Các Hội đồng Giám mục đồng thanh kêu gọi một cuộc hoán cải sinh thái sâu rộng để chăm sóc Ngôi Nhà Chung

Các Hội đồng Giám mục đồng thanh kêu gọi một cuộc hoán cải sinh thái sâu rộng để chăm sóc Ngôi Nhà Chung

Vatican News –Roberto Paglialonga

Hướng đến Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu COP30 sẽ diễn ra vào tháng 11 năm 2025 tại Brasil, các Giáo hội tại châu Phi, châu Á, châu Mỹ Latinh và Caribê đã công bố một tài liệu chung mang tựa đề: “Lời kêu gọi vì Ngôi Nhà Chung: hoán cải sinh thái, biến đổi và kháng cự trước các giải pháp giả tạo”. Văn kiện nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thúc đẩy một cuộc hoán cải sinh thái đích thực và thay đổi các hệ hình kinh tế hiện nay. Đồng thời, các Giáo hội cũng mạnh mẽ cảnh báo về các mô hình kinh tế “xanh” giả tạo, kỹ trị và xu hướng thương mại hóa thiên nhiên, vốn tiếp tục gây ra bất công và tàn phá công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Tài liệu đã được trình bày trong buổi họp báo tại Phòng Báo chí Tòa Thánh, với sự hiện diện của đại diện các Hội đồng Giám mục châu Phi và Madagascar (SECAM), châu Á (FABC), và châu Mỹ Latinh (CELAM), dưới sự điều phối của Ủy ban Giáo hoàng về châu Mỹ Latinh (PCAL). Tham dự buổi giới thiệu còn có các Hồng y Jaime Spengler (Chủ tịch CELAM và Hội đồng Giám mục Brasil), Filipe Neri Ferrão (Chủ tịch FABC), Fridolin Ambongo Besungu (Chủ tịch SECAM), và bà Emilce Cuda, Tổng Thư ký PCAL.

Khủng hoảng khí hậu: một thách đố luân lý và thiêng liêng

Tài liệu khẳng định rằng cuộc khủng hoảng khí hậu không chỉ là vấn đề khoa học hay môi trường, mà là một thực tại cấp bách, một thách đố sống còn liên quan đến phẩm giá con người và mối tương quan giữa nhân loại với tạo thành. Các Giám mục kêu gọi từ bỏ những “giải pháp giả tạo” như chủ nghĩa tư bản xanh, kỹ trị và khai thác thiên nhiên vô độ, vì chúng đặt lợi nhuận lên trên sự sống và tiếp tục duy trì bất công.

Thay vào đó, văn kiện mời gọi một cuộc hoán cải sinh thái sâu rộng, được nuôi dưỡng bởi đức tin, sự liên đới và trách nhiệm luân lý đối với công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Cuộc hoán cải này đòi hỏi một thay đổi tận gốc nơi con tim và cả trong cơ cấu kinh tế xã hội, chuyển từ lối sống tiêu thụ sang sự tiết độ vui tươi và sinh thái toàn diện như Thông điệp Laudato si’ của Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh.

Lời mời gọi từ các Giáo hội miền Nam toàn cầu

Trước thềm COP30 tại Belém, Brasil (10–21/11/2025), các Giáo hội miền Nam đã đồng lòng lên tiếng, kêu gọi bảo vệ những cộng đồng bản địa, người nghèo, phụ nữ, giới trẻ, người già và các nạn nhân của biến đổi khí hậu. Văn kiện được linh hứng từ Laudato si’ của Đức Thánh Cha Phanxicô và lời mời gọi của Đức Thánh Cha Lêô XIV trong việc chữa lành các vết thương gây ra bởi hận thù, thành kiến và những mô hình kinh tế loại trừ người yếu thế.

Giáo hội hành động: bảo vệ sự sống và kiến tạo liên đới

Văn kiện cũng phác thảo những hành động mục vụ và xã hội mà Giáo hội có thể triển khai:

  • Bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương trong các chính sách khí hậu;
  • Thúc đẩy một nền văn hóa tiết độ, liên đới và khôn ngoan theo truyền thống cổ xưa;
  • Củng cố tình hiệp thông giữa các Giáo hội miền Nam;
  • Thành lập một “Đài quan sát sinh thái” để theo dõi tiến trình thực thi các cam kết khí hậu.

Đặc biệt, tài liệu nhấn mạnh vai trò của giáo dục – như khí cụ chống lại sự thờ ơ và thái độ phủ nhận của các tầng lớp siêu giàu. Các Giám mục kêu gọi toàn thể cộng đồng quốc tế và giới lãnh đạo: tôn trọng Hiệp định Paris, đặt lợi ích chung lên trên lợi nhuận và chuyển đổi sang mô hình phát triển hài hòa với tạo thành, dựa trên nhân quyền và đạo lý Kitô giáo.

“Xây những nhịp cầu đức tin và liên đới”

Bà Emilce Cuda khẳng định: “Chúng tôi muốn đánh động cả người tin và không tin. Đây là thời điểm để các Giáo hội miền Nam liên kết với nhau và với toàn thể nhân loại trong một hành trình hiệp thông và hy vọng”. Bà nhấn mạnh: “Tài liệu là một minh chứng cụ thể cho khả năng vượt qua chia rẽ và ý thức hệ – vì hoặc chúng ta cùng hiệp nhất, hoặc tất cả sẽ cùng chìm”.

“Không có hoán cải sinh thái, sẽ không có tương lai”

Hồng y Jaime Spengler cảnh báo: “Không thể có sự chăm sóc ngôi nhà chung nếu không có hoán cải sinh thái, và không thể có hoán cải nếu không dứt khoát khước từ những giải pháp giả tạo”. Những lối đi như thương mại hóa thiên nhiên, độc canh năng lượng, hay tài chính hóa môi trường đang hiến tế các cộng đồng vì lợi ích của thiểu số.

Món nợ sinh thái: tiếng nói lương tâm

Tài liệu kêu gọi các quốc gia giàu nhìn nhận và đền bù món nợ sinh thái – vì đã đóng vai trò chính trong việc khai thác tài nguyên và gây ô nhiễm. Các vị chủ chăn mời gọi: chấm dứt phá rừng vào năm 2030, từ bỏ nhiên liệu hóa thạch, kiến tạo các cơ chế quản trị khí hậu với sự tham gia của cộng đồng và chuyển đổi sang mô hình kinh tế luân lý, tuần hoàn và phục hồi.

“Châu Phi bị tước đoạt, nhưng vẫn hy vọng”

Hồng y Fridolin Ambongo nhấn mạnh: “Châu Phi – lục địa thải ít khí nhà kính nhất – đang phải trả giá đắt nhất cho ô nhiễm toàn cầu, sau hàng thế kỷ bị khai thác tàn khốc”. Ngài cảnh tỉnh: “Việc tiếp tục khai thác dầu mỏ để tài trợ cho chuyển đổi năng lượng mà không từ bỏ dầu mỏ là một nghịch lý cần chấm dứt”. Từ bỏ nhiên liệu hóa thạch không chỉ để giảm phát thải, mà còn là hành động công bằng và đền bù món nợ luân lý đối với các dân tộc chịu thiệt thòi.

Hồng y Ferrão: “Cần có lộ trình bồi thường cụ thể”

Hồng y Filipe Neri Ferrão kêu gọi: cần thiết lập các cơ chế bồi thường công bằng, vì món nợ sinh thái của các nước giàu có thể lên tới 192 nghìn tỷ USD vào năm 2050. Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh: “Không chỉ cần tiền, mà cần một lộ trình rõ ràng để những hỗ trợ đó thực sự đến với các cộng đồng bị tổn thương nhất”.

Ngài kết luận: “COP30 không thể là một sự kiện mang tính hình thức, mà phải trở thành một bước ngoặt luân lý, nơi nhân loại chọn sống có trách nhiệm, trong liên đới và tôn trọng sự sống được Thiên Chúa trao ban”.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *