Giáo Phận Đà Nẵng Khai Mạc Năm Thánh Đức Mẹ Trà Kiệu 01.01.2020

1. Địa danh và gốc tích:

Trung tâm hành hương Đức Mẹ Trà Kiệu ở Xã Duy Sơn, Huyện Duy Xuyên, Tỉnh Quảng Nam, thuộc giáo phận Đà Nẵng, cách thành phố Đà Nẵng 44 km về phía nam.

Trà Kiệu là kinh đô Sinhapura hay còn gọi “Kinh thành Sư Tử” của Vương quốc Champa ( Chiêm Thành) từ khoảng thế kỷ 4 đến thế kỷ 8. Simhapura là kinh đô của tiểu quốc Avamarati một trong 5 tiểu quốc của vương quốc Champa.

Sau nhiều lần giao tranh giữa Vương quốc Champa và Đại Việt. Năm 1470, biên giới Đại Việt được Vua Lê Thánh Tông cho quân cắm mốc và khắc bia ranh giới tại núi Thạch Bi – Phú Yên. Một làn sóng di dân, nam tiến theo Chúa Nguyễn Hoàng, khoảng đầu thế kỷ 17, của người Đại Việt tại đồng bằng sông hồng và vùng Nghệ An, Thanh Hóa …. Di cư vào nam, trong đó có nhiều dòng họ đến khai canh, định cư và lập làng tại Trà Kiệu.

Xem Hình

Từ năm 1596-1602, ( trước lúc đoàn của Linh mục Tu sỹ Dòng Tên đến Đà Nẵng ngày 18.1.1615) Trà Kiệu được cha Raphael (dòng Augustinô – Bồ Ðào Nha) đến rao giảng Tin Mừng. Năm 1628, một nhóm người di dân Công Giáo đã xây dựng ở đây ngôi nhà thờ đầu tiên.Năm 1722, giáo xứ Trà Kiệu có hơn 300 giáo dân.Năm 1872, cha Louis Marie Garibert Lợi xây một nhà thờ lớn hơn.

Năm Nhâm Tuất 1862, Triều đình Tự Đức ký hiệp ước nhượng 3 tỉnh miền Đông Nam bộ cho Pháp. Khoản đầu tiên trong 12 điều khoản của Hiệp ước 1862 nói “Nước Nam phải để cho giáo sĩ nước Pháp và nước Ý được tự do giảng đạo và để dân gian được tự do theo đạo” (Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Tr. 448).

Chính Hiệp ước 1862 làm cho người dân phẫn nộ, đặc biệt là các Văn Thân ( gồm các Sĩ tử, Nhân sĩ, văn hào, Thân sĩ, gọi chung là Văn Thân. Họ biết chữ Nho nên có khả năng đọc và hiểu được các lệnh, yết thị, Hòa ước của triều đình để truyền đạt lại cho dân chúng). Họ cho là Vua Tự Đức không còn xứng đáng làm vua trăm họ vì nhà vua đã hèn yếu với giặc và không tiếp tục tiêu diệt giáo dân Công Giáo như những thời gian trước đó. Văn Thân kết tội Ki-tô giáo là nguyên cớ gây ra giặc ngoại xâm và giáo dân đã tiếp tay cho giặc Pháp. Vì Vậy, Họ cho rằng: muốn đánh Pháp, phải diệt nội thù trước là các giáo dân.

Ngày5 / 7 / 1885, Kinh thành Huế thất thủ, bị quân Pháp đánh chiếm. Thượng thư bộ binh Tôn Thất Thuyết ( Bộ Trưởng quốc phòng ngày nay) đưa Vua Hàm Nghi rời kinh thành, đến trú tại vùng núi Tân Sở- Quảng Trị. Ngày 13/7/1885 Tôn Thất Thuyết lấy danh nghĩa vua Hàm Nghi, ra Chiếu Chỉ Cần Vương. Phong trào Cần Vương nổi dậy tại nhiều tỉnh miền Trung với khẩu hiệu “Bình Tây, Sát Tả”( đánh pháp và giết Công Giáo, thời đó nhiều Sắc Chỉ của Triều đình Nhà Nguyễn cấm Đạo, sát hại Đạo, vì cho là tả Đạo). Đây là dịp thuận tiện để giới Văn Thân ra tay hành động. Nhưng đánh Pháp thì không cân sức do vũ khí thô sơ lạc hậu, nên ra sức giết hại Giáo dân Công Giáo. Lịch sử Giáo Hội Việt Nam hơn 400 năm, có hơn 130 ngàn Vị Tử Đạo, thì riêng năm 1885 này đã có hơn 30 ngàn Vị Tử Đạo dưới tay Văn Thân. Hơn 200 Giáo xứ, Giáo điểm của Giáo Hội Việt Nam, nhà thờ bị đốt phá sạch, Giáo dân bị bách hại, tại Giáo phận Qui Nhơn chỉ còn lại Giáo xứ Phú Thượng và Giáo xứ Trà Kiệu. (tài liệu của Linh mục Phan Phát Huồn, “Giáo sử Việt Nam”).

Sáng ngày 01/9/1885, đoàn quân Văn Thân kéo đến bao vây giáo xứ Trà Kiệu. Họ chiếm cứ hai ngọn đồi là Kim Sơn (Hòn Bằng) và Bửu Châu (Non Trược) để khống chế toàn giáo xứ.Quân số Văn Thân khoảng 8.000 đến 10.000 người và được trang bị vũ khí đầy đủ, tối tân nhất thời đó như đại bác thần công và voi chiến dưới sự chỉ huy của các vị tướng thiện nghệ, như cựu đô đốc Chưởng Thủy Tý.

Về phía giáo dân, để tự vệ và chống trả, chỉ có 350 nam nhân tuổi từ 16 đến 60 và vài trăm phụ nữ với vũ khí thô sơ tự chế.

Ban đầu giáo dân Trà Kiệu khiếp sợ muốn đầu hàng. Họ chạy đến nhà thờ xin Cha sở, là Cố Nhơn (Bruyère) giải tội lòng lành và cam lòng chờ chết! Riêng Cha sở, Ngài chỉ biết khuyên giáo dân trông cậy vào Chúa và Mẹ Maria; Ngài đã lập một bàn thờ Đức Mẹ ngay giữa nhà xứ để giáo dân cùng tụ họp đọc kinh cầu nguyện.

Thế nhưng trong giáo xứ, có ông Trương Phổ là người gan dạ, ông kêu gọi mọi người cầm khí giới ra chống lại đối phương và chính ông đi đầu để kháng cự những đợt tấn công của quân Văn Thân. Bên Công Giáo tuy quân số ít ỏi, vũ khí thô sơ nhưng lần nào giáp chiến cũng thắng.Trong lúc chiến đấu, giáo dân cùng hô khẩu hiệu Giê-su – Ma-ri-a – Giu-se.

Ngày 10/9/1885: Văn Thân kéo đại pháo Thần công lên đồi Kim Sơn và đồi Bửu Châu, cách nhà thờ hơn 100m, nả đạn vào nhà thờ và nhà xứ liên tục cả ngày từ sáng tới tối, không chút nào ngơi. Và sự lạ đã xảy ra: Đức Mẹ hiện ra trên nóc nhà thờ giáo xứ, và đạn đã không trúng nhà thờ, chỉ 1 quả rơi vào phòng áo, nhưng không gây thiệt hại gì. Chính quan binh Văn Thân không ngừng bàn cãi với nhau: “THẬT LẠ LÙNG, CÓ MỘT NGUỜI ÐÀN BÀ LUÔN ÐỨNG TRÊN NÓC NHÀ THỜ. BÀ RẤT ÐẸP, MẶC ÁO TRẮNG, MÀ BẮN KHÔNG TRÚNG”.

Ngày 11/9/1885: Văn Thân tiếp tục bắn súng thần công và sự lạ tiếp tục xuất hiện: Đức Mẹ hiện ra đứng trên nóc nhà thờ. Quân sĩ Văn Thân đồng thời tấn công mặt trận Phước Viện.Các Dì Phước cũng phải tham chiến và giành thắng lợi.Trận chiến kéo dài đến ngày 21 / 9 / 1885, quân Văn Thân hoàn toàn thất bại.

Sự sống còn của một giáo xứ trước một đạo quân đông gấp bội, được trang bị hùng hậu với quyết tâm san bằng giáo xứ, đã minh chứng rằng: Nếu không có ơn trợ lực linh thiêng của Thiên Chúa và Mẹ Maria thì làm sao Trà Kiệu thoát khỏi sự hủy diệt? Đặc biệt là các biến cố xảy ra trong những ngày 9, 10 & 11 tháng 9 năm 1885.( tư liệu Lịch sử Giáo xứ Trà Kiệu)

2. Khai mạc Năm Thánh Đức Mẹ Trà Kiệu:

Để tạ ơn Thiên Chúa và tôn vinh Mẹ Maria, và để dân Chúa được hưởng những ơn ích thiêng liêng trong dịp kỷ niệm 135 năm Đức Mẹ hiện ra tại Trà Kiệu (1885 – 2020), Giáo phận Đà Nẵng đã xin Tòa Ân Giải Tối Cao cho phép mở Năm Thánh và đã được Tòa Thánh chấp thuận. Năm Thánh Đức Mẹ Trà Kiệu tại Giáo phận Đà Nẵng, bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 (Lễ Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa) đến ngày 11 tháng 09 năm 2020 (Ngày kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra tại Trà Kiệu).

sáng 1/1/2020, Cộng đoàn Giáo phận và khách hành hương từ nhiều Giáo phận, Hành hương về Trung tâm Thánh mẫu Trà Kiệu. Giáo dân được nghe lại lược sử việc Đức Mẹ hiện ra phù hộ các Giáo hữu bị bách hại vì Đức tin, trong thời kỳ Văn Thân sát hại Giáo dân năm 1885.

Lúc 8 giờ 30, Đức Cha Giuse – Giám mục Giáo phận đã đọc lời nguyện khai mạc cuộc cung nghinh Đức Mẹtại khuôn viên nhà thờ Giáo xứ Trà Kiệu. Đoàn dâng hoa của Giáo xứ Hòa Khánh dâng muôn vũ điệu ca khen tôn vinh Mẹ. Sau những giây phút hân hoan ca mừng Mẹ, là Mẹ Phù hộ các Giáo hữu, Đại diện các Giáo xứ và Giáo họ biệt lập, Tu sỹ các Hội dòng, Chủng sinh, Linh mục đoàn và Đức Giám Mục đã rước Kiệu Thánh tượng Mẹ đến lễ đài Trung tâm Thánh Mẫu.

Ngay trước Thánh lễ, Đức Cha đã trao cho Cha Bonaventura Mai Thái – Tổng Đại diện, sắc lệnh của Tòa Ân Giải Tối cao của Tòa Thánh, về việc cho phép Giáo phận Đà Nẵng mở Năm Thánh Đức Mẹ Trà Kiệu. và Cha Tổng đã tuyên đọc văn thư thỉnh nguyện xin mở Năm Thánh của Giáo phận lên Tòa Thánh, đồng thời công bố Sắc lệnh cho phép mở Năm Thánh trước Cộng đoàn dân Chúa Giáo phận.

Tiếp đó Cha Gioan Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Trung tâm Thánh mẫu Trà Kiệu đọc thư công bố Năm Thánh của Đức Giám Mục Giáo phận với cộng đoàn dân Chúa. Giây phút linh thiêng khi Đức Giám Mục long trọng tuyên bố Khai Mạc Năm Thánh.Một niềm vui tràn ngập tâm hồn Người tín hữu hiện diện. Tạ ơn Thiên Chúa và Đức Mẹ, tri ân Giáo Hội để Giáo hữu có được một Năm Ân phúc, dân Chúa được hưởng những ơn ích thiêng liêng, biết sống quảng đại và hoán cải….

Tại lễ đài Trung tâm, đoàn dâng hoa của Giáo xứ Thanh Bình đại diện cộng đoàn, với những vũ điệu đặc sắc riêng của mình, làm cho cộng đoàn hiện diện cùng hiệp dâng tâm tình, càng hân hoan phấn khởi, ca khen tôn vinh Mẹ.

Ngay đầu Thánh lễ là cao điểm của Ngày khai mạc Năm Thánh và trong bài giảng, Đức Cha chủ tế nói đến ngày đầu năm mới Dương lịch, Giáo Hội cầu cho hòa bình thế giới, những giá trị của Hòa bình trong tin tưởng và đối thoại. Ngày đầu năm cũng Chính là ngày Giáo Hội mừng Kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của hòa bình.Và một cách đặc biệt Giáo phận mừng khai mạc năm Thánh. Đức Cha huấn giáo cộng đoàn tránh xa đam mê xấu, sự ích kỷ, kiêu ngạo, cái tôi của mình …. Tha thứ, cộng tác cho sự phát triển. Nhìn lại chính mình để nhận thức trách nhiệm, nhận những yếu đuối của thân phận làm người cần sửa chữa. Cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa, của Đức Mẹ trong cuộc đời. Bước đi trong Ân phúc của Năm Thánh, sống và làm chứng cho Đức tin của mình.

Trước lúc kết thúc, Cha Tổng Đại diện, Đại diện cộng đoàn tạ ơn Thiên Chúa, tri ân Giáo Hội, cám ơn Đức Cha đã đệ đơn lên Tòa Thánh xin mở Năm Thánh. Cha Tổng nói lên niềm vui vì Cộng đoàn hành hương đông đảo của mọi thành phần dân Chúa. Cám ơn cách đặc biệt Cha Giám Đốc Trung tâm Thánh Mẫu, Cha Phó và các Ban ngành các Dòng tu tại Giáo xứ Trà Kiệu. Cha cũng không quên cám ơn Ca đoàn tổng hợp Giáo hạt Hội An, đội kèn tây, Ban Truyền thông Giáo phận, các Cha trong Ban Năm Thánh, các đoàn thể và các Giáo xứ cùng cộng tác cho Thánh lễ Khai mạc được kết quả tốt đẹp. Cha cũng cám ơn Chính Quyền tạo những điều kiện thuận lợi cho sự kiện này.


Tiếp đó, Đức Cha cũng nói lên niềm vui hội tụ, cái đẹp của Đức tin, sự dấn thân dù thời tiết ngay trước Thánh lễ không được thuận lợi ( nhưng suốt thời gian cung nghinh và Thánh lễ trời nắng và thời tiết tốt), mời gọi tâm tình hoán cải, canh tân, đón nhận giá trị Đức tin, …… Đức Cha cầu chúc những điều tốt đẹp nhân dịp đầu năm mới, xin muôn ơn lành của Thên Chúa với lời chuyển cầu của Đức Mẹ, Ơn Thánh luôn đồng hành với mỗi người trong nhẫn nại, thương xót, tha thứ, sẻ chia, hiền từ ….. mang dấu ấn của Thiên Chúa.

Ngay sau khi cộng đoàn cầu nguyện với Đức Mẹ Trà Kiệu, qua lời Kinh Đức Mẹ Trà Kiệu. Đức Giám Mục đã Ban Phép lành Tòa Thánh cách trọng thể với Ơn Toàn xá, nguồn vui thiên liêng cao quí là phần thưởng lớn lao trên đời, cho Người Tín hữu. Với nghi thức Sai đi, Cộng đoàn được Đức Giám Mục mời gọi đem Chúa đến mọi môi trường trong đời sống xã hội nơi Người Tín hữu đang sống và làm việc.

Tôma Trương Văn Ân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *