Sống công bình (16.10.2024 – Thứ Tư tuần XXVIII Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Gl 5, 18-25 (năm chẵn); Rm 2,1-11 (năm lẻ); Lc 11, 42-46

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 11, 42-46)

42 Khi ấy, Đức Giê-su nói : “Khốn cho các người, hỡi các người Pha-ri-sêu ! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa. Các điều này phải làm, mà các điều kia cũng không được bỏ. 43 Khốn cho các người, hỡi các người Pha-ri-sêu ! Các người thích ngồi ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi ở nơi công cộng. 44 Khốn cho các người ! Các người như mồ mả không có gì làm dấu, người ta giẫm lên mà không hay.”

45 Một người trong số các nhà thông luật lên tiếng nói : “Thưa Thầy, Thầy nói như vậy là nhục mạ cả chúng tôi nữa !” 46 Đức Giê-su nói : “Khốn cho cả các người nữa, hỡi các nhà thông luật ! Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào.”

 

Sống công bình (16.10.2024)

“Khốn cho các ngươi, Biệt Phái. Các ngươi đi nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau quả, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa”.

         Lời Chúa hôm nay, tường thuật về việc những người Biệt Phái, họ đã tuân giữ lề luật một cách rất tỉ mỉ, nào là rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, họ lại nộp thuế thập phân về các loại rau củ quả thật đầy đủ. Nhưng các sự nho nhỏ chi li đó làm cho họ quên mất đi điều cần thiết và quan trọng hơn chính là “Đức công bằng”với tha nhân, và lòng yêu mến với Thiên Chúa. Chúa Giêsu thấy được sự giả dối nơi họ, Ngài đã lên tiếng quở trách thói đạo đức giả của họ.

       Suy nghĩ về cuộc sống hôm nay của chúng ta, về cách đối nhân xử thế của số đông ở đời, nhiều khi chúng ta cũng đối xử không công bằng với người khác, nhất là với những người yếu thế hơn ta. Ví dụ cụ thể như việc ta mau lẹ đóng góp tiền để tu sửa nhà thờ xứ ta, để hãnh diện được thấy tên tuổi mình được ghi vào sổ sách, được công bố giữa cộng đoàn giáo xứ. Ngược lại, nơi cơ sở mình quản lý trên các người lao công nghèo khổ, họ phải cật lực làm việc để có miếng cơm manh áo. Mình là cấp trên đáng lý phải biết thương yêu nâng đỡ đối xử tốt với họ, đằng này lại chậm trễ trả lương tháng, rồi còn bớt xén tiền lương, tiền tăng ca, tiền thưởng lễ Tết…., để họ phải chịu thiệt thòi trong sự ngậm đắng nuốt cay, vì biết mình yếu thế nên họ không dám lên tiếng, bởi có người chẳng chịu nổi sự bất công đó đã mạnh dạn lên tiếng thì bị đuổi việc ngay. Thế đấy! các Kẻ lãnh đạo vô tâm ấy, cũng giống những tên Biệt Phái trong câu chuyện hôm nay bị Chúa quở trách là: đạo đức giả.

      Lạy Chúa, xin ban ơn soi sáng cho chúng con biết đối xử công bằng với tất cả mọi người, nhất là với những ai nghèo khổ, xin cho chúng con biết có lòng thương xót như chính Chúa đã xót thương đến từng người trong chúng con. Amen.

BCT

Không là kinh sư, luật sĩ, nhưng là Giê-su (12.10.2022)

“Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái, và khốn cho các ngươi, hỡi những tiến sĩ luật”.

       Giáo lý của Chúa Ki-tô không đào tạo ra những “biệt phái, kinh sư, những tiến sĩ luật”, gian dối, bất chính, thất đức, mà sống ra vẻ thật thà, công chính, đạo đức trước mặt mọi người.

       Lời nào của Chúa Giê-su cũng là Lời Chân Thật, vì phát xuất từ Thiên Chúa Chân Thật. Ngài dạy chúng ta phải làm những việc mà chính Ngài đã làm trước khi dạy. Ngài dạy chúng ta yêu, là Ngài đã yêu cho đến chết. Ngài  dạy chúng ta hiền lành, là Ngài đã hiền lành nhân hậu từ bi đến tận cùng tha thứ khoan dung. Ngài dạy chúng ta khiêm nhường, là Ngài đã tự hạ đến thân phận tôi tớ hèn mọn sâu thẳm!

       Còn chúng ta, có phải, chúng ta vẫn nghe Lời Chúa, học Lời Chúa, có bằng cấp về Lời Chúa, có chia sẻ Lời Chúa, có rao giảng Lời Chúa, thế mà chúng ta chưa thực sự sống Lời Chúa? Lời Chúa nói: ”Ai giữ và dạy người ta giữ, mới là kẻ lớn nhất trong nước trời”. Vậy: “Ai không giữ Lời Chúa dạy, mà dạy người ta giữ thì chỉ là kẻ lớn nhất ở đời này thôi! Lớn nhất ở đời, không có chỗ lớn ở đời sau, thì được ích gì!”.

       Lời Chúa hôm nay đang lên án những “biệt phái, kinh sư, những tiến sĩ luật”, và lên án cả chúng ta, nếu chúng ta “không giữ Lời Chúa, mà lại dạy người khác giữ”. Đừng nói mà không làm. Nhưng hãy làm đi đã, rồi hãy nói. Thánh Augustino nói: “Hãy yêu đi, rồi làm gì thì làm”. Vậy tất cả chúng ta hãy yêu người như Chúa yêu trước đi rồi hãy dạy người khác, rồi mời thêm bà con cô bác cùng mình yêu mọi người như Chúa yêu, chứ đừng lớn tiếng mời gọi mọi người yêu nhau, chia sẻ cho nhau, còn mình thì chỉ biết yêu mình, ích kỷ với người khác, bobo giữ của lo cho cái tư riêng danh lợi dục của mình!

      Lạy Chúa, xin thương giúp cho tất cả mọi gia đình Công Giáo chúng con, biết luôn nhớ mình là trường học đầu tiên đào tạo cho con cái thành nên những người tốt, biết sống theo Lời Chúa dạy, để được trở nên đạo đức theo mẫu gương của Chúa Giê-su. Amen.

BCT

Đừng sống giả dối, đau lòng nhau (13.10.2021)

 

“Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái, và khốn cho các ngươi, hỡi những tiến sĩ luật”. (Lc 11, 43)

Giả, hay ảo, là chủ trương của loài ma quỷ chống lại Thiên Chúa rất chân thật. Vì thế, Chúa Giê-su nặng lời với những tiến sĩ luật, những người biệt phái sống ảo, sống giả hình và ví họ như “những nấm mồ di động”: bên ngoài thì đạo mạo sang trọng, nhưng bên trong thì thối nát, ô uế, nhớp nhơ! Lời Chúa còn rất thời sự với chúng ta hôm nay, vì chúng ta vẫn chưa thật với Chúa và cũng chẳng thật với nhau. Có người nói: con người văn minh dần lên từ thời kỳ sơ khai, đến thời kỳ đồ đá, đồ đồng, đồ sắt, rồi đồ sành, đồ gốm sứ… nhưng văn minh nhất là tiến lên thời kỳ đồ giả. Cái gì cũng giả. Nhân nghĩa giả, đạo đức giả thì ngại gì mà con người ta không làm ra những đồ giả.

Tưởng như thế là văn minh sao? Một cụ già nhận xét: “Mấy con khỉ nhà tui nó bắt chước giỏi lắm, mình làm cái gì nó làm theo đúng y chang”. Không biết cụ có ý trách con người đang tự hào vì tiến đến văn minh của loài khỉ không, nhưng suy cho cùng, có thể nói con người đang theo nhau sống ảo, bắt chước sống giả, sống dối, lừa bịp nhau! Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy chân thành yêu mến Chúa và yêu thương nhau. Đừng đóng kịch với Chúa nữa. Chúa biết rõ. Đừng đánh bóng đức yêu người cho sáng danh mình nữa. Chẳng lợi ích gì. Nhất là, đừng đóng những thước phim gia đình hạnh phúc nữa. Những nấm mồ di động! Đừng sống giả dối, mà làm gương xấu cho đoàn hậu duệ, làm hư đi một thế hệ kế thừa. Nếu chúng ta không thích mua lầm đổ giả, không thể sử dụng đồ giả, thì trong gia đình, cũng đừng sống giả dối với nhau, mà làm đau lòng nhau suốt những ngày đời!

Lạy Chúa, xin giúp các gia đình chúng con thật tâm yêu mến Chúa, thật tâm yêu mến nhau, đẹp lòng Chúa, đẹp lòng nhau, trước sau nên một trong tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh Chí Nhân . Amen.

BCT

Điều chính yếu (14.10.2020)

Tin Mừng hôm nay trích trong một đoạn Chúa Giêsu kể tội, khiển trách những người Pharisêu. Họ là những người thông luật đang cầm quyền, lãnh đạo dân Do Thái.

 Hôm nay Chúa giận dữ mà kể ra 3 tội lỗi lớn của họ:

– “Các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương và đủ thứ rau cỏ mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa”. Đây là khoản thuế phải nộp hàng năm bằng 10% thu nhập của mình để lo cho việc tôn giáo: phụng tự tế lễ trong đền thờ. Khoản thuế nộp hàng năm này, nhất là đối với người giầu có, những vị lãnh đạo mà quyền lợi của họ lại ở đó nữa thì việc nộp này dễ hơn đối với người nghèo khó. Còn với việc “thực thi lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa” thì chẳng dễ chút nào. Điều đòi hỏi thực thi mọi nơi mọi lúc, trong tâm hồn cũng như bên ngoài, việc lớn cũng như việc nhỏ, trước mặt mọi người cũng như nơi kín đáo. Chúa nhìn thấu lòng người Pharisêu nên Người đã lên án họ. Chúa không trách việc nộp thuế thập phân đầy đủ, nhưng trách họ coi điều chính yếu thành điều thứ yếu, lại còn bỏ qua điều chính yếu nữa.

– “Khốn cho các ngươi, các người thích ngồi ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi nơi công cộng”. Lòng kiêu ngạo của họ dám cho mình là nhất, là hơn người, muốn được người ta hầu hạ. Họ không hiểu được rằng chỉ có Thiên Chúa mới đáng được thờ phượng và “kính mến Người trên hết mọi sự”. Họ cũng không hiểu được rằng mọi khả năng, mọi thứ họ đang có đều là của Chúa ban và nếu rời Thiên Chúa ra thì họ sẽ ra sao?

– Cuối cùng Chúa khiển trách những người Pharisêu, họ là những người đang nắm giữ chính quyền của dân Chúa: “Khốn cho các ngươi nữa hỡi các nhà thông luật! Các ngươi chất lên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các ngươi dù một ngón tay cũng không động vào”. Đây chính là những người lãnh đạo bất công, chỉ biết hưởng lợi lộc mà không muốn thực thi trách nhiệm để đem lại lợi ích cho nước cho dân. Họ là những cán bộ dốt nát, hiếu danh hiếu lợi đang tham ô, tham nhũng làm suy tàn quê hương đất nước.

Hitle, một kẻ quyền lực phát xít thời đệ nhị thế chiến. Hắn thấy người ta tôn kính Chúa Giêsu hết lòng cả bề ngoài lẫn tâm hồn. Y cũng muốn bắt người dân, người lính phải tôn sùng mình như vậy. Nhưng rồi chỉ thấy người ta tôn sợ y trước mặt. Còn ngoài ra chỉ thấy họ bày tỏ với nhau sự bất mãn, căm giận với việc làm độc ác của y.

Đối lại với những con người độc ác trên đây, thì ngày nay có những doanh nhân hảo tâm, họ đã trích ra 10% thu nhập hàng năm để làm công việc bác ái, nâng đỡ những người nghèo khổ.

Lạy Chúa Giêsu! Chúa là Thiên Chúa, là người Thầy duy nhất đáng được mọi người ca tụng. Xin cho con biết nhận ra mình, nhận ra anh em  đều là thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên để mà ca tụng Chúa, mà thương yêu nhau. Cho con không đi theo vết xe đổ của những người Pharisêu, để khỏi bị Chúa kết án phạt muôn đời. Amen.

Giuse Ngọc Năng

Xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Chúa (16.10.2019) 

Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đã trách những người Pharisêu và những người Do Thái thông luật vì những nết xấu và những tội lỗi của họ: “Khốn cho các ngươi… các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương đủ thứ rau cỏ mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa…”. Người trách các ông chỉ coi trọng những nghi lễ bên ngoài mà quên mất điều chính yếu trong tâm hồn. Việc nộp thuế thập phân cho đền thờ là điều cần thiết phải có cho những người phục vụ đền thờ. Nhưng nó chỉ diễn ra theo thời theo vụ. Còn việc thực thi đức công bình bác ái và lòng yêu mến Thiên Chúa, nó phải diễn ra hàng ngày mọi nơi mọi lúc trong cả tâm hồn lẫn bên ngoài. Đây là điều chính yếu của người công chính. Chúa còn trách các ông hay  phô trương tự đắc: “Thích ngồi ghế đầu trong các hội đường, thích người ta chào hỏi nơi công cộng”. Đây là tội tự đưa mình lên cao, tội kiêu ngạo mà Chúa rất ghét. May thay Chúa chỉ mới khiển trách, chứ chưa phạt tức khắc vào hỏa ngục như phạt thiên thần Luxiphe đàn anh của họ.

Những người Pharisêu này họ mang danh là những nhà cầm quyền, những người thông hiểu Kinh Thánh, luật lệ.  Nhưng họ đã  chẳng mang lại lợi ích niềm vui gì cho dân cho nước. Bởi vậy Chúa đã khiển trách, khinh miệt: “Các ngươi như những mồ mả không có gì làm dấu người ta giẫm lên mà không hay”. Nhất là họ sẽ bị lên án muôn đời bởi tội giết Chúa cứu thế.

Cuối cùng Chúa lên án người Pharisêu, những người thông luật, cầm cân nảy mực cho dân cho nước mà sống gian ác bất công. Họ nên kẻ cầm quyền tham ô, tham nhũng, kẻ trộm cướp: “Các ngươi chất lên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các ngươi thì dù một ngón tay cũng không động vào”.

Giờ đây mỗi chúng ta hay nhìn lại vai trò của mình nơi xã hội, nơi Giáo hội và gia đình để xem mình có còn mắc những bệnh hoạn của những người Pharisêu mà Chúa khiển trách không?

 Có một thầy thuốc tài giỏi nhưng ông thân vân chưa chịu truyền nghề cho mấy con trai mình. Ông nói: “Nếu thiếu đạo đức thì khi làm nghề này họ sẽ thành những tên trộm cướp đối với người bệnh”. Cảm ơn người thầy thuốc có tâm.

Lạy Chúa! Xin cho con tránh xa vết xe lỗi lầm của người Do Thái xưa, để con sống khiêm tốn yêu thương đối với mọi người, xứng đáng được Chúa yêu, được khen thưởng trên quê Trời. Amen.

Gs. Ngọc Năng

SỐNG THẬT LÒNG VỚI CHÍNH MÌNH VÀ VỚI ANH EM

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lên án một cách gắt gao về thái độ đạo đức giả của những người biệt phái. Họ là những người chuyên lo việc giải thích những luật lệ tôn giáo. Nhưng cái cốt lõi của tôn giáo là bác ái yêu thương thì họ không để ý tới. Chúa Giêsu nói: “Họ không động đến ngón tay”. Khi ở chỗ đông người, họ xuất hiện như những nhà đạo đức chân chính, nhưng Chúa Giêsu bảo: “Họ giống như những mồ mả tô vôi, bên trong chỉ toàn là mớ xương hôi thối”. Đó là những hình ảnh của những người đạo đức giả, của những người rao giảng Tin Mừng nhưng không sống điều mình đã loan báo, của những người mang danh hiệu Kitô nhưng không sống tinh thần Kitô.

Thật lòng đem lại yêu thương

Dựng xây cuộc sống : “Thiên đường dương gian”

Để luôn rộn rã hân hoan

An lành hạnh phúc ngập tràn muôn nơi

Người Pharisiêu coi trọng những cái thứ yếu mà không chú ý đến những điều chính yếu, lẫn lộn cái chính yếu với cái phụ tùy, quá chú trọng đến cái bên ngoài mà đánh mất cái chính yếu bên trong là đức công bằng. Họ lo nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương và đủ mọi thứ rau cỏ, lo đến hình thức lễ nghi, khoe khoang tự đắc, háo danh, giả hình, không thành thật, không có lòng yêu mến Thiên Chúa và không sống công bằng với tha nhân.

Thật lòng cao quý tuyệt vời

Cho người tin tưởng, cho đời tín trung

Tâm tư tình cảm ung dung

Người người yêu mến, điệp trùng nghĩa nhân

*

Thật lòng chẳng chút phân vân

Nói làm trung thực muôn phần đẹp thay

   Người tốt, việc tốt là đây

Thân thương trìu mến tràn đầy hương hoa

 

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy: Ðức Giêsu không bác bỏ việc chúng ta giữ Luật, nhưng phải giữ với lòng yêu mến thật sự, chứ đừng giữ vì hình thức. Ngài cũng lên án tính huênh hoang tự cao tự đại, và chỉ biết hưởng thụ còn trút tất cả những khó khăn cho người khác. Lời Chúa hôm nay là một lời nhắc nhở thiết thực cho mỗi người chúng ta, giúp chúng ta nhìn lại đời sống của mình để điều chính bản thân và tránh những điều mà Chúa Giêsu đã không hài lòng.

 

Thật lòng tình nghĩa bao la

Điểm tô cuộc sống đậm đà mến thương

Thật lòng tỏa sáng muôn phương

Cùng nhau ta hãy noi gương thật lòng

Lạy Chúa! Có những lúc, chúng con đã thờ ơ, không chú ý đến Lời Chúa, lại đi tìm cái hào nhoáng bên ngoài để che đậy những thói hư tật xấu bên trong. Chạy theo lợi ích vinh quang cho mình thay vì để Chúa được vinh danh… Xin Chúa cho chúng con biết tự vấn lại đời mình, để hoán cải và canh tân, hầu biết suy nghĩ và hành động theo ý Chúa. Amen.

 HOÀI THANH

Khốn cho các người (12.10.2016)

Trong Tin Mừng hôm qua, Thầy đến tận nhà ông Pharisêu (bậc thầy luật lệ) để dùng bữa, mà Thầy bỏ qua cái luật “tối thiểu” là rửa tay trước khi ăn. Nên ông ấy ngạc nhiên và “đánh giá” Thầy.

Biết tỏng tường, Thầy liền “khai thông mở lối” với những lời khiển trách nghe hơi nặng: “Khốn cho các người, hỡi các người Pharisêu! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa. Các điều này phải làm, mà các điều kia cũng không được bỏ. Khốn cho các người, hỡi các người Pharisêu! Các người thích ngồi ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi ở nơi công cộng” (Lc11, 42-43).

Các ông chỉn chu giữ những điều luật nho nhỏ như nộp thuế thập phân (chỉ nhẹ nhẹ như thuế VAT ngày nay) về rau cỏ bạc hà, mà chẳng kể “lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa.” Bên trong thì chất chứa đủ thứ hằm bà lằng! Lại còn thích nổi nang danh tiếng, ngồi ghế “nhất” cho người ta thấy mà khen, là trung tâm được chú ý trong “nhà Chúa”, ra nơi công cộng được nhiều người kính nể ngả nón kính chào. Nghe Thầy trách các ông Pharisêu, không biết có tật không, một trong số các nhà thông luật cũng giật mình cạnh lòng: “Thưa Thầy, Thầy nói như vậy là nhục mạ cả chúng tôi nữa!” (Lc 11, 45). Thầy lại quay sang: “Khốn cho cả các người nữa, hỡi các nhà thông luật! Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào” (Lc 11, 46).

Thường tình thì ai cũng muốn chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ để phần người ta! Khó với người, dễ với ta, đòi hỏi người khác khắt khe nghiêm khắc, đùn đẩy trách nhiệm, phần khó cho người khác, còn mình gọi là nhúng tay cho có làm là đã đủ đã xong, kinh lễ bề ngoài đầy đủ, còn bên trong thì như “mồ mả không có gì làm dấu”. Nếu bây giờ Thầy quay sang hỏi con: “Được người ta chào hỏi, khen ngợi, nổi nang con có thích không?” Con lí nhí: “dạ có”. “Con muốn gánh lấy những việc âm thầm mà khó khăn, còn việc nhỏ êm danh dự để phần người ta không?” “Dạ… không”! Vậy thì con giống hệt các bác Pharisêu và thông luật trên kia. Thầy cũng phải xót xa mà kêu khốn cho con như thế.

Hôm nay thánh Phaolô mời gọi mỗi người hãy nhìn vào và kiểm xét chính con người tốt xấu lẫn lộn của mình,  xem có các hội chứng “xác thịt” này không? Ấy là “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy” (Gl 5, 19-21a). Và mỗi người hãy xét lại trong ta có được hoa quả của “Thần Khí” chưa? Đó là:bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5, 22-23).  

Thầy Giêsu ơi! Nếu ngày nay chúng con đủ lòng yêu thì tự nhiên sẽ trung tín với Thầy, từ con tim tràn ra bề ngoài. Chúng con sẽ vừa chu toàn mọi việc nhỏ mà không bỏ việc lớn, vì sẽ làm Thầy buồn. Xin Thầy hoán cải, đẩy xa những gì thuộc về “xác thịt” trong chúng con, mà thay vào bằng hoa quả của “Thần Khí”, bởi vì “không có luật nào chống lại những điều như thế.” (Gl 15, 23).

                                                                       Én Nhỏ

Xắn tay áo lao vào truyền giáo

“Các ngươi chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các ngươi, thì dù một ngón tay cũng không động vào.” (Lc 11,46)

Suy niệm: Sự kiện một số giám đốc doanh nghiệp công ích nhận lương “khủng” trong khi công nhân vất vả vật lộn với lương “còm” đã bùng lên nỗi bất bình trong xã hội. Dư luận không chỉ bất bình vì sự chênh lệch lương quá lớn, mà còn vì tình trạng thiếu công bằng trong việc san sẻ công việc và trách nhiệm. Trên cánh đồng truyền giáo bao la, biết bao người đang tất bật với những gánh “không thể gánh nổi”, mà vẫn có những người “một ngón tay cũng không động vào” thì quả là một thảm hoạ. Đòi hỏi này không phát xuất từ những xung đột quyền lợi, nhưng từ bản tính của Giáo Hội và của mỗi Kitô hữu khi được lãnh bí tích Rửa Tội. Bản tính của Giáo Hội là truyền giáo và mọi Kitô hữu là những nhà truyền giáo. Theo Đức Gioan Phaolô II, càng truyền giáo thì đức tin càng mạnh mẽ và khi không truyền giáo, thì đó là dấu hiệu đức tin đang bị khủng hoảng.

Mời Bạn: Bạn đang đóng góp gì cho cho việc truyền giáo ở nơi bạn đang sống? Hay bạn đang thuộc diện “một ngón tay cũng không động vào” công việc truyền giáo?

Chia sẻ cho nhau những gương sáng truyền giáo mà bạn ấn tượng nhất và đề ra quyết tâm của bạn.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày có một việc truyền giáo làm hy lễ dâng lên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trách những kẻ không san sẻ gánh nặng trách nhiệm với anh chị em. Xin cho con thức tỉnh vì Lời Chúa hôm nay, để con xăn tay áo lao vào công việc truyền giáo với Giáo Hội.