Thánh Ða Minh đã thay đổi khá nhiều “nghề” lắm trong cuộc đời; và đặc biệt là ngài đã thay đổi “nghề nghiệp” một cách khá dễ dàng : từ một ghế phụ khảo trường cao đẳng Palencia, ngài trở thành một kinh sĩ địa phận Osma; từ một kinh sĩ, ngài trờ thành một nhà giảng thuyết chống lạc giáo; từ “vị thế” một nhà sáng lập Dòng ngài lại muốn trở thành một nhà truyền giáo ở phương bắc xa xôi.
Theo kho tàng khôn ngoan Việt Nam, kiểu sống đó chắc khó làm cho đời mình khấm khá được; trái lại, cần phải “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Quả thật, theo tính toàn kiểu con người, nếu chúng ta ở địa vị của ngài, chắc hẳn chúng ta đã dừng lại, đã bám chắc vào một công việc nào đó thích thú hơn và có thể dễ “vinh thân” hơn. Nhưng thánh Ða Minh đã không làm như vậy, bởi vì ngài không tính toán “vinh thân” kiểu con người mà chỉ quan tâm tới một điều : nhu cầu của Giáo Hội.
Chúng ta đã đọc truyện thánh Ða Minh và đã hiểu rõ kết cuộc của đời ngài, nên ta dễ dàng lướt qua những lần “đổi nghề” như vậy, và tưởng như đó là một chuyện dễ dàng, đương nhiên phải như vậy thôi. Thật sự, thánh Ða Minh đã đổi nghề một cách dễ dàng, nhưng không phải là đương nhiên, “chí lý” và ai ai cũng làm như vậy. Sở dĩ thánh Ða Minh đã chọn lựa và chấp nhận một cách dễ dàng sự thay đổi, chính là vì ngài đã quan tâm đến Giáo Hội hơn là quan tâm tới đời mình, mong muốn thực hiện một nhu cầu của Giáo Hội hơn là hì hục tìm vinh thân cho đời mình; ngài đã yêu mến Giáo Hội nhiều hơn yêu mến “nghề nghiệp” của mình; ngài đã sống vì ơn cứu độ của con người hơn là vì ý thích của riêng mình. Sự sẵn sàng của ngài phát xuất từ một cảm nhậm sâu xa rằng “nhu cầu của Giáo Hội chính là lời Chúa kêu gọi”. Chỉ có một tinh thần luôn sẵn sàng tuân theo thánh ý Chúa và một “lỗ tai” bén nhạy để nghe được lời kêu gọi của Chúa trong cuộc sống mới có thể giúp thánh Ða Minh có được một sự “dễ dàng” như thế.
Khi lãnh huy hiệu Ða Minh, khi nhận Luật Sống Người Giáo Dân Ða Minh, mỗi người chúng ta thực sự lãnh nhận cùng một ơn gọi và sứ mệnh với Cha Thánh Ða Minh. Tuy vậy, muốn đọc ra được ơn gọi và sứ mệnh của mình một cách cụ thể, cần phải thực sự quan tâm đến nhu cầu của Giáo Hội, trước hết là chính Giáo Hội tại địa phương của mình. Danh hiệu Giáo Dân Ða Minh không phải chỉ như một “công tác làm thêm”, “một nghề phụ” để củng cố phần rỗi đời đời của mình, nhưng chính là yếu tố làm thống nhất đời sống ta trong một ơn gọi duy nhất và làm cho cuộc đời ta trở nên đầy ý nghĩa.