Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
THÁNH RÂY-MUN-ÐÔ PÊ-NHA-PHO (1175-1275) Linh mục – Lễ nhớ
Lời Chúa: 1 Ga 5,14-21, Ga 2,1-11
Bài đọc 1: 1 Ga 5,14-21
Bài trích thư thứ nhất của thánh Gio-an tông đồ.
Anh em thân mến,
lý do khiến chúng ta được mạnh dạn
trước mặt Thiên Chúa, đó là :
Người nhậm lời chúng ta, khi chúng ta xin điều gì hợp ý Người.
Nếu chúng ta biết rằng Người nhậm mọi lời chúng ta xin,
thì chúng ta cũng biết rằng
chúng ta sẽ được những gì chúng ta đã xin Người.
Nếu ai biết anh em mình phạm thứ tội
không đưa đến cái chết, thì hãy cầu xin,
và Thiên Chúa sẽ ban sự sống cho người anh em ấy ;
đó là nói về những ai phạm thứ tội không đưa đến cái chết.
Có một thứ tội đưa đến cái chết,
tôi không bảo phải cầu xin cho thứ tội ấy.
Mọi điều bất chính đều là tội,
nhưng có một thứ tội không đưa đến cái chết.
Chúng ta biết rằng phàm ai đã được Thiên Chúa sinh ra,
người đó không phạm tội ;
nhưng có Đấng Thiên Chúa đã sinh ra giữ gìn người ấy,
và Ác thần không đụng đến người ấy được.
Chúng ta biết rằng chúng ta thuộc về Thiên Chúa,
còn tất cả thế gian đều nằm dưới ách thống trị của Ác thần.
Chúng ta biết rằng Con Thiên Chúa đã đến
và ban cho chúng ta trí khôn để biết Thiên Chúa thật.
Chúng ta ở trong Thiên Chúa thật,
ở trong Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô.
Đức Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa thật và là sự sống đời đời.
Hỡi anh em là những người con bé nhỏ,
hãy tránh xa các tà thần !
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 2,1-11)
1 Khi ấy, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su. 2 Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự. 3 Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người : “Họ hết rượu rồi.” 4 Đức Giê-su đáp : “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi ? Giờ của tôi chưa đến.” 5 Thân mẫu Người nói với gia nhân : “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.”
6 Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. 7 Đức Giê-su bảo họ : “Các anh đổ đầy nước vào chum đi !” Và họ đổ đầy tới miệng. 8 Rồi Người nói với họ : “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Họ liền đem cho ông. 9 Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại 10 và nói : “Ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ.” 11 Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.
Gia đình hạnh phúc khi Chúa ngự trị (07.01.2023)
Ghi nhớ:
“Đức Giê-su đã làm phép lạ đầu tiên này tại Ca-na-an miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người” (Ga 2, 11).
Suy niệm:
Chuyện kể về Đức thánh Giáo Hoàng Pio X như sau: “Vào năm 1884. Ngay sau khi được tấn phong Giám Mục làm Giám Mục Giáo Phận Mantova nước Ý. Theo thông lệ thường tình thì sau vài ngày nhận chức. Đức Cha mới sẽ trở về quê hương, vinh quy bái tổ để dâng thánh lễ tạ ơn. Khi thánh lễ kết thúc, Đức Tân Giám Mục về gia đình để thăm người mẹ già yếu tại làng Riese. Vừa vào đến nhà Ngài hởn hở khoe với thân mẫu rằng:
Mẹ ơi, mẹ xem chiếc nhẫn Giám Mục của con này, nó đẹp không mẹ?
Lúc đó mẹ Ngài không trả lời ngay, vừa mỉm cười nhân hậu, vừa từ từ rút chiếc nhẫn cưới đang đeo ở tay của mình ra rồi chỉ vào và nói:
Con ơi. Nếu không có chiếc nhẫn cưới xấu xí này của mẹ thì làm sao con có được chiếc nhẫn Giám Mục đẹp đẽ kia!
Thành ngữ Việt Nam có câu: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” nghĩa là; việc tính toán là chuyện của con người, còn sự thành bại lại nằm ở sự định đoạt nơi Thượng Đế. Khi tổ chức đám cưới thì chắc chắn vị chủ hôn nào cũng phải tính toán, cân nhắc rất kỹ lưỡng xem khách mời là bao nhiêu người, do vậy cần phải làm bao nhiêu mâm cỗ để thiết đãi khách và mỗi mâm cỗ cần bao nhiêu rượu để đủ cho thực khách dùng. Nhưng không biết vì lý do gì mà tiệc cưới hôm nay, nửa chừng lại hết rượu. May mắn và hạnh phúc cho nhà đám là hôm nay, trong bữa tiệc này có Đức Giê-su và Đức Mẹ tham dự, và rồi qua lời bầu cử của Đức Mẹ, Đức Giê-su làm phép lạ hoá nước thành rượu để cứu cho nhà đám cũng như đôi tân hôn khỏi thất bại bẽ bàng.
Chúa Giê-su đến thế gian với sứ mệnh: Chữa lành và khôi phục lại những gì đã hư mất: “ Tôi đến không phải để giết nhưng để tìm kiếm và cứu chữa gì đã hư mất”. Thật vậy; Ngay từ thuở ban đầu, khi tạo dựng con người Thiên Chúa đã tác tạo nên một nam và một nữ, chúc phúc cho họ thành một đôi hôn phối đầu tiên đó là Adam và Eva. Những tưởng rằng họ sẽ vâng phục Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên mình để được sống hạnh phúc viên mãn trong vườn đia đàng. Nhưng tổ tiên loài người đã phản bội Thiên Chúa; nghe lời Ma Quỷ ăn trái cấm để rồi đánh mất tất cả những ân huệ Chúa ban. Từ đó tội lỗi và đổ vỡ đã tràn vào thế gian.
Thế Giới ngay nay mà cụ thể là ở trong xã hội Việt Nam của chúng ta, theo một thông kê người ta đưa ra những con số đáng báo động là: Cứ 100 đôi hôn nhân thì có khoảng 20 đôi tan vỡ. Hậu quả của việc cha mẹ ly dị đẩy những đứa con vào cuộc sống thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần, thiếu sự quan tâm chăm sóc và dạy dỗ. Người ta cũng đưa ra một bằng chứng; đó là phần lớn những trẻ em phạm pháp đều xuất phát từ những gia đình đổ vỡ này.
Chúa Giê-su Giáng Thế trong một Gia Đình, Ngài có Mẹ là Đức Maria có Cha là Ông Thánh Giu-se. Và tất cả mọi thành viên trong Gia Đình Thánh này đều có chung một chí hướng, đó là thi hành triệt để Thánh ý Đức Chúa Cha. Như vậy khi nhập thế vào trần gian, trước hết Đức Giê-su muốn giới thiệu cho nhân loại một Tấm gương lớn để nhân loại bắt chước noi theo: Đó là Tấm Gương Thánh Gia Thất. Mà ở trong đó mọi thành viên đều một lòng lắng nghe và thực thi thánh ý Thiên Chúa Cha.
Trên hết mọi sự, muốn cho gia đình được hạnh phúc thì mọi thành phần trong gia đình. Đặc biệt là vợ và chồng phải xin Chúa đến ngự trị trong gia đình mình hay nói cách khác là họ phải sống trong tinh thần của Chúa Giê-su qua lời dạy bảo của Ngài: “Người nói gì các anh cứ làm theo”. Mà Đức Giê-su bảo gì? Ngài bảo chúng ta phải dẹp bỏ cái tôi ích kỷ của mình, phải đi phục vụ chứ không bắt người khác phục vụ mình, phải chịu đựng và tha thứ cho anh em như chính Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Trong lãnh vực gia đình mà thực hành được những điều Chúa dạy đó thì làm sao gia đình có thể đổ vỡ được? Một điều quan trọng và cần thiết nữa mà các thành viên trong gia đình phải để ý quan tâm: Đó là luôn đặt Đức Mẹ ở một vị trí cao trọng trong tâm hồn của mình để được Mẹ an ủi, để được bảo vệ chở che và nhất là để Mẹ đưa chúng ta đến với Chúa là nguồn mọi ân sủng và hạnh phúc đích thực.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su, ngày nay con người ta sống thực dụng, ích kỷ, trong phạm vi gia đình thì người ta đòi hỏi quyền lợi hơn là cố găng chu toàn bổn phận và trách nhiệm. Xin Chúa hãy đến và ngự lại luôn mãi trong mọi gia đình để nhờ có Chúa ban ân sủng mà mọi thành phần trong gia đình sẽ sống xứng đáng trong vai trò của mình, hầu ngay ở trần gian này họ cũng tìm được hạnh phúc trước khi được Chúa ban thưởng hạnh phúc vĩnh cửu đời sau. Amen.
Sống Lời Chúa:
Chu toàn bổn phận và trách nhiệm, sống để mang lại niềm vui và hạnh phúc cho mọi người.
Đaminh Trần Văn Chính.
Nhạy bén trước nỗi khổ của người khác (07.01.2017)
1. SUY NIỆM
Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại sự kiện phi thường đã diễn ra tại một đám cưới ở thành Ca-na, miền Ga-li-lê, khi Đức Giê-su vừa công khai thi hành sứ vụ của Người.
Chủ nhân đám cưới có lẽ là người bà con, họ hàng với Đức Maria; vì thế Mẹ đã hiện diện ở đấy và tỏ ra thân thiết với gia đình họ; Đức Giê-su và các môn đệ cũng có mặt ở đó. Tin mừng thuật lại: Giữa bữa tiệc thì nhà đám hết rượu. Nỗi khổ tâm và xấu hổ sẽ dằn vặt tâm trí của chủ nhà, nhất là đối với chú rể, nếu sự việc “hết rượu” được loan báo; thay vì hân hoan vui sướng trong những lời chúc mừng tân hôn của khách, thì giờ đây, họ đang phải đối mặt với nỗi nhục vì không còn rượu để thiết đãi nữa.
Thế nhưng, rượu ngon lại được gia nhân mang ra tiếp đãi, niềm vui của tiệc cưới vẫn tiếp diễn; hương vị thơm nồng của rượu ngon lan tỏa khiến mọi người chú ý, nhất là người quản tiệc; họ ngỡ ngàng vì rượu ngon đã bị cất dấu đến tận lúc này; sự việc xảy ra không một ai hay biết, ngoại trừ Đức Ma-ri-a và người gia nhân đã múc nước từ chum đá mà Đức Giêsu đã sai đổ đầy. Chủ nhà và chú rể cũng không ngờ mình vừa được cứu thoát khỏi “nỗi nhục nhã” vì hết rượu tiếp đãi khách dự tiệc cưới giữa chừng.
Sự can thiệp của Đức Ma-ri-a:
Trình thuật Tin Mừng cho thấy Đức Ma-ri-a đã có sự đồng cảm với chủ hôn và chú rể về gia cảnh “nghèo”; Mẹ quan tâm đến họ với tình yêu thương chân thành, Mẹ đến dự tiệc cưới để chia sẻ niềm vui cùng tân lang, nhưng khi phát hiện họ thiếu rượu, Mẹ chạnh lòng thương, đã chủ động cậy nhờ Đức Giêsu cứu giúp; Mẹ cầu bầu cùng Đức Giêsu và hy vọng Người có cách giúp họ thoát khỏi tình huống khó khăn này, vì Mẹ tin tưởng. Đức Ma-ri-a cảm thông với cảnh nghèo túng của họ, Mẹ mong muốn niềm vui tiệc cưới của họ được trọn vẹn và hạnh phúc hôn nhân của họ được nhân rộng; do đó, Mẹ đã chủ động trình bày với Đức Giêsu tình huống khó khăn của họ với con Mẹ, mà không cần người ta cầu xin.
Thái độ của Đức Giêsu:
Khi nghe thân mẫu nói: “Họ hết rượu rồi”, Đức Giê-su đọc được ý muốn tốt lành của người; và dù chưa đến lúc tỏ hiện sứ mệnh Cứu độ của Đấng Thiên Sai nơi con cái Ít-ra-en, Người cũng đã ban ơn lành cho Tân lang của tiệc cưới theo lời chuyển cầu của Đức Ma-ri-a, để làm đẹp lòng Mẹ Người; Người đã làm cho nước lã hóa thành rượu ngon.
Lòng tin nhân rộng
Mặc dù nghe Đức Giê-su nói như có ý không muốn can dự vào tình huống đang diễn ra, nhưng Đức Maria cảm nhận được lòng nhân hậu, thương xót của Đức Giê-su trong vai trò Đấng Mê-si-a; Mẹ tin Người sẽ tra tay cứu giúp, và với lòng tin mạnh mẽ ấy, Đức Ma-ri-a nói với các gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Tin tưởng vào Đức Ma-ri-a, các gia nhân đã tin tưởng tuyệt đối lời truyền của Đức Giêsu và họ làm theo. Dấu lạ đã xẩy ra, nước hóa thành rượu ngon; niềm vui, hạnh phúc và ân sủng đã tuôn đổ xuống cho một gia đình.
Gia đình là tế bào, là thành thần cốt lõi của xã hội nhân loại. Qua hình ảnh tiệc cưới Ca-na, Thiên Chúa đã chúc phúc cho Gia đình qua trung gian Đức Ma-ri-a; vì Mẹ hằng quan tâm yêu thương và trợ giúp gia đình trong những tình huống khó khăn; Mẹ can thiệp để duy trì hạnh phúc hôn nhân gia đình.
Đức Giê-su đã bày tỏ vinh quang của Người trong khung cảnh một gia đình. Người đã đem lại niềm vui và hạnh phúc cho họ. Đây cũng chính là hình ảnh của gia đình nhân loại, Đức Giêsu muốn đem lại hạnh phúc vĩnh cửu cho muôn dân, muôn nước; Người tự nguyện làm con Đức Ma-ri-a và thông qua tấm lòng từ mẫu Ma-ri-a Người sẵn sàng ban phát ân sủng cho con người, khi được mẹ yêu cầu. Đức Ma-ri-a đã hiệp công cùng Con chí thánh để trao an ân sủng cho những ai hết lòng tin tưởng yêu mến và thực thi giáo huấn của Người..
Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:
Tin tưởng Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ trần gian; về thiên tính: Người là Con Thiên Chúa; Người quyền năng, giàu lòng hương xót và sẵn sàng ban phát ơn cứu độ cho những ai tin tưởng, yêu mến tiếp đón Người; về nhân tính: Người là con Đức trinh nữ Ma-ri-a; Người rất yêu mến thân mẫu và sẵn lòng làm vui lòng thân mẫu, khi mẹ Người cầu xin. Là con người yếu đuối, tội lỗi, thường hèn; hãy tin tưởng yêu mến Đức Giêsu và Mẹ Ma-ri-a, khiêm tốn chạy đến với Mẹ để nhờ Mẹ chuyển cầu lên Con Chí Thánh của Mẹ những nhu cầu chính đáng trong cuộc sống.
2. CẦU NGUYỆN
Lạy thân mẫu Đức Giêsu Kitô, cũng là thân mẫu chúng con; xin cho con nhận ra sự hiện diện của Mẹ trong công trình Cứu Độ nhân loại của Chúa Giêsu Kitô, để con biết cậy nhờ Mẹ mà đến với Đấng Cứu Độ. Đồng thời, xin cho con biết noi gương, bắt chước Mẹ mà quan tâm đến nhu cầu chính đáng của những người xung quanh nhất là những người gặp cảnh khó, cơ nhỡ .
3. SỐNG TIN MỪNG
“Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” Khiêm tốn lãnh nhận lời ban sự sống của Đức Kitô và can đảm thực hiện trong môi trường sống hằng ngày.
***
Dấu lạ
Sau biến cố Giáng Sinh, có thể coi ba biến cố sau đây như ba cách hiển linh của Chúa Giêsu.
1)- Chúa Giêsu tỏ ra Người là Đấng Cứu Thế của toàn thể nhân loại (qua ba nhà chiêm tinh phương Đông).
2)- Chúa Giêsu được Chúa Cha và Chúa Thánh Thần thánh hiến và sai đi (qua việc Ngài chịu phép rửa của Gioan Tẩy giả).
3)- Chúa Giêsu đã “bày tỏ vinh quang của Ngài; và các môn đệ đã tin vào Ngài” (qua phép lạ đầu tiên tại tiệc cưới Cana).
Như lời thánh Gioan viết : Chúa Giêsu đã “bày tỏ vinh quang của Ngài, và các môn đệ đã tin vào Ngài.” Phép lạ tại Cana :
a) Là một dấu lạ để “bày tỏ vinh quang của Ngài”
Tin Mừng Thứ 4 của thánh Gioan dùng từ dấu lạ để nói về những phép lạ của Chúa Giêsu. Dấu lạ là một sự kiện mắt thấy tai nghe, giúp con người nhận ra căn tính sự kiện sau khi chứng kiến hoặc nghe kể về sự kiện ấy. Sự kiện Chúa Giêsu làm phép lạ bánh và cá hóa nhiều để nuôi đám đông dân chúng (Ga 6) : dấu chỉ cho con người thấy Ngài là bánh ban sự sống. Chúa Giêsu chữa lành một người mù bẩm sinh (Ga 9) : dấu chỉ nhờ đó con người biết Ngài là ánh sáng thế gian. Dấu lạ Cana mở đầu cho một loạt những dấu lạ khác, nhưng tất cả đều được quy vào cùng một mục đích là bày tỏ vinh quang của Chúa Giêsu và tạo niềm tin vào Ngài, là Đấng Thiên Sai, sẽ hy sinh mạng sống mình để xóa bỏ tội lỗi nhân loại, nhất là “bày tỏ vinh quang của Ngài” vào thời điểm gọi là “giờ”. Chính vào “giờ” thế gian tưởng thắng được Chúa Giêsu khi Ngài chết trên thập giá (x. Ga 12,27), lại là lúc Ngài chiến thắng tội lỗi và cái chết (x. Ga 12,23) mà về với Chúa Cha (Ga 13,1).
b) “Các môn đệ đã tin vào Chúa Giêsu”
Thường tình, có lẽ sự kiện nước lã hóa rượu ngon, những người chứng kiến hẳn đang khâm phục Chúa Giêsu. Song, điều quan trọng nhất ở đây mà thánh sử Gioan muốn nói đến, đó là “các môn đệ đã tin vào Chúa Giêsu”. Cuộc Hiển Linh tại tiệc cưới Cana, các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu đã được diễm phúc nhận biết Chúa Giêsu là ai và sẽ làm gì. Tại tiệc cưới Cana, mặc dù “giờ” của Chúa Giêsu chưa đến, nhưng Ngài đã tỏ ra cho con người biết trước quyền năng của Ngài mà lẽ ra phải chờ khi Ngài treo trên thập giá (x. Pl 2,6-11).
Nhưng để thực sự nhận biết Ngài là Con Một Thiên Chúa, là “dung mạo Lòng Thương Xót của Chúa Cha” [1] tỏa sáng trên trần gian, để tỏ cho con người ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa, con người còn phải đi theo làm môn đệ và trở nên chứng nhân Lòng Thương Xót trên khắp cùng bờ cõi trái đất (x. Mc 16,15). Và như Chúa Giêsu, tới lượt con người cũng sẽ đem ân sủng và tình yêu Thiên Chúa Cha, Đấng giàu Lòng Thương Xót (x. Ep 2, 4), đến cho những người anh chị em khắp nơi trên thế giới, vì “Lòng Thương Xót là lời mặc khải mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh. Lòng Thương Xót là hành động chung cuộc và tối thượng, qua đó Thiên Chúa đến với chúng ta. Lòng Thương Xót là luật căn bản được đặt vào trái tim của những ai biết dùng đôi mắt chân thành để nhìn vào người anh chị em gặp thấy trên đường đời. Lòng Thương Xót là con đường nối kết Thiên Chúa với con người, hướng lòng chúng ta về niềm hy vọng sẽ được yêu thương luôn mãi, bất chấp tội lỗi của chúng ta” [2].
c) Sứ điệp
Dấu lạ Cana không chỉ cho thấy việc làm của Chúa Giêsu đã “bày tỏ vinh quang của Ngài, và các môn đệ đã tin vào Ngài”, mà còn cho thấy vai trò khẩn thiết của Mẹ Maria trong việc -cùng với Chúa Giêsu- thông ban Ơn Cứu Độ cho con người. Tính khẩn thiết này, thánh viện phụ Bernard đã diễn tả như cả loài người đang chờ đợi tiếng ‘xin vâng’ của Mẹ trả lời với sứ thần Gabriel, để Ơn Cứu Độ mau xảy đến, dù “Giờ” chưa đến. Thánh viện phụ Bernard [3] viết :
“Ôi lạy Mẹ dịu dàng nhân ái, tổ tiên loài người là Ađam khóc lóc dầm dề, cầu xin Mẹ trả lời, vì ngài đã bị trục xuất khỏi vườn địa đàng cùng với đoàn con cháu khốn cùng. Tổ phụ Abraham van xin Mẹ trả lời, vua Đavid van xin Mẹ trả lời, các vị tổ phụ khác, cả tổ tiên của Mẹ nữa, cũng van xin Mẹ trả lời. Những người còn ở nơi chốn tối tăm sự chết, tất cả đều khẩn khoản cầu xin Mẹ trả lời. Toàn thể thế giới phủ phục dưới chân Mẹ, chờ đợi câu trả lời đó … Lạy Mẹ, xin đừng chậm trễ nữa, xin Mẹ trả lời đi. Lạy Mẹ, xin nói nên lời mà thế giới, hỏa ngục, cả thiên đàng nữa… đang đợi chờ”.
Thật vậy, nhờ Mẹ Maria nói với Chúa Giêsu : “Họ hết rượu rồi”. Dù Chúa Giêsu cho biết : “Giờ” của Ngài chưa đến. Chúa Giêsu nói thế, tưởng thế nhưng không thế. Chúa Giêsu đã làm theo đức tin của Mẹ khi Mẹ đã nói với những người giúp việc : “Ngài bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Quả thế, do sự can thiệp của Mẹ, dấu lạ đã được thực hiện, rượu mà Chúa Giêsu đã biến ra từ nước lã còn ngon hơn cả rượu ngon nhất mà chủ tiệc đã thết đãi từ đầu. Sáu chum nước lã, tương đương 720 lít, một dung lượng không nhỏ.
Cứ xem đó thì biết Mẹ Maria thương yêu quan tâm lo lắng cho con người biết bao. Nên, trong cuộc sống, đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót này, “chúng ta hãy hướng về Mẹ trong lời kinh Salve Regina, một lời cầu nguyện luôn cổ kính và mới mẻ, để Mẹ không mệt mỏi ghé mắt xót thương nhìn đến chúng ta, và làm cho chúng ta xứng đáng để chiêm ngưỡng khuôn mặt của lòng thương xót, là Chúa Giêsu Con của Mẹ” [4].
M. FranÇois De Sales, An Phước
[1] Tông sắc Misericordiæ Vultus, số 1 [2] Tông sắc Misericordiæ Vultus, số 2 [3] Tuyển tập Tôn Vinh Mẹ, An Phước 2015, tr. 27 [4] Tông sắc Misericordiæ Vultus, số 24