Các tiểu sử thánh Ða Minh kể rằng theo lời bà mẹ Gioanna thuật lại, nhiều khi vào thăm con ban đêm, bà thấy Ða Minh mới lên hai tuổi đã ra khỏi giường nệm để nằm trên tấm ván hoặc trên đất.
Ðiều đó có thể làm chúng ta hoài nghi. Thế nhưng có lẽ đó là cái nhìn hồi tưởng, nghĩa là sau khi đã thấy cuộc đời của thánh Ða Minh đầy tinh thần hy sinh, hãm mình thì các tác giả mới nhìn lại tuổi thơ của Ða Minh và nhìn những sự việc, có thể do ngẫu nhiên, như một tinh thần hy sinh này từ bé. Như vậy, dù có thể hồ nghi về thái độ của một đứa bé hai tuổi, nhưng tinh thần hy sinh hãm mình của thánh Ða Minh là điều không thể hồ nghi được. Cái nhìn hồi tưởng như vậy cho thấy một ý nghĩa đằng sau của sự mô tả, và người ta có thể thấy được rằng tinh thần hy sinh hãm mình của thánh Ða Minh đã in đậm trong tâm thức những người đã cùng được sống với ngài. Tinh thần hãm mình hy sinh đó, Ða Minh đã sống trong cả cuộc đời.
Các chứng nhân phong thánh kể rằng : “Trong cuộc hành trình cha vẫn giữ chay từ lễ suy tôn Thánh Giá (14-9) cho đến lễ Phục Sinh. Ngày cả trong mùa hè, cha vẫn giữ chay những ngày Giáo Hội chỉ là những ngày thứ sáu. Khi đi đường, cha vui vẻ dùng những thức mà người ta dọn cho, không bao giờ ăn thịt … Trừ khi bệnh, nhân chứng không bao giờ thấy ngài có một xó nào riêng để ngủ, ngài không thể có một chỗ ngủ nào mà nhân chứng lại không biết. Phần lớn ban đêm ngài dành để cho việc cầu nguyện” (cha Ventura de Véronne).
Còn cha Guillaume de Mont Feriat thì kể rằng : “cha dễ dàng chuẩn chước cho anh em, nhưng lại không bao giờ chuẩn chước cho chính mình … Trong suốt cuộc hành trình đến Roma, một lần nhân chứng thấy ngài bị một cơn kiết lỵ nặng. Dù vậy, ngài vẫn không ngừng ăn chay, kiêng thịt”.
Các nhân chứng khác còn kể “cha đi chân đất, vác giầy trên vai và chỉ khi vào làng mạc, thành phố mới đi giày vào…; khi bệnh cha luôn vui vẻ, chúc tụng Thiên Chúa và vui vẻ chịu đựng cơn bệnh …”
Tinh thần hãm mình, chay tịnh là điều không thể thiếu trong Kitô giáo. Chúa Giêsu cũng đã ăn chay 40 đêm ngày trước khi thi hành sứ vụ công khai. Việc ăn chay, hãm mình như vậy không hề mang ý nghĩa coi thường, khinh chê thân xác, bởi vì Thiên Chúa dựng nên mọi sự là tốt đẹp. Nhưng người Kitô hữu cũng hiểu rằng, do tội tổ tông, thân xác có thể làm dịp để phạm tội. Vì thế, chay tịnh và hãm mình là một thứ “phục vụ” thân xác, hoặc đúng hơn, phục vụ con người đúng đắn nhất, nó làm cho con người trở nên vững mạnh hơn trước cám dỗ, tội lỗi. Có những thứ “quỉ” mà “chỉ có cầu nguyện và giữ chay mới diệt được nó” (Mt 17,12)
Hơn nữa Chúa Giêsu đã nói :”ngày nào Tân Lang phải đưa đi thì họ mới giữ chay” (Mt 9,15) Như vậy, ý nghĩa chính yếu của việc hãm mình, chay tịnh chính là để trông chờ Chúa đến. Việc giữ chay làm cho ta ý thức sự yếu đuối, dòn mỏng của con người, từ đó mở lòng ra để đón nhận sức mạnh của Chúa và nhắc nhở ta luôn hường tới ngày cánh chung, ngày Chúa lại đến.
Thánh Ða Minh đã để lại cho con cái ngài một chứng tá hùng hồn về tinh thần hãm mình chay tịnh. Muốn trở thành con cái đích thực của cha thánh, đồng thời trở thành một người Kitô hữu nhiệt thành với Chúa, chúng ta không thể nào bỏ mất gia sản đó.