Thánh Đa Minh, con người thập giá (11/15)

 

dm22.jpgThánh Đa Minh đứng thẳng trước bàn thờ. Mắt Người nhìn thẳng vào Chúa chịu đóng đinh, Người chiêm ngắm thập giá như là hiểu thấu. Người bái gối nhiều lần trước thập giá. Và cũng đôi khi, từ sau kinh tối cho đến nửa đêm, khi thì Người đứng, khi thì quì gối. Lúc ấy trong lòng Cha Thánh Đa Minh của chúng ta trào dâng niềm tin tưởng vào lòng thương xót Thiên Chúa dành cho chính Người, cho các tội nhân, cho các anh em trẻ mà Người đã sai đi khắp nơi để rao giảng Tin Mừng cho các tâm hồn (M 5).

Lời cầu nguyện của thánh Đa Minh hướng tới việc hiệp nhất với lời cầu nguyện của Đức Ki-tô. Lời kinh ấy đồng nhất với cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su : Đó là cuộc khổ nạn vì lòng yêu mến Chúa Cha, cuộc khổ nạn sinh ơn cứu độ cho loài người, cuộc khổ nạn đầy yêu mến, cuộc khổ nạn đau thương. Đỉnh cao trong lời cầu nguyện của Đức Giê-su là lời nguyện trên thập giá, lời kinh mà chúng ta chỉ biết được vài đoạn, vài tiếng kêu than, nhưng chúng ta có thể đoán được đó là lời kinh tràn đầy tình yêu vô bờ. Thánh Đa Minh đã được đặc ân nhận ra một điều gì đó trong lời kinh của Đức Giê-su trong cơn hấp hối. Các con cái của Người cũng được mời gọi tham dự vào ân huệ hiệp thông với hy lễ của Chúa Giê-su. Vì hy lễ này không phải là điều cho không. Hy lễ ấy chính là giá phải trả để cứu độ các linh hồn. Đó không phải là cái giá Thiên Chúa đòi hỏi, nhưng là cái giá mỗi người cần đổ ra để minh chứng phần nào họ chia sẻ mối quan tâm của Thiên Chúa là cứu độ mọi người.

Đức Giê-su đã thực hiện phần tốt nhất. Phần ấy sẽ không bị mất đi. Tiếp đến là các vị tử đạo, những người được ơn đổ máu mình như Chúa Giê-su. Chính vì thế Đa Minh khao khát ơn tử đạo. Người không mong muốn lập chiến công. Đó không phải là mối bận tâm của Người. Nhưng Người khao khát trao tặng chính mình đến tận cùng. Người khao khát tình yêu nơi mình nảy sinh những hoa trái xứng đáng với tình yêu chính Thiên Chúa đã bày tỏ cho những thụ tạo khốn cùng là chính chúng ta. “Anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su” (Pl 2,5).

Anh Gio-an người Tây Ban Nha đã nhiều lần nghe thấy thánh nhân bày tỏ ước muốn được chịu khổ hình hay bị cắt ra từng mảnh để chết vì lòng tin vào Đức Giê-su Ki-tô (VIE tr. 54).

Nếu như tất cả mọi người không được ơn chịu tử đạo thật sự, thì ít ra mỗi người, trong mức độ như hoàn cảnh đòi hỏi, cũng có thể hướng tới lý tưởng này, mà không chỉ trong khát vọng mà thôi.

Vì lý do đó, như là tiến trình tự nhiên của điều vừa nói, thánh nhân đứng dậy dùng roi sắt đánh vào mình, và nói : “khổ hình của Người sửa chữa tôi đến tận cùng” (M 3).

Đối với thời đại chúng ta, việc hành xác như thế có lẽ lạ lùng. Người ta có thể xem đấy như dấu chỉ của tình trạng mất quân bình thể lý, và trong một số trường hợp có thể là hậu quả của tình trạng này. Nhưng nơi Thánh Đa Minh, là điều hoàn toàn khác. Qua cách thực hành này, Người biểu lộ thực tại đức tin của mình. Khi đọc đến đoạn sách kể Đức Giê-su bị quân lính hành hình, Người không muốn mở sang trang khác. Người buộc phải ngừng lại đấy. Người coi đó là điều không bình thường cũng như  là điều không chịu đựng được. Người không quen như thế. Song Người nhận lấy làm của mình. Cha Thánh không đặt vấn đề tại sao mình lại không chịu khổ, vì mình là tội nhân, trong khi Đấng đang chịu khổ lại là Người hoàn toàn vô tội. Có thể nói cách hành xác như vậy quá dữ dằn, và không cần phải làm như thế. Nhưng người ta phải luôn nhớ rằng đừng coi nhẹ những điên rồ của những ai vẫn khao khát sống cụ thể hơn nữa cuộc khổ nạn của Đức Giê-su.

Cha Thánh luôn mang quanh mình một sợi xích sắt, sát da thịt ; Người mang cho đến chết (VIE tr. 57, chứng từ của anh Rodolpho).

Đây lại là một chi tiết mà người ta cho là thuộc về một thời đại khác. Nhưng con người thời đại chúng ta sẽ làm gì để tham dự vào cuộc khổ nạn của Chúa, để mang trong thân xác mình những khổ đau của Chúa, để nỗ lực minh chứng mình muốn yêu thương như đã được yêu thương ?

Đức Giê-su đã hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc muôn người. Người là Đấng vô tội đã trở thành tội nhân vì chúng ta. Người nhận thức rõ ràng và đầy đủ nhất về điều tượng trưng cho sự chống lại Thiên Chúa. Người không bị tội lỗi làm cho mù quáng như tình trạng của chúng ta.

Noi gương những nhà thần bí lớn, cha Đa Minh đã được ơn nhận ra sự ghê tởm tội lỗi. Và trong đêm khuya, Người thốt ra những tiếng kêu, và anh em thường nghe thấy : Ôi Thiên Chúa của con, lòng thương xót của con, những tội nhân này rồi sẽ ra sao ?, đó không phải là kêu than về những nối khốn khổ của thời đại, nhưng bởi vì Người nhìn thấy vực thẳm chia cắt tội nhân với Thiên Chúa, như được diễn tả trong dụ ngôn người phú hộ và người nghèo La-da-rô. Cha Thánh không thể chịu đựng nổi tình trạng ấy. Và rồi Người nằm trên đất, mặt úp xuống và khóc như Đức Giê-su đã khóc.

Cha Thánh Đa Minh cũng thường cầu nguyện, cánh tay giang ra, mặt úp xuống đất. Lúc ấy, tâm hồn Người đầy tràn tâm tình thật sự thống hối. Người nhớ lại những giáo huấn của Kinh Thánh, và đôi khi đọc khá lớn tiếng, có thể nghe được, lời sau đây của Tin Mừng : “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con, con là kẻ có tội” (Lc 18,33). Rồi Người khóc và thốt ra những tiếng kêu lớn.

Đó không phải là những tiếng kêu giả tạo, cốt để người khác nghe thấy. Nhưng đó là những tiếng kêu trào ra từ một trái tim bị thương tích. Người đã bị đánh động,  bị đâm ở điểm nhậy cảm nhất nơi tâm hồn tông đồ. Đó là sự thống hối. Người không chỉ khóc vì tội riêng mình, nhưng còn vì tội lỗi của nhân loại, vì thói dửng dưng, sự khinh miệt, và sự thù hận đối với Thiên Chúa. Và ngay cả khi dường như Người không có tội gì, Người cũng không quên những tội đó. Cha Thánh đã dạy các anh em trẻ:

Cha Thánh cũng khích lệ các anh em trẻ như sau : “Nếu anh em không thể khóc vì tội của mình bởi vì anh em không phạm tội, thì anh em hãy nghĩ đến một số đông tội nhân đang có thể hưởng lòng thương xót và lòng bác ái. Chúa Giê-su nhìn thẳng vào họ và khóc lóc đau đớn. Cũng vì vậy mà vua Đa-vít đã khóc khi kêu lên : ‘Con nhìn quân phản phúc mà ghê tởm’ (Tv 118,158)” (M2).

Trong những trường hợp tế nhị hơn, khi phải cầu xin cho một sự việc quan trọng và khó khăn, Thánh Đa Minh sử dụng một phương thế khác. Dù không cấm anh em sử dụng phương thế này, nhưng Người cũng không khuyến khích họ sử dụng. Đó là phương thế cầu nguyện, tay giang ra theo hình thánh giá. Đây cũng không chỉ là một hình thức vận động, nhưng là noi gương Chúa Giê-su, nên đồng nhất với Người.

Những lần khác, người ta cũng thấy Cha Thánh Đa Minh cầu nguyện, đôi tay mở ra, cánh tay giang ra theo hình thánh giá. Người đứng, thân mình thẳng như có thể. Cha Thánh đã cầu nguyện trong tư thế đó, và nhờ lời cầu nguyện của Người, Thiên Chúa đã làm cho anh bạn trẻ tên Napoléon được sống lại. Sự việc này diễn ra tại phòng thánh tu viện Saint-Sixto ở Roma. Cha Thánh cũng cầu nguyện tương tự như vậy gần Toulouse, để xin Chúa cứu vớt các khách hành hương người Anh khỏi chết đuối (M6).

Trong những trường hợp khác, vì một nhu cầu khẩn thiết, nhất là khi cầu nguyện cho Dòng đang được thành lập, Cha Thánh đã có một hình thức cầu nguyện khác. Cha Thánh đứng thẳng người, hướng lên trời, như một mũi tên trên cánh cung, tay giơ cao khỏi đầu, hai bàn tay nắm lấy nhau.

Người ta tin rằng trong lúc ấy, Cha Thánh nhận thêm ân sủng, và với chính mình, Người đón nhận những ân huệ của Chúa Thánh Thần cho Dòng Người mới đặt nền móng (M7).

Người cha xin gì cho con cái của mình ? Chắc chắn rằng Người không xin cho họ thành công về khía cạnh loài người, nhưng xin cho họ được hạnh phúc để sống đời tu trì mà không loại bỏ điều gì. Người cầu xin :

Để họ được an vui trong sự khắc nghiệt của đời sống khó nghèo, trong nỗi cay đắng của buồn phiền, trong bạo lực của sự bách hạii, trong niềm khát khao sự công chính, trong những thúc bách của lòng thương xót, đồng thời luôn hăng hái vui tươi mà tuân giữ và thực hành các lời khuyên Tin Mừng (M7).

Cầu nguyện xong, Người rất mạnh mẽ và thẳng thắn để ngỏ lời với anh em, sửa chữa những ai cần phải sửa lỗi, khích lệ và thúc đẩy những ai đang cần, để đưa ra ý kiến hay quyết định.

Chẳng có gì ngạc nhiên khi người đương thời coi Cha Thánh như một vị ngôn sứ : bởi vì sau mỗi lần cầu nguyện như thế, dường như Cha Thánh đến từ một cõi xa, và trong một thời điểm, cha như trở thành một người khác lạ, như người ta dễ dàng nhận thấy nơi dáng điệu và cử chỉ của Người.

Thánh Đa Minh, con người thập giá, kín múc năng lực thiêng liêng cách đặc biệt trong việc cử hành Thánh Lễ. Vì trong cử hành ấy, thánh nhân có thể hiệp thông cách trọn vẹn nhất với cuộc khổ nạn đầy yêu thương của Chúa Cứu Thế. Anh Stephano có thể minh chứng điều đó vì :

Anh nhiều lần tham dự thánh lễ do cha Đa Minh cử hành : Đến phần kinh nguyện Thánh Thể, anh luôn thấy đôi mắt và khuôn mặt Cha Thánh đầm đìa nước mắt. Thánh Đa Minh dâng của lễ và đọc kinh Lạy Cha với lòng nhiệt thành đến nỗi mọi người đều nhận thấy sự sốt sắng của Người. Anh Stephano không bao giờ nhìn thấy Thánh Đa Minh cử hành thánh lễ mà không chảy nước mắt (VIE tr. 64).

Những giọt nước mắt của Thánh Đa Minh diễn tả lòng thương xót bao la của Người. Không nên coi đó là thói uỷ mị, trái lại đó là một sự nhạy cảm rất mực, một trái tim nhân loại cùng chịu khổ với Thiên Chúa hạ mình, cùng vác thập giá với Đấng Cứu Thế chịu kết án, cùng khóc với tội nhân đang bị đè bẹp vì tội lỗi của mình. Mỗi giọt nước mắt của thánh nhân tựa như giọt nước pha vào chén rượu để trở thành của lễ. Không là gì khác hơn một giọt nước nhỏ hoà với máu của Đức Ki-tô. Một điều quá nhỏ nhoi, chẳng đáng là gì con người có thể làm, để hoà trọn tình yêu của mình vào tình yêu của Chúa.