Đức Thánh Cha viếng thăm Maurice và kết thúc chuyến tông du thứ 31

Đức Thánh Cha viếng thăm Mozambique

Đức Thánh Cha viếng thăm Madagascar

7. Video: Đức Thánh Cha về đến Rôma, tông du thành công vượt bậc

Với chuyến viếng thăm Mauritius, Đức Thánh Cha đã kết thúc chuyến tông du thứ 31 bên ngoài Italia. Đây cũng là chuyến tông du thứ 6 của ngài trong năm nay và là chuyến tông du thứ 4 đến lục địa Phi Châu.

Sáng thứ Ba 10 tháng Chín, lúc 9 giờ sáng đã có lễ nghi từ biệt Madagascar tại sân bay Antananarivo.

Lúc 9:20, Đức Thánh Cha đã khởi hành về Rôma.

Như thường lệ, trên chuyến bay trở về từ Rôma, Đức Thánh Cha đã có một cuộc họp báo dành cho các ký giả về nhiều đề tài khác nhau.

Khi chúng tôi thực hiện chương trình này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã về đến sân bay quân sự Ciampino của Rôma vào lúc 7 giờ tối cùng ngày.

6. Nhìn lại chuyến viếng thăm của ĐTC tại 3 nước Mozambique, Madagascar và Maurice

Sáng thứ ba 10/9, ĐTC Phanxicô đã từ giã Madagascar để trở về Roma, kết thúc chuyến viếng thăm 7 ngày dày đặc các hoạt động tại 3 nước Mozambique, Madagascar và Maurice.

Audio

Thời gian ĐTC viếng thăm ngắn ngủi những cũng đã để lại những hình ảnh đẹp, những tâm tình ấm áp, và trên hết là hy vọng cho những đất nước đang còn đối diện với nhiều khó khăn thử thách.

Mozambique

ĐTC đã viếng thăm Mozambique từ chiều ngày 4 đến chiều ngày 6/9 và dư âm chuyến viếng thăm của ngài vẫn còn vang vọng sau khi ngài từ giã nước này. Cha Bernardo Suate, phóng viên của Vatican News có mặt tại Mozambique, đã cảm nhận được niềm vui và gia sản mà ĐTC để lại cho Mozambique.

Quá tuyệt vời, quá mãnh liệt, được chờ đợi rất nhiều…

Cha chia sẻ: “Sau khi ĐTC từ giã Mozambique, người dân dường như vẫn không tin rằng họ đã có những ngày tuyệt vời với ĐTC: quá tuyệt vời, quá mãnh liệt, được chờ đợi rất nhiều… Tôi đã nghe điều này từ các Giám mục, các linh mục mà tôi đã nói chuyện, và từ những người bạn, từ các giáo dân … Những ngày thật đẹp! Điều mọi người hy vọng là ngọn lửa mãnh liệt này sẽ không sớm tắt. Mong rằng niềm hy vọng mà sứ điệp của ĐTC mang đến, sứ điệp về niềm hy vọng, về sự gần gũi, hòa bình và hòa giải, sẽ được đón nhận và được thực hành trong cuộc sống hàng ngày.

Cha Suate cũng hy vọng rằng, như chuyến viếng thăm của ĐGH Gioan Phaolô II cách đây 31 năm, bắt đầu cho một nền hòa bình thực sự và lâu dài, chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô cũng có thể mang lại hòa bình, bởi vì mọi người đã đón tiếp ngài trong hân hoan vui mừng, điều này muốn nói rằng sứ điệp, sự hiện diện và chính con người của ĐTC đã đánh động mọi người.

Báo chí: ĐTC Phanxicô là sự hiện diện của hòa bình

Trong những ngày ĐTC ở Mozambique, báo chí nói đến tầm quan trọng của chuyến viếng thăm; báo thân với chính quyền nhấn mạnh đến những lúc ĐTC nói với người trẻ, nói về sự bình đẳng là cơ hội cho hòa bình. Nhưng cả báo đối lập cũng nói rằng sự hiện diện của ĐTC phải được hiểu như là sự hiện diện của hòa bình chứ không có mục đích chính trị.

ĐTC gần gũi những người nghèo hèn đau khổ…

Cha Suate đã hiện diện khi ĐTC gặp những người nghèo khổ của Mozambique như các trẻ em đường phố ở “Nhà Mátthêu 25”, các bệnh nhân tại bênh viện Zimpeto. Đối với cha, sự hiện diện của ĐTC là lời khích lệ người trẻ đừng bỏ cuộc trước những khó khăn và nhiều người trẻ đã nhấn mạnh đến điều này. ĐTC gần gũi những người nghèo, các bệnh nhân, những người rốt cùng, bị loại bỏ. Cha nói: ĐGH Phanxicô luôn như thế. Lời đầu tiên ĐGH nói, trong diễn văn đầu tiên của ngài, là nói với các nạn nhân của hai trận bão ở Beira và Capo Delgado, để nói rằng ngài gần gũi với họ, chia sẻ lo âu, đau khổ với họ… Giờ đây khi ĐTC đã giã từ chúng tôi, chúng tôi nhận ra rằng cần thực hiện điều này trong cuộc sống mỗi ngày.

Madagascar

Tại Madagascar, cha Jean-Pierre Bodjoko, có mặt tại nước này trong những ngày này, cho biết, chiếc máy bay của hãng hàng không Madagascar chở ĐTC về Roma cất cánh giữa những tiếng ca vui mừng và những lời “au-revoir”, tạm biệt!.

Ghi nhớ những lời bình an và hy vọng của ĐTC

Cha chia sẻ: Người Madagascar nói chung, tín hữu Công giáo hay không, ghi nhớ những lời bình an và hy vọng của ĐTC trong chuyến viếng thăm này, để đối diện với những thách thức của sự kém phát triển và bệnh tật đang hoành hành trong đất nước. Người Madagascar đánh giá cao lời của ĐTC Phanxicô, nhắc lại những điều tạo nên bản chất của văn hóa Madagascar, cụ thể là: “fihavanana”, là tinh thần liên đới, đoàn thể, thân tộc, hòa giải, mà những người lãnh đạo thường lãng quên.

Đồng thời, những lời của ĐTC trong bài giảng hay trong diễn văn trước chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn, vì lợi ích chung của Madagascar, là sự ủng hộ đối với công việc của các giám mục, để chống lại sự mất cân bằng xã hội, vì một xã hội công bằng, không tham nhũng, không có dính bén nguy hiểm với sức mạnh của tiền bạc và lợi nhuận cá nhân.

Tiếng kêu đau khổ trước nạn phá rừng…

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha cũng là một tiếng kêu đau khổ trước sự khai thác rừng không kiểm soát tại hòn đảo vĩ đại này. Đối với người dân Madagascar, ĐTC đã chạm đến điểm thực của cuộc sống hàng ngày của đất nước khi nhìn thấy thế hệ tương lai của nó bị hy sinh và bị tổn hại trước nạn phá rừng quá mức, nạn cháy rừng, chặt phá các cây quý giá, xuất khẩu gỗ bất hợp pháp vì lợi ích của một nhóm thiểu số.

Hy vọng rằng tất cả những điều này thay đổi và người dân sống trong niềm vui vẫn là mong muốn của tất cả người dân Madagascar sau chuyến viếng thăm khích lệ này của ĐTC.

Maurice

Chuyến viếng thăm lịch sử

ĐTC Phanxicô chỉ thăm Maurice vài giờ nhưng chuyến viếng thăm của ngài đã được coi là lịch sử … một Thánh lễ quy tụ 100 ngàn người, viếng thăm đền thánh Cha Laval, và một thông điệp gửi đến chính quyền được dân chúng đón nhận … Trong hai bài phát biểu, ĐTC đã đề cao tinh thần của người Công giáo và canh tân đức tin của họ. Đó là nhận định của Xavier Sartre, phóng viên Vatican News tại Maurice.

Niềm vui, cảm xúc… hiệp nhất

Những nụ cười, những giọt nước mắt của niềm vui và cảm xúc, những bài hát hỗn hợp … của các tín hữu Công giáo và cả Ấn giáo và Hồi giáo, tất cả đều tôn vinh cuộc viếng thăm của ĐTC Phanxicô … và cảm giác hiệp nhất của toàn bộ dân tộc … Đây là những gì xuất hiện ở Maurice trong ngày này tại đền thánh chân phước Cha Laval, vị tông đồ của hòn đảo, khuôn mẫu của linh mục như mong muốn của Đức Phanxicô …

Quan tâm đến người trẻ

ĐTC đã ca ngợi sự giàu có của con người ở Maurice, cuộc sống hài hòa đặc biệt này, mặc dù có những căng thẳng không thể tránh khỏi, nhưng ngài cũng kêu gọi quan tâm đến những người trẻ để họ không phải là kẻ yếu thế của một nền kinh tế mở rộng nhưng không quan tâm đến hạnh phúc của người dân … ĐTC cũng khuyến khích người Công giáo hãy vui mừng và loan truyền đức  tin của họ theo cách này, không bao giờ bỏ cuộc khi gặp khó khăn …

ĐTC đã nhắc với các nhà chức trách rằng để duy trì sự tin tường giữa những người cầm quyền và người dân, cần phải chống tham nhũng và làm gương tốt, quan tâm đặc biệt đến môi trường.

Ôm trọn Ấn Độ Dương

Trên đường đến Maurice, ĐTC đã ôm trọn Ấn Độ Dương, ngài không chỉ thăm hòn đảo này mà còn tất cả những nơi khác: Rodrigues và Agalégas, Réunion, quần đảo Comores và Seychelles…  Ngài đã đặt các nơi này trên bản đồ của Giáo hội… canh tân đức tin của các tín hữu và củng cố các mối quan hệ giữa các cộng đồng khác nhau …

5. Video: Đức Thánh Cha chiếm trọn cảm tình người Mauritius khi khen ngợi xã hội của họ dân chủ, hài hòa

Ban chiều ngày thứ Hai 9 tháng Chín, lúc 16:25, Đức Thánh Cha đến cầu nguyện tại Đền thờ Chân phước Jacques-Desire Laval, vị tông đồ truyền giáo cho người Mauritus.

Ba mươi phút sau đó, Đức Thánh Cha viếng thăm xã giao tổng thống Barlen Vyapoory tại dinh tổng thống.

Sau cuộc gặp gỡ kéo dài trong 20’, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với thủ tướng Pravind Jugnauth cũng trong dinh tổng thống

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Mauritius theo thể chế dân chủ cộng hòa đa đảng, trong đó Tổng thống là người đứng đầu nhà nước và Thủ tướng là người đứng đầu chính phủ được hỗ trợ bởi một Hội đồng Bộ trưởng.

Hiến pháp Mauritius được ban hành ngày 12 tháng 3 năm 1968, và được sửa đổi ngày 12 tháng 3 năm 1992. Tổng thống do Quốc hội bầu, nhiệm kì 5 năm; Thủ tướng do Tổng thống bổ nhiệm và có trách nhiệm trước Quốc hội.

Tổng thống hiện nay là Ông Paramasivum Pillay Vyapoory, thường được gọi tắt là Barlen Vyapoory. Ông đảm nhận chức vụ này một cách tạm thời sau khi nữ tổng thống Ameenah Gurib từ chức sau các tai tiếng về tài chính. Ông Barlen Vyapoory là một tín hữu Ấn Giáo.

Thủ tướng Mauritius là Ông Pravind Jugnauth, cũng một tín hữu Ấn Giáo, nhậm chức từ ngày 23 tháng Giêng, 2017. Ông cũng đồng thời là Bộ trưởng Tài Chính.

Quốc hội Mauritius gồm 66 thành viên, trong đó 62 thành viên được bầu theo phổ thông đầu phiếu, nhiệm kì 5 năm, 4 thành viên còn lại do Ban bầu cử chỉ định cho những đảng không thành công trong cuộc tranh cử để các dân tộc ít người có người đại diện.

Chế độ bầu cử ở Mauritius là chế độ phổ thông đầu phiếu. Công dân từ 18 tuổi trở lên được phép bầu cử.

Lúc 17:40, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo chính phủ, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn trong dinh tổng thống.

Trong diễn từ tại đây, Đức Thánh Cha nói:

Thưa Tổng thống,

Thủ tướng

Quý thành viên Chính phủ và Ngoại giao đoàn,

Quý vị đại diện của xã hội dân sự, các tôn giáo

Thưa quý vị,

Tôi xin gửi lời chào thân ái tới các vị trong chính quyền Mauritius và tôi cảm ơn các vị vì lời mời đến thăm nước Cộng hòa này của các bạn. Tôi cảm ơn Thủ tướng đã có những lời chào thân ái và cùng với Tổng thống đã đón tiếp tôi nồng nhiệt. Tôi xin chào các thành viên Chính phủ, các đại diện của xã hội dân sự và ngoại giao đoàn. Tôi cũng ghi nhận sự hiện diện của đại diện các hệ phái Kitô và các tôn giáo khác ở Mauritius, và tôi cảm ơn các vị rất nhiều.

Nhờ chuyến viếng thăm ngắn ngủi này, tôi rất vui được gặp gỡ dân tộc của các bạn, nổi danh không chỉ về sự đa dạng văn hóa, sắc tộc và tôn giáo, nhưng trên hết về vẻ đẹp nảy sinh từ khả năng nhận biết, tôn trọng và hài hòa những khác biệt hiện có trong viễn tượng một đề án chung. Điều này tóm lược lịch sử của dân tộc các bạn, được hình thành từ sự du nhập những người di cư đến từ các chân trời và lục địa khác nhau, những người mang đến đây truyền thống, văn hóa và tôn giáo của riêng họ, và dần dần học cách trở nên phong phú từ những khác biệt của người khác, và học cách chung sống với nhau cũng như phấn đấu để xây dựng một xã hội dấn thân cho thiện ích chung.

Về khía cạnh này, các bạn thủ đắc một tiếng nói đầy thẩm quyền, một tiếng nói đã được chứng thực trong cuộc sống. Đó là tiếng nói nhắc nhở chúng ta rằng hòa bình lâu dài có thể đạt được khi chúng ta khởi đi từ xác tín rằng “sự đa dạng là một điều tuyệt vời khi nó có thể tham gia không ngừng vào tiến trình hòa giải và đóng dấu một loại giao ước văn hóa dẫn đến ‘sự đa dạng hài hòa’ (Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm, 230). Điều này lại trở thành nền tảng và cơ hội để xây dựng sự hiệp thông thật sự trong đại gia đình nhân loại, mà không thấy cần phải gạt ai ra ngoài lề, không cần loại trừ ai hoặc từ khước bất cứ ai.

DNA của dân tộc các bạn lưu giữ ký ức về những phong trào di cư đã mang các vị tổ tiên của các bạn đến với hòn đảo này và khiến họ cởi mở với những khác biệt, tích hợp và đề cao những khác biệt ấy vì thiện ích của tất cả mọi người. Vì lý do đó, tôi khuyến khích các bạn, trong niềm trung thành với nguồn gốc của mình, hãy chấp nhận thách thức chào đón và bảo vệ những người di dân ngày nay đang tìm kiếm công ăn việc làm, và nhiều người trong số họ đang tìm kiếm một điều kiện sống tốt hơn cho gia đình mình. Xin hãy nỗ lực để chào đón họ, theo gương của tổ tiên các bạn, là những người đã chào đón nhau. Xin hãy trở thành những nhân vật chính và những người bảo vệ một nền văn hóa gặp gỡ thực sự cho phép người di cư (và tất cả mọi người) được tôn trọng về phẩm giá và quyền lợi của họ.

Khi nhớ lại lịch sử gần đây của dân tộc các bạn, tôi muốn đóng góp tích cực cho truyền thống dân chủ đã biến Mauritius trở thành thiên đường của hòa bình. Tôi bày tỏ hy vọng rằng nghệ thuật dân chủ sống động này có thể được trau giồi và phát triển, đặc biệt là bằng cách chống lại mọi hình thức phân biệt đối xử. “Đời sống chính trị đích thực, dựa trên luật pháp và trên các mối quan hệ thẳng thắn và công bằng giữa các cá nhân được canh tân bất cứ khi nào chúng ta tin tưởng rằng mọi người nam nữ và mọi thế hệ đều hứa hẹn những năng lượng tương tác mới, trí tuệ, văn hóa và tinh thần” (Thông điệp Ngày hòa bình thế giới, ngày 1 tháng Giêng năm 2019). Cầu xin cho những người dấn thân trong cuộc sống chính trị của Cộng hòa Mauritius là những tấm gương sáng cho những người nam nữ đang tin tưởng vào các bạn, và đặc biệt là những người trẻ tuổi. Qua hành vi và quyết tâm của các bạn chống lại tất cả các hình thức tham nhũng, các bạn có thể chứng minh tầm quan trọng trong dấn thân của mình đối với thiện ích chung, và luôn xứng đáng với sự tin tưởng của đồng bào.

Kể từ khi được độc lập, đất nước của các bạn đã trải qua một sự phát triển kinh tế ổn định, chắc chắn đó là một lý do để vui mừng, nhưng cũng phải cảnh giác. Trong bối cảnh hiện nay, dường như sự tăng trưởng về kinh tế không phải lúc nào cũng mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, nhưng bởi một số cơ chế và quy trình, nó thậm chí có thể gạt sang một bên một số người nhất định, đặc biệt là giới trẻ. Đó là lý do tại sao tôi muốn khích lệ các bạn thúc đẩy một chính sách kinh tế tập trung vào con người, và dựa trên quan điểm phân chia tốt hơn thu nhập xã hội, tạo công ăn việc làm và nâng đỡ người nghèo (xem Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm, 204). Tôi khuyến khích các bạn đừng chiều theo cám dỗ của một mô hình kinh tế ngẫu tượng, trong đó người ta thấy cần phải hy sinh nhiều sinh mạng con người trên bàn thờ đầu cơ và duy lợi nhuận, đồng thời chỉ chú ý vào những lợi thế ngắn hạn bất kể những phương hại trong việc bảo vệ người nghèo, môi trường và các tài nguyên của nó. Điều này liên quan đến việc tiến lên với một đường lối tích cực, như Đức Hồng Y Piat đã viết nhân kỷ niệm 50 năm ngày độc lập của Mauritius, trong đó bao gồm các hoạt động cho một sự hoán cải sinh thái toàn diện. Sự hoán cải đó không chỉ tìm cách tránh các hiện tượng khí hậu kinh hoàng hoặc các thảm họa thiên nhiên trầm trọng, mà còn thúc đẩy sự thay đổi trong cách chúng ta sống, để sự tăng trưởng kinh tế có thể thực sự mang lại lợi ích cho mọi người, đồng thời không có nguy cơ gây ra thảm họa sinh thái hoặc các khủng hoảng xã hội nghiêm trọng.

Thưa quý vị, tôi muốn bày tỏ sự đánh giá cao của mình đối với cách thức các tôn giáo khác nhau tại Mauritius này vừa tôn trọng bản sắc cụ thể của mình, vừa biết cộng tác với nhau để góp phần hòa hợp xã hội và nâng cao giá trị siêu việt của sự sống chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa giản lược hóa. Và tôi bày tỏ mong muốn một lần nữa là người Công Giáo ở Mauritius hãy tiếp tục tham gia vào cuộc đối thoại hiệu quả đã ghi dấu ấn sâu sắc trên lịch sử của dân tộc. Cám ơn chứng tá của anh chị em.

Một lần nữa, tôi cảm ơn các bạn đã chào đón tôi thật nồng nhiệt. Tôi cầu xin Chúa chúc lành cho dân tộc của các bạn và mọi nỗ lực của các bạn đối với sự gặp gỡ giữa các nền văn hóa, văn minh và truyền thống tôn giáo khác nhau trong việc thúc đẩy một xã hội công bằng, một xã hội không quên những người trẻ và, trên hết, là những người dễ bị tổn thương nhất. Xin tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa tiếp tục đồng hành cùng anh chị em và bảo vệ anh chị em!

Sau cuộc gặp gỡ tại dinh tổng thống, lúc 18:45 đã diễn ra lễ nghi từ biệt tại sân bay Port Louis

Lúc 7 giờ tối, Đức Thánh Cha đã khởi hành bằng máy bay để quay lại Antananarivo, Madagascar.

Lúc 8 giờ tối, Đức Thánh Cha đã về đến sân bay Antananarivo.

4. ĐTC từ giã Madagascar, kết thúc chuyến tông du thứ 31

Sáng 10/9 ĐTC Phanxicô đã từ giã Madagascar để trở về Roma, kết thúc chuyến viếng thăm 7 ngày dày đặc các hoạt động tại 3 nước Mozambique, Madagascar và Maurice.

Vào lúc 9 giờ 38 phút giờ Madagascar, chiếc máy bay của hãng hàng không Madagascar chở ĐTC đã cất cánh từ phi trường Antananarivo của nước này bay về phi trường Ciampino của Roma.

Sau khi dâng lễ riêng, ĐTC đã từ giã Tòa Sứ thần ở Madagascar. Ngài đã chào khoảng mười phụ nữ nghèo đại diện cho những người được Tòa Sứ thần giúp đỡ vào mỗi thứ sáu.

Đến phi trường thủ đô của Madagascar, ĐTC được Tổng thống nước này và phu nhân đón tiếp tại lối vào khu vực cử hành nghi thức từ giã. Sau đó, ĐTC đã chào từ giã các Giám mục Madagascar và lên máy bay.

Điện văn gửi Tổng thống Madagascar

Ngay khi máy bay cất cánh, ĐTC đã gửi một điện văn cho Tổng thống Madagascar với nội dung:

Tôi lại từ giã Madagascar để trở về Roma. Tôi tái bày tỏ lòng biết ơn sự đón tiếp nồng nhiệt của ngài và tôi xin Chúa chúc lành cho quốc gia của ngài.

Dự kiến ĐTC sẽ về đến phi trường Ciampino của Roma vào lúc 7 giờ tối giờ địa phương.

3. ĐTC cử hành Thánh lễ tại Tượng đài Đức Maria Nữ Vương Hòa bình

Trong bài giảng ĐTC liên hệ giữa nơi Thánh lễ được cử hành và tinh thần Bát Phúc trong Phúc Âm: “Các Mối Phúc giống như thẻ căn cước của Kitô hữu. Vì vậy, nếu được hỏi: ‘Ta phải làm gì để là một Kitô hữu tốt?’ Câu trả lời rất đơn giản: Mỗi người cần phải làm theo cách riêng của mình, những gì Chúa Giêsu nói trong Bát Phúc. Qua các Mối Phúc, ta nhận ra chân dung của Thầy chúng ta, chân dung mà ta được mời gọi phản chiếu lại trong cuộc sống hàng ngày của mình”

1568019447781.jpg

Lúc 12 giờ 15’ xe đưa ĐTC đến Tượng đài Đức Maria Nữ Vương Hòa bình. Tượng đài Đức Maria Nữ Vương Hòa bình được khánh thành ngày 15 tháng 8 năm 1940 để tạ ơn Đức Maria vì Mẹ đã che chở đất nước trong Thế chiến thứ nhất. Công trình được xây dựng theo kiểu ruộng bậc thang xanh tăng dần, xen kẽ với những mảng hoa nhiều màu sắc, hướng về thành phố. Trên đỉnh có một bàn thờ với tượng Đức Mẹ bằng đá cẩm thạch Carrara, cao 3 mét. Đức Trinh Nữ cầm quả địa cầu trong tay.

Tượng đài là nơi hành hương của giáo phận. Khu vực này có sức chứa khoảng 80.000 người. Các sự kiện tôn giáo quan trọng đã được tổ chức tại đây: 100 năm Giáo phận (1947); Lễ phong chức đầu tiên của các linh mục Maurice (1955); Lễ tấn phong Hồng Y Jean Margéot, giám mục địa phương đầu tiên (1969); Thánh lễ tạ ơn long trọng nhân sự kiện phong Chân phước cho cha Jacques-désiré Laval, truyền giáo (1979); Thánh lễ do Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong chuyến tông du quốc tế lần thứ 44 vào ngày 14 tháng 10 năm 1989.

Phụng vụ Thánh lễ kính trọng thể Chân phước Jacques-désiré Laval. Thánh tích của ngài đã được đặt trên bàn thờ.

Mở đầu bài giảng ĐTC nhấn mạnh mối liên hệ giữa nơi Thánh lễ được cử hành và tinh thần Bát Phúc trong Tin Mừng. ĐTC nói: “Từ trên núi này, trước bàn thờ dâng kính Đức Maria, Nữ Vương Hòa bình, chúng ta nhìn thấy thành phố và xa kia là biển, chúng ta thấy mình là một phần của vô số khuôn mặt từ Maurice và các đảo khác của khu vực Ấn Độ Dương đến để nghe Chúa Giêsu công bố các Mối Phúc. Như hai ngàn năm trước cũng chính Lời hằng sống đó có cùng sức mạnh của ngọn lửa khiến ngay cả những trái tim lạnh lùng cũng phải bùng cháy. Cùng nhau chúng ta có thể thưa với Chúa: Chúng con tin nơi Ngài, và với ánh sáng đức tin, nhịp đập con tim, chúng ta biết rằng lời của ngôn sứ Isaia là sự thật loan báo hòa bình, Tin Mừng cứu độ, Thiên Chúa chúng ta hiển trị”.

Bát Phúc là thẻ căn cước của Kitô hữu

“Các Mối Phúc giống như thẻ căn cước của Kitô hữu. Vì vậy, nếu được hỏi: ‘Ta phải làm gì để là một Kitô hữu tốt?’ Câu trả lời rất đơn giản: Mỗi người cần phải làm theo cách riêng của mình, những gì Chúa Giêsu nói trong Bát Phúc. Qua các Mối Phúc, ta nhận ra chân dung của Thầy chúng ta, chân dung mà ta được mời gọi phản chiếu lại trong cuộc sống hàng ngày của mình”. (Tông huấn Gaudete et exsultate, 63).

Tiếp đến ĐTC nhắc đến mẫu gương của Chân phước linh mục Jacques-Désiré Laval, người rất được yêu mến ở vùng đất này. ĐTC đề cao tình yêu của cha Laval dành cho Chúa Kitô và người nghèo. Tình yêu này đã giúp cha thoát khỏi ảo tưởng loan báo Tin Mừng “xa xôi”. Cha biết rằng loan báo Tin Mừng bao gồm làm mọi sự cho mọi người (1Cor 9,19-22). Cha đã học ngôn ngữ của những nô lệ mới được giải thoát và loan báo Tin mừng cứu độ cho họ một cách đơn giản. Cha tập hợp các tín hữu để thực hiện sứ mệnh, tạo ra các cộng đoàn Kitô giáo nhỏ trong các khu phố. Hiện nay, nhiều giáo xứ có nguồn gốc từ các cộng đoàn đó. Cha tin tưởng người nghèo và những người bị bỏ rơi, giúp họ tự tổ chức và tìm ra câu trả lời cho chính đau khổ của mình.

Mẫu gương cha Laval

Nhờ sự năng động truyền giáo và tình yêu, cha Laval đã mang đến cho Giáo hội Maurice một sự tươi trẻ. Hôm nay chúng ta được mời gọi tiếp tục thực hiện sự năng động này. Tinh thần hăng say truyền giáo phải được gìn giữ, bởi vì chúng ta có thể bị rơi vào cám dỗ mất đi sự nhiệt tình loan báo Tin Mừng, tìm an toàn nơi thế gian, từng chút một, không chỉ làm cho sứ vụ trở nên nặng nề mà còn làm cho chúng ta không có khả năng thu hút mọi người (Tông huấn Evangelii gaudium, 26). Nhiệt tình loan báo Tin Mừng có một khuôn mặt trẻ và có khả năng trẻ hóa. Chính những người trẻ, với vẻ đẹp và sự tươi trẻ, có thể mang đến lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng, khi họ thúc đẩy cộng đồng Kitô giáo tự làm mới mình và mời mọi người ra đi đến những chân trời mới (Tông huấn Christus vivit, 37).

Đi vào thực tế của vấn đề ĐTC chỉ ra rằng những điều vừa nói không phải lúc nào cũng dễ dàng, bởi vì nó đòi hỏi chúng ta phải học cách nhận ra và trao cho người trẻ một vị trí trong cộng đoàn và xã hội. Mặc dù trong những thập kỷ gần đây, nền kinh tế đã tăng trưởng, nhưng người trẻ còn phải chịu đau khổ do thất nghiệp. Hậu quả không chỉ là người trẻ không có một tương lai chắc chắn, mà còn lấy đi khả năng cảm thấy mình là nhân vật chính trong lịch sử chung. Một tương lai không chắc chắn sẽ đẩy họ ra đường và buộc họ phải viết cuộc đời mình bên lề, họ dễ bị tổn thương và gần như không có điểm tham chiếu cho cuộc đời.

Người trẻ là sứ vụ đầu tiên

ĐTC nhấn mạnh: “Những người trẻ là sứ vụ đầu tiên của chúng ta! Chúng ta phải mời các bạn trẻ tìm thấy hạnh phúc của họ trong Chúa Giêsu, không phải từ xa, nhưng học cách cho họ một chỗ, học biết ngôn ngữ, lắng nghe những câu chuyện, sống bên cạnh họ, làm cho họ cảm thấy được Chúa chúc phúc. Chúng ta không được để cho mình bị cướp mất khuôn mặt trẻ của Giáo hội và của xã hội! Chúng ta không cho phép các thương gia chỉ tìm lợi nhuận cho mình đánh cắp những hoa trái đầu tiên của trái đất này!”

“Những người trẻ của chúng ta cảm thấy họ không có tiếng nói vì họ bị nhận chìm trong sự bấp bênh, cha Laval mời họ làm cho lời loan báo của ngôn sứ Isaia vang lên: “Hỡi Giêrusalem điêu tàn hoang phế, hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng, vì Đức Chúa an ủi dân Người, và cứu chuộc Giêrusalem” (52.9). Ngay cả khi những gì xung quanh chúng ta dường như không có giải pháp, hy vọng vào Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phục hồi niềm tin chiến thắng của Thiên Chúa. Chiến thắng này không chỉ ở mặt lịch sử mà còn trong những điều ẩn giấu của những câu chuyện nhỏ được đan xen trong cuộc sống”.

Mọi sự không thuận lợi khi sống Tin Mừng

“Khi sống Tin mừng, ta không thể mong đợi mọi sự sẽ thuận lợi, bởi vì những tham vọng quyền lực và lợi ích thế tục thường chống lại ta. Thánh Gioan Phaolô II đã lưu ý rằng “Một xã hội mà trong đó các hình thức tổ chức, sản xuất và tiêu thụ, đều gây khó khăn cho việc quên mình để xây dựng tình liên đới giữa con người, thì đã hoàn toàn đánh mất chính mình” (Thông Điệp Centesimus Annus 41 c). Trong một xã hội đánh mất chính mình như vậy làm người ta khó mà sống các mối Phúc Thật; bất cứ nỗ lực nào nhằm sống như thế đều bị nhìn một cách tiêu cực, bị ngờ vực và nhạo báng (Tông huấn Gaudete et exsultate, 91). Đó là sự thật, nhưng chúng ta không thể để sự chán nản thắng chúng ta”.

Tiếp tục những lời được trích từ Tông huấn “Hãy vui mừng và hãy Hân hoan” và Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng” ĐTC nói: “Dưới chân ngọn núi này, chúng ta được mời gọi sống các Mối Phúc, chúng ta  phải phục hồi lời mời này để được hạnh phúc. Chỉ có những Kitô hữu vui mừng khơi dậy ước muốn đi theo con đường này; từ “hạnh phúc” hay “phúc thay” trở thành đồng nghĩa với “thánh thiện”. Nó diễn tả sự kiện ai hiến mình để sống trung thành với Thiên Chúa và Lời Ngài, sẽ đạt được hạnh phúc đích thật” (Tông huấn Gaudete et exsultate, 64).

Điều quan tâm không phải là con số mà là con người sống không có mục tiêu

“Khi chúng ta nghe cảnh báo “chúng ta ngày càng ít đi”, điều chúng ta phải quan tâm trước hết không phải là con số hay hình thức tận hiến trong Giáo hội bị giảm bớt, mà là thiếu những người nam và người nữ muốn sống hạnh phúc bằng cách đi theo con đường thánh thiện, những người nam và người nữ làm con tim mình cháy bỏng với lời loan báo đẹp và tự do hơn. “Nếu có cái gì khiến chúng ta phải trăn trở và áy náy lương tâm, thì đó chính là sự kiện nhiều anh chị em chúng ta đang sống mà không có sức mạnh, ánh sáng và niềm an ủi phát sinh từ tình bạn với Đức Giêsu Kitô, không có một cộng đoàn đức tin nâng đỡ họ, không tìm thấy ý nghĩa và mục tiêu trong đời ” (Tông huấn Evangelii gaudium 49).

Khi một người trẻ nhìn thấy một kế hoạch đời sống Kitô hữu được thực hiện với niềm vui, điều này làm phấn khởi và khích lệ để người trẻ  cảm nhận một ước muốn rằng mình có thể thực hiện theo cách này: “Tôi muốn leo lên ngọn núi Bát Phúc, tôi muốn gặp ánh mắt Chúa Giêsu và Ngài nói với tôi con đường hạnh phúc của tôi là gì”.

ĐTC mời gọi mọi người cầu nguyện cho cộng đoàn: “Chúng ta cùng cầu nguyện cho cộng đoàn chúng ta, để chúng ta làm chứng cho niềm vui của đời sống Kitô hữu, xin cho mọi người thấy ơn gọi nên thánh trong những hình thức khác nhau của cuộc sống mà Thánh Thần đề nghị chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện cho giáo phận này, và cho các giáo phận khác mà hôm nay đã cố gắng đến đây. Cha Laval cũng đã trải qua những giây phút thất vọng và khó khăn với cộng đoàn Kitô giáo, nhưng cuối cùng, Thiên Chúa đã chiến thắng trong tâm hồn Chân phước. Cha Laval đã trông cậy vào sức mạnh của Chúa. Chúng ta hãy để sức mạnh đó chạm đến con tim của rất nhiều người nam và người nữ trên mặt đất này, chúng ta cũng hãy để sức mạnh này chạm vào con tim chúng ta, để sự tươi trẻ này làm mới cuộc sống và cộng đoàn chúng ta. Và chúng ta đừng quên Đấng kêu gọi, Đấng xây dựng Giáo hội là Chúa Thánh Thần”.

Kết thúc bài giảng ĐTC gợi lại hình ảnh Đức Maria, Người Mẹ luôn che chở và đồng hành với chúng ta. Mẹ được gọi là “Đấng được chúc phúc”. Mẹ đã sống nỗi đau như lưỡi gươm xuyên thâu tâm hồn, Mẹ đã đi đến đỉnh điểm của đau khổ khi chứng kiến con mình chết. ĐTC mời gọi tất cả mọi người xin ơn biết mở lòng ra cho Chúa Thánh Thần, xin niềm vui kiên trì, không nản lòng và không rút lui và luôn xác tín rằng “Đấng toàn năng đã làm những điều kỳ diệu, và Danh Ngài là thánh”.

1568019465163.jpg04 Deca Papa Messa.JPG1568019435748.jpg1568019447781.jpg

1568019483258.jpg1568016165284.jpg1568016131623.jpg1568016169131.jpg1568016127678.jpg1568016144628.jpg1568016177126.jpg1568016152342.jpg

2. ĐTC gặp chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn tại Maurice

ĐTC ca ngợi sự hài hòa giữa các khác biệt tôn giáo, văn hóa, chủng tộc của Maurice và mời gọi họ đón tiếp và bảo vệ người di dân.

1568039531963.JPG

Trong diễn văn trước các đại diện chính quyền, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn của Maurice, trước hết ĐTC chào và cám ơn chính quyền Maurice đã mời ngài viếng thăm nước này và chào các thành viên của chính quyền, các đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn cũng như đại diện các hệ phái Kitô và các tôn giáo khác tại Maurice.

Nhìn nhận, tôn trọng và hòa hợp các khác biệt

Tiếp đến ĐTC ca ngợi sự hòa hợp giữa các khác biệt, ngài nói: Nhờ chuyến viếng thăm ngắn này, tôi rất vui được gặp gỡ dân tộc của anh chị em, được biết không chỉ về sự đa dạng văn hóa, sắc tộc và tôn giáo, nhưng trên hết về vẻ đẹp phát sinh từ khả năng nhận biết, tôn trọng và hài hòa các khác biệt hiện có vì một chương trình chung. Điều này tóm tắt lịch sử của dân tộc anh chị em, được hình thành từ những người di cư đến từ các chân trời và lục địa khác nhau, những người mang truyền thống, văn hóa và tôn giáo của riêng họ, và dần dần họ đã học để trở nên phong phú nhờ những khác biệt của người khác và tìm cách chung sống với nhau và phấn đấu để xây dựng một xã hội vì ích chung.

“Sự đa dạng hòa giải”

Về vấn đề này, anh chị em có tiếng nói mạnh mẽ, bởi vì tiếng nói này đã được thực hành trong cuộc sống, nhắc nhở chúng ta rằng hòa bình lâu dài có thể đạt được khi chúng ta bắt đầu với xác tín rằng sự đa dạng là một điều tuyệt vời khi nó có thể được tham gia không ngừng vào tiến trình hòa giải và đóng dấu một loại giao ước văn hóa dẫn đến ‘sự đa dạng hòa giải’ (Evangelii Gaudium, 230). Điều này là nền tảng và cơ hội để xây dựng sự hiệp thông thật sự trong đại gia đình nhân loại, mà không cần phải gạt ra ngoài lề, loại trừ hoặc từ chối bất cứ ai.

Chào đón và bảo vệ người di dân

ĐTC nhắc lại nguồn gốc của dân Maurice là những người di cư và tổ tiên họ cởi mở với sự khác biệt, để tích hợp chúng và thăng tiến chúng vì lợi ích của tất cả mọi người. Ngài khuyến khích họ trung thành với cội nguồn của mình, chấp nhận thách thức chào đón và bảo vệ những người di dân, những người ngày nay tìm kiếm việc làm và, đối với nhiều người, tìm kiếm điều kiện sống tốt hơn cho gia đình họ. Ngài mời gọi họ theo gương tổ tiên, chào đón người di dân, và hãy bảo vệ một nền văn hóa gặp gỡ thực sự cho phép người di dân  (và tất cả mọi người) được tôn trọng về phẩm giá và quyền lợi của họ.

Tinh thần dân chủ của quốc gia Maurice

Ca ngợi tinh thần dân chủ của quốc gia Maurice, ĐTC cũng hy vọng rằng nghệ thuật dân chủ sống động này có thể được gieo trồng và phát triển, đặc biệt là bằng cách chống lại mọi hình thức phân biệt đối xử. Bởi vì chính trị đích thực, được dựa trên luật pháp và các mối quan hệ thẳng thắn và công bằng giữa các cá nhân, được canh tân với xác tín rằng mọi người nam nữ và mọi thế hệ đều mang trong mình lời hứa có thể mang lại sức mạnh mới trong các quan hệ, về trí tuệ, văn hóa và tinh thần mới (Thông điệp Ngày Hòa bình Thế giới, ngày 1 tháng 1 năm 2019).

Gương mẫu của các chính trị gia

ĐTC mời gọi những người đang tham gia vào đời sống chính trị của Cộng hòa Mauritius, hãy trở thành những tấm gương cho những người nam nữ tin tưởng vào anh chị em, và đặc biệt là giới trẻ. Bằng lối sống và quyết tâm chống lại tất cả các hình thức tham nhũng, anh chị em có thể chứng minh giá trị của sự dấn thân phục vụ lợi ích chung, và luôn xứng đáng với sự tin tưởng của người dân.

Nền kinh tế vì con người

Vui mừng về sự phát triển kinh tế tại Maurice nhưng ĐTC cũng lưu ý: Trong bối cảnh hiện tại, dường như tăng trưởng kinh tế không phải lúc nào cũng mang lại lợi nhuận cho tất cả mọi người và thậm chí gạt sang một bên một số người, đặc biệt là giới trẻ, bởi một số cơ chế và quy trình của nó. Đó là lý do tại sao tôi muốn khuyến khích anh chị em thăng tiến một chính sách kinh tế tập trung vào con người và nhắm ủng hộ sự phân chia thu nhập tốt hơn, tạo công ăn việc làm và thăng tiến người nghèo (xem Evangelii Gaudium, 204); khuyến khích anh chị em không ngã theo cám dỗ của một mô hình kinh tế tôn thờ các thành tựu, cảm thấy cần phải hy sinh sự sống con người trên bàn thờ đầu cơ và lợi nhuận, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà không bảo vệ người nghèo, môi trường và tài nguyên của nó.

Hoán cải sinh thái toàn diện

ĐTC mời gọi thực hành phương pháp có tính xây dựng của Đức Hồng y Piat như Đức Hồng y đã viết trong dịp lễ kỷ niệm 50 năm ngày độc lập của Mauritius, khuyến khích một sự hoán cải sinh thái toàn diện. Sự hoán cải đó không chỉ tìm cách tránh các hiện tượng khí hậu khủng khiếp hoặc thảm họa thiên nhiên to lớn, mà còn thúc đẩy sự thay đổi trong cách chúng ta sống, để sự tăng trưởng kinh tế có thể thực sự mang lại lợi ích cho mọi người, mà không có nguy cơ gây ra thảm họa sinh thái hoặc khủng hoảng xã hội nghiêm trọng.

Hòa hợp tôn giáo

Sự hòa hợp tôn giáo tại Maurice cũng là điều được ĐTC đánh giá cao khi họ tôn trọng bản sắc cụ thể của mỗi tôn giáo, cộng tác với nhau để góp phần hòa hợp xã hội và nâng cao giá trị siêu việt của sự sống chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa giản lược hóa. ĐTC cũng khẳng định mong muốn của người Công giáo ở Mauritius: tiếp tục tham gia vào cuộc đối thoại hiệu quả đã ghi dấu ấn sâu sắc trên lịch sử của dân tộc.

Cuối cùng, ĐTC cám ơn sự chào đón nồng nhiệt của tất cả. Và ĐTC nói: Tôi cầu xin Chúa chúc lành cho dân tộc của anh chị em và mọi nỗ lực của anh chị em cho sự gặp gỡ giữa các nền văn hóa, văn minh và truyền thống tôn giáo khác nhau trong việc thúc đẩy một xã hội công bằng, một xã hội không quên những người trẻ tuổi và trên hết, những người dễ bị tổn thương nhất. Xin tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa tiếp tục đồng hành cùng anh chị em và bảo vệ anh chị em!

1. ĐTC bắt đầu viếng thăm đảo quốc Maurice

Thứ hai 9/9, ngày áp chót trong chuyến viếng thăm 3 nước Mozambique, Madgascar và Maurice, được ĐTC dành để viếng thăm đảo quốc Maurice. Lúc 7 giờ 30, ĐTC đã đáp máy bay của hãng Air Madagascar đi Port Louis, thủ đô nước Cộng hoà Maurice, cách Antananarivo hơn 1000 cây số về hướng đông bắc. Sau hơn hai giờ bay, máy bay chở ĐTC đã hạ cánh xuống sân bay Port Louis lúc 10 giờ 23 phút giờ địa phương.

Đón tiếp ĐTC

Dù cho mưa to và gió lớn, ĐTC đã được đón tiếp nồng nhiệt. Tại sân bay, ĐTC được thủ tướng Pravind Jugnauth cùng phu nhân và ĐHY Piat đón tiếp tại chân thang lên máy bay. Hai em bé mặc trang phục truyền thống tặng hoa cho Đức Thánh Cha. Ngoài ra, có khoảng 270 người hiện diện chào đón Đức Thánh Cha.

Tại đây đã diễn ra nghi thức đón tiếp chính thức với tất cả nghi lễ ngoại giao. Sau khi hai bên giới thiệu các thành phần, ĐTC cùng với thủ tướng và phu nhân đến đài danh dự để làm lễ chào cờ và duyệt binh danh dự. Kết thúc nghi thức, Thủ tướng và phu nhân đã tiễn ĐTC ra xe di chuyển về Tượng Đài Đức Maria Nữ Vương hòa bình, cách sân bay 43 cây số, để cử hành Thánh lễ.

Hai bên đường trên quãng đường gần phi trường rực rỡ màu cờ của Vatican và Maurice, trong khi dân chúng reo hò mừng rỡ khi xe chở ĐTC đi ngang qua.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *