100 tích truyện Kinh Mân Côi: Chuỗi hạt Mân Côi với Tín Điều Đức Mẹ trọn đời đồng trinh

Phải nói bài này rất dài và rất quan trọng, vì phe chống đối Đức Mẹ Đồng Trinh đã đưa ra những lập luận hết sức nguy hiểm. Vậy nếu chúng ta không đọc kỹ, và nghiên cứu vấn đề thật chính xác. Có thể ngay những người công giáo, cũng có thể ngờ vực là Đức Mẹ không đồng trinh. Sau này Đức Mẹ sinh ra nhiều người con khác nữa. Họ dựa vào câu Tin Mừng sau đây để cắt nghĩa là Đức Chúa Giêsu có nhiều anh chị em khác. Tin Mừng thánh Mátthêu đoạn 13, câu 53-57, nói rằng: Chúa Giêsu về quê hương và dạy dỗ trong nhà hội, ai nghe cũng lấy làm lạ, mà rằng: Người về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn và Giu-đa sao? Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế? “Và họ vấp ngã vì Người.

Rồi họ cứ khăng khăng dựa vào chữ “anh em” “chị em” để xác quyết Đức Chúa Giêsu còn có anh chị em ruột. Đúng ra thì bài này chỉ có liên quan đến chuỗi hạt Mân Côi. Nhưng nếu không lập luận vững chắc, thì e có nhiều người cũng có vẻ như đồng thuân với lý luận kể trên, rồi không sao giúp người ta tìm hiểu sự thật được. Cho nên chúng tôi xin đưa ra những lý luận sau đây, để chứng minh Đức Mẹ trọn đời đồng trinh, trước khi sinh, đang khi sinh, và sau khi sinh.

1- Theo thánh Luca: “bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.” (Luca 2,1-20). Đã sinh con đầu lòng, thì Đức Chúa Giêsu không có anh hoặc có chị. Vậy danh từ “anh chị em” ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, chỉ bà con họ hàng.

2- Khi tắt thở trên thánh giá. Chúa Giêsu thấy Mẹ Người và Gioan, môn đệ yêu quý, thì Đức Chúa Giêsu phán rằng “Hỡi Mẹ, Gioan là con Mẹ.” Đoạn nói cùng Gioan: “Hỡi Gioan, Bà là Mẹ con” (x. Ga 19, 25-16). Từ đó sau khi Chúa về Trời, thì thánh Gioan đã vâng lệnh Chúa Giêsu, rước Đức Mẹ về nhà mình phụng dưỡng như mẹ ruột. Vậy thử hỏi: nếu Đức Mẹ có nhiều con trai, con gái khác, thì hà tất gì mà Đức Chúa Giêsu lại trao mẹ mình cho thánh Gioan, mà không để các anh, các chị khác nuôi dưỡng?

3- Khi hiện ra ở Lộ Đức, Đức Mẹ đã nói với Bernadetta: “Ta là Nữ Vương Vô Nhiễm Nguyên Tội”. Chữ Vô nhiễm ở đây, có nghĩa là không vướng mắc một chút tì ố nào, dù là khuyết điểm nhỏ bé nhất. Chữ Vô nhiễm còn có nghĩa là hoàn toàn tuyệt đối trong sạch từ tâm hồn đến thể xác. Vậy nếu thể thể xác mà bi ô uế, thì làm sao mà Vô Nhiễm được.

4- Một ngụy thuyết khác cho rằng: Đức Mẹ chỉ đồng trinh khi sinh Đức Chúa Giêsu. Sau này Bà không còn đồng trinh nữa. Không lẽ Chúa quyền phép vô cùng, lại chỉ bảo vệ cho mẹ mình đồng trinh khi sinh ra mình, rồi sau này lại mất đồng trinh hay sao? Nói như vậy là hoàn toàn vô lý, xúc phạm đến Đức Chúa Thánh Thần, phủ nhận quyền phép cao cả của ThiênChúa.

Xuyên qua Bốn lý luận trên đây, ta thấy Đức Mẹ trọn đời đồng trinh, trước khi sinh, đang khi sinh, và sau khi sinh, như Tín Điều đã được Công Đồng Laterano tuyên bố năm 649 dưới thời Đức thánh Giáo Hoàng Martino I: “Đức Mẹ sinh nở chẳng nhơ nhớp, thân xác vốn tinh tuyền. Sau khi sinh nở, Ngài vẫn trọn đời đồng trinh”.

Như vây khi lần chuỗi Mân Côi chúng ta hằng đọc: “Kính Mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà”. Chữ “đầy ơn phúc” còn có nghĩa là tuyệt hảo, trọn vẹn tinh tuyền. Nếu Đức Mẹ không còn đồng trinh sau này, thì làm sao gọi Đức Mẹ “đầy ơn phúc” được. Nếu Đức Mẹ không còn đồng trinh, thì Đức Mẹ còn thua kém cả đến một nữ tu đồng trinh ở trong nhà dòng nữa. Khi ta lần chuỗi Mân Côi, tức là chúng ta luôn luôn xưng tụng Đức Mẹ là Đấng trọn đời đồng trinh sạch sẽ.

Lời bàn :  Như vậy, khi ta lần chuỗi Mân Côi kính Đức Mẹ, là chúng ta luôn suy tưởng đến Bốn Tín Điếu cao trọng của Đức Mẹ. Còn gì cao sang hữu hiệu hơn, khi ta đọc kinh Mân Côi là ôn cả toàn bộ cuốn Tân Ước, và cả Bốn Tín Điều về Đức Mẹ. Chúng ta cũng nên nhớ một điều duy nhất rằng: Chỉ có Đức Mẹ mới có các Tín Điều. Còn ngoài ra không có một vị thánh nào, dù cao trọng đến đâu, như thánh cả Giuse, cũng không được ban bố một tín điều nào cả. Như vậy Đức Mẹ chỉ có đứng dưới hàng Thiên Chúa Ba Ngôi mà thôi. Do đó, đối với Đức Mẹ chúng ta không tôn kính bình thường như các thánh, mà phải gọi là : “Biệt Kính”.