Thánh Thomas đã khéo léo tóm lược châm ngôn của Dòng : chiêm niệm và loan truyền cho người khác điều mình chiêm niệm. Tinh thần đó được thánh Ða Minh sống, sống mãnh liệt, và để lại cho Dòng một mẫu gương sáng ngời.
Chúng ta thường thấy ảnh thánh Ða Minh ngồi trầm ngâm, một tay để trên cuốn sách, một tay để trên ngực; bức ảnh đó thật sự diễn tả tinh thần của Ða Minh, một con người chiêm niệm, chiêm niệm trong cuộc sống, trong kinh nguyện và trong việc học hành. Việc chiêm niệm theo tinh thần Dòng Ða Minh luôn mang một nét riêng biệt : nhờ việc học hỏi.
Như chúng ta đã biết, cuộc đời thánh Ða Minh có thể tóm gọn vào câu : chỉ nói với Chúa và về Chúa. “Nói về Chúa” đó là sứ vụ của Ða Minh, nhưng đây không phải là chỉ nói những lời hời hợt ngoài môi, cũng không phải chỉ là những kiến thức sách vở mà là nói những điều đã được thấm nhuần sâu xa vào tận trong trái tim; nói đây là nói những điều mình đã chiêm niệm. Sử sách kể lại rằng thánh Ða Minh đã theo học 6 năm về các môn học đời và sau đó lại chuyên chăm 4 năm về Thánh Kinh tại trường Palencia, như vậy ngài nói về Chúa chắc chắn không phải chỉ như con người nhiệt thành mà như một chuyên viên, nghĩa là như một người có đầy đủ kiến thức, nhất là những kiến thức đó được đào sâu tới độ nhìn thấy trong đó hình ảnh của Thiên Chúa, quyền năng của Thiên Chúa, lòng nhân từ của Thiên Chúa. Học hành như là một hành vi chiêm niệm, đó là một cách học sâu xa của thánh Ða Minh.
Chúng ta thường thấy có một sự tách biệt nào đó giữa kiến thức và con người, đó là do người ta đã không biết chiêm niệm trong việc học hành, không biết khám phá thấy Thiên Chúa ở khắp mọi nơi. Nhiều người cảm thấy có những điều, những môn học hoàn toàn là “đời”, nghĩa là không có Chúa và, từ đó, họ tưởng rằng khi chú tâm vào việc đời thì không còn gặp gỡ Chúa được nữa. Có những người khác thì chuyên tâm học hỏi đạo lý, nhưng cũng chỉ thấy ở đó những tư tưởng, những kiến thức về Chúa chứ không gặp gỡ một Thiên Chúa sống động đang đối thoại với mình. Những điều đó chắc chắn không đúng với Ða Minh, ngài “nói với Chúa” không phải chỉ lúc cầu nguyện, nhưng trong toàn bộ cuộc sống, cũng như trong những lúc học hành.
Có thể nói được rằng nguyên tắc thần học tuyệt vời của thánh Thomas : “Siêu nhiên không phá bỏ tự nhiên nhưng kiện toàn tự nhiên”, nguyên tắc đó đã được thánh Thomas kín múc từ trong truyền thống của Dòng, nhất là từ Cha Thánh. Học hỏi theo tinh thần Ða Minh, chính là chiêm niệm. Việc học phải đưa người ta đến Thiên Chúa, dù là học bất cứ điều gì; học việc đời hay học việc đạo, hay học thánh khoa đều có thể đưa người ta đến gặp Chúa nếu người ta biết học hỏi trong tinh thần chiêm niệm. Bởi vì chẳng có gì ngoài Thiên Chúa, Ngài đã sáng tạo thiên nhiên, sáng tạo con người và cũng chính Ngài mạc khải ơn Cứu độ. Khi đào sâu việc học hỏi về thiên nhiên, về con người, về mạc khải đến mức độ chiêm niệm, tức là người ta khám phá ra nguồn gốc, khám phá ra sự an bài, quyền năng của Thiên Chúa vẫn đang hoạt động ở mọi nơi cùng với “con cái loài người”.