Tuần tĩnh tâm của giáo triều Rôma đã được khởi xướng từ năm 1929 dưới triều Đức Giáo Hoàng Piô XI. Trong thời gian đầu giáo triều dự tĩnh tâm vào Mùa Vọng. Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục đã đổi sang tĩnh tâm vào tuần thứ nhất Mùa Chay.
Theo thông lệ này, chiều Chúa Nhật 18 tháng 2 vừa qua, Đức Thánh Cha và các vị lãnh đạo tại Tòa Thánh đã rời Vatican đi tĩnh tâm mùa chay cho đến sáng thứ sáu, 23 tháng 2.
Giống như các năm trước, các vị dùng xe bus để tới trung tâm “Nhà Thầy Chí Thánh” (Casa Divin Maestro) của tu đoàn thánh Phaolo ở Ariccia, cách Roma khoảng 30 cây số về hướng nam.
Tuần tĩnh tâm bắt đầu lúc 6 giờ chiều với buổi Chầu Mình Thánh Chúa và kinh chiều. Những ngày sau đó có kinh sáng lúc 7 giờ rưỡi, tiếp đến là bài suy niệm thứ I lúc 9 giờ rưỡi, rồi thánh lễ đồng tế.
Ban chiều lúc 6 giờ có bài suy niệm thứ II, tiếp đến là Chầu Thánh Thể và kinh chiều.
Tuần tĩnh tâm năm nay do cha Josè Tolentino de Mendonça người Bồ đào Nha thuyết giảng với chủ đề “Ca ngợi sự khát”. Cha Josè Tolentino là một thần học gia và là một thi sĩ. Ngài là phó viện trưởng đại học Công Giáo Lisbon. .
Cha Josè Tolentino giải thích rằng chủ đề này nảy sinh từ khía cạnh nhân bản của đức tin. Đức tin không phải là một ý thức hệ nhưng là một trải nghiệm. Sự khát không phải là một ý tưởng nhưng là một kinh nghiệm thực tại của cuộc sống. Trong Tin mừng Chúa Giêsu nói “Ta khát”. Cái khát này là gì? Nó có ý nghĩa gì đối với chúng ta trong Mùa Chay? Con người có những cái khát nhiều khi không trùng với cái khát của Thiên Chúa. Cái khát của con người cần được thanh tẩy và định hướng lại. Những cái khát nhỏ của chúng ta cần được biến đổi để sống cái khát lớn lao hơn đó là khao khát ý nghĩa, sự thật, vẻ đẹp, sự hoàn hảo và vô tận.
Trong bài suy niệm thứ nhất mở đầu cho tuần tĩnh tâm “Học ngạc nhiên”, cha Josè Tolentino trình bày những suy tư của ngài về phần thứ nhất trong đoạn Phúc âm thánh Gioan 4,5-24 nói về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ xứ Samaria ở giếng Giacóp. Chúa Giêsu ngồi ở giếng Giacóp, xin người phụ nữ Samaria “Xin cho tôi uống”. Điều này làm chúng ta ngạc nhiên, làm chúng ta bất ngờ. Một người Do thái nói chuyện với một phụ nữ xứ Samaritanô là dân đối kháng với người Do thái. Chúng ta ngạc nhiên như thể Chúa Giêsu hướng đến chúng ta và xin: “Cho Ta điều con có. Mở trái tim của con. Cho Ta điều là con.” Cha José Tolentino đã bắt đầu bài suy niệm thứ nhất như thế.
Lời yêu cầu của Chúa Giêsu khiến chúng ta bối rối và không chắc chắn bởi vì “chúng ta là những người đến để uống” ở giếng, và chúng ta biết rằng khát là điều khó khăn và cần thiết. Nhưng Chúa Giêsu cảm thấy mệt mỏi vì cuộc hành trình, và ngồi gần giếng nước. Và trong Tin Mừng, những người đang ngồi để xin là những người ăn xin. Ngay cả Chúa Giêsu cũng cầu xin bố thí; “thân thể Người nếm trải mệt nhọc nhiều ngày: hao gầy vì yêu thương chăm sóc cho người khác.” Không chỉ con người là hành khất của Thiên Chúa. “Thiên Chúa cũng là một người ăn xin của con người.”
Với sự yếu đuối của mình, Chúa Giêsu “đã đến để tìm kiếm chúng ta.” “Trong vực thẳm sâu nhất và đêm tối nhất của sự yếu đuối mỏng dòn của chúng ta, hãy để chúng ta được sự khát của Chúa Giêsu hiểu và tìm kiếm.” Nó không phải là sự khát nước, nhưng là cái khát lớn hơn: “Đó là cơn khát được đến với các cái khát của chúng ta, đi vào tiếp xúc với các vết thương của chúng ta.” Người yêu cầu chúng ta: “Hãy cho Ta uống.” Cha José Tolentino đặt câu hỏi: “Chúng ta sẽ cho Người uống không?” Chúng ta có biết cho nhau những điều tốt không?”
Chúng ta nhận ra mình được kêu gọi, bởi vì chính Chúa là Đấng chủ động đến gặp chúng ta. “Khát khao của chúng ta lớn bao nhiêu thì mong muốn của Thiên Chúa thậm chí còn lớn hơn như thế.” Và khi Chúa Giêsu nói với người phụ nữ sự thật về cuộc đời của bà, “điều này không hạ nhục hay làm tê liệt bà ấy. Trái lại, bà cảm thấy được gặp gỡ, được thăm viếng bởi ân sủng, được giải thoát nhờ chân lý của Chúa.”
Cha giảng thuyết kết luận: Chúng ta hãy cảm thấy mình được Chúa ôm choàng, vì “Thiên Chúa biết chúng ta ở đây.” Và trong những ngày này, “hãy dừng việc học hỏi, để học biết rằng ân sủng sẽ cho cuộc sống có thể trong con người chúng ta.” Trong sâu thẵm cõi lòng mình, chúng ta hãy nói: “Lạy Chúa, con ở đây không chờ điều gì cả.” Giống như nói rằng: con ở đây chỉ chờ đợi Ngài, “chờ đợi điều Ngài cho con.”