Ngày 14 tháng 11 Chân phước LU-XI-A NA-NI Nữ tu (+1503)

Ngày 14 tháng 11
Chân phước LU-XI-A NA-NI
Nữ tu (+1503)

Tiểu sử
Tiểu sử của chân phước Lu-xi-a Na-ni rất thi vị, được trình bày dưới dạng phóng tác. Chân phước có tên gọi Lu-xi-a Na-ni, chị sinh tại thị trấn Om-bơ-ri-ê, nhưng phần lớn cuộc đời chị sống tại Phe-ra-rê. Hầu như toàn bộ cư dân trong thị trấn nhỏ bé của chị đều làm chứng rằng, thời thơ ấu của chị đã dệt nên nhiều câu chuyện rất ly kỳ, vừa duyên dáng lại vừa hồn nhiên biết bao.

Thật vậy, năm 12 tuổi chị Lu-xi-a đã dâng mình cho Chúa bằng lời khấn được chuẩn nhận qua một vị linh mục là cha giải tội của chị, và là bề trên của một tu viện Ða Minh. Thân phụ muốn chị lập gia đình, nhưng chị một mực từ chối. Sau khi thân phụ qua đời, các anh em của chị lại lôi kéo chị vào các cuộc vui chơi, lễ hội và sự xa hoa của một vị lãnh chúa đã từng có những quan hệ thân thiết với họ. Ngày nọ, chị được mời đến đại sảnh của toà lâu đài, nhưng chị không biết là để ra mắt với một thanh niên, tại đây còn có sự hiện diện của gia đình hai họ và hai vị chứng hôn. Người chú của chị liền tuyên bố rằng, chàng thanh niên này sẽ là chồng của chị, rồi ông nắm tay chị đặt vào tay chàng thanh niên để anh ta trao nhẫn cho chị. Bất ngờ như sét đánh ngang tai, chị Lu-xi-a tháo nhẫn ra quăng dưới chân đám đông, rồi táng cho “vị hôn phu” một cái tát nảy lửa, đoạn chạy trốn khỏi nơi đó.

Ít lâu sau, đến lượt bá tước Phê-rô ở Mi-lăng. Vốn lâu nay đã si mê sắc đẹp của chị, ông đến xin cầu hôn và chị bị ép phải nhận lời. Chị vẫn khăng khăng phản đối, cuối cùng chị bị té xỉu rồi ngã bệnh trầm trọng. Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a, thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na và thánh Ðô-mi-ti-lê hiện ra bảo chị nên lập gia đình, ít nhất là theo những hình thức bên ngoài. Chị liền chạy đến xin sự hướng dẫn của cha giải tội. Năm đó chưa đầy 16 tuổi, chị nhận lời bá tước Phê-rô, nhưng lại tuyên bố thẳng thắn với ông rằng, chị đã thuộc về Thiên Chúa qua lời khấn, nên chị chỉ có thể ưng thuận cuộc hôn nhân này với điều kiện là được tự do giữ mình thanh khiết. Bá tước Phê-rô cứ đinh ninh rằng, từ từ cũng sẽ thuyết phục được vợ. Thế nhưng, khi thì dùng những lời đe dọa, lúc thì tỏ thái độ trìu mến, hoặc những tình huống bất ngờ, bá tước vẫn không thể nào khuất phục được chị. Chị nằm ngủ trên đất, ăn chay và cầu nguyện liên lỉ.

Trong giai đoạn này, dù mới hơn kém 16 tuổi, chị đã khéo léo điều hành mọi sinh hoạt trong gia đình cùng với các gia nhân một cách thành thạo. Tuy nhiên, cung cách điều hành các gia nhân và đường lối huấn luyện đạo đức của chị xem ra ngày nay khó có thể chấp nhận được. Ngày ngày, họ cùng lần chuỗi Mân côi với nhau, chịu Mình Thánh Chúa trong các dịp lễ, khiển trách những người ăn nói buông tuồng, sa thải nhửng những người thiếu đức độ… Ðồng thời, chính chị lại nhận công việc đi giặt quần áo ở ven sông, đội chúng lên đầu, rồi băng qua một con đường mòn để về nhà.

Thế còn chồng của chị thì sao ? Ông mòn mỏi chờ đợi trong âm thầm và cảm phục đức hạnh của vợ. Nhưng thời gian vẫn cứ trôi đi, ông nổi cáu và bắt đầu nghi ngờ về sự không chung thủy của vợ. Ðôi khi có những hoàn cảnh mà chúng ta phải đặt mình vào mới có thể hiểu biết và cảm thông ! Ngày nọ, khi chị Lu-xi-a lánh mình vào nơi hoang vắng, thánh Ða Minh và thánh Phê-rô Vê-rô-na phải hiện ra để thuyết phục về vai trò của chị là phải có mặt ở gia đình. Khi chị trở về, vị bá tước hay biết chị đã vắng nhà suốt đêm nên ra lệnh nhốt chị vào ngục tối, chỉ cho bánh mì và nước lã, rồi bỏ chị ở đó suốt mùa Chay. Vào dịp lễ Phục sinh, ông trả tự do cho chị và nói rằng, từ nay chị có thể cứ sống theo như ý muốn của mình. Chị Lu-xi-a đồng ý và lập tức trở về nhà thân mẫu. Chị xin cha giải tội cho chị được gia nhập dòng Ba Ða Minh. Cha vốn là người khôn ngoan và cẩn trọng, nên cần phải làm nhiều cuộc điều tra kỹ lưỡng. Thế nhưng, cha chợt nghĩ rằng, chắc hẳn đây là việc của Chúa Thánh Thần, nên đã giúp chị được thỏa lòng ước nguyện.

Trong cơn giận dữ, chồng của chị đã phóng hỏa tu viện. Chị Lu-xi-a trước tiên được gởi đến Rô-ma, rồi đến Vi-te-bê trong một đan viện của các nữ tu để tránh những cuộc trả thù. Tại đây, chị bắt đầu đối diện với những thử thách thật khủng khiếp, chị được ghi năm dấu thánh và được ơn xuất thần chiêm ngưỡng cuộc Vượt Qua của Chúa Giê-su. Trong đêm 24 rạng ngày 25 tháng 2 năm 1496, cũng là ngày thứ sáu trong tuần thứ hai mùa Chay, 26 chị em trong cộng đoàn đã chứng kiến cảnh tượng này và họ bị cuốn hút theo dõi một cách chăm chú trong suốt 12 giờ liền. Các cuộc điều tra của Giáo hội về sự kiện này đã đưa ra nhiều bằng chứng và cả những phản chứng nữa, bởi lẽ không có nhân chứng nào đệ trình cho hội đồng giám định biết về sự kiện chị Lu-xi-a được in dấu thánh. Những hiện tượng này tái diễn nhiều lần trong suốt ba năm rưỡi. Năm 1497, sự kiện này trước tiên được giao cho một tu sĩ Ða Minh ở Ga-ri-nha-nô điều tra, biên bản vẫn còn được lưu giữ tại công hàm của toà thánh Va-ti-ca-nô ; rồi tiếp đến là cuộc điều tra của A-lê-xan-đơ Bóoc-gia ; tuy vậy, vẫn chưa đủ những chứng cớ để quả quyết đây là một sự kiện thần bí. Cuối cùng toà thánh đành phải triệu chị Lu-xi-a về Rô-ma để điều tra. Tất cả đều công nhận tính xác thực của sự kiện. Ðến lượt mình, bá tước Phê-rô cũng đến Vi-te-bê để thăm vợ. Bà nói với chồng về Chúa bằng một tâm tình sốt mến đến nỗi ngay lập tức ông quyết định từ bỏ thế gian và gia nhập dòng Anh em Hèn mọn. Tại đây, ông đã sống trọn quãng đời còn lại trở thành một nhà giảng thuyết nổi tiếng.

Quận công Héc-quyn Phe-ra-rê vốn luôn sống trong những ảo tưởng về tiếng tăm của mình, hơn nữa lại còn theo đuổi cuộc chạy đua giữa vùng Phe-ra-rê và Phi-ren-xê về sự hào nhoáng và về học thức. Ngày ngày, ông tổ chức các buổi lễ hội linh đình, sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để mua vui cho giới thường dân, tổ chức các vũ hội cho giới quí tộc, và thuê mướn đào kép trình diễn tấu hài. Tuy nhiên, ông cũng tỏ bày ưu tư về tôn giáo và các sự kiện thần bí nên thường mời những người nổi tiếng trong lĩnh vực này đến. Khi nghe biết về chị Lu-xi-a ; ông đệ trình lên đức giáo hoàng một thỉnh nguyện muốn xin chị Lu-xi-a đứng ra thiết lập một đan viện tại Phe-ra-rê và ông cam kết sẽ trang trải mọi phí tổn cho việc xây cất. Ðức giáo hoàng A-lê-xan-đơ VI đã chấp thuận lời thỉnh nguyện của ông.

Ðây là một câu chuyện thật rắc rối và kéo dài gần hai năm, từ tháng 8 năm 1497 đến tháng 4 năm 1499. Ðức giáo hoàng yêu cầu chị Lu-xi-a đi Phe-ra-rê nhưng các giới chức ở Vi-te-bê không tán thành. Vì âm mưu chiếm đoạt bị thất bại, thế là toà thánh huy động một đội quân tinh nhuệ để bắt cóc chị Lu-xi-a nhân dịp chị hành hương đến La Kê-xi-a. Ðối lại, các quan chức tại Vi-te-bê cũng triệu tập 200 kỵ sĩ và cả bộ binh để đương đầu với cuộc bắt cóc này. Mặc cho sự can thiệp của nhiều hồng y, bề trên tổng quyền Dòng Ða Minh, hai chiếu chỉ của toà thánh, 60 bức thư thương thuyết và đông đảo các sứ giả từ Vi-te-bê được gởi đến hội đồng tòa thánh, sự hiểu lầm giữa các anh em Ða Minh với nhau… quận công Phe-ra-rê vẫn gia tăng âm mưu bằng cách chi một khoảng tiền lớn để đút lót cho những người không chịu nhượng bộ…

 

Cuối cùng, đức ông Phê-li-nô đã hối lộ tổng trấn Vi-te-bê, ngày 14-4-1499, ông tổng trấn đã để chị Lu-xi-a trốn thoát trên lưng lừa, ẩn núp trong một chiếc giỏ lớn ngụy trang đầy vải sợi…. Viên đá đầu tiên của đan viện được đặt tại Phe-ra-rê và chị Lu-xi-a bắt đầu tập hợp các chị em Dòng Ba trong một tu viện tạm thời. Nhưng quận công đã vận dụng quá mức sự độc tài để gia tăng nhân sự cho cộng đoàn mới này, ông buộc các chị em trong các cộng đoàn khác phải gia nhập vào cộng đoàn này. Chỉ trong vòng 10 tháng sau khi mở cửa đan viện, số con cái của chị Lu-xi-a đã lên tới 59 người. Tuy nhiên, điều này đã dẫn đến nhiều chống đối…

Vào ngày 5-8-1501, chị Lu-xi-a và các chị em khánh thành tu viện ; các cơ quan truyền thông của chính phủ đã đưa tin về lễ khánh thành như là một sự kiện mang tầm mức quốc gia. Quận công làm giàu thêm cho đan viện bằng việc đặt các tác phẩm nghệ thuật trong nguyện đường, trang bị nhiều pho sách quý cho thư viện và lưu giữ các di tích thánh. Quận công Héc-quyn vẫn đeo đuổi giấc mộng hoang tưởng. Ông đã áp đặt ý muốn của mình để sai bảo các nữ tu. Thật vậy, ông đã dùng ảnh hưởng của nàng Lúc-re-xê Bóoc-gia là vị hôn thê của con trai mình để đưa 11 nữ tu đến đan viện của chị Lu-xi-a ở Phe-ra-rê nhân dịp đưa dâu. Trong thời gian diễn ra những lễ hội kỳ quặc của đám cưới, cùng với hai vũ công tháp tùng hai bên, quận công dẫn các sứ giả đến đan viện để ghi nhận những vết tích chịu nạn của chị Lu-xi-a và họ đã bị cảm hóa bởi những cuộc đối thoại với chị. Ông còn bắt 10 nữ tu khác từ Dòng Cả (Grand Ordre) chuyển đến đan viện của chị Lu-xi-a, điều này đã dẫn tới sự xáo trộn khủng khiếp…

Cái chết của quận công vào năm 1505 là dấu hiệu của sự biến động hoàn toàn : tu viện rơi vào tình trạng kiệt quệ về tài chính, 50 nữ tu phải tự sinh sống khổ cực và nhọc nhằn. Ít lâu sau, chị Lu-xi-a bị rơi vào quên lãng, dù trước đây đã có rất nhiều người yêu mến và ca ngợi chị. Trong suốt 40 năm sống nhờ vào sự trợ giúp của vị ân nhân độc tài và gàn dở, trước hết chị bị mọi người ghét bỏ, sau đó chẳng còn ai lưu tâm đến chị nữa. Lúc chị qua đời, người ta hoàn toàn bất ngờ khi hay tin này, vì người ta đinh ninh rằng chị đã chết từ lâu rồi…

Suốt 40 năm cuối đời của chị là một chuỗi những nhục nhã trường kỳ : hạn chế tiếp khách, ngoại trừ với cha giải tội đã được chỉ định, hạn chế ra ngoài, luôn có một chị em được giao trách nhiệm kiểm soát mọi hành động của chị ; cấm các chị em tới gần ngay cả trong những lúc chị bệnh hoạn. Chị tự giam mình trong tình trạng tĩnh lặng, xem mình như kẻ tội lỗi phải gánh chịu tất cả, và cầu nguyện trong cô tịch. Mãi đến khi chị qua đời, những dư luận trước kia dân chúng áp đặt cho chị nay hoàn toàn đổi thay. Chị được mai táng tại nghĩa trang của tu viện, sau đó cải táng đến nguyện đường. Dân chúng thường đến cầu nguyện trên mộ của chị và nhiều phép lạ đã xảy ra. Dân thành Phe-ra-rê tôn nhận chị làm đấng bảo trợ, và hiện nay thi hài của chị được đặt tại nhà thờ chính tòa của thành phố, nơi đây trở thành mục tiêu của các cuộc viếng thăm. Người ta có thể nhìn thấy vết đinh được in dấu trên bàn tay của chị. Ðức Cơ-lê-men-tê XI đã tôn phong chị lên bậc chân phước năm 1710.

Lời nguyện : Lạy Chúa là Ðấng rất mực thánh thiện, Chúa đã trang điểm cách tuyệt vời cho chân phước Lu-xi-a bằng những dấu tích cuộc Vượt qua của Con Chúa và bằng những ân huệ của đức trinh khiết và lòng kiên nhẫn. Nhờ lời cầu bầu của người, xin cho chúng con đừng bao giờ bị khuất phục bởi những nghịch cảnh hay những cám dỗ thế trần. Chúng con cầu xin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *