. Ngài được Vatican bổ nhiệm nhưng không được Hiệp hội Yêu nước Công Giáo Trung Quốc công nhận. Đức Cha Phêrô Li Hongye của giáo phận Lạc Dương đã qua đời vì bị một cơn đau tim trong khi ngài đang chủ tế Thánh Lễ Vọng Phục Sinh vào hôm Thứ Bảy Tuần Thánh, 23 Tháng Tư 2011. Bia mộ của ngài đã nhiều lần bị phá hủy. Lần đầu tiên vào năm 2011, chỉ 10 ngày sau khi ngài được chôn cất và lần cuối cùng là hôm thứ Ba 17 tháng 4 vừa qua.

Hai linh mục thầm lặng khác cũng thuộc giáo phận Lạc Dương cũng bị đuổi ra khỏi nhà xứ của các ngài vào ngày 1 tháng Tư. Đồ đạc của các ngài cùng với tài sản nhà thờ bị tịch thu.

Một giáo dân nói với UcaNews: “Tôi cũng nghe nói rằng các nhà chức trách trao giải thưởng cho những ai báo cáo khi thấy hai linh mục quay trở lại để ban các bí tích hoặc để cử hành Thánh lễ”

11. Ấn Độ ngày càng khét tiếng với nạn dịch hãm hiếp phụ nữ

Các linh mục, nữ tu, các đoàn thể Công Giáo, và cư dân trong các tổng giáo phận Goa và Bombay đã tham gia cùng hàng ngàn người trong cuộc diễu hành dưới ánh nến ở Ấn Độ để biểu lộ tình đoàn kết với các nạn nhân, kêu đòi công lý cho họ và bày tỏ sự phẫn nộ về nạn dịch hãm hiếp phụ nữ trong xã hội Ấn Độ.

Các cuộc biểu tình đã bùng lên trong hai tuần qua sau khi giới truyền thông tường thuật về hàng loạt các vụ hãm hiếp và giết người dã man.

Một cô bé Hồi giáo 8 tuổi sống tại Kathua trong bang Jammu đã bị bắt cóc, bị nhốt trong một ngôi đền hoang vắng và nhiều lần bị cưỡng hiếp trước khi những người đàn ông Hindu giết cô bằng cách dùng đá đập vào đầu cô.

Trong một trường hợp gây kinh hoàng khác, người cha của một nạn nhân bị hãm hiếp đã bị đánh chết trong khi bị cảnh sát giam giữ ở bang Uttar Pradesh. Cô gái nạn nhân mới 18 tuổi đã toan tính tự thiêu tại dinh của tỉnh trưởng Yogi Adityanath vào ngày 8 tháng Tư.

Cô gái thuộc giai cấp cùng đinh này đã bị một thành viên Quốc Hội của đảng cầm quyền hãm hiếp nhưng cảnh sát đã không hành động để trừng phạt thủ phạm. Vào ngày 5 tháng 4, cảnh sát bắt cha cô và bốn ngày sau, ông qua đời tại một bệnh viện chính phủ.

Một nữ tu dòng Bênêđíctô, tham dự cuộc biểu tình tại thành phố Bhopal, nói với ucanews:

“Chúng tôi hiện đang sống trong một hoàn cảnh khốn khổ. Một số nhà lãnh đạo Ấn Độ công khai nói đây là một đất nước Hindu và những người khác không có chỗ ở đây. Điều đó khơi mào cho các cuộc tấn công vào những nhóm thiểu số. Cảnh sát và chính quyền đã trở thành những khán giả câm lặng. Nhãn tiền là một đại diện dân cử được bầu tại Uttar Pradesh bị cáo buộc hiếp dâm nhưng không ai có hành động nào đối với ông ta cả.”

Báo cáo của Bộ Nội Vụ liên bang Ấn Độ đã ghi nhận 38,947 trường hợp hãm hiếp trong năm 2016 và khoảng 8,000 nạn nhân là trẻ em dưới 12 tuổi. Thậm chí có tới 520 nạn nhân là trẻ em dưới 6 tuổi”

Các nhà lãnh đạo Kitô giáo cũng phàn nàn rằng các cuộc tấn công chống Kitô Giáo ngày càng gia tăng. Trong năm 2017, đã có 736 cuộc tấn công chống lại các Kitô hữu, so với 348 trong năm 2016.

12. Sinh viên Công Giáo Pakistan biểu tình tưởng niệm một sinh viên bị đánh chết vì bị vu cáo phỉ báng

Một cuộc diễn hành hòa bình đã được tổ chức tại thành phố Lahore của Pakistan để tưởng niệm một sinh viên bị giết sau khi bị vu cáo về tội phỉ báng.

Cuộc diễu hành và một hoạt cảnh diễn lại vụ án đã được thực hiện để tưởng nhớ Mashal Khan, một sinh viên báo chí tại Đại học Abdul Wali Khan ở thành phố Mardan.

Khan, 23 tuổi, bị lột trần, đánh đập và cuối cùng bị bắn chết bởi một đám đông chủ yếu là các sinh viên vào ngày 13 tháng 4 năm 2017, sau khi anh bị vu cáo đã đăng những nội dung báng bổ trên Internet.

Vào ngày kỷ niệm đầu tiên cái chết của Khan, nhóm diễn viên Azad Fankaar đã tái dựng lại các sự kiện dẫn đến vụ giết người của các sinh viên.

Các diễn viên đã biểu diễn trước đám đông hơn 300 người trước câu lạc bộ báo chí Lahore.

Một tòa án Pakistan đã kết án tử hình tên sinh viên đã bắn chết Khan và năm sinh viên khác bị tù chung thân vì vụ giết người này. Tuy nhiên, các bị cáo vẫn tiếp tục kháng cáo và cuối cùng có thể sẽ chẳng có tênn nào bị trừng phạt.

Peter Jacob, Giám đốc Trung tâm Công lý Xã hội của Công Giáo Pakistan, cho biết cộng đồng Công Giáo đã bách hại trong nhiều năm qua vì luật báng bổ.

“Cả các công tố viên lẫn chính phủ đều không chú ý đến việc trừng phạt những kẻ giết Mashal. Người thanh niên vô tội này là một ví dụ rõ ràng về sự ngược đãi. Họ đã thất bại trong việc bảo vệ người vô tội khỏi luật báng bổ”, ông nói.

Báo cáo trên các phương tiện truyền thông cho thấy nỗi sợ hãi bạo lực vẫn chiếm ưu thế trong làng quê của Khan, nơi ba cảnh sát viên vẫn đang phải bảo vệ ngôi mộ của anh 24 giờ một ngày để tránh bị người ta quật mồ.

13. Cộng đoàn Công Giáo thương tiếc một người mẹ chết trong tai nạn máy bay Southwest

Người Công Giáo đã tỏ lòng thương tiếc Jennifer Riordan, người đã chết hôm 17 tháng 4 khi động cơ máy bay phát nổ trên không trung.

Bà Jennifer Riordan, 43 tuổi, là giáo dân của giáo xứ Công Giáo Truyền Tin cho Đức Mẹ tại Albuquerque, và là mẹ của hai đứa trẻ đang học tại trường tiểu học của giáo xứ.

Đức Tổng Giám Mục John Wester của tổng giáo phận Santa Fe nói: “Trái tim của chúng ta hướng đến gia đình của Jennifer Riordan, người đã mất mạng trong ngày hôm qua, trong tai nạn máy bay thảm khốc.” Đức Tổng Giám Mục cũng nói rằng ngài sẽ cầu nguyện cho linh hồn người quá cố và ơn chữa lành cho những người thân yêu.”

Khi tin tức về bi kịch này lan truyền, hiệu phó tại trường Truyền tin nơi hai đứa con Riordan đang học, đã gửi email đến các bậc phụ huynh xác nhận cái chết của Riordan và nói thêm: “Tại thời điểm này, gia đình cần tất cả những lời cầu nguyện của chúng ta.”

Nhà trường đã đăng một tuyên bố trên trang Facebook của mình cho biết họ đau đớn “vì mất đi một thành viên không thể thiếu trong cộng đồng trường học của chúng tôi”, và lưu ý rằng Riordan thường tình nguyện đến trường và là một thành viên trong hội đồng tư vấn.

“Người ta có thể nhìn thấy cô ấy trong khuôn viên trường hầu như mỗi ngày hỗ trợ những hoạt động của nhà trường”

Trong số nhiều dấn thân cho thiện ích chung của Riordan, cần phải ghi nhận cô đã tham gia vào ban giám đốc The Catholic Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận của tổng giáo phận Santa Fe để tài trợ cho các giáo xứ, các trường học và các tổ chức Công Giáo có nhu cầu.

Riordan đã trở về sau một chuyến công tác ở New York khi máy bay của hãng Southwest Airlines bị buộc phải hạ cánh khẩn cấp tại Philadelphia. Mảnh vỡ của động cơ bị nổ phá vỡ cửa sổ bên cạnh cô. Một phát ngôn viên của Sở Y tế Philadelphia cho biết Riordan được tuyên bố đã chết tại một bệnh viện do những chấn thương trên đầu, và cổ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *