Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: Gr 23,5-8, Mt 1,18-24
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 1,18-24)
18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô : bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng : “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. 21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” 22 Tất cả sự việc này xảy ra là để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ : 23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. 24 Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy, và đón vợ về nhà.
Người diễm phúc hơn hết mọi người nam (18.12.2024)
“Đức Giêsu sinh làm con bà Maria. Bà đã thành hôn với ông Giuse, con cháu vua Đavít.”
Suốt thời gian đầu Mùa Vọng, chúng ta được nghe nhiều về một nhân vật tiền hô cho Chúa Giêsu là thánh Gioan Tẩy Giả, hôm nay, trong tuần bát nhật trước lễ Giáng Sinh, Tin Mừng giới thiệu cho chúng ta một nhân vật đặc biệt là thánh cả Giuse, là người cha theo “pháp lý” của Hài Nhi Giêsu trong sự kiện nhập thể, giáng sinh và thời thơ ấu của Con Thiên Chúa. Tin Mừng diễn tả sự trăn trở của thánh Giuse khi chưa nhận được lời giải thích từ sứ thần Chúa. Đồng thời, Tin Mừng cũng giới thiệu thánh Giuse như một tấm gương sáng ngời về niềm tin.
Điều rất đặc biệt của thánh Giuse mà có lẽ các tác giả Tin Mừng cũng chào thua là không tìm được một lời nói nào của thánh nhân, dù hôm nay tường thuật lại một cuộc truyền tin quan trọng về sự thụ thai kì lạ của Đức Mẹ. Được thiên thần hiện ra tỏ tường giữa ban ngày mà ông Dacaria còn vặn hỏi nghi ngờ, mẹ Maria cũng đối thoại được vài câu, trong khi thánh Giuse chỉ xảy ra trong giấc mộng và toàn bộ Thánh Kinh không tìm được lời nào của ngài. Điều này cho thấy, thánh Giuse là một con người của niềm tin và sự chiêm ngắm kết hiệp với Thiên Chúa mọi nơi mọi lúc, thậm chí nhận ra cả ý Chúa trong giấc mơ. Ngài tin tưởng tuyệt đối vào ý định của Thiên Chúa, và từ đó tin tưởng người bạn đời là Đức Maria. Niềm tin thể hiện bằng hành động, khi ngài vui vẻ đón nhận Mẹ Maria và tận tụy lo cho gia đình Thánh Gia được êm ấm.
Hôm nay cũng là thứ tư, chúng ta hướng về thánh Giuse là cha nuôi Đấng Cứu Thế. Duy chỉ trong đoạn Tin Mừng này, có một danh xưng đặc biệt dành cho Chúa Giêsu là “Emmanuel”, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Thánh sử Mát-thêu đã dùng lời loan báo của ngôn sứ I-sai-a đặt trên môi miệng sứ thần để giải thích cho thánh Giuse hiểu, nói lên một sứ vụ hết sức cao cả và một trách nhiệm lớn lao dành cho ngài. Đó là: Việc Con Thiên Chúa muốn ở giữa nhân loại (Emmanuel) thì Người cần đến một nơi giữa nhân loại để sinh ra, để lớn lên và thực hiện công cuộc cứu độ. Thật vậy, xét về mặt pháp lý, Chúa Giêsu cần một sự hợp pháp trong việc khai sinh, Mẹ Maria cần có một người chồng pháp lý về mặt dân sự, nếu không sẽ bị khai trừ khỏi đời sống tôn giáo lúc bấy giờ và bị người đời khinh miệt. Lại nữa, Chúa Giêsu và Mẹ Maria cần một mái ấm và một nơi nương tựa, cần được bảo vệ và chăm sóc, nhất là trong thời kỳ thơ ấu của Chúa Giêsu.
Thánh Giuse đã vâng phụ cách mau mắn và triệt để lời sứ thần báo mộng. Nếu biết là ý Chúa thì cho dù khó khăn, vất vả, thậm chí trái ý mình vẫn cứ xin vâng miễn sao ý Chúa được thể hiện. Dù là bậc trượng phu đi nữa cũng khó có thể đón người bạn đời mang thai, mà tác giả không phải là mình về nhà làm vợ và làm cha của con trẻ. Nhưng khi sứ thần cho biết đó là ý Chúa: “Đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” thì thánh Giuse đã “tỉnh giấc, làm như sứ thần Chúa dạy, và đón vợ về nhà”. Cả cuộc đời của thánh Giuse là chuỗi đời hoàn toàn vâng phục. Từ khi đón Đức Maria mang thai cho đến khi đưa Hài Nhi Giêsu và Mẹ Người sang Ai-cập rồi từ Ai-cập trở về… Tất cả đều thuận theo ý Chúa.
Lạy thánh Giuse, thời đại hôm nay đang sống như thể vắng bóng Thiên Chúa, thậm chí Thiên Chúa bị coi như đã chết rồi; vì thế, hơn lúc nào hết, nhờ lời cầu bầu của ngài trước tôn nhan Chúa, xin giúp chúng con biết trở thành những chứng nhân sống động của Tin Mừng, để nhờ đó mà mọi người nhận ra Chúa Giêsu Na-da-rét chính là Đấng Emmanuel đã đến, đã sống và đang sống ở giữa nhân loại như khi xưa ngài đã đón nhận lời truyền tin và mau mắn thi hành. Amen.
Joston
Thánh Giu-se: Người cha mẫu mực
Ghi nhớ;
“Này đây, Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” (Mt 1, 23).
Suy niệm:
Ngày xưa có chú bé Phi châu tên là Em-ma-nu-en. Chú luôn thăc mắc: “Thiên Chúa nói bằng tiếng nào?”. Chú hỏi thầy giáo thì thầy giáo cũng không biết. Sau đó chú đi tìm các nhà trí thức ở trong làng cũng như các vùng lân cận để hỏi, nhưng họ cũng chỉ biết lắc đầu mà thôi.
Tuy nhiên, trong thâm tâm, chú vẫn tin rằng có người biết được điều ấy. Một đêm nọ, Em-ma-nu-en đến ngôi làng Belem. Chú cố tìm chỗ trọ để nghỉ qua đêm, nhưng tất cả đều không còn chỗ. Vì thế , chú quyết định đi ra tìm một cái hang để trú qua đêm. Phải quá nửa đêm chú mới tìm được một cái hang. Nhưng khi bước vào, chú chợt nhận ra đã có một đôi vợ chồng và một hài nhi đang trú ngụ. Nhìn thấy chú, người mẹ liền nói: “Hân hạnh đón chào Em-ma-nu-en, chúng tôi đang mong chờ con!”.
Chú bé quá sửng sốt, nhưng người mẹ đã nói tiếp: “Đã từ lâu, con đi tìm để hỏi xem Chúa nói bằng thứ tiếng nào. Giờ đây cuộc hành trình của con đã có câu trả lời. Ngài nói bằng ngôn ngữ tình yêu”. “Thiên Chúa đã quá yêu thương thế gian đến nỗi đã ban cho thế gian chính Con Một của Ngài”.
Trong công trình cứu độ trần gian, Thiên Chúa đã chuẩn bị cho Con của Ngài đến trong thế gian và ở cùng loài người. Người Con đó đã hạ sinh trong một gia đình có Mẹ là Đức Maria và có cha là Ông thánh Giu-se. Như bài Tin Mừng hôm nay công bố nói về thánh cả Giu-se: Ngài là người công chính. Công chính ở đây diễn tả một con người có đầy đủ phẩm hạnh, đạo đức và khôn ngoan để đảm đương trách nhiệm cao trọng là làm cha nuôi Đức Chúa Con.
Nhìn vào cuộc đời của thánh Giu-se, chúng ta thấy nơi Ngài toát lên hai nhân đức nổi trội là tín thác và vâng phục. Thật vậy, thánh Giu-se không bao giờ làm theo ý riêng mình, nhưng luôn lắng nghe thánh ý Chúa qua lời mách bảo của sứ thần và ngay lập tức thi hành không thắc mắc hay nghi ngờ gì.
Thánh Giu-se cũng là một con người trầm tư, làm nhiều nói ít. Tuy rằng lúc đầu công trình cứu chuộc, ngài không hiểu nhiều về thánh ý Chúa Cha nhưng Ngài cứ âm thầm lặng lẽ thi hành mệnh lệnh một cách cần mẫn, không do dự: Nhận Maria về làm vợ, đang đêm đưa Hài Nhi sang ẩn trốn ở bên Ai Cập.
Và rồi sau khi Hê-rô-đê băng hà Ngài lại mau mắn nghe lời sứ thần đem Con Trẻ từ đất Ai Cập trở về Ít-ra-en và định cư tại Nazareth.
Như vậy trong công trình cứu độ của Thiên Chúa, thánh Giu-se đã được Thiên Chúa kêu mời và Ngài đã cộng tác và hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ trọng đại được trao phó.
Nay Ngài đã được Thiên Chúa tôn vinh và trọng thưởng trên Nước Trời.
Mỗi người chúng ta cũng được Thiên Chúa kêu gọi hợp tác với Ngài trong công trình cứu độ trần gian. Noi gương thánh cả Giu-se, chúng ta mau mắn đón nhận Tin Mừng cứu độ và đem Tin Mừng ấy giới thiệu cho mọi người sống chung quanh chúng ta, những người chưa biết Chúa, chưa tìm thấy ơn Cứu Độ của Thiên Chúa. Bằng chính đời sống của mình, siêng năng làm việc thiện, thực hành ý Chúa qua lời dạy bảo của các đấng bề trên, thay mặt Chúa.
Cầu Nguyện:
Lạy Cha, xin Ngài chúc lành cho những người sống trong bậc gia đình. Xin cho họ luôn biết yêu thương, tôn trọng và trung thuỷ với nhau, xin cho họ biết yêu thương và nuôi dưỡng, giáo dục con cái theo đường lối của Chúa, để nhờ đó Giáo Hội được thăng tiến và xã hội được an lành. Chúng con cầu xin nhờ Danh Đức Giê-su Kitô, Chúa chúng con. Amen.
Lạy thánh cả Giu-se, xin Ngài cầu bầu cùng Chúa cho chúng con biết noi gương Ngài; siêng năng làm việc thiện, luôn tín thác vào Chúa và trở nên người chồng tốt lành và một người cha mẫu mực. Amen.
Sống Lời Chúa:
Luôn tín thác mọi sự trong tay Chúa và nên nói ít, làm nhiều.
Đaminh. Trần Văn Chính.
Ngôn ngữ trái tim (18.12.2021)
Một mối quan hệ bền vững, trọn vẹn là khi không cần dùng ngôn từ để diễn tả, mà vẫn thấu hiểu nhau và tâm hồn được kết nối bền chặt, đó chính là Ngôn Ngữ của Trái Tim.
Hay nói một cách khác, THINH LẶNG chính là Ngôn Ngữ của Trái Tim.
Thinh lặng để lắng nghe nhau nhiều hơn, rõ ràng hơn trong sự ồn ào, vội vã của giòng chảy cuộc sống.;
Thinh lặng để được quan tâm đến nhau nhiều hơn, trước sự thờ ơ, vô cảm lan tràn ngày càng nhiều;
Thinh lặng để luôn sẵn sàng giúp đỡ nhau trọn vẹn hơn, kịp lúc hơn giữa những nhu cầu hiếm hoi, ít ỏi.
Đó chính là tâm thức của thánh Giu-se khi lắng nghe tiếng Chúa qua lời Sứ thần Truyền Tin cho Ngài, để từ đó thánh nhân nhận ra thánh ý Chúa muốn trong sứ vụ làm cha nuôi Con Chúa Trời.
Thánh Giuse đã thực thi sứ vụ Thiên Chúa giao phó cho Ngài trong thinh lặng.
Sứ vụ cao cả thật, từ đó cho thấy tình Thiên Chúa yêu thương muốn cho thánh Giu-se tham dự vào công trình Cứu Chuộc của Người từ khi Nguyên Tổ loài người phạm tội. Nhưng sứ vụ cao cả thì không phải không có những khó khăn, cũng không phải không thiếu những do dự và những dự định thoái lui, chùn bước. Bởi lẽ, Thiên Chúa Làm Người muôn đời vẫn là một mầu nhiệm ẩn giấu trong sự thinh lặng của Hài Nhi Giê-su. Thế nhưng, thánh Giu-se dù không hiểu ý định của Chúa nhưng Ngài đã nghe rõ ràng và hiểu cặn kẽ trong sự thinh lặng của Thiên Chúa. Thiên Chúa không nói trực tiếp với thánh nhân, nhưng nói qua giấc ngủ, nói trong cơn mơ. Tất cả vẫn là ngôn ngữ của thinh lặng.
Lạy Chúa, xin cho con biết nhận ra thánh ý Chúa trong sự thinh lặng. Amen.
Hư Vô
Mau mắn thực thi ý Chúa (18.12.2020)
Ghi nhớ:
“Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà” (Mt 1, 24).
Suy niệm:
Giáo xứ đón cha mới về nhận nhiệm sở. Trong giáo dân ít ai biết được dòng dõi, cũng như gia đình của cha xứ mới. Có vài người qua thông tin miệng họ biết được và nói cho nhau nghe về“ lý lịch” của cha, một người nói:
– Họ hàng của cha có nhiều người giầu lắm, về mặt đạo đức thì số nữ tu là năm vị, còn “ đỗ cụ” có bảy anh em là linh mục. Riêng gia đình cha thì có hai anh em làm linh mục và hai vị nữ tu.
Nhưng trong số giáo đân, có một người biết rõ về ông bà nội của cha. Người này cho hay:
– Sinh thời, ông bà nội của cha rất hiền lành, đạo đức, nhất là có lòng thương người. Trong khu xóm ai mà gặp khó khăn, túng thiếu, chạy lại nhờ cậy thì các ngài sẵn sàng giúp đỡ ngay!
Có người nhận xét:
– “Cha mẹ hiền lành để đức cho con”. Cổ nhân nói không sai mà. Nhưng có người nói nên sửa lại:
– Phải nói như vậy mới chính xác: “ Ông bà hiền lành để đức cho con, cho cháu”.
Gần đến ngày Đại lễ Giáng Sinh. Hôm nay Tin Mừng thánh Matthêu thuật lại cho chúng biết gốc tích của Ngôi Hai xuống thế. Đức Giê-su, Đấng Cứu Thế đã được thụ thai trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Để rồi sinh hạ đến trong thế gian.
Như lời Thiên Chúa Cha đã phán hứa sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội ăn trái cấm. Ngài đã không bỏ mặc con người sống trong lầm tham u tối. Ngài sẽ ban Con Một Chí Thánh của Ngài đến thế gian để nâng đỡ loài người, để phục hồi giá trị và cho họ được trở lại vị trí là con Thiên Chúa. Chính vì thế Thiên Chúa đã chọn Đức Maria làm mẹ của Ngôi Hai Cứu chuộc và chọn Thánh Giu-se một người công chính để thực hiện sứ mạng làm cha nuôi của Đức Giê-su trong cuộc sống trần gian.
Thánh Giu-se sau khi được sứ thần báo mộng thì Ngài hiểu ra và đã mau mắn thi hành lệnh truyền của Thiên Chúa. Chính nhờ sự vâng lời của Đức Maria cũng như của thánh Cả Giu-su mà công trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện cách trọn vẹn.
Cũng chính nhờ các Ngài mà Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng mà sứ thần còn gọi là: Em-ma-nu-en “ Thiên Chúa ở cùng chúng ta” mới đến nhập thể và ở cùng chúng ta.
Qua bài Tin Mừng hôm nay chúng ta suy gẫm về hai ý.
- Vì quá yêu thương nhân loại nên Thiên Chúa Cha đã ban Con Một đến thế gian cứu chuộc loài người.
- Sau khi được sứ thần báo mộng, thánh Giu-se đã mau mắn thược hiện lời hướng dẫn đó.
Bài học rút ra trong đoạn Tin Mừng hôm nay để áp dụng vào cuộc sống. Chúng ta phải luôn nhớ rằng tình thương mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, cụ thể là từng người cao vời và bao la biết chừng nào. Chính thánh sử Gioan đã viết lên rằng: “ Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài đế thế gian để những ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”( Ga 3, 16). Vậy để dáp lại tình thương yêu ấy chúng ta phải cố gắng sống sao cho xứng đáng với ân tình của Thiên Chúa. Noi gương thánh Cả Giu-se, sống khiên tốn, ít nói, làm nhiều và luôn mau mắn thực hiện những điều đẹp lòng Chúa,
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin chúc lành cho những người đang sống trong bậc gia đình. Xin cho họ luôn biết tôn trọng và trung thành với nhau. Trong bổn phận giáo dục con cái, xin cho họ biết sống nêu gương, hướng dẫn để những bé thơ được lớn lên trong yêu thương và đầy ân sủng. Nhờ đó Giáo hội được thăng tiến, xã hội được lành mạnh. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giê-su Ky tô, Chúa chúng con Amen.
Sống Lời Chúa:
Noi gương Đức Mẹ và thánh Giu-se mau mắn thực thi ý Chúa
Đaminh Trần Văn Chính.
Này đây Trinh Nữ sẽ thụ thai (18.12.2019)
Khi mùa Vọng sắp kết thúc, để tiến đến một biến cố trọng đại “Thiên Chúa giáng sinh”, Tin Mừng hôm nay kể lại câu chuyện quen thuộc về Chúa cứu thế nhập thể thật là tế nhị và éo le đối với thánh Giuse.
Đã đến thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con của Người đến thế gian, để ai tin vào Người Con sẽ được sống muôn đời, để cảm thông với thân phận con người, để đề cao và thánh hóa các gia đình, Người đã chuẩn bị làm con người thật và sinh ra trong một gia đình. Đức Trinh Nữ Maria đã ưng thuận lời Thiên Sứ truyền tin sẽ làm mẹ và đang mang thai Chúa Giêsu, bởi phép Chúa Thánh Thần. Còn thánh Giuse, người chồng của Đức Maria nhưng chưa về chung sống với nhau. Thánh Giuse chưa biết được thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa: mình sẽ là cha nuôi nhưng trước mặt người đời vẫn là cha đẻ, để bảo vệ, dưỡng nuôi. Gia đình mình sẽ là nơi nương thân của Chúa cứu thế hài nhi. Vậy khi đón vợ mình là Đức Maria về nhà mà thấy bà đã có thai thì buồn, toan tính bỏ bà và trốn đi một cách kín đáo. May thay sứ thần đã báo cho ông biết: “Này ông Giuse…Đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần…”. Mọi sự việc đã xảy ra để ứng nghiệm lời ngôn sứ đã loan báo từ trước: “Này đây trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai…”. Thánh nhân khi tỉnh giấc, ông làm như lời sứ thần Chúa dạy và “đón vợ về nhà”.
Giuse khi đã nhận ra thánh ý của Thiên Chúa, thánh nhân đã hết lòng phục vụ. Với sứ mệnh đặc biệt trọng đại dưỡng nuôi và bảo vệ Chúa cứu thế. Sau này ta sẽ thấy thánh nhân âm thầm và mạnh mẽ đưa Chúa cứu thế trốn chạy khỏi ác vương với bao chặng đường gian lao nguy hiểm hết nơi này đến nơi khác. Với hết lòng phục vụ thánh ý Chúa ấy, người đời đã không thể biết được thánh nhân là cha nuôi, mà họ coi Người như cha đẻ của Chúa Giêsu vậy. Ngày nay mỗi thánh lễ trong phần phụng vụ Thánh Thể, Thánh Giuse cùng Đức Maria luôn được nêu danh hàng đầu trong hàng ngũ các thánh, như để ghi công đức đặc biệt của Người.
Xưa kia Thánh Giuse đã cộng tác đắc lực vào công trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Ngày nay mỗi chúng ta hàng ngày có nhận ra được thánh ý của Thiên Chúa trong từng công việc mình không? Khi nhận ra có mau mắn vâng theo mà góp phần đem Tin Mừng của Chúa đến với tha nhân?
Lạy Chúa! Xin cho con sớm được nhận ra thánh ý Chúa trong mọi công việc của con, mà hăng say làm việc cho lợi ích của con và cho tha nhân theo thánh ý Chúa. Amen.
Gs. Ngọc Năng
Nhận ra thánh ý Chúa (18.12.2018)
Phúc Âm hôm nay thuật lại việc thánh Giu-se nhận ra thánh ý Chúa qua việc thiên thần “Truyền Tin” cho Ngài.
Khi biết Đức Ma-ri-a có thai trước khi Đức Ma-ri-a về chung sống với mình. Thánh Giu-se đã bị sốc tâm lý nặng, mọi cảm xúc, và niềm tin của thánh nhân bị xáo trộn dữ dội. Vì thế, người đã định tâm bỏ Đức Ma-ri-a cách kín đáo. Người băn khoăn không hiểu phải nên làm gì?
Sau đó thiên thần hiện ra với người trong giấc mơ và nói với người, “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về nhà.”
Từ giây phút đó người nhận ra rằng biến cố khó hiểu này nằm trong kế hoạch cứu độ nhân loại của Thiên Chúa.
Theo quan điểm của người phàm thì việc Đức Ma-ri-a có thai khi chưa chung sống với thánh Giu-se là một bi kịch gia đình. Nhưng ngược lại chính là hồng ân theo cái nhìn của Thiên Chúa. Tuy không hiểu được kế hoạch của Thiên Chúa hoạch định, nhưng thánh Giuse vẫn luôn sẵn sàng tín thác và để Thiên Chúa dẫn dắt cuộc đời mình.
Lạy Chúa, xin cho con biết nhận ra thánh ý Chúa qua các biến cố đời sống xảy ra hàng ngày để con luôn sống đẹp lòng Ngài trong việc chu toàn bổn phận gia đình. Amen.
CÁT BIỂN
Sự công chính là không nhận của mình, cái gì không thuộc về mình (18.12.2017)
Ghi nhớ:
Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã đính hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. (Mt 1,18)
Suy niệm:
Đức Maria mang thai là do quyền năng Thánh Thần đã ứng nghiệm sấm ngôn về Đấng Em-ma-nu-en. Còn ông Giuse, người trong dòng dõi Đa-vít, là chồng của Đức Maria, có nhiệm vụ nhận người con do Đức Maria sinh ra làm con của mình qua việc đặt tên cho con trẻ, nhờ thế Chúa Giêsu thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Theo phong tục hôn nhận của dân Ít-sa-en thì khi đính hôn đã thành vợ chồng trước pháp luật, nhưng việc rước dâu thường cách xa lễ đính hôn, có khi cả năm trời. Thường thì hai người không chung sống trước khi rước dâu, nhưng giả như có con với nhau trong giai đoạn này, thì đứa con vẫn là hợp pháp. “Nhưng trước khi ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền Chúa Thánh Thần”. Tuy nhiên “ông Giuse là người công chính, không muốn tố giác bà Maria, nên mới định tâm bỏ bà một cách kín đáo”. Sự công chính của ông là ở chỗ “không nhận của mình, cái gì không thuộc về mình”, đồng thời ông tôn trọng điều ông không hiểu nơi Đức Maria, và chọn cách âm thầm bỏ đi. Còn nếu trước khi Thiên Thần báo tin cho ông biết sự thật, thì sự tôn kính của ông là tôn trọng mầu nhiệm Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Maria.
Và lời Thiên Thần nói với ông Giuse là một mầu nhiệm khó tin nổi, vì bà Maria đã có thai do quyền năng của thánh thần. Nhưng tiếng xin vâng của ông Giuse và bà Maria rất cần thiết và quan trọng của kế hoạch cứu độ, nhờ đó Con Chúa mới sinh xuống thế làm người. Dù sao lời Thiên Thần nói với ông Giuse cũng chính là nói với chúng ta, là để giải thích nguồn gốc sứ mạng của Chúa Giêsu: Người từ Thiên Chúa mà đến, sinh làm người trong dòng dõi Đa-vít để cứu dân Người khỏi tội lỗi.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Giuse đã để lại cho chúng ta những tấm gương như sau:
Một người luôn làm và tuân theo ý Thiên Chúa, người đã sống âm thầm hằng cầu nguyện và cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa Giêsu, biết lắng lo, hy sinh, khiêm nhường, chịu đựng gian nan khó khăn lo cho gia đình. Đúng là mẫu gương cho biết bao gia đình sống trong bậc làm chồng làm cha noi theo.
Cầu nguyện:
Tình Yêu nhập thể (18.12.2015)
“Người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên – Chúa – ở – cùng – chúng – ta.” (Mt 1,23)
Vì yêu thương, Đức Cha Gioan Cassaigne đã sống 18 năm trời với những người cùi ở Di Linh, để rồi mang lấy bệnh cùi như họ, chết đi giữa họ… Vì yêu thương, mẹ Tê-rê-sa đã tìm đến những khu ổ chuột ở Can-cút-ta để sống với những người nghèo, người bất hạnh, để cảm thông, chia sẻ, an ủi họ, đem lại cho họ niềm vui và hy vọng. Những cuộc dấn thân như thế của các môn đệ Đức Giê-su phản ảnh chính tình yêu nhập thể của Thầy mình, Vị “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”! Nơi Đức Giê-su, Thiên Chúa không chỉ đến ở bên ta, mà thực sự trở thành một người giữa chúng ta! Người đảm nhận 100% thân phận của ta, chỉ trừ tội lỗi. Người đã sinh ra, đã lớn lên ở Nadarét. Người đã ngược xuôi giữa những người nghèo trên khắp ngả đường Pa-lét-tin, và cuối cùng đã chết như một tội nhân trên Núi Sọ.
Yêu người là hiện diện với người, kết hợp với người, chia sẻ trọn vẹn định mệnh của người! Tôi đã chuẩn bị tâm hồn đón mừng Chúa Giáng Sinh chưa? Mỗi ngày, trong hy tế Thánh Thể, ta cử hành chính sự hiện diện và sự kết hợp đầy yêu thương của Vị Thiên Chúa nhập thể. Và khi tôi thật sự có Chúa trong mình, người chung quanh chắc chắn sẽ nhận ra Người khi tiếp xúc, làm việc và sống với tôi. Bằng cặp mắt đức tin, tôi cũng nhìn thấy chính Chúa đang hiện diện trong những anh chị em mà tôi được gặp gỡ giao tiếp hằng ngày, nhất là những bạn nghèo ở xung quanh đời tôi.
Lạy Chúa! Xin đoái thương ở lại với con, vì con rất cần có Chúa trong đêm tối cuộc đời. Con không dám xin những ơn siêu phàm, chỉ xin được lòng Chúa hằng xót thương… Ngài mãi hiện diện trong tâm hồn con đến trọn đời. Amen.
BCT
Vâng theo Ý Chúa
“Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.” Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần dạy và đón vợ về nhà. (Mt 1,23-24)
Suy niệm: Các sách Tin Mừng không tường thuật bất kỳ lời nào của thánh Giu-se, ngay cả lúc tìm thấy trẻ Giê-su trong Đền thờ. Sự thinh lặng ấy, đối với gia đình, hàm chứa yêu thương; còn đối với Thiên Chúa, có nghĩa là vâng phục, vâng phục khi chân thành giữ Luật của Thiên Chúa. Con trẻ Giê-su được tám ngày tuổi, ngài giữ luật cắt bì và đặt tên cho con. Con trẻ được bốn mươi ngày tuổi, ngài đem con lên Đền Thờ để tiến dâng con cho Thiên Chúa cũng đúng theo luật. Thinh lặng là bầu khí cho cuộc sống kết hợp thân mật với Chúa; vì thế mà thánh Giu-se dễ dàng nhận ra ý Chúa và vâng theo. Khi băn khoăn về bào thai trong lòng Ma-ri-a, Giu-se tìm kiếm Thiên Chúa và vâng phục ý Ngài để đón nhận Ma-ri-a. Khi gia đình gặp cơn nguy khốn, thánh Giu-se tìm gặp Thiên Chúa để vâng theo, đem gia đình thoát cơn bách hại. Tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa và thinh lặng vâng theo là gương mẫu của thánh Giu-se cho chúng ta.
Mời Bạn: Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta đón nhận và vâng phục Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa làm người. Theo gương thánh Giu-se, bạn vâng giữ luật Thiên Chúa và suy niệm tìm thánh ý Ngài.
Chia sẻ: Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình vừa qua kêu gọi bạn làm gì?
Sống Lời Chúa: Trang hoàng bàn thờ và đặt Kinh Thánh ở chỗ trang trọng để khởi đầu chương trình đọc, suy niệm và sống với Chúa Giê-su.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ngự đến và biến đổi gia đình con kể từ hôm nay.
Làm cho Ngài lớn lên
“Bà sẽ sinh con trai và ông sẽ đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” (Mt 1,21 ).
Suy niệm: Trước ngày lễ Giáng Sinh, ta được nghe ba cuộc truyền tin: một cho thánh Giuse, một cho ông Dacaria và một cho Đức Maria. Thánh Giuse, người công chính, đã nhanh chóng “đọc” được ý nghĩa chương trình cứu độ của Chúa và cũng mau mắn vâng lời. Đặt tên cho em bé là nói lên quyền làm cha của em. Con Trẻ tên là Giêsu, nghĩa là Thiên Chúa cứu độ; và Ngài còn được gọi là Emmanuen, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Để cứu chuộc con người, Con Thiên Chúa đã đến trần gian, mặc lấy thân xác và sống giữa, sống với con người. Thiên Chúa đã đích thân đến với con người bằng một cung cách thật gần gũi và bình thường.
Mời Bạn: Mạc khải ơn cứu độ là công việc của Thiên Chúa, nhưng để thực hiện ơn cứu độ ấy thì cần đến sự cộng tác của con người. Chỉ khi bạn sẵn sàng dẹp bỏ chương trình, sở thích cá nhân, để mở lòng ra lắng nghe Lời Chúa, bạn mới có thể cộng tác với chương trình của Ngài. Như Đức Maria khiêm tốn đón nhận lời truyền tin hay tựa như thánh Giuse lập tức thi hành điều được báo mộng, bạn cũng hãy tìm mọi cách giúp cho Chúa Giêsu nhập thể và sống giữa môi trường của bạn.
Chia sẻ: Chúa Giêsu đang ở vị trí nào trong cuộc đời bạn?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ nỗ lực thực hiện câu quyết tâm sau đây: Hãy làm cho Ngài lớn lên trong đời sống và các sinh hoạt hằng ngày của mình.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin gìn giữ chúng con. Xin uốn nắn lòng người biết sẵn sàng đón nghe Lời Chúa, và củng cố tín hữu trong cuộc đời thánh thiện”.