Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu
Theo triết học Khổng Tử, một trong ngững yếu tố làm nên người quân tử là lòng trung thành, cụ thể là “trung quân, ái quốc”. Tuy nhiên, xét theo nghĩa rộng hơn, lòng trung thành còn được thể hiện trong mối quan hệ chủ – tớ. Kẻ tôi tớ là người làm công, phải hết lòng và tuyệt đối trung thành với ông chủ của mình. Chính lòng trung thành ấy sẽ đem lại cho họ phần thưởng vô cùng cao quý: lòng tin của ông chủ. Bất cứ thứ gì muốn chứng tỏ mình đều phải trải qua thử thách, lòng trung thành cũng không ngoại lệ. Chỉ trừ Thiên Chúa ra, vũ trụ này chẳng có gì là bất biến, mọi thứ đều sẽ thay đổi. Chính vì lẽ đó, nếu không được rèn luyện bằng gian nan, lòng trung thành sẽ mai một và trôi dần theo cát bụi thời gian. Vậy thử thách là gì mà lại có thể tôi luyện được lòng trung thành?
Đức Phật có nói: “Đời là bể khổ”. Quả đúng như thế, cuộc đời vốn không hề bằng phẳng, nó chứa đầy chông gai và vô vàn khó khăn, đòi hỏi con người phải vượt qua. Khi cuộc đời trôi qua một cách êm đềm, chắc chắc nó sẽ vô cùng nhàm chán. Thử nghĩ xem, nếu con người cứ sống lặng lẽ từ khi sinh ra đến lúc yên vị dưới ba tấc đất, cuộc sống chẳng hề có điểm nhấn, chẳng phải nó quá vô vị sao? Không chỉ vậy, nếu không có khó khăn, thử thách, chắc chắn người ta sẽ không biết quý trọng những phút giây quý giá khi họ còn hiện diện trên cõi trần ai này. Có thể nói, con người chỉ có thể trưởng thành hơn khi vấp ngã, vì “Thất bại là mẹ thành công”. Do đó, càng vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, con người mới có thể lãnh nhận phần thưởng thực sự: Thành công.
Dân gian có câu “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, sống trên đời, chẳng ai mong muốn mình gặp chuyện chẳng lành. Thế nhưng, bất công không chừa một ai, ai có thể khẳng định một cách chắc nịch rằng: Tôi không bao giờ gặp khó khăn? Nếu có người quả quyết như vậy, xin dám khẳng định rằng, họ là những kẻ chưa trưởng thành, hay đúng hơn là “những đứa trẻ to xác”.
Mỗi người đều được Chúa “tặng” cho một cây thập giá, để chúng ta vác nó mọi ngày trong suốt cuộc đời. Đôi khi, người ta cảm thấy nó quá nặng, nặng đến nỗi nhiều người đã bỏ cuộc và đánh mất lòng tin vào Người. Chúng ta có bao giờ tự hỏi, liệu Chúa có quá đáng lắm chăng? Thưa, không đâu, Người thấu suốt mọi sự, Người biết rõ sức chịu đựng cũng như khả năng của từng người trong chúng ta. Trong bài Tin mừng hôm nay, tại sao ông chủ – Thiên Chúa – không ban cho mọi người số “nén bạc” như nhau, mà có kẻ mười nén, có người năm nén, kẻ khác lại một nén…? Liệu điều đó có phải bất bình đẳng không? Thưa không, đó gọi là công bằng.
Công bằng là vì mỗi cây thập giá Chúa ban đều phù hợp với khả năng của mỗi người, chẳng ai quá nhẹ, cũng chẳng ai quá nặng. Vấn đề nằm ở chỗ, họ có đủ trung thành vác cây thập giá ấy theo Chúa đến cùng hay không mà thôi. Chúa không bỏ rơi một ai cả, Người ở cùng mỗi người chúng ta trong từng suy nghĩ, từng hành động và từng biến cố trong cuộc đời. Nếu mỗi người biết nhận thức rằng, mọi thử thách trong cuộc sống đều có sự hiện diện của Thiên Chúa – một ông chủ tuyệt vời, một người cha nhân hậu – thì hẳn họ sẽ yên tâm đối diện với khó khăn đó. Đương nhiên, một khi đã vượt qua, phần thưởng của chúng ta chẳng hề nhỏ bé tí nào: “Ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi”.
Mỗi người chúng ta hãy tự suy xét lại bản thân, xem mình có thực sự là những người đầy tớ trung tín hay chưa. Có bao giờ niềm tin và lòng trung thành của chúng ta bị lung lay khi những thử thách bất ngờ ập đến hay không? Đừng lo sợ, Chúa biết sự yếu đuối, mỏng manh của con người, nên chắc chắn việc vác cây thập giá Chúa ban đều nằm trong khả năng của mình; quan trọng là, chúng ta có biết chạy đến với Người hay không mà thôi.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết trung thành vác thánh giá theo chân Ngài. Dù khó khăn, dù gian lao vất vả, nhưng chỉ cần có Ngài ở bên, lòng chúng con không còn chút lo lắng hay ưu phiền. Xin ban cho chúng con thêm sức mạnh, để chúng con có thể đủ sức vượt qua những thử thách Ngài ban, hầu có thể nhận những phần thưởng bội hậu của Ngài. Amen.