Ngày 19 tháng 10 năm 1997, thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu được ĐGH Gioan Phalô II trao tặng danh hiệu Tiến sĩ Hội thánh. Ngài là người trẻ nhất (24 tuổi) trong 3 vị nữ thánh được trao tặng danh hiệu này.[1]
Nhìn vào cuộc đời của chị Têrêsa chúng ta chắc không khỏi ngạc nhiên thắc mắc: “Đâu là điều khiến chị có được danh hiệu ấy?”; bởi cuộc đời chị quá đơn giản và bình thường, chẳng có chi là nổi trội. Thậm chí có người còn nhận xét: “Có lẽ với cuộc đời ấy chị đã chìm vào quên lãng, nếu không để lại cuốn tự thuật ‘Truyện một tâm hồn’ mà chị viết vì vâng phục.”[2]
Thật vậy, Têrêsa được sinh ra (1873) và được nuôi dưỡng trong một bầu khí đầy mộ đạo của một gia đình truyền thống nước Pháp. Nét mộ đạo truyền thống ấy được biểu hiện qua việc cả 5 chị em gái trong gia đình đều là nữ tu cả. Được hít thở trong bầu khí đạo đức kia, năm 15 tuổi (1888), Têrêsa gia nhập Dòng kín Carmel ở Lisieux. Ở đây, với bầu khí êm ả, lành thánh của tu viện kín, chị sống tiếp 9 năm còn lại của cuộc đời vắn vỏi. Có lẽ biến cố đáng kể nhất trong 24 năm sống mà chúng ta nhìn thấy được nơi chị là 18 tháng cuối đời chị phải chiến đấu với bệnh lao phổi nặng.[3]
Thế nhưng, sự vĩ đại của một vị thánh đâu hệ ở những biến cố hay những công trạng vang dội, song cốt ở việc họ thuộc về Chúa[4] đến mức nào mà thôi. Chị Têrêsa Nhỏ đã minh chứng cho chân lý ấy cách mạnh mẽ và đầy hồn nhiên bằng những dòng nhật ký của mình. Chị viết xuống ước mơ của chị:
“Phần con, con vẫn một lòng quả cảm muốn làm đại thánh. Con không cậy công con, có đâu mà cậy; con hoàn toàn cậy trông ở Chúa là sức mạnh, là chính sự thánh thiện. Những cố gắng nhỏ nhặt của con cũng làm Chúa vui lòng. Người sẽ nâng đỡ con lên tới Người, Người sẽ lấy công nghiệp cực trọng Người mà bù đắp cho con. Người sẽ làm con nên thánh.”[5]
Không chỉ mơ mộng suôn, Têrêsa còn sống lý tưởng kia trong đời thực bằng những hy sinh, tập rèn nhân đức. Có bận, khi đang giặt đồ, một Soeur cứ làm bắn nước bẩn vào mặt Têrêsa. Têrêsa vô cùng khó chịu. Chị muốn lùi ngay ra, lau mặt như để “giằng mặt” Soeur ấy. Nhưng rồi chị cố nén mình, không tỏ vẻ khó chịu gì hết, và cứ để nước bẩn ấy bắn lên mặt. Chị giải thích nguyên do như sau: “Con là một linh hồn rất nhỏ mọn, chỉ biết dâng lên Chúa những việc rất nhỏ mọn thế thôi. Thật là việc hèn mọn chẳng đáng gì, song đã mang lại cho con được bình an vui vẻ trong lòng.”[6] Một lần khác, khi đang là phụ tá giáo tập, Têrêsa đã “được” các chị em nhà Tập “góp ý” cách thẳng thắn về những khuyết điểm cũng như những điều các chị em ấy không ưa không thích nơi Têrêsa. Têrêsa đã đau khổ gọi nó là “một đĩa rau trộn, trộn rất nhiều giấm và thêm thắt nhiều vị đắng chát… đĩa rau trộn chẳng thiếu gì, chỉ thiếu chất dầu, một chất không có không thành rau trộn, chỉ thành một món chưa có tên gọi.”[7] Đối mặt với “đĩa rau trộn” này, chị Têrêsa lại coi đó như là “cách thức Chúa chăm sóc gìn giữ chị. Chúa chỉ muốn chị phải nén lòng bên trong, phải khiêm nhượng thật trong linh hồn.”
Với những tập rèn nho nhỏ ấy suốt 8 năm ròng trong tu viện, Têrêsa đã có thói quen “mỉm cười trước và trong đau khổ”. Thế nên, trong những ngày tháng cuối đời trên giường bệnh, dù liên tục ho ra máu, dù đau đầu như thể không làm chủ được mình, chị thánh vẫn hằng giữ được nụ cười trên môi. Bởi tận sâu trong thâm tâm mình, chị xác tín một điều rằng:“Một trinh nữ muốn hy sinh cho Tình Ái mà còn ghê sợ chút quà Bạn Thánh gởi cho sao? Lúc nào chịu nổi ngần nào, Bạn Thánh gởi cho ngần ấy, không bao giờ phải lo quá, giả như chốc nữa Người gởi thêm đau đớn, Người cũng sẽ gởi thêm sức chịu đựng. Tuy nhiên, chẳng khi nào con dám xin Chúa gởi cho đau khổ cả thể, vì sức con hèn yếu lắm. Con mà xin như thế, những đau khổ ấy sẽ thuộc về con và riêng sức con phải gánh lấy; nhưng sức riêng con có làm nên trò trống gì bao giờ?”[8]
Như thế đấy, nếu ví cuộc đời chị thánh với một bản nhạc, thì chắc bản nhạc ấy đều đều, buồn buồn, trầm trầm. Song, dường như trong từng nốt nhạc lại chuyên chở rất nhiều tâm ý của người nữ nhạc sĩ Têrêsa. Hay nói khác đi, chị đã thổi được hồn vào trong những chuỗi âm thanh đơn điệu kia. Cái hồn ấy là ao ước nên thánh, là mối tình của chị với Thiên Chúa là Đấng Thánh duy nhất.
Cuộc sống là thế, luôn cần những tâm hồn, luôn cần những tấm lòng. Và sự rung động của tâm hồn này sẽ gợi hứng và làm cho những tấm lòng khác cũng vỗ nhịp theo. Có phải vì thế mà Trịnh Công Sơn đã hát lên đầy xúc cảm rằng: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng… Hãy nghiêng đời xuống nhìn suốt một mối tình, chỉ lặng nhìn không nói năng.”[9] ?