65 năm trước Đức Giáo hoàng Gioan XXIII công bố mở Công đồng Vatican II

Lưu bản nháp tự động

Vào ngày 25 tháng 1 năm 1959, khi vừa được bầu chọn, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã khiến Giáo triều Rôma ngạc nhiên khi công bố dự án aggiornamento (canh tân) Giáo hội.

“Thưa các anh em đáng kính và các con thân mến, lòng đầy xúc động nhưng với một quyết tâm khiêm tốn, chúng tôi đề nghị triệu tập một công nghị giáo phận Roma và một công đồng chung cho Giáo hội hoàn vũ”.

Một thông báo bất ngờ

Chính với những lời này mà Đức Giáo hoàng Gioan XXIII đã công bố kế hoạch khai mạc Công đồng Vatican II. Nó được đón nhận bằng sự im lặng sửng sốt của 17 vị hồng y có mặt trong phòng họp của đan viện Biển Đức tại đền thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành. Đó thực sự là một cú sốc: không một hồng y nào vỗ tay cả.

Vào dịp lễ Thánh Phaolô Tông đồ Trở Lại, ngày 25.1.1959, Đức Thánh Cha đã đến Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành để tham dự bế mạc tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Sau đó, ngài tham dự thánh lễ do tu viện trưởng tu viện Biển Đức cạnh vương cung thánh đường chủ sự, trước khi cùng với 17 vị hồng y có mặt tại phòng họp của tu viện.

Sau khi nghe phần trình bày về tình hình Giáo phận Rôma của Đức Hồng y Vicar Clemente Micara, Đức Giáo hoàng, người được bầu chỉ ba tháng trước đó, đã có diễn từ tới các vị đứng đầu các thánh bộ của Giáo triều Rôma.

Khẳng định “trách nhiệm kép của mình với tư cách là Giám mục Rôma và Mục tử của Giáo hội hoàn vũ”, ngài bày tỏ mong muốn có “sự tương ứng rõ ràng và dứt khoát của triều đại giáo hoàng mới với các nhu cầu tâm linh của thời đại hiện nay”.

Thời thế thay đổi và những thách thức mới

Đức Giám mục Rôma tiếp tục mô tả những tác động của quá trình đô thị hóa đối với thủ đô nước Ý, nơi đã trở thành “một tổ ong thực sự của con người, từ đó phát sinh ra những tiếng nói bối rối không ngừng nghỉ”, một dấu hiệu của những thay đổi đang biến đổi xã hội và thế giới trong thời kỳ hậu chiến. Trong khi thừa nhận rằng có những nơi “ân sủng của Chúa Kitô tiếp tục nhân lên hoa trái”, ngài bày tỏ nỗi buồn trước “sự lạm dụng và thỏa hiệp quyền tự do của con người”.

Trong những năm đó, khi Ý và phương Tây đang trải qua thời kỳ bùng nổ kinh tế và sự ra đời của xã hội tiêu dùng, Đức Thánh Cha than thở khi thấy con người hiện đại “hoàn toàn theo đuổi cái gọi là của cải trần thế”, được tôn vinh bởi “sự tiến bộ của công nghệ hiện đại.”

Người kế vị Thánh Phêrô lập luận rằng những diễn biến này gây “tổn hại nghiêm trọng” đối với những gì đã tạo nên “sức mạnh phản kháng của Giáo hội và con cái Giáo hội” trước nguy cơ “chia rẽ tai hại và chết người”, “sự suy đồi về tinh thần và đạo đức”, và “sự hủy diệt của các quốc gia.”

Với suy nghĩ này, ngài kêu gọi các mọi người “nhớ lại một số hình thức cổ xưa của việc khẳng định giáo lý và những quy luật khôn ngoan về kỷ luật giáo hội” đã sinh hoa trái trong lịch sử Giáo hội.

Sau đó, Đức Thánh Cha công bố khai mạc công đồng đại kết cho Giáo hội hoàn vũ và thượng hội đồng cho Giáo phận Rôma. Ngài đặc biệt nhấn mạnh đến chiều kích đại kết, xuất phát từ nhu cầu ngày càng tăng về sự hiệp nhất giữa các giáo phái Kitô giáo.

Một thông báo sẽ định hình tương lai của Giáo hội

Hai sự kiện này, được linh hứng bởi “Thần Khí Chúa”, cũng sẽ dẫn tới “một sự cập nhật đáng mong đợi và được chờ đợi từ lâu của Bộ Giáo luật [1917]”. Trong cùng tinh thần đó, Đức Gioan XXIII thậm chí còn công bố “sắp ban hành” Bộ Giáo luật của các Giáo hội Đông phương. Hai dự án này đã không thành hiện thực cho đến rất lâu sau đó, nhiều năm sau Công đồng Vatican II (1962-1965): Thật vậy, phải đến năm 1983, Bộ Giáo luật mới được ban hành, và đến năm 1990, Bộ Giáo luật của các Giáo hội Đông phương mới được ban hành.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha yêu cầu các hồng y hãy ủng hộ và tin tưởng, đồng thời kêu gọi các vị giữ kín. Nhưng một thông cáo dài 20 dòng cuối cùng đã được Tòa Thánh công bố vài giờ sau đó. Thông tin đã được tất cả các tờ báo săn đón, mặc dù không phải lúc nào các nhà báo lúc đó cũng hiểu được ý nghĩa của hành động này.

“Đức Gioan XXIII rõ ràng vẫn chưa hết làm chúng ta ngạc nhiên,” tu sĩ Dòng Tên Robert Rouquette nhận xét trên tạp chí Études số tháng 3 năm 1959, chỉ ra sự mỉa mai của những người tuyên bố Đức Gioan XXIII là “một giáo hoàng chuyển tiếp, có thể cho Giáo hội nghỉ ngơi vài năm…”

Sau một thời gian dài chuẩn bị, Công đồng Vatican II đã khai mạc hai năm rưỡi sau đó, vào ngày 11 tháng 10 năm 1962.

Tâm Bùi (TGPSG) chuyển ngữ
từ Aleteia.org (24.1.2024)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *