10 câu nói đáng nhớ của Đức Bênêđictô XVI

1. Quang cảnh một ngày đau buồn và biết ơn: 65.000 người bày tỏ lòng kính trọng đối với Đức Bênêđictô XVI

Khoảng 65.000 người hành hương đã xếp hàng chờ để bày tỏ lòng kính trọng đối với Đức Bênêđictô XVI hôm thứ Hai, mang đến những tâm tình đau buồn và lòng biết ơn cảm động vào ngày đầu tiên thi hài của vị giáo hoàng danh dự được quàn trong Đền Thờ Thánh Phêrô.

Các nghi lễ đơn giản gồm cầu nguyện, nước thánh, trầm hương và những lời tạm biệt im lặng bắt đầu trong bóng tối bên trong Tu viện Mater Ecclesiae của Vatican, nơi ngài qua đời hôm thứ Bảy ở tuổi 95.

Những người đã chăm sóc ngài ở đó trong thời gian ngài nghỉ hưu kéo dài gần một thập kỷ – bao gồm cả thư ký riêng và phát ngôn viên lâu năm của ngài, Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein – đã cầu nguyện và từ biệt trước khi thi hài của ngài được vận chuyển trên một chiếc xe ngựa từ nhà nguyện của tu viện đến Đền Thờ Thánh Phêrô. Họ như một nhóm nhỏ những người đưa tang đi sau chiếc xe ngang qua những đồ trang trí Giáng Sinh được thắp sáng rực rỡ trong Vườn Vatican.

Khi đến đó, những người khiêng thi hài ngài từ từ đưa thi thể ngài vào bên trong ngôi thánh đường đồ sộ và xuống lối đi giữa, đặt thi thể ngài trên bục trước bàn thờ. Biểu tượng rất mạnh mẽ: vị giáo hoàng thứ 265 nằm trong trạng thái gần như ngay trên ngôi mộ của vị Giáo Hoàng đầu tiên, Thánh Phêrô.

Đức Hồng Y Mauro Gambetti, Giám quản Đền Thờ Thánh Phêrô, đã xông hương thi thể của Đức Bênêđíctô và rảy nước thánh lên đó, cầu nguyện cho linh hồn của ngài. Các chức sắc tham dự bao gồm tổng thống Ý, Sergio Mattarella, và thủ tướng Ý, Giorgia Meloni.

Trong số những người đầu tiên có khoảnh khắc riêng tư ở đó với Đức Bênêđíctô là Đức Tổng Giám Mục Gänswein, người đã cúi xuống hôn tay người bạn và người thầy của mình.

Bên ngoài, những người thiện chí kiên nhẫn chờ đợi ở quảng trường Thánh Phêrô để vào bên trong ngôi thánh đường, một số lần chuỗi cầu nguyện cho vị giáo hoàng cũ khi họ lê bước về phía trước.

Khi kết thúc thời gian chờ đợi, sau cuộc rước long trọng của riêng họ xuống lối đi giữa, cuối cùng họ cũng nhìn thấy ngài, mặc lễ phục màu đỏ và vàng, đeo một chiếc mũ vàng, tay cầm chuỗi tràng hạt. Trước khi đến đầu hàng để có tầm nhìn không bị cản trở, một số người đã nghển cổ để nhìn rõ hơn hoặc kiễng chân để chụp ảnh bằng điện thoại di động.

Cuối ngày thứ Hai, văn phòng báo chí của Vatican ước tính rằng 65.000 người đã thực hiện cuộc hành hương trong suốt cả ngày. Thi thể của Đức Bênêđíctô sẽ tiếp tục được quàn cho đến ngày 4 tháng Giêng. Tang lễ của ngài diễn ra vào thứ Năm.


Source:Catholic News Agency

2. Đức Hồng Y Schönborn Đức Bênêđictô là một trong các Tiến sĩ Hội Thánh vĩ đại phải đau khổ

“Những năm cộng tác đầu tiên với Giáo sư Ratzinger, sau đó với Đức Hồng Y Ratzinger, và sau đó với Đức Giáo Hoàng Bênêđictô, đối với tôi là một ân sủng thực sự của tình phụ tử thiêng liêng,” Đức Hồng Y người Áo Christoph Schönborn cho biết như trên trong một tuyên bố với báo chí, vài giờ sau cái chết của Đức Giáo Hoàng Danh Dự vào ngày 31 tháng 12 năm 2022.

Đức Hồng Y Tổng Giám Mục 77 tuổi của Vienna nhắc cho mọi người nhớ rằng: Đức Bênêđictô XVI “thuộc lớp những người thầy vĩ đại phải đau khổ”. Tình bạn của ngài với vị giáo hoàng người Đức, người mà ngài đã cùng làm việc từ năm 1987 đến năm 1992 trong việc chuẩn bị Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, được xuất bản dưới triều đại giáo hoàng của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Ngài cũng nhắc lại việc thoái vị lịch sử của Đức Bênêđictô XVI như một hành động “dũng cảm” khiến cho thừa tác vụ của giáo hoàng trở nên “nhân bản hơn” và mở ra “một cánh cửa cho tương lai của chức vụ giáo hoàng.”

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ toàn văn tuyên bố của Đức Hồng Y Christoph Schönborn qua phần trình bày của Kim Thúy.

Đối với tôi, Đức Bênêđictô trên hết luôn là một người thầy vĩ đại. Tôi là học trò của ngài, và tôi đã được lợi ích rất nhiều từ sự giảng dạy của ngài. Nhưng tôi không phải là người học trò duy nhất của ngài: Ngài là thầy dạy cho cả Giáo hội với nền thần học đầy minh triết, sáng sủa và rõ ràng. Đối với tôi, ngoài tư cách của một bậc thầy, tôi dám nói rằng ngài còn là một người cha, bởi vì bậc thầy này không chỉ đơn thuần là một nhà giáo dục.

Đức Bênêđíctô, với tư cách là một con người, với tư cách là người hướng dẫn, là người dẫn dắt, người mở ra, người đưa ra những chân trời. Và những năm cộng tác đầu tiên với Giáo sư Ratzinger, sau đó với Đức Hồng Y Ratzinger, và sau đó với Đức Giáo Hoàng Bênêđictô, đối với tôi là một ân sủng thực sự của tình phụ tử thiêng liêng.

Tôi đặt các tác phẩm của Đức Bênêđictô bên cạnh các tác phẩm của Thánh Augustinô

Và rồi theo năm tháng, một tình bạn thực sự lớn dần. Đây là điều mà cá nhân tôi mắc nợ Đức Bênêđictô. Những gì còn lại của Đức Bênêđictô trên hết là công việc của ngài. Sau nhiều thế kỷ, ngài là một giáo hoàng thần học, một nhà thần học bậc thầy, và tôi đặt ngài bên cạnh các Tiến sĩ vĩ đại của Giáo hội, các Giáo phụ của Giáo hội. Trong thư viện của tôi, tôi đặt các tác phẩm của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô bên cạnh các tác phẩm của Thánh Augustinô. Bởi vì tôi nghĩ rằng ngài sẽ vẫn là một trong những người vĩ đại của thế kỷ 20, được nhớ đến trong các thế kỷ sắp tới, như Newman được nhớ đến trong thế kỷ 19, như Thánh Thomas, như Thánh Bonaventura được nhớ đến trong thế kỷ 13. Tôi nghĩ ngài thuộc hàng ngũ những bậc thầy tuyệt vời phải chịu đựng.

Ngày 11 tháng 2 năm 2013 sẽ còn mãi trong ký ức của Giáo Hội

Ngày 11 tháng 2 năm 2013, sẽ vẫn còn trong ký ức của Giáo hội: Đức Thánh Cha Bênêđictô tuyên bố rằng ngài sẽ từ bỏ Ngai Tòa Thánh Phêrô để từ nay trở đi sống như một người cầu nguyện, đã nghỉ hưu. Đó rõ ràng là một biến động, một cú sốc, nhưng tôi đã hoan nghênh nó ngay từ giây phút đầu tiên như một quyết định cá nhân cần được tôn trọng và vinh danh, và tôi nghĩ hành động này đã làm một điều gì đó cho sứ vụ giáo hoàng, cho thừa tác vụ thánh Phêrô.

Theo một cách nào đó, tôi dám nói rằng hành động này, bước thoái vị này, đã làm cho thừa tác vụ của Phêrô trở nên nhân bản hơn. Sự kiện đơn giản là Đức Giáo Hoàng có thể nói: “Tôi không còn sức nữa, những thử thách trước mắt chúng ta quá lớn, một người trẻ tuổi hơn phải đảm nhận,” là một hành động rất can đảm, rất khiêm tốn, đồng thời cũng là một hành động mở ra một cánh cửa cho tương lai của sứ vụ giáo hoàng, điều này có thể quan trọng cho tương lai.


Source:Aleteia

3. 10 câu nói đáng nhớ của Đức Bênêđictô XVI

Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, có bài tường trình nhan đề “10 Memorable statements from Benedict XVI”, nghĩa là “10 câu nói đáng nhớ của Đức Bênêđictô XVI”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã viết và thuyết giảng, xuất bản hết sách này đến sách khác. Nhiều người đã chắc chắn rằng một ngày nào đó Đức Bênêđictô XVI sẽ được công nhận là Tiến sĩ Hội thánh. Hôm nay chúng tôi chỉ xin đưa ra 10 tuyên bố đặc biệt đáng chú ý của ngài.

Thứ nhất, “Kẻ ấu dâm không thể làm linh mục.”

Giờ đây, nhiều người thừa nhận vai trò cơ bản của Đức Bênêđíctô XVI trong việc chống lại nạn ấu dâm trong Giáo hội, một tai họa mà Đức Thánh Cha đã dày công lên án. Trên chuyến máy bay đưa ngài đến Washington vào tháng 4 năm 2008, khi được hỏi về việc lạm dụng tình dục của một số linh mục người Mỹ, ngài nói rằng ngài “xấu hổ” về những hành vi này. Ngài nói: “Chúng tôi sẽ loại trừ hoàn toàn những kẻ ấu dâm ra khỏi thừa tác vụ thánh”.

Thứ hai, “Ở một nơi như thế này, ngôn từ thất bại; cuối cùng, chỉ có thể là một sự im lặng khủng khiếp – một sự im lặng tự nó là một tiếng kêu chân thành với Chúa: Lạy Chúa, tại sao Chúa lại im lặng?”

Những lời này đã được Đức Bênêđictô XVI nói tại trại hành quyết Birkenau ở Ba Lan. Chính “với tư cách là một người con của nhân dân Đức” mà ngài đã đến đó để cầu nguyện vào ngày 28 tháng 5 năm 2006. Chuyến thăm này, cũng như nhiều cử chỉ đối thoại của ngài đối với cộng đồng Do Thái, đã đặt Đức Bênêđictô XVI nối tiếp Đức Gioan Phaolô II. Hơn nữa, vì quốc tịch của ngài và việc ngài buộc phải nhập ngũ trái với ý muốn của mình trong Đoàn Thanh niên Hitler, chuyến đi này đã để lại dấu ấn trong tâm trí mọi người.

Thứ ba. “Người ta đang thành lập một chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối, nó không nhìn nhận điều gì là chung kết và để cho cái tôi và ý muốn của mình là mẫu mực duy nhất.”

Trong bài giảng tại Thánh Lễ tiền Cơ Mật Viện, vài giờ trước mật nghị bầu chọn ngài, Đức Hồng Y Ratzinger lúc bấy giờ đã làm nổi bật chính mình bằng những lời này đã thu hút được những tràng pháo tay như sấm của các Hồng Y. Ngay cả trước khi được bầu chọn, ngài đã thiết lập tông giọng cho triều đại giáo hoàng của mình: Tông điệu của một người hợp tác với sự thật, phương châm giám mục của ngài. Cuộc chiến chống lại thuyết tương đối sẽ được nhấn mạnh nơi nhiều bài phát biểu trong tương lai của ngài.

Thứ tư. “Tôi muốn nói rằng vấn đề AIDS này không thể được giải quyết bằng cách phân phát bao cao su: ngược lại, chúng làm gia tăng nó.”

Những lời nói “gây sốc” này của Đức Giáo Hoàng trên máy bay đưa ngài đến Yaoundé Cameroon vào ngày 17-3-2009 đã khiến nhiều cơ quan truyền thông và các vị giám chức Phi Châu phản ứng. Vài ngày sau, Tòa thánh đã xuất bản phần thứ hai của tuyên bố của giáo hoàng, thường bị giới truyền thông cắt xén, để làm sáng tỏ tuyên bố này. Đối với Đức Bênêđictô XVI, cuộc chiến chống lại AIDS có hai mặt: nó liên quan đến việc “làm nổi bật chiều kích nhân bản của tính dục, nghĩa là một sự đổi mới về thiêng liêng và con người” cũng như “tình bạn thực sự trước hết dành cho những người đang đau khổ, sẵn sàng hy sinh và thực hành sự từ bỏ chính mình.”

Thứ năm. “Việc chia sẻ hàng hóa và tài nguyên, từ đó nảy sinh phát triển đích thực, không được bảo đảm chỉ bằng các tiến bộ kỹ thuật mà bằng tiềm năng của tình yêu chiến thắng sự dữ bằng điều thiện”.

Giữa cuộc khủng hoảng kinh tế, Đức Thánh Cha đã công bố thông điệp Caritas in Veritate (Bác ái trong Chân lý) vào ngày 7 tháng 7 năm 2009. Bốn mươi năm sau Thông điệp Populorum Progressio, phản ánh về những hậu quả của toàn cầu hóa đối với sự phát triển con người cùng với những điều khác, Đức Bênêđictô XVI đã cập nhật diễn ngôn của Giáo hội về thế giới kinh tế, vốn bị ảnh hưởng đặc biệt bởi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ngài nhấn mạnh đặc tính chính của tình yêu ở trung tâm của nền kinh tế, được soi sáng bởi lăng kính của lý trí.

Thứ sáu. “Các tôn giáo không có gì phải sợ một hình thái thế tục công bằng, cởi mở và cho phép các cá nhân sống phù hợp với những gì họ tin tưởng trong lương tâm của chính họ.”

Trong một thông điệp video được đưa ra vào ngày 25 tháng 3 năm 2011, tại Paris, Đức Thánh Cha đã nói những lời này với các Kitô hữu Pháp về chủ đề chủ nghĩa thế tục. Chính phủ Pháp khi đó đang chuẩn bị mở một cuộc tranh luận sôi nổi về chủ đề này.

Thứ bảy. “Đã đến lúc phải mạnh tay ngăn chặn mại dâm cũng như việc phổ biến rộng rãi tài liệu có nội dung khiêu dâm hoặc dâm ô.”

Cũng trong năm 2011, trong bài phát biểu trước tân đại sứ Đức, Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh một cách mạnh mẽ đến nhu cầu Giáo hội phải dấn thân “đối với những vấn đề cơ bản về phẩm giá con người”. Ngoài nhu cầu đấu tranh chống mại dâm, Đức Thánh Cha nói về sự tôn trọng đối với tất cả các giai đoạn của cuộc đời, một chủ đề khác mà ngài yêu thích.

Thứ tám. “Hãy chỉ cho tôi thấy những gì mà Mohammed mới mang đến, và ở đó bạn sẽ tìm thấy chỉ những điều xấu xa và vô nhân đạo, chẳng hạn như mệnh lệnh truyền bá đức tin bằng thanh gươm mà ông ta đã rao giảng.”

Đưa ra khỏi ngữ cảnh, câu này đã gây ra một trong những cuộc khủng hoảng truyền thông lớn nhất trong lịch sử của Vatican. Ngày 12 tháng 9 năm 2006, Đức Bênêđictô XVI được mời đến Đại học Regensburg để nói chuyện về chủ đề “Đức tin, Lý trí và Đại học.” Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đã trích dẫn những lời của Hoàng Đế Byzantine Manuel II Palaeologus nói với một người đối thoại Ba Tư. Ngài giải thích rằng những lời này không phản ánh suy nghĩ của riêng ngài mà là một phần của sự phản ánh chung rộng hơn về mối liên hệ giữa tôn giáo và bạo lực. “Ở đây, chắc chắn, Đức Giáo Hoàng không muốn đưa ra một bài học, chẳng hạn, cách giải thích đạo Hồi là bạo lực. Ngài đang nói rằng, trong trường hợp giải thích tôn giáo một cách bạo lực, chúng ta đang mâu thuẫn với bản chất của Chúa,” giám đốc Văn phòng Báo chí của Tòa thánh tuyên bố vào thời điểm đó, khi được hỏi sau cuộc luận chiến đã tạo ra sức ép mạnh mẽ từ những phản ứng trong thế giới Hồi giáo.

Thứ chín. “Tôi tin chắc rằng sức lực của tôi, do tuổi cao, không còn phù hợp để thi hành thừa tác vụ Phêrô một cách thích đáng.”

Vào ngày 11 tháng 2 năm 2013, trước các Hồng Y đang tụ họp trong công nghị, Đức Bênêđictô XVI đã trở thành vị giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử hiện đại thoái vị. Với câu nói mang tính cách mạng này, theo nhiều nhà quan sát, chắc chắn Đức Joseph Ratzinger đã biến đổi thừa tác vụ mục tử toàn thể Hội Thánh.

Thứ mười. “Tôi đã cảm thấy như Thánh Phêrô cùng với các Tông đồ trên thuyền ở Biển Galilê (…) Tôi luôn biết rằng Chúa ở trong thuyền đó, và tôi luôn biết rằng thuyền là của Giáo hội không phải của tôi, và không phải của chúng ta, mà là của Chúa Kitô. Chúa cũng không để nó chìm xuống; chính Ngài là người hướng dẫn con thuyền ấy… “

Những lời này từ buổi tiếp kiến chung cuối cùng của Đức Thánh Cha dường như kết thúc triều đại giáo hoàng của ngài với một chút hy vọng. Một vài ngày trước cuộc bầu cử của mình, vào ngày 25 tháng 3 năm 2005, Đức Hồng Y Ratzinger lúc bấy giờ đã có bài suy niệm về chủ đề con thuyền Giáo hội trong Chặng Đàng Thánh Giá tại Đấu trường Rôma. Ngài nói với Chúa “Đối với chúng con, Giáo hội của Chúa dường như là một con thuyền sắp chìm, một con thuyền đang bị nước tràn vào từ mọi phía”


Source:Aleteia

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *